Chú Giải Ga-la-ti 02:01-10 Chức Vụ và Sự Giảng Dạy của Phao-lô Được Hội Thánh Công Nhận

4,665 views


YouTube:
https://youtu.be/yP_mstlGEZM

904803 Chú Giải Ga-la-ti 2:1-10
Chức Vụ và Sự Giảng Dạy của Phao-lô

Được Hội Thánh Công Nhận

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 2:1-10

1 Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, và có đem theo Tít.

2 Tôi đã lên đó bởi sự mạc khải, và tôi đã phô bày cho họ Tin Lành mà tôi giảng trong các dân ngoại, lại phô bày riêng cho những người có danh tiếng, kẻo tôi đang chạy hoặc đã chạy một cách vô ích.

3 Tuy nhiên, Tít, người cùng đi với tôi, là người Hy-lạp, mà không bị ép phải chịu cắt bì.

4 Đó là vì có mấy người anh em giả, đã lén lút xâm nhập, là những người vào bên cạnh, rình xem sự tự do mà chúng tôi có trong Đấng Christ Jesus, để bắt chúng tôi làm nô lệ.

5 Chúng tôi đã không nhường họ bởi sự phục tùng, dù chỉ trong một giờ, để cho lẽ thật của Tin Lành được ở lại với các anh chị em.

6 Còn về những người được tôn trọng – trước đây họ như thế nào, thì chẳng can dự gì đến tôi, Thiên Chúa không chấp nhận bề ngoài của loài người – những người được tôn trọng ấy chẳng thêm điều gì cho tôi.

7 Trái lại, họ thấy rằng, sự giảng Tin Lành cho người không chịu cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ.

8 Vì Đấng đã tác động trong Phi-e-rơ chức vụ sứ đồ cho người chịu cắt bì, cũng đã tác động trong tôi chức vụ sứ đồ cho các dân ngoại.

9 Khi Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng là các người được xem như cột trụ, nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì họ trao tay phải giao kết với tôi và Ba-na-ba, để cho chúng tôi đến với các dân ngoại, còn họ thì đến với người chịu cắt bì.

10 Chúng tôi chỉ phải nhớ đến những người nghèo, ấy cũng chính là điều tôi đã sốt sắng làm.

Trong 10 câu Thánh Kinh trên đây, Phao-lô tiếp tục trình bày cho con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti một điều quan trọng: Chức vụ sứ đồ của ông và Tin Lành do ông rao giảng, đã được các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem công nhận. Điều ấy có nghĩa là, chức vụ sứ đồ của Phao-lô ngang hàng với chức vụ sứ đồ của Phi-e-rơ và Giăng, là chức vụ do chính Đức Chúa Jesus Christ trực tiếp ban cho; Tin Lành do Phao-lô rao giảng không đòi hỏi những người không thuộc chủng tộc I-sơ-ra-ên phải chịu cắt bì để được cứu rỗi. Vì thế, bất cứ những ai rao giảng rằng, các tín đồ giữa vòng dân ngoại phải chịu cắt bì để được cứu rỗi, thì ấy là những kẻ rao giảng tà giáo, nghịch lại sự giảng dạy chân thật từ sứ đồ của Chúa, và những kẻ ấy đáng bị dứt thông công khỏi Hội Thánh.

1 Sau đó mười bốn năm, tôi lại lên thành Giê-ru-sa-lem với Ba-na-ba, và có đem theo Tít.

Sau đó mười bốn năm là sau lần Phao-lô gặp mặt trao đổi với Phi-e-rơ, và ở lại với Phi-e-rơ mười lăm ngày, như đã thuật trong Ga-la-ti 1:18. Chuyến đi này được Lu-ca tường trình trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 15. Lý do của chuyến đi là vì có mấy người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem đến An-ti-ốt, dạy cho con dân Chúa ở đó phải chịu cắt bì để được cứu rỗi. Phao-lô và Ba-na-ba đã phản đối sự dạy dỗ của những người ấy. Nhưng tiếc thay, Hội Thánh tại An-ti-ốt đã bị hoang mang vì sự giảng dạy của những người Do-thái ấy, nên đã yêu cầu Phao-lô, Ba-na-ba và những người ấy về lại Giê-ru-sa-lem, để yêu cầu các sứ đồ và các trưởng lão phân xử. Vào lúc bấy giờ, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã được vững lập, là nơi có sự hiện diện thường xuyên của các sứ đồ, và các trưởng lão trong Hội Thánh đều là những người đồng thời với Đức Chúa Jesus Christ, được trực tiếp nghe sự giảng dạy của Chúa.

