Chú Giải Cô-lô-se 03:18 – 04:01

3,627 views


YouTube: https://youtu.be/JPQ3HT-fdRI?si=b42TQIJzaj6A4QDe

Chú Giải Cô-lô-se 3:18 – 4:1
Nếp Sống Mới Trong Gia Đình và Trong Quan Hệ Chủ Tớ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

18 Những người vợ, hãy vâng phục những người chồng của mình, như một điều phải lẽ trong Chúa.

19 Những người chồng, hãy yêu những người vợ {của mình}, đừng {ở} cay nghiệt với họ.

20 Những con cái, hãy vâng phục những cha mẹ {của mình} trong mọi sự, ấy là sự đẹp lòng Chúa.

21 Những người cha, đừng chọc giận những con cái của mình, kẻo chúng nó bị ngã lòng.

22 Những tôi tớ, hãy vâng phục những chủ về phần xác {của mình} trong mọi sự, không chỉ phục vụ trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng với lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời.

23 Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.

24 Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, {là} Đấng Christ.

25 Vì ai {ăn ở} bất nghĩa, sẽ nhận lấy sự bất nghĩa của mình; không tư vị người nào hết.

4:1 Những người chủ, hãy đối xử những tôi tớ {của mình} cách công chính và bình đẳng. Hãy biết rằng, các anh chị em cũng có một Chủ trong các tầng trời.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTM5NDU4MDFf/9051032_Colose_3_18-4_1.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9051032-co-lo-se-3_18-4_1
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/f6jbkh8be7vif64/9051032_Colose_3_18-4_1.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive:  https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: Tin Lành của Đấng Christ là năng lực của Thiên Chúa để cứu tất cả những ai tin (Rô-ma 1:16). Tin có nghĩa là công nhận và làm theo. Tin Tin Lành có nghĩa là công nhận mình có tội, công nhận mình cần phải ăn năn từ bỏ tội, và công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Được cứu có nghĩa là được cứu ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Bất cứ ai tin Tin Lành thì lập tức được năng lực của Tin Lành biến đổi thành một người mới, giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24), có năng lực sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa, đắc thắng mọi cám dỗ và thử thách (I Cô-rinh-tô 10:13).

Tiếc thay, ngày nay trong thế gian có hàng tỷ người xưng nhận mình tin nhận Tin Lành nhưng đời sống của họ không hề thay đổi; kể cả những người mang danh là người rao giảng Lời Chúa. Thậm chí, có người đời sống còn tệ hơn những người không tin Tin Lành. Chỉ có một lý do: Những người ấy không thật sự tin Tin Lành. Họ biết họ có tội. Họ biết họ cần phải ăn năn tội. Họ tin sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng họ không có lòng ăn năn tội. Họ vẫn còn sống trong tội, chìu theo những ham muốn bất chính của xác thịt, tiếp tục giữ những thói hư, tật xấu. Họ là những người chỉ tin Tin Lành trên môi miệng, thờ kính Thiên Chúa trên môi miệng:

Ngài đáp lời, phán với họ: Hỡi những kẻ giả hình! Ê-sai đã tiên tri về các ngươi, như có chép rằng: Dân này thờ kính Ta {bằng} môi miệng, nhưng lòng chúng nó cách xa Ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy Ta là vô ích, vì chúng nó dạy các giáo lý về những điều răn của loài người.” (Mác 7:6-7).

Bài học đầu tiên Đức Chúa Jesus Christ dạy cho những ai đến với Ngài là: Hãy bỏ đi tất cả những gánh nặng trong đời sống. Hãy cùng sống với Ngài và học theo Ngài. Hãy học sự nhu mì và khiêm nhường của Ngài.

Hãy đến cùng Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ. Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách của Ta là dễ chịu và gánh của Ta là nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:28-30).

Và sau khi Hội Thánh được thành lập thì Đức Thánh Linh đã nhắc nhở con dân Chúa rằng:

Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 5:7).

