Loài Người (02): Linh Hồn

7,757 views

Loài Người (02): Linh Hồn

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

Dẫn Nhập

Danh từ “linh hồn” trong tiếng Việt chỉ về bản ngã của loài người, được cho là phần thiêng liêng vô hình, vẫn tồn tại sau sự chết của thể xác. Hầu hết các dân tộc khác cũng tin như vậy. Mặc dù quan niệm về linh hồn của mỗi dân tộc hoặc mỗi tín ngưỡng, tôn giáo có những điểm khác nhau; nhưng hầu như có một điểm chung, là tin rằng, sau khi thể xác chết đi, linh hồn sẽ nhận lãnh sự thưởng phạt cho mỗi việc một người đã làm ra, trong lúc linh hồn còn ở trong thân thể xác thịt. Triết lý của Phật Giáo dù phủ nhận linh hồn nhưng vẫn tin rằng, tùy theo những việc làm thiện hay ác trong khi còn sống, mà một người sau khi chết sẽ tái sinh vào những cảnh đời tốt xấu khác nhau. Sự tái sinh và chuyển kiếp đó, được Phật Giáo gọi là luân hồi trong vòng sinh tử, và cho rằng, có thể kéo dài đến hằng hà sa số kiếp (nhiều như cát trên bờ sông Hằng ở Ấn Độ).

Quan niệm hay tín ngưỡng sai lầm về linh hồn dẫn đến những sự mê tín, dị đoan, cúng thờ người chết hoặc thông linh với người chết (cầu hồn); đồng thời dẫn đến việc xem thường mạng sống của người khác và của chính mình. Thí dụ: Người tin vào thuyết luân hồi sẽ dễ dàng chọn sự tự tử để tránh khỏi những hoàn cảnh quá đau khổ ngay trước mắt, hy vọng có thể làm lại cuộc đời trong một kiếp khác. Người tin vào thuyết luân hồi cũng có thể dửng dưng trước sự bất hạnh của những người khác, vì cho rằng những người đó đang chịu khổ để đền bù cho những việc ác mà họ đã làm trong các kiếp trước. Nếu cứu giúp họ, thì sẽ làm cản trở việc đền tội của họ, khiến cho họ chậm tái sinh vào một kiếp sống tốt hơn.

Điều quan trọng, là nếu một người không có sự hiểu biết đúng về linh hồn và ân điển cứu chuộc của Đức Chúa Trời, thì người ấy sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Chắc chắn là Sa-tan dự phần đắc lực trong việc tạo ra các triết lý và tôn giáo giảng dạy sai lầm về linh hồn.

Thánh Kinh gọi mỗi vật sống có hơi thở là một sanh linh, nghĩa là các loài thú và loài người đều là những linh hồn sống. Tuy nhiên, xác thịt của loài thú khác với xác thịt của loài người như thế nào, thì linh hồn loài thú cũng khác với linh hồn loài người như thế ấy. Trước khi đi vào chi tiết những gì Thánh Kinh dạy về linh hồn loài người, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ “linh hồn” được dùng trong Thánh Kinh.

Ý Nghĩa của Từ Ngữ Linh Hồn Trong Thánh Kinh

Chúng ta đã biết, ngoại trừ khoảng 250 câu được viết bằng tiếng A-ra-mai [1], phần còn lại của Thánh Kinh được viết bằng hai ngôn ngữ cổ. Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ và Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp. Từ ngữ “linh hồn” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “nephesh” /né-phit-sh/, H5315. Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “psuchē” /xu-khê/, G5590. Cả hai từ ngữ này đều mang nhiều nghĩa khác nhau, tùy theo văn mạch:

1. Khi đi kèm với tính từ “sống” có thể dịch là “sanh linh” hoặc “linh hồn sống” để gọi chung linh hồn và thể xác:

“Thiên Chúa lại phán rằng: Nước hãy có nhiều bầy vật có linh hồn sống và di động; và hãy có loài chim bay phía trên mặt đất, trong khoảng không trên trời!” (Sáng Thế Ký 1:20).

