Chú Giải Ê-phê-sô 02:01-10 Địa Vị của Các Thánh Đồ

7,799 views

Chú Giải Ê-phê-sô 2:1-10
Địa Vị của Các Thánh Đồ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết. Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/download/5bjtt7jnmri901c/9049020_Epheso_2_1-10.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDMyMjIzNzJf/9049020_Epheso_2_1-10.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049020-e-phe-so-2_1-10

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ê-phê-sô 2:1-10

1 Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình,

2 những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch.

3 Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia ăn ở theo những sự tham muốn của xác thịt, làm trọn những sự ưa thích của xác thịt và của những ý tưởng ác, tự nhiên làm con của sự giận, cũng như mọi người khác.

4 Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, bởi tình yêu lớn của Ngài đã yêu chúng ta,

5 nên đang khi chúng ta chết vì những lỗi lầm của mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu.

6 Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus,

7 để trong các thời đại sẽ đến, Ngài sẽ tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, trong sự từ ái của Ngài, hướng về chúng ta trong Đấng Christ Jesus.

8 Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa.

9 Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.

10 Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.

Có một câu nói thông dụng trong vòng những người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là: “Được sinh ra một lần thì sẽ chết hai lần. Được sinh ra hai lần thì sẽ chết chỉ một lần.” Câu ấy cần được sửa lại như sau: “Được sinh ra một lần thì sẽ chết hai lần. Được sinh ra hai lần thì sẽ chết chỉ một lần, nếu cứ trung tín trong Đức Chúa Jesus Christ.”

Được sinh ra một lần tức là được cha mẹ sinh ra làm người trong thân thể xác thịt hiện tại. Vì hậu quả của tội lỗi từ tổ phụ loài người là A-đam, mà mỗi một người được sinh ra đều đã chết thuộc linh. Chết thuộc linh tức là linh hồn và tâm thần bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, không có năng lực sống theo ý muốn của Thiên Chúa, chỉ biết sống theo những sự ham muốn của xác thịt. Đến thời điểm Thiên Chúa đã định cho mỗi người, mỗi người phải trải qua sự chết thứ nhất của thân thể xác thịt, là khi thân thể xác thịt trở về cùng bụi đất, tâm thần (thân thể thiêng liêng) trở về cùng Đức Chúa Trời, và linh hồn bị giam trong âm phủ, chờ ngày xác thịt sống lại để chịu phán xét về mỗi tội lỗi đã làm ra. Sau sự phán xét là sự chết đời đời của linh hồn và xác thịt trong hỏa ngục. Đó là sự chết thứ hai.

Được sinh ra hai lần là lần thứ nhất được cha mẹ sinh ra làm người trong thân thể xác thịt hiện tại. Nhờ thật lòng tin nhận Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời nên được Đức Chúa Trời sinh ra lần thứ hai trong tâm thần và linh hồn; nhờ đó, có năng lực thắng được sự phạm tội. Sau khi thân thể xác thịt chết đi thì sẽ được sống lại một cách vinh quang, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng. Những người được Đức Chúa Trời sinh lại, trung tín trong Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ không bao giờ biết đến sự chết thứ hai.

Một người nhờ tin nhận Tin Lành, được tái sinh, được kết hiệp vào Hội Thánh vẫn có thể bị hư mất, bị chết lần thứ hai, nếu người ấy trở lại sống trong tội. Người đã được tái sinh phải tiếp tục ở lại trong đức tin, tức là tiếp tục nghe và làm theo Lời Chúa:

“Vậy, hãy xem sự từ ái và sự nghiêm khắc của Thiên Chúa: Thật, sự nghiêm khắc đối với họ là những kẻ đã ngã xuống, còn sự từ ái đối với ngươi miễn là ngươi cứ ở trong sự từ ái của Ngài; nếu không, ngươi cũng sẽ bị chặt.” (Rô-ma 11:22).

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khiến cho các anh chị em biết Tin Lành mà tôi đã rao giảng cho các anh chị em; mà các anh chị em đã nhận lấy và đứng vững trong ấy. Nhờ đó, các anh chị em được cứu rỗi, miễn là các anh chị em giữ lấy điều tôi đã giảng cho các anh chị em. Nếu không, thì các anh chị em đã tin cách vô ích.” (I Cô-rinh-tô 15:1-2).

