Chú Giải Ê-phê-sô 04:01-16

9,460 views

Chú Giải Ê-phê-sô 4:1-16
Con Dân Chúa Giữ Gìn Sự Hiệp Một của Hội Thánh,
Tận Dụng Các Ơn để Gây Dựng Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

4 {Chỉ có} một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

5 {Chỉ có} một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

6 {Chỉ có} một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

8 Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người. [Thi Thiên 68:18]

9 Nhưng, “Ngài đã lên” có nghĩa gì, nếu chẳng phải là: trước hết, Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp của đất?

10 Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự.

11 Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy,

12 hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ,

13 cho đến chừng chúng ta hết thảy đều hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Con của Đức Chúa Trời, mà trở nên một người hoàn toàn, theo mức độ trưởng thành trọn vẹn của Đấng Christ;

14 để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt;

15 nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.

16 Bởi Ngài mà cả thân thể được gắn bó với nhau và kết nối bởi sự hỗ trợ của mỗi khớp xương, tùy lượng sự tác động của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong tình yêu. [Khớp xương = nơi các đầu xương kết nối với nhau.]

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/9nyjydkn9spyajp/9049040_Epheso_4_1-16.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDM2ODg0MTVf/9049040_Epheso_4_1-16.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049040-e-phe-so-4_1-16

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong đoạn 4 của thư Ê-phê-sô, chúng ta được học về lời kêu gọi của Đức Thánh Linh dành cho Hội Thánh. Qua Sứ Đồ Phao-lô, Đức Thánh Linh kêu gọi con dân Chúa trong Hội Thánh hãy giữ gìn sự hiệp một của Hội Thánh, hãy tận dụng các ơn của Thiên Chúa để gây dựng Hội Thánh, và hãy từ bỏ nếp sống tội lỗi của con người cũ mà sống nếp sống mới, nếp sống hoàn toàn trong tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của con người mới.

1 Vậy, tôi, người tù của Chúa, nài xin các anh chị em hãy bước đi một cách xứng đáng với tiếng gọi mà các anh chị em đã được gọi,

Khi Phao-lô đọc cho Ti-chi-cơ viết thư Ê-phê-sô, thì Đức Thánh Linh đã thần cảm ông, để nội dung của thư Ê-phê-sô vừa là tâm tình của Phao-lô gửi đến con dân Chúa tại Ê-phê-sô, mà cũng vừa là ý muốn của Thiên Chúa đối với con dân Chúa trong Hội Thánh ở khắp nơi, trong suốt thời kỳ Hội Thánh. Thần cảm có nghĩa là chịu sự tác động, dẫn dắt của Đức Thánh Linh, để nói, viết, hoặc làm một điều gì. Tất cả các thư tín trong Tân Ước đều là tâm tình của người viết gửi đến người nhận, nhưng cũng chính là Lời Chúa qua người viết, gửi đến toàn thể Hội Thánh. Vì thế, khi chúng ta đọc các thư tín trong Tân Ước, chúng ta chớ quên rằng, lời lẽ trong các thư tín ấy cũng chính là lời trực tiếp của Đức Thánh Linh phán với mỗi một người trong Hội Thánh.

Phao-lô nhắc lại sự kiện ông là người tù của Đấng Christ là nhắc cho con dân Chúa nhớ đến những khó khăn, gian khổ trong hoạn nạn, mà ông đã vì họ chịu đựng trong khi rao giảng lẽ thật của Lời Chúa cho họ. Phao-lô dùng động từ “nài xin” để nói lên sự mong muốn tha thiết trong lòng ông, mong rằng con dân Chúa sống đúng theo địa vị mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ, nhưng cũng hàm ý nói lên rằng, ông không bắt buộc họ, mà là họ có quyền tự do chọn lựa để đáp ứng hoặc không đáp ứng lòng mong đợi của ông.

Động từ bước đi trong Thánh Kinh khi dùng với nghĩa bóng thì luôn có nghĩa là sống một nếp sống. Con đường là cuộc sống. Mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm là mỗi bước đi, tạo thành hành trình (chuyến đi), gọi là nếp sống. Tiếng gọi (sự xức dầu) của mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh là làm con trai con gái của Đức Chúa Trời, đồng thời làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh phải sống sao cho xứng đáng với địa vị và chức vụ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi và ban cho mình.

