Bảy Lời Kêu Gọi của Chúa (5)

7,005 views

Lời Kêu Gọi Thứ Năm: Hãy Đầy Dẫy Thánh Linh!

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343

Trong bốn bài trước, chúng ta đã nói đến: Lời kêu gọi ăn năn; lời kêu gọi đến với Chúa; lời kêu gọi mang lấy ách của Chúa, học theo Chúa; và lời kêu gọi đi theo Chúa. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về lời kêu gọi thứ năm: Hãy đầy dẫy thánh linh!

Nhiều con dân Chúa đáp ứng bốn lời kêu gọi đầu tiên, nhưng bỏ qua lời kêu gọi thứ năm, nên đã không thể khiến cho nhiều người trở nên môn đồ của Chúa, và khi gặp khó khăn hay thử thách thì không thể trung tín với Chúa.

Lời kêu gọi phải đầy dẫy thánh linh được chép trong Ê-phê-sô 5:18. Bản Dịch Truyền Thống dịch là “đầy dẫy Đức Thánh Linh”; còn bản Hiệu Đính 2012 đã sửa lại là: “phải được đổ đầy với linh”, cho đúng với nguyên ngữ của Thánh Kinh.

Bản Dịch Truyền Thống: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.”

Bản Hiệu Đính 2012: “Đừng say rượu, trong sự ấy là điều phóng đãng; nhưng phải được đổ đầy với linh.”

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ:

  • “Đức Thánh Linh” là một thân vị của Thiên Chúa, còn được gọi là Thiên Chúa Ngôi Ba.
  • “Thánh linh” hoặc “linh” là thẩm quyền và năng lực ra từ Thiên Chúa, do Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, mạo từ xác định luôn luôn được dùng trước chữ “linh” hoặc “thánh linh” khi các chữ ấy được dùng để nói về thân vị của Ngôi Ba Thiên Chúa; nhưng khi nói về thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa, thì từ ngữ “linh” hoặc “thánh linh” không có mạo từ xác định đứng trước. Rất tiếc là Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã lẫn lộn “Đức Thánh Linh” với “thánh linh” trong nhiều chỗ, khiến cho các câu kinh văn trở nên khó hiểu.

Khi nói đến sự đầy dẫy, sự được đổ đầy là chúng ta nói đến sức chứa được tận dụng để chứa năng lượng, như bình điện chứa đầy điện, thân thể chứa đầy sức sống; hoặc chứa một khối lượng các đơn vị của một sự vật, như cái thùng chứa đầy sỏi đá. Đức Thánh Linh là một thân vị. Con dân Chúa chỉ có thể có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể mình chứ không thể đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nhưng con dân Chúa có thể đầy dẫy hoặc không đầy dẫy thánh linh, tức là đầy dẫy hoặc không đầy dẫy thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói: Tôi có chồng hoặc tôi có vợ. Chúng ta cũng có thể nói: Tôi có đầy dẫy tình yêu của chồng hoặc tôi có đầy dẫy tình yêu của vợ. Nhưng chúng ta không nói: Tôi có đầy dẫy chồng hoặc tôi có đầy dẫy vợ! Bởi vì, chồng hay vợ là một thân vị.

Sau khi chúng ta ăn năn tội, đến với Chúa, mang lấy ách của Chúa, học theo Chúa và bằng lòng đi theo Chúa, thì chúng ta cần được đổ đầy thánh linh của Chúa để có thể khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa và chúng ta có thể trung tín với Chúa cho đến chết. Được đổ đầy thánh linh của Chúa tức là được nhận lãnh trọn vẹn thẩm quyền và năng lực từ Chúa để đi theo Ngài.