“Thiên Chúa sáng tạo những khủng long biển; mọi linh hồn sống và động mà nước sinh ra thật nhiều tùy theo loại; mọi loài chim tùy theo loại. Thiên Chúa thấy điều đó là tốt lành.” (Sáng Thế Ký 1:21).

“Thiên Chúa lại phán: Đất phải sinh ra linh hồn sống tùy theo loại: súc vật, côn trùng, và vật sống của đất tùy theo loại! Thì có như vậy.” (Sáng Thế Ký 1:24).

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Xem thêm: Sáng Thế Ký 2:19; 9:12, 15-16 (Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012 [A]).

Qua những câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy các loài sinh vật trong nước, các loài súc vật, côn trùng, thú rừng, và loài người đều được gọi là  linh hồn sống. Thánh Kinh Việt ngữ Bản Dịch Truyền Thống dùng danh từ “vật sống” trong các câu Sáng Thế Ký 1:20, 21, 24; 9:10, 12 và dùng nhóm chữ “các loài xác thịt có sự sống” trong các câu Sáng Thế Ký 9:15-16 cho loài vật và chỉ dùng danh từ “sanh linh” cho loài người trong Sáng Thế Ký 2:7. Phân biệt như vậy là không đúng; bởi vì, trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ Thánh Kinh chỉ dùng chung một danh từ ghép “chay” /khai/, H2416 (sống) “nephesh” /né-phit-sh/, H5315 (linh hồn) cho cả các loài vật và loài người. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012 đã sửa chữa lỗi này [A].

2. Có thể dịch là “mạng sống”, “sự sống”:

“Vì mạng sống của mọi xác thịt ở trong máu; Ta đã cho các ngươi máu rưới trên bàn thờ để làm lễ chuộc tội cho linh hồn của các ngươi; vì nhờ máu mà chuộc tội cho linh hồn.” (Lê-vi Ký 17:11).

Giô-na-than kết giao ước cùng Đa-vít, bởi vì yêu mến người như mạng sống mình.” (I Sa-mu-ên 18:3).

“Đức Chúa Jesus phán với môn đồ rằng: Ấy vậy, Ta nói với các ngươi, đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn, cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc.” (Lu-ca 12:22).

Xem thêm: Lê-vi Ký 17:14; Công Vụ Các Sứ Đồ 20:10.

3. Có thể dịch là “linh hồn” để chỉ về phần vô hình thuộc linh, tức bản ngã của loài người:

“Vì Ngài sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để người thánh của Ngài thấy sự hư hại.” (Thi Thiên 16:10).

“Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28).

Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy.” (Khải Huyền 6:9).

Xem thêm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13; Thi Thiên 30:3; 84:2; 139:14; Ê-sai 26:9; 53:11; Ma-thi-ơ 11:29; 16:26; 22:37; Lu-ca 1:46; Lu-ca 21:19; Công Vụ Các Sứ Đồ 2:27; 4:32; Phi-líp 1:27; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 4:12; 6:19; 10:39; 12:3; I Phi-e-rơ 2:11; III Giăng 2; Khải Huyền 20:4.

Ngoài nghĩa rộng là “mạng sống” hay “sự sống”, từ ngữ linh hồn khi được dùng cho loài người có ý nói đến một thực thể gọi là loài người, được Thiên Chúa sáng tạo cách đặc biệt. Linh hồn chính là loài người. Hai câu dưới đây đều có cùng một nghĩa như nhau:

(1) A-đam có một thân thể xác thịt ra từ bụi đất và một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần, ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa.

(2) Linh hồn A-đam có một thân thể xác thịt ra từ bụi đất và một thân thể thiêng liêng, gọi là tâm thần, ra từ hơi thở sống của Thiên Chúa.

Không phải A-đam có linh hồn, có thân thể xác thịt, và có thân thể thiêng liêng, mà là A-đam chính là một linh hồn; linh hồn đó có một thân thể xác thịt và một thân thể thiêng liêng. Trong Thánh Kinh chúng ta vẫn thường gặp cách dùng chữ “linh hồn của tôi”. Tuy nhiên, ý nghĩa của nhóm chữ đó không có nghĩa là “tôi có một linh hồn”; mà có nghĩa là “mạng sống của tôi” hoặc “trong nơi sâu kín của bản ngã tôi”.