Đây là một điều đáng buồn cho Phao-lô và Ba-na-ba. Hội Thánh tại An-ti-ốt được nghe Phao-lô và Ba-na-ba giảng dạy trong nhiều năm. Chính Đức Thánh Linh đã phán truyền cho Hội Thánh tại An-ti-ốt biệt riêng Ba-na-ba và Phao-lô cho công cuộc truyền giáo. Thế mà họ lại nghi ngờ Tin Lành do hai ông rao giảng, khi có mấy giáo sư giả từ Giê-ru-sa-lem đến, truyền cho họ phải chịu cắt bì để được cứu rỗi.

Ngày nay, trong Hội Thánh của Chúa cũng vẫn có những người nhẹ dạ như con dân Chúa tại An-ti-ốt thuở xưa. Họ đã được kinh nghiệm sự ngọt ngào, sâu nhiệm của Lời Chúa bởi sự rao giảng của các tôi tớ chân thật của Chúa; nhưng khi nghe các giáo sư giả giảng dạy tà giáo thì họ trở nên hoang mang, và một số lại rời bỏ lẽ thật để đi theo tà giáo. Ba tà giáo đang phổ biến mạnh mẽ trong Hội Thánh giữa vòng dân Việt hiện nay là:

  • Tà giáo thờ phượng Đức Chúa Trời Mẹ.
  • Tà giáo bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh.
  • Tà giáo “Cội Nguồn Hê-bơ-rơ” (Hebrew Roots) buộc con dân Chúa quay về các nghi thức, lễ hội thời Cựu Ước, buộc con dân Chúa gọi tên Chúa theo ngôn ngữ Hê-bơ-rơ. Một vài hệ phái trong tà giáo này cũng bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 15, Lu-ca không ghi tên của Tít, vì Tít không phải là người được Hội Thánh tại An-ti-ốt cử đi. Có lẽ Phao-lô đem Tít theo, để ông có đủ hai nhân chứng cho sự giảng dạy của ông và cho quyết định của các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem về sự giảng dạy của ông. Vì theo Thánh Kinh, mọi việc phải có hai hay ba người chứng.

2 Tôi đã lên đó bởi sự mạc khải, và tôi đã phô bày cho họ Tin Lành mà tôi giảng trong các dân ngoại, lại phô bày riêng cho những người có danh tiếng, kẻo tôi đang chạy hoặc đã chạy một cách vô ích.

Mặc dù Hội Thánh tại An-ti-ốt yêu cầu Phao-lô và Ba-na-ba cùng với mấy người rao giảng về phép cắt bì quay về Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm quyết định của các sứ đồ và các trưởng lão; nhưng trong câu 2 trên đây, Phao-lô cho biết, ông về lại Giê-ru-sa-lem theo sự mạc khải. Phao-lô không nói rõ về sự mạc khải mà ông nhận được. Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, Chúa đã muốn nhân cơ hội này để giải quyết dứt khoát việc tà giáo dạy rằng, một người phải chịu cắt bì mới được cứu rỗi; nên đã mạc khải cho Phao-lô, rằng ông phải về lại Giê-ru-sa-lem và tường trình mọi sự trước Hội Thánh tại đó. Phao-lô nói rõ ông về lại Giê-ru-sa-lem là bởi sự mạc khải, tức bởi ý Chúa, để tường trình mục vụ của ông giữa vòng dân ngoại, nghĩa là Phao-lô về Giê-ru-sa-lem không phải để nhận thẩm quyền hay chỉ thị từ bất cứ một người nào cho chức vụ và sự giảng dạy của ông. Sự mạc khải cũng ấn chứng cho Phao-lô là quyết định của Hội Thánh tại An-ti-ốt trong việc cử ông và Ba-na-ba đem vấn đề ra trước Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem được Chúa chấp thuận.

Khi Phao-lô về đến Giê-ru-sa-lem thì ông đã phô bày cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem về Tin Lành mà ông vẫn giảng cho các dân ngoại, tức là những dân tộc không thuộc chủng tộc I-sơ-ra-ên. Ông cũng phô bày Tin Lành ấy cách riêng tư cho những người có danh tiếng.