Sự đổ đầy thánh linh của Chúa là công việc của Đức Thánh Linh. Ngay khi chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì:

  • Đức Chúa Trời lập tức tha tội cho chúng ta, kể chúng ta là công chính, và ban cho chúng ta địa vị làm con trai, con gái của Ngài.
  • Đức Chúa Jesus lập tức làm cho chúng ta được sạch tội, tức là dùng máu của Ngài để rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta, và ban cho chúng ta các chức vụ: (1) tiên tri, để rao giảng Tin Lành; (2) vua, để cai trị chính mình và sẽ đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời; (3) thầy tế lễ, để mỗi ngày dâng chính thân thể mình lên Đức Chúa Trời, thờ phượng Thiên Chúa, và cầu thay cho con dân Chúa, là Hội Thánh của Chúa.
  • Đức Thánh Linh lập tức tái sinh chúng ta, ban cho chúng ta mọi thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa để chúng ta trung tín hoàn thành các chức vụ. Thẩm quyền là thẩm quyền trên ma quỷ, trên tội lỗi, thẩm quyền công bố Lời Chúa, thẩm quyền thờ phượng Chúa. Năng lực là tất cả các ơn được Đức Thánh Linh ban cho, còn gọi là các ân tứ của Đức Thánh Linh và trái của tâm thần (I Cô-rinh-tô 12; Ga-la-ti 5:22) [1].

Sự đổ đầy thánh linh của Chúa luôn xảy ra cho tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa, nhưng để có thể được đầy dẫy thánh linh thì một người phải chủ động tiếp nhận. Dưới đây là thí dụ minh họa, để giúp cho chúng ta hiểu rõ các phương diện về sự được đầy dẫy thánh linh.

Thí dụ 1: Chúng ta hãy hình dung ra có ba cái thùng, mỗi thùng có sức chứa 20 lít. Thùng thứ nhất hoàn toàn trống không. Thùng thứ nhì có chứa sỏi đá lên đến nửa thùng. Thùng thứ ba hoàn toàn chứa đầy sỏi đá. Nếu ba thùng ấy được dùng để lấy nước từ giếng lên thì điều gì sẽ xảy ra?

  • Thùng thứ nhất sẽ chứa được 20 lít nước. Thùng thứ nhì sẽ chứa khoảng hơn 10 lít nước. Thùng thứ ba sẽ chứa rất ít nước.
  • Thùng thứ nhì và thứ ba chứa ít nước hơn thùng thứ nhất nhưng khiến cho tốn nhiều sức hơn trong việc lấy nước, vì sức nặng của sỏi đá trong thùng.

Qua thí dụ trên, chúng ta hiểu rằng, thánh linh đã được Đức Thánh Linh ban cho mỗi con dân Chúa, nhưng mỗi con dân Chúa phải tự đem các sự yêu thích thế gian ra khỏi lòng mình, để lòng mình chỉ hoàn toàn yêu thích những sự thuộc về trời, thì khi đó, đời sống của con dân Chúa mới được đầy dẫy thánh linh, tức là đầy dẫy thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa. Ngày nào lòng chúng ta còn hướng về thế gian, còn yêu thích những sự thuộc về thế gian, thì ngày ấy chúng ta vẫn chưa được đầy dẫy thánh linh. Chúng ta càng yêu thích những sự thuộc về thế gian bao nhiêu, thì đời sống chúng ta càng thiếu đi thẩm quyền và năng lực của Chúa bấy nhiêu.

Thí dụ 2: Có ba chiếc xe được dùng vào công việc giao hàng. Xe thứ nhất là một xe ba bánh, có bình xăng chứa được 4 lít, dùng để giao các mặt hàng có khối lượng nhỏ trong thành phố. Xe thứ nhì là một xe tải nhỏ, có bình xăng chứa được 40 lít, dùng để giao các mặt hàng có khối lượng lớn hoặc các mặt hàng được giao đến các điểm ở ngoại ô thành phố. Xe thứ ba là một xe tải lớn, có bình xăng đôi chứa được 400 lít, được dùng để giao các mặt hàng đến các thành phố khác. Mỗi xe được dùng vào công việc giao hàng khác nhau, nhưng xe nào cũng cần được chứa đầy xăng để có thể hoàn thành công việc giao hàng.

Mỗi con dân Chúa được Chúa dùng cho cùng một mục đích là xây dựng Hội Thánh và Vương Quốc của Chúa, nhưng mỗi người sẽ được ban cho những chỗ đứng khác nhau, với những việc làm cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, mỗi người vẫn cần được đổ đầy thánh linh của Chúa để có thể hoàn thành bổn phận. Hai người cùng đầy dẫy thánh linh của Chúa nhưng việc làm có thể hoàn toàn khác nhau và sự thể hiện của kết quả làm việc cũng khác nhau.

