Chú Giải Ga-la-ti 06:01-11 Giúp Lẫn Nhau và Giữ Chính Mình

5,721 views


YouTube: https://youtu.be/pUnr-RBLUwI

904813 Chú Giải Ga-la-ti 6:1-11
Giúp Lẫn Nhau và Giữ Chính Mình

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 6:1-11

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha, nếu có người bỗng nhiên phạm lỗi, các anh chị em là những người thuộc linh, hãy khôi phục người ấy trong thần trí của sự nhu mì. Hãy giữ chính mình các anh chị em, kẻo các anh chị em cũng bị cám dỗ.

2 Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.

3 Vì, nếu có ai nghĩ rằng mình ra gì khi người ấy chẳng ra gì, thì người ấy tự gạt mình.

4 Nhưng nếu mỗi người xét việc làm của mình, thì người ấy sẽ khoe mình trong sự thuộc về chính mình, chứ không trong sự thuộc về người khác.

5 Vì mỗi người sẽ gánh lấy phần của mình.

6 Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy. [Được dạy về cách sống theo Lời của Chúa.]

7 Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy.

8 Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu.

9 Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt.

10 Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.

11 Hãy xem! Chữ lớn là dường nào! Tôi đã viết cho các anh chị em bởi chính tay của tôi.

Mỗi khi chúng ta di chuyển bằng máy bay, trước khi máy bay cất cánh, các tiếp viên thường thông báo cho hành khách các chi tiết về cách thức ứng xử khi xảy ra trường hợp nguy cấp. Một trong những chi tiết ấy là: Khi áp suất không khí trong máy bay đột ngột xuống thấp, các mặt nạ dưỡng khí sẽ được bung ra trước mặt hành khách và mọi người cần đeo ngay vào mũi để thở. Điều quan trọng là mỗi người phải tự đeo ngay mặt nạ cho chính mình, trước khi giúp bất cứ ai khác, kể cả con nhỏ đang bồng trên tay. Bởi vì, nếu chúng ta lo giúp cho người khác trước, thì có thể chính mình bị ngất đi vì thiếu dưỡng khí, ngay trước khi đeo được mặt nạ cho người khác. Và như vậy, cả chúng ta và người được giúp đều bị nguy hiểm. Chúng ta cần ở trong sự an toàn trước khi giúp người khác.

Đời sống của con dân Chúa là đời sống yêu thương người khác như chính mình, yêu thương anh chị em cùng Cha hơn chính mình, sẵn sàng và tận tình cứu giúp mọi người, cho dù phải hy sinh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải ở trong sự an toàn thuộc thể lẫn thuộc linh, trước khi chúng ta có thể cứu giúp người khác.

An toàn trong thuộc thể là phải theo đúng mọi chỉ thị về vệ sinh và an toàn do các bậc có thẩm quyền quy định. An toàn về thuộc linh là phải luôn sống theo Lời Chúa, không khoan nhượng, không thỏa hiệp nếu sự khoan nhượng hay thỏa hiệp khiến cho chúng ta làm nghịch lại Lời Chúa. Làm theo ba câu Thánh Kinh dưới đây sẽ giúp cho chúng ta luôn ở trong sự an toàn thuộc linh:

“…Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

“…Vì bất cứ điều gì làm mà không bởi đức tin thì điều ấy là tội lỗi.” (Rô-ma 14:23).

“Hãy tránh mọi hình thức của sự ác!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22).

Ga-la-ti 6:1-11 là phân đoạn dạy chúng ta về sự chúng ta phải cứu giúp lẫn nhau nhưng cũng phải cẩn thận giữ mình, để không ngã vào sự cám dỗ mà phạm tội, trong khi chúng ta cứu giúp người khác. Chúng ta có thể phạm tội vì thỏa hiệp với người chúng ta đang cứu giúp mà sự thỏa hiệp ấy nghịch lại Lời Chúa. Chúng ta có thể phạm tội vì khoe khoang sự cứu giúp của mình hoặc vì chê cười, nói xấu người anh chị em phạm lỗi. Chúng ta cũng có thể phạm tội vì bỏ qua cơ hội cứu giúp anh chị em của mình (Ma-thi-ơ 25:41-46).

