Chú Giải Cô-lô-se 02:01-07

5,845 views

Chú Giải Cô-lô-se 2:1-7
Cuộc Tranh Đấu Lớn và Sự Bước Đi Trong Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

 1 Tôi muốn các anh chị em biết, sự tranh đấu lớn biết bao tôi có vì các anh chị em và những người ở Lao-đi-xê, cùng bao nhiêu người không thấy mặt tôi về phần xác,

2 để cho lòng của họ được an ủi, được kết hiệp làm một trong tình yêu vào trong mọi sự giàu có đầy dẫy chắc chắn của sự hiểu biết, vào trong sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Cha, và của Đấng Christ,

3 mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu của sự khôn sáng và trí thức.

4 Tôi nói như vậy, để chẳng ai lừa dối các anh chị em trong những lời dỗ dành.

5 Vì dù tôi xa cách trong xác thịt nhưng tôi vẫn hiệp một với các anh chị em trong tâm thần, vui mừng thấy sự thứ tự của các anh chị em và sự vững vàng của đức tin các anh chị em trong Đấng Christ.

6 Các anh chị em đã nhận Đấng Christ Jesus {là} Chúa như thế nào, thì hãy bước đi trong Ngài thế ấy.

7 Hãy châm rễ và xây dựng nên trong Ngài! Hãy vững vàng trong đức tin như các anh chị em đã được dạy dỗ! Hãy dư dật trong sự cảm tạ!

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTA2OTQzMjBf/9051020_Colose_2_1-7.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9051020-co-lo-se-2_1-7
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/9bx5yk33cb96la0/9051020_Colose_2_1-7.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong Cô-lô-se 1:21-29 chúng ta đã học về sự mầu nhiệm của Tin Lành được Đức Chúa Trời ban ơn mạc khải riêng cho các thánh đồ của Ngài. Thật khó mà tưởng tượng được rằng, có ai đã từng nhận biết sự mầu nhiệm của Tin Lành mà lại không hết lòng sống trong Tin Lành. Sống trong Tin Lành là không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, yêu thương mọi người, và rao giảng Tin Lành cho đến khi Chúa đến. Thế nhưng, trong thực tế, có hàng tỷ người xưng nhận mình là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ mà nếp sống của họ hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh.

Một người đã tin nhận Tin Lành nhưng lại không hết lòng sống theo Tin Lành là vì người ấy không thường xuyên ăn nuốt thức ăn thuộc linh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, được chép trong Thánh Kinh. Thay vào đó, họ chỉ ăn nuốt những thức ăn thuộc linh bị nhiễm độc qua sự rao giảng của các giáo sư giả trong các giáo hội. Những lời rao giảng ấy pha trộn Thánh Kinh với các tư tưởng thần học, triết học của loài người, cùng với những truyền thống, giáo nghi của các giáo hội. Người tin Chúa mà không ăn nuốt Lời Chúa qua sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa, qua sự đọc, nghe những bài giảng thuần khiết về Lời Chúa thì sẽ chết đói thuộc linh.

Ăn nuốt Lời Chúa là say mê đọc và suy ngẫm Lời Chúa, tìm kiếm ý muốn và lời hứa của Chúa dành cho chúng ta trong Thánh Kinh. Chỉ khi nào một người có cùng tâm trạng như Tiên Tri Giê-rê-mi khi đối diện với Lời Chúa thì người ấy mới kinh nghiệm được sự thỏa lòng khi đọc và suy ngẫm Lời Chúa, và mới đồng một tâm tình với tác giả Thi Thiên 119.

Lời Ngài được tìm gặp, thì tôi đã ăn nuốt {chúng}. Lời Ngài là niềm vui cho tôi và sự mừng rỡ trong lòng tôi, vì tôi được xưng bằng danh Ngài! Ôi! Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!” (Giê-rê-mi 15:16).

Lời Ngài ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!” (Thi Thiên 119:103).

Cũng chỉ khi chúng ta thỏa lòng trong Lời Chúa thì chúng ta mới được thánh hóa bởi Lời Chúa (Giăng 17:17). Và chỉ khi được thánh hóa bởi Lời Chúa thì chúng ta mới có thể sống một nếp sống chân thật, thánh khiết, đẹp lòng Chúa, chiếu sáng sự vinh quang của Ngài cho thế gian.

Thật vậy, khi một người đã thấu hiểu sự mầu nhiệm của Tin Lành, nắm chắc lời hứa của Đức Chúa Trời thì người ấy sẽ sống trong Tin Lành. Sống trong Tin Lành tức là sống trong sự chán ghét tội, biết ơn sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi ấy là bước đi trong Đấng Christ.