“Vì chúng ta đã trở nên những người dự phần với Đấng Christ, nếu chúng ta giữ nền tảng ban đầu của chúng ta vững bền đến cuối cùng.” (Hê-bơ-rơ 3:14).

Hai phân đoạn Thánh Kinh khẳng định sự hư mất của những người không trung tín là Hê-bơ-rơ 6:4-8 và 10:26-31.

Tiếc thay, các giáo hội mang danh là Tin Lành đã giảng dạy tà giáo “Được cứu một lần, được cứu vĩnh viễn”, khiến cho hàng tỉ người bị dẫn dụ đi vào con đường sai lạc mà hư mất đời đời. Tà giáo ấy dạy rằng, người đã được tái sinh thì không bao giờ bị hư mất, cho dù có trở lại sống trong tội.

Người đã được tái sinh là người đã được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh ban cho năng lực của Thiên Chúa để sống thánh khiết theo các điều răn của Thiên Chúa. Nếu người ấy quyết định chọn phạm tội trở lại, là vì lòng người ấy ưa thích tội lỗi và muốn phạm tội để thỏa mãn sự ham muốn bất chính của xác thịt, chứ không phải vì thánh linh của Thiên Chúa không đủ năng lực giúp cho người ấy thắng sự cám dỗ. Điều ấy tương tự như một căn nhà được trang bị cho máy phát điện để thắp sáng khắp nhà, nhưng chủ nhà đã chọn không dùng điện của máy phát điện, nên cứ sống trong bóng tối.

Con dân Chúa khi đối diện với sự cám dỗ vừa có thể kêu cầu danh Chúa để được cứu, vừa có thể nhân danh Chúa để truyền cho sự cám dỗ ra khỏi tâm trí của mình. Việc đó đơn giản như việc bật công tắc điện, thì lập tức ánh sáng tràn ngập khắp nhà và bóng tối phải lui đi.

Giả sử như khi chúng ta đối diện với sự cám dỗ phạm tội tà dâm, có ý định bấm vào một chỗ nào đó trên màn ảnh máy vi tính hoặc điện thoại để xem một tài liệu khiêu dâm, thì chúng ta có thể lớn tiếng kêu cầu danh Chúa: “Lạy Đức Chúa Jesus Christ, xin hãy cứu con ra khỏi sự cám dỗ phạm tội tà dâm này. Con cảm tạ ơn Ngài. A-men!” Tiếp liền theo đó, chúng ta có thể nhân danh Chúa để xua đuổi sự cám dỗ: “Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ, ta truyền cho sự cám dỗ tà dâm phải lui ra khỏi tâm trí của ta. A-men!” KHÔNG BAO GIỜ LỜI KÊU CẦU XIN CHÚA CỨU VÀ LỜI NHÂN DANH CHÚA TRUYỀN CHO SỰ CÁM DỖ PHẢI RA KHỎI TÂM TRÍ KHÔNG HIỆU NGHIỆM!

Một người sau khi đã được tái sinh: “đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh, đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau”, nếu trở lại sống trong tội thì người ấy “đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6). Người ấy chẳng khác nào: “Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:22). Người ấy sẽ bị hình phạt nặng hơn những người không tin Chúa (II Phi-e-rơ 2:20).

Ê-phê-sô 2:1-10 dạy cho chúng ta biết địa vị của những người đã được tái sinh, được nên thánh (được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời), để khích lệ chúng ta tiếp tục trung tín trong tình yêu, ân điển, và sự thông công của Thiên Chúa.

1 Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình,

Trong Ê-phê-sô 1, chúng ta học biết Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ, chứa đầy sự vinh quang và quyền thế của Đức Chúa Trời. Ê-phê-sô 2 nhắc lại sự xuất thân của mỗi người trong Hội Thánh và nhấn mạnh đến sự hiệp một của Hội Thánh.

Hội Thánh là hội của những người đã được Thiên Chúa làm cho nên thánh. Từ ngữ nên thánh bao gồm:

  • Được Đức Chúa Trời kêu gọi, lựa chọn, biệt riêng làm cơ nghiệp của Ngài.