Khi Đức Chúa Jesus Christ phán: “Linh hồn Ta buồn bực cho đến chết!” (Ma-thi-ơ 26:38) là Ngài muốn nói rằng, sự buồn bực thấm sâu vào tận nơi sâu kín của bản ngã Ngài, tức là sự buồn bực bao phủ mọi suy tư, tình cảm, và ý chí của Chúa.

Nguồn Gốc của Linh Hồn

Linh hồn loài người lần đầu tiên xuất hiện chỉ có một, do sự sáng tạo của Thiên Chúa. Thánh Kinh chép rằng:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Sự so sánh sau đây dù không hoàn hảo, nhưng phần nào giúp cho chúng ta có thể hiểu về sự hình thành của linh hồn:

Điện lực từ máy phát điện, qua dây dẫn điện, vào trong bóng đèn điện, làm cho tim đèn được đốt nóng và phát ra ánh sáng. Nếu vì một lý do gì, dây dẫn điện bị cắt hoặc bóng điện bị vỡ thì ánh sáng không còn phát ra, nhưng ánh sáng đã phát ra trước đó thì vẫn còn lại và đi mãi vào không gian với tốc độ 300.000 km một giây đồng hồ.

Hơi thở sống của Thiên Chúa được thổi vào trong hình thể nắn từ bụi đất, khiến cho hình thể bụi đất biến thành hình thể xác thịt, cùng lúc, hơi sống của Thiên Chúa biến thành hình thể thiêng liêng, tức là tâm thần ở trong xác thịt. Khi thân thể thiêng liêng và thân thể xác thịt hòa nhập thì linh hồn lập tức phát sinh. Một khi đã phát sinh thì linh hồn còn lại cho đến đời đời với một trong hai trạng thái: (1) trạng thái sống là được tương giao đời đời với Thiên Chúa hoặc (2) trạng thái chết là bị tội lỗi phân cách đời đời khỏi Thiên Chúa.

Linh hồn A-đam được sáng tạo trực tiếp bởi Thiên Chúa. Linh hồn Ê-va được Thiên Chúa làm nên từ linh hồn A-đam. Còn lại, linh hồn mỗi người trong thế gian được sinh ra bởi cha mẹ của mình. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội thì mỗi người được sinh ra trong thế gian đều nhận sự di truyền của tội lỗi. Vì thế, mỗi linh hồn sau A-đam và Ê-va, đều mang bản tính tội lỗi và mỗi linh hồn đương nhiên ở trong địa vị hư mất, tức là bị phân rẽ đời đời khỏi Thiên Chúa. Điều này ngoại trừ linh hồn của Đức Chúa Jesus mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài “Thần Tính và Nhân Tính của Đức Chúa Jesus Christ”.

Khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại trên thập tự giá thì mọi tội lỗi của loài người được tha:

  • Tội lỗi và sự chết đời đời truyền từ A-đam đương nhiên được tha thứ, vì thế Đức Chúa Jesus Christ phán: “…Hãy để yên những con trẻ, đừng ngăn cấm chúng nó đến với Ta! Vì Vương Quốc Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Ma-thi-ơ 19:14; Mác 10:14; Lu-ca 18:16). Nghĩa là trẻ con, nếu qua đời trước khi tự mình phạm tội, thì đương nhiên được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
  • Riêng tội lỗi do mỗi linh hồn tự làm ra thì mỗi linh hồn phải ăn năn, xưng nhận, và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, mới được Ngài tha tội và làm cho sạch tội.

Có hai lý thuyết Thần học sai lầm về nguồn gốc của linh hồn như sau:

1. Thuyết Sáng Tạo: Thuyết này cho rằng, mỗi khi có sự đậu thai thì Thiên Chúa sáng tạo một linh hồn và linh hồn ấy lập tức kết hợp với thân thể xác thịt. Linh hồn mới được sáng tạo thì vô tội nhưng khi kết hợp với thể xác thì lập tức bị nhiễm tội từ thể xác.

