Chú Giải Ê-phê-sô 05:01-21

7,819 views

Chú Giải Ê-phê-sô 5:1-21
Con Dân Chúa Từ Bỏ Nếp Sống Cũ, Sống Nếp Sống Mới (2)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vậy, các anh chị em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như những con cái rất yêu dấu của Ngài.

2 Hãy bước đi trong tình yêu như Đấng Christ cũng đã yêu chúng ta, vì chúng ta mà phó chính mình Ngài làm của dâng và sinh tế lên Đức Chúa Trời, thành một thức hương thơm.

3 Những sự tà dâm và mọi sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa các anh chị em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ.

4 Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.

5 Vì các anh chị em biết rõ điều này: kẻ làm đĩ đực, hoặc kẻ ô uế, hoặc kẻ tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không được dự phần kế nghiệp Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa.

6 Đừng để cho bất cứ ai lấy những lời giả trá mà lường gạt các anh chị em. Vì bởi những điều đó mà cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đến trên những con cái không vâng phục.

7 Vậy, các anh chị em chớ dự phần với họ.

8 Lúc trước các anh chị em là tối tăm, nhưng bây giờ là sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như con cái của sự sáng láng.

9 Vì trái của tâm thần ở trong mọi điều tốt lành, công bình, và chân thật.

10 Hãy xem xét những điều được Chúa chấp nhận.

11 Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách thì hơn.

12 Vì nói đến những sự mà họ làm cách kín giấu, cũng đã là hổ thẹn rồi.

13 Nhưng mọi sự bị quở trách đều được tỏ ra bởi sự sáng; vì sự làm cho tỏ ra là sự sáng.

14 Vậy nên, có lời phán: Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong những người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. [Ê-sai 60:1]

15 Vậy, các anh chị em hãy bước đi cách thận trọng, không như người ngu dại nhưng như người khôn sáng.

16 Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu.

17 Vậy, các anh chị em chớ ngu dại, nhưng hãy hiểu biết điều gì là ý muốn của Chúa.

18 Đừng say rượu, trong sự ấy là điều phóng đãng; nhưng phải được đổ đầy linh.

19 Hãy lấy những thi thiên, những thánh ca, và những bài hát thiêng liêng mà nói với chính mình. Hãy hát và ngâm nga cho Chúa trong lòng của các anh chị em.

20 Hãy luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta mà tạ ơn Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, về mọi sự.

21 Hãy kính sợ Thiên Chúa mà vâng phục nhau.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/download/98x6jxx4fv6ac2e/9049050_Epheso_5_1-21.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDQ4NjUyMjdf/9049050_Epheso_5_1-21.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9049050-e-phe-so-5_1-21

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Trong bài trước, chúng ta đã học phần đầu về lời kêu gọi của Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, kêu gọi con dân Chúa từ bỏ nếp sống cũ, sống nếp sống mới. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học tiếp phần sau cùng của lời kêu gọi ấy.

1 Vậy, các anh chị em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như những con cái rất yêu dấu của Ngài.

Chữ “vậy” mở đầu của câu này là nhắc lại những điều đã nói trong đoạn 4, từ câu 20 đến câu 24, làm tiền đề dẫn đến lời kêu gọi theo sau. Là con dân của Thiên Chúa, được dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật, được gọi là những con trai con gái của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:18), bổn phận và cũng là mục đích của mỗi chúng ta là bắt chước Đức Chúa Trời. Động từ “bắt chước” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là đi theo và hành động giống như người đi trước. Chẳng những chúng ta đi theo Chúa mà chúng ta còn hành động giống như Chúa. Làm sao chúng ta có thể đi theo Đức Chúa Trời và hành động giống như Đức Chúa Trời? Khi chúng ta tin cậy Đức Chúa Jesus Christ và vâng theo những lời phán dạy của Ngài, tức là chúng ta đi theo Đức Chúa Trời và bắt chước Đức Chúa Trời. Bởi vì, Đức Chúa Jesus Christ với Đức Chúa Trời là một trong thần tính. Chính Đức Chúa Jesus Christ phán:

Ta và Cha, Chúng Ta là một!” (Giăng 10:30).

Còn ai thấy Ta, là thấy Đấng đã sai Ta.” (Giăng 12:45).

