Chú Giải Ga-la-ti 04:01-11 Luật Pháp và Ân Điển

5,105 views

YouTube: https://youtu.be/Maq7k1V61dY

904808 Chú Giải Ga-la-ti 4:1-11
Luật Pháp và Ân Điển

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 4:1-11

1 Tôi nói rằng, khi người kế tự đang còn là một đứa trẻ, thì chẳng khác một kẻ nô lệ, dù là chủ của mọi vật,

2 mà ở dưới quyền của những người giám hộ và những người quản gia, cho đến kỳ người cha đã định.

3 Chúng ta cũng như vậy, khi còn là những trẻ con, thì bị bắt làm nô lệ dưới các lề thói của thế gian.

4 Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp,

5 để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.

6 Vì các anh chị em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Đấng Thần Linh của Con Ngài vào lòng của các anh chị em, kêu rằng: A-ba! Cha! [Trong tiếng A-ra-mai, a-ba = cha.]

7 Vậy nên anh chị em không còn là nô lệ nữa, mà là con; và nếu là con, thì cũng là người kế tự của Thiên Chúa, qua Đấng Christ.

8 Nhưng thật ra trước kia, khi các anh chị em chẳng biết Thiên Chúa, thì các anh chị em làm nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa.

9 Còn hiện nay, các anh chị em biết Thiên Chúa lại được Thiên Chúa biết đến nữa, sao các anh chị em còn quay về với những lề thói yếu đuối, nghèo nàn đó? Các anh chị em muốn làm nô lệ trở lại sao?

10 Các anh chị em hãy còn giữ những ngày, tháng, mùa, năm sao?

11 Tôi lo cho các anh chị em, sợ rằng tôi đã lao lực cho các anh chị em cách vô ích.

Chúng ta đã học biết rằng, luật pháp là thánh ý của Thiên Chúa về nếp sống của chúng ta, còn giao ước là thánh ý của Thiên Chúa về những sự Ngài ban cho chúng ta. Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về ân điển của Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, ân điển là sự Thiên Chúa giải cứu con dân của Ngài ra khỏi kẻ thù, hoạn nạn, hay nghịch cảnh, cùng với sự ban năng lực, dẫn dắt, và quan phòng họ mỗi ngày trong cuộc sống, và sự tha tội. Trong Tân Ước, trọng tâm của ân điển là ơn Thiên Chúa cứu chuộc loài người ra khỏi hậu quả và sức mạnh của tội lỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, rồi ban cho người được cứu địa vị làm con của Đức Chúa Trời và cơ nghiệp của Ngài. Vì thế, chúng ta có thể nói, ân điển là ơn thương xót của Thiên Chúa ban cho loài người tội lỗi, chống nghịch Ngài, không đáng để được thương xót. Ân điển chính là tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa, được thể hiện thành hành động, dành cho loài người không xứng đáng.

Ga-la-ti 4:1-11 giúp chúng ta hiểu rõ sự khác nhau giữa luật pháp và ân điển.

1 Tôi nói rằng, khi người kế tự đang còn là một đứa trẻ, thì chẳng khác một kẻ nô lệ, dù là chủ của mọi vật,

2 mà ở dưới quyền của những người giám hộ và những người quản gia, cho đến kỳ người cha đã định.

Sứ Đồ Phao-lô dùng một lẽ thật trong cuộc sống của xã hội thời bấy giờ về sự con cái kế tự cơ nghiệp của gia tộc, để giúp con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti hiểu rõ sự khác nhau giữa luật pháp và ân điển.