Thế nhưng, biết bao nhiêu người xưng nhận họ là những người học theo Đấng Christ, nhưng họ vẫn âu lo, mệt mỏi vì gánh nặng của những nhu cầu và nan đề trong cuộc sống mỗi ngày, vẫn nói năng thô lỗ, cộc cằn, hỗn láo với người khác, kể cả những bậc Thiên Chúa đặt để trên họ, và vẫn kiêu ngạo, xem thường người khác! Hãy ghé qua các trang mạng xã hội (như facebook) của những người xưng mình là con dân Thiên Chúa mà không sống theo Lời Chúa, chúng ta sẽ thấy bông trái thật của họ thể hiện qua những bài viết và những lời góp ý của họ. Những người ấy, chỉ là những người theo một thứ tôn giáo gọi là “Đạo Tin Lành!”

Người thật sự tin Tin Lành thì sẽ thật sự được dựng nên mới và sống trong nếp sống mới. Nếp sống mới trong Chúa bắt đầu ngay từ trong gia đình và thể hiện qua bổn phận của người ấy đối với mỗi người trong gia đình. Nhìn vào cách cư xử của một người với những người khác trong gia đình mà người ta biết rằng, người ấy đã được dựng nên mới hay chưa. Cô-lô-se 3:18 – 4:1 dạy cho chúng ta biết bổn phận của con dân Chúa đối với những thành viên trong gia đình, và bổn phận của con dân Chúa trong địa vị làm chủ hoặc làm tôi tớ.

18 Những người vợ, hãy vâng phục những người chồng của mình, như một điều phải lẽ trong Chúa.

Một gia đình bắt đầu bằng sự kết hiệp vợ chồng giữa một người nam và một người nữ, và phát triển dần với sự sinh ra con cái. Trong một gia đình cũng như trong bất cứ tập thể nào, cần phải có một người đứng đầu. Thiên Chúa đã ban cho người chồng thẩm quyền đứng đầu gia đình, có quyền cai trị trên người vợ:

Ngài phán với người nữ: Ta sẽ thêm nhiều sự cực khổ trong cơn thai nghén của ngươi; ngươi sẽ chịu đau đớn trong khi sinh con; sự ham muốn của ngươi phải hướng về chồng ngươi, và chồng sẽ cai trị ngươi.” (Sáng Thế Ký 3:16).

Vì thế, người vợ nào không vâng phục chồng thì đương nhiên chống lại mệnh lệnh của Thiên Chúa, khiến cho Lời của Đức Chúa Trời bị xúc phạm (Tít 2:5), là có tội với Thiên Chúa.

Sự vợ vâng phục chồng là vâng phục như vâng phục Chúa, và vâng phục trong mọi sự:

Hỡi những người vợ! Hãy vâng phục chồng mình như {vâng phục} Chúa. Vì chồng là đầu của vợ, như Đấng Christ là đầu của Hội Thánh…” (Ê-phê-sô 5:22-23).

Vậy nên, như Hội Thánh vâng phục Đấng Christ, thì những người vợ cũng phải {vâng phục} chồng mình trong mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:24).

Vâng phục chồng như vâng phục Chúa vừa có nghĩa xem ý muốn của chồng như ý Chúa, vừa có nghĩa ý muốn của chồng phải hoàn toàn không nghịch lại Thánh Kinh. Nói cách khác, nếu ý muốn của chồng nghịch lại Thánh Kinh thì vợ không cần phải vâng phục, nhưng nếu ý muốn của chồng không nghịch lại Thánh Kinh, thì vợ phải tuyệt đối vâng theo. Vợ có thể nhỏ nhẹ nêu lên ý kiến và sở thích của mình, nhưng nếu chồng không đổi ý, thì vợ phải vui vẻ vâng theo.

Thí dụ: Chồng thích sống ở ngoại ô trong khi vợ thích sống trong thành phố, thì vợ phải vâng phục chồng, vui vẻ sống ở ngoại ô với chồng. Vợ thích nuôi chó, mèo trong khi chồng không thích nuôi chó, mèo, thì vợ phải vâng phục chồng mà không nuôi chó, mèo.

Vợ vâng phục chồng trong mọi sự đương nhiên có nghĩa là vợ vâng phục chồng trong tất cả những sự nào không nghịch lại Thánh Kinh.