Lý thuyết này có những sai lầm nghịch lại với lẽ thật của Thánh Kinh:

a) Thiên Chúa đã ngưng sự sáng tạo vào cuối ngày thứ sáu của công cuộc sáng thế, không thể có chuyện Thiên Chúa sáng tạo thêm một điều gì.

b) Thiên Chúa là công chính, Ngài không thể sáng tạo một linh hồn vô tội, đem kết hợp với một thân thể xác thịt tội lỗi, khiến cho linh hồn đó thành ra có tội.

c) Tội lỗi do linh hồn điều khiển thân thể xác thịt làm ra, không phải do thân thể xác thịt lây nhiễm cho linh hồn.

2. Thuyết Tiền Thực Hữu: Thuyết này cho rằng linh hồn của loài người đã được Thiên Chúa dựng nên từ trước và chứa trong một nơi đặc biệt trên thiên đàng; khi có sự đậu thai thì linh hồn được Thiên Chúa sai nhập vào thân thể xác thịt.

Lý thuyết này không giải thích được, vì sao một linh hồn vô tội lại chịu án phạt chung của A-đam như Rô-ma 5:19a đã chép: “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà nhiều người thành ra những kẻ có tội.”

Mọi người khác thành ra kẻ có tội như A-đam vì được sinh ra từ A-đam và nhận sự di truyền của tội lỗi từ A-đam. Một người tức là một linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong thân thể vật chất là xác thịt. Một người được sinh ra tức là một linh hồn được sinh ra trong một thân thể thiêng liêng và một thân thể vật chất, nhận lãnh sự di truyền về thuộc thể cũng như thuộc linh từ cha mẹ.

Hê-bơ-rơ 7:10 cho biết, cháu đời thứ tư của Áp-ra-ham, là Lê-vi, đã thực hữu cùng Áp-ra-ham khi Áp-ra-ham giao tiếp với Thầy Tế Lễ Mên-chi-xê-đéc hàng trăm năm trước khi Lê-vi được sinh ra: “Vì Lê-vi vẫn còn ở bên trong hông của tổ phụ mình, khi Mên-chi-xê-đéc gặp ông ấy.” Nói cách khác, toàn thể nhân loại đã cùng một lúc được Thiên Chúa sáng tạo trong A-đam.

Đặc Tính của Linh Hồn

Đặc tính của linh hồn chính là các bản tính của loài người, đó là:

  • Loài người biết suy tư
  • Loài người biết cảm xúc
  • Loài người biết quyết định

Linh hồn nhờ thân thể vật chất là xác thịt mà nhận thức được thế giới vật chất, nhờ thân thể thiêng liêng là tâm thần mà nhận thức được thế giới thuộc linh. Sau khi có nhận thức thì linh hồn suy tư để phân tích, đánh giá, và hệ thống các sự nhận thức của mình. Sự suy tư đem đến trí thức và cảm xúc. Rồi, linh hồn dựa trên trí thức và cảm xúc để đưa ra những quyết định, gọi là ý chí.

  • Kết quả thứ nhất của suy tư được gọi là trí hay trí thức, là sự phân biệt đúng hay sai và đánh giá mọi sự.
  • Kết quả thứ nhì của suy tư được gọi là lòng hay tấm lòng, là sự cảm xúc đối với mọi sự.
  • Sự quyết định được gọi là ý hay ý chí, là thái độ đối với mọi sự. Ý chí có thể hoàn toàn dựa trên trí thức hoặc hoàn toàn dựa trên cảm xúc hoặc được quân bình giữa trí thức và cảm xúc.

Thánh Kinh có những lúc dùng các chữ trí, lòng, và ý để nói đến ba phương diện của linh hồn. Khi chúng ta gặp những chữ này đi chung với từ ngữ linh hồn trong một câu Thánh Kinh thì từ ngữ linh hồn chỉ có nghĩa là “mạng sống” hoặc “sự sống”. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những câu Thánh Kinh được liệt kê dưới đây:

“Vậy, nếu các ngươi chăm chỉ nghe các điều răn của Ta mà Ta truyền cho các ngươi ngày nay; hết lòng, hết linh hồn mình yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng sự Ngài…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13).