Động từ “phô bày” được dùng trong câu này có nghĩa là: dùng lời nói mà trình bày cách rõ ràng trước người nghe. Nhóm chữ “những người có danh tiếng” có lẽ được dùng để chỉ Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng. Có lẽ, Phao-lô đã có cuộc nói chuyện riêng với Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng trước khi ông tường trình trước Hội Thánh. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 15 ghi lại sự kiện Phi-e-rơ và Gia-cơ đều lên tiếng ủng hộ quan điểm của Phao-lô, bác bỏ sự đòi hỏi của những tín đồ xuất thân từ giới Pha-ri-si, là những người buộc dân ngoại phải chịu cắt bì.

Phao-lô xem mục vụ giảng Tin Lành cho các dân ngoại của ông là một cuộc chạy đua. Ông chạy đua với thời gian để hoàn thành những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho ông. Vào thời điểm ấy, Phao-lô đã và đang tiếp tục rao giảng Tin Lành về sự cứu rỗi bởi đức tin. Nếu con dân Chúa thuộc các dân ngoại bị buộc phải chịu cắt bì, thì sự giảng Tin Lành của ông trước đó và trong hiện tại sẽ trở thành vô ích.

3 Tuy nhiên, Tít, người cùng đi với tôi, là người Hy-lạp, mà không bị ép phải chịu cắt bì.

Tít là người Hy-lạp, qua sự rao giảng của Phao-lô đã tin nhận Tin Lành và đồng công với Phao-lô trong các hành trình truyền giáo của Phao-lô. Phao-lô yêu quý Tít như con ruột của ông. Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem đã không buộc Tít phải chịu cắt bì. Sự kiện này đã ấn chứng rằng: Sự cắt bì không liên quan đến sự được cứu rỗi.

4 Đó là vì có mấy người anh em giả, đã lén lút xâm nhập, là những người vào bên cạnh, rình xem sự tự do mà chúng tôi có trong Đấng Christ Jesus, để bắt chúng tôi làm nô lệ.

Danh từ “anh em giả” được dùng ở đây để chỉ những người tuyên xưng rằng, họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng thiếu sự hiểu biết về Tin Lành, nên họ kèm theo việc vâng giữ các nghi thức Do-thái Giáo vào trong điều kiện để được cứu rỗi. Họ vốn là người I-sơ-ra-ên, có giao ước với Đức Chúa Trời, và về phần họ, sự chịu cắt bì là dấu hiệu họ tiếp nhận và ở trong giao ước ấy. Nhưng Tin Lành là Giao Ước Mới và Giao Ước Mới chỉ đòi hỏi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, để được cứu rỗi. Vì họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nên Phao-lô gọi họ là “anh em”. Nhưng vì họ thiếu hiểu biết về Tin Lành mà tạo ra tà giáo, nên họ trở thành “anh em giả”.

Động từ “lén lút xâm nhập” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh cũng là động từ được dùng để chỉ về sự buôn lậu. Phao-lô gọi những người ấy là lén lút xâm nhập vì họ không được Chúa sai phái hoặc ban cho thẩm quyền giảng dạy. Họ là những kẻ tự lập “làm thầy” (Gia-cơ 3:1). Động từ “rình xem” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh cũng là động từ dùng để chỉ hoạt động của gián điệp. Họ rình xem nếp sống tự do trong Chúa của con dân Chúa, tức là sự tự do vì được thoát khỏi những nghi thức làm hình bóng về sự chuộc tội và sự tha tội trong thời Cựu Ước, cùng với gánh nặng về những luật lệ do loài người đặt ra trong Do-thái Giáo. Rồi, họ buộc con dân Chúa phải mang trở lại các gánh nặng ấy, làm nô lệ cho chúng, điển hình là việc buộc phải chịu cắt bì.

Ngày nay, cũng có những anh em giả lén lút xâm nhập Hội Thánh của Chúa và buộc con dân Chúa phải kiêng các thức ăn không tinh sạch thời Cựu Ước, là những thức ăn đã được Đức Chúa Trời làm cho tinh sạch sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chuộc tội, và được chính Đức Chúa Trời xác nhận ba lần với Phi-e-rơ trong một khải tượng:

“Tiếng phán lại đến với người lần thứ nhì: Những vật gì Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, ngươi chớ xem là chẳng sạch. Sự ấy xảy ra đến ba lần; và vật dụng ấy bị thu lại lên trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15-16).

