Bảy Lời Kêu Gọi của Chúa (1)

10,557 views

Lời Kêu Gọi Thứ Nhất: Hãy Ăn Năn!

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343

Tội lỗi là sự không vâng phục, không thờ phượng Thiên Chúa. Khi được sinh ra làm người, chúng ta đã bị nô lệ cho tội lỗi, nghĩa là chúng ta có khuynh hướng phạm tội. Chúng ta biết điều mình sẽ làm là tội, nhưng chúng ta không thể không phạm tội.

Loài người bị bán cho tội lỗi khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va đã tự ý không vâng lời Thiên Chúa. Kể từ đó, bản chất tội lỗi di truyền cho cả dòng dõi loài người. Thánh Kinh đã nói rất rõ sự loài người nô lệ cho tội lỗi như sau:

Rô-ma 7:14-23

14 Chúng ta biết rằng, luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tính xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

15 Vì tôi không hiểu điều tôi làm: Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi làm!

16 Nhưng dù tôi làm điều tôi chẳng muốn, thì tôi vẫn công nhận luật pháp là tốt lành.

17 Cho nên, chẳng còn là tôi làm điều đó, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

18 Vì tôi biết rằng, trong tôi, tức là trong xác thịt của tôi, không có điều lành cư trú. Vì ý muốn làm lành có trong tôi, nhưng tôi không tìm thấy năng lực để làm ra sự tốt lành.

19 Vì điều lành mà tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều dữ mà tôi không muốn thì tôi lại làm.

20 Nếu tôi làm điều mình không muốn, thì chẳng phải là tôi làm điều đó nữa, mà là tội lỗi cư trú trong tôi.

21 Vậy, tôi tìm thấy luật pháp. Tôi muốn làm điều lành nhưng điều dữ hiện diện trong tôi.

22 Vì theo con người bên trong, tôi thỏa lòng trong luật pháp của Đức Chúa Trời.

23 Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi.

Thiên Chúa là sự sống, cho nên, chống nghịch Thiên Chúa là chống nghịch sự sống. Vì thế, hậu quả đương nhiên của tội lỗi là sự chết. Sự chết thứ nhất là thân thể xác thịt bị phân rẽ khỏi linh hồn, để tội nhân không mãi mãi chống nghịch Thiên Chúa. Sự chết thứ nhì là linh hồn và thân thể phục sinh bị đời đời phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã ban cho loài người cơ hội được cứu rỗi, mà loài người chỉ cần tin và nhận sự cứu rỗi của Ngài. Được cứu rỗi là được cứu khỏi quyền lực của tội lỗi, không còn bị tội lỗi sai khiến, và được tha thứ những sự phạm tội, không còn phải chịu hình phạt về những sự phạm tội. Người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa sẽ được Ngài tái sinh thành một người mới, “là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24). Nhờ đó, người ấy có được năng lực của Thiên Chúa để vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa cách trọn vẹn. Ai trung tín trong sự vâng phục và thờ phượng Thiên Chúa thì sẽ được ban cho sự sống đời đời.

Được cứu rỗi, tức được tái sinh, là điều kiện để được vào Vương Quốc Trời. Để có thể ở lại trong Vương Quốc Trời thì một người phải giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 14:12).

Để có thể được cứu rỗi và được sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời, một người phải hết lòng đáp lại bảy tiếng gọi của Thiên Chúa.

Hôm nay, tôi kính mời quý ông bà anh chị em cùng với tôi tìm hiểu về bảy lời kêu gọi của Thiên Chúa, đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, và cùng nhau xét lại lòng mình, xem chúng ta đã đáp ứng như thế nào với tiếng gọi của Thiên Chúa.

Xin hãy gạt bỏ tất cả những giáo lý không hề có trong Thánh Kinh do các giáo hội giảng dạy, mà hãy trở về với Lời của Đức Chúa Trời. Bởi vì tương lai của chúng ta tùy thuộc vào sự chúng ta làm theo hay không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chứ không phải tùy thuộc vào việc chúng ta theo tôn giáo nào, tin vào những giáo lý nào của các giáo hội. Đức Chúa Jesus Christ đã phán rất rõ ràng:

“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).

Có thể, ai trong chúng ta cũng biết và thuộc lòng hai câu này:

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:16).

“Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).

Chính vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian mà Thiên Chúa Ngôi Con đã nhập thế làm người để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người. Sự cứu rỗi là ý muốn của Đức Chúa Trời, việc làm của Đức Chúa Jesus Christ, và sự tác động của Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, loài người phải ăn năn thì mới được cứu.

