Chú Giải Ga-la-ti 03:01-14 Bởi Đức Tin Con Dân Chúa Nhận Được Đấng Thần Linh

4,724 views


YouTube: https://youtu.be/T99abrnasL0

904806 Chú Giải Ga-la-ti 3:1-14
Bởi Đức Tin Con Dân Chúa Nhận Được Đấng Thần Linh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 3:1-14

1 Hỡi những người Ga-la-ti dại dột! Ai đã quyến rũ các anh chị em mà các anh chị em không vâng theo lẽ thật? Sự Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá đã được ghi chép và công bố rõ ràng trước mắt những ai giữa vòng các anh chị em?

2 Tôi chỉ muốn học từ các anh chị em một điều này: Các anh chị em đã nhận được Đấng Thần Linh bởi những việc làm của luật pháp hay là bởi sự nghe của đức tin?

3 Sao các anh chị em dại dột đến thế? Các anh chị em đã bắt đầu trong tâm thần, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?

4 Có phải các anh chị em đã chịu nhiều sự khốn khổ cách vô ích, nếu thật sự đó là vô ích?

5 Đấng đã ban Đấng Thần Linh cho các anh chị em và hành động các phép lạ trong các anh chị em, thì Ngài làm bởi những việc làm của luật pháp hay là bởi sự nghe của đức tin?

6 Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công chính cho người.

7 Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.

8 Thánh Kinh cũng biết trước rằng, Đức Chúa Trời sẽ xưng các dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành này: Trong ngươi, mọi dân tộc sẽ được phước. [Sáng Thế Ký 12:3; 18:18; 22:18; 26:4; 28:14]

9 Vậy nên, những ai có đức tin thì được phước với Áp-ra-ham, là người có đức tin.

10 Vì những ai cậy các việc làm của luật pháp, thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: Đáng rủa thay kẻ nào không bền vững trong mọi sự đã chép trong sách luật, để làm theo những sự ấy! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:26]

11 Rõ ràng là trước Đức Chúa Trời không một ai được xưng công chính bởi luật pháp. Vì người công chính sẽ sống bởi đức tin. [Ha-ba-cúc 2:4]

12 Luật pháp không đến từ đức tin, nhưng người nào vâng giữ chúng thì sẽ sống trong chúng. [Lê-vi Ký 18:5]

13 Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta. Vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23]

14 Bởi đó, phước của Áp-ra-ham có thể đến trên các dân ngoại, qua Đức Chúa Jesus Christ. Bởi đó, qua đức tin mà chúng ta nhận được lời hứa về Đấng Thần Linh.

Trước hết, chúng ta cần ôn lại một số điều quan trọng mà chúng ta đã học:

  • Thiên Chúa là một thực thể tự có và có mãi. Thiên Chúa tự xưng là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Thiên Chúa dựng nên muôn loài vạn vật và tự bày tỏ cho loài người về bản thể, bản tính, ý muốn, và các việc làm của Thiên Chúa qua Thánh Kinh.
  • Thiên Chúa tự bày tỏ, Thiên Chúa là một thực thể có ba thân vị với các danh xưng: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Nghĩa là: Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, Ngôi Lời là Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh là Thiên Chúa, nhưng không phải có ba Thiên Chúa, mà chỉ có một Thiên Chúa. Tương tự như: A-đam là loài người và Ê-va cũng là loài người, nhưng không phải có hai loài người, mà chỉ có một loài người với hai thân vị nam và nữ. Trong Sáng Thế Ký 1:26 và 27, danh từ “loài người” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh được dùng với hình thức số ít, nghĩa là: chỉ có một loài người, mặc dù loài người được thể hiện qua hàng tỉ thân vị khác nhau.
  • Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người thì Ngài hoàn toàn mang bản thể và bản tính loài người với các danh xưng: Jesus, Jesus Christ, Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, Con Người, Chiên Con…
  • Khi Đấng Thần Linh nhập thế, ngự trong lòng người tin Chúa thì Ngài được Thánh Kinh gọi là Đức Thánh Linh, để phân biệt với linh của loài người, còn gọi là tâm thần, và phân biệt với các tà linh, tức là các thiên sứ phạm tội. Thánh Kinh dùng danh xưng Đấng Thần Linh để nói đến những việc làm độc lập của Ngài và dùng danh xưng Đức Thánh Linh để nói đến những việc Ngài làm ra trong lòng con dân Chúa, như: ấn chứng, dạy dỗ, dẫn dắt, an ủi, cáo trách… hoặc những việc Ngài làm qua con dân Chúa.
  • Đấng Thần Linh tức là Đức Thánh Linh, tức là Thiên Chúa ngự trong thân thể con dân Chúa, biến thân thể con dân Chúa thành Đền Thờ Thiên Chúa. Đấng Thần Linh hoặc Đức Thánh Linh khác với thánh linh là năng lực và ân tứ của Thiên Chúa được Thiên Chúa ban cho loài người [1], [2].