Kế tự (kế = tiếp theo, tự = con cháu) là sự con cháu tiếp nối ông cha hưởng và cai quản cơ nghiệp. Trong văn hóa La-Hy (La-mã và Hy-lạp) thời bấy giờ, những nhà giàu có thường thuê người hoặc cử ra một nô lệ có khả năng làm người giám hộ cho con cái của mình. Người giám hộ chăm lo cuộc sống của đứa trẻ, dạy văn hóa và đạo đức cho nó, bảo vệ nó, và khi cần thì kỷ luật nó. Mọi ý muốn của đứa trẻ phải được sự đồng ý của người giám hộ. Mọi việc làm của đứa trẻ được người giám hộ xem xét, khuyên dạy, khích lệ hoặc quở trách. Nói cách khác, đứa trẻ hoàn toàn ở dưới quyền của người giám hộ cho đến thời điểm mà người cha đã định. Trong những nhà thật là giàu có, ngoài người giám hộ chịu trách nhiệm về con cái của chủ, còn có người quản gia là người thay chủ cai quản toàn bộ cơ nghiệp, và đứa con cũng phải phục dưới quyền của người quản gia.

3 Chúng ta cũng như vậy, khi còn là những trẻ con, thì bị bắt làm nô lệ dưới các lề thói của thế gian.

Phao-lô ví con dân Chúa như là những đứa trẻ đang chờ hưởng cơ nghiệp, phải chịu các lề thói của thế gian cai trị. Từ ngữ “lề thói” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là những luật lệ dựa trên quan niệm triết học, tín ngưỡng, hoặc tôn giáo [1]. Chúng ta có thể hiểu, Phao-lô bao gồm các luật lệ Do-thái Giáo trong danh từ “lề thói” này. Đối với dân I-sơ-ra-ên thì họ bị cai trị bởi các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa đã bị thế gian hóa thành một thứ tôn giáo nghiêm khắc. Đối với các dân không phải là I-sơ-ra-ên thì họ bị cai trị bởi các hệ thống tư tưởng đạo đức của triết học, tín ngưỡng, và các tôn giáo khác.

Người Việt chúng ta không lạ gì các tư tưởng đạo đức của Khổng Giáo và Phật Giáo, mà đến ngày nay, phần lớn vẫn còn suy phục.

4 Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp,

5 để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, để chúng ta được nhận làm con nuôi.

“Kỳ hạn đã được trọn” tức là thời điểm Đức Chúa Trời tiền định cho sự hoàn thành ân điển cứu chuộc nhân loại đã đến. Đức Chúa Jesus được gọi là “Con của Đức Chúa Trời” vì thân thể xác thịt của Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Nhưng Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người. Tâm thần và linh hồn của Ngài là tâm thần và linh hồn của Thiên Chúa. Hãy so sánh:

  • Chúng ta là loài người. Chúng ta có thân thể xác thịt do Đức Chúa Trời tạo thành và do loài người sinh ra. Chúng ta có tâm thần và linh hồn do Thiên Chúa sáng tạo.
  • Đức Chúa Jesus là loài người và cũng là Thiên Chúa. Ngài là loài người vì Ngài có thân thể xác thịt do Đức Chúa Trời tạo thành và do loài người sinh ra. Ngài là Thiên Chúa vì tâm thần và linh hồn của Ngài tự có và có mãi.

Mệnh đề “bởi một người nữ sinh ra” được dùng trong câu này không có nghĩa như được dùng cho chúng ta (có ai mà không do một người nữ sinh ra), mà để nhắc đến lời tiên tri trong Sáng Thế Ký 3:15:

“Ta sẽ đặt sự nghịch thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người. [Chữ người trong câu này chỉ về một người sẽ ra từ dòng dõi người nữ, tức là Đức Chúa Jesus.]”

Đức Chúa Jesus là dòng dõi của một người nữ vì sự thai dựng thân thể xác thịt của Ngài hoàn toàn bởi xác thịt của một người nữ, không có phần xác thịt của một người nam.

“Sinh ra dưới luật pháp” có nghĩa là bị ràng buộc, bị cai trị bởi luật pháp, phải hoàn toàn vâng phục luật pháp. Đức Chúa Jesus là người duy nhất hoàn toàn vâng phục luật pháp không chỗ trách được, từ trong lòng ra đến lời nói và hành động bên ngoài. Đức Thánh Linh đã dùng Sứ Đồ Phi-e-rơ để công bố về Đức Chúa Jesus như sau:

“Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.” (I Phi-e-rơ 2:22).