Chúng ta phải bắt chước Đức Chúa Trời cho đến khi chúng ta trở nên trọn vẹn như chính Ngài là trọn vẹn (Ma-thi-ơ 5:48). Hãy biết rằng, phần của Đức Chúa Trời là tái sinh chúng ta giống như Ngài; còn phần của chúng ta là sống sao cho nếp sống của chúng ta được nên trọn vẹn như chính Ngài. Chẳng những Đức Chúa Trời tái sinh chúng ta giống như Ngài trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật, mà Ngài còn tác động trong chúng ta, để chúng ta có năng lực trở nên trọn vẹn như Ngài. Khi chúng ta muốn và làm theo ý tốt lành của Thiên Chúa thì chúng ta được nên trọn vẹn giống như Đức Chúa Trời:

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Động từ tác động có nghĩa là hành động để hướng dẫn, để trợ lực, khiến cho đối tượng hoàn thành mục đích. Thiên Chúa tác động con dân của Ngài tức là Đức Thánh Linh cảm động, dẫn dắt, ban năng lực cho con dân Chúa, nhờ đó, con dân Chúa có thể sống theo Lời Chúa.

Con dân Chúa được gọi là những con cái rất yêu dấu của Đức Chúa Trời, bởi vì Đức Chúa Trời thật sự yêu họ trên hết mọi sự thuộc về Ngài. Rô-ma 8:32 chép:

Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?”

Chúng ta hãy luôn tự nhắc chính mình rằng: Chúng ta là con cái rất yêu dấu của Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho chúng ta Đức Chúa Jesus Christ và sẽ ban cho chúng ta mọi sự thuộc về Ngài. Vậy thì chúng ta có gì phải lo lắng, sợ hãi? Chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với địa vị con trai và con gái rất yêu dấu của Đức Chúa Trời.

2 Hãy bước đi trong tình yêu như Đấng Christ cũng đã yêu chúng ta, vì chúng ta mà phó chính mình Ngài làm của dâng và sinh tế lên Đức Chúa Trời, thành một thức hương thơm.

Bước đi trong tình yêu có nghĩa là sống mỗi ngày trong tình yêu. Từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta phải đặt nền tảng trên tình yêu: Yêu Chúa trên tất cả mọi sự; yêu người lân cận như chính mình; và yêu anh chị em trong đức tin hơn chính mình. Tình yêu phải được thể hiện thành hành động. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã làm tấm gương sáng cho chúng ta về sự thể hiện tình yêu thành hành động.

Mọi ý nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta, trước hết, phải được dâng lên Đức Chúa Trời như một của lễ; kế tiếp ý nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta phải đem lại ích lợi cho người khác, cho dù chúng ta có phải hy sinh. Có như vậy thì chúng ta và mọi sự trong chúng ta mới là của lễ sống và thánh dâng lên Đức Chúa Trời, như thức hương thơm, được Ngài tiếp nhận Rô-ma 12:1). Đó chính là:

Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên, chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Rô-ma 14:8).

Các anh chị em chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em đã nhận bởi Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Bởi vì các anh chị em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể và tâm thần mình đã thuộc về Đức Chúa Trời, mà làm vinh hiển Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:19-20).

Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự {sống} ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con của Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Nếu chúng ta đã thật sự dâng thân thể mình lên Đức Chúa Trời, đã thật sự sống và chết cho Chúa, thì nếp sống của chúng ta mỗi ngày phải là nếp sống trong tình yêu và thể hiện tình yêu. Sống trong tình yêu và thể hiện tình yêu còn là sống trong Đức Chúa Trời và chiếu sáng sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho thế gian; vì Đức Chúa Trời chính là tình yêu:

…Đức Chúa Trời là tình yêu, ai ở trong tình yêu, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.” (I Giăng 4:16).

Hãy luôn ghi nhớ: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi.” Những người không biết Chúa sẽ nhìn vào nếp sống của chúng ta để kết luận về tư cách của Đấng Christ. Chúng ta chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa hay chúng ta làm sỉ nhục danh Chúa qua nếp sống của chúng ta là sự lựa chọn của mỗi chúng ta, và chúng ta sẽ gánh trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình.

Hãy sống trong tình yêu! Đừng sống trong hận thù, cay đắng, ganh ghét, dối trá, tham lam, và những sự ô uế!

3 Những sự tà dâm và mọi sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa các anh chị em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ.

Chẳng những con dân Chúa không làm ra những sự tà dâm, ô uế, tham lam… mà con dân Chúa còn không nói đến những sự ấy với nhau. Người thích nói đến những sự ấy là người thật sự ưa thích, chất chứa những điều ấy trong lòng:

…Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” (Ma-thi-ơ 12:34).

Tư cách của con dân Thiên Chúa không cho phép chúng ta nói ra những sự như vậy. Chúng ta cũng không nghe những người nói ra những sự như vậy và tránh xa họ.

4 Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.