Bây giờ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa từng câu trong Ga-la-ti 3:1-14.

1 Hỡi những người Ga-la-ti dại dột! Ai đã quyến rũ các anh chị em mà các anh chị em không vâng theo lẽ thật? Sự Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá đã được ghi chép và công bố rõ ràng trước mắt những ai giữa vòng các anh chị em?

Danh từ “những người Ga-la-ti dại dột” được dùng để gọi chung tất cả con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương tại Ga-la-ti. Tính từ “dại dột” được dùng ở đây, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: không có sự khôn sáng, không có sự hiểu biết. Sự thiếu khôn sáng, thiếu hiểu biết này có thể là do thiếu suy nghĩ, thiếu thông tin chứ không phải vì không có khả năng để hiểu biết. Tính từ này khác với tính từ cũng được dịch là “ngu” trong Ma-thi-ơ 5:22:

“Nhưng Ta phán với các ngươi rằng: Bất cứ ai vô cớ giận anh chị em mình thì đáng bị phán xét; bất cứ ai gọi anh chị em mình là vô trí thì đáng bị ra trước Tòa Công Luận; nhưng bất cứ ai nói ngươi ngu thì đáng bị thiêu bởi lửa của hỏa ngục. [Chúng ta không được gọi con dân Chúa là ngu, vì gọi như thế là xúc phạm đến Đức Thánh Linh đang ngự trong người ấy, dạy dỗ người ấy, dẫn dắt người ấy.]”

Tính từ “ngu” được dùng trong Ma-thi-ơ 5:22 nói về tính chất không có khả năng hiểu biết của một người. Không thể nào một người là con dân Chúa, có Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật ngự trong thân thể, mà lại không có khả năng hiểu biết. Vì thế, khi chúng ta gọi bất cứ anh chị em nào trong Chúa là “ngu” thì chúng ta vừa xúc phạm người anh chị em của mình, mà cũng là xúc phạm Đức Thánh Linh.

Động từ “quyến rũ” được dùng ở đây, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là bị bỏ bùa mê.

Ý nghĩa câu hỏi của Phao-lô là: Sự Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại đã được ghi chép và được công bố rõ ràng cho con dân Chúa tại Ga-la-ti, như thể sự việc hiện ra trước mắt họ chứ chẳng phải ai khác. Thế sao họ lại ngu dại, không chịu suy nghĩ, để hiểu biết rằng, họ được cứu là nhờ đức tin của họ vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà lại nghe theo lời dụ dỗ của tà giáo, khiến họ không còn vâng theo lẽ thật?

2 Tôi chỉ muốn học từ các anh chị em một điều này: Các anh chị em đã nhận được Đấng Thần Linh bởi những việc làm của luật pháp hay là bởi sự nghe của đức tin?