Ngay cả đối với người chồng không tin Chúa, người vợ tin Chúa vẫn phải vâng phục theo lời Chúa dạy.

Hỡi những người làm vợ, hãy vâng phục những người chồng của mình, để nếu có người chồng nào không vâng phục Đạo, cũng có thể bởi nếp sống của những người vợ, không bởi lời nói, mà họ bị thu phục…” (I Phi-e-rơ 3:1).

Nhưng nếu người chồng không tin Chúa cay nghiệt (đánh đập, chửi mắng), hoặc bách hại đức tin của người vợ, hoặc ép buộc người vợ thực hiện những sự thờ cúng hình tượng, người chết, hoặc tiêu phí tiền bạc do vợ làm ra vào việc cờ bạc, nhậu nhẹt, hút chích ma túy, mua sắm hình tượng, cúng bái tà thần… thì người vợ tin Chúa nên lìa khỏi người chồng theo mệnh lệnh của Chúa trong II Cô-rinh-tô 6:14-18. Điều này cũng áp dụng cho những người vợ có chồng mang danh là tin Chúa nhưng nếp sống của chồng nghịch lại Thánh Kinh.

Những người vợ tin Chúa cần phải ý thức rõ, mình là con gái của Đức Chúa Trời, mình không phải là nô lệ cho con cái của ma quỷ, và không có lý do gì phải chịu khổ bởi con cái của ma quỷ; vì thế, Chúa đã dạy con dân Chúa phải phân rẽ khỏi kẻ chẳng tin (II Cô-rinh-tô 6:14-18). Chỉ trừ khi, người chồng không tin Chúa bằng lòng sống với mình mà không ngược đãi mình, không bắt bớ đức tin của mình, thì mình có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ vợ chồng theo lời khuyên của Phao-lô trong I Cô-rinh-tô 7:12-16. Và các chị em cần nhớ rằng, đó chỉ là lời khuyên của Phao-lô vì lòng thương xót dành cho một người không tin Chúa nhưng không bức hiếp con dân Chúa, chứ đó không phải mệnh lệnh của Chúa, như ông đã nói rõ trong câu 12.

Sự vợ vâng phục chồng là một điều phải lẽ trong Chúa có nghĩa đó là một sự đúng theo ý muốn của Thiên Chúa, dẫn đến những kết quả tốt đẹp, chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa trong thế gian và đem lại ích lợi cho mọi người.

Vợ vâng phục chồng còn có nghĩa là vợ không được lớn tiếng cãi nhau với chồng. Dù chồng có sai nghịch với Lời Chúa thì vợ cũng chỉ nhỏ nhẹ chỉ ra chỗ sai của chồng. Nếu chồng không nhận lỗi thì vợ cũng không vì thế mà to tiếng với chồng, mà chỉ nên đến với Chúa, dâng trình mọi sự lên Chúa, trong khi cương quyết không vâng theo ý muốn sai trái của chồng.

19 Những người chồng, hãy yêu những người vợ {của mình}, đừng {ở} cay nghiệt với họ.

Từ ngữ “cay nghiệt” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một động từ có nghĩa đen là: làm cho đắng; và nghĩa bóng là: làm cho khó chịu, bực tức. Người chồng tin Chúa có bổn phận phải yêu vợ (dù vợ có tin Chúa hay không) như yêu chính mình, như Đấng Christ yêu Hội Thánh:

Hỡi những người chồng! Hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh…” (Ê-phê-sô 5:25).

Vậy nên, những người chồng phải yêu vợ mình như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng có người nào lại ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng và vui hưởng nó, như Chúa {đối với} Hội Thánh.” (Ê-phê-sô 5:28-29).

Tình yêu thể hiện bằng sự chăm sóc, bảo vệ, và giúp cho người mình yêu đạt đến mục đích mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho người ấy. Nói cách khác là làm tất cả những gì có thể làm và sẵn sàng trả mọi giá để giúp cho người mình yêu được an vui và được trở nên trọn vẹn trong Chúa.