Lời tục tĩu bao gồm những lời thô tục, dâm dật, mắng chửi mà trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là những lời ô uế đem lại sự hổ thẹn cho người nói lẫn người nghe. Lời giễu cợt là những lời nói chọc cười thiếu hiểu biết hoặc lố bịch (quá đáng); điển hình là phần lớn các màn hài kịch thời nay của người Việt. Lời giả bộ tầm phào là lời đùa chơi, không đúng sự thật, để chọc ghẹo người nghe. Tất cả các lời ấy đều là các lời không đáng cho con dân Chúa nói ra hoặc tìm nghe. Trái lại, con dân Chúa nên thường xuyên cảm tạ Chúa và cám ơn người.

5 Vì các anh chị em biết rõ điều này: kẻ làm đĩ đực, hoặc kẻ ô uế, hoặc kẻ tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không được dự phần kế nghiệp Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa.

Những người phạm tà dâm, làm ra những sự ô uế, tham lam… là những người thường nói những lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào. Qua Thánh Kinh là Lời Chúa, bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh mà con dân Chúa biết rõ những người như vậy không có phần thừa hưởng Vương Quốc Trời.

Danh từ “kẻ làm đĩ đực” bao gồm những người đàn ông bán dâm, những người đàn ông đồng tính luyến ái, và những người đàn ông phóng túng trong sự dâm dục. Danh từ “kẻ ô uế” chỉ chung tất cả những ai phạm các điều răn của Thiên Chúa, nhưng trong nghĩa hẹp thì chỉ về những người làm ra những sự tà dâm, say sưa, nghiện ngập, và ma thuật, bùa phép… Lời Chúa gọi những người giữ ngày Sa-bát của Chúa là những người tránh sự ô uế, Vì thế, những người không vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa là những người tự mình làm ra ô uế:

Các con của người ngoại, họ tự kết hiệp cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để phụng sự Ngài, để yêu danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để làm các tôi tớ của Ngài, là tất cả những người giữ ngày Sa-bát cho khỏi ô uế, và giữ lời giao ước của Ta…” (Ê-sai 56:6).

Mệnh lệnh của Chúa về việc con dân Chúa phải giữ ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát rất là rõ ràng và nghiêm khắc. Nhưng ngày nay biết bao nhiêu người xưng mình là con dân Chúa lại cố ý bác bỏ mệnh lệnh của Chúa mà vi phạm ngày Sa-bát:

Người ta sẽ làm công việc trong sáu ngày, nhưng đến ngày thứ bảy sẽ là một lễ thánh, tức là ngày Sa-bát của Lễ Nghỉ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ai làm công việc trong ngày đó sẽ bị xử tử.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:22).

Điều răn của Chúa là con dân Chúa phải thánh hóa ngày Thứ Bảy bằng cách biệt riêng ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát (ngày nghỉ ngơi). Khi con dân Chúa không tôn thánh ngày Thứ Bảy thì đã làm cho ngày ấy ra ô uế (Nê-hê-mi 13:17-18) và bản thân mình cũng bị ô uế vì vi phạm điều răn của Chúa.

Người tham lam là người thờ hình tượng, vì đã tôn điều mình tham muốn làm Chúa của mình. Ngoài ra, người cố chấp, tức là người không chịu nghe theo lời khuyên dạy đúng, cũng là người thờ hình tượng, vì đã tôn bản ngã của mình lên làm Chúa của mình (I Sa-mu-ên 15:23).

Mệnh đề: “Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa” có nghĩa là vương quốc thuộc về Đấng Christ và Đấng Christ chính là Thiên Chúa. Tương tự như mệnh đề “Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta” có nghĩa là Đức Chúa Trời của chúng ta cũng chính là Cha của chúng ta. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “nước của Đấng Christ và Đức Chúa Trời” là không đúng. Bởi vì danh từ “Theos” trong câu này không có mạo từ xác định đi trước nên không chỉ về Đức Chúa Trời, mà chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa [1].

So sánh:

  • Giăng 1:1 “Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời (τον θεον – danh từ “thần” θεον làm túc từ trực tiếp, có mạo từ xác định τον đứng trước, chỉ về Thiên Chúa Ngôi Thứ nhất, Đức Chúa Trời). Ngôi Lời là Thiên Chúa (θεος – danh từ “thần” θεος làm chủ từ, không có mạo từ xác định đứng trước, chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa).

  • Ê-phê-sô 5:5 “Vì các anh chị em biết rõ điều này: kẻ làm đĩ đực, hoặc kẻ ô uế, hoặc kẻ tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không được dự phần kế nghiệp Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa (θεου – sở hữu danh từ “của thần” θεου không có mạo từ xác định đứng trước, chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa).

Thánh Kinh dùng cách gọi Vương Quốc Trời để phân biệt vương quốc của Thiên Chúa với các vương quốc của loài người.