Phao-lô dùng động từ “học” để nhấn mạnh đến sự kiện, ông muốn con dân Chúa tại Ga-la-ti giảng giải cho ông rằng, nhờ họ làm theo luật pháp hay nhờ họ tin Tin Lành mà họ được Thiên Chúa ngự vào trong họ. Câu trả lời Phao-lô mong đợi từ nơi họ không phải chỉ đơn giản là một lời xác nhận, rằng họ nhờ việc làm theo luật pháp hay họ nhờ vào đức tin, mà ông muốn họ giải thích cặn kẽ và chứng minh cho ông biết. Ông muốn họ tìm cách giảng cho ông, để họ có dịp suy ngẫm, đối chiếu các lý lẽ, mà nhận biết lẽ thật, không còn ngu dại, và thoát khỏi sự lừa gạt của tà giáo.

3 Sao các anh chị em dại dột đến thế? Các anh chị em đã bắt đầu trong tâm thần, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?

Một người trở thành con dân Chúa khi người ấy thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà không cần phải làm thêm bất cứ một điều gì liên quan đến xác thịt, như chịu cắt bì, hay ngay cả chịu báp-tem. Sự bắt đầu nếp sống mới trong Chúa bắt đầu từ lòng ăn năn, thống hối trong tâm thần:

“Của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, ấy là thần trí tan nát. Thiên Chúa ôi! Lòng tan nát, vỡ vụn Ngài sẽ không khinh dể đâu.” (Thi Thiên 51:17).

Dẫn đến sự tái sinh trong tâm thần:

“Thiên Chúa ôi! Xin sáng tạo trong tôi một lòng trong sạch, và làm mới lại trong tôi một thần trí ngay thẳng.” (Thi Thiên 51:10).

Tất cả những sự lành của con dân Chúa thể hiện bằng các việc làm của xác thịt, đều là kết quả của sự đã được cứu, đã được dựng nên mới, đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Một người phải được cứu, được dựng nên mới bởi đức tin, rồi mới có năng lực của Thiên Chúa mà vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, làm trọn các việc lành đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho người ấy.

Sự tái sinh của linh hồn và tâm thần khiến cho bản ngã tội lỗi bị tiêu diệt, dẫn đến sự thánh hóa của xác thịt, khiến cho xác thịt có thể làm ra những sự công chính. Sự tái sinh của linh hồn và tâm thần chỉ nhờ vào ân điển và đức tin, không nhờ vào việc làm của xác thịt. Không bao giờ xác thịt có thể làm lành để đem lại sự tái sinh cho linh hồn và tâm thần.

4 Có phải các anh chị em đã chịu nhiều sự khốn khổ cách vô ích, nếu thật sự đó là vô ích?

Con dân Chúa tại Ga-la-ti đã chịu nhiều sự khốn khổ, bách hại để giữ đức tin, nhưng nếu giờ đây, họ cho rằng đức tin đã có không đủ để cứu chuộc họ, thì họ đã khiến cho đức tin của họ thành ra vô ích, và như vậy, những sự chịu khổ vì đức tin của họ cũng trở nên vô ích. Nhưng không phải vậy.

5 Đấng đã ban Đấng Thần Linh cho các anh chị em và hành động các phép lạ trong các anh chị em, thì Ngài làm bởi những việc làm của luật pháp hay là bởi sự nghe của đức tin?

Động từ “ban” được dùng ở đây, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: ban cho phương tiện để hoàn thành một công việc; có thể dịch là “trang bị”. Đức Chúa Trời là Đấng ban Đấng Thần Linh cho con dân Chúa, y theo lời hứa của Ngài (Giô-ên 2:28; Giăng 14:16). Đức Chúa Trời cũng là Đấng làm ra các phép lạ giữa vòng con dân Chúa. Phép lạ đầu tiên Đức Chúa Trời làm cho mỗi con dân Chúa là khiến cho chúng ta được tái sinh thành một người mới trong Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 5:17; Cô-lô-se 2:13). Phép lạ cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ làm cho mỗi chúng ta trong đời này là khiến thân thể sẽ chết này của chúng ta được sống lại hoặc được biến hóa thành một thân thể xác thịt vinh quang bất tử (Rô-ma 8:11; I Cô-rinh-tô 6:14; Ê-phê-sô 2:6).