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha, nếu có người bỗng nhiên phạm lỗi, các anh chị em là những người thuộc linh, hãy khôi phục người ấy trong thần trí của sự nhu mì. Hãy giữ chính mình các anh chị em, kẻo các anh chị em cũng bị cám dỗ.

Từ ngữ “bỗng nhiên” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là bị bắt một cách bất ngờ, không kịp bỏ chạy. Một người có thể trong một khoảnh khắc bất ngờ mà phạm lỗi hay phạm tội. Điển hình là phạm tội nói dối khi bị ai đó hỏi về một điều gì đó mà mình muốn giấu.

Từ ngữ “phạm lỗi” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là tạm thời sai chệch khỏi lẽ thật và sự công chính. Đây cũng là một hình thức phạm tội, nhưng được xem là ở mức độ nhẹ và tạm thời.

Từ ngữ “người thuộc linh” được dùng để gọi chung tất cả con dân Chúa, là những người có linh hồn và tâm thần được tái sinh, có thánh linh là năng lực của Thiên Chúa. Người thuộc linh có thẩm quyền và năng lực để sống theo Lời Chúa, để quản trị mọi tham muốn của thân thể xác thịt. Nhưng nếu người ấy không hành xử thẩm quyền và năng lực thuộc linh của mình, thì bản ngã xác thịt sẽ tự do hành động. Chính vì thế mà chúng ta thấy có nhiều trường hợp người thuộc linh mà lại nóng giận, la hét, hành động như một người không thuộc linh. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Phao-lô, khuyên dạy con dân Chúa, hãy hành động trong thần trí của sự nhu mì, để giúp khôi phục người anh chị em bỗng nhiên phạm lỗi.

Khôi phục có nghĩa là làm cho mới lại như lúc ban đầu. Lúc ban đầu ở đây là lúc ban đầu khi được dựng nên mới. Với tất cả sự hiểu biết của chúng ta về Chúa và về Lời Chúa (thần trí), chúng ta mềm mại, nhỏ nhẹ, và ân cần (nhu mì) chỉ cho những người phạm lỗi nhìn biết lỗi của họ, kêu gọi họ ăn năn, xưng tội với Chúa, xin lỗi người bị họ xúc phạm. Rồi chúng ta cùng cầu nguyện cảm tạ Chúa với họ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cẩn thận giữ mình, để đừng bị rơi vào sự cám dỗ mà chính mình lại phạm tội. Những sự cám dỗ dưới đây có thể đến với chúng ta khi chúng ta đối diện với các anh chị em phạm lỗi:

  • Kiêu ngạo, cho rằng mình không bao giờ phạm lỗi như vậy.
  • Lên án, chỉ trích, gay gắt, ghét những người phạm lỗi.
  • Bêu rếu, nói xấu những người phạm lỗi.
  • Không giúp khôi phục những người phạm lỗi: không lên tiếng chỉ cho những người phạm lỗi biết rằng họ đã sai chệch khỏi lẽ thật và sự công chính, không kêu gọi họ ăn năn.
  • Thỏa hiệp với những người phạm lỗi: Không cho rằng việc làm của họ là sai.
  • Khoan nhượng với những người phạm lỗi: Bằng lòng bỏ qua sự phạm lỗi của họ khi họ chưa ăn năn xưng tội với Chúa và chưa xin lỗi những người bị họ xúc phạm.
  • Khoe khoang, kể công về sự mình giúp khôi phục những người phạm lỗi.

