Chú Giải Ê-phê-sô 04:17-32

7,835 views

Chú Giải Ê-phê-sô 4:17-32
Con Dân Chúa Từ Bỏ Nếp Sống Cũ, Sống Nếp Sống Mới

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17 Vậy, này là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa: Các anh chị em chớ bước đi như các dân ngoại nữa. Họ bước đi trong sự hư không của tâm trí họ,

18 bởi sự ngu dại ở trong họ. Vì sự cứng lòng của họ, nên trí khôn tối tăm, bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.

19 Họ đã mất sự cảm biết, phó mình cho sự phóng đãng, làm ra mọi điều ô uế trong sự tham lam.

20 Nhưng các anh chị em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy.

21 Vì các anh chị em đã nghe Ngài và được dạy dỗ trong Ngài, y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jesus.

22 Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn,

23 mà chịu làm nên mới tâm thần của tâm trí mình,

24 và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.

25 Như vậy, mỗi người trong các anh chị em hãy chừa sự nói dối. Hãy nói thật với người lân cận mình, vì chúng ta là các chi thể của lẫn nhau.

26 Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em.

27 Đừng nhường chỗ cho ma quỷ.

28 Kẻ trộm cắp chớ trộm cắp nữa, nhưng thà khó nhọc, làm việc lương thiện với đôi tay, để có mà giúp cho người thiếu thốn.

29 Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.

30 Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.

31 Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự cay đắng, giận dữ, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác.

32 Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng, thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/he411f8e27mv471/9049041_Epheso_4_17-32.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDQxNDM2NDVf/9049041_Epheso_4_17-32.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049041-e-phe-so-4_17-32

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Ê-phê-sô 4:17 cho đến 5:21 là lời của Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, khuyên dạy con dân Chúa một cách chi tiết về sự từ bỏ nếp sống cũ của con người cũ, sống nếp sống mới của con người mới; nếp sống của một người đã thật lòng đau buồn về sự phạm tội của mình, không còn muốn sống trong tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa bằng chính năng lực của Thiên Chúa đã ban cho người ấy. Nếp sống ấy thể hiện tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa, tức là chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa cho toàn thế gian.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về ý nghĩa của Ê-phê-sô 4:17-32.

17 Vậy, này là điều tôi nói và làm chứng trong Chúa: Các anh chị em chớ bước đi như các dân ngoại nữa. Họ bước đi trong sự hư không của tâm trí họ,

18 bởi sự ngu dại ở trong họ. Vì sự cứng lòng của họ, nên trí khôn tối tăm, bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.

Chữ “vậy” ở đầu câu 17 hàm ý: Vì Hội Thánh phải giữ gìn sự hiệp một và tự gây dựng chính mình, như đã được Phao-lô trình bày từ câu 1 đến câu 16, nên Phao-lô viết tiếp những lời khuyên dạy từ câu 17. Những lời ấy vừa là lời khuyên dạy mà cũng là lời Phao-lô làm chứng về nếp sống của con dân Chúa trong Hội Thánh.

Con dân Chúa phải là những người không còn sống nếp sống tội lỗi, bị xác thịt điều động như những người không tin Chúa. Động từ bước đi được dùng theo nghĩa bóng trong Thánh Kinh luôn luôn nói về nếp sống. Những người không tin Chúa sống trong sự hư không của tâm trí họ. Sự hư không của tâm trí là sự tâm trí tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định những điều không có giá trị, không gây dựng, không đem lại ích lợi, trái lại, chỉ làm cho một người bị hư mất trong những sự tham muốn của xác thịt.

Họ sống như vậy là bởi vì họ ngu dại. Họ ngu dại vì họ cứng lòng, chỉ muốn sống nếp sống thỏa mãn những sự tham muốn của xác thịt, thay vì sống theo tiêu chuẩn thánh khiết mà Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm của họ. Dù nếp sống tội lỗi mang đến cho họ sự băng hoại từ thuộc thể đến thuộc linh, nhưng họ vẫn cứ muốn tiếp tục sống như vậy. Tình trạng của những người nghiện rượu, nghiện ma túy là sự minh họa rõ nét về sự loài người cứng lòng, chỉ muốn sống trong tội lỗi. Cũng chính vì thế mà trí khôn của họ chỉ là sự tối tăm và họ bị xa cách sự sống của Đức Chúa Trời.

Sự sống của Đức Chúa Trời tức là sự sống thể hiện qua con dân của Ngài qua nếp sống yêu thương, công chính, thánh khiết, bình an, thỏa lòng, vui mừng, và biết ơn Chúa trong mọi cảnh ngộ.