Câu trên có nghĩa là: Nếu các ngươi cẩn thận lắng nghe các điều răn của Thiên Chúa truyền lại cho các ngươi, rồi sẵn sàng hy sinh mạng sống mình trong sự quyết định yêu kính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi và phụng sự Ngài…

“Ngươi sẽ yêu Chúa, Đức Chúa Trời của ngươi với hết thảy tấm lòng của ngươi, với hết thảy linh hồn của ngươi, với hết thảy tâm trí của ngươi, với hết thảy sức mạnh của ngươi. Đó là điều răn thứ nhất.” (Mác 12:30).

Câu trên là lời Đức Chúa Jesus Christ trích dẫn từ Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13, có thêm hai từ ngữ: “hết tâm trí” và “hết thảy sức mạnh”. Câu phán của Chúa có nghĩa là: Ngươi hãy dành hết mọi tình cảm, sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, trong mọi nhận thức và suy tư của mình, bằng hết cả sức mạnh của thân thể mình mà yêu kính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa của ngươi.

Sự Nhiễm Tội của Linh Hồn

Ngoại trừ linh hồn A-đam và linh hồn Ê-va được sáng tạo và dựng nên hoàn toàn vô tội, cho đến khi họ tự ý phạm tội, mỗi linh hồn đều nhiễm tội từ cha mình.

Khi một thai nhi hình thành trong lòng mẹ, thì tâm thần và linh hồn từ người cha kết hợp với chất liệu xác thịt từ người mẹ, sinh ra một linh hồn và một tâm thần mới trong một thân thể xác thịt mới. Ngay trong khoảnh khắc vừa thực hữu đó, linh hồn đã mang luôn bản chất tội di truyền từ cha. Thánh Kinh chép:

“Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Sinh ra trong sự gian ác là sinh ra trong hậu quả của tội lỗi. Hoài thai trong tội lỗi là thai nhi được tạo thành trong môi trường bị lây nhiễm tội.

Vì được sinh ra trong hậu quả của tội lỗi mà mỗi một người được sinh ra phải chịu đau khổ và chịu chết. Chết thuộc thể lẫn chết thuộc linh. Chết thuộc thể vì thể xác bị hậu quả của tội lỗi làm cho già yếu, phải phân rẽ khỏi linh hồn. Chết thuộc linh vì hậu quả của tội lỗi khiến cho tâm thần và linh hồn bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Thánh Kinh cũng dạy rõ:

“Vì như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian và sự chết đến bởi tội lỗi, thì cũng vậy sự chết đã trải qua trên mỗi người, vì mỗi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 5:12).

Vì được hoài thai trong tội lỗi mà mỗi một người được sinh ra đã mang bản chất tội, khi lớn lên đương nhiên suy nghĩ tội, nói tội, và làm tội. Điều đó tương tự như loài rắn độc khi sinh ra đã mang bản chất có nọc độc, lúc còn bé thì nọc độc chưa phát triển nhưng khi trưởng thành thì nọc độc tự nhiên kết thành.

Bản chất tội luôn luôn đối nghịch với tiêu chuẩn thánh khiết mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong lương tâm của một người. Nếu một người không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì bản chất tội sẽ dần dần làm cho lương tâm của người ấy bị chai lì, không còn ngay thẳng.

Thuyết Linh Hồn Ngủ

Thuyết linh hồn ngủ cho rằng, sau khi một người chết về phần thể xác thì linh hồn cũng ngưng hoạt động, không còn ý thức. Thuyết này dựa trên các câu Thánh Kinh sau đây để cho rằng khi thể xác chết thì linh hồn ngủ, mà đã ngủ thì không còn ý thức:

“Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.” (I Cô-rinh-tô 15:20).

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi chẳng muốn các anh chị em không biết về phần những người đã ngủ, để cho các anh chị em chớ buồn rầu như những người khác là những người không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin rằng, Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những người ngủ trong Đức Chúa Jesus đến với Ngài.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-14).

