Chú Giải Ê-phê-sô 03:13-21 Phước Lành Đức Chúa Trời Ban cho Hội Thánh

7,002 views

Chú Giải Ê-phê-sô 3:13-21
Phước Lành Đức Chúa Trời Ban cho Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/fcw7cujqy96y4j5/9049031_Epheso_3_13-21.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDM1NzgwMjRf/9049031_Epheso_3_13-21.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049031-e-phe-so-3_12-21

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ê-phê-sô 3:13-21

13 Vậy nên, tôi xin các anh chị em chớ ngã lòng bởi những sự hoạn nạn của tôi vì các anh chị em. Đó là sự vinh quang của các anh chị em.

14 Vì cớ đó mà tôi quỳ gối trước Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.

15 Bởi Ngài mà cả dòng dõi trong các tầng trời và trên đất được đặt tên.

16 Xin Ngài tùy sự giàu có của sự vinh quang Ngài làm cho các anh chị em được nên mạnh mẽ con người bên trong, bởi năng lực của Đấng Thần Linh của Ngài;

17 để Đấng Christ ngự trong lòng các anh chị em bởi đức tin mà các anh chị em được đâm rễ và vững nền trong tình yêu;

18 được cùng với các thánh đồ học biết bề rộng, bề dài, bề sâu, và bề cao là thế nào;

19 và được biết tình yêu của Đấng Christ vượt hơn sự trí thức, để cho các anh chị em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.

20 Đấng có thể làm trội hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng bởi năng lực tác động trong chúng ta,

21 nguyện Ngài được vinh quang trong Hội Thánh, trong Đấng Christ Jesus, trải các thời đại, cho tới đời đời. A-men.

Trong ba đoạn đầu tiên của thư Ê-phê-sô, qua Sứ Đồ Phao-lô, Đức Thánh Linh dạy cho con dân Chúa biết bảy đặc điểm của Hội Thánh. Chín câu cuối cùng của đoạn 3 vừa là lời cầu nguyện của Phao-lô cho Hội Thánh mà cũng vừa là ý muốn của Thiên Chúa cho Hội Thánh. Đó cũng là đặc điểm thứ bảy của Hội Thánh.

13 Vậy nên, tôi xin các anh chị em chớ ngã lòng bởi những sự hoạn nạn của tôi vì các anh chị em. Đó là sự vinh quang của các anh chị em.

Vậy nên” có nghĩa là vì sáu đặc điểm Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh mà Phao-lô đã trình bày từ 3:12 trở về trước, nên con dân Chúa hãy nghe những gì mà Phao-lô nói tiếp. Ông khuyên con dân Chúa tại Ê-phê-sô chớ ngã lòng khi thấy ông bị hoạn nạn trong khi rao giảng Tin Lành và dạy Lời Chúa cho họ.

Mặc dù hầu hết các sứ đồ của Chúa, ngoại trừ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt tự tử và Giăng chết già, đều chết vì bị bách hại đức tin, nhưng có lẽ Sứ Đồ Phao-lô là người hoạt động mục vụ nhiều hơn hết và chịu nhiều hoạn nạn hơn hết. Lời tâm sự của Phao-lô với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được ghi lại trong II Cô-rinh-tô 11:23-27, giúp cho chúng ta cảm nhận và hiểu được phần nào những sự hoạn nạn của ông:

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.

25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,

27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.

Cuối cùng thì Phao-lô đã bị chém đầu bên ngoài thành Rô-ma vào cuối mùa xuân năm 68. Những sự hoạn nạn ấy là vàng, bạc, đá quý mà ông đã xây dựng trên nền đức tin của ông (I Cô-rinh-tô 3:12), là của cải mà ông đã tích trữ trên thiên đàng (Ma-thi-ơ 6:19-21). Những sự hoạn nạn ấy chính là sự vinh quang của ông trong ngày Hội Thánh được kết hiệp với Đấng Christ (Khải Huyền 19:8). Nhưng những sự hoạn nạn của Phao-lô cũng chính là sự vinh quang của con dân Chúa tại Ê-phê-sô và của bất cứ ai thuộc về Hội Thánh. Bởi vì, Hội Thánh là một, mỗi người trong Hội Thánh là chi thể của cùng một thân. Hoạn nạn của một người là hoạn nạn của toàn Hội Thánh. Vinh quang của một người là vinh quang của toàn Hội Thánh. Hoạn nạn và vinh quang của mỗi người trong Hội Thánh cũng chính là hoạn nạn và vinh quang của Đấng Christ!