Lại có những anh em giả lén lút xâm nhập Hội Thánh của Chúa và rao truyền cho con dân Chúa phải thờ phượng một “Đức Chúa Trời Mẹ” mới được sự cứu rỗi. Trong khi, suốt Thánh Kinh không hề có một lần nhắc đến một đấng được xưng là “Đức Chúa Trời Mẹ”, cũng không gọi Đức Chúa Trời là “mẹ”.

Lại có những anh em giả lén lút xâm nhập Hội Thánh của Chúa và rao truyền cho con dân Chúa rằng, Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh không phải là Thiên Chúa. Trong khi Thánh Kinh nhiều lần gọi Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh là Thiên Chúa.

Lại có những anh em giả lén lút xâm nhập Hội Thánh của Chúa và rao truyền cho con dân Chúa phải gọi tên của Đức Chúa Jesus theo cách phát âm của tiếng Hê-bơ-rơ. Họ bác bỏ tên Jesus được viết trong tiếng Hy-lạp, trong khi Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp và tên JESUS được Thánh Kinh ghi chép bằng tiếng Hy-lạp.

Càng gần đến ngày Đức Chúa Jesus Christ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian chừng nào, thì càng có nhiều giáo sư giả và tiên tri giả chừng nấy; để ứng nghiệm lời tiên tri của chính Đức Chúa Jesus, như đã ghi trong Ma-thi-ơ đoạn 24.

5 Chúng tôi đã không nhường họ bởi sự phục tùng, dù chỉ trong một giờ, để cho lẽ thật của Tin Lành được ở lại với các anh chị em.

Phao-lô và các bạn của ông đã không nhường bước những anh em giả, nghĩa là tuyệt đối không có sự thỏa hiệp nào cả; không cho phép họ công khai giảng dạy trước Hội Thánh, dù chỉ trong một giờ, để bảo vệ lẽ thật của Tin Lành, để con dân Chúa vẫn có được Tin Lành chân chính.

Những người chăn và trưởng lão tại các Hội Thánh địa phương ngày nay phải theo gương của Phao-lô và các bạn của ông, cương quyết không cho bất cứ ai rao giảng tà giáo, rao giảng một thứ Tin Lành khác trong Hội Thánh. Có nhiều người không ý thức rằng, chính những kẻ ra sức bác bỏ sự con dân Chúa phải vâng giữ điều răn thứ tư cũng là những kẻ rao giảng tà giáo. Tà giáo là sự dạy dỗ sai trật Thánh Kinh. Vì thế, đối với bất cứ ai bác bỏ sự con dân Chúa phải vâng giữ điều răn thứ tư, thì con dân Chúa cần phải tránh xa, không đọc sách do họ viết, không nghe các bài giảng của họ, không vào xem các trang mạng của họ. Tôi nhận thấy có một số con dân Chúa thản nhiên giới thiệu bài giảng hoặc trang mạng của những người bác bỏ sự vâng giữ điều răn thứ tư trên trang facebook của mình.

6 Còn về những người được tôn trọng – trước đây họ như thế nào, thì chẳng can dự gì đến tôi, Thiên Chúa không chấp nhận bề ngoài của loài người – những người được tôn trọng ấy chẳng thêm điều gì cho tôi.

Những người được tôn trọng tức là các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem, điển hình là Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng. Phao-lô muốn nói rằng, ông không hề tiếp nhận thẩm quyền thi hành chức vụ từ họ, cũng không hề học biết Tin Lành với họ. Chức vụ sứ đồ của Phao-lô và Tin Lành mà ông rao giảng đến từ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ. Các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem chỉ là những bạn đồng công với ông trong mục vụ gây dựng và phát triển vương quốc của Chúa.

Quá khứ của những người ấy như thế nào trước khi họ trở thành các sứ đồ và các trưởng lão, là điều Phao-lô không bận tâm đến, và cũng chẳng can dự gì đến ông. Trong thực tế, trước khi họ trở thành những người được tôn trọng trong Hội Thánh của Chúa, thì họ chỉ là những người đánh cá thất học; còn Phao-lô là một người thông suốt Thánh Kinh, có chức vụ trong Tòa Công Luận. Dù Phao-lô có phạm tội bách hại Hội Thánh của Chúa, thì sự phạm tội của ông cũng xuất phát từ tấm lòng yêu kính Thiên Chúa. Xét về bề ngoài lẫn bề trong thì chắc chắn là Phao-lô không thua sút họ và họ chẳng thêm được điều gì cho ông. Nói cách khác, ông không hề thua kém họ điều gì; nhưng ông hiểu rõ là Đức Chúa Trời không dựa vào những sự ấy để chấp nhận ông hay họ. Đức Chúa Trời chấp nhận một người vì tấm lòng của người ấy đối với Ngài.