Từ ngữ “ăn năn” trong Thánh Kinh nói đến sự thay đổi tâm trí, thay đổi thái độ, thay đổi mục đích. Khi Đức Chúa Jesus Christ bắt đầu chức vụ rao giảng Tin Lành, Ngài đã kêu gọi loài người hãy ăn năn:

“…Hãy ăn năn! Vì Vương Quốc Trời đã đến gần.” (Ma-thi-ơ 4:17).

“…Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.” (Mác 1:15).

Vương Quốc Trời là vương quốc thuộc về trời, khác với các vương quốc hay các nước thuộc về đất, thuộc về thế gian. Vương Quốc Trời do chính Thiên Chúa cai trị theo luật pháp của Ngài qua thân vị Thiên Chúa Ngôi Con, với danh hiệu: Vua Của Các Vua và Chúa Của Các Chúa (Khải Huyền 17:14; 19:16). Vương Quốc Trời, trước hết, đến trong lòng những ai ăn năn tội và tin nhận Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Lu-ca 17:21). Kế tiếp sẽ là giai đoạn một ngàn năm hòa bình trên đất (Khải Huyền 20:4-6). Sau cùng là cho đến đời đời trong trời mới đất mới (Khải Huyền 21:1-22:5).

Cách nay gần hai ngàn năm, Đức Chúa Jesus Christ rao giảng: “Vương Quốc Trời đã đến gần” là vì Ngài sắp chịu chết trên thập tự giá để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Ngày nay, Vương Quốc Trời đã và vẫn đang đến trong lòng những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thiên Chúa Đức Cha gọi họ là con trai con gái của Ngài (II Cô-rinh-tô 6:18); Thiên Chúa Đức Con cai trị trong lòng những ai được cứu rỗi (Cô-lô-se 3:15); và Thiên Chúa Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của họ, khiến thân thể của họ trở thành Đền Thờ, thờ phượng Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19). Và đó chính là Tin Lành. Tin tức tốt lành về sự Thiên Chúa cứu rỗi loài người ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, nhận họ làm con, cai trị họ bằng sự bình an của Ngài, và ban cho họ sự sống đời đời trong vương quốc của Ngài.

Vì thế, lời kêu gọi đầu tiên của Thiên Chúa dành cho loài người chính là: “Hãy ăn năn!” Và sự ăn năn được nói đến ở đây là sự ăn năn tội. Tức là sự thay đổi tâm trí, thay đổi thái độ đối với tội lỗi, và thay đổi mục đích sống.

Ban đầu, loài người được dựng nên trọn vẹn và tốt lành, có năng lực vâng phục và tin cậy Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi loài người dùng quyền tự do để không vâng lời Thiên Chúa, thì sự vinh quang của Thiên Chúa không còn ở với họ nữa, và họ không còn năng lực để vâng lời Thiên Chúa. Từ khi loài người không vâng lời Thiên Chúa thì loài người biết phân biệt thiện ác, đúng sai. Thiện và đúng là đồng ý với Thiên Chúa. Ác và sai là nghịch lại ý Thiên Chúa.

Sự kiện loài người biết rằng việc mình sẽ làm là ác, là sai, nghịch lại Thiên Chúa, mà vẫn cứ phải làm, được Thánh Kinh gọi là bị nô lệ cho tội lỗi. Loài người vừa bị nô lệ cho tội lỗi, vừa bị gánh lấy hình phạt của sự phạm tội. Ngoài những hậu quả đau đớn, tủi nhục đương nhiên do tội lỗi mang đến, tội nhân còn phải gánh lấy hình phạt chung cuộc là bị đời đời xa cách Thiên Chúa, xa cách tình yêu và năng lực cứu rỗi của Ngài.

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Để có thể thoát ra khỏi quyền lực của tội lỗi và hậu quả của sự phạm tội, thì một người cần tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Để có thể tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì một người cần phải ăn năn tội, tức là thay đổi tâm trí, thay đổi thái độ, và thay đổi mục đích đối với tội lỗi.

1. Thay đổi tâm trí đối với tội lỗi: Là không còn ưa thích tội, không còn suy nghĩ những thú vui, những quyền lợi do tội lỗi mang đến, không còn suy nghĩ đến những phương cách phạm tội để thỏa mãn những nhu cầu trong đời sống hay những ham muốn bất chính của xác thịt. Có thay đổi tâm trí đối với tội lỗi thì mới có thể thay đổi thái độ đối với tội lỗi.

2. Thay đổi thái độ đối với tội lỗi: Là luôn cảnh giác, tránh xa những gì có thể khiến cho mình nghĩ đến tội hoặc phạm tội. Sẵn sàng trả mọi giá để thoát ra khỏi môi trường có thể khiến cho mình nghĩ đến tội hoặc phạm tội. Không tìm cách lý luận, bào chữa để có thể ở lại trong môi trường của sự cám dỗ. Không tò mò, muốn biết xem sự cám dỗ sẽ đến như thế nào.

Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán những lời rất nghiêm khắc sau đây:

Ma-thi-ơ 5:27-30

27 Các ngươi có nghe những người xưa nói rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình. [Xuất Ê-díp-tô Ký 20:14; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:18]

28 Nhưng Ta nói với các ngươi rằng: Bất cứ ai nhìn một người đàn bà mà ham muốn nàng, thì trong lòng người ấy đã phạm tội ngoại tình cùng nàng rồi.

29 Vậy, nếu con mắt bên phải của ngươi khiến cho ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng nó cho xa khỏi ngươi; vì có ích cho ngươi hơn khi một phần thân thể ngươi bị hư, mà cả thân thể sẽ không bị ném vào trong hỏa ngục.

30 Và nếu tay phải ngươi khiến cho ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa khỏi ngươi; vì có ích cho ngươi hơn khi một phần thân thể ngươi bị hư mà cả thân thể sẽ không bị ném vào trong hỏa ngục.

“Nếu tay ngươi hay chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt chúng và ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi què hay cụt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai tay hay hai chân mà bị ném vào trong lửa vĩnh hằng. Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó ra mà ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi một mắt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai mắt mà bị ném vào trong lửa của hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 18:8-9).

Có nhiều người cho rằng lời phán trên đây của Chúa không thể hiểu theo nghĩa đen; không thể có chuyện thật sự móc mắt hay chặt tay để đừng phạm tội. Tôi tin rằng văn mạch buộc chúng ta phải giải thích lời phán của Chúa theo nghĩa đen. Chúa thật sự nói đến tội ngoại tình theo nghĩa đen và như vậy, con mắt ngó, khiến cho phạm tội, bàn tay sờ chạm, khiến cho phạm tội, cần phải bị tiêu diệt, để thôi, không còn phạm tội nữa. Sự móc mắt, chặt tay nói lên lòng ăn năn tội. Người có lòng ăn năn thì không còn gánh hình phạt của tội lỗi trong đời sau, nơi hỏa ngục. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể áp dụng lời phán của Chúa cho sự dẹp bỏ tất cả những gì đã trở thành phương tiện khiến cho chúng ta phạm tội.

Trong Ma-thi-ơ 19:11-12 ghi lại lời phán sau đây của Đức Chúa Jesus Christ:

“Ngài đáp rằng: Chẳng phải mọi người đều có thể nhận được lời này, chỉ người sẵn có ban cho như vậy mà thôi. Vì có người hoạn từ trong lòng mẹ; có người hoạn vì tay người ta, và có người tự mình làm nên hoạn vì cớ Vương Quốc Trời. Người nào nhận nổi lời ấy thì hãy nhận lấy.”

Qua câu phán này của Chúa, chúng ta có thể biết chắc rằng, sự làm cho mình trở nên hoạn vì Vương Quốc Trời phải được hiểu theo nghĩa đen; nghĩa là có người đã tự mình cắt bỏ bộ phận sinh dục để chuyên tâm theo Chúa. Một số người cho rằng, chữ “hoạn” phải được hiểu là ở độc thân. Tuy nhiên, không ai nói: Có người ở độc thân từ trong lòng mẹ, có người ở độc thân vì do tay người ta! Vì thế, câu phán của Chúa phải được hiểu theo nghĩa đen.

Và như vậy, Lời Chúa phán về việc móc mắt hay chặt tay để đừng tiếp tục phạm tội hoàn toàn là theo nghĩa đen.

3. Thay đổi mục đích sống: Loài người bị nô lệ cho tội lỗi và chỉ có thể phạm tội, mà không làm gì khác hơn được. Vì thế, mục đích sống của một số người là chìm đắm trong tội lỗi, sống ngày nào hay ngày đó, cứ làm những điều xác thịt đòi hỏi, bất chấp tương lai. Với một số người khác, thì họ có thể nỗ lực chạy theo danh, lợi, quyền để quên đi sự yếu đuối, nô lệ tội lỗi của bản thân. Với một số người khác nữa thì họ tìm kiếm sự giải thoát trong các tôn giáo, trong sự gắng sức làm lành. Nhưng khi một người đã thay đổi tâm trí và thái độ đối với tội lỗi, thì người ấy cũng thay đổi luôn mục đích sống. Mục đích sống của một người thật lòng ăn năn tội là: Hết lòng vâng phục Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa, và yêu thương, giúp đỡ người khác như chính bản thân mình.