Sự Đức Chúa Trời ban Đấng Thần Linh cho con dân Chúa, làm ra các phép lạ trong con dân Chúa, đều là bởi sự con dân Chúa tin nhận Đức Chúa Jesus Christ. Sự tin nhận ấy đến bởi sự được nghe tiếng phán của Thiên Chúa, như Rô-ma 10:17 đã chép:

“Như vậy, đức tin đến bởi sự nghe, là sự nghe tiếng phán của Thiên Chúa.”

Ngày nay, người ta có thể nghe tiếng phán của Thiên Chúa theo nghĩa đen, do chính Chúa phán truyền hoặc do ai đó truyền lại, mà người ta cũng có thể “nghe” được tiếng phán của Thiên Chúa trong khi đọc Thánh Kinh hoặc đọc các bài giảng.

Thiên Chúa là tình yêu và khi Thiên Chúa yêu chúng ta thì Ngài ban chính mình Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời ban cho chúng ta toàn bộ cơ nghiệp của Ngài. Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người ban cho chúng ta mạng sống của Ngài và kết hiệp chúng ta làm một với Ngài. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của chúng ta và ban cho chúng ta năng lực của Thiên Chúa, để chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy được ban cho chúng ta bởi ân điển của Thiên Chúa, và chúng ta tiếp nhận bởi đức tin khi chúng ta nghe tiếng phán của Thiên Chúa.

6 Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công chính cho người.

7 Vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.

Áp-ra-ham vốn là một người được sinh ra và sống trong một nền văn hóa tội lỗi, thờ lạy hình tượng. Nhưng khi ông nghe tiếng Chúa phán gọi ông, thì ông tin và vâng theo. Nhờ đó, ông được xưng là một người công chính, được Đức Chúa Trời ban ơn cách đặc biệt, khiến ông trở thành tổ phụ của những ai có đức tin nơi Thiên Chúa.

Áp-ra-ham trở thành tổ phụ của những ai có đức tin nơi Thiên Chúa là vì Đức Chúa Trời đã chọn ông làm tổ phụ của một dân tộc, gọi là dân I-sơ-ra-ên, qua dân tộc ấy, Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, ban sự cứu rỗi cho loài người. Vì thế, không riêng gì dân I-sơ-ra-ên, mà bất cứ ai, thuộc bất cứ chủng tộc nào, chỉ cần có đức tin vào Thiên Chúa qua thân vị Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy trở thành con cháu trong đức tin của Áp-ra-ham. Thánh Kinh gọi ấy là sự những người dân ngoại có đức tin được tháp vào làm một với dân I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên được ví như gốc ô-li-ve thánh, tức là một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn và biệt riêng cho Ngài. Những người dân ngoại có đức tin được ví như những nhánh ô-li-ve hoang, được tháp vào gốc thánh (Rô-ma 11:17).

8 Thánh Kinh cũng biết trước rằng, Đức Chúa Trời sẽ xưng các dân ngoại là công chính bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành này: Trong ngươi, mọi dân tộc sẽ được phước. [Sáng Thế Ký 12:3; 18:18; 22:18; 26:4; 28:14]

9 Vậy nên, những ai có đức tin thì được phước với Áp-ra-ham, là người có đức tin.

Người Do-thái có thói quen, khi trích dẫn Thánh Kinh thì nói hoặc viết rằng: “Thánh Kinh đã biết trước điều gì?” Hoặc: “Luật pháp đã biết trước điều gì?” Đối với họ, toàn bộ Thánh Kinh là lời tiên tri của Thiên Chúa. Kể cả khi Thánh Kinh ghi chép những chi tiết lịch sử đã qua thì trong sự ghi chép ấy cũng hàm chứa lời tiên tri. Điển hình là câu chuyện lịch sử về A-ga và Ích-ma-ên trong Sáng Thế Ký 16 và 21 đã hàm chứa lời tiên tri về sự thành Giê-ru-sa-lem dưới đất và thành Giê-ru-sa-lem trên thiên đàng, mà chúng ta sẽ học đến trong Ga-la-ti 4.