Hãy bước đi trong Đấng Christ” là lời khuyên của Đức Thánh Linh qua Sứ Đồ Phao-lô dành cho Hội Thánh tại Cô-lô-se và tất cả con dân Chúa trong mọi thời đại.

1 Tôi muốn các anh chị em biết, sự tranh đấu lớn biết bao tôi có vì các anh chị em và những người ở Lao-đi-xê, cùng bao nhiêu người không thấy mặt tôi về phần xác,

Như chúng ta đã nói đến trong phần mở đầu khi bắt đầu học về thư Cô-lô-se, vào thời điểm thư Cô-lô-se được viết thì Phao-lô chưa có dịp đến Cô-lô-se và các thành phố lân cận, như Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li. Vị trí và khoảng cách của Cô-lô-se với Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li tương tự như Công Viên Yên Sở đối với Sân Vận Động Quốc Gia Mỹ Đình và Công Viên Nước Hồ Tây ở gần Hà Nội.

Dù chưa bao giờ Phao-lô gặp mặt con dân Chúa tại Cô-lô-se, Lao-đi-xê, và bao nhiêu nơi khác nhưng ông vẫn ở trong một sự tranh đấu lớn vì họ, là bởi vì trong Đấng Christ, tất cả đều là một. Khi Phao-lô chịu sự tranh đấu lớn cho Hội Thánh là ông chịu sự tranh đấu lớn cho con dân Chúa ở khắp nơi; chẳng những ở khắp nơi mà còn ở trong mọi thời đại. Nghĩa là, sự tranh đấu của Phao-lô hay của bất cứ ai khác vì Hội Thánh từ gần hai ngàn năm trước cũng đều là vì lợi ích của chúng ta, những con dân Chúa trong thời hiện tại.

Danh từ “tranh đấu” được dùng trong câu này là một danh từ được dùng cách đặc biệt trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, để chỉ về một đấu trường trong thể thao, hoặc sự tranh tài trong các đại hội thể thao, hoặc sự tranh chấp trong luật pháp… trước sự chứng kiến của nhiều người. Cũng có khi danh từ này được dùng để chỉ chung về các sự tranh chấp hoặc chỉ về một trận đánh trong chiến tranh. Sự tranh đấu lớn mà Phao-lô nói đến ở đây là gì? Đó chính là sự vật vã trong khi cầu thay cho Hội Thánh; sự vật vã với Đức Chúa Trời như Gia-cốp vật lộn với Thiên Chúa trong hình thể một người, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 32:24-32. Trong tất cả các thư do Phao-lô viết, ông đều nói đến sự quan tâm, lo lắng của ông và sự ông cầu thay cho Hội Thánh ở khắp nơi. Lời tâm tình của ông với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô giúp cho chúng ta cảm nhận được phần nào tình yêu tha thiết của ông đối với con dân Chúa khắp nơi:

Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. Nào có ai yếu đuối mà tôi chẳng yếu đuối sao? Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt sao?” (II Cô-rinh-tô 11:28-29).

Đối diện với những tin tức về sự yếu đuối, vấp ngã của con dân Chúa hay là sự con dân Chúa bị bách hại cách tàn khốc, thì ngoài sự khuyên bảo, an ủi, khích lệ, Phao-lô chỉ có thể hết lòng cầu thay cho họ. Đối với Phao-lô, cầu thay là một sự tranh đấu vừa để chống lại thế lực của Sa-tan mà cũng vừa để nài nỉ với Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham cầu thay cho dân Sô-đôm và Gô-mô-rơ, như Môi-se cầu thay cho dân I-sơ-ra-ên… cố xin Đức Chúa Trời giảm đi hình phạt trên những kẻ bội nghịch, ban thêm cơ hội cho họ ăn năn. Câu chuyện một người đàn bà xứ Ca-na-an nài xin Đức Chúa Jesus Christ giải cứu đứa con gái bị quỷ ám của bà là một điển hình cho sự vật vã trong khi cầu thay (Ma-thi-ơ 15:22-28). Đức Chúa Trời để cho chúng ta vật vã trong khi cầu thay là vì Ngài ban cho chúng ta cơ hội thể hiện tình yêu tha thiết của chúng ta dành cho Hội Thánh, để các thiên sứ, ma quỷ, và loài người cùng thấy được sự tác động của tình yêu từ Thiên Chúa trong linh hồn của những người đã thật sự được biến đổi bởi Tin Lành.

Không chỉ một mình Phao-lô ở trong sự tranh đấu lớn là sự cầu thay cho Hội Thánh mà bất cứ ai có lòng yêu thương, quan tâm cho Hội Thánh cũng đều tự đặt mình vào trong sự tranh đấu như vậy. Điển hình là Ê-pháp-ra, như được nói đến trong Cô-lô-se 4:12.