2 với tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, với sự nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu,

Nếp sống của con dân Chúa trong Hội Thánh bắt đầu bằng tất cả sự khiêm nhường và nhu mì. Việc đầu tiên của một người khi đến với Đấng Christ là học theo Ngài về lòng khiêm nhường và nhu mì:

Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

Tất cả sự khiêm nhường, nhu mì” có nghĩa là khiêm nhường và nhu mì một cách trọn vẹn trong mọi sự, trong mọi nơi, trong mọi lúc. Khiêm nhường là luôn hạ mình, không kiêu ngạo, nhưng biết ơn Chúa đã ban cho mình những sự tốt đẹp, và luôn tôn trọng người khác hơn chính mình (Phi-líp 2:3). Nhu mì là hòa nhã, dịu dàng trong cách cư xử với mọi người. Người không có lòng khiêm nhường và nhu mì là người chưa học theo Đấng Christ, chưa thuộc về Đấng Christ, không xứng đáng mang danh hiệu môn đồ của Đấng Christ. Thiên Chúa Toàn Năng nhập thế làm người đã là một người khiêm nhường và nhu mì đối với chúng ta thì chúng ta là ai, mà không khiêm nhường, nhu mì đối với nhau?

Bên cạnh tất cả sự khiêm nhường và nhu mì, con dân Chúa còn phải nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu.

Nhẫn nại là chịu khổ một cách lâu dài cho đến khi hoàn thành mục đích. Con dân Chúa phải chịu khổ một cách lâu dài để giúp nhau vượt qua những khó khăn, thử thách, những thiếu sót, lầm lỗi… nhưng không có nghĩa là thỏa hiệp và dung túng tội lỗi trong Hội Thánh. Rất nhiều người nhân danh tình yêu để thỏa hiệp và dung túng tội lỗi trong Hội Thánh, bất chấp mệnh lệnh của Chúa phán truyền về cách thức đối xử với những ai có tội mà không chịu ăn năn (Ma-thi-ơ 18:17; I Cô-rinh-tô 5:13). Sự nhẫn nại và chịu đựng lẫn nhau phải phát xuất từ tình yêu. Vì yêu mà chúng ta nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau. Chúng ta không nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau để chờ có cơ hội trả thù người đã xúc phạm và làm thiệt hại chúng ta. Trái lại, chúng ta chấp nhận sự ăn năn của họ và tha thứ cho họ. Chúng ta không nhẫn nại, chịu đựng những người có tội mà không chịu ăn năn. Trái lại, chúng ta phải dứt thông công với họ, cho đến khi họ thật lòng ăn năn. Người thật lòng ăn năn sẽ có kết quả xứng đáng với sự ăn năn, tức là lập tức từ bỏ những việc làm sai trái, nghịch lại Lời Chúa, mà sốt sắng sống theo Lời Chúa.

3 sốt sắng dùng sự ràng buộc của hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Đấng Thần Linh.

Danh từ “sự ràng buộc” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự kết nối các phần lại với nhau một cách chặt chẽ, và dùng để gọi những sợi gân kết nối bắp thịt với xương trong thân thể của động vật. Sự ràng buộc của hòa bình là sự kết nối đem lại hòa bình. Sự kết nối đem lại hòa bình chính là tình yêu. Trong tình yêu có sự đồng cảm, tha thứ, thương xót, hy sinh, giải cứu, bảo vệ, và chăm sóc.

Sự hiệp một của Đấng Thần Linh là sự hiệp một do Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh tác động. Chúng ta chú ý, trong câu này, Thánh Kinh không dùng danh xưng Đức Thánh Linh nhưng dùng danh xưng Đấng Thần Linh, bởi vì sự hiệp một được nói đến ở đây không phải chỉ là sự hiệp một trong Hội Thánh mà còn là sự hiệp một giữa loài người và Thiên Chúa (Giăng 17:21-23). Hãy ghi nhớ, danh xưng Đức Thánh Linh được dùng để gọi thân vị Đấng Thần Linh của Thiên Chúa ngự trong thân thể của chúng ta và hành động trong chúng ta; danh xưng Đấng Thần Linh được dùng để gọi thân vị Đấng Thần Linh của Thiên Chúa hành động bên ngoài thân thể của chúng ta [1].

