Chú Giải Gia-cơ 01:01-11 Thử Thách, Đức Tin, và Sự Ban Cho của Đức Chúa Trời

8,626 views

905901 Chú Giải Gia-cơ 1:1-11
Thử Thách, Đức Tin, và Sự Ban Cho của Đức Chúa Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Gia-cơ 1:1-11

1 Gia-cơ, tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Chúa Jesus Christ, gửi cho mười hai chi phái bị tan lạc. Xin chào mừng!

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng.

3 Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại.

4 Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.

5 Nếu như trong các anh chị em có ai kém khôn sáng, người ấy hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì người ấy sẽ được ban cho.

6 Nhưng người ấy phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ chút nào; vì kẻ nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió khuấy động.

7 Người như thế chớ nên nghĩ rằng, mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa.

8 Một người phân tâm, thì làm việc gì cũng không ổn định.

9 Anh chị em cùng Cha nào thấp hèn hãy vui trong sự người ấy được tôn cao.

10 Người giàu hãy vui trong sự trở nên thấp hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ.

11 Mặt trời mọc lên với nắng gắt, làm cho cỏ khô, hoa của nó rụng, sự xinh đẹp của nó phai tàn: người giàu cũng sẽ qua đi như vậy trong đường lối mình.

Tên Gia-cơ là sự phiên dịch tên Gia-cốp trong tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp. Nguồn gốc của tên Gia-cốp được ghi lại trong Sáng Thế Ký 25. Vợ của I-sác có thai đôi, sinh ra hai con trai. Đứa ra trước có màu đỏ hồng, toàn thân được bao phủ bằng lông như một cái áo khoác bằng lông, nên được đặt tên là Ê-sau, có nghĩa là: “nhiều lông”. Đứa ra sau tay nắm gót chân của đứa ra trước, nên được đặt tên là Gia-cốp, có nghĩa đen là: “nắm gót chân” và nghĩa bóng là: “người thay thế”.

Tác giả thư Gia-cơ chính là em cùng mẹ với Đức Chúa Jesus, và là con thứ nhì, sau Đức Chúa Jesus. Ông là một trưởng lão và là giám mục trong Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem, mà trong Ga-la-ti 2:9 Sứ Đồ Phao-lô gọi ông là “cột trụ” của Hội Thánh. Ông cũng chính là anh của Giu-đe, tác giả thư Giu-đe. Gia-cơ bị những người Pha-ri-si ném đá chết vào năm 62. Chi tiết về Gia-cơ sẽ được trình bày trong bài Giới Thiệu Thư Gia-cơ.

1 Gia-cơ, tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Chúa Jesus Christ, gửi cho mười hai chi phái bị tan lạc. Xin chào mừng!

Gia-cơ xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Chúa Jesus Christ. Ý nghĩa của lời tuyên xưng đó là: Gia-cơ là tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, một con người xác thịt, mà Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người, nên Gia-cơ cũng chính là tôi tớ của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta không thể lý luận theo kiểu của người Công Giáo, rằng: Bà Ma-ri là mẹ của Đức Chúa Jesus Christ, mà Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người, nên bà Ma-ri cũng là mẹ của Thiên Chúa. Bởi vì: trong khi bản thể loài người của Đức Chúa Jesus Christ cần được một người sinh ra để thật sự là một người, thì bản thể Thiên Chúa của Ngài là tự có và có mãi; không ai có thể sinh ra Thiên Chúa, không ai có thể xưng là mẹ của Thiên Chúa.

Chúng ta cũng không thể lý luận: Vì Đức Chúa Jesus Christ là người nên Ngài ngang hàng với chúng ta. Bởi vì, Đức Chúa Jesus Christ không chỉ là người mà Ngài là Thiên Chúa thành người, nên dù ở trong thân vị người, Ngài vẫn cao trọng hơn chúng ta.

Nội dung của thư Gia-cơ được viết và gửi cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên trong Hội Thánh. Chúng ta đã biết, Hội Thánh của Chúa bao gồm dân I-sơ-ra-ên và tất cả các dân tộc khác, không phải là dân I-sơ-ra-ên. Nhưng vì địa vị đặc biệt của dân I-sơ-ra-ên trong chương trình của Thiên Chúa đối với nhân loại, nên Đức Chúa Trời có những sự dạy dỗ đặc biệt cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên và có những công việc nhất định giao cho con dân Chúa người I-sơ-ra-ên. Dù vậy, con dân Chúa trong các dân tộc khác vẫn học được những bài học Đức Chúa Trời dạy dỗ dân I-sơ-ra-ên. Điều đó đã được chứng minh qua các sự dạy dỗ của lời Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước.

Mặt khác, Gia-cơ là một người I-sơ-ra-ên, tin nhận Thiên Chúa và tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, viết cho 12 chi phái I-sơ-ra-ên bị lưu lạc khắp nơi trên đất, là sự minh chứng rằng, Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên, qua Gia-cơ, đang gửi cho toàn dân I-sơ-ra-ên một sứ điệp.

Lời chào mừng của Gia-cơ đến 12 chi phái I-sơ-ra-ên hàm ý ông vui mừng được có cơ hội viết thư cho họ trong địa vị một tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Chúa Jesus Christ. Trong địa vị ấy, những gì ông viết cho họ đều là những gì đến từ Thiên Chúa đã được ban truyền qua Đức Chúa Jesus Christ.

2 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng.

Gia-cơ dùng danh từ “các anh chị em” để nói chuyện với 12 chi phái I-sơ-ra-ên. Điều đó có nghĩa là ông nói chuyện với mỗi con dân Chúa của từng chi phái trong dân I-sơ-ra-ên, không phân biệt nam nữ.

Vào thời điểm Gia-cơ viết thư thì dân I-sơ-ra-ên đã bị tan lạc khắp nơi trên đất đã hơn 500 năm. Họ bị mất nước và tan lạc khắp nơi vì phạm tội mà không chịu ăn năn. Thiên Chúa công chính đã phải hình phạt họ bằng cách để cho họ bị kẻ thù tha hồ bách hại. Chắc chắn là trong hơn 500 năm đó, họ đã trải qua nhiều đau thương, tủi nhục, mất mát. Chúng ta hãy đọc lại những lời trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:58-68 để có thể hình dung những sự đã xảy ra cho dân I-sơ-ra-ên trong thời gian họ bị tan lạc; rồi chúng ta mới thấm hiểu những lời Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Gia-cơ, khuyên dạy các con dân Chúa trong vòng người I-sơ-ra-ên:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:58-68

58 Nếu ngươi không cẩn thận làm theo các lời của luật pháp này, ghi trong sách này, không kính sợ danh vinh quang và đáng sợ này là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi,

59 thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ giáng cho ngươi và dòng giống ngươi những tai vạ lạ thường, lớn lao và lâu bền, những chứng độc bệnh hung.

60 Ngài sẽ khiến giáng trên ngươi các bệnh hoạn của xứ Ê-díp-tô mà ngươi đã run sợ đó, và nó sẽ đeo dính theo ngươi.

61 Các thứ chứng bệnh và tai vạ không có chép trong Sách Luật Pháp này, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng sẽ khiến giáng trên ngươi, cho đến chừng nào ngươi bị tiêu diệt đi.

62 Số các ngươi vốn đông như sao trên trời, nhưng vì không có nghe theo tiếng phán của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, nên chỉ sẽ còn lại ít.

63 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu lấy làm vui mà làm lành và gia thêm các ngươi thế nào, thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cũng sẽ lấy làm vui mà làm cho các ngươi hư mất và tiêu diệt các ngươi thể ấy. Các ngươi sẽ bị truất khỏi xứ mà mình vào nhận lấy,

64 và Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ tản lạc ngươi trong các dân, từ cuối đầu này của đất đến cuối đầu kia; tại đó, ngươi sẽ hầu việc các thần khác bằng cây và bằng đá mà ngươi cùng tổ phụ ngươi không hề biết.

65 Trong các nước ấy, ngươi không được an tịnh, bàn chân ngươi không được nghỉ ngơi; nhưng tại đó Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ban cho ngươi một tấm lòng run sợ, mắt mờ yếu, và linh hồn hao mòn.

66 Sự sống ngươi vẫn không chắc trước mặt ngươi; ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn sự sống mình.

67 Bởi cớ sự khiếp sợ đầy dẫy lòng ngươi, và bị cảnh mắt ngươi sẽ thấy, nên sớm mai ngươi sẽ nói: Ước gì được tối rồi! Chiều tối ngươi sẽ nói: Ước gì được sáng mai rồi!

68 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ khiến ngươi đi tàu trở lại xứ Ê-díp-tô, bởi con đường mà trước ta đã nói: Ngươi không thấy nó nữa; ở đó, ngươi sẽ đem bán mình cho kẻ thù nghịch làm nô và tì, nhưng không có ai mua!

Hơn 500 năm dân I-sơ-ra-ên đã sống trong nghịch cảnh như vậy. Giờ đây, trong số họ đã có những người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ. Họ đã trở thành môn đồ của Đấng Christ. Nhưng khi trở thành môn đồ của Đấng Christ, thì họ lại phải chịu thêm sự bắt bớ đến từ chính những người I-sơ-ra-ên. Vì thế, Đức Thánh Linh đã dùng Gia-cơ viết ra những lời an ủi, khích lệ, gửi đến cho họ. Đức Thánh Linh muốn cho họ hiểu rằng: Mỗi khi họ rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, thì hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng.

Chúng ta chú ý là Thánh Kinh dùng từ ngữ “rơi vào”. Từ ngữ “rơi vào” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: té ngã vào hoặc là bị bao vây bởi. Đó là sự ngoài ý muốn của chúng ta. Không ai muốn rơi vào trong những sự đau thương, hoạn nạn, bị chúng bao phủ. Chính Đức Chúa Jesus cũng đã từng cầu xin: “Xin Ngài cất chén này khỏi Con” (Mác 14:36).

Chúng ta cũng chú ý lời này: “mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng”. Thật vậy, nếu chúng ta thuộc về Chúa thì mỗi nghịch cảnh khác nhau xảy đến cho chúng ta đều là một sự vui mừng, vì nó nằm trong thánh ý của Chúa và có ích cho chúng ta. Để có thể xem mỗi nghịch cảnh Chúa cho phép xảy ra để thử thách chúng ta là một sự vui mừng, thì chúng ta phải có đức tin vững chắc nơi Chúa. Chúng ta phải tin rằng Chúa vô cùng yêu thương chúng ta và Ngài gìn giữ chúng ta như con ngươi của mắt Ngài (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:10). Vì thế, không thể có sự đau khổ vô lý nào Chúa cho phép xảy đến cho chúng ta.

Hoặc là vì chúng ta phạm tội mà bị gánh lấy hậu quả đau khổ, như chúng ta uống rượu say, lái xe, gây tai nạn, bản thân bị bại liệt suốt đời. Hoặc là vì Chúa cho phép sự phạm tội của người khác đem lại hậu quả đau thương cho chúng ta để thử thách chúng ta, như khi có ai đó uống rượu say, lái xe, gây tai nạn và khiến chúng ta bị bại liệt suốt đời.

Thường khi, chúng ta không hiểu vì sao Chúa cho phép nghịch cảnh xảy đến với chúng ta. Chỉ khi chúng ta lấy đức tin mà cảm tạ Chúa và theo sự dạy dỗ của Chúa để đương đầu với nghịch cảnh, thì sau đó, chúng ta mới hiểu được vì sao Chúa đã cho phép nghịch cảnh xảy ra. Chúng ta luôn ghi nhớ điều này:

“Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” (Ê-sai 55:8-9).

Vì thế, chúng ta chỉ cần hoàn toàn tin cậy Chúa như ông Gióp, không thắc mắc, không oán trách, mà chỉ cảm tạ Chúa trong mọi cảnh ngộ của đời sống. Đó là ý muốn của Chúa cho mỗi một con dân Chúa:

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Người không tin Chúa sẽ bảo là vô lý khi thấy chúng ta cảm tạ Chúa trong nghịch cảnh, trong tai ương, trong hoạn nạn… Nhưng rõ ràng đó là điều vô cùng hợp lý, nếu chúng ta thật sự tin rằng:

“…mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Và chính vì thế, nếu chúng ta không biết cảm tạ Chúa trước sự thử thách thì chúng ta đã tỏ ra mình không thật lòng tin cậy Chúa. Và chắc chắn là chúng ta sẽ không vượt qua được sự thử thách.

3 Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại.

Mỗi một sự thử thách xảy ra cho chúng ta đều có chung một mục đích duy nhất là để xem đức tin của chúng ta đang ở mức độ nào. Dĩ nhiên, Chúa biết đức tin của chúng ta như thế nào nhưng các thiên sứ không biết, ma quỷ không biết, thế gian không biết, và chính bản thân của chúng ta cũng không biết.

Nhờ sự chứng tỏ đức tin của chúng ta qua hành động trong mỗi sự thử thách mà các thiên sứ hiểu vì sao Chúa ban thưởng cho chúng ta, ma quỷ không thể kiện cáo chúng ta, thế gian nhìn thấy sự vinh quang của Chúa trong đời sống của chúng ta, và chính chúng ta biết mình thật sự đã tin Chúa và yêu Chúa đến mức độ nào.

Sự thử thách có thể trực tiếp đến từ Thiên Chúa như Ngài đã thử thách A-đam và Ê-va (Sáng Thế Ký 2:15-17) hoặc Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 22). Sự thử thách có thể đến từ Ma Quỷ với sự cho phép của Chúa, như đã xảy ra với ông Gióp. Trong sự thử thách trực tiếp đến từ Thiên Chúa không có sự cám dỗ chúng ta phạm tội. Còn sự thử thách đến từ Ma Quỷ thì luôn là sự cám dỗ, xúi giục chúng ta phạm tội. Ma Quỷ, qua vợ của Gióp, đã cám dỗ Gióp phỉ báng Chúa rồi tự tử. Ma Quỷ đã cám dỗ Chúa lạm dụng ân tứ làm phép lạ, cám dỗ Chúa thử thách Đức Chúa Trời, và cám dỗ Chúa thờ lạy nó để được nó ban cho cả thế gian!

Cho dù là sự thử thách đến từ Thiên Chúa hay cám dỗ đến từ Ma Quỷ, được Chúa dùng để thử thách chúng ta, thì kết quả của sự thử thách là sinh ra sự nhẫn nại. Nhẫn nại tức là bởi đức tin, chịu đựng những điều bất công hoặc không thỏa lòng, cho đến khi Chúa giải cứu chúng ta.

4 Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.

Để cho sự nhẫn nại làm trọn việc nó có nghĩa là chúng ta phải bền lòng chờ đợi cho đến khi sự thử thách kết thúc bởi Chúa. Không tìm cách giải quyết theo ý riêng, nghịch lại nếp sống thánh khiết trong Chúa. Thí dụ: Chúng ta đột nhiên bị thất nghiệp và không tìm được việc làm mới. Sau một thời gian, không thấy Chúa mở đường, chúng ta bèn chấp nhận một việc làm không đẹp ý Chúa, như vào làm trong một sòng bài; hoặc nhận một việc làm không được nghỉ ngày Sa-bát, là chúng ta đã không để cho sự nhẫn nại làm trọn việc nó.

Nếu chúng ta chấp nhận trả mọi giá, cho dù có bị mất xe, mất nhà vì không có việc làm, hay phải chịu đựng bất cứ một sự thiệt hại nào, để không phạm tội, không làm nghịch lại Lời Chúa mà chúng ta đã học biết, thì chúng ta sẽ nên trọn vẹn, không thiếu sót.

5 Nếu như trong các anh chị em có ai kém khôn sáng, người ấy hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì người ấy sẽ được ban cho.

Sự khôn sáng được nói đến trong câu này là sự biết cách vận dụng sự hiểu biết của mình vào trong cuộc sống. Chúng ta có thể có nhiều tri thức, kiến thức, và kỹ năng nhưng lại không biết sử dụng chúng một cách có kết quả tốt đẹp. Nghĩa rộng của câu này là: nếu có ai không biết cách tận dụng những gì Chúa đã ban cho mình (các ta-lâng – Ma-thi-ơ 25:14-30) để làm lợi ra cho Chúa, thì hãy cầu xin Chúa hướng dẫn mình. Ngài sẽ vui mà hướng dẫn chúng ta trong mọi sự.

Ý nghĩa của câu này bao gồm sự cầu xin Chúa giúp chúng ta biết tận dụng những gì Chúa đã ban cho mình để làm ích cho mọi người nhưng trước hết là cho anh chị em cùng đức tin (Ga-la-ti 6:10).

6 Nhưng người ấy phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ chút nào; vì kẻ nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió khuấy động.