Phao-lô không chỉ cầu thay cho con dân Chúa khắp nơi mà ông còn kêu gọi họ cầu thay cho ông. Ông gọi đó là “cùng tôi chiến đấu trong sự cầu nguyện” (Rô-ma 15:30).

Lời cầu thay của Phao-lô và bao nhiêu con dân Chúa khác cho Hội Thánh vào thời bấy giờ thật sự có ảnh hưởng đến chúng ta ngày nay. Vì nếu không có sự nỗ lực gây dựng, bảo vệ, và phát triển Hội Thánh qua sự cầu thay của họ thì ngày nay chưa hẵn Tin Lành đã đến được với chúng ta. Qua đó, chúng ta học được điều này: Lời cầu thay của chúng ta cho Hội Thánh hôm nay, sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của Hội Thánh.

Bên cạnh sự cùng nhau tham dự vào cuộc tranh đấu lớn là cầu thay cho Hội Thánh, con dân Chúa cũng hãy nhớ cầu thay cho sự hòa bình của Giê-ru-sa-lem. Cầu thay cho sự hoà bình của Giê-ru-sa-lem cũng chính là cầu thay cho sự hoà bình của dân I-sơ-ra-ên. Vì đó là lời kêu gọi của Đức Thánh Linh, kèm theo lời hứa ban phước cho những ai yêu Giê-ru-sa-lem, yêu tuyển dân I-sơ-ra-ên của Thiên Chúa:

Hãy cầu hòa bình cho Giê-ru-sa-lem! Bất cứ ai yêu ngươi sẽ được thịnh vượng.” (Thi Thiên 122:6)

Quý ông bà anh chị em cũng hãy tập cho con cái của mình biết cầu thay cho sự hòa bình của Giê-ru-sa-lem, để chúng học tập yêu Giê-ru-sa-lem, yêu dân tộc I-sơ-ra-ên một cách thiết thực. Khi hòa bình thật đến với Giê-ru-sa-lem cũng là khi Vương Quốc Ngàn Năm được thành lập. Vì thế, cầu thay cho sự hòa bình của Giê-ru-sa-lem cũng chính là cầu thay cho vương quyền của Đức Chúa Trời mau đến trên đất (Ma-thi-ơ 6:10).

2 để cho lòng của họ được an ủi, được kết hiệp làm một trong tình yêu vào trong mọi sự giàu có đầy dẫy chắc chắn của sự hiểu biết, vào trong sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Cha, và của Đấng Christ,

3 mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu của sự khôn sáng và trí thức.

Mục đích của cuộc tranh đấu lớn qua sự cầu thay cho Hội Thánh là để Hội Thánh được an ủi trong lòng, được hiệp một trong tình yêu, để có đầy dẫy trí thức (knowledge) cùng tri thức (intuition) về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Đấng Christ, tức là những sự khôn sáng và trí thức quý báu được giấu kín trong Đấng Christ.

Hội Thánh luôn luôn chịu sự bách hại của thế gian cùng lúc phải gánh chịu những nghịch cảnh chung trong thế gian do hậu quả sự phạm tội của loài người. Ngoài những hậu quả trực tiếp như mất mát tài sản, mạng sống vì những sự lường gạt, cướp của, giết người… còn có những hậu quả gián tiếp như các thiên tai: hạn hán, giông bão, ngập lụt, động đất, núi lửa, sóng thần, và các dịch bệnh. Vì thế, Hội Thánh cần được sự an ủi. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời là Đấng cho phép những sự bách hại và nghịch cảnh xảy ra cho Hội Thánh. Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong mỗi con dân Chúa là Đấng an ủi con dân Chúa trong những cảnh ngộ như vậy. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ cùng chia xẻ hoạn nạn với con dân Chúa qua thân thể của Ngài là Hội Thánh, qua sự cầu thay cho nhau và tiếp trợ vật chất lẫn nhau của con dân Chúa. Có những sự mất mát, thiệt hại về vật chất lẫn tình cảm rất lớn, không thể bù đắp bằng sức riêng của loài người. Nhưng sự an ủi trong lòng bởi sự cầu thay của con dân Chúa trong Hội Thánh là điều giúp cho những ai bị nạn được khích lệ và thêm sức rất nhiều.