Tuy nhiên, chữ “ngủ” trong các câu Thánh Kinh nói trên chỉ về phần thân thể xác thịt, không phải chỉ về linh hồn. Nhiều nơi trong Thánh Kinh cho chúng ta biết, linh hồn có thể tồn tại độc lập với thân thể xác thịt và vẫn có sự nhận thức. Trước hết là câu chuyện về người giàu và người ăn mày do chính Đức Chúa Jesus Christ kể, được ghi lại trong Lu-ca 16:19-31:

19 Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, mỗi ngày ăn ở rất là sung sướng.

20 Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ.

21 Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người.

22 Người nghèo chết, thiên sứ đem để vào ở trong lòng của Áp-ra-ham. Người giàu cũng chết, người ta đem chôn. [“Ở trong lòng” là một thành ngữ, có nghĩa: gần gũi, thân mật.]

23 Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông;

24 người kêu lên và nói: Hỡi tổ phụ Áp-ra-ham! Xin thương xót tôi, sai La-xa-rơ để người nhúng ngón tay của người vào nước mà làm cho mát lưỡi của tôi; vì tôi bị khổ trong lửa này.

25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải chịu những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được an ủi, còn ngươi phải bị khổ hình.

26 Có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà muốn từ đó qua đây cũng không được.

27 Người giàu nói rằng: Tổ tôi ơi! Vậy thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi,

28 vì tôi có năm anh em ruột, để người làm chứng cho họ về những điều này, kẻo họ cũng xuống nơi đau đớn này chăng.

29 Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!

30 Người giàu nói rằng: Thưa Áp-ra-ham tổ tôi, không phải vậy đâu; nhưng nếu có kẻ chết sống lại đến với họ, thì họ sẽ ăn năn.

31 Nhưng Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dù có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng chịu thuyết phục vậy.

Chúng ta cần chú ý điều này: Câu chuyện kể trên không phải là một ngụ ngôn hay thí dụ, mà là một câu chuyện có thật. Chúa kể cho các môn đồ của Ngài một sự thật về số phận của hai người sau khi chết. Bởi vì, trong tất cả các ngụ ngôn và thí dụ của Chúa, Ngài không hề đặt tên cho các nhân vật. Nếu Chúa đặt tên cho một nhân vật nào đó trong các thí dụ hoặc ngụ ngôn của Ngài, thì Ma Quỷ sẽ có lý do để tuyên bố rằng, Chúa nói dối, bởi vì, không hề có một người tên đó làm ra những việc như vậy. Thánh Kinh cho biết “trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá” (I Phi-e-rơ 2:22).

Kế tiếp là sự kiện Môi-se và Ê-li cùng hiện ra trên núi hóa hình với Chúa và trò chuyện với Chúa về sự chết của Ngài, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 17:1-3; Mác 9:2-4; Lu-ca 9:30-31. Tiên Tri Ê-li đang còn sống được cất lên trời trong một cơn gió lốc (II Các Vua 2:1, 11) nhưng Môi-se là người đã chết và xác của ông đã được thiên sứ trưởng tranh giành với Ma Quỷ để chôn cất (Phục Truyền Luật Lệ Ký 34:6; Giu-đe 9). Trong sự kiện hai người hiện ra trên núi hóa hình và trò chuyện với Đức Chúa Jesus Christ về sự chết của Ngài, chúng ta thấy rõ là Môi-se có ý thức. Có giả thuyết cho rằng lúc bấy giờ thân thể xác thịt của Môi-se đã được phục sinh, tuy nhiên, Thánh Kinh dạy rõ, Đức Chúa Jesus Christ là trái đầu mùa của sự sống lại, cho nên không thể có chuyện Môi-se được sống lại trong một thân thể vinh quang trước Chúa:

“Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ.” (I Cô-rinh-tô 15:20).

“Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:23).