  • Được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội và kết hiệp với chính Ngài, ban cho quyền đồng trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

  • Được Đức Thánh Linh dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật, đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa, tức thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ, để sống theo Lời Chúa và làm trọn những việc lành.

Tuy nhiên, mỗi người trong Hội Thánh đều có quá khứ tội lỗi. Không một người nào chưa từng vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Không một người nào sống đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.

Từ ngữ “lỗi lầm” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ nói đến sự cố ý vượt qua lằn ranh và bị sa ngã. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là mười lời tóm lược bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Khi chúng ta phạm một trong các điều răn là chúng ta đã vượt qua cái giới hạn Đức Chúa Trời đặt ra cho chúng ta, và chúng ta bị ngã vào trong sự đau khổ và sự chết.

Từ ngữ “tội lỗi” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ nói đến sự một người bắn cung đã bắn không trúng mục tiêu. Tất cả những ý nghĩ, lời nói, và hành động nào của chúng ta không đúng với Thánh Kinh đều là trật các mục tiêu mà Thiên Chúa đã định cho chúng ta qua Lời Hằng Sống của Ngài.

Chính vì những lỗi lầm và những tội lỗi của chúng ta mà chúng ta đều đã chết sự chết thứ nhất. Trong sự chết thứ nhất, tâm thần, tức là thân thể thiêng liêng của chúng ta, và linh hồn, tức là bản ngã của chúng ta, bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Đó là sự chết thuộc linh. Còn thân thể xác thịt của chúng ta thì bị đau khổ và một ngày kia, sẽ bị phân rẽ khỏi tâm thần và linh hồn mà trở về cùng bụi đất. Chết tức là bị phân rẽ. Chết không bao giờ có nghĩa là không tồn tại. Người đã chết sự chết thứ nhất thì thân thể xác thịt vẫn tồn tại trong bụi đất (các nguyên tố hoá học) và linh hồn vẫn tồn tại trong âm phủ, chờ ngày thân thể xác thịt được gọi sống lại để chịu sự phán xét của Thiên Chúa. Trong âm phủ, linh hồn vẫn có ý thức, trí nhớ, và cảm xúc (Lu-ca 16:19-31).

Có thể nói, mỗi người chúng ta đều được sinh ra trong sự chết! Bởi tình yêu vô biên của Thiên Chúa mà Ngài ban cho chúng ta sự cứu rỗi, được sinh lại lần thứ hai, được dựng nên mới. Sự lựa chọn thuộc về chúng ta: Thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng nhờ thánh linh để sống theo Lời Chúa; hay là cứ sống theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt, để rồi bị hư mất đời đời trong sự chết thứ hai.

2 những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch.

Bước đi theo cuộc sống của đời này có nghĩa là nếp sống mỗi ngày theo tiêu chuẩn của thế gian. Tất cả những sự vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và những ý nghĩ, lời nói, việc làm không đúng với mục đích Thiên Chúa đã đặt ra cho chúng ta đều là “cuộc sống của đời này”, tức là cuộc sống của những người không tin nhận, không thờ phượng Thiên Chúa, chỉ sống theo ý riêng và thờ phượng các tà thần.

Nhóm chữ “kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian” được dùng với hình thức số ít, hàm ý đó là Sa-tan, kẻ đứng đầu các thiên sứ phản nghịch Thiên Chúa; đồng thời nói lên phạm vi hoạt động của Sa-tan là chốn không gian. Thánh Kinh thường gọi các ngôi sao là thiên binh, nghĩa là quân đội của Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu rằng, Chúa giao cho khoảng một phần ba các thiên sứ, dưới quyền Thiên Sứ Trưởng Lu-xi-phe (Lu-xi-phe có nghĩa là ngôi sao mai – kim tinh. Ê-sai 14:12-15), cai trị các hành tinh trong thế giới vật chất. Sau khi Lu-xi-phe phạm tội chống nghịch Thiên Chúa thì mang danh là Sa-tan (kẻ chống nghịch), và vẫn còn cùng các thiên sứ phản nghịch khác cai trị các hành tinh trong không gian. Khải Huyền 12:7-9 cho biết, vào giữa Kỳ Đại Nạn, Sa-tan và các thiên sứ phạm tội sẽ bị đánh đuổi ra khỏi chốn không gian.

