Chú Giải Ga-la-ti 05:13-26 Người Cũ và Người Mới

6,471 views


YouTube: https://youtu.be/NHkfe1BxkV4

904812 Chú Giải Ga-la-ti 5:13-26
Người Cũ và Người Mới

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 5:13-26

13 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em đã được gọi đến sự tự do, chỉ đừng dùng sự tự do làm cơ hội cho xác thịt, nhưng hãy bởi tình yêu mà phục vụ lẫn nhau.

14 Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời này: Ngươi hãy yêu người lân cận như mình.

15 Nhưng nếu các anh chị em cắn nuốt lẫn nhau, thì hãy coi chừng, kẻo các anh chị em bị diệt bởi nhau.

16 Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!

17 Vì xác thịt ưa muốn trái với sự ưa muốn của tâm thần và tâm thần trái với của xác thịt. Hai bên trái nghịch nhau, nên các anh chị em không làm được điều mình muốn.

18 Nhưng, nếu các anh chị em nhờ thần trí dẫn dắt, thì các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp.

19 Các việc làm của xác thịt được tỏ ra, ấy là: ngoại tình, tà dâm, ô uế, phóng đãng,

20 thờ hình tượng, dùng ma túy, thù nghịch, cãi lẫy, ganh tị, thịnh nộ, cạnh tranh, chia rẽ, phe đảng,

21 ganh ghét, giết người, say rượu, thác loạn, cùng các sự khác giống như vậy. Về các sự ấy tôi nói trước với các anh chị em, như tôi đã nói rồi. Những ai phạm các sự ấy thì sẽ không được hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa.

22 Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự từ ái, sự ngay lành, đức tin,

23 sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.

24 Những người thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt với tình cảm và sự tham muốn của nó trên thập tự giá rồi.

25 Nếu chúng ta sống theo thần trí, thì chúng ta cũng hãy bước đi theo thần trí.

26 Chúng ta chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ganh ghét nhau.

Đời sống mới trong Chúa là một đời sống chiến đấu không ngừng. Chiến đấu chống lại ma quỷ, chiến đấu chống lại người thế gian, và chiến đấu chống lại chính bản thân. Phao-lô đã tóm gọn trong một lời khuyên bảo Ti-mô-thê, như sau:

“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

Sự chiến đấu chống lại chính bản thân quan trọng hơn sự chiến đấu chống lại ma quỷ và người thế gian. Bởi vì, nếu không có sự chiến thắng bản thân trước thì sẽ không bao giờ có sự chiến thắng ma quỷ và người thế gian.

Trong Chúa, chúng ta chiến thắng khi chúng ta giữ, không cho bản thân mình cố ý vi phạm các điều răn và luật pháp của Chúa, cho dù có phải mất hết tất cả những gì thuộc về chúng ta, kể cả tự do và mạng sống của thân thể xác thịt. Khi chúng ta đã chiến thắng bản thân thì chúng ta sẽ luôn chiến thắng ma quỷ lẫn người thế gian.

Sự chiến đấu diễn ra từng khoảnh khắc trong đời sống của chúng ta. Bên ngoài thì ma quỷ và người thế gian luôn tìm cách đẩy chúng ta vào nghịch cảnh. Bên trong thì những tham muốn bất chính của xác thịt luôn đòi hỏi phải được thỏa mãn. Nhưng mỗi một cuộc chiến đều bắt đầu từ ngay trong linh hồn và tâm thần của chúng ta. Mỗi một cuộc chiến đều hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí tự do lựa chọn của chúng ta, dựa trên sự tri thức của tâm thần. Chúng ta sẵn lòng chịu khổ, chịu chết để không vi phạm Lời Chúa hay chúng ta vì sợ khổ, sợ chết, hoặc vì muốn thỏa mãn những sự vui sướng bất chính, ngắn ngủi của xác thịt, thỏa mãn sự kiêu ngạo của đời sống, mà quyết định làm sai nghịch Lời Chúa?

Ga-la-ti 5:13-26 trình bày rõ về tính chất của con người cũ thuộc về xác thịt và con người mới thuộc về tâm thần trong mỗi một con dân Chúa. Mỗi người phải tận dụng sức mạnh của Lời Chúa để chống trả mọi sự cám dỗ, để cai trị con người cũ, bắt nó phải phục theo con người mới mà Thiên Chúa đã dựng nên trong mỗi chúng ta.