Chính các câu Thánh Kinh trong Sáng Thế Ký 12:3; 18:18; 22:18; 26:4; 28:14 hàm chứa lời tiên tri về sự Đức Chúa Trời cũng xưng các dân ngoại là công chính bởi đức tin của họ, như Ngài đã xưng Áp-ra-ham là công chính bởi đức tin của ông. Tuy nhiên, các dân ngoại được xưng công chính bởi đức tin là nhờ sự Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và được Ngài chọn ông, để sinh ra một dòng dõi rao truyền tiếng phán của Ngài về Tin Lành cứu rỗi nhân loại cho mọi dân tộc, sinh ra Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi. Vì thế, trong Áp-ra-ham mà mọi dân tộc được phước. Vì thế, bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc nào, chịu cắt bì hay không chịu cắt bì, nam hay nữ, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, khôn sáng hay ngu dại… nếu có đức tin thì sẽ được phước với Áp-ra-ham.

10 Vì những ai cậy các việc làm của luật pháp, thì bị rủa sả, bởi có chép rằng: Đáng rủa thay kẻ nào không bền vững trong mọi sự đã chép trong sách luật, để làm theo những sự ấy! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 27:26]

Bất cứ ai muốn dựa vào sự vâng giữ luật pháp để được xưng công chính, thì bị rủa sả. Bởi vì, không ai có thể giữ được trọn vẹn luật pháp khi vẫn còn mang bản ngã tội lỗi. Dĩ nhiên, nếu xét về việc vâng giữ luật pháp theo hình thức bên ngoài thì có rất nhiều người, như Phao-lô, có thể vâng giữ trọn vẹn, không chỗ trách được:

“Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng I-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, một người Hê-bơ-rơ của dân Hê-bơ-rơ; về luật pháp, là một người Pha-ri-si; về lòng sốt sắng thì bách hại Hội Thánh; về sự công chính trong luật pháp thì không chỗ trách được.” (Phi-líp 3:5-6).

Nhưng một người có thể vâng giữ luật pháp trọn vẹn bên ngoài vẫn có thể phạm luật pháp trong lòng. Điển hình là chàng trai trẻ giàu có được nói đến trong Ma-thi-ơ 19:16-22. Khi Đức Chúa Jesus bảo anh ta hãy vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời để được sự sống đời đời, thì anh ta đáp rằng, anh ta đã vâng giữ đủ, và hỏi rằng, còn có điều gì anh ta thiếu sót hay không. Đức Chúa Jesus bảo rằng, anh ta cần phải bán hết những gì anh ta có, phân phát cho người nghèo, để có kho tàng dành cho anh ta ở trên trời, rồi đi theo Chúa. Nhưng khi anh ta nghe xong lời Chúa phán, thì bỏ đi, dáng điệu buồn bực, vì anh ta có quá nhiều của cải. Chàng trai trẻ trong câu chuyện đã xem của cải là thần tượng. Chàng có đức tin vào của cải thay vì đức tin vào Chúa. Chàng đã nghe tiếng phán của Chúa nhưng không tin, không vâng theo. Chàng đã không yêu người lân cận như chính mình.

Tương tự như vậy là một số con dân Chúa trong thời Đại Nạn. Họ tin Chúa và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, gánh chịu sự bách hại khốc liệt của Sa-tan và AntiChrist, như Khải Huyền 14:12 chép:

“Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ. Đây là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus.”