Thánh Kinh dùng cách gọi Vương Quốc của Đức Chúa Trời để nhấn mạnh quyền sở hữu của Thiên Chúa trên Vương Quốc Trời. Vì Đức Chúa Trời là thân vị tiêu biểu cho Ba Ngôi Thiên Chúa.

Thánh Kinh dùng cách gọi Vương Quốc của Đấng Christ để nhấn mạnh quyền cai trị của Thiên Chúa trên Vương Quốc Trời. Vì Đức Chúa Jesus Christ là Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa.

Riêng cách gọi “Vương Quốc của Đấng Christ và Thiên Chúa” được dùng trong Ê-phê-sô 5:5 là để nhấn mạnh sự kiện: Vương Quốc Trời được cai trị bởi con người xác thịt mang tên Jesus, có chức vụ Christ, nhưng con người ấy cũng chính là Thiên Chúa. Vì Ngài là Thiên Chúa thành người. Và như vậy, Vương Quốc Trời thuộc về Thiên Chúa, được cai trị bởi Thiên Chúa trong thân vị Thiên Chúa và người.

6 Đừng để cho bất cứ ai lấy những lời giả trá mà lường gạt các anh chị em. Vì bởi những điều đó mà cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đến trên những con cái không vâng phục.

Những kẻ lấy lời giả trá lường gạt con dân Chúa thường là các giáo sư giả và các tiên tri giả. Ngày nay, loại người ấy có rất nhiều trong các giáo hội. Những lời giả trá là những lời bẻ cong Lời Chúa, thêm hoặc bớt Lời Chúa với mục đích khiến cho người nghe hiểu sai lẽ thật của Lời Chúa mà làm ra những sự nghịch lại với Lời Chúa. Dưới đây là một số lời giả trá điển hình:

  • Lời giả trá về sự Con dân Chúa không cần phải giữ Mười Điều Răn. Lẽ thật là: “Vì thật vậy, Ta phán với các ngươi, cho đến khi trời và đất qua đi, cho đến khi mọi sự được trọn, một chấm hay một nét sẽ không qua đi trong luật pháp.” (Ma-thi-ơ 5:18).

  • Lời giả trá về sự ngày Sa-bát chỉ dành riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Lẽ thật là: “Kế đó, Ngài lại phán: Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người.” (Mác 2:27). Đức Chúa Jesus Christ không hề phán: Vì dân I-sơ-ra-ên mà lập ngày Sa-bát.

  • Lời giả trá về sự ngày Sa-bát đã đổi sang ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, vì Chúa sống lại vào ngày Thứ Nhất. Lẽ thật là: Chúa sống lại vào cuối của một ngày Sa-bát và hiện ra cho các môn đồ của Ngài vào sáng sớm ngày Thứ Nhất. Xin đọc bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” [2]. Nhưng dù cho Chúa có sống lại vào ngày Thứ Nhất, thì cũng không hề có mệnh lệnh của Chúa đổi ngày Sa-bát từ ngày Thứ Bảy sang ngày Thứ Nhất.

  • Lời giả trá về “Đức Chúa Trời Mẹ” được nói đến trong Ga-la-ti 4:26. Lẽ thật là: Thánh Kinh không hề nói đến một Đức Chúa Trời Mẹ. Xin đọc bài chú giải Ga-la-ti 4:26 [3].

  • Lời giả trá gọi những âm thanh lắp ba, lắp bắp vô nghĩa là kết quả của sự đầy dẫy thánh linh và được ân tứ “nói tiếng lạ”. Lẽ thật là: Một người được đầy dẫy thánh linh và được ân tứ nói ngoại ngữ, thì nói ra những ngoại ngữ được liệt kê rõ ràng trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:8-11.

  • Lời giả trá cho rằng, “tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn,” nghĩa là một người sau khi tin Chúa dù có trở lại sống tội lỗi thì cũng không bị hư mất, chỉ bị mất phần thưởng mà thôi! Lẽ thật là: “Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Là con dân Chúa chúng ta có bổn phận đối chiếu mọi sự giảng dạy với Lời Chúa là Thánh Kinh, và lắng nghe sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật. Lời Chúa là lẽ thật! Nếu chúng ta nghe và tin theo những lời giả trá thì chính chúng ta phải gánh trách nhiệm về sự mình bị gạt. Thật ra, chỉ những người muốn tìm lỗ hổng trong luật pháp của Chúa, mong có thể thỏa mãn những tham muốn của xác thịt mà không bị kết tội, mới bị dẫn dụ bởi những lời giả trá. Vì Đức Chúa Trời bỏ mặc họ, cho họ rơi vào sự ô uế của lòng tham muốn trong họ (Rô-ma 1:24). Bất cứ những ai hết lòng tìm học Lời Chúa và sống theo Lời Chúa thì sẽ được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Nếp sống của những người rao giảng giả trá và những người tin nhận những lời giả trá là nếp sống thể hiện rõ những bông trái của tội lỗi. Vì cây xấu thì không thể sinh ra trái tốt! (Ma-thi-ơ 7:17-18).