Con dân Chúa phải sốt sắng giữ gìn sự hiệp một trong Hội Thánh giữa chi thể này với chi thể khác bằng cách đồng cảm, tha thứ, thương xót, hy sinh, giải cứu, bảo vệ, và chăm sóc lẫn nhau. Con dân Chúa phải sốt sắng giữ gìn sự hiệp một giữa Hội Thánh và Thiên Chúa bằng cách hết lòng yêu kính Chúa, vâng phục Chúa, giữ gìn sự trong sạch của Hội Thánh, tuyệt đối không thỏa hiệp, không dung túng tội lỗi, không yêu bất cứ ai hơn là yêu Chúa. Có như vậy, trong Hội Thánh mới có sự bình an và Hội Thánh luôn được ở trong sự bình an của Thiên Chúa.

4 {Chỉ có} một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em.

Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, các câu 4,5, và 6 không có từ ngữ “chỉ có” nhưng được hàm ý trong câu văn.

Chỉ có một thân thể, thân thể ấy chính là Hội Thánh, là thân thể của Đấng Christ. Ngày nay, các tổ chức tôn giáo do loài người lập ra, giảng dạy những điều nghịch lại Thánh Kinh cũng tự xưng là Hội Thánh, tự xưng là thân thể của Đấng Christ. Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, chỉ có một Hội Thánh do Đấng Christ lập nên trên nền đức tin của những ai tin nhận Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống (Ma-thi-ơ 16:16-18), do Ngài làm đầu. Tất cả các giáo hội do loài người lập ra, do loài người làm đầu với các danh xưng như: giáo hoàng, giáo hạt trưởng, hội trưởng… đều không phải là Hội Thánh của Chúa.

Hội Thánh chỉ có một thần trí, tức là một suy nghĩ, một hiểu biết, một ý chí được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, để sống theo Thánh Kinh và rao giảng lẽ thật của Thánh Kinh. Vì thế, Hội Thánh là sự hiệp một của tất cả những ai thật lòng tin nhận Tin Lành, ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và có chung một lòng trông cậy vào sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Sự kêu gọi ấy là sự kêu gọi làm con của Đức Chúa Trời, đồng thời làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

5 {Chỉ có} một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.

Chỉ có một Chúa chính là Thiên Chúa. Đức Chúa Trời được gọi là Chúa. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Chúa, Đấng Thần Linh được gọi là Chúa (“Chúa là Đấng Thần Linh. Đấng Thần Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó.” II Cô-rinh-tô 3:17). Nhưng không phải có ba Chúa mà chỉ có một Chúa, vì Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp một [2].

Chỉ có một đức tin chính là đức tin nơi Thiên Chúa, bao gồm: đức tin về sự thực hữu của Thiên Chúa; đức tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và đức tin vào Thánh Kinh, là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa.

Chỉ có một phép báp-tem là phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ phán truyền trong Ma-thi-ơ 28:19:

Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh…”

Nếu có ai dạy rằng, có một Chúa nào khác, ngoài Thiên Chúa của Thánh Kinh, như Đức Chúa Trời Mẹ, thì đó là tà giáo. Nếu có ai dạy rằng đức tin để được cứu rỗi dựa vào một thần nào khác, một việc làm nào khác, ngoài Thiên Chúa, ngoài sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì đó là tà giáo. Nếu có ai dạy một phép báp-tem nào khác, ngoài phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ đã truyền dạy, thì đó là tà giáo. Con dân Chúa phải nhanh chóng tránh xa mọi thứ tà giáo và những kẻ rao giảng tà giáo (Tít 3:10).

6 {Chỉ có} một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.

Chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa là Cha của mọi sự, vì Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật (Sáng Thế Ký 1). Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ở trên mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời ở giữa mọi sự. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, với danh xưng Đức Thánh Linh, ở trong tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh.

Thiên Chúa ở trên mọi sự và ở giữa mọi sự nhưng Thiên Chúa không ở trong mọi sự, mà Ngài chỉ ở trong những người thuộc về Ngài.

7 Nhưng ân điển đã ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ.

Đây là một câu Thánh Kinh rất là quan trọng. Dù chỉ có một Hội Thánh hiệp một trong một thần trí, chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem, chỉ có một Thiên Chúa ở trong tất cả các con dân Chúa, nhưng ân điển cứu chuộc của Đấng Christ ban cho mỗi người khác nhau, tùy theo sự ban cho dư dật của Đấng Christ. Bởi vì sự phạm tội của mỗi người khác nhau, số lượng phạm tội của mỗi người cũng khác nhau, nên ân điển tha thứ, cứu chuộc của Đấng Christ ban cho mỗi người cũng khác nhau.