19 Họ đã mất sự cảm biết, phó mình cho sự phóng đãng, làm ra mọi điều ô uế trong sự tham lam.

Mất sự cảm biết tức là không còn sự nhạy cảm đối với những gì liên quan đến tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết. Chính vì thế mà người ta trở thành dửng dưng trước sự bất hạnh của người khác, sẵn sàng làm cho người khác bị thiệt hại, đau đớn, miễn là đạt được điều mình muốn. Phóng đãng có nghĩa là buông thả, không chịu bị gò bó bởi luật lệ, lý lẽ. Người đã phó mình cho sự phóng đãng thì chỉ sống theo sự tham muốn của xác thịt mà sẵn sàng làm ra mọi điều ô uế. Mọi điều ô uế là bất cứ những gì không đúng với Lời Chúa, nhưng nghĩa được dùng trong câu này hàm ý những sự tà dâm, say sưa, nghiện ngập, và ma thuật, bùa phép… mà những người sống phóng đãng làm ra không biết chán.

20 Nhưng các anh chị em học cho biết Đấng Christ thì chẳng phải như vậy.

Con dân Chúa là những người đã được cứu ra khỏi cuộc đời tội lỗi bởi Đấng Christ và mỗi ngày cứ học biết về Đấng Christ qua Thánh Kinh, qua sự tương giao với chính Ngài trong tâm thần. Con dân Chúa không sống phóng đãng như những người không biết Chúa. Vì thế, bất cứ ai xưng mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng nếp sống nghịch lại Lời Chúa, thì người ấy là người nói dối.

21 Vì các anh chị em đã nghe Ngài và được dạy dỗ trong Ngài, y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jesus.

Con dân Chúa không sống trong tội lỗi như người chưa biết Chúa, vì họ đã nghe Chúa và được dạy dỗ trong Chúa. Trong thực tế, con dân chân thật của Chúa là những người đã nghe theo tiếng gọi của Chúa, đã đáp ứng lời kêu gọi của Ngài, đến với Ngài, ăn năn tội, tin nhận Ngài, và học theo Ngài. Chúa đã sắm sẵn những người hầu việc Chúa qua các chức vụ trong Hội Thánh để dạy dỗ con dân Chúa, y theo lẽ thật trong JESUS! Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, Phao-lô không dùng danh xưng “Đức Chúa Jesus” mà chỉ dùng danh xưng Jesus! Danh xưng Jesus có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi! Con dân Chúa được học biết về Chúa, được dạy dỗ trong Chúa y theo lẽ thật trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi!

22 Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn,

Con dân Chúa được kêu gọi hãy từ bỏ nếp sống cũ trong tội lỗi của con người cũ. Con người cũ ấy đã bị hư hỏng vì bị những sự tham muốn của xác thịt lừa gạt mà sống trong tội, làm ra những điều nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa. Tham muốn là muốn chiếm lấy những gì không thuộc về mình hoặc muốn làm ra những gì không được phép làm. Lòng tham muốn dẫn đến hành động tội lỗi. Tội lỗi làm cho một người bị hư hỏng, không còn trọn vẹn như khi được Thiên Chúa dựng nên theo hình Ngài và tượng Ngài.

23 mà chịu làm nên mới tâm thần của tâm trí mình,

Con dân Chúa là những người đã được Thiên Chúa dựng nên mới trong linh hồn và thân thể thiêng liêng là tâm thần; thân thể xác thịt đã được thánh hóa để chờ ngày chính nó cũng được dựng nên mới bởi sự sống lại hoặc bởi sự biến hóa (Rô-ma 6:13, 19; I Cô-rinh-tô 15:51-52; Phi-líp 3:21).

Chịu làm nên mới tâm thần của tâm trí là chịu tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định theo sự nhận thức và ý muốn của tâm thần đã được dựng nên mới, như Rô-ma 12:2 đã chép:

Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để kinh nghiệm ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thế nào.”

Tâm trí của chúng ta có thể tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định theo sự nhận thức và ý muốn của tâm thần hoặc của xác thịt. Người chưa tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì tâm thần không có sự thông công với Thiên Chúa, nên người ấy không thể nhận thức và ham muốn những sự tốt lành theo ý muốn của Thiên Chúa. Tâm trí của người ấy chỉ có thể tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định theo sự nhận thức và sự tham muốn của xác thịt. Người đã tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì tâm thần được dựng nên mới, được thông công với Thiên Chúa, nhận thức được những sự tốt lành theo ý muốn của Thiên Chúa, và ưa thích những sự ấy. Tâm trí của người ấy có thể tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định theo sự nhận thức và ý muốn của tâm thần, mà bắt thân thể xác thịt phải vâng phục, thay vì tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định theo sự nhận thức và sự tham muốn của xác thịt.