13 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em đã được gọi đến sự tự do, chỉ đừng dùng sự tự do làm cơ hội cho xác thịt, nhưng hãy bởi tình yêu mà phục vụ lẫn nhau.

Phao-lô tiếp tục dùng cách gọi “các anh chị em cùng Cha” để nhấn mạnh đến địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời và mối tương quan mật thiết, hiệp một giữa con dân Chúa với nhau và với Đấng Christ. Ông nhắc lại sự tự do thật mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho tất cả những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Sự tự do ấy không phải chỉ là được tự do khỏi án phạt và hậu quả của mọi tội lỗi trước khi tin Chúa, mà còn là sự tự do khỏi án phạt và hậu quả của những tội lỗi có thể vấp phạm sau khi đã tin nhận Chúa.

Thực tế, có thể nói, không một người nào không còn phạm tội sau khi đã tin nhận Chúa. Thánh Kinh đã ghi lại gương xấu về sự phạm tội giả hình của Sứ Đồ Phi-e-rơ, Ba-na-ba, như chúng ta đã học trong Ga-la-ti 2:11-13. Thực tế, có thể nói, không một ai trong chúng ta mà không ít nhất vài lần cố tình phạm tội, sau khi đã tin nhận Chúa. Chúng ta có thể phạm tội vì hèn nhát, sợ mất lòng người hơn là sợ mất lòng Chúa, như Phi-e-rơ và Ba-na-ba. Chúng ta có thể phạm tội vì yếu đuối trước những sự tham muốn của xác thịt, như sự tham muốn tiền bạc của A-na-nia và Sa-phi-ra, như sự tham muốn quyền thế của Đi-ô-trép, như sự tham muốn tà dâm của một tín hữu tại Cô-rinh-tô… Và chúng ta cũng có thể phạm tội vì thiếu hiểu biết như con dân Chúa ở tại Ga-la-ti. Điều phước hạnh lớn cho chúng ta là máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ có năng lực rửa sạch mọi tội của chúng ta, nếu chúng ta thật lòng ăn năn, sau khi phạm tội. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục tái phạm cùng một tội, thì chính sự tái phạm ấy chứng tỏ rằng, chúng ta không thật lòng ăn năn, mà chỉ lạm dụng ân điển của Chúa, dùng sự tự do Chúa ban cho chúng ta làm cơ hội cho xác thịt phạm tội; nghĩ rằng, cứ phạm tội rồi xin Chúa tha thứ! Hê-bơ-rơ 6:4-8 và 10:26-31 nói về số phận bị hư mất đời đời của những ai sau khi nếm biết ân điển cứu rỗi của Chúa, mà còn quay về sống trong tội, cứ tiếp tục làm ra tội.

Sự tự do khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi giúp cho con dân Chúa có thể hết lòng phục vụ lẫn nhau bởi tình yêu của Chúa. Chúa yêu Hội Thánh và phó chính mình Ngài cho Hội Thánh. Hội Thánh yêu Chúa và phụng sự Chúa thể hiện qua sự yêu lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau bằng chính tình yêu của Chúa. Chính Đức Thánh Linh đã dùng hình ảnh Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ và Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, để nói lên sự mỗi con dân Chúa liên kết chặt chẽ với nhau dưới dự lãnh đạo của Đấng Christ, và cùng phục vụ lẫn nhau như các chi thể cùng một thân phục vụ lẫn nhau.

14 Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời này: Ngươi hãy yêu người lân cận như mình.

Luật pháp của Thiên Chúa quy định bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Về phương diện loài người đối với nhau, có đến hàng trăm điều luật, nhưng tất cả chỉ tóm gọn lại trong một lời, đó là mỗi người phải yêu người lân cận như chính mình. Khi chúng ta thật sự yêu người lân cận như chính mình, thì chúng ta sẽ làm ơn và cứu giúp người khác như chúng ta muốn được người khác làm ơn và cứu giúp chúng ta; chúng ta sẽ cảm thông và tha thứ cho người khác như chúng ta muốn được người khác cảm thông và tha thứ cho chúng ta; chúng ta không muốn làm bất cứ điều gì dối trá hoặc có hại cho người khác như chúng ta không muốn bị người khác dối trá và làm hại chúng ta; chúng ta sẽ tôn trọng và biết ơn người khác như chúng ta muốn người khác tôn trọng và biết ơn chúng ta…

Đối với những người không thuộc về Chúa mà chúng ta còn có bổn phận yêu thương họ như chính mình, huống chi là đối với anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh.