Đúng y theo lời đã tiên tri về Ngài trong Ê-sai 53:9, như sau:

“Người ta đã đặt mồ của Người với những kẻ ác, nhưng khi chết, Người được chôn với những kẻ giàu. Dù Người chẳng hề làm điều hung ác và chẳng có sự dối trá trong miệng.”

Chẳng những Ngài không vi phạm luật pháp mà Ngài còn thay cho loài người làm cho trọn sự đòi hỏi của luật pháp về hình phạt dành cho những kẻ phạm luật pháp:

“Các ngươi đừng tưởng rằng, Ta đến để phá bỏ luật pháp hay những lời tiên tri. Ta không đến để phá bỏ, nhưng để làm trọn.” (Ma-thi-ơ 5:17).

Chính nhờ Đức Chúa Jesus thay cho chúng ta làm trọn luật pháp mà chúng ta được chuộc ra khỏi quyền lực của luật pháp. Động từ “chuộc” nói đến sự phải trả ra một giá để lấy về một người hay một vật đang bị giam giữ. Đức Chúa Jesus đã trả giá bằng mạng sống của Ngài để cứu chuộc loài người ra khỏi sự hình phạt của luật pháp. Tức là, Ngài thay cho loài người gánh lấy hình phạt của luật pháp. Có ba điều quan trọng về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus mà chúng ta cần phải hiểu và ghi nhớ:

  • Đức Chúa Jesus phải hoàn toàn là một người mới có thể gánh thay hình phạt cho loài người.
  • Đức Chúa Jesus phải hoàn toàn vô tội, tức là vâng giữ trọn vẹn luật pháp, mới có thể gánh thay hình phạt cho loài người.
  • Đức Chúa Jesus phải là Thiên Chúa mới có thể gánh thay hình phạt cho toàn thể loài người. Đấng vô hạn chết thay cho loài người hữu hạn. Nếu Ngài chỉ là người mà không phải là Thiên Chúa, thì Ngài chỉ có thể chết thay cho một người, và cũng chỉ chết thay cho một tội mà thôi, vì tội nào cũng là tội chết.

Chẳng những Đức Chúa Jesus chịu chết thay cho loài người về mọi sự phạm tội của loài người, mà Ngài còn rửa sạch tội những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, để người ấy được Đức Chúa Trời nhận làm con nuôi.

Đức Chúa Jesus chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta và xưng chúng ta là người công chính. Nhưng máu thánh của Đức Chúa Jesus còn rửa sạch bản chất tội trong chúng ta, tuôn chảy trong con người thuộc linh của chúng ta, để chúng ta sống bằng sự sống của chính Ngài, mà trở nên người mới giống như Thiên Chúa trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24).

Địa vị làm con Đức Chúa Trời của chúng ta khác với địa vị Con Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jesus. Đức Chúa Jesus cùng bản thể Thiên Chúa với Đức Chúa Trời nên thân thể xác thịt của Ngài mang địa vị làm Con Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta, từ tâm thần, linh hồn, cho đến thể xác đều là được Thiên Chúa tạo dựng, không cùng bản thể tự có và có mãi như Đức Chúa Trời, nên địa vị làm con của chúng ta là địa vị làm con nuôi.

6 Vì các anh chị em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Đấng Thần Linh của Con Ngài vào lòng của các anh chị em, kêu rằng: A-ba! Cha! [Trong tiếng A-ra-mai, a-ba = cha.]

Để ấn chứng cho chúng ta, những người đã thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, Đức Chúa Trời đã sai Đấng Thần Linh ngự vào lòng chúng ta để ấn chứng với tâm thần của chúng ta và giúp chúng ta gọi Đức Chúa Trời là “Cha”!