Hãy hình dung ra sự phạm tội của mỗi người trong chúng ta giống như là sự thiếu nợ. Số nợ của mỗi người lớn nhỏ khác nhau, hoàn cảnh nợ nần của mỗi người khác nhau, thời gian mang nợ khác nhau. Nếu có ai đó đứng ra, thay cho tất cả chúng ta để trả hết nợ, tùy theo sự giàu có của người ấy, thì sự ban ơn của người ấy đối với mỗi chúng ta khác nhau, và mỗi chúng ta đều mang ơn người ấy. Chính Lời Chúa đã khẳng định:

…nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa…” (Rô-ma 5:20).

Câu chuyện về một người đàn bà có quá khứ tội lỗi, xấu xa, được Chúa tha tội đã tỏ lòng biết ơn Chúa bằng cách xức dầu thơm cho Chúa, được chép lại trong Lu-ca 7:36-50, giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của Ê-phê-sô 4:7.

8 Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người. [Thi Thiên 68:18]

Vậy nên” trong câu này có nghĩa là, vì mỗi người trong chúng ta đều nhận được phần ân điển có đủ của Đức Chúa Jesus Christ, cho nên, ngay từ thời Cựu Ước đã có lời tiên tri về những sự mà Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời sẽ làm, khi Ngài nhập thế làm người. Sứ Đồ Phao-lô trích dẫn Thi Thiên 68:18 để nói về sự Đấng Christ phục sinh, thăng thiên, và dẫn theo Ngài linh hồn của các thánh đồ trước thời Tân Ước, vốn tạm trú trong âm phủ.

Thi Thiên 68 là bài ca do Vua Đa-vít làm ra để tôn vinh Thiên Chúa. Trong toàn bài, Vua Đa-vít gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trong Ê-phê-sô 4:8, Sứ Đồ Phao-lô đã áp dụng lời tiên tri trong Thi Thiên 68:18 cho Đấng Christ, đương nhiên, xác nhận Đấng Christ chính là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, được tôn vinh trong Thi Thiên 68.

Lu-ca 16:19-31 giúp cho chúng ta biết rằng, trước khi Đấng Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại, khi một người qua đời thì linh hồn vào trong âm phủ. Những người thuộc về Chúa thì tạm trú chung trong một nơi. Những người không thuộc về Chúa thì bị tạm giam trong một nơi. Hai nơi cách nhau bằng một vực sâu, không ai có thể vượt qua được. Vực sâu ấy, có thể là nơi tạm giam các thiên sứ phạm tội (I Phi-e-rơ 3:19; II Phi-e-rơ 2:4; Khải Huyền 9). Ê-phê-sô 4:8 cho chúng ta biết, sau khi Đấng Christ phục sinh, thăng thiên, thì Ngài dẫn theo linh hồn các thánh đồ trong âm phủ vào thiên đàng với Ngài, vì sự chuộc tội đã được hoàn thành.

Danh từ “những người bị cầm tù” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh dùng để chỉ những người bị bắt làm tù binh trong chiến tranh, hoặc bị bắt làm nô lệ. Linh hồn các thánh đồ trong âm phủ được gọi là “những người bị cầm tù” vì thật sự họ ở trong tình trạng “tạm giam”, bị hạn chế tự do, để chờ ngày Đấng Christ hoàn thành sự cứu chuộc họ ra khỏi hậu quả của tội lỗi, đem họ vào trong thiên đàng với Ngài.

Động từ “dẫn theo” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là dẫn độ tù binh. Từ địa vị bị tạm giam vì hậu quả của tội lỗi, các thánh đồ của Chúa được Ngài giải cứu ra khỏi nơi tạm giam, dẫn họ vào thiên đàng.

Sau khi phục sinh, thăng thiên, dẫn đưa linh hồn các thánh đồ từ âm phủ vào trong thiên đàng, Đấng Christ tiếp tục ban các ơn cho loài người. Ấy là ơn cứu rỗi cho bất cứ ai tin nhận Ngài, bất kể là họ phạm tội như thế nào.