15 Nhưng nếu các anh chị em cắn nuốt lẫn nhau, thì hãy coi chừng, kẻo các anh chị em bị diệt bởi nhau.

Động từ “cắn nuốt” được dùng trong câu này, gợi cho chúng ta hình ảnh một con thú xé mồi và ăn một cách hung hãn. Nếu chúng ta không yêu nhau bằng tình yêu của Chúa, mà lại cắn nuốt lẫn nhau để thỏa mãn sự kiêu ngạo hoặc tham vọng của mình, thì chúng ta tự mình tàn sát lẫn nhau.

16 Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!

Trong Thánh Kinh, nghĩa bóng của động từ “bước đi” luôn có nghĩa là “sống một nếp sống”. Con dân Chúa phải sống một nếp sống theo thần trí. Thần trí là sự hiểu biết trong tâm thần về Chúa và Lời Chúa, khác với sự hiểu biết của xác thịt mà chúng ta quen gọi là lý trí. Sống theo thần trí là sống theo sự hiểu biết của tâm thần [1].

Vì chúng ta vẫn còn sống trong thân thể xác thịt chưa được biến hóa, chưa được phục sinh, nên xác thịt của chúng ta vẫn còn có những sự tham muốn, là những sự không đẹp lòng Chúa. Chúng ta không được chiều theo những sự tham muốn của xác thịt, nhưng bắt xác thịt phải phục theo thần trí của chúng ta. Phao-lô đã tâm sự với con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô, như sau:

“Nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Ngoài những sự tham muốn không đẹp lòng Chúa, thì xác thịt cũng có những sự ham muốn chính đáng. Nhưng nếu chúng ta đáp ứng những ham muốn chính đáng của xác thịt bằng những cách không chính đáng, thì chúng ta cũng phạm tội. Thần trí giúp cho chúng ta biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Thần trí nhắc cho chúng ta Lời Chúa để chúng ta có nền tảng và năng lực chống lại mọi cám dỗ, vượt qua mọi thử thách.

Danh từ được dịch là “thần trí” trong câu này cũng có thể dịch là “thần quyền”, để chỉ về sức mạnh cai trị của tinh thần, tức là sức mạnh tể trị của đức tin trong tâm thần của con dân Chúa. Sức mạnh ấy đến từ sự hiểu biết về Chúa và Lời Chúa, từ năng lực và các ân tứ Chúa ban trong tâm thần của con dân Chúa, gọi chung là thánh linh.

Sức mạnh tể trị của đức tin trong tâm thần là sức mạnh cai trị toàn bộ một người ở trong Chúa, theo thánh ý Chúa. Sức mạnh tể trị của đức tin = Sức mạnh của thần trí + Sức mạnh của thánh linh = Thần quyền.

17 Vì xác thịt ưa muốn trái với sự ưa muốn của tâm thần và tâm thần trái với của xác thịt. Hai bên trái nghịch nhau, nên các anh chị em không làm được điều mình muốn.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống thì dịch là:

“Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với của thánh linh, thánh linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt…”

Nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì không có chữ “thánh”. Danh từ được dịch là “tâm thần” trong câu này để chỉ về thân thể thiêng liêng của một người cũng có thể dịch là “Đấng Thần Linh” để chỉ về Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Trước đây, chúng tôi đã theo các bản dịch Anh ngữ, dịch là “Đấng Thần Linh” nhưng khi suy ngẫm theo văn mạch của Ga-la-ti đoạn 5, thì chúng tôi chọn dịch là “tâm thần” vì hai lẽ sau đây:

  • Phao-lô đang nói về con người xác thịt và con người tâm thần, nêu lên sự đối nghịch của hai bên, nên theo văn mạch, thì danh từ ấy chỉ về tâm thần của con dân Chúa. Một tâm thần được dựng nên mới thì có những sự ưa muốn đẹp ý Thiên Chúa nhưng nghịch lại xác thịt:

“Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

  • Nếu danh từ ấy có ý chỉ về Thiên Chúa Đấng Thần Linh ngự trong con dân Chúa thì phải có thêm tính từ “thánh” để thành danh xưng “Đức Thánh Linh”. Trong suốt Tân Ước, mỗi khi nói đến sự hành động của Thiên Chúa trong con dân Chúa thì đều dùng danh từ “Đức Thánh Linh” và “thánh linh”.

