Chú Giải Cô-lô-se 02:08-15 Thần Tính của Đấng Christ – Sự Cứu Rỗi Trong Đấng Christ là Trọn Vẹn

4,393 views


YouTube: https://youtu.be/-LD-9hJkYGA?si=TjHolmRNCTPrIp9w

Chú Giải Cô-lô-se 2:8-15

Thần Tính của Đấng Christ
Sự Cứu Rỗi Trong Đấng Christ là Trọn Vẹn

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTEwNTAwNjNf/9051021_Colose_2_8-15.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9051021-co-lo-se-2_8-15
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/rwz0dswbe7gr9pc/9051021_Colose_2_8-15.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Cô-lô-se 2:8-15

8 Hãy coi chừng! Kẻo có ai dẫn các anh chị em đi lạc bởi triết học và sự gạt gẫm hư không, theo truyền thống của loài người, theo các lề thói của thế gian, không theo Đấng Christ.

9 Vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. [Thể trạng = bản thể và bản tính.]

10 Trong Ngài các anh chị em được hoàn toàn, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực.

11 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.

12 Được chôn với Ngài trong sự báp-tem, thì các anh chị em cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong sự tác động của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết.

13 Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm;

14 xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự;

15 truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá. [Quyền cai trị và thế lực của ma quỷ, của tội lỗi, của sự chết.]

 

Là những con dân chân thật của Thiên Chúa, hoàn toàn thiết lập đức tin trên các lẽ thật của Thánh Kinh, chúng ta đã nhận biết ba điều căn bản sau đây:

  • Mọi tôn giáo đều là cách thức loài người tự tìm kiếm sự cứu rỗi, còn Tin Lành là sự Thiên Chúa đến với loài người để ban sự cứu rỗi cho loài người. Vì thế, Tin Lành không phải là một tôn giáo.

  • Hội Thánh của Chúa không phải là Cơ-đốc Giáo. Hội Thánh của Chúa là tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Thánh Kinh. Hội Thánh của Chúa thể hiện qua sự nhóm hiệp của con dân Chúa ở mỗi địa phương. Sự nhóm hiệp của con dân Chúa ở địa phương nào được gọi là Hội Thánh của Chúa ở tại địa phương ấy. Cơ-đốc Giáo (Christianity) là những tôn giáo mang danh Đấng Christ pha trộn lẽ thật của Tin Lành với các truyền thống, lễ nghi của những tà giáo và ngoại giáo. (Tà giáo là sự giảng dạy về Thiên Chúa không đúng với Thánh Kinh, vì đã bẻ cong Lời Chúa hoặc pha trộn Lời Chúa với thần học, triết học, tín ngưỡng của loài người. Ngoại giáo là sự giảng dạy về sự cứu rỗi trong các thần linh khác, không phải Thiên Chúa của Thánh Kinh.)

  • Sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người chỉ có thể hiện thực khi chính Thiên Chúa nhập thế làm người để gánh thay hình phạt của mọi tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế mà danh xưng của Thiên Chúa khi nhập thế làm người là: JESUS, có nghĩa là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi”.

Thư Cô-lô-se nhiều lần nhấn mạnh đến thần tính của Đức Chúa Jesus Christ để đưa đến kết luận: Sự cứu rỗi ở trong Đức Chúa Jesus Christ là trọn vẹn. Điều ấy cũng có nghĩa là, nếu có ai không chấp nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người, thì người ấy không có sự cứu rỗi của Ngài. Bởi vì, Thánh Kinh đã công bố Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa [1], mà một người xưng rằng mình tin nhận Đức Chúa Jesus Christ lại không chịu công nhận Ngài là Thiên Chúa, thì người ấy chỉ là một kẻ nói dối. Kẻ nói dối thì không có sự cứu rỗi mà chỉ có hồ lửa đời đời đợi chờ kẻ ấy mà thôi (Khải Huyền 21:8).