Chính vì thế mà khi Phao-lô, còn gọi là Sau-lơ, bách hại Hội Thánh, Đấng Christ đã hỏi ông rằng: “Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?” Khi ấy, ông ngạc nhiên hỏi lại: “Lạy Chúa! Chúa là ai?” Và Chúa đã đáp rằng: “Ta là Jesus mà ngươi bách hại…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4-5).

Chính vì thế mà chúng ta cần cầu thay cho anh chị em cùng Cha của chúng ta đang bị bách hại vì đức tin ở khắp nơi trên thế giới.

Chính vì thế mà chúng ta phải cẩn thận trong nếp sống của mình: Hãy suy nghĩ, nói, và làm vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31) cũng là sự vinh quang của toàn Hội Thánh, vì Đấng Christ đã ban sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh (Giăng 17:22).

14 Vì cớ đó mà tôi quỳ gối trước Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.

Vì cớ đó” tức là vì cớ mọi sự hoạn nạn của Phao-lô trong mục vụ là sự vinh quang của Hội Thánh. Đức Chúa Trời là Cha của con người xác thịt Jesus. Con người xác thịt ấy được xức dầu (được chọn, được ban cho thẩm quyền và chức vụ) làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua cho toàn thể loài người. Con người xác thịt ấy đã trở thành Đấng Cứu Rỗi của những ai tin nhận Tin Lành, được Đức Chúa Trời ban cho danh xưng “Đức Chúa Trời” (Giăng 17:11; Hê-bơ-rơ 1:8-9) và là CHÚA, tức là CHỦ của toàn thể muôn loài thọ tạo. Nhưng về phương diện thần tính của Đức Chúa Jesus Christ thì Ngài là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, đồng tự có và có mãi với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh. Giăng 1:1-2 đã xác nhận rõ ràng:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.”

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời chứ không phải ban đầu Ngôi Lời được sinh ra.

Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời chứ không phải Đức Chúa Trời sinh ra Ngôi Lời.

Ngôi Lời hằng Thiên Chúa chứ không phải Ngôi Lời ra từ Thiên Chúa.

Ba động từ “hằng có”, “hằng có cùng”, và “hằng là” trong tiếng Việt đều cùng là một động từ trong tiếng Hy-lạp trong thời quá khứ chưa hoàn thành, mà chúng ta có thể dịch là: “hằng có”, “hằng ở cùng”, “hằng có cùng”, “hằng là”.

Từ trước vô cùng, Ngôi Lời đã là Thiên Chúa và sẽ cứ là Thiên Chúa.

Từ trước vô cùng Ngôi Lời đã có cùng Đức Chúa Trời và sẽ cứ có cùng Đức Chúa Trời.

Từ trước vô cùng Ngôi Lời đã cósẽ cứ có mãi.

Nếu chúng ta không biết phân biệt thần tính và nhân tính của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta sẽ bị rơi vào tà giáo chối bỏ lẽ thật Một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị riêng biệt nhưng hiệp một [1].

15 Bởi Ngài mà cả dòng dõi trong các tầng trời và trên đất được đặt tên.

Bởi Ngài” là bởi Đức Chúa Trời. Danh từ dòng dõi trong câu này mang hình thức số ít, có nghĩa là chỉ có một dòng dõi, và dòng dõi ấy chính là loài người được dựng nên làm con cái của Đức Chúa Trời (Ma-la-chi 2:15; Lu-ca 3:38). Tuy nhiên, chỉ có những ai tin kính Đức Chúa Trời mới được cứu chuộc ra khỏi tội lỗi và ở trong gia đình của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

Hiện nay, những người tin kính Chúa đã qua đời đều ở trong thiên đàng, những người tin kính Chúa đang sống thì ở trên đất; nhưng trong tâm thần thì toàn thể Hội Thánh đang cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus (Ê-phê-sô 2:6). Vì thế mà gọi là: “cả dòng dõi trong các tầng trời và trên đất”. Chính Đức Chúa Trời đặt tên cho mỗi người trong dòng dõi ấy. Tên của mỗi người sẽ được viết trên một hòn sỏi trắng và do Đấng Christ trao tặng cho mỗi người (Khải Huyền 2:17).