Một người khi đã được tái sinh thì tâm thần (thân thể thiêng liêng) và linh hồn (bản ngã) đều được dựng nên mới, chỉ có xác thịt (thân thể vật chất) vì chưa chết nên chưa được dựng nên mới, nhưng được Lời Chúa thánh hóa để trở thành công cụ, làm ra những sự công chính, thay vì làm ra những sự tội lỗi. Tâm thần đã được dựng nên mới có sự tri thức về Chúa và Lời Chúa thì đương nhiên có những sự khao khát hướng về Chúa, đúng theo Lời Chúa. Xác thịt chưa chết vẫn có những sự ưa muốn hướng về thế gian và tội lỗi của thế gian. Sự đối nghịch của tâm thần và xác thịt khiến cho linh hồn không thể làm được điều mình muốn, là muốn sống thánh khiết và trọn vẹn theo Lời Chúa.

18 Nhưng, nếu các anh chị em nhờ thần trí dẫn dắt, thì các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp.

Nhưng nếu linh hồn biết nghe theo sự dẫn dắt của thần trí, tức là chọn làm theo sự hiểu biết của tâm thần, chấp nhận trả mọi giá, thì linh hồn sẽ nhận được năng lực để sống đúng theo Lời Chúa, và nhờ đó mà không bị lên án bởi luật pháp, không bị nhốt tù bởi luật pháp.

19 Các việc làm của xác thịt được tỏ ra, ấy là: ngoại tình, tà dâm, ô uế, phóng đãng,

20 thờ hình tượng, dùng ma túy, thù nghịch, cãi lẫy, ganh tị, thịnh nộ, cạnh tranh, chia rẽ, phe đảng,

21 ganh ghét, giết người, say rượu, thác loạn, cùng các sự khác giống như vậy. Về các sự ấy tôi nói trước với các anh chị em, như tôi đã nói rồi. Những ai phạm các sự ấy thì sẽ không được hưởng Vương Quốc của Thiên Chúa.

Động từ “tỏ ra” trong câu 19 có nghĩa đen là hiện ra hoặc chiếu ra. Mỗi một việc làm của xác thịt đều được thể hiện cách rõ ràng trong thế giới vật chất.

  • Ngoại tình: từ ngữ “ngoại tình” trong tiếng Hy-lạp là người độc thân quan hệ tình dục với chồng hay vợ của người khác; hoặc người đã có vợ hoặc có chồng mà quan hệ tình dục với người không phải là vợ hay chồng của mình. Ngoại tình là một trong các hình thức tà dâm.
  • Tà dâm là tất cả các hình thức thỏa mãn tính dục ngoài hôn nhân.
  • Ô uế là bất cứ sự gì liên quan đến tà dâm (Rô-ma 1:24-27; Hê-bơ-rơ 13:4; Giu-đe câu 8), hình tượng (Ê-xê-chi-ên đoạn 20), và sự không giữ ngày Thứ Bảy làm ngày Sa-bát (Ê-sai 56:2, 6).
  • Phóng đãng là nếp sống buông thả theo những sự ưa muốn của xác thịt mà không biết hổ thẹn.
  • Thờ hình tượng là sự thờ lạy, cúng tế các loại hình tượng do tay người làm ra, kể cả những hình tượng được gọi là “hình Chúa”, “tượng Chúa”.
  • Dùng ma túy là sự dùng những chất thuốc gây kích thích hệ thống thần kinh. Từ ngữ này cũng có thể dùng để chỉ sự dùng bùa phép, thần chú.
  • Thù nghịch là sự căm ghét, tìm cách làm hại một người nào đó.
  • Cãi lẫy là sự lý luận nghịch lại lẽ thật, nghịch lại thẩm quyền Chúa đã đặt để trên mình.
  • Ganh tị là không vui khi thấy người khác hơn mình. Ganh tị dẫn đến ganh ghét.
  • Thịnh nộ là sự tức giận thể hiện thành lời nói hay hành động trả thù. Con dân Chúa có thể giận nhưng không được giận cho đến sau khi mặt trời lặn, là lúc đã bước sang một ngày mới, và cũng không được trả thù, vì sự trả thù thuộc về Chúa. Chính vì sự trả thù thuộc về Chúa nên sự giận dữ cũng thuộc về Chúa.

“Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em.” (Ê-phê-sô 4:26).

“Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận của Đức Chúa Trời; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35]” (Rô-ma 12:19, đối chiếu với Hê-bơ-rơ 10:30).

  • Cạnh tranh là tranh giành về danh tiếng, chức vụ, quyền lợi…
  • Chia rẽ là khiến cho có sự bất hòa giữa người này với người kia.
  • Phe đảng là đứng về phía người này chống lại người kia.
  • Ganh ghét là ghét bỏ, muốn làm hại người nào hơn mình.
  • Giết người: Nghĩa đen là làm cho một người chết khi mình không có thẩm quyền cất đi mạng sống của người ấy. Nghĩa bóng là ghét anh chị em cùng Cha của mình (I Giăng 3:15).
  • Say rượu là uống quá nhiều rượu khiến cho không còn kiểm soát được lời nói, hành động của mình.
  • Thác loạn là say sưa, buông thả, dâm dật làm mất trật tự công cộng.

Và tất cả những sự giống như các điều đã liệt kê trên, đều là sự thể hiện bản tính của xác thịt, của con người cũ. Phao-lô đã nhiều lần lặp đi, lặp lại lời cảnh báo cho con dân Chúa khắp nơi về sự không được sống theo xác thịt. Bất cứ ai sống theo xác thịt, dù là một người đã tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy sẽ bị hư mất, không được vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, bao gồm Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời.

22 Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự từ ái, sự ngay lành, đức tin,

23 sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.

Trong các bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ và Việt ngữ mà chúng tôi biết đến, thì từ ngữ “του πνευματος” /tu p-nép-ma-tồ/ được dịch là “của Đấng Thần Linh”, hoặc “của Đức Thánh Linh”. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì từ ngữ này không có chữ “thánh” kèm theo, nên không thể dịch là “của Đức Thánh Linh”. Theo nghĩa đen thì từ ngữ này có thể dịch là “của tâm thần” để chỉ sự thuộc về thân thể thiêng liêng của loài người, hoặc dịch là “của Đấng Thần Linh” để chỉ sự thuộc về Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta phải theo văn mạch để hiểu từ ngữ này chỉ về loài người hay Thiên Chúa; trái của tâm thần hay trái của Đấng Thần Linh.

Xưa nay, các bản dịch Anh ngữ và Việt ngữ (chúng tôi không biết về bản dịch trong các ngôn ngữ khác) đều chọn cách dịch chỉ về Thiên Chúa. Nhưng khi suy ngẫm kỹ toàn đoạn 5 của Ga-la-ti, thì chúng ta có thể thấy rõ, văn mạch buộc chúng ta phải hiểu từ ngữ “του πνευματος” /tu p-nép-ma-tồ/ dùng trong câu 22 phải được hiểu và dịch là “của tâm thần”.

Kết quả là một tiến trình, cho nên, không thể dùng để chỉ đặc tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự có và có một cách đầy trọn, chứ Thiên Chúa không phát triển các đặc tính của Ngài, không kết quả các đặc tính của Ngài theo thời gian. Ga-la-ti 5:22-23 chỉ có thể dùng để nói về sự kết quả thuộc linh trong tâm thần của một người tin nhận Chúa.