Những con cái không vâng phục là những người tin nhận Chúa nhưng không sống theo Lời Chúa, nghĩa là họ vẫn đang sống trong tội lỗi, vi phạm các điều răn của Chúa. Ngày nay, có khoảng ba tỷ người như vậy trên thế giới. Vì thế, dù họ mang danh là con dân của Chúa nhưng thực tế họ đang sống trong sự hư mất, vì họ vẫn ở dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời.

7 Vậy, các anh chị em chớ dự phần với họ.

8 Lúc trước các anh chị em là tối tăm, nhưng bây giờ là sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như con cái của sự sáng láng.

Là con dân Chúa đã được dựng nên mới giống như Thiên Chúa chúng ta không thể dự phần vào những nếp sống tội lỗi, ô uế của những người không thuộc về Chúa. Lúc trước” là lúc còn sống trong tối tăm và tội lỗi, chưa ăn năn tội, chưa tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, chưa được cứu. “Bây giờ” là thực tế hiện tại của một người đã thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa. Sự sáng chính là Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 1:4). Vì chúng ta là con cái của sự sáng, chúng ta phải sống nếp sống thuộc về con cái của sự sáng. Đó là nếp sống vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa và đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 14:12).

9 Vì trái của tâm thần ở trong mọi điều tốt lành, công bình, và chân thật.

Trái của tâm thần là sự thể hiện các đặc tính của tâm thần qua ý nghĩ, lời nói, và việc làm. Vì con dân Chúa được dựng nên mới trong linh hồn và tâm thần, thân thể xác thịt được thánh hóa, cho nên, từ trong ý nghĩ, lời nói, cho đến việc làm, tất cả đều thể hiện sự tốt lành, công bình, và chân thật. Ga-la-ti 5:22-23 liệt kê các đức tính của tâm thần đã được dựng nên mới, như sau [4]:

Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.”

Một người không tin Chúa, nhưng nếu có đọc Thánh Kinh thì người ấy cũng biết thế nào là nếp sống của con dân Chúa. Huống hồ gì những người xưng nhận mình là con dân Chúa, có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể, dắt dẫn họ vào trong mọi lẽ thật! Vì thế, không hề có chuyện con dân Chúa mà không biết sống như thế nào cho đúng với Lời Chúa.

Người xưa có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương.” Nghĩa là: Có chất thơm thì tự nhiên tỏa ra mùi thơm. Một người thực sự có thánh linh của Thiên Chúa, sống trong sự sáng láng, thì tự nhiên sẽ có nếp sống chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa.

Chúng ta luôn ghi nhớ, người ngoài nghe chúng ta nói, nhìn chúng ta làm mà đánh giá Chúa của chúng ta. Họ có quyền nghĩ rằng, Chúa của chúng ta nói như chúng ta nói và làm như chúng ta làm.

Vậy, các anh chị em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự gì khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Bởi vì các anh chị em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể và tâm thần mình đã thuộc về Đức Chúa Trời, mà làm vinh hiển Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:20).

Là con dân Chúa, chúng ta thờ phượng Chúa từng khoảnh khắc trong đời sống của chúng ta qua từng ý nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta, khi những ý nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta làm vinh hiển Đức Chúa Trời.

10 Hãy xem xét những điều được Chúa chấp nhận.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch câu này là: “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa;” ý nghĩa hơi khác với ý trong nguyên tác: “Hãy xem xét những điều được Chúa chấp nhận.”

  • Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa.” Câu này có nghĩa là tìm xem điều gì là điều đẹp lòng Chúa.

  • Hãy xem xét những điều được Chúa chấp nhận.” Câu này có nghĩa là hãy tìm xem những điều đã được Chúa chấp nhận. Và như vậy, có nghĩa là hãy tra xét Thánh Kinh và suy ngẫm về những điều được Chúa chấp nhận và ghi rõ trong Thánh Kinh.

Là con dân Chúa bổn phận của chúng ta là đọc Lời Chúa, suy ngẫm ngày đêm, và cẩn thận làm theo. Có như vậy chúng ta mới được thịnh vượng trong cuộc sống và biết hành động thông sáng trong mọi cảnh ngộ (Giô-suê 1:8).

11 Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách thì hơn.