Thế nhưng họ đã không yêu thương, chăm sóc, cứu giúp anh chị em cùng đức tin của mình. Và khi Chúa tái lâm trên đất, Ngài đã phán xét họ như sau:

“…Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã không làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã không làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:45).

Tất cả họ đều sẽ bị hình phạt vĩnh cửu, trong lửa vĩnh hằng (Ma-thi-ơ 25:41, 46).

Con dân Chúa hoàn toàn dựa vào đức tin để được cứu rỗi và sau khi được cứu rỗi thì mới có năng lực của Thiên Chúa để vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Con dân Chúa thời Tân Ước chẳng những vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời mà còn vâng giữ Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 13:34) và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Con dân Chúa nhờ đức tin được xưng công chính và sau khi được xưng công chính thì nhờ đức tin mà vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Chúa. Chúng ta tin rằng:

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng. Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:8-9).

“Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:3).

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Dù vậy, vẫn có lúc chúng ta sẽ vấp phạm, vì vô ý, vì thiếu hiểu biết, vì sự yếu đuối trong phút chốc của xác thịt. Mỗi khi chúng ta lỡ vi phạm luật pháp của Chúa, sự rủa sả của luật pháp được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần tin nhận sự chuộc tội một lần đủ cả của Đức Chúa Jesus Christ, mà ăn năn, xưng tội, và tiếp nhận sự tha tội, sự làm cho sạch tội của Ngài.

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Nhưng nếu ai cố tình lạm dụng ân điển của Chúa để sống trong tội, thì người ấy chắc chắn sẽ bị hư mất (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-29).

11 Rõ ràng là trước Đức Chúa Trời không một ai được xưng công chính bởi luật pháp. Vì người công chính sẽ sống bởi đức tin. [Ha-ba-cúc 2:4]

Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, một người làm theo luật pháp thì được xưng là công chính. Trước Đức Chúa Trời, mọi người đều đã phạm tội. Tiền công của tội lỗi là sự chết. Luật pháp không xưng bất cứ ai là công chính, mà luật pháp chỉ ra cách tỏ tường, mỗi người đã phạm tội và đáng chết như thế nào. Chỉ bởi đức tin vào trong ân điển của Đức Chúa Trời mà một người được xưng là công chính. Sau khi được xưng là công chính thì một người tiếp tục bởi đức tin mà vâng giữ luật pháp của Thiên Chúa; và khi lỡ vấp phạm thì tiếp tục nhận sự tha tội, sự làm cho sạch tội bởi đức tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

12 Luật pháp không đến từ đức tin, nhưng người nào vâng giữ chúng thì sẽ sống trong chúng. [Lê-vi Ký 18:5]

Luật pháp được ban hành để dạy cho loài người biết họ đã phạm tội như thế nào, chứ không phải vì loài người có đức tin nơi Thiên Chúa mà Ngài ban luật pháp cho họ. Nếu ngay từ buổi ban đầu, tổ phụ loài người không phạm tội rồi lưu truyền bản ngã tội lỗi cho dòng dõi loài người, thì Thiên Chúa đã không cần ban hành luật pháp.

Nhờ sự dạy dỗ của luật pháp mà loài người biết việc nào là việc khiến cho họ bị Đức Chúa Trời hình phạt. Vì thế, người vâng giữ luật pháp thì sẽ không bị luật pháp hình phạt. Tuy nhiên, không ai có thể vâng giữ trọn vẹn luật pháp, bề ngoài cũng như bề trong, cho đến khi được Thiên Chúa dựng nên mới. Mà hễ vi phạm luật pháp, dù chỉ một điều, thì sẽ bị luật pháp rủa sả, tức là bị sỉ nhục, bị Đức Chúa Trời chối bỏ, và bị mang án chết.