Một tâm thần đã được dựng nên mới trong Đấng Christ thì phải kết quả, tức là phải thể hiện ra, những điều tốt lành như được liệt kê trong Ga-la-ti 5:22-23:

  • Tình yêu là tình yêu chân thật đến từ Thiên Chúa. Chúng ta yêu Chúa và yêu mọi người bằng chính tình yêu của Ngài. Đó là tình yêu sẵn sàng hy sinh để cứu giúp người khác và giúp cho người khác được phục hòa với Thiên Chúa.
  • Sự vui mừng là sự vui mừng mãi mãi vì biết Chúa yêu mình, luôn ở với mình, và mình ở trong sự cứu chuộc, ở trong sự quan phòng của Chúa; biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho mình, nên luôn vui mừng cảm tạ Chúa trong mọi cảnh ngộ.
  • Sự bình an là sự bình an trong mọi cảnh ngộ vì biết chắc không có một thử thách hay cám dỗ nào sẽ quá sức chịu đựng của mình, biết chắc Chúa luôn mở đường cho qua khỏi, và biết chắc nếu không có thánh ý của Cha ở trên trời, thì không một điều gì có thể xảy đến cho mình.
  • Sự nhẫn nại là sự bền vững chịu đựng mọi khó khăn, nghịch cảnh cho đến khi đạt được kết quả trong Chúa.
  • Sự từ ái là lòng thương xót đối với mọi người, mọi vật, sẵn sàng cứu giúp mà không ngại hy sinh.
  • Sự ngay lành là sự sống ngay thẳng, theo Lời Chúa, không giả hình.
  • Đức tin là sự nương cậy vào sự cứu rỗi và sự quan phòng của Thiên Chúa cùng tất cả mọi lời hứa của Chúa trong Thánh Kinh. Đức tin ấy được thể hiện thành hành động, qua nếp sống đúng theo Lời Chúa mỗi ngày. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “trung tín” thì không được đúng nghĩa.
  • Sự nhu mì là không kiêu ngạo, không xem thường người khác, trái lại, luôn xem mọi người là tôn trọng hơn mình, mềm mại, dịu dàng trong cử chỉ.
  • Sự tiết độ là sự biết làm chủ chính mình, biết kiềm chế những tình cảm và tham muốn của xác thịt, tức là biết cầm quyền quản trị tội lỗi (Sáng Thế Ký 4:7).

Danh từ “trái” được dùng trong câu 22 có hình thức số ít, tức là “một trái”. Vì thế, chúng ta cũng có thể nói, trái của tâm thần là trái tình yêu và trái tình yêu bao gồm tám đặc tính hoặc tám hương vị: vui mừng, bình an, nhẫn nại, từ ái, ngay lành, đức tin, nhu mì, và tiết độ.

24 Những người thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt với tình cảm và sự tham muốn của nó trên thập tự giá rồi.

Những người thuộc về Đấng Christ không phải là bất cứ ai xưng nhận mình là tín đồ của Đấng Christ. Những người thuộc về Đấng Christ là những người thật sự chán ghét con người cũ, tha thiết muốn đoạn tuyệt nó cùng quá khứ tội lỗi. Vì thế, họ vui mừng đón nhận sự tự do Đấng Christ mang đến cho họ và lập tức đóng đinh tình cảm cùng sự tham muốn của xác thịt trên thập tự giá, để sống bằng tình cảm và sự ham muốn của tâm thần.

Thập tự giá vừa tiêu biểu cho sự chịu khổ trong khi theo Chúa vừa tiêu biểu cho sự tiêu diệt tội lỗi. Tình cảm và sự ưa thích của xác thịt đã bị nhiễm tội và cần phải bị tiêu diệt. Chúng ta không thể nào sống theo Lời Chúa nếu chúng ta không tiêu diệt tình cảm và sự tham muốn của xác thịt. Có biết bao nhiêu người mang danh là con dân Chúa nhưng trong thực tế, họ chưa bao giờ thuộc về Đấng Christ. Họ chỉ đi theo một tôn giáo. Họ chưa bao giờ sống cho Chúa và để Chúa sống trong họ. Họ vẫn sống theo và sống cho tình cảm cùng tham muốn của xác thịt. Họ sống vì những người thân yêu của họ, vì nghề nghiệp, vì danh tiếng, vì của cải vật chất, vì những vui thú của xác thịt… Ngày hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi chính mình câu hỏi này: Tôi đã thuộc về Đấng Christ, đã đóng đinh tình cảm và sự tham muốn của xác thịt trên thập tự giá hay chưa?