24 và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.

Khi đã chịu làm nên mới tâm thần của tâm trí mình, tức là khi đã tư tưởng, suy nghĩ, và quyết định theo tâm thần đã được dựng nên mới thì con dân Chúa sẽ mang vào trong mình tất cả những đặc tính của một người được dựng nên mới. Như một cây khô héo vì thiếu nước, nay được bứng trồng bên cạnh dòng nước, thì sẽ sinh ra cành lá sum suê và ra hoa, kết trái đầy dẫy.

Người được dựng nên mới là người được dựng nên giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật! Đây cũng chính là tình trạng của ông A-đam và bà Ê-va trước khi họ phạm tội.

Con dân Chúa có toàn quyền tự do sống theo con người mới công bình và thánh sạch chân thật hoặc chọn sống theo con người cũ tội lỗi, ô uế, đạo đức giả.

Chính vì mỗi con dân Chúa đều là người được dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công bình và thánh sạch chân thật mà chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, bất kể là tuổi tác, phái tính, chủng tộc, trình độ trí thức, giai cấp, địa vị trong xã hội…

25 Như vậy, mỗi người trong các anh chị em hãy chừa sự nói dối. Hãy nói thật với người lân cận mình, vì chúng ta là các chi thể của lẫn nhau.

Như vậy” có nghĩa là: Vì con dân Chúa là những người được dựng nên mới. Đặc điểm đầu tiên của một người được dựng nên mới là chừa bỏ sự dối trá. Không ai là không dối trá. Chúng ta nói dối để khoe mình, để tự bảo vệ, để chối tội, để gạt người trục lợi, để hại người, hoặc thậm chí để an ủi hoặc giúp người khác. Người chưa được dựng nên mới không thể nào sống mà không phạm sự nói dối ít nhất là vài lần trong một ngày. Nhưng người đã được dựng nên mới thì được thần trí nhắc cho nhớ là không thể nào tiếp tục nói dối, vì sự dối trá là bản tính của ma quỷ (Giăng 8:44). Là con dân Chúa, chúng ta có thể không nói nếu không đúng lúc, không đúng chỗ để nói, nhưng khi đã nói thì chúng ta chỉ nói thật. Không phải chúng ta chỉ nói thật với nhau trong Hội Thánh, mà chúng ta phải nói thật với tất cả mọi người. Danh từ “người lân cận” trong Thánh Kinh được dùng để chỉ bất cứ người nào mà chúng ta gặp gỡ, giao tiếp, như người bị cướp đánh bị thương bên đường với người Sa-ma-ri đi ngang qua đó, cứu giúp người bị cướp (Lu-ca 10:25-37).

Chúng ta cần ghi nhớ:

  • Danh từ “người lân cận” được dùng để chỉ bất cứ ai mà chúng ta gặp gỡ, giao tiếp trong cuộc sống, cho dù đó là những người không tin Chúa. Mệnh lệnh: Hãy yêu người lân cận như chính mình! Là mệnh lệnh Chúa truyền cho chúng ta yêu tất cả mọi người như yêu chính chúng ta (Lu-ca 10:25-37).

  • Danh từ “anh chị em” hoặc “anh chị em cùng Cha” được dùng để chỉ bất cứ ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như chúng ta (Ma-thi-ơ 12:48-50; Mác 3:33-35). Đối với anh chị em cùng đức tin, chúng ta yêu họ hơn chính mình, đến nỗi có thể vì họ mà hy sinh sự sống của mình (Giăng 15:12-13).

Theo văn mạch, mệnh đề: “Vì chúng ta là chi thể của nhau” trong câu 25 này không chỉ về sự con dân Chúa là chi thể của nhau trong Hội Thánh, nhưng chỉ về sự mỗi người là chi thể của nhau trong loài người. Thật vậy, bởi vì tất cả mọi người đều ra từ A-đam.

26 Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em.

27 Đừng nhường chỗ cho Ma Quỷ.

Sự giận là một cảm xúc do chính Chúa ban cho chúng ta, vì thế, sự giận, tự nó không phải là tội. Thánh Kinh ghi lại nhiều lần chính Đức Chúa Jesus đã nổi giận. Nhưng nếu vì giận mà chúng ta làm ra những gì nghịch lại các điều răn của Chúa, thì chúng ta phạm tội. Chúng ta có thể giận và nhiều lúc chúng ta cần phải nổi giận khi thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, tức là tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa bị xúc phạm, người lành bị hiếp đáp. Nhưng chúng ta phải làm chủ sự giận của chúng ta và không được kéo dài cơn giận của mình. “Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em” có nghĩa là đừng kéo dài cơn giận sang ngày mới. Một ngày mới, theo Thánh Kinh, bắt đầu từ khi mặt trời lặn của ngày hiện tại. Mặt trời lặn trên cơn giận có nghĩa là mặt trời khuất bóng mà chúng ta vẫn còn giận. Chúng ta hãy bắt đầu một ngày mới với những sự mới, chờ đón các ơn phước mới từ nơi Chúa.