Câu “Thiên Chúa không chấp nhận bề ngoài của loài người” là nhắc lại ý của I Sa-mu-ên 16:7:

“…Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng xem điều gì loài người xem. Loài người xem bề ngoài, nhưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhìn thấy trong lòng.”

Từ ngữ “bề ngoài” có thể dùng để chỉ dung mạo, dáng dấp, hoặc là địa vị trong xã hội của một người. Mỗi một chúng ta cũng được Thiên Chúa chấp nhận vì tấm lòng thuận phục của mình. Tấm lòng thuận phục Thiên Chúa luôn được thể hiện bằng hành động vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa, cho dù có phải hy sinh ngay cả sự tự do và mạng sống.

7 Trái lại, họ thấy rằng, sự giảng Tin Lành cho người không chịu cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ.

Các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem đã nhìn thấy mục vụ rao giảng Tin Lành cho các dân ngoại đã được giao cho Phao-lô, y như lời Chúa đã phán truyền cho A-na-nia, người được sai đến làm báp-tem cho Phao-lô tại thành Đa-mách:

“Nhưng Chúa đã phán với ông: Hãy đi! Vì người là một đồ dùng được chọn cho Ta, để mang danh Ta trước các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15).

Và y theo lời của Đức Thánh Linh đã phán truyền cho Hội Thánh tại An-ti-ốt (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2). Dù vậy, khi có cơ hội, Phao-lô vẫn giảng Tin Lành cho những người chịu cắt bì, là dân I-sơ-ra-ên; khi Phi-e-rơ có cơ hội, ông vẫn giảng Tin Lành cho những người không chịu cắt bì, là các dân ngoại, như trường hợp ông đã giảng cho cả nhà Cọt-nây.

8 Vì Đấng đã tác động trong Phi-e-rơ chức vụ sứ đồ cho người chịu cắt bì, cũng đã tác động trong tôi chức vụ sứ đồ cho các dân ngoại.

Phao-lô biết rất rõ, Phi-e-rơ và ông cùng nhận lãnh chức sứ đồ từ nơi Chúa. Từ ngữ “tác động” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: sự hành động trên một người hay một vật, hay một sự kiện để hoàn thành mục đích. Chính Thiên Chúa đã hành động trên Phi-e-rơ, Phao-lô, và tất cả các tôi tớ khác của Ngài để hoàn thành công cuộc rao giảng Tin Lành cho muôn dân, khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Trong khi sự rao giảng Tin Lành cho muôn dân là bổn phận của tất cả con dân Chúa, thì chức vụ sứ đồ là sự chuyên tâm rao giảng Tin Lành được Chúa dành riêng cho một số người.

9 Khi Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng là các người được xem như cột trụ, nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì họ trao tay phải giao kết với tôi và Ba-na-ba, để cho chúng tôi đến với các dân ngoại, còn họ thì đến với người chịu cắt bì.

Sê-pha là tên của Phi-e-rơ trong tiếng Si-ri-a, có cùng nghĩa với Phi-e-rơ (viên đá), do Đức Chúa Jesus Christ đặt cho Phi-e-rơ (Giăng 1:42). Gia-cơ là em cùng mẹ với Đức Chúa Jesus và là giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ. Phi-e-rơ và Giăng là hai trong ba sứ đồ thân cận nhất với Chúa. Phi-e-rơ được Chúa giao cho chức vụ chăn bầy, được Hội Thánh xem là Sứ Đồ Trưởng. Giăng là sứ đồ được Chúa yêu nhất, là người được Chúa giao cho chăm sóc bà Ma-ri, mẹ của Chúa, và về sau ông nhận lãnh khải tượng để viết sách Khải Huyền. Cả ba người đều được Hội Thánh xem là trụ cột của Hội Thánh. Cả ba người đều cùng một thánh linh mà nhận biết ân điển của Chúa đã ban cho Phao-lô. Họ cùng đưa tay phải ra để giao kết với Ba-na-ba và Phao-lô. Bởi đó, họ thay cho Hội Thánh, công nhận thẩm quyền và chức vụ sứ đồ của Phao-lô, công nhận Tin Lành mà ông rao giảng, và công nhận mục vụ đặc biệt của ông đối với các dân ngoại.