“Vì bất cứ những ai được thần trí của Thiên Chúa dắt dẫn, thì họ là con cái của Thiên Chúa. Vì các anh chị em đã chẳng nhận lấy thần trí của nô lệ để lại sợ hãi; nhưng các anh chị em đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, nhờ đó, chúng ta gọi: A-ba! Cha! Chính Đấng Thần Linh làm chứng với tâm thần của chúng ta rằng, chúng ta là con cái của Thiên Chúa.” (Rô-ma 8:14-16).

Thần trí là sự nhận thức, suy luận, và quyết định của tâm thần, tức con người bên trong, là thân thể thiêng liêng của mỗi chúng ta. “Đấng Thần Linh của Con Ngài” có nghĩa là Đấng Thần Linh hành động trong con người xác thịt Jesus, là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Khi Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người, Ngài vẫn mang bản thể Thiên Chúa, nhưng con người xác thịt Jesus hoàn toàn dựa trên năng lực của xác thịt để vâng giữ và làm trọn luật pháp. Khi rao giảng và làm phép lạ thì Ngài vận dụng thẩm quyền và năng lực của Đấng Thần Linh.

Danh từ “a-ba” trong tiếng A-ra-mai có nghĩa là “cha”. Đây là âm thanh bập bẹ của trẻ con bắt đầu tập nói, được người I-sơ-ra-ên từ thời xưa xem như là âm thanh của trẻ con tập gọi cha. A-ba được dùng để gọi Đức Chúa Trời, nói lên mối quan hệ mật thiết giữa con dân Đức Chúa Trời với Đức Chúa Trời, như mối quan hệ giữa đứa bé thơ và cha của nó.

7 Vậy nên anh chị em không còn là nô lệ nữa, mà là con; và nếu là con, thì cũng là người kế tự của Thiên Chúa, qua Đấng Christ.

Sự nô lệ được nói đến ở đây bao gồm sự nô lệ cho tội lỗi, vì bị tội lỗi bắt phục và sai khiến cứ làm ra những điều chống nghịch Thiên Chúa, lẫn sự nô lệ cho luật pháp của Thiên Chúa, vì bị luật pháp nhốt lại để buộc tội và chờ ngày phán xét chung cuộc. Đối với những người không phải dân I-sơ-ra-ên, không có điều răn và luật pháp được chép thành chữ, là Thánh Kinh, thì họ còn nô lệ cho các tà thần và những sự mê tín dị đoan; nô lệ cho ma quỷ!

Từ địa vị nô lệ, người thật lòng tin nhận Đấng Christ được chuyển qua địa vị làm con nuôi của Đức Chúa Trời, được hưởng quyền kế tự cơ nghiệp của Thiên Chúa. Quyền làm con nuôi và kế tự này chỉ có thể có được trong Đấng Christ. Nghĩa là chỉ được ban cho những ai tin nhận Đấng Christ. Kế tự cơ nghiệp của Thiên Chúa qua Đấng Christ còn có nghĩa là, toàn bộ cơ nghiệp của Thiên Chúa được trao vào trong tay của Đức Chúa Jesus Christ, và chúng ta đồng cai trị cơ nghiệp ấy với Đức Chúa Jesus Christ, như II Ti-mô-thê 2:12 đã xác quyết.

8 Nhưng thật ra trước kia, khi các anh chị em chẳng biết Thiên Chúa, thì các anh chị em làm nô lệ cho các thứ vốn không phải là Thiên Chúa.

Bất cứ ai trước khi biết Thiên Chúa và tin nhận ân điển cứu rỗi của Ngài, cũng đều làm nô lệ cho tội lỗi, cho luật pháp, cho tà thần, cho mê tín dị đoan, cho ma quỷ! Tất cả những thứ ấy không phải là Thiên Chúa, kể cả luật pháp thánh khiết và công chính do chính Ngài ban ra.