Chúng ta tuyệt đối không cho ma quỷ cơ hội cám dỗ, xúi giục chúng ta phạm tội trong khi chúng ta đang giận. Khi chúng ta kéo dài cơn giận sang ngày mới thì chúng ta đã cho ma quỷ cơ hội để kiện cáo chúng ta trước Chúa và tấn công chúng ta, cám dỗ chúng ta. Và như vậy, chúng ta đã nhường chỗ cho ma quỷ điều khiển cuộc sống của chúng ta!

28 Kẻ trộm cắp chớ trộm cắp nữa, nhưng thà khó nhọc, làm việc lương thiện với đôi tay, để có mà giúp cho người thiếu thốn.

Sự trộm cắp được nói đến ở đây không chỉ giới hạn trong việc ăn trộm, ăn cắp theo nghĩa đen mà là bao gồm bất cứ việc làm nào có tính cách chiếm lấy tiền bạc, của cải của người khác một cách bất chính. Thí dụ, một người chuyên làm ra các thứ hàng giả để bán cũng là một người trộm cắp của người tiêu thụ lẫn của người sản xuất hàng thật.

Con dân Chúa phải làm việc lương thiện để nuôi sống bản thân, gia đình, và có thể giúp đỡ cho những người thiếu thốn. Những việc làm lương thiện sẽ kèm theo sự khó nhọc mà thường thì sự khó nhọc ngày nào chỉ đủ cho ngày ấy (Ma-thi-ơ 6:34). Vì thế, có khi để có thể giúp những người thiếu thốn, chúng ta phải nhường cơm, xẻ áo, tức là nhịn bớt để chia cho người thiếu thốn hơn chúng ta. Những người thiếu thốn là những người gặp cảnh ngộ khó khăn dẫn đến sự thiếu thốn, chứ không phải những người lười biếng không chịu làm việc, chỉ muốn được người khác giúp đỡ. Những người thiếu thốn đáng được giúp bao gồm cả những người không tin Chúa. Nhưng chúng ta không giúp cho họ có tiền bạc và phương tiện để thờ cúng tà thần.

29 Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.

Trong khi chúng ta trò chuyện với nhau, và với người không tin Chúa, chớ nói một lời hư xấu nào, vì như vậy là không xứng đáng với tư cách của con dân Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, lời trò chuyện hư xấu là lời chúng ta trao đổi với người khác nhưng nội dung của lời ấy bị hư hỏng, không đem lại ích lợi. Lời hư xấu có thể là lời gièm pha, vu khống, dối trá, tục tĩu, độc ác…

Là con dân Chúa, lời nói của chúng ta phải luôn luôn là lời lành, có thể gây dựng người nghe và mang ân điển của Chúa đến cho người nghe.

30 Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.

Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa, để ấn chứng con dân Chúa thuộc về Thiên Chúa, để ban thánh linh, tức là năng lực của Thiên Chúa cho con dân Chúa, giúp con dân Chúa có thể sống nếp sống mới bằng chính năng lực của Thiên Chúa. Ngài được gọi là Đức Thánh Linh để phân biệt với tà linh (các thiên sứ phạm tội, nhập vào loài người) và nhân linh (tâm thần của loài người). Ngoài việc ấn chứng một người thuộc về Thiên Chúa và ban thánh linh cho người ấy, Đức Thánh Linh còn làm công việc dạy dỗ, dẫn dắt, an ủi, và cáo trách người ấy. Nếu có ai không vâng theo Đức Thánh Linh thì người ấy phạm tội và làm buồn Đức Thánh Linh. Nếu người ấy cứ tiếp tục làm buồn Đức Thánh Linh thì đến một lúc nào đó, Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa người ấy ra khỏi thân thể của Ngài là Hội Thánh (Khải Huyền 3:16), và Đức Thánh Linh sẽ rời khỏi người ấy. Người ấy sẽ mất sự ấn chứng của Đức Thánh Linh và trở thành hư mất.

31 Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự cay đắng, giận dữ, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác.