Sự cầu thay cho nhau cũng chính là chất liệu để kết hiệp các chi thể trong Hội Thánh làm một trong tình yêu của Thiên Chúa. Động từ “kết hiệp làm một” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là đan kết các chất liệu với nhau để tạo thành một sản phẩm, như đan các cuộn len khác nhau thành một chiếc áo, dệt các cuộn chỉ khác nhau thành một tấm vải; có nghĩa bóng là cùng một tâm trí, cùng một nhận thức, cùng một kết luận; trong Chúa còn là cùng một đức tin, cùng một tình yêu, cùng một sự sống, và cùng một mục đích sống. Sự cầu thay trong Hội Thánh phát xuất từ tình yêu, khiến cho con dân Chúa kết làm một trong tình yêu. Hãy hình tưởng rằng mỗi con dân Chúa là chi thể của cùng một thân, tình yêu là máu nuôi sống toàn thân thể, sự cầu thay là sự các chi thể khác dồn phần máu từ nơi mình đến chi thể đang bị thương, để giúp chống lại sự nhiễm trùng và giúp cho sự chữa lành, nuôi dưỡng các tế bào mới, khép kín miệng vết thương.

Chỉ khi con dân Chúa hiệp một trong tình yêu thì mới có được sự tri thức đầy dẫy về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Tri thức là sự nhận biết đến từ Thiên Chúa, không qua suy luận, không qua học hỏi. Rô-ma 1:19 khẳng định rằng mỗi người, dù tin nhận Thiên Chúa hay không, cũng đều có sự tri thức về sự thực hữu của Ngài và thẩm quyền của Ngài, năng lực của Ngài. Điển hình là dân Việt Nam, từ trước khi biết đến Thánh Kinh, biết đến Tin Lành, thì đã biết có một Đấng cao siêu tuyệt đối ở trên trời, là Đấng tạo ra muôn loài vạn vật và cai trị muôn loài vạn vật, gọi Ngài là Ông Trời, là Đấng Tạo Hóa. Dân Việt Nam biết kêu cầu Ông Trời và tôn kính Ông Trời. Từ thuở xưa họ đã biết lập bàn thờ để thờ trời trước cửa nhà. Ca dao tục ngữ Việt ghi lại tấm lòng tin cậy, cầu xin nơi Ông Trời của người dân Việt. Đó chính là sự tri thức về Thiên Chúa. Đọc những câu ca dao tục ngữ dưới đây chúng ta sẽ thấy chúng không hề nghịch lại các lẽ thật của Thánh Kinh về Thiên Chúa:

Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm…

Con chim nó hót trên cành
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao
Nếu Trời không có, làm sao có mình?

Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức Trời dành phước cho
Trời nào phụ kẻ có nhân

Ơn Trời mưa nắng phải thì
Nơi thì cày cạn, nơi thì bừa sâu
Nhờ trời mưa gió thuận hoà
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau

Làm người nên biết tiện tằn
Đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi
Những người đói rách rạc rời,
Bởi phụ của Trời làm chẳng có ăn.

Nghiêng vai ngửa vái Ông Trời
Đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian.

Ðêm đêm ra thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Của Trời, Trời lại lấy đi
Giương hai mắt ếch làm chi được Trời

Trời sinh Trời dưỡng

Trời sinh voi, Trời sinh cỏ

Chê của nào, Trời trao của ấy

Phí của Trời, mười đời chẳng có

Ở xởi lởi Trời cởi ra cho, ở so đo Trời co ro lại

Tuy nhiên, sự tri thức về Thiên Chúa trong mỗi người chỉ giới hạn đủ để cho mỗi người nhận biết Thiên Chúa và tìm kiếm Thiên Chúa. Chỉ khi một người thật lòng tin nhận Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa, hết lòng vâng phục Ngài thì người ấy mới được thêm sự tri thức về Thiên Chúa. Chỉ con dân của Chúa trong Hội Thánh mới có được đặc ân: “vào trong mọi sự giàu có đầy dẫy chắc chắn của sự hiểu biết, vào trong sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Cha, và của Đấng Christ”, sau khi họ liên kết với nhau làm một trong tình yêu mà họ đã nhận từ Thiên Chúa. Nghĩa là, dù cho một người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, nhưng nếu người ấy thiếu sự thông công trong tình yêu để được hiệp một với các anh chị em khác trong Hội Thánh, thì người ấy sẽ không nhận được đặc ân nói trên. Vì đặc ân ấy chỉ được ban cho trong Hội Thánh.

Quý ông bà anh chị em có muốn được hiểu biết, được có sự tri thức về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ hay không? Hãy hiệp một với nhau trong tình yêu. Và sự hiệp một bắt đầu từ sự cầu thay cho nhau. Sự cầu thay cho nhau là một sự tranh đấu lớn, nên có giá phải trả, có những sự hy sinh nhất định.