Có lẽ mỗi một chúng ta đều kinh nghiệm rằng, trước khi được cứu, ít nhất chúng ta làm nô lệ cho sự ham muốn của xác thịt. Chúng ta sống trong thân thể xác thịt và thân thể xác thịt có những nhu cầu tự nhiên. Nhưng nếu chúng ta thỏa mãn sự ham muốn của xác thịt một cách bất chính, tức là vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta phạm tội nghịch lại Thiên Chúa. Nếu chúng ta không thể kiềm chế sự ham muốn của xác thịt và cứ tiếp tục phạm tội thì chúng ta bị nô lệ cho xác thịt và tội lỗi.

Có những người sẵn sàng trả mọi giá, kể cả mạng sống, để giữ đúng các điều răn của Thiên Chúa về mặt hình thức, nhưng không phải vì họ yêu kính Thiên Chúa và các điều răn của Ngài, mà vì họ muốn tỏ ra họ là những người có thể làm theo luật pháp cách trọn vẹn. Những người như vậy đã khiến cho sự kiêu ngạo của họ trở thành Thiên Chúa của họ, và họ trở thành nô lệ cho sự kiêu ngạo của đời sống.

Có những người tự biến các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa thành gánh nặng cho chính họ, vì họ chỉ cố gắng vâng giữ để không bị hình phạt, chứ không phải vì họ vui sống trong các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Ngày Thứ Bảy họ có thể tránh đi làm kiếm tiền, nhưng trong lòng thì tiếc nuối đã bỏ qua một cơ hội kiếm tiền. Họ không cảm nhận được niềm vui và sự phước hạnh của một người sẵn sàng trả mọi giá để được vui hưởng ngày Sa-bát Chúa ban. Họ trở thành nô lệ cho luật pháp.

Có những người tôn kính những vật do tay người làm ra, như: các hình vẽ, các bức tượng được gọi là “hình Chúa”, “tượng Chúa”, các hình tượng thập tự giá, các cơ sở kiến trúc được gọi là “nhà thờ”, và ngay cả những cuốn Thánh Kinh. Có người kính cẩn hôn những vật ấy, cầu nguyện với chúng. Họ đã đồng hóa những thứ ấy với Thiên Chúa, trở thành nô lệ cho sự tôn thờ và hầu việc thần tượng.

Những người như vậy là những người chưa thật sự BIẾT Thiên Chúa. Động từ “biết” được dùng trong câu 8 trên đây có một ý nghĩa rất đặc biệt. Nó được dùng để chỉ sự quan hệ mật thiết của vợ chồng, chồng biết vợ và vợ biết chồng, cả hai trở nên một thịt. Là con dân Chúa, chúng ta đã được Chúa kết hiệp chúng ta với chính Ngài. Chúng ta đã trở nên các chi thể trong thân thể của Ngài. Chúng ta được đồng chết, đồng sống lại, và đồng sống với Đức Chúa Jesus Christ. Sự hiệp một của chúng ta với Đức Chúa Jesus Christ sẽ được đúc kết bằng lễ cưới của Chiên Con trong thiên đàng, và chúng ta sẽ đồng trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời với Ngài.

9 Còn hiện nay, các anh chị em biết Thiên Chúa lại được Thiên Chúa biết đến nữa, sao các anh chị em còn quay về với những lề thói yếu đuối, nghèo nàn đó? Các anh chị em muốn làm nô lệ trở lại sao?

Là con dân Chúa, chẳng những chúng ta được biết Thiên Chúa mà chúng ta còn được Thiên Chúa biết chúng ta. Chữ “biết” được dùng trong phân đoạn này có nghĩa là sự gắn bó, hiệp một. Chúng ta đã được ban cho địa vị làm con nuôi của Thiên Chúa, là địa vị khiến cho chúng ta được hiệp một với Thiên Chúa: Chúng ta ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Việc còn lại là chúng ta phải khôn sáng tận dụng những sự phước hạnh và đặc quyền có được trong địa vị được hiệp một với Thiên Chúa.