Thời ấy, hành động trao tay phải để giao kết trong Hội Thánh, về hình thức thì tương tự như việc bắt tay phải ngày nay trong sự giao tiếp với xã hội của chúng ta, nhưng về ý nghĩa thì có nghĩa là công nhận người mình bắt tay với là người cùng đức tin và đồng công với mình. Từ ngữ “giao kết” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: cùng nhau làm việc.

Ngày nay, có một vài giáo phái thi hành nghi thức “trao tay phải giao kết” đối với những người mới được báp-tem vào trong Hội Thánh, với ý nghĩa: người ấy được kết hiệp vào thân thể của Đấng Christ và cùng với mọi người trong Hội Thánh đồng công trong mọi mục vụ của Hội Thánh.

10 Chúng tôi chỉ phải nhớ đến những người nghèo, ấy cũng chính là điều tôi đã sốt sắng làm.

Dù trong câu trên không ghi rõ nhưng theo cấu trúc văn phạm của tiếng Hy-lạp thì câu này hàm ý Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng (là chủ từ trong câu 9) nhắc cho Phao-lô và các bạn của ông quan tâm đến những người nghèo trong Hội Thánh. Nhưng Phao-lô cho biết, chính ông cũng đã sốt sắng trong sự quan tâm đến những người nghèo.

Là con dân chân thật của Chúa, chúng ta sẽ được Chúa cảm động lòng chúng ta chia xẻ phần vật chất của chúng ta cho các anh chị em có hoàn cảnh khó nghèo trong Chúa. Việc còn lại là tự do lựa chọn của chúng ta. Chọn vâng theo sự Chúa cảm động chúng ta và vâng theo lời dạy của Thánh Kinh hay chọn tham muốn tiền bạc, của cải vật chất mà bỏ mặc anh chị em cùng đức tin của mình trong hoạn nạn, trong khó nghèo. Chúng ta cần ghi nhớ mấy điều sau đây:

  • Không thể nào con dân chân thật của Chúa mà không động lòng thương xót đối với anh chị em trong Chúa có hoàn cảnh khó nghèo hơn mình. Không thể nào một chi thể trong thân thể cần cứu giúp mà các chi thể khác không quan tâm. Các câu Thánh Kinh sau đây tỏ ra bản tính tiếp trợ, cứu giúp lẫn nhau của con dân Chúa:

“Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:10).

“Nếu có anh em cùng Cha nào hoặc chị em cùng Cha nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống mỗi ngày, mà một người trong các anh chị em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích lợi gì chăng?” (Gia-cơ 2:15-16).

“Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).

  • Tuy nhiên, con dân Chúa cũng phải khôn sáng, không để cho kẻ xấu và ma quỷ lợi dụng. Chúng ta không nên tốn thời gian, công sức, và của cải đối với những người giả vờ tin Chúa để lợi dụng sự giúp đỡ của Hội Thánh. Chúa dạy chúng ta nhìn trái để biết cây. Vì thế, nhìn vào nếp sống của một người mà chúng ta biết người ấy có thật là những người nhà của chúng ta trong đức tin hay không. Việc cứu giúp, tiếp trợ anh chị em có hoàn cảnh khó nghèo cần được thông qua các trưởng lão trong Hội Thánh và cần được phối hợp với các anh chị em khác.
  • Chúa cho phép có những người nghèo trong Hội Thánh vì chính Chúa kêu gọi họ sống trong sự khó nghèo để ban cho những người khác cơ hội hầu việc Chúa qua sự cứu giúp họ. Cứu giúp, tiếp trợ người nghèo trong Hội Thánh là cứu giúp, tiếp trợ chính Chúa, như lời Chúa đã phán trong Ma-thi-ơ 25. Bỏ mặc anh chị em cùng đức tin của mình sống trong khó nghèo, trong khi mình có khả năng giúp đỡ, cũng chính là bỏ mặc Chúa trong cơn hoạn nạn. Những người như vậy cũng sẽ bị Chúa từ bỏ.

Ga-la-ti 2:1-10 đã dạy cho chúng ta biết, chức vụ sứ đồ của Phao-lô và Tin Lành do ông rao giảng là đến từ Thiên Chúa; và các sứ đồ, các trưởng lão trong Hội Thánh đã ấn chứng như vậy. Phao-lô cũng sống y theo sự giảng dạy của ông qua sự sốt sắng quan tâm đến những người nghèo trong Hội Thánh.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa quý ông bà anh chị em, để mỗi người ngày càng giống Chúa hơn. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/03/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.