Trong Cô-lô-se 2:8-15 chúng ta sẽ học biết rằng, chính vì Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người mà trong Ngài chúng ta được cứu rỗi một cách trọn vẹn. Và cũng vì thế mà sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ.

8 Hãy coi chừng! Kẻo có ai dẫn các anh chị em đi lạc bởi triết học và sự gạt gẫm hư không, theo truyền thống của loài người, theo các lề thói của thế gian, không theo Đấng Christ.

Để biết rõ về Thiên Chúa và sự cứu rỗi của Ngài ban cho nhân loại, chúng ta chỉ có thể dựa vào Thánh Kinh và chỉ Thánh Kinh mà thôi. Chúng ta phải hoàn toàn bác bỏ tất cả những gì do các giáo hội mang danh Chúa hoặc do bất cứ người nào giảng dạy, nếu những sự giảng dạy đó không dựa vào Thánh Kinh hoặc không dùng chính Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh.

Giáo Hội Công Giáo dạy về sự cứu rỗi nhờ đi lễ, đọc kinh, lần chuỗi Mân Côi, kêu cầu bà Ma-ri, hoặc chịu khổ trong ngục luyện tội. Giáo Hội Tin Lành dạy về sự cứu rỗi nhờ chỉ cần một lần tuyên xưng đức tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, bất kể lời dạy rõ ràng của Thánh Kinh trong Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-29; và II Phi-e-rơ 2:20-22. Sự giảng dạy ấy còn được biết đến với tên gọi: tà giáo “Được Cứu Một Lần Được Cứu Vĩnh Viễn”.

Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, khuyên con dân Chúa hãy coi chừng, kẻo bị các giáo sư giả dẫn đi sai lạc khỏi lẽ thật của Thánh Kinh bởi những sự giảng dạy không đúng với Thánh Kinh của họ.

Danh từ “triết học” chỉ được dùng có một lần trong Thánh Kinh tại đây, trong câu này. Trong tiếng Hy-lạp, “triết học” có nghĩa đen là: sự yêu quý và theo đuổi sự khôn sáng. Trong thực dụng, “triết học” là sự suy luận để tìm hiểu về sự thực hữu của muôn loài, mục đích sự thực hữu của muôn loài, giá trị của muôn loài, mối tương quan giữa muôn loài, v.v.. Xét về ý nghĩa thì “triết học” không phải là một danh từ dùng để chỉ một sự gì xấu. Nhưng nếu triết học là sự suy luận để tìm hiểu mà không dựa trên nền tảng của Thánh Kinh hoặc sự suy luận để giải thích Thánh Kinh theo ý riêng, thì “triết học” là điều có hại.

Danh từ “triết học” được Phao-lô dùng để chỉ về sự giảng dạy của những Cơ-đốc nhân người Do-thái tự cho là có sự hiểu biết sâu nhiệm về bản thể và các phẩm trật của các thiên sứ, về sự thi hành các nghi thức theo luật pháp của Môi-se.

Thánh Kinh không dạy chúng ta nhiều về các thiên sứ. Chúng ta chỉ cần biết các thiên sứ là bậc thần linh do Thiên Chúa dựng nên, để làm tôi tớ phục vụ Ngài và những người thuộc về Ngài. Các nghi thức theo luật pháp của Môi-se hoàn toàn không còn công dụng sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người trên thập tự giá.

Chúng ta cần phân biệt Mười Điều Răn do chính Đức Chúa Trời chép trên hai bảng đá, được để trong Rương Giao Ước (I Các Vua 8:9) với cuốn Sách Luật Pháp do Môi-se chép, để bên cạnh Rương Giao Ước (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26). Mười Điều Răn là mệnh lệnh và giao ước của Đức Chúa Trời với loài người, trong khi các điều luật do Môi-se ghi chép là các luật lệ về nghi thức thờ phượng Thiên Chúa, nghi thức dâng tế lễ chuộc tội và cảm tạ, nghi thức giữ các ngày lễ hội làm hình bóng cho các mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ giữa loài người, và các hình phạt dành cho những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời.