Giả sử có một người ăn mày đói rách, bẩn thỉu trên đường phố được một người giàu có đem về làm con nuôi. Thế nhưng nếu người ăn mày không hề làm gì để tận dụng địa vị làm con nuôi của một nhà giàu có, anh ta vẫn rách rưới, bẩn thỉu, và vẫn đi ăn xin trên đường phố, thì lòng tốt của người nhà giàu và địa vị làm con nuôi của anh ta có ích lợi gì?

Biết bao nhiêu người là con dân của Chúa nhưng đã không “biết” Thiên Chúa yêu họ như thế nào, muốn họ sống ra sao; cũng không tin rằng Thiên Chúa “biết” họ một cách tường tận, biết từng nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của họ, biết từng niềm vui, nỗi buồn, sự lo âu, sợ hãi, và căng thẳng của họ trong cuộc sống. Vì thế, họ sống như những người chưa biết Chúa, và cuối cùng, họ quay về với những thói tục của thế gian, là những thói tục không cứu được họ cũng không làm cho cuộc sống của họ được trở nên giàu có cách thiêng liêng.

10 Các anh chị em hãy còn giữ những ngày, tháng, mùa, năm sao?

Chắc chắn là Phao-lô không nói đến sự giữ ngày Sa-bát cuối tuần theo điều răn thứ tư, vì chính bản thân Phao-lô vâng giữ ngày Sa-bát:

“Họ [Phao-lô và Ba-na-ba] đã rời khỏi Bẹt-giê, đến tận An-ti-ốt, xứ Bi-si-đi. Ngày Sa-bát, họ đã đi vào trong nhà hội mà ngồi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:14).

“Ngày Sa-bát đến, gần hết cả thành đã nhóm lại với nhau để nghe Lời của Đức Chúa Trời [do Phao-lô rao giảng].” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:44).

“Ngày Sa-bát, chúng tôi [Phao-lô, Ti-mô-thê, và Lu-ca] đã đi ra ngoài thành, đến gần bên sông, nơi thường có sự cầu nguyện. Chúng tôi đã ngồi, giảng cho các phụ nữ nhóm hiệp tại đó.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:13).

“Phao-lô, theo thói quen, đã vào với họ. Trong ba ngày Sa-bát, người đã bàn luận với họ về các đoạn Thánh Kinh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:2).

“Người [Phao-lô] biện luận trong nhà hội vào mỗi Sa-bát; thuyết phục những người Do-thái và những người Hy-lạp.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:4).

Phao-lô cũng không nói đến sự giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước, vì chính Phao-lô cũng giữ các ngày lễ ấy, ít nhất là ông giữ Lễ Ngũ Tuần:

“Vì Phao-lô đã quyết định đi tàu ngang qua thành Ê-phê-sô, bởi người không muốn phí thời gian tại A-si. Vì nếu là có thể thì người đi gấp rút để người có thể ở tại thành Giê-ru-sa-lem vào Lễ Ngũ Tuần.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:16).

“Nhưng tôi sẽ ở lại tại thành Ê-phê-sô cho đến Lễ Ngũ Tuần.” (I Cô-rinh-tô 16:8).

Sự giữ ngày, tháng, mùa, năm được nói ở đây cũng không phải là sự giữ ngày, tháng, năm theo lịch hoặc sự giữ các thời vụ gieo trồng mỗi mùa, mà là sự giữ và kiêng cữ theo mê tín dị đoan của người thế gian, mà trong câu 9 ông gọi chung là các lề thói yếu đuối, nghèo nàn họ vẫn theo trước khi biết Chúa, làm nô lệ cho chúng (câu 8). Dân tộc nào, nền văn hóa nào của loài người cũng đầy dẫy những sự mê tín dị đoan về sự ngày tốt ngày xấu, mùa lành mùa dữ, năm hên năm xui…