Mọi sự giàu có đầy dẫy chắc chắn của sự hiểu biết” là sự hiểu biết thật nhiều và vô cùng chắc chắn về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, đem lại sự giàu có thuộc linh, tức là sự vinh quang và phước hạnh cho chúng ta. Sự giàu có, thịnh vượng thuộc linh cũng ảnh hưởng đến sự giàu có thuộc thể của chúng ta là sức khoẻ và của cải vật chất. Lời Sứ Đồ Giăng chúc phước cho Gai-út giúp cho chúng ta hiểu như vậy:

Hỡi con yêu dấu, ta cầu nguyện cho con được thịnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh như linh hồn con được thịnh vượng.” (III Giăng câu 2).

Sự hiểu biết về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ trước hết là tri thức, tức là sự hiểu biết đến thẳng từ sự ban cho của Đức Chúa Trời. Khi có tri thức rồi thì chúng ta có thể dùng lý trí để suy luận và đối chiếu tri thức của mình với mọi sự mà mình kinh nghiệm, học hỏi, từ đó rút ra những kết luận đúng, thêm sự hiểu biết. Đó gọi là trí thức, tức là sự hiểu biết do lý luận.

  • Tri thức là sự hiểu biết tự nhiên do Đức Chúa Trời ban cho (tri = tự nhiên biết; thức = hiểu, nhận ra).

  • Kiến thức là sự hiểu biết do gặp gỡ, kinh nghiệm (kiến = gặp, thấy).

  • Học thức là sự hiểu biết do học tập.

  • Trí thức là sự hiểu biết do suy luận bằng cách phối hợp tri thức, kiến thức, và học thức (trí = suy luận).

Có thể nói, tri thức là sự hiểu biết của thân thể thiêng liêng là tâm thần, kiến thức và học thức là sự hiểu biết của thân thể vật chất là xác thịt, còn trí thức là sự hiểu biết của linh hồn, là bản ngã, là cái “tôi” của chúng ta. Linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong thân thể vật chất là xác thịt. Bởi tâm thần mà chúng ta tiếp xúc và thông công với thế giới thuộc linh, với Thiên Chúa, các thiên sứ, và ngay cả ma quỷ. Bởi xác thịt mà chúng ta tiếp xúc và thông công với thế giới thuộc thể. Chúng ta tức là linh hồn, một thực thể thuộc loài người được Thiên Chúa dựng nên giống như Ngài.

Chỉ với thân thể xác thịt của chúng ta, chúng ta không thể hiểu biết sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Nghĩa là kiến thức và học thức không giúp cho chúng ta đạt được sự hiểu biết ấy, mà chúng ta phải có tri thức, tức là sự hiểu biết do Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong tâm thần; rồi sau đó chúng ta mới có thể suy luận để hiểu biết càng hơn. Từ học thức và kiến thức thu thập bởi thân thể xác thịt cùng với tri thức của tâm thần mà linh hồn lý luận và đúc kết thành trí thức.

Sự thực hữu và quyền phép của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ cho mọi người như Rô-ma 1:19 đã xác định, cho nên, sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời là chương trình và ý định của Ngài đối với muôn loài thọ tạo. Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Jesus Christ chính là sự Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, để trở thành một thực thể vừa Thiên Chúa vừa loài người cho đến đời đời; và Ngài sẽ hiệp một với một số người được tuyển chọn từ trong loài người, là Hội Thánh. Hai sự mầu nhiệm này chỉ có những ai đã kết hiệp làm một trong tình yêu, thành thân thể thiêng liêng của Đức Chúa Jesus Christ và nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh, thì mới có tri thức. Những người khác có thể được nghe nói đến, đọc thấy trong Thánh Kinh, được nghe giảng dạy, mà vẫn không hiểu; vì như I Cô-rinh-tô 2:13 chép, những sự thiêng liêng chỉ có thể giãi bày bởi những sự dạy dỗ thiêng liêng của thánh linh đã dạy. Và như vậy, chỉ có những người thiêng liêng mới hiểu được những sự thiêng liêng. Người thiêng liêng là người đã hiệp một trong thân thể thiêng liêng của Đấng Christ:

Những sự ấy chúng ta cũng không nói trong những lời mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy, nhưng trong những lời mà thánh linh đã dạy, dùng những sự thiêng liêng để giải bày những sự thiêng liêng.”

Những sự dạy dỗ của thánh linh, tức là thần trí của Thiên Chúa, khác với những sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh là Thiên Chúa. Đức Thánh Linh phán dạy chúng ta qua Thánh Kinh hoặc qua lời phán trực tiếp trong tâm thần của chúng ta. Đức Thánh Linh cũng ban cho chúng ta thánh linh của Thiên Chúa, tức là sự khôn sáng của Thiên Chúa, thần trí của Thiên Chúa, để chúng ta dùng Thánh Kinh giải thích Thánh Kinh mà có sự hiểu biết sâu nhiệm về Thiên Chúa.