Trước khi thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong sự chết một cách vinh quang thì đã có nhiều người đã từ kẻ chết sống lại. Điển hình là vài ngày trước khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thì Ngài đã khiến cho La-xa-rơ đã chết bốn ngày được sống lại (Giăng 11); và khi Ngài trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá thì có nhiều thánh đồ qua đời trước đó đã được sống lại (Ma-thi-ơ 27:52). Tuy nhiên, những sự sống lại đó không phải là sống lại trong một thân thể vinh quang không còn phải chết nữa, như sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ là trái đầu mùa của sự sống lại cho những ai ở trong Ngài, để họ cũng được sống lại trong một thân thể siêu vật chất và không hề trải qua sự chết nữa, như chính thân thể phục sinh của Ngài. Gọi là thân thể siêu vật chất vì thân thể đó vẫn được hình thành từ vật chất nhưng không còn bị giới hạn bởi những định luật vật lý thông thường.

Cuối cùng, Khải Huyền 6:9-11 cho biết linh hồn của những người tử đạo ở dưới bàn thờ trong thiên đàng và kêu cầu sự báo thù của Đức Chúa Trời về những kẻ bách hại họ. Những linh hồn này có ý thức và còn được ban cho áo dài trắng (có thể hiểu là sự vinh hiển phát ra từ thân thể thiêng liêng của họ):

“Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy. Họ kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, Đấng Thánh và Chân Thật! Ngài không phán xét và báo trả cư dân trên đất về máu của chúng tôi cho đến khi nào?  Mỗi người trong họ được ban cho áo dài trắng và có lời phán với họ rằng, hãy yên nghỉ thêm một thời gian ngắn cho đến khi những tôi tớ đồng công với họ cũng là anh em với họ sẽ bị giết như họ, được đủ số.” (Khải Huyền 6:9-11).

Thuyết linh hồn ngủ hoàn toàn không đúng với lẽ thật được trình bày trong Thánh Kinh. Hai giáo phái lớn tin nhận thuyết linh hồn ngủ là Cơ-đốc Phục Lâm và Chứng Nhân Giê-hô-va.

Sự Vĩnh Cửu của Linh Hồn

Cơ-đốc Phục Lâm và Chứng Nhân Giê-hô-va cũng không tin vào sự vĩnh cửu của linh hồn. Họ tin rằng chỉ những ai ở trong sự cứu rỗi, được ban cho sự sống đời đời thì mới còn lại đời đời; những ai không ở trong sự cứu rỗi thì sẽ bị hình phạt trong hỏa ngục về tội lỗi của mỗi người cho đến khi hình phạt được hoàn tất thì những linh hồn bị hư mất đó sẽ tan biến thành hư không, nghĩa là không tồn tại, không ý thức.

Tuy nhiên, Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa đã đặt sự đời đời ở trong loài người, nghĩa là, loài người sẽ tồn tại đời đời:

“…Ngài cũng đã đặt sự vĩnh hằng trong lòng họ…” (Truyền Đạo 3:11).

Như đã trình bày trên đây, chữ “lòng” được Thánh Kinh dùng để nói về phương diện cảm xúc của linh hồn. Thiên Chúa khiến cho sự vĩnh hằng ở nơi lòng loài người có nghĩa là, tất cả mọi cảm xúc của linh hồn loài người sẽ diễn tiến cho đến đời đời. Sự chết của thân thể xác thịt không làm cho linh hồn thôi cảm xúc. Trong câu chuyện người giàu và người ăn mày tên La-xa-rơ chúng ta thấy rõ linh hồn của người giàu vẫn:

  • Có ký ức, ông ta còn nhớ rằng mình có năm anh em đang còn sống trong xác thịt.
  • Có tình cảm, ông ta không muốn cho các anh em của mình phải chịu cùng cảnh ngộ như mình.
  • Có nhận thức và cảm giác, ông ta biết nóng và biết khổ, cũng biết suy luận rằng, nếu La-xa-rơ sống lại và đến nhà cha của ông để làm chứng cho năm anh em của ông thì có thể họ sẽ không bị vào nơi khổ hình sau khi chết.
  • Có ý chí, ông ta biết nài nỉ, van xin Áp-ra-ham.

Khải Huyền 20:10 nói rõ, Ma Quỷ, tức là Sa-tan (một thiên sứ trưởng phản nghịch Thiên Chúa), AntiChrist và tiên tri giả của AntiChrist (loài người), sẽ chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời:

“Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu hoàng, nơi có con thú và tiên tri giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.”