Trong khi vợ phải vâng phục chồng trong mọi sự, mọi ham muốn của vợ phải lệ thuộc vào chồng, thì chồng vì yêu vợ mà sẵn sàng hy sinh sở thích, ý muốn của mình để chìu theo sở thích, ý muốn nào không sai nghịch Lời Chúa của vợ.

Chồng không ở cay nghiệt với vợ còn có nghĩa là không buộc vợ phải làm “đầy tớ” cho gia đình bên chồng. Nói cách khác là không có chuyện “làm dâu” trong vòng con dân Chúa. Lời Chúa dạy rất rõ ràng:

Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mình, mà dính díu với vợ mình; và họ sẽ trở nên một thịt.” (Sáng Thế Ký 2:24).

Vậy nên, người đàn ông phải lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ mình, hai người sẽ cùng nên một thịt.” (Ê-phê-sô 5:31).

Việc người vợ phải “làm dâu” cho gia đình nhà chồng, để nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… cho cả gia đình bên chồng như một người đầy tớ không lương là điều hoàn toàn nghịch lại Lời Chúa. Chỉ khi nào cha mẹ chồng già yếu, nghèo khổ, không nơi nương tựa, không có phương tiện sống, thì vợ chồng có thể mang họ về nhà mình để chăm sóc, phụng dưỡng. Không riêng đối với cha mẹ chồng mà cha mẹ vợ cũng nên được đối xử như vậy. Con dân Chúa cần phải hiểu rõ, hôn nhân là người nam lìa khỏi cha mẹ mình mà kết hiệp làm một với vợ của mình, tạo ra một đơn vị gia đình mới mà chồng là chủ gia đình.

Trong khi vợ vâng theo mệnh lệnh của Chúa để vâng phục chồng trong mọi sự thì chồng cũng phải vâng theo mệnh lệnh của Chúa mà yêu vợ và hy sinh cho vợ như Chúa yêu Hội Thánh và hy sinh cho Hội Thánh.

Cũng vậy, hỡi những người làm chồng, hãy ở với họ cách hiểu biết như với người yếu đuối hơn, tôn trọng người vợ và là người sẽ cùng mình hưởng phước sự sống, để không điều gì cắt đứt sự cầu nguyện của các anh em.” (I Phi-e-rơ 3:7).

Nếu không, người chồng phạm tội chống nghịch mệnh lệnh của Chúa và tội lỗi làm ngăn trở sự tương giao của người chồng với Chúa. Chúng ta có thể nhìn vào đời sống vợ chồng của những người xưng nhận mình là con dân Chúa mà biết họ có thật là con dân Chúa hay không. Nhìn cách thức vợ cư xử với chồng và cách thức chồng cư xử với vợ mà chúng ta nhận ra họ đang sống theo Lời Chúa hay đang sống theo bản ngã tội lỗi của xác thịt. Chứng nhân mỗi ngày trong đời sống vợ chồng chính là những đứa con của họ.

20 Những con cái, hãy vâng phục những cha mẹ {của mình} trong mọi sự, ấy là sự đẹp lòng Chúa.

Sự con cái vâng phục cha mẹ là dấu hiệu đầu tiên của lòng hiếu kính cha mẹ theo điều răn thứ năm trong Mười Điều Răn. Sự con cái vâng phục cha mẹ không có sự phân biệt giữa cha mẹ tin Chúa hay cha mẹ không tin Chúa. Chỉ cần ý muốn của cha mẹ không nghịch lại Thánh Kinh, thì con cái phải vâng phục. Vì đó là điều đẹp lòng Chúa, đem lại ích lợi cho mọi người, và đem phước đặc biệt đến cho người biết vâng phục cha mẹ.

Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là phải. Hãy tôn kính cha và mẹ của ngươi! Đó là điều răn thứ nhất với một lời hứa, để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:1-3).

Sự con cái vâng phục cha mẹ cũng không giới hạn trong thời gian con cái còn sống chung với cha mẹ, mà là suốt cuộc đời. Chỉ có trường hợp ngoại lệ là khi ý muốn của cha mẹ có ảnh hưởng không tốt đến nếp sống gia đình của riêng mình, thì quyền lợi của gia đình mình phải được đặt trên ý muốn của cha mẹ.