12 Vì nói đến những sự mà họ làm cách kín giấu, cũng đã là hổ thẹn rồi.

Công việc vô ích của sự tối tăm là bất cứ việc gì không đem lại ích lợi, không gây dựng chính mình hoặc người khác, không vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23, 31), như đã liệt kê trong các câu 3, 4, và 5. Gọi là công việc vô ích vì chúng không đem lại ích lợi, không gây dựng cho ai, không chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa. Những công việc như vậy thuộc về sự tối tăm, tức là sự chết, đối nghịch với sự sáng, là sự sống. Sự chết là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Sự sống là sự được kết hiệp với Thiên Chúa, được ở trong Thiên Chúa và được Thiên Chúa ở trong mình.

Chẳng những con dân Chúa không làm, không tham dự những công việc vô ích mà còn phải lên tiếng quở trách những người làm những công việc như vậy. Sau khi quở trách mà họ không nghe thì chúng ta phải tránh xa họ.

Những công việc vô ích của sự tối tăm đều là tội lỗi mà ngay cả khi cần thiết con dân Chúa phải nói đến, cũng đem lại sự hổ thẹn cho người nói lẫn người nghe.

13 Nhưng mọi sự bị quở trách đều được tỏ ra bởi sự sáng; vì sự làm cho tỏ ra là sự sáng.

Khi những công việc vô ích của sự tối tăm bị chúng ta là con dân Chúa quở trách, thì chúng bị sự vinh quang của Thiên Chúa chiếu vào cho mọi người thấy rõ tính chất độc ác, xấu xa, ô uế của chúng. Sự sáng là sự vinh quang của Thiên Chúa, tức là tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa chiếu vào trong những sự bị quở trách khiến cho mọi người thấy tính chất độc ác của chúng. Sự công chính của Thiên Chúa chiếu vào trong những sự bị quở trách khiến cho mọi người thấy tính chất xấu xa, bất công của chúng. Sự thánh khiết của Thiên Chúa chiếu vào trong những sự bị quở trách khiến cho mọi người thấy tính chất ô uế của chúng.

14 Vậy nên, có lời phán: Ngươi đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong những người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. [Ê-sai 60:1]

Chữ “ngủ” được dùng trong câu này có nghĩa là “chết”. Chữ “thức” có nghĩa là sống lại. Đức Thánh Linh đã dùng lời tiên tri trong Ê-sai 60:1 về sự Thiên Chúa đến, cứu chuộc con dân của Ngài, làm cho họ sống lại và chiếu ra vinh quang của Ngài, để kêu gọi con dân Chúa trong Hội Thánh:

Hãy vùng dậy! Hãy chiếu sáng! Vì sự sáng của ngươi đã đến, và sự vinh quang Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã chiếu ra trên ngươi.”

Đấng Christ là sự sống và sự sáng của chúng ta:

Trong Ngài có sự sống. Sự sống là sự sáng của loài người.” (Giăng 1:4).

Đấng Christ chính là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong thân vị Ngôi Lời, nhập thế làm người, để ban cho loài người sự sống, sự sống lại, và sự sống đời đời, để chiếu rọi sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trên những ai tin nhận Ngài.

Ngày xưa, Đấng Christ kêu gọi La-xa-rơ từ trong mồ mả, là hình ảnh về sự chết của thân thể xác thịt, bước ra khỏi sự chết thuộc thể để sống lại (Giăng 11:1-44). Ngày nay, Đấng Christ cũng đang kêu gọi tất cả những ai đang chết thuộc linh, hãy vùng dậy, tiếp nhận sự sống, là sự sáng của Ngài, để được tái sinh. Tiếng gọi ấy chính là Tin Lành kêu gọi mọi người ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà các con dân của Chúa đang rao giảng khắp nơi.

15 Vậy, các anh chị em hãy bước đi cách thận trọng, không như người ngu dại nhưng như người khôn sáng.

Bước đi cách thận trọng là cẩn thận làm theo Lời Chúa mỗi ngày trong cuộc sống. Lời Chúa trong Giô-suê 1:8 dạy chúng ta suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo. Chúng ta không làm theo Lời Chúa một cách máy móc nhưng chúng ta phải cẩn thận áp dụng Lời Chúa vào mỗi hoàn cảnh khác nhau. Thánh Kinh ghi lại cho chúng ta gương áp dụng Lời Chúa một cách máy móc của những người Pha-ri-si, khi họ bắt bẻ các môn đồ của Chúa về sự các môn đồ bứt bông lúa để ăn trong ngày Sa-bát, và bắt bẻ Chúa về sự Chúa chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Chúng ta phải suy ngẫm để hiểu rõ Lời Chúa và cẩn thận áp dụng vào trong cuộc sống.