13 Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta. Vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23]

Đấng Christ chuộc chúng ta ra khỏi sự rủa sả của luật pháp bằng cách Ngài đứng vào địa vị bị rủa sả của chúng ta, và đặt chúng ta vào địa vị công chính của Ngài. Ngài gánh sự sỉ nhục, sự đau đớn của thân thể xác thịt, sự bị Đức Chúa Trời chối bỏ, và sự chết của thân thể xác thịt thay cho chúng ta.

Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ mãi mãi là một huyền nhiệm đối với chúng ta, vì không bao giờ chúng ta có thể hiểu thấu tình yêu và sự hy sinh của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trừ khi, trong Vương Quốc Đời Đời, Thiên Chúa chọn mạc khải trong chúng ta về tình yêu và sự hy sinh của Ngài dành cho loài người. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rõ và cảm nhận rõ tình yêu cùng sự hy sinh của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tuy nhiên, ngay trong cuộc đời này, trong thân thể xác thịt sẽ chết này, chúng ta sẽ hiểu càng hơn tình yêu và sự hy sinh của Thiên Chúa dành cho chúng ta, khi chúng ta yêu và hy sinh cho người khác.

14 Bởi đó, phước của Áp-ra-ham có thể đến trên các dân ngoại, qua Đức Chúa Jesus Christ. Bởi đó, qua đức tin mà chúng ta nhận được lời hứa về Đấng Thần Linh.

“Bởi đó” tức là bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà muôn dân được hưởng phước của Áp-ra-ham. Phước của Áp-ra-ham là phước được Đức Chúa Trời xưng là công chính bởi đức tin. “Bởi đó” tức là bởi sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà chúng ta nhận được Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, ngự vào thân thể đã được rửa sạch tội của chúng ta, để chúng ta dùng thân thể mình làm Đền Thờ Thiên Chúa; và để chúng ta được chính Thiên Chúa dạy dỗ, dẫn dắt, an ủi, cáo trách, ngay trong tâm thần của mình, thánh hóa trọn vẹn tâm thần, linh hồn, và thể xác của mình; được Thiên Chúa đổ đầy thánh linh của Ngài, ban cho những ân tứ cần thiết, để chúng ta sống trọn vẹn theo thánh ý của Thiên Chúa và làm được mọi điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm.

Là con dân Chúa, chúng ta đương nhiên được Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong chúng ta, với danh xưng Đức Thánh Linh; được Đức Chúa Jesus Christ báp-tem chúng ta, tức là được nhúng chìm, vào trong thánh linh của Thiên Chúa. Ngoài đức tin, chúng ta không cần phải làm bất cứ một điều gì để nhận được Đấng Thần Linh, và chúng ta cũng không cần phải làm bất cứ một điều gì để được báp-tem vào trong thánh linh. Người nào tìm kiếm cái gọi là “báp-tem bằng thánh linh” hay “báp-tem bằng lửa” trong phong trào Ân Tứ, Ngũ Tuần là người ấy tự mình mở tâm thần ra đón nhận tà linh.

Nguyện Đức Thánh Linh soi sáng chúng ta bằng lẽ thật của Lời Chúa, để chúng ta không bị tà giáo lừa gạt. Nguyện Đức Thánh Linh giúp chúng ta hiểu biết cách sâu nhiệm sự ban cho của Thiên Chúa, để chúng ta ý thức rằng: Chỉ bởi đức tin, chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, xưng là công chính, và ban cho cơ nghiệp của Ngài; được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội và kết hiệp làm một với Ngài, đồng trị với Ngài; được Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta, thánh hóa chúng ta, để chúng ta trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa và tôi tớ phục vụ Thiên Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/03/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua08_than-vi-va-than-tinh-cua-duc-thanh-linh/

[2] Đọc và nghe loạt bài về Thiên Chúa tại đây: Những Bài cần Đọc & Nghe Trước – Tìm Hiểu Thánh Kinh (timhieuthanhkinh.com)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.