Sự ăn năn không thay đổi chúng ta nhưng giúp cho chúng ta hội đủ điều kiện để nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chính sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta được thay đổi. Chính năng lực của Thiên Chúa tuôn tràn trong chúng ta mà chúng ta có thể thắng cám dỗ, thắng tội lỗi, thắng nghịch cảnh, thắng mọi kẻ thù, hiểu được Lời Chúa và ý muốn của Ngài trong đời sống của chúng ta, làm được mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Việc lành trước hết là chúng ta vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

Không ăn năn tội thì không nhận được sự cứu rỗi. Chữ “tin” trong Giăng 3:16 có nghĩa; nghe và làm theo mọi lời phán của Đức Chúa Jesus Christ. Câu ấy có thể được diễn ý như sau:

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai nghe và làm theo mọi lời Đấng ấy phán sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.”

Tin mà không làm theo thì có ích lợi gì?

Giả sử một người bị kẹt trong một đám cháy nhà, nhân viên cứu hỏa vào được bên trong căn nhà đang cháy, trao cho người bị nạn một bộ quần áo chống lửa và bình dưỡng khí để thở, yêu cầu anh ta mặc bộ quần áo ấy vào và đeo ống thở để băng ngang đám cháy, thoát ra ngoài. Nếu người bị nạn nói rằng, anh ta tin lời nhân viên cứu hỏa, tin bộ quần áo chống lửa, và tin vào bình dưỡng khí sẽ giúp cho anh ta vượt qua đám cháy, thoát ra ngoài an toàn, nhưng anh ta không chịu mặc bộ quần áo chống lửa và mang bình dưỡng khí, thì anh ta sẽ được cứu hay không?

Một người dù chân thành tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ nhưng nếu người ấy không ăn năn, từ bỏ sự phạm tội, thì người ấy không thể nào nhận được sự cứu rỗi.

Sự ăn năn tội không phải là điều chỉ làm một lần đủ cả. Sự ăn năn tội là sinh hoạt thường ngày trong nếp sống của con dân Chúa. Sau khi nhận thức mình là tội nhân, ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được tái sinh, được ban cho năng lực của Thiên Chúa để có thể sống một đời sống trọn vẹn đẹp lòng Chúa, con dân Chúa vẫn có thể phạm tội trở lại. Sự phạm tội đó có thể vì thiếu hiểu biết Lời Chúa, không biết nghĩ, nói, làm như vậy là tội. Lời cầu nguyện của Vua Đa-vít được ghi lại trong Thi Thiên 19:12-13, như sau:

“Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết. Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; nguyện tội ấy không cai trị tôi; thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng.”

Điều quan trọng là chúng ta đừng cố ý phạm tội! Người không chỗ trách được là người không cố ý phạm tội chứ không phải là người không còn phạm tội. Sống giữa thế gian, trong sự giới hạn của thân thể xác thịt này, chúng ta vẫn dễ dàng phạm tội vì thiếu cảnh giác, bị sụp bẫy của ma quỷ, vì thiếu hiểu biết Lời Chúa, bị các giáo sư giả dẫn dắt sai lạc.

Vì thế, chúng ta luôn mỗi ngày hai bận, xin Chúa tra xét lòng mình, chỉ ra cho mình các tội mà mình không biết. Chúng ta cần xưng tội với Chúa mỗi ngày và dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa, như những thầy tế lễ thời Cựu Ước, mỗi ngày hai bận dâng chiên con tinh sạch lên Chúa (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42).

Ngày nay, mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6), dâng thân thể mình thay vì chiên con, dâng lời cầu nguyện tôn vinh Chúa, như là hương thơm (Hê-bơ-rơ 13:15-16; Khải Huyền 5:8), và chiếu sáng thân thể mình bằng sự làm theo Lời Chúa (Thi Thiên 119:105; Ma-thi-ơ 5:14).

Sự ăn năn tội được thể hiện bằng hành động xưng tội. Xưng tội tức là thưa với Chúa mình đã vi phạm điều răn của Chúa như thế nào. Xin Chúa thương xót tha thứ cho mình. Lời Chúa hứa với chúng ta, được chép trong I Giăng 1:9, như sau:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.”

Nhưng nếu chúng ta cứ tái diễn cùng một sự phạm tội, thì đó là dấu hiệu chúng ta không thật lòng ăn năn. Trong câu chuyện Thiên Chúa hình phạt Pha-ra-ôn và xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô Ký 7-10), sau hai lần Pha-ra-ôn ăn năn nhưng rồi lại tái phạm thì Thiên Chúa làm cho ông cứng lòng. Nếu chúng ta vẫn xem thường ơn thương xót của Chúa mà cứ tái diễn cùng một sự phạm tội, thì coi chừng Chúa sẽ mửa chúng ta ra (Khải Huyền 3:16).

Huỳnh Christian Timothy
12/04/2014

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/