9 Nhưng, “Ngài đã lên” có nghĩa gì, nếu chẳng phải là: trước hết, Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp của đất?

10 Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự.

Thiên Chúa Ngôi Lời đã từ nơi cao trên hết của các tầng trời nhập thế làm người, chịu chết, chịu bị chôn trong lòng đất, và vào trong âm phủ, để hoàn thành ân điển cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi, dẫn dắt những linh hồn tin nhận Thiên Chúa vào trong thiên đàng. Thậm chí, Ngài còn vào trong nơi thấp nhất bên dưới đất là vực sâu giam giữ các thần linh phạm tội, để công bố sự đắc thắng của Tin Lành.

Sự trở lại của Ngài trên hết các tầng trời là để làm cho mọi sự được đầy dẫy năng lực và vinh quang của Thiên Chúa. Sự đầy dẫy ấy bắt đầu ngay trong Hội Thánh.

11 Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy,

Chính Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho một số người trong Hội Thánh các chức vụ do Đức Chúa Trời đã lập ra (I Cô-rinh-tô 12:28). Người thì làm sứ đồ, đi khắp nơi, rao giảng Tin Lành, thành lập các Hội Thánh địa phương. Người thì làm tiên tri, công bố Lời Chúa để nhắc nhở, cảnh báo Hội Thánh. Người thì đi khắp nơi giảng Tin Lành (nhưng không ở lại để thành lập Hội Thánh tại địa phương). Người thì chăn dắt Hội Thánh và giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh… [3].

Các chức vụ trong Hội Thánh do Đức Chúa Trời lập ra, do Đức Chúa Jesus Christ ban cho, do Đức Thánh Linh ban năng lực và ân tứ hoàn toàn không liên quan gì đến các chức vụ do các giáo hội lập ra và phong chức. Đặc biệt là chức vụ “mục sư” có nghĩa là “thầy chăn” trong các giáo hội của người Việt, chẳng những không do Đức Chúa Trời lập ra mà còn là một danh xưng trịch thượng, vì Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là người chăn, mà các giáo hội lại gọi nhân viên của họ là “thầy chăn!”

12 hướng về sự trọn vẹn của các thánh đồ, trong công việc phục vụ, trong sự gây dựng thân thể Đấng Christ,

13 cho đến chừng chúng ta hết thảy đều hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Con của Đức Chúa Trời, mà trở nên một người hoàn toàn, theo mức độ trưởng thành trọn vẹn của Đấng Christ;

Các chức vụ trong Hội Thánh có mục đích thứ nhất là giúp cho con dân Chúa đạt đến sự trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48). Sự trọn vẹn ấy thể hiện qua các việc làm của Hội Thánh trong khi phụng sự Thiên Chúa và phục vụ lẫn nhau. Tất cả các việc làm của Hội Thánh đều là sự gây dựng chính Hội Thánh, là thân thể của Đấng Christ, cho đến khi mỗi người trong Hội Thánh đều có chung một đức tin nơi Thiên Chúa về sự thực hữu của Thiên Chúa, về sự cứu rỗi của Thiên Chúa, về Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa; đồng thời có chung một tri thức về Con của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus Christ.

Tri thức là sự hiểu biết đến từ Thiên Chúa. Tri thức về Đấng Christ giúp cho chúng ta biết rằng, Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua của loài người, dạy cho loài người biết về Đức Chúa Trời, dâng chính mạng sống của Ngài làm tế lễ chuộc tội cho mỗi người, và cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Khi mỗi người trong Hội Thánh hiệp một trong đức tin và sự tri thức về Đấng Christ thì Hội Thánh trở nên một người hoàn toàn, giống như Đấng Christ khi Ngài làm một người trưởng thành trong thế gian. Nói cách khác, mỗi người trong Hội Thánh trở nên giống như Đức Chúa Jesus Christ như khi Ngài đi lại trên đất, rao giảng Tin Lành. Đó chính là ý muốn của Đức Chúa Trời:

Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những ai Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình ảnh Con Ngài, để cho Con ấy được làm Con Cả ở giữa nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29)

Mục đích thứ nhì của các chức vụ trong Hội Thánh được Phao-lô kể tiếp trong câu 14 và 15:

14 để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt;

15 nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.