Điển hình là người Việt:

  • Tránh ra đường, khai trương, cưới hỏi… vào các ngày: 5, 14, và 23 trong tháng theo Âm Lịch, vì tin rằng các ngày đó là xấu, không may mắn, dễ bị tai nạn và thất bại.
  • Ăn chay trong ngày 1 và 15 mỗi tháng theo Âm Lịch.
  • Giữ Tết Đoan Ngọ và cũng là Ngày Giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ nhằm ngày 5 tháng 5 Âm Lịch. Trong miền nam, thì ngày 5 tháng 5 Âm Lịch cũng là Ngày Vía Bà là ngày lễ tôn kính một nữ tà thần gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu, có đền thờ tại Núi Bà Đen, Tây Ninh.
  • Giữ Tiết Thanh Minh, nhằm tiết xuân phân (giữa mùa xuân), ngày 4 hay 5 tháng 4 Dương Lịch, còn được xem là ngày tảo mộ (tu bổ mồ mả người chết).
  • Giữ Lễ Vu-lan và Lễ Cúng Cô Hồn, nhằm ngày 15 tháng 7 Âm Lịch. Theo phong tục của Phật Giáo, Lễ Vu-lan là lễ con cháu nhớ đến công ơn của cha mẹ, tổ tiên. Theo tín ngưỡng dân gian, Lễ Cúng Cô Hồn là lễ cúng thức ăn cho những linh hồn phạm tội bị đói trong địa ngục, được thả ra vào ngày 15 tháng 7, nhưng không có người thân còn sống để cúng thức ăn cho họ.
  • Giữ Tết Trung Thu (giữa mùa thu), nhằm ngày 15 tháng 8 Âm Lịch.
  • V.v..

Có lẽ, con dân Chúa tại Ga-la-ti vẫn còn kỷ niệm các ngày lễ kỷ niệm nữ tà thần Easter vào ngày trăng tròn tiếp liền theo tiết xuân phân [2], ngày lễ kỷ niệm sinh nhật Thần Mặt Trời vào ngày 25 tháng 12 [3], [4], mà về sau, Giáo Hội Công Giáo đã biến thành Lễ Easter (đổi lại là Chủ Nhật tiếp liền theo tiết xuân phân) và Lễ Christmas. Có lẽ, con dân Chúa tại Ga-la-ti vẫn còn tham dự 12 lễ hội kỷ niệm các tà thần La-mã trong mỗi tháng. Có lẽ, con dân Chúa tại Ga-la-ti vẫn còn kiêng cữ những ngày gọi là ngày xấu và giữ các lễ hội theo truyền thống của mỗi dân tộc.

Ngày nay, trong một số các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, người ta vẫn giữ các ngày lễ không có trong Thánh Kinh, gọi là: Lễ Tro, Lễ Lá, Mùa Chay, Lễ Easter, Lễ Christmas, Lễ Rửa Tội, Lễ Thêm Sức… Đặc biệt, có một số giáo phái buộc con dân Chúa phải giữ bảy kỳ lễ hội trong Cựu Ước: Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, Lễ Ngũ Tuần, Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, và Lễ Lều Trại.

Bảy kỳ lễ hội trong Cựu Ước cũng như sự cắt bì, sự dâng sinh tế chuộc tội đều làm hình bóng về mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ trước khi Ngài được sinh ra trong thế gian. Khi Đức Chúa Jesus Christ đã đến, thì tất cả những sự làm hình bóng về Ngài không còn cần thiết nữa, không cần phải giữ nữa, ngoại trừ giữ với tinh thần kỷ niệm. Trong thời Cựu Ước con dân Chúa buộc phải giữ những sự ấy, nhưng trong thời Tân Ước, khi Đấng Christ đã đến, thì con dân Chúa không còn bị buộc phải giữ, trừ khi họ tự ý giữ để kỷ niệm công ơn của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu ai giữ những sự ấy với tinh thần vâng giữ luật pháp thì người ấy tự mang gánh nặng cho mình, tự mình làm nô lệ cho những sự ấy. Nếu ai tin rằng phải vâng giữ những sự ấy mới được cứu rỗi, thì họ đã vô hiệu hóa sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và họ bị buộc phải vâng giữ tất cả các điều răn và luật pháp.