Người bước đi cách thận trọng, tức là người cẩn thận áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống, là người khôn sáng. Người không bước đi cách thận trọng, tức là người không biết cẩn thận áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống, là người ngu dại. Ngụ ngôn Chúa phán trong Ma-thi-ơ 7:24-27 giúp cho chúng ta hiểu rõ, người nghe và làm theo Lời Chúa là người khôn còn người nghe mà không làm theo Lời Chúa là người dại.

16 Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu.

Động từ “tận dụng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là “mua lấy để sử dụng”. Chúng ta cần tận dụng thì giờ Chúa ban cho chúng ta trong khi đang sống giữa thế gian tội lỗi này. Những ngày là xấu vì mỗi ngày chúng ta đều đối diện với những bất công, đau khổ, thử thách, cám dỗ, hoạn nạn… Chính vì thế mà chúng ta phải biết sử dụng thời gian sao cho có ích lợi nhiều nhất.

17 Vậy, các anh chị em chớ ngu dại, nhưng hãy hiểu biết điều gì là ý muốn của Chúa.

Người ngu dại là người thiếu hiểu biết Lời Chúa. Con dân Chúa vẫn có thể ngu dại nếu không vâng theo mệnh lệnh Chúa đã ban truyền và được ghi lại trong Giô-suê 1:8. Để có được tri thức về Chúa và ý muốn của Chúa, thì chúng ta phải đọc Lời Chúa và suy ngẫm ngày đêm. Nhờ hiểu biết ý muốn của Chúa mà chúng ta có thể cẩn thận làm ra những điều đẹp lòng Chúa.

Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật ngự trong mỗi con dân chân thật của Chúa. Một trong bảy mục vụ của Đức Thánh Linh là dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật (Giăng 16:13). Lời Chúa là lẽ thật (Giăng 17:17). Vì thế, Đức Thánh Linh chỉ có thể dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật khi chúng ta dành thời gian để đọc Lời Chúa và suy ngẫm ngày đêm.

18 Đừng say rượu, trong sự ấy là điều phóng đãng; nhưng phải được đổ đầy linh.

Đừng say rượu không có nghĩa là không được uống rượu. Phép lạ đầu tiên Đức Chúa Jesus Christ làm ra là phép lạ hóa nước thành rượu trong một tiệc cưới tại thành Ca-na (Giăng 2:1-11). Thiên Chúa ban rượu cho con dân của Ngài (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:13; 11:14; Châm Ngôn 3:10). Thiên Chúa truyền cho con dân của Ngài mua rượu hay là đồ uống say để cả gia đình cùng vui vẻ, ăn uống trước mặt Ngài (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:26). Thiên Chúa sẽ ban thức ăn ngon và rượu ngon cho mọi dân tộc (Ê-sai 25:6).

Có những người trong các giáo hội dạy rằng, con dân Chúa không được uống rượu. Dạy như vậy là nghịch lại Thánh Kinh. Lời Chúa không dạy là “đừng uống rượu” mà chỉ dạy là “đừng say rượu”. Vì trong khi say rượu thì người ta không thể tự kiềm chế được mình mà nói và làm những điều phạm pháp, vô lý.

Thay vì tìm vui trong sự uống rượu (Thi Thiên 104:15; Truyền Đạo 10:19) đến nỗi quá chén thành say sưa, thì con dân Chúa nên dọn sạch lòng mình để được Đức Thánh Linh đổ đầy năng lực của Ngài. Ý nghĩa của câu này là con dân Chúa đừng say mê những sự thuộc về vật chất đến quá độ, mà hãy tìm kiếm những sự thiêng liêng. Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 7:31 dạy rằng:

và những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó; vì hình trạng của thế gian này qua đi.”

Chúng ta được dùng mọi sự Chúa làm ra trong thế gian miễn là sự dùng ấy đem lại ích lợi, gây dựng, và vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không lạm dụng, không hưởng thụ quá độ, không nghiện ngập bất cứ sự gì.

Mọi sự tôi được phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi được phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” (I Cô-rinh-tô 6:12).

Bởi vì khi chúng ta nghiện ngập một sự gì thì sự ấy đã bắt phục chúng ta. Sự bắt phục chúng ta là sự thắng hơn chúng ta và khiến chúng ta làm nô lệ cho nó (II Phi-e-rơ 2:19).

19 Hãy lấy những thi thiên, những thánh ca, và những bài hát thiêng liêng mà nói với chính mình. Hãy hát và ngâm nga cho Chúa trong lòng của các anh chị em.