Vì thế, những sự giảng dạy về các thiên sứ chỉ theo suy luận của loài người, để khiến con dân Chúa trong Hội Thánh thờ lạy các thiên sứ, cùng với những sự giảng dạy về các nghi thức trong luật pháp do Môi-se ghi chép, để khiến con dân Chúa trong Hội Thánh làm theo đều là những sự dẫn dắt con dân Chúa đi lạc khỏi lẽ thật của Tin Lành.

Sự gạt gẫm hư không” có nghĩa là những lý luận của triết học không dựa trên lẽ thật của Lời Chúa thì không có giá trị gì và chỉ nhằm gạt người ta đi xa khỏi lẽ thật mà thôi.

Truyền thống của loài người” có nghĩa là thói quen do loài người nhân danh Chúa tạo ra, không dựa trên các lẽ thật của Lời Chúa, được truyền từ đời này sang đời kia. Điển hình vào thời của Phao-lô là các truyền thống do giới Pha-ri-si đặt ra mà Đức Chúa Jesus gọi là “những gánh nặng” (Ma-thi-ơ 23:4). Thời nay, còn là truyền thống tổ chức Christmas và Easter, cùng các thứ gọi là Lễ Lá, Lễ Tro, Mùa Vọng, Mùa Chay…

Các lề thói của thế gian” có nghĩa là những thói quen và tiêu chuẩn của thế gian không đúng với Lời Chúa. Điển hình là lề thói chọn giờ, chọn ngày; lề thói tặng quà cho cấp trên để lấy lòng; lề thói hối lộ để được việc…

Tất cả những sự ấy: triết học không dựa trên Thánh Kinh, truyền thống của loài người, lề thói của thế gian đều không theo Đấng Christ, tức là không đúng với các lẽ thật do Đấng Christ giảng dạy. Con dân Chúa không nên nghe, không nên tin, không nên làm theo.

9 Vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. [Thể trạng = bản thể và bản tính.]

Trong Phi-líp 2:8 chúng ta đã học về lẽ thật: Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời được tìm thấy trong thể trạng của loài người, sau khi Ngài tình nguyện bỏ đi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa. Thể trạng của một người là tất cả những gì thuộc về một người, bao gồm: ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, thái độ, hành động, nếp sống… Vì thế, Đức Chúa Jesus hoàn toàn là một người. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus cũng hoàn toàn là Thiên Chúa, bởi vì chính Thánh Kinh, qua Cô-lô-se 2:9 xác định rằng, mọi sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. Thể trạng của Thiên Chúa bao gồm bản ngã của Thiên Chúa tức là linh hồn của Thiên Chúa và thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa, tức là tâm thần, cùng với tất cả những thuộc tính của Thiên Chúa: toàn ái, toàn thánh, toàn chính, toàn năng, toàn tri, toàn tại, toàn thiện, toàn chân, và toàn mỹ [2]. Các câu Thánh Kinh nói đến linh hồn của Thiên Chúa là: Lê-vi Ký 26:11, 30; Thi Thiên 11:5; Ê-sai 42:1; Giê-rê-mi 5:9, 29; 6:8; 9:9; 12:7; 32:41; Xa-cha-ri 11:8; Ma-thi-ơ 12:18; và Hê-bơ-rơ 10:38. Chính Đức Chúa Jesus Christ xác nhận bản thể của Thiên Chúa là thần linh trong Giăng 4:24.