Danh từ trẻ con trong câu 14 được hiểu theo nghĩa bóng, chỉ về một người chưa trưởng thành trong sự hiểu biết Lời Chúa. Người chưa có sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa thì dễ dàng bị tà giáo làm cho hoang mang, rồi chao đảo đức tin, bị cuốn hút vào sự sai lạc của tà giáo.

Phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người” tức là các tà giáo phát sinh từ những giáo lý do loài người đặt ra, nổi lên như những luồng gió dữ. Ngay từ thời Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành thì cũng đã có đủ loại giáo lý do loài người đặt ra, còn gọi là những lời truyền khẩu, men của người Pha-ri-si và người Sa-đu-xê. Danh từ phong trào có nghĩa là gió thổi và nước dâng, chỉ những sự việc nổi lên ồn ào một thời; trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là luồng gió thổi. Các tà giáo rộ lên từng hồi trong một thời gian, rồi lắng chìm, nhưng chúng có sức thu hút những ai không trưởng thành trong sự hiểu biết Lời Chúa. Những giáo sư giả và tiên tri giả dùng tà giáo rình chờ để lường gạt những con dân Chúa còn thơ ấu trong đức tin và trong sự hiểu biết Lời Chúa.

Con dân Chúa đã trưởng thành trong tri thức về Chúa thì không bao giờ bị lường gạt bởi tà giáo, nhưng luôn nói ra lẽ thật trong tình yêu, để gây dựng lẫn nhau, giúp nhau cùng lớn lên trong Đức Chúa Jesus Christ. Nói ra lẽ thật vừa là nói ra Lời Chúa mà cũng vừa là nói ra những gì anh chị em của mình làm không đúng Lời Chúa, để giúp họ sửa lỗi, và nói ra những điều lành anh chị em của mình đã làm, để khích lệ nhau và cảm tạ Chúa.

Những người được Chúa ban cho các chức vụ trong Hội Thánh không phải là đầu của Hội Thánh, mà Đấng Christ chính là đầu của Hội Thánh.

16 Bởi Ngài mà cả thân thể được gắn bó với nhau và kết nối bởi sự hỗ trợ của mỗi khớp xương, tùy lượng sự tác động của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong tình yêu. [Khớp xương = nơi các đầu xương kết nối với nhau.]

Bởi Đấng Christ mà mỗi người trong Hội Thánh gắn bó với nhau thành một, như sự kết hiệp các chi thể trong một thân thể. Mỗi người đóng góp ân tứ, khả năng, công sức theo lượng Chúa ban, giúp cho Hội Thánh được sống động và phát triển. Đó chính là sự tự gây dựng của Hội Thánh trong tình yêu. Tình yêu được nói đến ở đây là tình yêu đến từ Thiên Chúa.

Bởi Đấng Christ gánh thay tội lỗi của chúng ta mà chúng ta không cay đắng, nặng lòng, khi anh chị em trong Hội Thánh phạm lỗi với mình mà biết ăn năn.

Bởi Đấng Christ yêu chúng ta và hy sinh cho chúng ta mà chúng ta có thể yêu lẫn nhau và hy sinh cho nhau như Chúa đã yêu chúng ta và hy sinh cho chúng ta.

Bởi Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, mọi vinh quang của Hội Thánh chính là vinh quang của Đấng Christ mà chúng ta không ganh tỵ, không mặc cảm thua kém khi thấy anh chị em của mình làm ra những việc tốt lành, được tiếng khen.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp chúng ta luôn được khôn sáng trong thần trí, để hiểu biết sâu nhiệm các lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ luôn ban thêm ân điển cho chúng ta, để chúng ta làm được mọi sự theo thánh ý của Đức Chúa Trời. Nguyện Đức Chúa Trời là Cha yêu thương của chúng ta, giữ gìn chúng ta trong suốt hành trình còn lại được nên trọn vẹn không chỗ trách được, trong ngày Đấng Christ hiện ra để đón chúng ta vào trong thiên đàng. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/08/2016

Ghi chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua08_than-vi-va-than-tinh-cua-duc-thanh-linh/

[2] Xin đọc và nghe các bài giảng về Thiên Chúa tại đây:
https://timhieuthanhkinh.com/giao-ly-can-ban/

[3] Xin đọc và nghe các bài giảng về các chức vụ trong Hội Thánh tại đây:
https://timhieuthanhkinh.com/giao-ly-can-ban/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.