Những thi thiên là những bài Thi Thiên trong Thánh Kinh. Trong tiếng Hán Việt, “thi” là thơ; “thiên” là một khúc, một đoạn. Trong tiếng Hê-bơ-rơ hay tiếng Hy-lạp thì thi thiên là một loại bài thơ có thể hát lên thành bài hát. Thánh ca là bất cứ bài hát nào được dùng để tôn vinh Chúa. Ngày nay có những bài được gọi là thánh ca nhưng nội dung thì không đúng với Lời Chúa. Chúng ta phải cẩn thận khi chọn các bài thánh ca để tôn vinh Chúa. Bài hát thiêng liêng là những bài hát có nội dung trình bày những lẽ thật của Thánh Kinh. Một hình thức của bài hát thiêng liêng là lời Thánh Kinh được phổ nhạc để hát lên, gọi là Thánh Kinh Ca.

Điều đặc biệt ở đây là Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, khuyên con dân Chúa hãy dùng những thi thiên, những thánh ca, và những bài hát thiêng liêng mà NÓI với chính mình. Đây là một chi tiết rất thú vị, vì ngay cả những người không biết hát, không có khiếu âm nhạc, cũng có thể nhận được sự ích lợi từ các bài ấy khi họ thuộc lòng và tự nói với mình nội dung của các bài ấy. Con dân Chúa cũng nên hát và ngâm nga cho Chúa từ trong lòng của mình. Sự hát và ngâm nga trong lòng thì không phát ra thành tiếng. Ngay cả người câm cũng có thể hát và ngâm nga trong lòng bằng cách nghĩ đến lời và điệu của bài hát, bài thơ mà mình đã nghe. Đây cũng chính là việc làm khiến cho con dân Chúa luôn được bình an và vui mừng.

Dĩ nhiên, trong khi Hội Thánh nhóm lại với nhau thì cũng có sự ca hát, tôn vinh Chúa (I Cô-rinh-tô 14:26). Nhưng cá nhân mỗi người tự nói với mình những thi thiên, những thánh ca, và những bài hát thiêng liêng, tự hát và ngâm nga cho Chúa trong lòng là sự thờ phượng cá nhân và tự gây dựng chính mình mỗi ngày trong cuộc sống.

20 Hãy luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta mà tạ ơn Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, về mọi sự.

Mọi lời tôn vinh, cảm tạ, và cầu xin của chúng ta đều thực hiện trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Vì Ngài là đầu của Hội Thánh, chúng ta là các chi thể trong thân thể của Ngài. Đời sống của con dân Chúa là đời sống luôn vui mừng, tạ ơn Chúa về mọi sự trong mọi cảnh ngộ. Bởi vì:

Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28).

Luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ mà tạ ơn Đức Chúa Trời cũng chính là ý muốn của Ba Ngôi Thiên Chúa đối với chúng ta.

Trong mọi sự hãy tạ ơn, vì ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em là như vậy.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Lần sau, khi các anh chị em gặp khó khăn, hoạn nạn, thử thách… hãy trước hết trong danh của Đức Chúa Jesus Christ mà dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời đã cho phép những sự ấy xảy đến cho mình. Các anh chị em chắc chắn sẽ kinh nghiệm được sự bình an, sự đầy dẫy năng lực, và sự khôn sáng, để chịu đựng và giải quyết mọi nan đề. Rồi, các anh chị em sẽ học biết vì sao Chúa đã cho phép những sự ấy xảy ra.

21 Hãy kính sợ Thiên Chúa mà vâng phục nhau.

Trong gia đình, trong xã hội, và trong Hội Thánh đều có những bậc có thẩm quyền trên chúng ta, và chúng ta có bổn phận tôn kính họ, vâng phục họ. Tuy nhiên, trong Hội Thánh không phải chỉ có sự vâng phục một bề mà là mọi người vâng phục lẫn nhau theo Lời Chúa. Bất cứ ai trong Hội Thánh nói đúng thì chúng ta đều phải vâng theo. Một trưởng lão trong Hội Thánh cũng có bổn phận vâng phục lời nói đúng của một thiếu nhi. Đó là ý nghĩa của sự chúng ta vâng phục lẫn nhau vì chúng ta kính sợ Thiên Chúa, vì chúng ta tôn kính Lời hằng Sống của Ngài. Đây là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh mà chúng ta phải ghi nhớ để làm theo.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày, khiến chúng ta nên trọn vẹn như Cha kính yêu của chúng ta ở trên trời, và đem lại cho chúng ta sự thỏa lòng trong nếp sống mới của những người thuộc về Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/09/2016

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/than-vi-nhan-tinh-thien-tinh-va-than-tinh-cua-duc-chua-jesus-christ/

[2] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh-phien-ban-moi/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ga-la-ti-4_21-31/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ga-la-ti-5_13-26/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.