Một người đầy dẫy thánh linh của Chúa có thể đứng lên giảng, và kết quả có ba ngàn người ăn năn tội, tin nhận Chúa, như Sứ Đồ Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Một người đầy dẫy thánh linh của Chúa có thể không rao giảng gì cả mà chỉ nói lên những lời tôn vinh Chúa, như các môn đồ của Chúa trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được thành lập và được báp-tem bằng thánh linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Một người đầy dẫy thánh linh có thể chỉ làm công việc dọn thức ăn cho con dân Chúa trong Hội Thánh, như các chấp sự trong Hội Thánh lúc ban đầu tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 6). Một người đầy dẫy thánh linh cũng có thể chỉ để nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, như Chấp Sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7).

Nói cách khác, một người được đầy dẫy thánh linh chính là một người hoàn toàn không còn yêu thích những sự thuộc về thế gian, mà chỉ yêu thích những sự thuộc về Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Một người được đầy dẫy thánh linh là một người vừa muốn, vừa làm theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13). Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, sự đầy dẫy thánh linh hoàn toàn tùy thuộc về phía con dân Chúa.

Tương tự như sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời, nhưng ai muốn được cứu rỗi thì phải thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự đổ đầy thánh linh cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời, nhưng ai muốn được đầy dẫy thánh linh thì phải từ bỏ sự yêu thích thế gian và những gì thuộc về thế gian. I Giăng 2:15 chép:

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy.”

Tình yêu của Đức Cha tức là tình yêu của Đức Chúa Trời, là tình yêu thật, vì Đức Chúa Trời là tình yêu. Tình yêu thật là tình yêu không điều kiện. Về phía của Đức Chúa Trời thì Ngài sẵn sàng hy sinh những điều cao quý nhất để bảo vệ những người Ngài yêu, và Ngài làm hết sức để giúp cho họ đạt đến giá trị tuyệt đối mà Ngài đã định sẵn cho họ. Về phía loài người thì sẵn sàng hy sinh những điều cao quý nhất để sống thánh khiết không vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, và tận dụng mọi ân điển cùng mọi cơ hội Chúa ban để ngày càng trở nên giống Đức Chúa Jesus Christ càng hơn.

Một người không cần phải nài xin Chúa cho mình được đầy dẫy thánh linh. Vì sự đầy dẫy thánh linh là sự Chúa đương nhiên ban cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Một người chỉ cần thôi yêu thích thế gian và những sự thuộc về thế gian, để thánh linh của Chúa được đầy dẫy trong người ấy. Giếng nước lúc nào cũng có sẵn nước, chỉ cần chúng ta lấy hết sỏi đá ra khỏi các thùng, thì các thùng sẽ chứa đầy dẫy nước, và việc kéo nước cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Đức Thánh Linh đã tuôn đổ thánh linh của Ngài trên Hội Thánh cách nay gần hai ngàn năm. Ngày nay, bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì lập tức được tháp vào trong Hội Thánh của Chúa, được Đức Thánh Linh ngự vào trong thân thể và ban cho thánh linh. Việc được đầy dẫy thánh linh hay không, là tự do lựa chọn của mỗi người.

Thành ngữ “đầy dẫy thánh linh” được dùng trong Thánh Kinh để nói đến hai sự kiện: (1) sự kiện một người không còn yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian, mà chỉ yêu những gì thuộc về Thiên Chúa; (2) sự kiện Đức Thánh Linh hành động qua một người.

Sự Kiện 1 – Đầy Dẫy Thẩm Quyền và Năng Lực của Thiên Chúa:

Người nào thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, không còn yêu thích thế gian và những sự thuộc về thế gian nữa, chỉ yêu thích những sự thuộc về Thiên Chúa, thì đương nhiên người ấy sống một đời sống đầy dẫy thánh linh.

“Vì nó sẽ nên cao trọng trước Chúa, không uống rượu hay là thức uống làm cho say, và sẽ được đổ đầy thánh linh ngay từ trong lòng mẹ.” (Lu-ca 1:15).