Chúng ta hãy bởi tình yêu thương, dựa trên lẽ thật của Lời Chúa, mà giúp anh chị em trong Chúa khôi phục, mỗi khi họ bỗng nhiên phạm lỗi. Nhưng đối với những ai cố tình phạm lỗi sau khi đã được cảnh báo, khuyên nhắc, thì chúng ta phải thẳng thắn quở trách. Nếu người phạm lỗi vẫn không ăn năn thì chúng ta phải đưa người ấy ra trước Hội Thánh.

Có những trường hợp sự phạm lỗi đã trở thành quá quen thuộc trong gia đình, nên con dân Chúa không còn cảm thấy mình cần lên tiếng với người phạm lỗi. Thậm chí, không còn thấy đó là sự phạm lỗi của người thân. Thí dụ: vợ to tiếng với chồng; vợ không vâng phục chồng; chồng to tiếng với vợ; chồng áp bức vợ; cha mẹ to tiếng với con cái; con cái thiếu lễ phép với cha mẹ… Chúng ta hãy cậy nhờ ơn Chúa để làm thánh nếp sống của chúng ta bằng cách giúp nhau nhận ra lỗi và sửa lỗi.

2 Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.

Gánh nặng được nói đến ở đây là gánh nặng của tội lỗi. Mặc dù Đấng Christ gánh thay án phạt đời đời của tội lỗi cho chúng ta, nhưng mỗi khi chúng ta phạm tội, thì chúng ta gánh ngay hậu quả trước mắt của tội lỗi trên thân thể xác thịt của chúng ta, như thương tích, bệnh tật, tù tội… bị người khác lên án, mắng chửi, chê cười, đồng thời lương tâm của chúng ta cũng bị nặng nề vì mặc cảm phạm tội. Đó chính là gánh nặng của tội lỗi mà chúng ta có thể gánh chung với những anh chị em phạm lỗi. Chúng ta có thể hứng chịu sự mắng chửi từ phía những người bị anh chị em của chúng ta xúc phạm. Chúng ta có thể phụ giúp anh chị em chúng ta trong sự bồi thường cho những người bị anh chị em chúng ta làm thiệt hại. Chúng ta có thể an ủi anh chị em của chúng ta khi họ ăn năn về sự phạm lỗi của họ…

Luật pháp của Đấng Christ là luật pháp về sự con dân Chúa phải yêu lẫn nhau như Chúa yêu họ. Khi chúng ta thật sự ở trong Chúa, nghĩa là khi chúng ta có tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta và chúng ta yêu anh chị em của mình hơn chính mình, thì chúng ta sẽ tự nhiên bênh vực, bảo vệ, cứu giúp anh chị em của chúng ta.

3 Vì, nếu có ai nghĩ rằng mình ra gì khi người ấy chẳng ra gì, thì người ấy tự gạt mình.

Nghĩ mình ra gì, tức là cho rằng mình hay, giỏi, khôn sáng, thiêng liêng, thánh khiết… hơn người khác, hơn những anh chị em phạm lỗi. Nghĩ rằng mình không bao giờ phạm lỗi hoặc có phạm thì cũng không phạm những lỗi như các anh chị em của mình phạm. Nói cách khác, nghĩ mình ra gì tức là tự tôn mình cao hơn người khác, trong khi thực tế, mỗi người đứng vững trước mọi cám dỗ, thử thách là nhờ ân điển của Chúa.

4 Nhưng nếu mỗi người xét việc làm của mình, thì người ấy sẽ khoe mình trong sự thuộc về chính mình, chứ không trong sự thuộc về người khác.