Khi một người đã có tri thức về Đức Chúa Jesus Christ rồi thì người ấy sẽ đạt được những sự khôn sáng và trí thức trong Đức Chúa Jesus Christ là những sự được giấu kín trong Ngài. Sự khôn sáng trong Đấng Christ Jesus chính là thần trí, là sự hiểu biết khi đọc và suy ngẫm Lời Chúa, sự hiểu biết áp dụng Lời Chúa vào trong mọi hoàn cảnh, sự hiểu biết khi học các môn khoa học tự nhiên, và sự hiểu biết lòng người qua những thái độ và phản ứng của họ. Sự trí thức trong Đấng Christ là sự biết suy luận như Đấng Christ suy luận, để tổng hợp tri thức, kiến thức và học thức. Suy luận như Đấng Christ suy luận là suy luận dựa trên mọi lẽ thật của Lời Chúa.

Ngày nay, có nhiều người xưng mình là người giảng dạy Lời Chúa nhưng lại suy luận dựa trên thuyết tiến hóa và các công thức thiếu sót của khoa học, thay vì dựa vào Lời Chúa. Những người ấy kết luận và tin rằng địa cầu đã được hình thành nhiều tỷ năm (khoảng 4.5 tỷ năm theo khoa học). Lại có những người là con dân Chúa nhưng lại suy luận dựa trên truyền thống của các giáo hội, thay vì dựa vào Lời Chúa, như việc kết luận và tin rằng ngày Sa-bát Thứ Bảy đã được đổi sang Chủ Nhật, hoặc kết luận và tin rằng, con dân Chúa không cần phải giữ ngày Sa-bát. Sự suy luận như vậy không phải là trí thức trong Đấng Christ mà cũng không xứng để gọi là trí thức trong thế gian, vì dựa trên tiền đề sai đưa đến kết luận sai thì không phải là trí thức, mà là vô trí, tức không biết suy luận.

Từ khi quý ông bà anh chị em đi theo Đấng Christ đến nay, quý ông bà anh chị em đã đạt được những sự khôn sáng và trí thức nào từ nơi Ngài? Điều kiện để đạt được những sự ấy là hiệp một trong tình yêu với các anh chị em cùng đức tin của mình, bắt đầu với sự hết lòng cầu thay cho họ, tham dự cuộc tranh đấu lớn vì ích lợi của Hội Thánh, mà cũng là của chính mình.

4 Tôi nói như vậy, để chẳng ai lừa dối các anh chị em trong những lời dỗ dành.

Nói như vậy” tức là nói những lời trong các câu 1, 2, 3 trên đây, để con dân Chúa biết rằng, tri thức và trí thức về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ chỉ có thể có được khi một người hiệp một với Hội Thánh trong tình yêu của Thiên Chúa, tức là thật sự thuộc về thân thể của Đấng Christ là Hội Thánh. Chứ không phải do một sự tu tập nào đó mà có được tri thức về Thiên Chúa. Con dân Chúa không nên để cho các tà giáo và các giáo sư giả dỗ dành.

Thời bấy giờ, tại Cô-lô-se có phong trào thờ lạy các thiên sứ (Cô-lô-se 2:18) và có tôn giáo cho rằng, một người có thể tự mình tu tập để đạt được tri thức và được cứu rỗi. Tôn giáo ấy được gọi là phái Tri Thức Luận, hoặc Đạo Tri Thức, hoặc Ngộ Giáo (Gnosticism). Điểm chính trong giáo lý của Tri Thức Luận là: Chối bỏ thế giới vật chất, hướng về thế giới tâm linh, làm lành, bố thí, sống đời nghèo khó, tiết dục, tìm kiếm tri thức bằng sự cứu giúp người khác thì sẽ đạt được sự cứu rỗi. Tôn giáo này thâm nhập vào trong Hội Thánh, biến thành tà giáo trong Hội Thánh, dạy cho con dân Chúa xem thường thân thể xác thịt của mình.

5 Vì dù tôi xa cách trong xác thịt nhưng tôi vẫn hiệp một với các anh chị em trong tâm thần, vui mừng thấy sự thứ tự của các anh chị em và sự vững vàng của đức tin các anh chị em trong Đấng Christ.