21 Những người cha, đừng chọc giận những con cái của mình, kẻo chúng nó bị ngã lòng.

Động từ “chọc giận” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một từ ghép, có nghĩa là: khiêu khích để làm cho tức giận. Người cha có thể chọc giận con cái khi lạm dụng quyền làm cha để áp bức con cái, đối xử bất công với con cái. Những lời mắng chửi, thô lỗ, cộc cằn, xúc phạm nhân phẩm cũng khiến cho người nghe bị tức giận. Việc luôn than phiền, trách móc những khuyết điểm của con cái mà không hướng dẫn chúng cách khắc phục, không tạo điều kiện để chúng thăng tiến, không khích lệ khi chúng làm tốt cũng là một hình thức chọc giận con cái.

Con cái bị chọc giận có thể không làm gì được cha mẹ nhưng chúng nó sẽ bị tổn thương nặng về tinh thần, mà ảnh hưởng kéo dài đến suốt đời. Từ ngữ “ngã lòng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: bị sụp đổ tinh thần. Người bị sụp đổ tinh thần sẽ trở thành miếng mồi ngon cho ma quỷ và khó mà đưa dắt người ấy đến với sự cứu rỗi.

Thay vì “chọc giận” con cái, những người cha và ngay cả những người mẹ phải dùng Lời Chúa mà dạy dỗ con cái.

Hỡi những người làm cha! Chớ chọc giận con cái của mình; nhưng hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi dạy chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4).

Nên nhớ, con cái là cơ nghiệp Thiên Chúa ban cho chúng ta (Thi Thiên 127:3), chúng ta có bổn phận, trách nhiệm bảo quản và làm lợi ra cơ nghiệp của Thiên Chúa.

22 Những tôi tớ, hãy vâng phục những chủ về phần xác {của mình} trong mọi sự, không chỉ phục vụ trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng với lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời.

23 Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.

24 Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, {là} Đấng Christ.

Nội dung của câu 22 đến câu 24 tương tự với nội dung của Ê-phê-sô 6:5-8:

5 Hỡi những người làm tôi tớ! Hãy kính sợ mà vâng phục những người chủ của mình theo phần xác, trong sự thật thà của lòng mình, như đối với Đấng Christ.

6 Không phải làm cho thấy trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng như những tôi tớ của Đấng Christ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, từ trong lòng

7 lấy ý tốt mà phục vụ như cho Chúa chứ không phải cho loài người.

8 Hãy biết rằng, bất cứ điều lành nào một người làm, thì người ấy sẽ nhận được từ nơi Chúa, bất kể là người tự do hay nô lệ.

Từ ngữ “những tôi tớ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ dùng để gọi những nô lệ. Nô lệ bị xem như là tài sản của chủ và thường bị chủ bóc lột sức lao động. Dù vậy, nếu người nô lệ là người tin Chúa thì người ấy phải vâng phục chủ như vâng phục Chúa, hầu việc chủ như hầu việc Chúa. Khi bị chủ đối xử bất công thì trình dâng mọi sự lên Chúa.

Đây chính là điều an ủi và khích lệ những người nô lệ là con dân Chúa, bởi vì, Chúa xem mọi việc họ làm cho chủ như là làm cho Chúa. Từ trong địa vị thấp hèn nhất của xã hội, một người cũng được Chúa ban cho cơ hội hầu việc Ngài và sẽ được Ngài ban thưởng một cách xứng đáng.

Bài học dành cho chúng ta là:

  • Dù cho con dân Chúa ở trong địa vị nào của xã hội, thì cũng đều có cơ hội hầu việc Chúa qua chính bổn phận mỗi ngày của mình trong xã hội.

  • Mọi việc chúng ta làm phải được làm với tấm lòng phục vụ Chúa vì Chúa xem mọi việc làm của chúng ta là làm cho Ngài. Thật vậy, Lời Chúa dạy rõ:

Tuy nhiên, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào vì chính mình mà chết. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên, chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Rô-ma 14:7-8).