Ngoài sự ân điển của Chúa giúp cho chúng ta đứng vững trước mọi thử thách cám dỗ, sống một đời sống đắc thắng trong Chúa, thì còn có bao nhiêu người cầu thay cho chúng ta, có bao nhiêu người giảng dạy, chia sẻ cho chúng ta, dùng Lời Chúa để an ủi, khích lệ, hướng dẫn, nuôi dưỡng phần thuộc linh của chúng ta. Điều duy nhất thuộc về mình mà chúng ta có thể khoe, ấy là lòng ăn năn, từ bỏ tội và sốt sắng sống theo Lời Chúa. Mọi kết quả trong đời sống của chúng ta đều là bởi ân điển của Chúa, bởi sự tương trợ và đồng công của các anh chị em khác trong Hội Thánh. Không một kết quả mục vụ nào là thuộc riêng về bất cứ một người nào. Khi chúng ta học tốt nghiệp đại học chẳng hạn, thì thành quả đó là sự đồng công hiệp lực của tất cả các chi thể của thân thể chúng ta, hay chỉ là do công sức của riêng đôi mắt, hoặc đôi tay, hoặc đôi chân? Chi thể nào trong thân thể của chúng ta có thể khoe rằng, chúng ta nhận được văn bằng tốt nghiệp đại học là do công lao của chi thể ấy?

5 Vì mỗi người sẽ gánh lấy phần của mình.

Gánh lấy phần của mình là nhận thưởng hay nhận phạt cho mỗi việc mình làm ra. Mỗi người trong Hội Thánh đều có một vị trí và chức năng đặc biệt để gây dựng Hội Thánh. Mỗi người nhận lấy sự tiếp trợ từ Hội Thánh một cách khác nhau, đóng góp vào mỗi công việc của Hội Thánh một cách khác nhau. Mỗi người sẽ được khen thưởng hay quở trách tùy thuộc vào tấm lòng phục vụ của mình.

“Hãy gắng sức cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ hổ thẹn, giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng.” (II Ti-mô-thê 2:15).

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người. Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, là Đấng Christ.” (Cô-lô-se 3:23-24).

Khải Huyền 22:12 ghi lại lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ:

“Này, Ta đến mau chóng và đem theo tiền công của Ta với Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là: “đem phần thưởng theo với Ta” nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp là “đem theo tiền công”. Người làm việc thì sẽ lãnh tiền công cho việc làm của mình. Tiền công của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23). Tiền công của sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và yêu lẫn nhau là sự sống vĩnh cửu (Ma-thi-ơ 19:16-17; 25:46; Mác 10:29-30; Lu-ca 18:29-30). Kể từ khi chúng ta trở thành con dân của Chúa, thì chúng ta có bổn phận sống theo Lời Chúa, tức là vâng giữ các điều răn của Chúa (không phải vâng giữ các giáo lý của các giáo hội, thường là các giáo lý nghịch lại Thánh Kinh). Mỗi việc làm của chúng ta sẽ được phán xét để khen thưởng, nếu việc làm đúng theo Lời Chúa, để quở trách, nếu việc làm sai nghịch Lời Chúa. Trường hợp nhẹ thì chúng ta sẽ được cứu dường như qua lửa, không có phần thưởng gì hết, bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời (Ma-thi-ơ 5:19; I Cô-rinh-tô 3:15). Trường hợp nặng, tức là cứ cố tình tái phạm tội, thì sẽ bị hư mất đời đời (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:26-31).

6 Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy. [Được dạy về cách sống theo Lời của Chúa.]

Được dạy trong Lời tức là được nuôi dưỡng phần thuộc linh bằng sự giảng cho hiểu những điều sâu nhiệm của Lời Chúa. Chính Đức Chúa Trời đặt ra chức vụ giảng dạy trong Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:28) và chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng ban chức vụ ấy cho một số người (Ê-phê-sô 4:11). Những người ấy có bổn phận và trách nhiệm chăm sóc phần thuộc linh của con dân Chúa.