Động từ “đem xa” vừa có nghĩa là từ bỏ vừa có nghĩa là không cho phép đến gần mình. Là con dân Chúa, chẳng những chúng ta từ bỏ những thói xấu tội lỗi của nếp sống cũ mà chúng ta còn phải tránh xa chúng. Chúng ta không cay đắng, giận dữ, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác nhưng chúng ta cũng không đến gần những người làm ra những sự ấy. Mỗi con dân Chúa cần học thuộc lòng Thi Thiên 1 và áp dụng sự dạy dỗ của Thi Thiên 1 mỗi ngày trong cuộc sống.

Cay đắng là cảm giác tức giận và ghét khi ý muốn của mình không được thỏa mãn mà mình không có cách gì để giải quyết. Sự cay đắng có thể chỉ trong ý nghĩ nhưng cũng có thể hiện ra ngoài qua thái độ, cử chỉ, lời nói.

Giận dữ là sự nóng giận bùng lên khiến một người có thể mất sự kiềm chế. Chúng ta có thể giận nhưng chúng ta không nên giận dữ vì sự giận dữ nhanh chóng dẫn đến phản ứng trả thù, khiến chúng ta phạm tội.

Thịnh nộ là cảm giác giận kèm theo hành động trả thù hoặc hình phạt. Sự trả thù và sự hình phạt thuộc về Thiên Chúa, cho nên, sự thịnh nộ là thuộc về Thiên Chúa. Danh từ “cơn giận” trong Gia-cơ 1:22, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, cũng cùng là danh từ được dịch là “thịnh nộ” trong Ê-phê-sô 4:31:

Vì cơn giận của loài người không làm nên sự công bình của Thiên Chúa.”

Than van là lời bất mãn về bất cứ một điều gì xảy ra cho mình. Là con dân Chúa chúng ta tin rằng mọi sự hiệp lại đều có ích cho chúng ta, là những người yêu Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28), và trong mọi sự chúng ta phải tạ ơn Chúa (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Người không có Chúa chỉ biết than van oán trách trước nghịch cảnh, trước bất công xảy đến cho họ. Là con dân Chúa chúng ta chỉ dâng lời tạ ơn Cha kính yêu của chúng ta đã cho phép nghịch cảnh, bất công, hoạn nạn xãy đến cho chúng ta và chúng ta dâng trình mọi nan đề, nhu cầu của chúng ta lên Đức Chúa Trời, là Đấng chăm sóc chúng ta:

Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 5:7).

Phạm thượng là bất cứ ý nghĩ, lời nói, việc làm nào xúc phạm Thiên Chúa và các bậc thẩm quyền Chúa đặt để trên chúng ta.

Mọi điều độc ác là bất cứ điều gì không đúng với Lời Chúa. Danh từ “độc ác” trong câu này có nghĩa là: Không có ý tốt, có ý làm hại, vi phạm luật pháp.

32 Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng, thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.

Là con dân Chúa chúng ta chiếu ra vinh quang của Thiên Chúa, tức là chiếu ra tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa qua nếp sống của chúng ta. Chúng ta cư xử cách nhân từ, dịu dàng thương xót với tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của chúng ta.

Nhân từ là sự tốt lành đem lại ích lợi cho người khác. Dịu dàng, thương xót là thể hiện sự đồng cảm nỗi đau khổ, thiếu thốn, bất hạnh, và sự lầm lỗi của người khác một cách mềm mại, nhẹ nhàng.

Tha thứ người khác như Đức Chúa Trời đã tha thứ chúng ta trong Đấng Christ có nghĩa là sẵn sàng trả giá, để giúp cho người xúc phạm chúng ta, làm thiệt hại chúng ta có cơ hội ăn năn. Sự tha thứ ấy được làm ra trước khi người có lỗi ăn năn. Những gì cần làm để giúp cho người có lỗi ăn năn đều do chính chúng ta chủ động làm ra. Người có lỗi chỉ cần thật lòng tiếp nhận sự tha thứ của chúng ta và ăn năn. Nếu người có lỗi vẫn không ăn năn thì chúng ta cắt đứt quan hệ với người ấy và phó người ấy cho sự phán xét của Chúa.

Nếu người có lỗi làm thiệt hại chúng ta về vật chất và người ấy có khả năng bồi thường thì chúng ta có thể tiếp nhận sự bồi thường. Nhưng chúng ta không đòi hỏi phải được bồi thường thì mới tha thứ. Bổn phận của chúng ta là tha thứ để người có lỗi có cơ hội ăn năn. Sự tha thứ đi trước sự ăn năn.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày, khiến chúng ta nên trọn vẹn như Cha kính yêu của chúng ta ở trên trời, và đem lại cho chúng ta sự thỏa lòng trong nếp sống mới của những người thuộc về Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/08/2016

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.