Tất cả loài người đều phạm tội, sống theo tiêu chuẩn của thế gian và theo sự cám dỗ, xúi giục của Sa-tan. Sa-tan, qua các thiên sứ phạm tội, hành động trong lòng của những người chống nghịch Thiên Chúa. Chúng ta cần ghi nhớ, có ba thế lực hiện hành trong thế giới của chúng ta:

  • Thế lực của Thiên Chúa, bao gồm Ba Ngôi Thiên Chúa, các thiên sứ phụng sự Ngài, và những người thuộc về Ngài.

  • Thế lực của loài người, hoàn toàn dựa vào năng lực của loài người.

  • Thế lực của tà linh, đứng đầu là Sa-tan, bao gồm các thiên sứ phạm tội, gọi chung là ma quỷ, và những người phục vụ cho ma quỷ, như các thầy bói, thầy bùa, đồng bóng…

Thế lực của Sa-tan sẽ lấn áp thế lực của loài người để buộc loài người thờ phượng Sa-tan. Thế lực của Thiên Chúa luôn kêu gọi loài người ăn năn tội và cứu giúp những ai thật lòng ăn năn tội.

Loài người được dựng nên để làm con của Thiên Chúa, hưởng cơ nghiệp của Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi A-đam là con của Đức Chúa Trời (Lu-ca 3:38). A-đam có nghĩa là “loài người”. Vì thế, những người nào không tin cậy và thờ phượng Thiên Chúa thì bị gọi là “những con cái bội nghịch”.

3 Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia ăn ở theo những sự tham muốn của xác thịt, làm trọn những sự ưa thích của xác thịt và của những ý tưởng ác, tự nhiên làm con của sự giận, cũng như mọi người khác.

Chúng ta, những người đã thuộc về Hội Thánh của Chúa, đều xuất thân là những tội nhân chống nghịch Thiên Chúa. Khi chưa được cứu, chúng ta chỉ biết và chỉ có thể sống theo bản ngã xác thịt, luôn tìm cách thỏa mãn những ham muốn của xác thịt, cho dù phải làm ra những sự mà chính lương tâm của chúng ta lên tiếng cáo trách. Ngoài việc thỏa mãn những ham muốn của xác thịt, chúng ta còn làm ra những sự ác để thỏa mãn những ý tưởng ác.

Thí dụ:

  • Ham muốn của xác thịt là muốn giết chết kẻ thù, nhưng ý tưởng ác thì muốn móc mắt, chặt tay và chân của kẻ thù để kẻ thù phải chết dần trong sự đau đớn kéo dài. Chính vì những ý tưởng ác mà loài người đã tạo ra biết bao nhiêu cảnh tra tấn, tàn sát dã man giữa người với người.

  • Ý tưởng ác cũng bao gồm việc nghĩ đến sự tạo ra các hình tượng, tà thần để loài người thờ phượng; việc tạo ra các tà giáo để dẫn dắt người ta xa cách lẽ thật; việc dối trá, lường gạt để thủ lợi bất kể sự tác hại đến người khác, như làm các loại hàng giả; việc bắt cóc, lường gạt để buôn người…

  • Ý tưởng ác cũng bao gồm việc nghĩ đến sự ủng hộ các hình thức tà dâm, phổ biến các tài liệu, dụng cụ khiêu dâm.

Khi một người chỉ biết sống theo những ham muốn của xác thịt và làm ra những việc ác thì đương nhiên người ấy ở dưới cơn giận của Đức Chúa Trời. Trong quá khứ trước khi tin nhận Chúa, tất cả chúng ta đều cùng chung kết quả là ở dưới cơn giận của Đức Chúa Trời, ở dưới luật pháp của Ngài, bị hình phạt bởi các điều lệ của luật pháp.