16 Xin Ngài tùy sự giàu có của sự vinh quang Ngài làm cho các anh chị em được nên mạnh mẽ con người bên trong, bởi năng lực của Đấng Thần Linh của Ngài;

Đức Thánh Linh đã cảm động lòng Sứ Đồ Phao-lô vừa muốn vừa làm theo thánh ý của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13), để cầu thay cho Hội Thánh được nhận lãnh các phước lành của Đức Chúa Trời theo ý muốn của Ngài.

Phước lành của Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh là bởi năng lực của Đức Thánh Linh mà Ngài làm cho mỗi người trong Hội Thánh được mạnh mẽ con người bên trong, tức tâm thần, y theo sự giàu có của sự vinh quang của Ngài, tức là tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết vô hạn của Ngài.

Tình yêu vô hạn của Đức Chúa Trời đem lại cho chúng ta sự bảo vệ của Thiên Chúa và đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta, khiến cho chúng ta được vui mừng và hạnh phúc. Sự công chính vô hạn của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta được bình an, vì biết rằng những sự yếu đuối, vi phạm của chúng ta đều được Ngài tha thứ cho chúng ta, qua sự cứu chuộc của Đức Chúa Jesus Christ. Sự thánh khiết vô hạn của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta ngày càng giống Đức Chúa Trời càng hơn, cho đến khi chúng ta được trở nên trọn vẹn như Ngài là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48). Điều ấy có thể được là nhờ các mục vụ của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, ngự trong chúng ta, tức là Đức Thánh Linh. Bảy mục vụ của Đức Thánh Linh đối với Hội Thánh là:

1. An ủi: Giăng 14:16.

2. Giảng dạy: Giăng 14:26; 16:13-15.

3. Hướng dẫn: Giăng 16:13a; Rô-ma 8:14.

4. Cáo trách về tội lỗi: Giăng 16:8.

5. Làm chứng: Rô-ma 8:16; Ê-phê-sô 1:13; 4:30; I Giăng 5:9.

6. Cầu thay: Rô-ma 8:26-27.

7. Ban các ân tứ: I Cô-rinh-tô 12:1-11.

Mặc dù con người bên ngoài tức là thân thể xác thịt của chúng ta phải già yếu và qua đi, trở về cùng bụi đất, nhưng con người bên trong, tức là thân thể thiêng liêng của chúng ta, là tâm thần, thì ngày càng mạnh mẽ bởi sự vinh quang của Đức Chúa Trời mà Đức Thánh Linh tác động trên chúng ta:

“Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng. Nhưng nếu ngay cả người bề ngoài của chúng ta bị băng hoại thì người bề trong được đổi mới từng ngày.” (II Cô-rinh-tô 4:16).

Một ngày rất gần đây, thân thể xác thịt của chúng ta sẽ được sống lại hoặc biến hóa thành một thân thể xác thịt siêu nhiên, bất tử, vinh quang như thân thể phục sinh của Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15); và chúng ta sẽ sống đời đời hạnh phúc trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

17 để Đấng Christ ngự trong lòng các anh chị em bởi đức tin mà các anh chị em được đâm rễ và vững nền trong tình yêu;

Mục đích của sự con người bên trong, tức tâm thần của chúng ta, được mạnh mẽ càng hơn mỗi ngày bởi sự vinh quang vô hạn của Đức Chúa Trời là để Đấng Christ ngự trong lòng chúng ta bởi đức tin của chúng ta. Vì chúng ta tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà Ngài trở nên Chúa của chúng ta, cai trị và bảo vệ chúng ta. Để Ngài có thể ngự trong lòng của chúng ta thì sự vinh quang của Đức Chúa Trời đã được Đức Thánh Linh tác động trong tâm thần của chúng ta, thánh hóa chúng ta.