Con dân Chúa có bổn phận chia xẻ của cải vật chất của mình cho những người dạy Lời Chúa cho mình. Đây không phải là sự chia đều của cải mà là sự tiếp trợ mọi nhu cầu thuộc thể cho những người giảng dạy Lời Chúa, từ thức ăn, thức uống, chỗ ở, quần áo mặc cho đến phương tiện di chuyển, làm việc… Họ dành thời gian chuyên tâm suy ngẫm Lời Chúa để giảng dạy cho con dân Chúa, con dân Chúa có bổn phận chăm lo phần thuộc thể cho họ. Nếu họ cũng dành thời gian để mưu sinh kiếm sống thì họ sẽ không có đủ thời gian để làm công việc suy ngẫm và rao giảng Lời Chúa một cách đầy đủ. Hãy so sánh họ với những người Lê-vi thời Cựu Ước. Những người thuộc chi phái Lê-vi được biệt riêng để phục vụ Đền Thờ của Đức Chúa Trời. Họ không được chia đất để canh tác và chăn nuôi. Mười một chi phái còn lại dâng 1/10 thu hoạch từ đất ruộng và gia súc để nuôi chi phái Lê-vi và trang trải các chi phí cho Đền Thờ. Ngày nay, Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa. Những người giảng dạy Lời Chúa giữ chức vụ chăm sóc nhà của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 3:9; I Ti-mô-thê 3:15; Tít 1:7).

Chẳng những con dân Chúa có bổn phận tiếp trợ các nhu cầu thuộc thể cho những người giảng dạy Lời Chúa cho mình, mà còn phải vâng phục họ. Đó là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh:

“Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17).

Sự vâng phục những người giảng dạy Lời Chúa rất là quan trọng, vì sự vâng phục những người ấy chính là sự vâng phục Chúa; sự chối bỏ lời giảng dạy của những người ấy là sự bỏ chính Đức Chúa Jesus Christ và Đức Chúa Trời; đồng thời, cũng là sự làm buồn Đức Thánh Linh vì đã không vâng theo mệnh lệnh của Ngài.

“Ai nghe các ngươi, ấy là nghe Ta; ai bỏ qua các ngươi, ấy là bỏ qua Ta; ai bỏ qua Ta, cũng là bỏ qua Đấng đã sai Ta.” (Lu-ca 10:16).

“Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.” (Ê-phê-sô 4:30).

Dĩ nhiên, Lời Chúa dạy chúng ta vâng phục những người giảng dạy Lời Chúa cho chúng ta là những người thật sự do Chúa giao chức vụ cho họ và họ làm đúng thiên chức của họ: “giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng”; chứ không phải vâng phục những người do các giáo hội phong chức và giảng nghịch lại Lời Chúa.

7 Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy.

8 Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu.

Con dân Chúa đừng để các giáo sư giả lừa gạt mình và cũng đừng để chính mình lừa gạt mình. Các giáo sư giả dùng đủ loại tà giáo và sự giả hình của họ để lừa gạt con dân Chúa, khiến con dân Chúa vì làm theo những sự dạy dỗ tà giáo mà nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa. Con dân Chúa tự mình gạt mình khi nghĩ và tin rằng bản thân mình trội hơn những người khác trong Hội Thánh, từ đó sinh ra kiêu ngạo. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, không một chi thể nào trong thân thể của chúng ta trội hơn các chi thể khác. Mỗi chi thể đều phải nương cậy lẫn nhau và tiếp trợ lẫn nhau, để đem lại ích lợi cho toàn thân thể. Cũng vậy, trong Hội Thánh, không một người nào trội hơn người nào. Mọi người đều nương cậy lẫn nhau, tiếp trợ lẫn nhau, để đem lại ích lợi chung cho toàn Hội Thánh và cùng nhau hưởng phước.

Thiên Chúa không bỏ qua sự cố ý phạm tội và sự giả hình của chúng ta. Ngài nhìn biết trong tư tưởng của chúng ta. Ngài biết chúng ta thật sự hạ mình, khiêm nhường hay giả vờ. Ngài biết chúng ta thật sự yêu thương anh chị em của mình, hết lòng tiếp trợ, cứu giúp, sửa sai lẫn nhau hay chúng ta chỉ làm chiếu lệ. Ngài biết chúng ta làm việc vì yêu Chúa, yêu người, vì ích lợi của Hội Thánh hay vì muốn được tiếng khen…