Thành ngữ “con của sự giận” có nghĩa là “đối tượng của cơn giận”. Tự nhiên làm con của sự giận có nghĩa là khi được sinh ra thì chúng ta đã là đối tượng của cơn giận của Đức Chúa Trời, vì chúng ta được sinh ra với bản chất tội. Theo thời gian, bản chất tội khiến cho chúng ta ngày càng phạm tội càng nhiều hơn, tinh vi hơn, và độc ác hơn. Cơn giận của Đức Chúa Trời thể hiện bản tính thánh khiết của Ngài trước sự phạm tội của loài người. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng là tình yêu, nên Ngài ban cho những đứa con của sự thịnh nộ phương tiện và cơ hội được thoát khỏi cơn giận của Ngài, để trở thành những đứa con của tình yêu. Phương tiện ấy chính là sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Cơ hội ấy là sự tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ ngay trong đời này, như câu 4 và 5 đã nói rõ:

4 Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, bởi tình yêu lớn của Ngài đã yêu chúng ta,

5 nên đang khi chúng ta chết vì những lỗi lầm của mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu.

Đại danh từ “chúng ta” trong phân đoạn này được dùng để chỉ về con dân Chúa trong Hội Thánh. Đức Chúa Trời yêu muôn loài tạo vật của Ngài, trong đó có chúng ta từ trước khi sáng thế. Chúng ta được Đức Chúa Trời yêu từ trước khi chúng ta thực hữu. Chúng ta vẫn được Đức Chúa Trời yêu sau khi chúng ta phạm vô số tội, vẫn tiếp tục phạm tội, và đang chết trong sự phạm tội của mình (sự chết thứ nhất). Đó chính là sự giàu có của lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Đó chính là tình yêu vĩ đại, không bờ bến của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.

“Nhưng Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta, như sau: Khi chúng ta còn là những người có tội thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.” (Rô-ma 5:8).

Khi chúng ta tin nhận Tin Lành về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội bằng máu thánh của Ngài, được Đức Thánh Linh dựng nên mới trong linh hồn và tâm thần. Tức là chúng ta được sống lại phần thuộc linh. Sự sống thuộc linh giúp cho chúng ta có thể cai trị được thân thể xác thịt, bắt xác thịt phải sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa.

Nhóm chữ “Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ” hàm ý chúng ta được sống lại từ trong sự chết thứ nhất và được hiệp một với Đấng Christ. Hiện nay là sự sống lại thuộc linh. Trong ngày Đấng Christ trở lại để đón chúng ta vào thiên đàng thì xác thịt của chúng ta sẽ sống lại hoặc sẽ biến hóa thành thân thể xác thịt vinh quang, bất tử.

Bởi ân điển, tức ơn thương xót của Thiên Chúa dành cho những kẻ không đáng được thương xót, mà chúng ta được cứu ra khỏi bản chất tội, khỏi hậu quả của sự phạm tội; được phục hồi địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời.

6 Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus,

Động từ “làm cho sống lại” và “đặt ngồi” trong câu này thuộc thời bất định, để chỉ việc đã xảy ra từ trong quá khứ. Nghĩa là, cho dù chúng ta mới tin nhận Chúa ngày hôm nay, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta cùng sống lại và cùng ngồi trong các tầng trời trong Đấng Christ Jesus vào thời điểm Đấng Christ sống lại và ngự trong các tầng trời.

Trong Rô-ma 6 cũng nói đến sự kiện chúng ta đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Cách nói như vậy vừa nhấn mạnh đến sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ, rằng chúng ta ở trong Đấng Christ, vừa nhấn mạnh đến sự cứu rỗi Đức Chúa Trời làm ra cho chúng ta đã hoàn tất từ trong quá khứ, thậm chí từ trước khi chúng ta được sinh ra, bị hư mất, và được cứu.

Sáng Thế Ký 14 ghi lại câu chuyện Áp-ram giải cứu dân Sô-đôm, Gô-mô-rơ, và gia đình Lót khỏi tay quân thù. Trên đường trở về, Vua Mên-chi-xê-đéc cũng là thầy tế lễ của Thiên Chúa đã ra đón Áp-ram và chúc phước cho Áp-ram. Áp-ram đã dâng một phần mười chiến lợi phẩm cho Vua Mên-chi-xê-đéc. Khi đó, Áp-ram chưa được Đức Chúa Trời đổi tên thành Áp-ra-ham và chưa có con. Thế nhưng, Hê-bơ-rơ 7:9-10 cho biết rằng:

  • Khi Áp-ra-ham dâng một phần mười cho Vua Mên-chi-xê-đéc thì Lê-vi, cháu đời thứ tư của Áp-ra-ham, cũng cùng dâng một phần mười ấy.