Đức Chúa Jesus Christ ngự trong lòng của chúng ta có nghĩa là Ngài hiệp một với chúng ta trong linh hồn của chúng ta. Bản ngã thánh khiết của con người xác thịt Jesus thông công với bản ngã được dựng nên mới của chúng ta, mà Thánh Kinh gọi sự ấy là “mặc lấy người mới” (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10), “mặc lấy Đấng Christ” (Ga-la-ti 3:27).

Chỉ khi chúng ta được thông công với bản ngã thánh khiết của Đức Chúa Jesus thì chúng ta mới đâm rễ và vững nền trong tình yêu.

Động từ “đâm rễ” gợi cho chúng ta hình ảnh một thân cây đầy sức sống, vươn lên, và vững vàng trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của thời tiết, nhờ bộ rễ đâm sâu và tỏa dầy trong lòng đất. Động từ “vững nền” gợi cho chúng ta một kiến trúc được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, không hề bị rúng động.

Sự đâm rễ và vững nền của chúng ta là đâm rễ và vững nền trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Chúa Trời yêu chúng ta và Ngài muốn những điều tốt nhất cho chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ yêu chúng ta và Ngài trả giá cho tất cả những gì cần phải trả, để thể hiện tình yêu bằng hành động. Đức Thánh Linh yêu chúng ta đến nỗi Ngài ghen tương khi chúng ta yêu bất cứ ai hay sự gì khác hơn là yêu Thiên Chúa (Gia-cơ 4:5); Ngài tuôn đổ năng lực của Thiên Chúa (còn gọi là thánh linh) trong chúng ta, để chúng ta được thông công với Thiên Chúa và trở nên trọn vẹn như Thiên Chúa, xứng đáng là một dòng dõi ra từ Thiên Chúa!

Tình yêu của Thiên Chúa cũng chính là bản thể của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Thần và Thiên Chúa là tình yêu!

18 được cùng với các thánh đồ học biết bề rộng, bề dài, bề sâu, và bề cao là thế nào;

Cùng với các thánh đồ” tức là cùng với tất cả những ai thuộc về Thiên Chúa, những ai được gọi là những con trai và những con gái của Thiên Chúa Toàn Năng (II Cô-rinh-tô 6:18). Động từ học biết trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nhiều nghĩa khác nhau: nắm bắt, chiếm hữu, kiềm chế… Nếu là sự nắm bắt hay chiếm hữu bằng tâm trí thì có nghĩa là học biết. Con dân Chúa học biết rằng: bề rộng, bề dài, bề sâu, và bề cao của tình yêu là vô hạn, vì Thiên Chúa là vô hạn.

19 và được biết tình yêu của Đấng Christ vượt hơn sự trí thức, để cho các anh chị em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.

Tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người là vô hạn và được thể hiện qua hành động của Đấng Christ. Chúng ta biết được tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta nhìn vào những gì Đấng Christ đã, đang, và sẽ tiếp tục làm ra cho chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện qua Đấng Christ, gọi là tình yêu của Đấng Christ vượt hơn sự trí thức của loài người, vì loài người không thể nào học biết và suy nghiệm cho đến tận cùng sự vô hạn của Thiên Chúa.

Được biết tình yêu của Đấng Christ” có nghĩa là được nhận lãnh và vui hưởng tình yêu của Đấng Christ. Trong tình yêu của Đấng Christ, chúng ta được đầy dẫy mọi sự của Đức Chúa Trời; vì Đấng Christ chính là sự đầy dẫy bản tính của Thiên Chúa và là đầu của mọi quyền cai trị và mọi thế lực (Cô-lô-se 2:9-10).

20 Đấng có thể làm trội hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng bởi năng lực tác động trong chúng ta,

21 nguyện Ngài được vinh quang trong Hội Thánh, trong Đấng Christ Jesus, trải các thời đại, cho tới đời đời. A-men.