Giăng Báp-tít được đầy dẫy thánh linh từ khi còn ở trong bụng mẹ. Đây là một trường hợp đặc biệt, không liên quan đến sự lựa chọn của Giăng Báp-tít. Đây là ơn lớn Chúa ban cho ông. Tuy nhiên, khi ông đến tuổi hiểu biết, thì ông vẫn có quyền tự do chọn lựa, để tiếp tục sống một đời sống đầy dẫy thánh linh hay sống một đời sống yêu thích thế gian.

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy tìm trong các anh chị em bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng, để chúng ta sẽ giao cho việc này.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:3).

Trong Hội Thánh ban đầu tại Giê-ru-sa-lem, đã có nhiều người không phải là sứ đồ của Chúa nhưng được đầy dẫy thánh linh, mà Hội Thánh có thể nhìn biết được.

“Vì Ba-na-ba thật là người tốt lành, đầy dẫy thánh linh và đức tin. Bấy giờ rất đông người tin theo Chúa.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 11:24).

Ba-na-ba cũng là một người đầy dẫy thánh linh. Ông đã bán ruộng vườn mà lấy tiền dâng vào ngân quỹ của Hội Thánh, rồi dấn thân, rao giảng Tin Lành cho dân ngoại.

Trong cả ba trường hợp trên đây, thành ngữ “đầy dẫy thánh linh” đều có nghĩa là: đời sống của người được nói đến hoàn toàn hướng về Chúa, không hướng về thế gian.

Sự Kiện 2 – Đầy Dẫy Một Ân Tứ Nào Đó của Đức Thánh Linh để Hoàn Thành Một Công Việc.

Trong cuộc sống của một người đầy dẫy thánh linh, có những lúc Đức Thánh Linh sẽ hoàn toàn điều khiển người ấy làm ra một việc làm nào đó, thì khi ấy, Đức Thánh Linh sẽ ban cho người ấy đầy dẫy năng lực thích ứng để hành động. Trong tất cả các trường hợp được nêu ra dưới đây, thành ngữ “đầy dẫy thánh linh” đều có nghĩa là: Đức Thánh Linh cảm thúc một người, ban cho ân tứ thích hợp, để người ấy làm ra điều mà Thiên Chúa muốn người ấy làm. Trong trường hợp đó, người ấy hoàn toàn ở dưới sự điều khiển của Đức Thánh Linh, hành động bởi thẩm quyền và năng lực của Đức Thánh Linh, nhưng tâm trí vẫn ý thức được việc mình đang làm.

“Xa-cha-ri, cha của nó, được đổ đầy thánh linh, và ông đã nói tiên tri rằng…” (Lu-ca 1:67).

“Hết thảy họ đều được đầy dẫy thánh linh, khởi sự nói các ngôn ngữ khác, theo như Đấng Thần Linh ban cho họ nói.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:4).

“Bấy giờ, Phi-e-rơ được đầy dẫy thánh linh, đã nói với chúng: Hỡi các nhà cai trị của dân chúng và các trưởng lão của I-sơ-ra-ên!…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:8).

“Khi họ đã cầu nguyện, trong nơi mà họ nhóm lại đã rúng động. Hết thảy họ đã được đầy dẫy thánh linh, họ đã giảng Lời của Đức Chúa Trời với sự dạn dĩ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:31).

“Nhưng ông được đầy dẫy thánh linh, nhìn chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55).

“Bấy giờ, Sau-lơ cũng gọi là Phao-lô, đầy dẫy thánh linh, đối mặt nhìn người nói rằng…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:9).

Một người thực sự đầy dẫy thánh linh thì sẽ không bao giờ quay lại sống trong tội, mà người ấy chỉ ngày càng yêu Chúa hơn, biết ơn Chúa hơn, khao khát được hiểu biết về Chúa hơn, luôn sốt sắng trong sự hầu việc Chúa, và yêu thương tất cả mọi người. Người ấy sẽ đáp ứng và có năng lực để hoàn thành lời kêu gọi thứ sáu và thứ bảy của Chúa: “Hãy giảng Tin Lành, khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa!” Và: “Hãy trung tín với Chúa cho đến chết!”

Huỳnh Christian Timothy
26/04/2014

Ghi Chú

[1] Các Ân Tứ: https://timhieutinlanh.com/hoi-thanh-phan-9-cac-an-tu/ 

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.