Đức Chúa Jesus là một người hoàn toàn vì Ngài là một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và một thân thể vật chất là xác thịt như mỗi một chúng ta (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23; Hê-bơ-rơ 4:12). Nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa hoàn toàn, vì linh hồn và tâm thần của Ngài là linh hồn và tâm thần của Thiên Chúa. Vì Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa nên mọi sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. Chỉ có một điều là Ngài không dùng đến thần tính của Ngài đang khi Ngài được sinh ra làm người để chết thay cho toàn thể nhân loại về mỗi một tội lỗi của họ. Sau khi thân thể xác thịt của Ngài phục sinh thì Ngài hoàn toàn sử dụng thần tính của Ngài để phán xét và cai trị muôn vật với danh xưng “Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 1:8-9) và danh xưng “Vua của Các Vua Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 17:14; 19:16).

Giả sử có một người bỏ tiền ra thành lập một công ty và là chủ tịch của công ty ấy. Nếu có một khoảng thời gian nào, người ấy tự ý vào trong công ty của mình làm việc như một nhân viên với công việc của một lao công, phụ trách quét dọn các văn phòng, thì người ấy phải hoàn toàn vâng phục các luật lệ của công ty và làm tròn bổn phận quét dọn của mình. Dù người ấy không sử dụng thẩm quyền của chủ tịch công ty đang khi làm việc như một lao công, nhưng phẩm chất của chủ tịch công ty vẫn đầy dẫy trong người ấy.

10 Trong Ngài các anh chị em được hoàn toàn, vì Ngài là đầu của mọi quyền cai trị và thế lực.

Phân động từ “được hoàn toàn” được dùng với thì quá khứ hoàn thành trong câu này, cho biết, sự chúng ta được làm cho hoàn toàn trong Đấng Christ đã hoàn tất. Động từ làm cho hoàn toàn có nghĩa là làm cho có đầy đủ những gì cần có để trở nên trọn vẹn; và cũng có nghĩa là làm cho ý muốn của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm.

Chúng ta, những người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta đã được Thiên Chúa làm cho chúng ta được hoàn toàn ở trong Đấng Christ. Được hoàn toàn ở trong Đấng Christ là được ban cho tất cả những gì cần thiết để chúng ta trở nên trọn vẹn như Cha của chúng ta ở trên trời (Ma-thi-ơ 5:48) mà giống như Đức Chúa Jesus Christ theo như ý định của Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:29).

Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta được hoàn toàn khi Ngài tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, khiến chúng ta được sống lại trong Đấng Christ, và ban cho chúng ta mọi thứ khí giới của Ngài để chúng ta chiến đấu trước mọi sự tấn công của ma quỷ (Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 2:13; Ê-phê-sô 6:11-18). Đức Chúa Jesus Christ khiến cho chúng ta hoàn toàn khi Ngài ban thêm sức cho chúng ta và ban cho chúng ta ân điển của Ngài để chúng ta làm được mọi sự qua Ngài (Phi-líp 4:13; II Cô-rinh-tô 12:9). Đức Thánh Linh khiến cho chúng ta được hoàn toàn khi Ngài dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật, cầu thay cho chúng ta, và ban mọi ân tứ cho chúng ta (Giăng 16:13; Rô-ma 8:27; I Cô-rinh-tô 12:4).

Và vì chúng ta đã được làm cho hoàn toàn nên chúng ta đã được Đức Chúa Trời xưng chúng ta là công chính và đã làm cho chúng ta được vinh quang. Chú ý đến thì quá khứ “đã”:

“Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công chính. Những ai Ngài đã xưng là công chính thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển. (Rô-ma 8:30).

Việc còn lại là chúng ta có tin và nhận lẽ thật ấy hay không? Có sống xứng đáng với sự hoàn toàn Thiên Chúa đã làm cho chúng ta để chúng ta trở nên trọn vẹn hay không? Hay là chúng ta sống một nếp sống thù nghịch thập tự giá, thù nghịch sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, giày đạp Ngài, xem thường máu thánh của Ngài? (Phi-líp 3:18; Hê-bơ-rơ 10:29).