Ngài đã chết vì mọi người, để cho những ai sống không sống vì chính họ, nhưng {sống} vì Đấng đã chết cho họ và đã sống lại.” (II Cô-rinh-tô 5:15).

  • Khi chúng ta làm tròn bổn phận của mình trong xã hội với tấm lòng làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người, thì chúng ta đã làm việc lành và Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta.

Lời dạy trong câu 23 không giới hạn trong những việc nô lệ làm cho chủ mà bao gồm mọi việc làm của con dân Chúa, cho dù là những việc làm cho chính bản thân mình, bởi vì, bản thân mình thuộc về Chúa, thân thể mình là đền thờ của Thiên Chúa.

25 Vì ai {ăn ở} bất nghĩa, sẽ nhận lấy sự bất nghĩa của mình; không tư vị người nào hết.

Từ ngữ “bất nghĩa” bao gồm các nghĩa: không công chính, làm sai, làm ác, phạm luật, vô cớ làm tổn thương hoặc thiệt hại người khác. Một người không làm tròn bổn phận của mình là một người bất nghĩa.

Người bất nghĩa sẽ nhận lấy sự bất nghĩa của mình có nghĩa là người ấy sẽ gánh lấy hình phạt cho sự bất nghĩa của người ấy. Sự hình phạt ấy đến từ Chúa, có thể là qua luật pháp của loài người, có thể là đau ốm, bệnh tật, và sự chết như được nói đến trong I Cô-rinh-tô 11:30. Điều đáng ghi nhận là: Đức Chúa Trời không tư vị ai cả (Rô-ma 2:11; Ê-phê-sô 6:9; I Phi-e-rơ 1:17). Theo văn mạch của phân đoạn này, những ai không vâng theo lời dạy trong Cô-lô-se 3:23 thì những người ấy là bất nghĩa.

4:1 Những người chủ, hãy đối xử những tôi tớ {của mình} cách công chính và bình đẳng. Hãy biết rằng, các anh chị em cũng có một Chủ trong các tầng trời.

Nội dung của câu này cũng tương tự như Ê-phê-sô 6:9:

Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.”

Công chính có nghĩa là không tư vị, không thành kiến, không làm điều sai trái, không làm ác, không phạm luật, không vô cớ làm tổn thương hay thiệt hại người khác. Bình đẳng là tôn trọng nhân phẩm của người khác như của chính mình. Nhân phẩm là phẩm chất làm người, do Thiên Chúa ban cho loài người. Nhân phẩm bao gồm sự loài người được dựng nên giống như Thiên Chúa, được ban cho quyền cai trị đất cùng muôn loài thọ tạo trên đất, và được tự do quyết định.

Trong một xã hội có chế độ nô lệ thì con dân Chúa có thể dùng tiền để mua nô lệ về phục vụ cho mình, nhưng phải cư xử với người ấy một cách công chính và bình đẳng. Trước hết là trả tự do cho người ấy, để người ấy làm việc cho mình như một người được thuê giúp việc. Kế tiếp là không bóc lột sức lao động của người ấy mà luôn trả công một cách sòng phẳng.

Sự đối xử công chính và bình đẳng với một người không giới hạn trong mối quan hệ giữa chủ và nô lệ mà bao gồm mối quan hệ giữa chủ và những người được thuê mướn làm việc.

Lời Chúa trong phân đoạn này đã dạy cho chúng ta rõ ràng về nếp sống của một người đã thật sự được dựng nên mới trong mối quan hệ với mỗi người trong gia đình và trong mối quan hệ chủ tớ. Dù là ở trong địa vị nào thì con dân Chúa cũng đang sống cho Chúa, sống vì Chúa, đang hầu việc Chúa qua các bổn phận của mình trong gia đình và trong xã hội.

Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, giúp chúng ta thấu hiểu sự dạy dỗ này của Lời Chúa. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta năng lực sống trọn vẹn trong nếp sống mới. Nguyện Đức Chúa Trời ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước để nếp sống mới của chúng ta được vui thỏa và kết nhiều quả tốt làm tôn cao Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/04/2017

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.