  • Khi Áp-ra-ham dâng một phần mười cho Vua Mên-chi-xê-đéc thì Lê-vi đã ở trong thân thể của Áp-ra-ham.

Chính vì thế mà khi A-đam phạm tội thì chúng ta cũng có phần trong sự phạm tội của A-đam và gánh cùng một hậu quả với A-đam, vì chúng ta đã ở trong A-đam vào thời điểm ông phạm tội:

“Vì như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian và sự chết đến bởi tội lỗi, thì cũng vậy sự chết đã trải qua trên mỗi người, vì mỗi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 5:12).

Đức Chúa Jesus Christ là A-đam sau cùng (I Cô-rinh-tô 15:45), tất cả những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì đều ở trong Ngài, đồng chết với Ngài, đồng sống lại với Ngài, để đồng cai trị với Ngài.

Chúng ta hãy hiểu và ghi nhớ rằng: Trước khi chúng ta được sinh ra, bị hư mất, và được cứu thì Đức Chúa Trời đã đặt chúng ta trong Đấng Christ, vì Ngài đã chọn chúng ta, tiền định cho chúng ta thuộc về Hội Thánh của Ngài.

Hiện nay, thân thể xác thịt của chúng ta chưa được sống lại, vì nó chưa chết. Nhưng thân thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần và linh hồn của chúng ta đã sống lại và cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ. Chính vì thế mà tâm thần và linh hồn chúng ta mới có thể dạn dĩ đến gần Ngai Ân Điển của Đức Chúa Trời, trong khi cầu nguyện và thờ phượng:

“Vậy, chúng ta hãy với sự dạn dĩ, đến gần Ngai Ân Điển, mà nhận sự thương xót và tìm được ân điển, để giúp chúng ta trong thì giờ có nhu cầu!(Hê-bơ-rơ 4:16).

Hê-bơ-rơ 10:19-22

19 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy có sự dạn dĩ mà vào trong Nơi Rất Thánh bởi máu của Đức Chúa Jesus;

20 bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn cho chúng ta, tức là xác thịt của Ngài;

21 và bởi một thầy tế lễ lớn cai trị trên nhà của Đức Chúa Trời.

22 Chúng ta hãy đến gần với lòng chân thật trong đức tin vững chắc, với những tấm lòng đã được tưới sạch khỏi lương tâm xấu và những thân thể đã được rửa bằng nước tinh khiết.

Linh hồn và tâm thần của chúng ta đang ở trong Đấng Christ và đồng ngồi với Ngài trong các tầng trời. Chúng ta hãy sống mỗi ngày như những người đang ở trong Đức Chúa Jesus Christ. Hãy mỗi ngày dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời. Hãy mỗi ngày kinh nghiệm sự đối diện với Đấng Toàn Năng trong nơi chí thánh.

7 để trong các thời đại sẽ đến, Ngài sẽ tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, trong sự từ ái của Ngài, hướng về chúng ta trong Đấng Christ Jesus.

Các thời đại sẽ đến bao gồm ba thời đại:

  • Thời đại hình phạt toàn thế gian trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế.

  • Thời đại Vương Quốc Ngàn Năm.

  • Và thời đại Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.

Trong ba thời đại sẽ đến, sự giàu có vô hạn của ân điển từ Đức Chúa Trời, trong sự từ ái của Ngài, hướng về Hội Thánh trong Đấng Christ sẽ được thể hiện. Ngài không để cho Hội Thánh phải chịu khổ trong bảy năm đại nạn, y theo lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ:

“Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10).

Ngài ban cho Hội Thánh được đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Ngàn Năm. Ngài ban cho Hội Thánh được đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Đời Đời và được ở trong thành thánh Giê-ru-sa-lem cùng với Đức Chúa Trời và Chiên Con. Trong khi đó, Đức Thánh Linh vẫn ngự trong thân thể của mỗi người trong Hội Thánh.