Tất cả những việc chúng ta làm không vì yêu Chúa, yêu người đều là thuộc về xác thịt, dù cho có được tiếng khen của người đời, thì chúng cũng chỉ là sự vinh quang chóng qua. Mọi kết quả của những việc ấy dù có giúp ích được ai thì cũng chỉ là tạm thời trong cuộc đời này, không còn lại đời đời. Tất cả những việc chúng ta làm vì yêu Chúa, yêu người đều là những việc làm theo sự tri thức của tâm thần. Kết quả của những việc ấy vừa có ích trong đời này, vừa còn lại đến đời sau, vì chúng ta sẽ được Chúa khen thưởng. Phần thưởng chung và lớn nhất cho những ai sống theo thần trí, là được sự sống vĩnh cửu. Kế tiếp là quyền cùng ngồi trong các tầng trời với Đấng Christ Jesus và đồng trị với Ngài (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12).

9 Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt.

Chính vì kết quả vĩ đại, còn lại đời đời của sự làm lành mà chúng ta chớ mệt nhọc về sự làm lành. Sự làm lành thật sự sẽ mệt nhọc và đòi hỏi nhiều hy sinh. Vì thế, người ta dễ mệt mỏi và chán nản trong khi làm lành. Nhưng nếu chúng ta siêng năng, gắng hết sức để làm lành theo ơn Chúa ban, thì chúng ta sẽ gặt được kết quả phước hạnh cho sự lao nhọc của mình. Nếu chúng ta không làm lành, thì không có kết quả để chúng ta gặt.

10 Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.

Bất cứ giờ phút nào thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta còn hơi thở, thì ấy là dịp tiện để chúng ta làm lành. Người nghèo khó hoặc người bệnh tật nằm liệt giường cũng vẫn có dịp tiện để làm điều thiện. Ít ra là cầu thay cho người khác.

Điều thiện là bất cứ điều gì Thánh Kinh dạy bảo chúng ta phải làm:

  • Tổng quát là các điều răn của Đức Chúa Trời, của Đức Chúa Jesus Christ, và của Đức Thánh Linh.
  • Chi tiết là từng sự dạy dỗ trong Thánh Kinh.
  • Đặc biệt là những công việc Chúa giao riêng cho mỗi người.

Con dân Chúa luôn làm điều thiện cho mọi người, vì đó là bản tính của con dân Chúa, là sự chiếu ra tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta ưu tiên làm điều thiện cho anh chị em cùng đức tin. Nhóm chữ “những người nhà trong đức tin” không có nghĩa là những người thân trong gia đình cùng tin Chúa như chúng ta; mà là tất cả những ai thật sự ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Danh từ “nhà” được nói đến ở đây là chỉ về “nhà của Đức Chúa Trời”, là Hội Thánh.

11 Hãy xem! Chữ lớn là dường nào! Tôi đã viết cho các anh chị em bởi chính tay của tôi.

Câu 11 gợi ý cho chúng ta biết, Phao-lô tự tay mình viết thư Ga-la-ti. Về sự Phao-lô viết chữ lớn có thể là do mắt ông bị yếu, không thể nhìn chữ nhỏ, hoặc là tay ông yếu vì tật bệnh, không thể viết chữ nhỏ. Ngoài ra, câu này còn hàm ý khẳng định với con dân Chúa tại Ga-la-ti rằng, nội dung của thư Ga-la-ti thật sự là đến từ Phao-lô. Qua câu này, người đọc thư có thể cảm nhận được tâm tình của Phao-lô dành cho con dân Chúa tại Ga-la-ti.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài trong phân đoạn này, nhắc cho chúng ta nhớ, mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh thật sự là chi thể của cùng một thân, có bổn phận tương trợ và cứu giúp lẫn nhau, giúp nhau khôi phục khi có người phạm lỗi. Cảm tạ Chúa luôn cảnh giác chúng ta về sự mỗi người phải cẩn thận giữ mình, để không sa vào sự cám dỗ. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa luôn bao phủ mỗi chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/05/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.