Phao-lô chưa bao giờ gặp con dân Chúa tại Cô-lô-se, và ông đang ở cách xa họ trên 2,000 km, nhưng ông vẫn hiệp một với họ trong tâm thần. Cũng từ trong tâm thần mà ông vui mừng “nhìn thấy” sự trật tự và sự vững vàng của họ trong đức tin đặt để nơi Đấng Christ. Qua những lời làm chứng của Ê-pháp-ra, một trưởng lão, và có lẽ là giám mục của Hội Thánh tại Cô-lô-se, mà Phao-lô nhận thức được tình trạng thuộc linh đầy phước hạnh của Hội Thánh tại Cô-lô-se. Không phải chỉ lời làm chứng của Ê-pháp-ra mà là sự vận hành, sự thần cảm của Đức Thánh Linh trong Ê-pháp-ra khi ông làm chứng và trong Phao-lô khi Phao-lô lắng nghe, mà Phao-lô có sự trí thức về đức tin của con dân Chúa tại Cô-lô-se. Cũng chính vì thế mà tâm thần của Phao-lô đã có thể hiệp một với con dân Chúa tại Cô-lô-se trong cùng một thánh linh, để ông cảm nhận họ như là ông đang ở giữa họ. Đây chính là sự mầu nhiệm trong sự thông công của thần trí giữa các thánh đồ như đã được nói đến trong Phi-líp 2:1.

Sự thứ tự hay sự trật tự của con dân Chúa tại Cô-lô-se là bông trái của sự mọi người trong Hội Thánh thật lòng yêu thương nhau và xem người khác là tôn trọng hơn mình; không ai tranh chấp với ai, không ai muốn nổi tiếng hơn ai, nhưng muốn cho anh chị em của mình đạt được sự tốt nhất trong Chúa. Mỗi người biết chỗ đứng Chúa đặt để mình trong Hội Thánh và đứng vững tại đó, gắng sức góp phần trong sự gây dựng Hội Thánh. Hai danh từ “sự thứ tự” và “sự vững vàng” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, cũng là hai danh từ được dùng trong quân đội, để nói về sự thứ tự và đội hình vững chắc của một đội quân, chuẩn bị tác chiến.

6 Các anh chị em đã nhận Đấng Christ Jesus {là} Chúa như thế nào, thì hãy bước đi trong Ngài thế ấy.

Một người nhận Đấng Christ Jesus là Chúa là chủ của đời mình thường là do sự rao giảng Tin Lành của một người khác, qua lời nói, qua bài viết; có khi là do tự đọc Thánh Kinh. Dù là bằng cách nào và dù người giảng Tin Lành có thật lòng hay không, nhưng nếu một người đã nhận Đấng Christ Jesus là Chúa, thì người ấy biết rõ ba điều cơ bản và thật sau đây:

  • Tôi là một tội nhân, vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

  • Đức Chúa Jesus Christ là Đấng cứu rỗi, đã chết thay cho sự phạm tội của tôi

  • Tôi thật lòng ăn năn sự phạm tội của tôi và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Chúng ta chú ý cách dùng chữ: “Đấng Christ Jesus”, để nói lên kết quả việc làm của Đức Chúa Jesus trong chức vụ Christ của Ngài. Cách nói “Jesus Christ” là nhấn mạnh đến sự kiện Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Đấng Cứu Rỗi của loài người. Cách nói “Christ Jesus” là cách nói nhấn mạnh đến sự cứu rỗi và kết quả sự cứu rỗi của Ngài [1]. Người đã nhận Đấng Christ Jesus làm Chúa thì đương nhiên biết rõ Ngài là Đấng Cứu Rỗi và thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, đáp ứng điều kiện phải ăn năn tội do Ngài đưa ra. Người như vậy, chỉ cần tiếp tục bước đi trong Đấng Christ.

Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Bước đi trong Đấng Christ có nghĩa là sống như Đấng Christ đã từng sống trong thân thể xác thịt của loài người ở giữa thế gian này. Từ ngữ “bước đi” trong Thánh Kinh khi được dùng theo nghĩa bóng luôn luôn có nghĩa là sống nếp sống mỗi ngày. Vì mỗi con dân Chúa chân thật là chi thể của thân thể Đấng Christ nên nếp sống mỗi ngày của họ chính là nếp sống ở trong thân thể của Ngài. Nếu những gì họ làm ra đúng với Thánh Kinh thì họ giúp ích cho thân thể của Đấng Christ. Nếu những gì họ làm ra nghịch lại Thánh Kinh thì họ phá tán thân thể của Đấng Christ, họ sẽ như những tế bào ung thư trong thân thể, cần phải được cắt bỏ. Bảy điểm cơ bản của nếp sống trong Đấng Christ là:

  • Đừng phạm tội nữa, nghĩa là đừng vi phạm bất cứ một điều răn nào của Chúa nữa cả (Giăng 5:14; 8:11).

  • Hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời và yêu người lân cận như mình (Lu-ca 10:27).

  • Yêu anh chị em trong Chúa như Chúa yêu mình (Giăng 13:34; 15:12).

  • Làm việc gì cũng có ích, có gây dựng, và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23; 31).

  • Làm việc gì cũng hết lòng mà làm như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người (Cô-lô-se 3:23).

