Bảy Lời Kêu Gọi của Chúa (7)

7,123 views

Lời Kêu Gọi Thứ Bảy: Hãy Trung Tín cho đến Chết!

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTcxMzAxX0l5dzVF

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE4MTc4X0NuMXN5

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Phần âm thanh của bài giảng này được xếp trong CD_Bồi Linh 2014
https://timhieuthanhkinh.com/?page_id=343

Trong tiếng Hán Việt, hai từ ngữ “trung tín” và “thành tín” mang nghĩa gần giống nhau:

  • Trung tín: Ngay thẳng, đáng tin.
  • Thành tín: Chân thật, đáng tin.

Hai từ ngữ này đều được dùng để dịch từ ngữ “bít-tót” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh [1]. Tuy nhiên, trong Thánh Kinh Việt Ngữ, chữ “thành tín” được dùng để nói về Thiên Chúa, còn chữ “trung tín” được dùng để nói về loài người. Đó là một cách dùng rất hay. Thiên Chúa là Đấng chân thật và đáng cho chúng ta tin cậy, còn loài người chúng ta thì thường khi là không chân thật, không đáng tin, kể cả những người đã tin Chúa mà chưa chịu sống đời sống thánh khiết. Nhưng nếu chúng ta ngay thẳng nhận rằng mình không chân thật, thì chúng ta đáng được tin.

Trên bước đường theo Chúa, chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, bao gồm mọi hình thức cám dỗ và thử thách. Chúa đã cậy Ba-na-ba và Phao-lô báo trước cho những người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là: Phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời: “Khi họ đã rao truyền Tin Lành trong thành đó và làm cho nhiều người trở nên môn đồ, thì họ trở về thành Lít-trơ, thành I-cô-ni, và thành An-ti-ốt, giục các môn đồ, vững lòng, khuyên phải bền vững trong đức tin, và bảo trước rằng phải trải qua nhiều nỗi khó khăn mới vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:21-22).

Chính câu Thánh Kinh này đã đánh tan tà giáo dạy rằng: “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn.” Bởi vì, người được cứu phải thắng mọi khó khăn, tức mọi cám dỗ và thử thách, thì mới vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Người không vào được Vương Quốc của Đức Chúa Trời thì chỉ có một nơi duy nhất để vào là hỏa ngục.

Trong thí dụ về người gieo giống (Ma-thi-ơ 13:1-23), hạt giống rơi trên bốn vùng đất khác nhau. Lối đi tiêu biểu cho tấm lòng chai cứng của người không được cứu. Các vùng đất có đá, có gai, và vùng đất tốt đều tiêu biểu cho những tấm lòng vui mừng tiếp nhận Tin Lành, và được cứu. Tuy nhiên, sẽ có người không thể chịu khổ vì danh Chúa, sẽ có người quá yêu thích thế gian hoặc lo lắng về nhu cầu vật chất, mà không trung tín với Chúa, đức tin chết đi, và họ bị mất sự cứu rỗi, vì trở lại sống trong tội lỗi. Nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn là vậy! Cửa hẹp, đường chật ít người vào là vậy!

Thử thách là những gì Đức Chúa Trời cho phép xảy ra để rèn luyện chúng ta; và để chúng ta có cơ hội thể hiện đức tin của mình nơi Chúa, bày tỏ lòng trung tín của chúng ta đối với Ngài. Thử thách luôn luôn đến từ Chúa, như Chúa đã thử Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 22). Cám dỗ là những gì mà loài người và ma quỷ làm ra để xúi giục chúng ta phạm tội. Cùng một sự kiện có thể vừa là cám dỗ, vừa là thử thách. Thánh Kinh chỉ dùng chung một chữ cho cám dỗ và thử thách. I Cô-rinh-tô 10:13 là một câu Thánh Kinh điển hình cho sự kiện một từ ngữ bao gồm cả hai nghĩa cám dỗ và thử thách. Câu ấy cần được dịch như sau:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.”