8 Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa.

Chúng ta được cứu là nhờ sự thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ba Ngôi Thiên Chúa đồng công trong sự cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Nhưng chúng ta phải tiếp nhận sự cứu chuộc ấy bởi đức tin. Tức là chúng ta phải tin rằng mình thực sự có tội vì đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời; tin rằng mình đang bị hư mất và sẽ chết đời đời trong hỏa ngục; tin rằng Đức Chúa Trời đã ban ơn cứu rỗi cho chúng ta qua sự chết của Đức Chúa Jesus Christ và qua sự dựng chúng ta nên mới bởi Đức Thánh Linh; tin rằng năng lực của Thiên Chúa sẽ giúp cho chúng ta sống lại và sống một đời sống mới trong Đấng Christ.

Ân điển là sự thương xót Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đức tin là sự hiểu biết Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin và nhận lấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà không cần phải làm một việc gì khác để được cứu. Nhưng sau khi chúng ta đã được cứu thì chúng ta phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn của chúng ta (Ma-thi-ơ 3:8; Lu-ca 3:8). Tức là chúng ta đừng phạm tội nữa, đừng vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời nữa (Giăng 5:14; 8:11), mà chúng ta phải sống thánh khiết theo các điều răn của Thiên Chúa. Chúng ta phải thể hiện đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa bằng hành động vâng phục Thiên Chúa qua sự cẩn thận làm theo mọi lời phán dạy của Ngài trong Thánh Kinh (Giô-suê 1:8).

Việc vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa sau khi được cứu hoàn toàn không phải là sự cậy việc làm để được cứu, như nhiều người ngụy biện, mà là, được cứu để có thể vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Khi Đức Chúa Jesus Christ phán: “Hãy đi! Đừng phạm tội nữa” thì lời ấy có nghĩa gì? Đừng phạm tội nữa chỉ có nghĩa là đừng trở lại vi phạm các điều răn của Thiên Chúa!

9 Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.

Tất cả chúng ta được cứu hoàn toàn bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời, không bởi chúng ta làm ra bất cứ điều gì. Vì thế, không ai có thể khoe khoang mình đã làm ra những gì để được cứu. Các tà giáo mang danh Chúa dạy rằng, muốn được tha tội thì một người phải tham dự các buổi gọi là “thánh lễ”, đọc kinh, lần hạt chuỗi, làm điều thiện, dâng hiến của cải, tiền bạc cho các giáo hội, tự đày đọa thân thể xác thịt, và thậm chí phải chịu khổ trong một nơi gọi là ngục luyện tội, hoặc nhờ người khác cầu kinh, tụng niệm, dâng hiến thay cho mình… Ê-phê-sô 2:8-9 hoàn toàn bác bỏ những sự dạy dỗ như vậy.

10 Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.

Mỗi một chúng ta, các chi thể trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời, là một tạo vật mới do Đức Chúa Trời dựng nên trong Đấng Christ (II Cô-rinh-tô 5:17). Mục đích là để chúng ta được trở lại làm con cái của Đức Chúa Trời, y theo ý định từ ban đầu của Đức Chúa Trời, đúng theo sự lựa chọn và tiền định của Ngài, để chúng ta sống trong những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta.

Những việc lành là toàn bộ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, tức là sự sáng tạo của Thiên Chúa bao gồm muôn loài trong thế giới thuộc thể lẫn thuộc linh. Bước đi trong những việc lành là sống trong những việc lành: vui hưởng chúng, quản trị chúng, và phát triển chúng. Chúng ta sống trong những việc lành ngay đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này, giữa cuộc đời này. Đó là sống trong Tin Lành và rao giảng Tin Lành về sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người, để chuẩn bị cho các đời sẽ đến.

Nguyện sự giàu có của lòng thương xót và tình yêu lớn của Đức Chúa Trời cứ bao phủ chúng ta. Nguyện sự sống của chính Đấng Christ cứ tuôn tràn trong chúng ta. Nguyện thánh linh và sự thông công của Đức Thánh Linh cứ giữ cho chúng ta được hiệp một với nhau và với Thiên Chúa cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/07/2016

Ghi Chú

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.