Nếu linh hồn loài người không tồn tại cho đến đời đời thì làm sao AntiChrist và tiên tri giả của hắn có thể sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời”?

Sự chết thứ hai hay sự chết đời đời chỉ có nghĩa là sự bị phân rẽ đời đời khỏi Đức Chúa Trời, chứ không có nghĩa là thôi thực hữu, ngưng tồn tại. Mọi sự do Thiên Chúa dựng nên đều sẽ tồn tại đời đời trong các trạng thái khác nhau ở mỗi thời kỳ khác nhau, không một sự gì có thể tan biến trở thành hư không; vì Thiên Chúa là Đấng đời đời, mọi sự ra từ Ngài hoặc được sáng tạo bởi Ngài phải còn lại đời đời. Trong mọi sự do Thiên Chúa sáng tạo, linh hồn và thân thể loài người là cao quý hơn hết, cao quý hơn cả các thiên sứ, vì được sáng tạo như hình Thiên Chúa, giống như Thiên Chúa, để làm con Thiên Chúa và cùng đồng trị với Thiên Chúa cho đến đời đời.

Kết Luận

Qua Thánh Kinh chúng ta học biết được những lẽ thật về linh hồn, bao gồm: nguồn gốc và mục đích của linh hồn, địa vị của linh hồn trước mặt Thiên Chúa, nhu cầu và trách nhiệm của linh hồn.

Linh hồn chính là bản ngã của mỗi người, là một thực thể do Thiên Chúa dựng nên để làm con của Thiên Chúa và vui sống đời đời trong vương quốc của Ngài. Linh hồn loài người đầu tiên, là A-đam, do Thiên Chúa sáng tạo trực tiếp. Linh hồn thứ nhì, là Ê-va, do Thiên Chúa làm ra từ linh hồn A-đam. Từ đó trở đi, mỗi linh hồn được sinh ra bởi cha và mẹ của mình.

Từ sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, thì mỗi linh hồn được sinh ra đều nhiễm tội từ cha khiến cho mỗi người được sinh ra đều mang bản chất tội và chỉ có thể làm ra tội.

Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Linh hồn nào ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ được tái sinh thành một linh hồn mới, và được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội cùng năng lực sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Linh hồn nào không ăn năn tội và không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ ở lại trong địa vị bị hư mất đời đời.

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Bị hư mất có nghĩa là bị “xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Trong khi còn sống trong thân thể xác thịt, ngay trong đời sống hiện tại này, một linh hồn bị hư mất vẫn được Đức Chúa Trời ban cho cơ hội được cứu rỗi ra khỏi địa vị hư mất.

Bị hư mất đời đời có nghĩa là đời đời bị “xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài”, nghĩa là không còn cơ hội được cứu rỗi, chứ không có nghĩa là bị tan biến thành hư không, không còn thực hữu, không còn nhận thức và cảm xúc.

Sự chết của thân thể xác thịt không làm cho linh hồn thôi nhận thức và cảm xúc, vì thế thuyết linh hồn ngủ hoàn toàn sai nghịch với lẽ thật của Thánh Kinh.

Nguyện Đức Thánh Linh luôn giúp mỗi chúng ta nhận thức cách rõ ràng, bổn phận và trách nhiệm của từng linh hồn trước Đấng Tạo Hóa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
20/10/2012

Ghi Chú

[1] Biblical Aramaic, một thứ tiếng gần giống như tiếng Hê-bơ-rơ cổ, được thông dụng tại xứ Ca-na-an trong thời Tân Ước. Những phân đoạn sau đây trong Thánh Kinh được viết bằng tiếng A-ra-mai:

  • Sáng Thế Ký 31:47
  • Ê-xơ-ra 4:8–6:18 và 7:12–26
  • Đa-ni-ên 2:4–7:28
  • Giê-rê-mi 10:11

https://www.studylight.org/language-studies/aramaic-thoughts.html?article=189

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet:

[C] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet: