Chú Giải Ga-la-ti 06:12-18 Sự Khoe Mình về Thập Tự Giá của Đấng Christ

4,546 views


YouTube: https://youtu.be/XqbLmOQR4dM

904814 Chú Giải Ga-la-ti 6:12-18
Sự Khoe Mình về Thập Tự Giá của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ga-la-ti 6:12-18

12 Hết thảy những kẻ muốn nở mặt theo phần xác, họ ép các anh em chịu cắt bì, chỉ để cho họ khỏi vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bách hại.

13 Vì chính họ, những kẻ đã chịu cắt bì, không vâng giữ luật pháp, nhưng họ muốn các anh em chịu cắt bì, để họ được khoe mình trong xác thịt của các anh em.

14 Còn như tôi, tôi sẽ chẳng khoe mình, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!

15 Vì trong Đấng Christ Jesus, điều có năng lực chẳng phải sự chịu cắt bì hay là sự chẳng chịu cắt bì, mà là sự dựng nên mới.

16 Nguyện sự bình an và sự thương xót giáng trên hết thảy những ai đi theo mẫu mực này, và trên dân I-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời!

17 Từ nay về sau, chớ ai làm khó cho tôi, vì tôi mang trong thân thể tôi dấu hiệu của Đức Chúa Jesus.

18 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần của các anh chị em! A-men.

Thập tự giá của Đấng Christ theo nghĩa đen là một trong các hình cụ bằng gỗ, được dùng để đóng đinh tử tội theo luật pháp của đế quốc La-mã. Đấng Christ đã bị đóng đinh cho đến chết trên một thập tự giá. Dĩ nhiên, bản thân của Đức Chúa Jesus Christ không hề phạm tội, dù là đối với luật pháp của Đức Chúa Trời hay luật pháp của loài người. Thánh Kinh xác nhận: “Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá” (I Phi-e-rơ 2:22). Chính Thống Đốc Phi-lát, là thẩm phán xét xử Đức Chúa Jesus Christ, đã ba lần công bố, ông không tìm thấy Đức Chúa Jesus Christ có tội (Giăng 18:38; 19:4, 6). Sự đóng đinh Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá là một vết nhơ trong lịch sử luật pháp của đế quốc La-mã, vì La-mã đã công khai tử hình một người mà chính quan tòa của La-mã công bố là vô tội.

Xét theo bề ngoài thì Đức Chúa Jesus Christ đã bị giết vì sự phản bội của một môn đồ, vì sự ganh ghét, vu khống của những lãnh tụ tôn giáo trong Do-thái Giáo, và vì sự hèn nhát, bất công của một thống đốc La-mã. Xét theo bề trong thì Đức Chúa Trời đã kết hiệp các việc làm xấu xa, gian ác của loài người, để làm thành thánh ý tốt lành của Ngài. Đó là Ngài tiếp nhận sự chết của Đức Chúa Jesus Christ như một của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Khi thời điểm đến, Đức Chúa Jesus Christ trong địa vị thầy tế lễ thượng phẩm, đã dâng sinh tế chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Sinh tế ấy chính là mạng sống của Ngài.

Thập tự giá của Đấng Christ theo nghĩa bóng là sự vinh quang của Thiên Chúa, tức sự chiếu sáng các bản tính của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là thánh khiết nên Thiên Chúa không thể chấp nhận tội lỗi. Vì Thiên Chúa là công chính nên Thiên Chúa phải hình phạt tội nhân. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên Thiên Chúa ban cho loài người phạm tội cơ hội được tha tội và được làm cho sạch tội. Qua sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá, sự thánh khiết, sự công chính, và tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện một cách đầy trọn.

Nhìn vào thập tự giá của Đấng Christ, chúng ta thấy rõ cái giá phải trả cho mỗi một tội lỗi của chúng ta, dù chỉ là một ý tưởng tà dâm hay một lời nói dối. Nói cách khác, nếu trong toàn bộ lịch sử của loài người chỉ có một người phạm chỉ một tội là nói một lời nói dối, thì Đức Chúa Jesus Christ vẫn phải chịu chết trên thập tự giá một cách đau đớn, tủi nhục, để người ấy có thể được tha tội, được thoát khỏi hình phạt đời đời trong hồ lửa, và được sạch tội (Rô-ma 6:23; Khải Huyền 21:8). Nhìn vào thập tự giá của Đấng Christ, chúng ta thấy rõ sự công chính của Thiên Chúa khi Thiên Chúa hình phạt tội nhân. Mặc dù Đức Chúa Jesus Christ vô tội, nhưng khi Ngài đứng vào chỗ của tội nhân để chịu hình phạt, thì Ngài vẫn phải chịu đầy trọn sự đau đớn, nhục nhã, và chết. Nhìn vào thập tự giá của Đấng Christ, chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người thật không sao có thể đo lường! Thiên Chúa yêu chúng ta khi chúng ta còn là những kẻ bội nghịch Ngài. Thiên Chúa ban cho chúng ta cơ hội được tha tội trước khi chúng ta ăn năn sự phạm tội của chúng ta. Thiên Chúa sắm sẵn cho chúng ta phương tiện rửa sạch tội khi chúng ta vẫn còn say mê trong tội. Thập tự giá của Đấng Christ bao gồm tất cả những sự ấy.

Ngoài ra, thập tự giá của Đấng Christ còn là biểu tượng của sự loài người đã xúc phạm Thiên Chúa, đã làm sỉ nhục Thiên Chúa, và đã làm đau lòng Thiên Chúa đến mức độ nào.

Bất cứ ai muốn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy phải thật sự ăn năn: từ bỏ tội, gớm ghiếc tội, luôn xa lánh mọi sự cám dỗ phạm tội. Ăn năn là quay lại với lẽ thật, không tiếp tục sống một nếp sống nghịch lại lẽ thật. I Phi-e-rơ 2:25 là một câu Thánh Kinh định nghĩa về sự ăn năn:

“Vì các anh chị em vốn như những con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn các anh chị em.”

Những con dân chân thật của Chúa phải luôn tự hào về thập tự giá của Đấng Christ và luôn khoe mình về thập tự giá của Đấng Christ. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã dạy cho chúng ta tấm gương khoe mình trong Chúa và khoe mình về thập tự giá của Đấng Christ.

12 Hết thảy những kẻ muốn nở mặt theo phần xác, họ ép các anh em chịu cắt bì, chỉ để cho họ khỏi vì thập tự giá của Đấng Christ mà bị bách hại.

Phao-lô tiếp tục nói về những giáo sư giả rao giảng tà giáo trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti, là những kẻ dạy rằng, con dân Chúa không phải là dân I-sơ-ra-ên phải chịu cắt bì. Những kẻ ấy muốn dự phần trong việc rao giảng Tin Lành nhưng không muốn bị những người theo Do-thái Giáo bắt bớ họ về sự họ không buộc con dân Chúa gốc dân ngoại phải chịu cắt bì. Vì thế, họ dạy cho con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti về sự chịu cắt bì. Từ ngữ “nở mặt theo phần xác” có thể dịch là “dung mạo dễ nhìn theo phần xác”. Phao-lô muốn nói đến sự khoe khoang, hãnh diện của những giáo sư giả khi họ khiến cho nhiều con dân Chúa nghe theo họ, chịu cắt bì. Họ vừa được tiếng khen vừa tránh sự bắt bớ của những người vẫn còn giữ theo các nghi thức Do-thái Giáo trong Hội Thánh. Khi họ thỏa hiệp với những người muốn đem Do-thái Giáo vào trong Tin Lành, thì họ đã làm cho thập tự giá của Đấng Christ trở thành vô nghĩa, vô giá trị.

Có thể nói, tất cả những kẻ rao giảng tà giáo là những kẻ không thật sự hiểu biết về thập tự giá của Đấng Christ.

13 Vì chính họ, những kẻ đã chịu cắt bì, không vâng giữ luật pháp, nhưng họ muốn các anh em chịu cắt bì, để họ được khoe mình trong xác thịt của các anh em.

Điều trớ trêu là chính những kẻ kêu gọi người khác vâng theo các nghi thức của luật pháp lại là những kẻ không vâng giữ luật pháp. Ma-thi-ơ 23 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về những người I-sơ-ra-ên xưng mình là biệt riêng đời sống để phục vụ Chúa (Pha-ri-si), là những người dạy luật pháp và phán xử trong dân I-sơ-ra-ên, nhưng họ lại là những người vi phạm luật pháp trầm trọng hơn ai hết. Có lẽ Phao-lô muốn nói rằng, những giáo sư giả đang rao giảng tà giáo trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti là những kẻ ép người khác phải vâng theo nghi thức cắt bì của luật pháp, nhưng chính bản thân họ thì bỏ qua các nghi thức khác của luật pháp, như nghi thức dâng của lễ chuộc tội. Một mặt họ rao giảng Tin Lành về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, rằng ai tin sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì không cần phải dâng sinh tế chuộc tội; một mặt họ lại buộc người khác phải chịu cắt bì để được cứu rỗi. Nhưng nếu sự cắt bì theo luật pháp là điều kiện phải có để được cứu rỗi, thì đương nhiên tất cả các nghi thức khác về sự chuộc tội và tha tội trong luật pháp cũng phải được vâng theo.

Trước đó, trong Ga-la-ti 5:3, Phao-lô đã khẳng định là bất cứ ai chịu cắt bì để được cứu rỗi thì người ấy phải làm theo toàn bộ luật pháp. Các giáo sư giả rao giảng tà giáo về sự cắt bì đã tự đặt họ vào địa vị của những người bị buộc phải làm theo toàn bộ luật pháp.

Ngày nay, trong Hội Thánh cũng có nhiều giáo sư giả dấy lên với nhiều thứ tà giáo khác nhau, mà mục đích của họ là quyến rũ cho được nhiều người tin theo họ, để họ được nổi tiếng, để họ khoe rằng họ được nhiều người nghe theo.

14 Còn như tôi, tôi sẽ chẳng khoe mình, ngoại trừ khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!

Phao-lô là sứ đồ nổi tiếng hơn hết trong các sứ đồ về công tác rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa. Thế nhưng, ông không khoe khoang về thành tích của mình. Vì ông hiểu rõ, mọi kết quả mục vụ ông có được là bởi sự ban cho của Thiên Chúa và bởi sự cầu thay, tiếp trợ, hiệp sức của nhiều con dân Chúa. Phao-lô chỉ khoe về thập tự giá của Đấng Christ là Chúa của những ai tin nhận Ngài.

Khoe về thập tự giá của Đấng Christ là khoe về sự thánh khiết, sự công chính, và tình yêu của Thiên Chúa. Là công bố cho toàn thế gian biết Đức Chúa Trời không thể chấp nhận tội lỗi. Mỗi một tội đều sẽ bị hình phạt một cách nghiêm khắc. Nhưng Đức Chúa Trời cũng vô cùng yêu thương tội nhân. Ngài muốn cho mọi người được cứu khỏi sự hư mất vì phạm tội, được hiểu biết lẽ thật về sự thánh khiết, công chính, và yêu thương của Ngài (I Ti-mô-thê 2:4).

Khoe về thập tự giá của Đấng Christ là khoe về năng lực cứu rỗi và thánh hóa của Tin Lành. Là tỏ cho toàn thế gian thấy tình yêu của Thiên Chúa và năng lực của Ngài đã cứu và biến hóa một tội nhân như thế nào.

Khoe về thập tự giá của Đấng Christ chính là rao giảng Tin Lành và sống một đời sống kết quả xứng đáng với sự tin nhận Tin Lành.

Câu: “Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!” trong nguyên văn Hy-lạp là: “Bởi ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!” Theo văn phạm Hy-lạp, đại danh từ “ấy” có thể chỉ về Đấng Christ, có thể chỉ về thập tự giá của Đấng Christ, mà cũng có thể chỉ về sự khoe mình của Phao-lô:

  • Bởi Đấng ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!
  • Bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!
  • Bởi sự khoe mình ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!

Chúng tôi chọn dịch là “Bởi thập tự giá ấy” và hiểu là: Phao-lô đã cùng chịu đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ, khi ông tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Chính Phao-lô đã nói lên ý này trước đó trong Ga-la-ti 2:20; 5:24; và trong Rô-ma 6:6.

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

“Những người thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt với tình cảm và sự tham muốn của nó trên thập tự giá rồi.” (Ga-la-ti 5:24).

“Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa.” (Rô-ma 6:6).

Toàn bộ những sự tham muốn và thói hư tật xấu của con người cũ đều thuộc về thế gian:

“Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian.” (I Giăng 2:15-16).

Vì vậy, khi Phao-lô đóng đinh con người cũ của mình vào thập tự giá với Đấng Christ, thì ông cũng đồng thời đóng đinh thế gian vào thập tự giá của Đấng Christ. Đây là một điển hình về sự dùng Thánh Kinh giải thích Thánh Kinh. Trong trường hợp này, đại danh từ “ấy” trong Ga-la-ti 6:14 phải được hiểu là “thập tự giá của Đấng Christ”.

Thập tự giá của Đấng Christ chẳng những giúp chúng ta được cứu rỗi bởi sự chết thay của Đấng Christ, mà còn giúp chúng ta tiêu diệt con người cũ. Chúng ta tiêu diệt con người cũ bằng cách tin rằng chúng ta đã đóng đinh nó vào thập tự giá của Đấng Christ.

15 Vì trong Đấng Christ Jesus, điều có năng lực chẳng phải sự chịu cắt bì hay là sự chẳng chịu cắt bì, mà là sự dựng nên mới.

Dù là người I-sơ-ra-ên chịu cắt bì hay người không thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên và không chịu cắt bì, không một ai có năng lực để sống đúng theo luật pháp của Thiên Chúa, cho đến khi người ấy thật lòng ăn năn tội, hết lòng tin nhận Tin Lành, được dựng nên mới trong Đấng Christ.

16 Nguyện sự bình an và sự thương xót giáng trên hết thảy những ai đi theo mẫu mực này, và trên dân I-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời!

Nhóm chữ “đi theo mẫu mực này” có nghĩa là sống theo tinh thần của câu 15. Sự bình an và sự thương xót từ Thiên Chúa là điều mà chúng ta cần có trong từng giây phút. Chúng ta bình an vì biết và tin rằng, trong mọi cảnh ngộ, Thiên Chúa quan phòng chúng ta và không một sự gì xảy đến cho chúng ta mà không bởi sự cho phép của Ngài. Lời Chúa khẳng định:

“Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:9).

Miễn là chúng ta làm đúng theo mệnh lệnh của Ngài: Đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8).

Thi Thiên 23 là bài ca của sự bình an mà mỗi con dân Chúa cần học thuộc lòng:

1 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Chăn Chiên của tôi. Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.

2 Ngài khiến tôi an nghỉ nơi những đồng cỏ xanh tươi. Ngài dẫn tôi đến các mé nước bình tịnh.

3 Ngài bổ lại linh hồn tôi. Ngài dẫn tôi vào các lối công chính, vì cớ danh Ngài.

4 Dù khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Ngài ở cùng tôi. Cây trượng và cây gậy của Ngài an ủi tôi.

5 Ngài sắm sẵn bàn cho tôi trước mặt những kẻ thù nghịch tôi. Ngài xức dầu cho đầu tôi. Chén tôi đầy tràn.

6 Thật! Trọn đời tôi, phước hạnh và sự từ ái sẽ theo tôi. Tôi sẽ ở trong nhà của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cho đến trọn đời.

Chúng ta cần sự thương xót của Thiên Chúa vì chúng ta vẫn còn sống trong thân thể xác thịt yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội. Chắc chắn sự bình an và sự thương xót của Thiên Chúa sẽ giáng trên những ai được dựng nên mới, là những người đã thuộc về Thiên Chúa.

17 Từ nay về sau, chớ ai làm khó cho tôi, vì tôi mang trong thân thể tôi dấu hiệu của Đức Chúa Jesus.

“Từ nay” tức là từ khi thư Ga-la-ti được công bố giữa các Hội Thánh. “Làm khó” tức là bắt bớ Phao-lô về thẩm quyền sứ đồ của ông, về nội dung Tin Lành ông rao giảng, và về sự ông không giảng dạy phép cắt bì. Phao-lô đã khẳng định thẩm quyền sứ đồ của mình và sự bình đẳng của ông với các sứ đồ khác, đến nỗi ông đã từng lên tiếng quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh. Phao-lô đã khẳng định Tin Lành ông rao giảng là đến từ chính Đức Chúa Jesus Christ, đã được các sứ đồ khác công nhận. Nội dung của thư Ga-la-ti đã đầy đủ và rõ ràng về lẽ thật: Một người được cứu hoàn toàn nhờ có đức tin vào trong ân điển của Thiên Chúa. Ân điển ấy là Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá. Không một điều luật nào của luật pháp đem đến cho loài người sự cứu rỗi. Không một việc làm theo luật pháp nào cứu được một người đã bị luật pháp lên án. Cũng không ai có thể giữ toàn vẹn luật pháp cho đến khi người ấy đã được cứu và được dựng nên mới.

Danh từ “dấu hiệu” trong nguyên ngữ Hy-lạp đuợc dùng để nói về loại dấu hiệu trên da thịt của nô lệ hay súc vật, để chỉ quyền sở hữu của người chủ. Dấu hiệu ấy có thể là một vết chạm, khắc bằng dao, có thể là vết đốt bằng một con dấu làm bằng sắt được nung nóng trong lửa. Có lẽ, Phao-lô muốn nói đến những thương tích ông gánh chịu vì rao giảng Tin Lành đã để lại trên thân thể ông những vết sẹo:

“Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu…” (II Cô-rinh-tô 11:24-25).

Ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, biết bao nhiêu anh chị em cùng đức tin của chúng ta vẫn đang chịu khổ vì rao giảng Lời Chúa và sống theo Lời Chúa. Họ thật sự mang lấy những thương tích trên thân thể của họ và có khi chịu mất mạng sống. Những thương tích ấy chính là dấu hiệu của Đức Chúa Jesus Christ, tức là dấu hiệu chứng tỏ họ thuộc về Đức Chúa Jesus Christ và Ngài là chủ của họ.

Nếu chúng ta chưa có dấu hiệu thuộc về Đấng Christ trên thân thể xác thịt của chúng ta, thì chúng ta cũng hãy có dấu hiệu ấy trong tâm thần của chúng ta, bằng cách hết lòng sống theo Lời Chúa.

18 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta ở với tâm thần của các anh chị em! A-men.

Phao-lô kết thúc thư Ga-la-ti bằng cách một lần nữa, gọi con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ga-la-ti bằng danh xưng “các anh chị em cùng Cha”, để nhắc họ sự hiệp một trong Chúa và địa vị của họ trong Chúa, địa vị làm con của Đức Chúa Trời. Ông chúc cho họ được ân điển của Đấng Christ trong tâm thần của họ. Ân điển của Đấng Christ trong tâm thần tức là sự thương xót, sự ban ơn, sự đồng cảm, sự cứu chuộc, sự thêm sức, sự bình an, và sự vui mừng từ Đấng Christ tuôn đổ trong tâm thần của những ai thuộc về Ngài.

Nguyện Đức Thánh Linh dùng lẽ thật của Lời Chúa trong thư Ga-la-ti đem lại sự thông hiểu cho chúng ta về luật pháp và ân điển, về con người cũ và con người mới, về ý nghĩa thập tự giá của Đấng Christ và ý nghĩa của sự khoe mình về thập tự giá của Đấng Christ.

Nguyện ân điển của Đấng Christ ở cùng tâm thần của mỗi một chúng ta.

Nguyện tình yêu của Đức Chúa Trời, thể hiện qua thập tự giá của Đấng Christ, bao phủ chúng ta cho đến đời đời.

A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/06/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.