25 Nếu chúng ta sống theo thần trí, thì chúng ta cũng hãy bước đi theo thần trí.

Lẽ đương nhiên là một người sống theo thần trí, tức là sống theo sự hiểu biết Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh, thì người ấy suy nghĩ và hành động theo thần trí. Một người sống theo thần trí thì không một ý nghĩ, lời nói, sở thích, hay việc làm nào của người ấy nghịch lại Thiên Chúa. Ngược lại, đời sống của người ấy kết quả như đã nói trong câu 22 và 23.

26 Chúng ta chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ganh ghét nhau.

Từ ngữ “danh vọng giả dối” trong nghĩa đen là sự vinh quang không có thật. Người đã thuộc về Đấng Christ thì không còn tìm kiếm danh vọng trong thế gian. Nhưng rất có thể người ấy muốn tìm kiếm danh vọng trong Hội Thánh, qua các chức vụ. Sự ham muốn chức vụ trong Hội Thánh không có gì sai. Lời Chúa trong I Ti-mô-thê 3:1 chép:

“Lời này là thật: Nếu người nào mong muốn chức giám mục, thì người ấy ham muốn một việc lành.”

Các chức vụ trong Hội Thánh có sự vinh quang thật, thiêng liêng, là sự vinh quang của những người chịu khổ, hy sinh hầu việc Chúa qua Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 3:7-11). Nhưng các giáo hội lại tạo ra sự vinh quang giả cho các chức vụ trong Hội Thánh, bằng cách tạo ra một giai cấp gọi là “hàng giáo phẩm”. Nhiều người chạy theo sự vinh quang giả ấy, trêu chọc nhau và ganh ghét nhau. Người không có chức vụ thì ganh ghét người có chức vụ. Người có chức vụ “thấp” thì ganh ghét người có chức vụ “cao”, mà thật ra không hề có chức vụ thấp hay chức vụ cao trong Hội Thánh. Người có chức vụ cao thì trêu chọc người có chức vụ thấp. Người có chức vụ thì trêu chọc người không có chức vụ. Từ ngữ “trêu chọc” trong nghĩa đen là làm cho khó chịu, tức giận. Biết bao nhiêu người đã nhân danh chức vụ trong giáo hội để áp bức con dân Chúa!

Người thật sự thuộc về Đấng Christ, sống theo thần trí, sẽ không bao giờ lạm dụng thẩm quyền của chức vụ do chính Đấng Christ giao phó cho người ấy.

Lời Chúa trong Ga-la-ti 5:13-26 đã nêu rõ cho chúng ta sự đối nghịch của con người cũ với con người mới. Dựa vào Lời Chúa, mỗi người có thể nhận biết chính mình và người khác đang sống theo người cũ hoặc đang sống theo người mới. Lúa mì và cỏ lùng khi chưa kết quả thì có thể khó mà phân biệt. Nhưng khi chúng đã kết quả, thì nhìn vào bông trái mà người ta phân biệt được ngay.

Con dân chân thật của Chúa là những người đã được chính Thiên Chúa dựng nên mới giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24). Tất cả những tình cảm và tham muốn của xác thịt đều đã qua đi. Mọi sự đã trở nên mới (II Cô-rinh-tô 5:17). Nếu có ai vẫn còn sống theo tình cảm và tham muốn của xác thịt, thì chắc chắn ấy là người chưa được dựng nên mới, chưa thuộc về Đấng Christ. Lý do duy nhất là người ấy chưa thật sự ăn năn tội, chưa thật sự gớm ghét, từ bỏ con người tội lỗi.

Nguyện Đức Thánh Linh tra xét mỗi một chúng ta, chỉ ra cho chúng ta những điều gì còn thuộc về tình cảm và tham muốn của xác thịt trong chúng ta, để chúng ta xưng nhận trước Chúa. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ đem những điều ấy xa khỏi chúng ta, như phương đông xa cách phương tây, làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính. Nguyện Đức Chúa Trời là Cha Kính Yêu của chúng ta luôn sửa phạt chúng ta, để chúng ta không bị trật phần tình yêu và ân điển của Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/05/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/G4151

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.