  • Tránh xa những sự ô uế và những kẻ ô uế, không thỏa hiệp với tội lỗi, không mang ách chung với kẻ chẳng tin (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

  • Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì phải nghĩ đến (Phi-líp 4:8).

Để có thể bước đi trong Chúa, tức là sống như Chúa, thì một người phải mở Thánh Kinh ra đọc, để biết Chúa đã sống như thế nào, chứ không phải tin và sống theo các truyền thống của các giáo hội, là những truyền thống nghịch lại Thánh Kinh.

Một người hiệp một với Hội Thánh thật của Chúa thì sẽ có tri thức và trí thức thật về Chúa, nhưng nếu hiệp một với giáo hội thì chỉ nhận lãnh “những sự cãi lẽ ngụy xưng là tri thức” (II Ti-mô-thê 6:20).

7 Hãy châm rễ và xây dựng nên trong Ngài! Hãy vững vàng trong đức tin như các anh chị em đã được dạy dỗ! Hãy dư dật trong sự cảm tạ!

Châm rễ” nói đến sự tăng trưởng; “xây dựng nên” nói đến kết quả. Mỗi một con dân Chúa cần tăng trưởng và kết quả trong Đấng Christ Jesus, tức là tăng trưởng và kết quả trong sự chết chuộc tội của Ngài, trong sự giãi bày lẽ thật về Đức Chúa Trời của Ngài, và trong sự lãnh đạo của Ngài.

Châm rễ vừa gợi lên hình ảnh sự hấp thụ những chất bổ dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây cối vừa gợi lên hình ảnh của sự thiết lập một hệ thống giữ gìn cho cây cối được vững chắc trước những cơn mưa to, gió mạnh. Con dân Chúa cần phải hấp thụ và tiêu hóa những chất bổ dưỡng thiêng liêng cho tâm thần của mình như hấp thụ và tiêu hóa những chất bổ dưỡng từ thức ăn vật chất cho thân thể xác thịt. Đức Chúa Jesus Christ phán:

Có lời đã chép, loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa.” (Ma-thi-ơ 4:4; Lu-ca 4:4; Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3).

Châm rễ chính là hành động đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm. Xây dựng nên chính là hành động cẩn thận làm theo Lời Chúa. Có như vậy thì con dân Chúa mới được sự khôn sáng và thịnh vượng, kết quả:

Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi mới được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi mới hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Đức tin đến bởi sự người ta được nghe tiếng phán của Thiên Chúa qua sự rao giảng, dạy dỗ về Tin Lành và về mọi lẽ thật trong Thánh Kinh (Rô-ma 10:17). “Vững vàng trong đức tin như các anh chị em đã được dạy dỗ” là tiếp tục châm rễ và xây dựng nên trong đức tin theo lẽ thật đã được những tôi tớ chân thật của Chúa rao giảng và dạy dỗ. Rao giảng là công bố. Dạy dỗ là khuyên bảo, quở trách, khích lệ, hướng dẫn cách thức áp dụng lẽ thật vào cuộc sống.

Con dân Chúa cũng phải sốt sắng dâng lời cảm tạ Thiên Chúa cách dư dật về tình yêu và mọi ân điển đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42, Chúa phán dặn dân I-sơ-ra-ên về việc luôn luôn dâng của lễ ngày hai lần, sáng và chiều lên cho Ngài; mỗi lần là một chiên con giáp năm, kèm theo bột mì nhồi với dầu và rượu nho. Sự dâng hiến ấy tiêu biểu cho sự con dân Chúa ngày hai bận dâng chính thân thể mình làm của lễ sống lên Chúa theo mệnh lệnh của Chúa trong Rô-ma 12:1, cùng với dâng trình mọi nhu cầu, lòng biết ơn, và hạnh phúc của mình lên Chúa. Xin đọc thêm bài “Của lễ Chay và Lễ Quán” trên trang www.timhieutinlanh.net [2].

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta cơ hội và phương tiện được có đầy dẫy tri thức và trí thức quý báu về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, qua sự chúng ta tham dự cuộc tranh đấu lớn là sự cầu thay cho Hội Thánh của Ngài. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ luôn đi lại ở giữa Hội Thánh và đồng công với chúng ta trong mọi sự. Cảm tạ Đức Thánh Linh đã tác động trên chúng ta tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện mọi vinh quang thuộc về Thiên Chúa cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/02/2017

Ghi Chú

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

[2] http://www.timhieutinlanh.net/nyttn-cua-le-chay-va-le-quan/

Thánh Ca “Jesus Là Cội Nguồn Yêu Thương”:
http://thanhca.timhieutinlanh.net/jesus-la-coi-nguon-yeu-thuong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.