Trong thời Tân Ước con dân Chúa chỉ buộc phải giữ Lễ Báp-tem và Lễ Tiệc Thánh, là hai nghi thức do chính Đức Chúa Jesus Christ ban truyền.

11 Tôi lo cho các anh chị em, sợ rằng tôi đã lao lực cho các anh chị em cách vô ích.

Phao-lô lo sợ cho con dân Chúa tại Ga-la-ti bị tà giáo dẫn đi sai lạc mà mất sự cứu rỗi. Nếu họ bị tà giáo dẫn dụ thì sự lao lực của Phao-lô trong công tác rao giảng Tin Lành và dạy dỗ Lời Chúa cho họ sẽ trở thành vô ích. Vô ích ở đây là vô ích cho họ, chứ Đức Chúa Trời vẫn ghi nhận và ban thưởng cho công khó của Phao-lô.

Động từ “lao lực” được Phao-lô dùng ở đây bao gồm tất cả những sự mà ông phải trải qua để gây dựng các Hội Thánh tại Ga-la-ti. Những sự ấy có thể tóm gọn như sau:

II Cô-rinh-tô 11:23-29

23 Họ là những người hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Tôi dại dột nói, tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.

25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,

27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.

28 Ngoài những sự bên ngoài, những sự chống nghịch tôi suốt ngày, còn sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh.

29 Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai bị vấp ngã mà tôi chẳng như bị thiêu đốt?

Không một tôi tớ chân thật nào của Chúa mà không lao lực trong mục vụ giảng Tin Lành và cho chiên của Chúa ăn. Những người giảng Tin Lành và những người chăn chân chính đều phải dự phần trong sự khó nghèo của Đấng Christ, để họ đồng cảm với Ngài, đồng cảm với những con dân Chúa có cuộc sống khó nghèo, để họ luôn ngưỡng trông nơi Chúa, và để con dân Chúa dự phần trong mục vụ của họ, qua sự cầu thay và tiếp trợ.

Điều nặng lòng nhất cho những người chăn là sự con dân Chúa bị tà giáo dẫn dụ, xa cách lẽ thật của Lời Chúa, hoặc sự kiêu ngạo làm cho con dân Chúa thờ lạy chính bản ngã của mình.

Để kết luận về ý nghĩa nội dung của Ga-la-ti 4:1-11, chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa là Đấng Toàn Ái, và Ngài yêu chúng ta trên hết mọi sự. Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri, Ngài biết hết mọi nhu cầu, mọi hoàn cảnh của chúng ta, và Ngài là Đấng quan phòng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Ngài làm được mọi sự cho chúng ta, vì chúng ta. Vậy, hãy TIN Thiên Chúa và phó thác chính mình vào trong sự thành tín của Ngài; hãy chuyên tâm học biết về Ngài qua Thánh Kinh, qua những sự Ngài làm ra trong đời sống của chúng ta; và hãy vui mừng sống trong các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Đừng quay về nếp sống nô lệ cho bất cứ ai, bất cứ sự gì, ngoài Thiên Chúa.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta, thêm sự tri thức cho chúng ta, và dẫn dắt, an ủi, khích lệ chúng ta trong những ngày tháng còn lại trong thế gian này. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/04/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/G4747

[2] https://timhieutinlanh.com/easter-huyen-thoai-ve-easter/

[3] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-ve-christmas/

[4] https://timhieutinlanh.com/christmas-su-that-hien-nhien-ve-christmas/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.