Đức Chúa Jesus Christ là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực. Vì thế, Ngài mang danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”. Quyền cai trị là thẩm quyền ban cho để cai trị, như quyền của vua, của tổng thống… Thế lực là sức mạnh ban cho để thi hành quyền cai trị, như luật pháp, quân đội, vũ khí, tài chính…

11 Trong Đấng ấy các anh chị em cũng chịu cắt bì với sự cắt bì không bởi đôi tay, trong sự lột bỏ những tội lỗi của thân thể xác thịt, bởi sự cắt bì của Đấng Christ.

Sự cắt bì là sự cắt bỏ lớp da bao bọc chung quanh đầu bộ phận sinh dục của người nam, để tránh sự tích tụ những chất bẩn và vi trùng giữa lớp da ấy với đầu bộ phận sinh dục, sinh ra nhiễm trùng, có thể lây lan cho vợ. Về mặt y học, sự cắt bì giúp bảo vệ sức khoẻ của người đàn ông và vợ của người ấy. Về mặt thuộc linh, Đức Chúa Trời dùng sự cắt bì làm hình bóng cho sự cắt bỏ bản tính tội lỗi trong linh hồn của một người, là bản tính khiến cho thân thể xác thịt làm ra những việc tội lỗi, trái nghịch các điều răn của Đức Chúa Trời.

Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy lập tức được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch bản tính tội, bằng sự dùng máu thánh của Ngài rửa sạch bản tính tội của người ấy (I Giăng 1:7; Khải Huyền 1:5). Vì ý nghĩa bóng của sự cắt bì đã được Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành, nên ngày nay con dân Chúa không cần phải chịu cắt bì về phần xác để được ở trong giao ước cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ có thể chịu cắt bì vì lý do vệ sinh. Trong buổi đầu của Hội Thánh, các giáo sư giả người Do-thái đã giảng dạy rằng, những người tin Chúa thuộc các dân ngoại phải chịu cắt bì. Sự giảng dạy ấy đã gây rối trong Hội Thánh tại An-ti-ốt và Ga-la-ti.

12 Được chôn với Ngài trong sự báp-tem, thì các anh chị em cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong sự tác động của Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ những kẻ chết.

Ý nghĩa thứ nhất của báp-tem là sự con người cũ với bản tính tội lỗi của người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, cùng bị chết và chôn với Ngài khi Ngài chịu chết và chôn vì tội lỗi của nhân loại. Ý nghĩa thứ nhì của báp-tem là sự người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ được cùng sống lại trong sự sống lại của Ngài, thành một người mới, tức là được Đức Chúa Trời sinh ra trong Đức Chúa Jesus Christ, đặt ngồi trong các tầng trời trong Đấng Christ (Ê-phê-sô 2:6). Ý nghĩa thứ ba của báp-tem là Đức Chúa Trời đã làm cho thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ được sống lại vinh quang như thế nào thì Ngài cũng sẽ làm cho thân thể xác thịt của người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ được sống lại vinh quang như thế ấy.

Đức tin trong sự tác động của Đức Chúa Trời” là sự tin rằng hành động của Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến chúng ta, khiến cho thánh ý của Ngài được hoàn thành qua chúng ta và cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã ban sự cứu rỗi cho chúng ta. Nếu chúng ta tin, tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ khiến cho chúng ta được sống lại, làm con cái của Ngài, và cùng với Đức Chúa Jesus Christ cai trị cơ nghiệp của Ngài.

13 Khi các anh chị em đã chết bởi những lỗi lầm của mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì, thì Ngài đã khiến các anh chị em cùng sống lại với Đấng ấy, tha thứ cho các anh chị em mọi sự vi phạm;

Vì mọi người đều đã phạm tội (Rô-ma 3:23) nên mọi người đều đã chết (Ê-phê-sô 2:1). Tuy nhiên, dân I-sơ-ra-ên có giao ước với Đức Chúa Trời qua tổ phụ của họ là Áp-ra-ham, là giao ước được chứng thực qua sự cắt bì; nhờ đó, họ có thể được xưng là công chính bởi đức tin. Nhưng các dân ngoại không chịu cắt bì thì không ở trong giao ước ấy, không có cơ hội nghe và làm theo các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, để được xưng là công chính; cho đến khi giao ước mới xuất hiện và Tin Lành được giảng cho họ.