Đức Chúa Trời là Đấng có năng lực làm trội hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng. Bởi vì, Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng và Ngài là Cha của chúng ta, yêu chúng ta không giới hạn. Nhưng Đức Chúa Trời chỉ đáp ứng chúng ta khi chúng ta vừa muốn, vừa làm theo thánh ý của Ngài, cầu xin và suy tưởng bởi năng lực tác động trong chúng ta; tức là với đức tin, cầu xin và suy tưởng bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh trong thần trí của chúng ta.

Bất cứ một ý riêng nào của chúng ta không hiệp với thánh ý của Đức Chúa Trời đều là nghịch lại Đức Chúa Trời. Điều ấy cũng giống như một chi thể nào đó trong thân thể của chúng ta muốn làm một việc gì đó hoàn toàn nghịch lại tâm trí của chúng ta, gây hại cho toàn thân thể.

Mỗi lời cầu xin của chúng ta phải là lời cầu xin trong đức tin: tin rằng điều chúng ta xin là không nghịch lại Lời Chúa; tin rằng Đức Chúa Trời yêu chúng ta và sẵn lòng ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin; tin rằng ngay cả khi Đức Chúa Trời không đáp ứng chúng ta theo cách chúng ta mong đợi thì Ngài cũng đáp ứng chúng ta theo cách tốt nhất của Ngài.

Mỗi sự suy tưởng của chúng ta phải là sự suy tưởng theo đường lối của Đức Chúa Trời, như đã được trình bày trong Thánh Kinh. Khi chúng ta suy tưởng theo đường lối của Đức Chúa Trời thì Đức Thánh Linh sẽ tác động trong tâm thần chúng ta, để chúng ta hiểu rõ điều chúng ta suy tưởng mà dâng lời cầu xin. Đừng tốn thời gian suy tưởng theo đường lối của người thế gian, theo suy nghĩ và ý muốn của xác thịt, vì những sự suy tưởng không đúng theo đường lối của Đức Chúa Trời chắc chắn không được Ngài đáp ứng, mà còn dẫn chúng ta xa khỏi lẽ thật, rơi vào trong sự cám dỗ mà phạm tội.

Đức Chúa Trời được vinh quang trong Hội Thánh và trong Đấng Christ Jesus có nghĩa là qua những việc làm của Hội Thánh và Đấng Christ mà Đức Chúa Trời được vinh quang. Đấng Christ, Chúa của chúng ta, đã làm cho Đức Chúa Trời được vinh quang; còn chúng ta, mỗi thành viên trong Hội Thánh của Ngài thì sao?

Sự vinh quang chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời qua nếp sống của chúng ta, tức là qua từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta đều còn lại đời đời, từ thời đại này sang thời đại khác.

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã dùng Sứ Đồ Phao-lô, qua Ê-phê-sô 1-3, để dạy cho chúng ta hiểu rõ bảy đặc điểm của Hội Thánh:

  • Thiên Chúa lựa chọn, tiền định, và ấn chứng Hội Thánh.

  • Vinh quang và quyền thế của Thiên Chúa thể hiện trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.

  • Thiên Chúa ban cho Hội Thánh thần trí, tức là sự hiểu biết về Thiên Chúa, về ý muốn, chương trình, mục đích, và việc làm của Thiên Chúa.

  • Thiên Chúa ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh một địa vị đặc biệt và cao trọng, Hội Thánh được làm con cái của Đức Chúa Trời và hưởng cơ nghiệp của Ngài.

  • Thiên Chúa hiệp dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác làm một trong Hội Thánh và hiệp một Hội Thánh với Đấng Christ.

  • Sự mầu nhiệm của Đấng Christ được mạc khải trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.

  • Phước lành của Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh: Hội Thánh được mạnh mẽ con người bên trong; Hội Thánh được học biết sự vô hạn của tình yêu Đức Chúa Trời dành cho Hội Thánh; và Hội Thánh được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.

Nguyện Lời Chúa làm tươi mới linh hồn của chúng ta, khiến tâm thần của chúng ta nên mạnh mẽ, và chữa lành mọi bệnh tật trong thân thể xác thịt của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/08/2016

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/than-vi-nhan-tinh-thien-tinh-va-than-tinh-cua-duc-chua-jesus-christ/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.