Tất cả những sự cám dỗ của loài người và ma quỷ, tức là những sự xúi giục chúng ta phạm tội, được Chúa cho phép xảy đến với chúng ta, thì đó cũng chính là sự thử thách đến từ Chúa. Trường hợp điển hình là Chúa cho phép ma quỷ cám dỗ Gióp. Tất cả những gì do ma quỷ làm ra cho Gióp vừa là sự cám dỗ đến từ ma quỷ, vừa là sự thử thách đến từ Chúa. Nhưng nếu chúng ta tự đặt mình vào môi trường bị cám dỗ, thì đó là sự cám dỗ mà chúng ta tự ý tìm đến, không phải là Chúa thử thách chúng ta, và chắc chắn là chúng ta sẽ phạm tội. Ngay khi chúng ta có ý tưởng bước vào trong môi trường bị cám dỗ, là chúng ta đã phạm tội vì muốn phạm tội hoặc chúng ta đã sẵn sàng để phạm tội. Hãy xem các thí dụ dưới đây:

Thí dụ 1: Một thanh niên bước vào thang máy, trong thang máy đã có sẵn một cô gái ăn mặc khêu gợi. Khi nhìn thấy ngoài mình và cô gái ấy ra không có ai khác, thì chàng thanh niên lập tức lui ra khỏi thang máy, chờ đi chuyến sau. Đó là người biết tự giữ mình khỏi môi trường bị cám dỗ. Đó là móc và chặt mà quăng cho xa tất cả những gì có thể khiến cho mình phạm tội (Ma-thi-ơ 5:29-30).

Thí dụ 2: Cũng cùng hoàn cảnh như thí dụ 1, nhưng chàng thanh niên cố ý bước vào thang máy để được nhìn ngắm sự khêu gợi của cô gái và có những tư tưởng tà dâm, thậm chí còn mở lời làm quen, tán tỉnh. Đó là người sống theo bản tính xác thịt, chỉ muốn làm theo sự ưa thích bất chính của xác thịt. Người như vậy chắc chắn sẽ rơi vào sự phạm tội, vì trong lòng đã hướng về tội lỗi.

Thí dụ 3: Trên hè phố, một bên thì đầy rác và phân chó, một bên được quét dọn sạch sẽ. Thử hỏi một người bình thường có việc phải đi ngang con phố đó, thì sẽ chọn đi bên hè phố nào?

Thí dụ 4: Đôi nam nữ đang trong giai đoạn làm quen với nhau, nhưng vào phòng riêng đóng cửa lại để trò chuyện với nhau, thì đã tự đặt mình vào trong môi trường bị cám dỗ. Ma quỷ sẽ tìm đủ cách để cám dỗ họ phạm tội tà dâm. Ít ra, cũng là phạm tội tà dâm trong tư tưởng.

Thật ra, một người đã tin Chúa nhưng vẫn còn phạm tội là vì người ấy chưa thật sự ăn năn, từ bỏ tội. Người ấy có thể thật lòng tin Chúa, hiểu biết mọi lẽ thật của Lời Chúa, nhưng vẫn yêu thích tội lỗi, nên cứ tiếp tục phạm tội. Thánh Kinh chép rất rõ:

“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình. Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.” (Gia-cơ 1:14-15).

Vì thế, không phải lời giảng thuyết hùng hồn, lời làm chứng sống động, lời ăn năn thống thiết với những giọt nước mắt là bằng chứng một người đã được cứu rỗi, mà là sự kiện người ấy biết tránh xa cám dỗ, không còn cố ý phạm tội, mới là bằng chứng người ấy đã được cứu. Chúng ta nên nhớ, được cứu, trước hết có nghĩa là được cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi, không còn bị tội lỗi buộc mình phải phạm tội. Người vẫn còn hướng về các thú vui của tội lỗi và tiếp tục phạm tội để thỏa mãn các thú vui ấy, rõ ràng là một người vẫn còn bị nô lệ cho tội lỗi. Và, một người vẫn còn bị nô lệ cho tội lỗi, là một người chưa được cứu. Mà một người chưa được cứu là một người chưa ăn năn tội. Không thể nào có chuyện một người thật lòng ăn năn từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, mà lại không được cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi và vẫn còn ưa thích những thú vui tội lỗi.

Lời kêu gọi: “Hãy Trung Tín cho đến Chết!” được ghi lại trong Khải Huyền 2:10:

“Đừng sợ những điều ngươi sẽ chịu khổ! Kìa, Ma Quỷ sẽ ném một số các ngươi vào tù để các ngươi chịu thử thách, và các ngươi sẽ có mười ngày hoạn nạn. Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.”