Chúng ta chú ý đến động từ quá khứ “đã chết” được dùng trong câu này, cũng như trong Ê-phê-sô 2:1. Điều ấy chứng minh rằng, sự chết được nói đến là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa vì sự phạm tội của chúng ta. Mỗi một chúng ta là một linh hồn sống được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Linh hồn sống là linh hồn được thông công với Thiên Chúa. Khi linh hồn phạm tội thì trở thành linh hồn chết, tức là linh hồn bị cắt đứt sự thông công với Thiên Chúa, bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Sự chết thứ nhất bao gồm sự chúng ta tạm thời bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa dẫn đến sự chúng ta tạm thời bị phân rẽ với thân thể thiêng liêng là tâm thần và thân thể vật chất là xác thịt. Khi linh hồn và tâm thần rời khỏi thân thể xác thịt thì đó là sự chết của thân thể xác thịt.

Đang khi chúng ta ở trong sự chết thứ nhất, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự cứu rỗi ra khỏi sự chết. Nếu chúng ta thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, thì chúng ta được thoát khỏi sự chết, vào trong sự sống (Giăng 5:24; I Giăng 3:14). Nếu chúng ta không thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ đời đời bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, đó là sự chết thứ nhì (Khải Huyền 20:6, 14; 21:8).

Sự chết thứ nhì bao gồm thân thể vật chất là xác thịt được sống lại và sẽ cùng với linh hồn bị nhốt trong hồ lửa cho đến đời đời.

Tất cả những ai thật lòng tin nhận Tin Lành đều được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của họ, làm cho họ sống lại ở trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là làm cho họ được thông công trở lại với Thiên Chúa trong Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng nếu có ai quay về nếp sống vi phạm các điều răn của Ngài, thì họ sẽ chết trở lại, vì tiền công của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23). Thánh Kinh đã dạy rõ, người đã được cứu mà quay về sống trong tội thì sẽ bị hình phạt nặng hơn người không tin Chúa (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-29; II Phi-e-rơ 2:20-22).

14 xóa bỏ bản chép tay các điều luật nghịch lại chúng ta, các điều đối nghịch chúng ta, đem nó ra khỏi giữa chúng ta mà đóng đinh nó trên cây thập tự;

Bản chép tay các điều luật” tức là cuốn Sách Luật Pháp do Môi-se ghi chép và được để bên cạnh Rương Giao Ước (Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:26). Các điều luật ấy lên án chết những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Vì chúng ta phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, cho nên, các điều luật ấy nghịch lại chúng ta và đem sự chết đến cho chúng ta. Đó cũng chính là ý nghĩa của câu “Chữ thì giết!” hoặc “Chữ làm cho chết!” (II Cô-rinh-tô 3:6) [3]. Một số giáo sư giả lấy câu ấy để quỷ biện rằng, con dân Chúa không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, vì Mười Điều Răn là chữ viết. Trong khi đó, Đức Chúa Jesus Christ phán rõ ràng, muốn có sự sống đời đời thì phải vâng giữ các điều răn (Ma-thi-ơ 19:16-17; Lu-ca 10:25-28).

Luật pháp của Đức Chúa Trời chia thành hai phần. Phần thứ nhất là Mười Điều Răn. Phần thứ nhì là sự diễn giải thế nào là vi phạm Mười Điều Răn và hình phạt dành cho những ai vi phạm. Giao Ước Cũ là Đức Chúa Trời ban phước cho những ai giữ Mười Điều Răn và hình phạt những ai vi phạm. Giao Ước Mới thay thế Giao Ước Cũ nhưng không hủy bỏ Giao Ước Cũ, mà chỉ thêm vào điều khoản: Đức Chúa Jesus Christ gánh thay hình phạt cho tất cả mọi người đã vi phạm Mười Điều Răn. Miễn là họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Thật lòng ăn năn tội có nghĩa là không còn vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nếu cho rằng, trong thời Tân Ước Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời không còn hiệu lực thì cũng cùng một ý cho rằng, trong thời Tân Ước sự vi phạm Mười Điều Răn không bị gọi là tội lỗi.

Vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh lấy sự chết, tức là hình phạt của tội lỗi thay cho những ai tin nhận Tin Lành, cho nên, mọi điều luật lên án từng tội lỗi của những người tin nhận Tin Lành, như đã được chép trong Sách Luật Pháp của Môi-se, đều trở thành vô hiệu với những người ấy. Đó là ý nghĩa của Cô-lô-se 2:14 và Rô-ma 7:1-6.

15 truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, phơi bày chúng nó tỏ tường, đắc thắng chúng nó trong thập tự giá. [Quyền cai trị và thế lực của ma quỷ, của tội lỗi, của sự chết.]

Các quyền cai trị và các thế lực bị truất bỏ được nói đến trong câu này thuộc về Sa-tan, tội lỗi, và sự chết.

Người không ở trong địa vị là con cái của Đức Chúa Trời thì đương nhiên ở trong địa vị là con cái của ma quỷ (I Giăng 3:9-10). Con cái của ma quỷ thì đương nhiên ở dưới quyền cai trị của ma quỷ. Thánh Kinh gọi ma quỷ là Đức Chúa Trời của đời này (II Cô-rinh-tô 4:4). Ê-phê-sô 6:12 cho biết:

Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.”

Rô-ma 7:14-23 cho chúng ta biết, tội lỗi có sức mạnh của nó, buộc tội nhân cứ tiếp tục làm ra tội, như một người chủ khắc nghiệt, buộc nô lệ làm việc cho đến chết.

Sự chết là hậu quả của tội lỗi, cũng có sức mạnh của nó. Sức mạnh của sự chết khiến cho linh hồn bị phân rẽ khỏi thân thể xác thịt, khiến cho thân thể xác thịt bị hủy hoại, và khiến cho một người bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa.

Mệnh đề “phơi bày chúng nó tỏ tường” là cách nói mô tả người chiến thắng dẫn tù binh diễu hành qua các đường phố. Đức Chúa Jesus Christ đã chiến thắng mọi quyền cai trị, mọi thế lực của Sa-tan, của tội lỗi, và của sự chết. Vì thế, tất cả những ai thật lòng tin nhận Tin Lành không còn ở dưới quyền cai trị và thế lực của chúng. Đó cũng chính là ý nghĩa của sự chúng ta được hoàn toàn trong Đấng Christ, Đấng làm đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực.

Chúng ta hãy nhìn lại chính mình. Chúng ta có đang sống như những người đã được hoàn toàn trong Đấng Christ hay không? Chúng ta tin nhận Tin Lành nhưng chúng ta có sống theo Tin Lành và sống trong Tin Lành hay không? Sống theo Tin Lành là thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sống trong Tin Lành là sống trong sự vui mừng, bình an, yêu thương, thánh khiết, và công chính.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa soi sáng chúng ta, thánh hóa chúng ta, thêm đức tin cho chúng ta. Nguyện tâm thần, linh hồn, và thân thể của chúng ta được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ! Nguyện tình yêu của Đức Chúa Trời, ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với chúng ta cho đến đời đời! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/03/2017

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-12_thanh-kinh-goi-duc-chua-jesus-christ-la-thien-chua/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-12-cac-tin-ly-can-ban/

[3] https://timhieutinlanh.com/vi-chu-thi-giet-nhung-dang-than-linh-thi-ban-su-song/

Thánh Ca: “Jesus là Cứu Chúa”: https://thanhca.online/karaoke-jesus-la-cuu-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.