Qua lời kêu gọi ấy, chúng ta hiểu được rằng, lòng trung tín với Chúa chỉ có thể được thể hiện khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa. Sự chịu khổ vì danh Chúa là điều chắc chắn và thường xuyên xảy ra trong đời sống của người theo Chúa. Đó chính là sự vác thập tự giá của mình mà theo Chúa mỗi ngày. Vác thập tự giá của mình có nghĩa là mỗi người sẽ có những sự chịu khổ vì danh Chúa khác nhau. Những sự chịu khổ đó sẽ xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống. Và, tất cả những sự chịu khổ đó đều là bất công, do ma quỷ và thế gian áp đặt lên con dân Chúa.

Sự chịu khổ vì danh Chúa do ma quỷ và thế gian áp đặt cách bất công cho chúng ta đã là nhiều khó khăn rồi. Chúng ta đừng tự chất thêm gánh nặng cho mình bằng cách tự mình đi vào môi trường bị cám dỗ. Khi chúng ta tự tạo ra cơ hội cho mình bị cám dỗ thì ma quỷ hoàn toàn có toàn quyền để cám dỗ chúng ta phạm tội, mà Thiên Chúa sẽ không ngăn cản, vì chúng ta đã tự ý chọn như vậy. Và như vậy, sự cám dỗ sẽ quá sức chịu đựng của chúng ta, và chúng ta sẽ chắc chắn phạm tội.

Mỗi một lần chúng ta phạm tội, cho dù chỉ là một lời nói dối, một ý tưởng tà dâm thoáng qua trong tâm trí, là chúng ta không trung tín với Chúa, là chúng ta xúc phạm máu thánh của Ngài, là máu mà chúng ta nhờ đó được rửa sạch sự phạm tội của chúng ta.

Sự trung tín không phải là một lựa chọn, mà là bản chất của con dân chân thật của Chúa, là những người được sinh bởi Đức Chúa Trời. Đúng y như câu cách ngôn: “Cha nào con nấy!” Đức Chúa Trời là thành tín nên con dân của Ngài là trung tín. Mà thật vậy, chỉ có những ai trung tín với Chúa mới được vào trong vương quốc của Ngài. Những câu Thánh Kinh dưới đây đáng cho chúng ta suy ngẫm:

“Ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng kết quả tội, vì hạt giống của Ngài ở trong người, và người không có sức mạnh phạm tội, vì đã được sinh bởi Đức Chúa Trời.” (I Giăng 3:9).

“Vì bất cứ ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và này sự đắc thắng đã thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta.” (I Giăng 5:4).

“Chúng ta biết rằng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng sống trong tội; nhưng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỷ chẳng làm hại người được.” (I Giăng 5:18).

Nói như thế, không có nghĩa là con dân chân thật của Chúa đang khi còn sống trong thân thể xác thịt này, thì không bao giờ phạm tội nữa.

  • Sự phạm tội có thể xảy ra vì chúng ta không nhận biết đó là tội. Đó là do chúng ta không chuyên tâm đọc Lời Chúa, suy ngẫm ngày đêm, để cẩn thận làm theo.
  • Sự phạm tội có thể xảy ra vì chúng ta không cảnh giác, bất ngờ làm theo phản ứng của xác thịt.
  • Sự phạm tội có thể xảy ra vì chúng ta không quan tâm đến sự cáo trách của Đức Thánh Linh.

Nhưng con dân chân thật của Chúa không thể cố ý phạm tội, không thể suy nghĩ, lên kế hoạch để phạm tội, không thể tìm cách che giấu ý định muốn phạm tội, và sau đó che giấu hành vi phạm tội.

Khi chúng ta đã là một thánh đồ, chỉ sống cho Chúa, sống vì Chúa, và sống trong Chúa, thì lời kêu gọi thứ bảy: “Hãy Trung Tín cho đến Chết!” sẽ được chúng ta đáp ứng cách nhiệt tình. Sự đầy dẫy thánh linh dẫn đến sự trung tín với Chúa cho đến chết. Và, cả hai là bông trái của một người thật sự thuộc về Chúa, hoàn toàn ở trong Chúa. “Có bao giờ người ta hái những trái nho từ những bụi gai, hay là những trái vả từ những bụi tật lê?[2] (Ma-thi-ơ 7:16b).

Kính chúc quý con dân Chúa luôn đứng vững trong ơn Chúa, cho đến ngày Chúa trở lại: “Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! Ngài là thành tín! Đấng đã kêu gọi các anh chị em. Ngài cũng sẽ làm điều ấy!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
03/05/2014

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G4103

[2] Tật lê là một loại cây gai, còn được gọi là “thảo nhi;” tiếng Anh gọi là “thistle.”


Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.