Không riêng gì việc cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn sáng, để biết cách tận dụng những gì Chúa đã ban cho mà làm lợi cho nhà Chúa, nhưng trong tất cả mọi sự chúng ta cầu xin Chúa, chúng ta đều phải cầu xin trong đức tin. Nếu chúng ta có chút gì nghi ngờ trong sự cầu xin, thì chúng ta không thể nhận được điều chúng ta cầu xin, mà chúng ta còn có tội trước Chúa. Hãy tưởng tượng, điều chúng ta cầu xin là một quả bong bóng. Một chút nghi ngờ là cái lỗ nhỏ do một mũi kim tạo nên trên quả bong bóng.

Gia-cơ dùng hình ảnh của sóng biển bị gió khuấy động để nói tính chất không ổn định. Người có tính nghi ngờ sẽ khi thì có hy vọng cao nơi Chúa, khi thì lại thất vọng như sóng biển vươn lên rồi đổ ập xuống.

7 Người như thế chớ nên nghĩ rằng, mình sẽ nhận được điều gì từ nơi Chúa.

Một người nghi ngờ là một người không có đức tin. Người không có đức tin thì không thể nhận được điều gì từ nơi Chúa. Bởi vì:

“Không có đức tin thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu. Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Tại sao là con dân Chúa mà lại không có đức tin? Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, đức tin đầu tiên Đức Thánh Linh ban cho chúng ta là đức tin vào trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Sau khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, được tái sinh thành một người mới trong Đức Chúa Jesus Christ, thì đức tin của chúng ta tăng trưởng dần, tùy theo sự chúng ta ham thích Lời Chúa, tức là: đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa mỗi ngày.

Khi chúng ta đọc, hiểu, và làm theo Lời Chúa, thì đức tin dẫn đến đức tin (Rô-ma 1:17). Bởi vì, mỗi khi chúng ta hoàn toàn tin cậy Chúa, làm theo lời phán dạy của Ngài, thì Chúa giúp cho chúng ta hiểu biết sâu nhiệm càng hơn Lời của Chúa và ban cho chúng ta kinh nghiệm phép lạ của Ngài trong đời sống của chúng ta càng hơn.

Người nghi ngờ là người mới đọc Lời Chúa thì tin, vì đó là Lời của Chúa, khi ấy lòng phấn khởi, hy vọng giống như sóng biển vươn cao. Nhưng sau khi làm theo, chậm thấy kết quả, thì sinh ra nghi ngờ, khi ấy lòng lo lắng, hoang mang, rồi thất vọng giống như sóng biển đổ ập.

8 Một người phân tâm, thì làm việc gì cũng không ổn định.

Từ ngữ “phân tâm” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là hai lòng, hai ý; tức là khi thì nghĩ thế này, khi thì nghĩ thế khác, không có sự quyết định. Chúng ta hãy hình dung ra một người dùng dằng giữa sự ở lại trên bờ hay là bước xuống thuyền, kết cuộc bị té xuống nước.

9 Anh chị em cùng Cha nào thấp hèn hãy vui trong sự người ấy được tôn cao.

Người thấp hèn, trong nguyên ngữ của Hy-lạp là người khó nghèo về tài sản vật chất, có địa vị thấp kém trong xã hội, và có thể thiếu học thức. Câu này không nói chung những người thấp hèn trong thế gian mà là nói đến con dân Chúa, vì Gia-cơ gọi họ là “anh chị em”. Những con dân Chúa trong sự thấp hèn sẽ được Chúa dùng để tôn vinh Ngài, họ sẽ được chính Chúa tôn cao trong địa vị làm con dân và tôi tớ của Thiên Chúa.

I Cô-rinh-tô 1:26-29

26 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy xem xét sự kêu gọi của các anh chị em, rằng không có nhiều người khôn sáng theo xác thịt, chẳng có nhiều người quyền thế, chẳng có nhiều người sang trọng.

27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những người dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; Đức Chúa Trời đã chọn những người yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh;

28 Đức Chúa Trời đã chọn những người hèn hạ của thế gian, những người bị khinh chê, cùng những người không có gì để làm cho những người có mọi sự ra không có;

29 để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài.

Chúng ta chú ý đến thời quá khứ được dùng trong các câu trên: “Đức Chúa Trời đã…” Trong nguyên ngữ Hy-lạp thì là một hành động đã xảy ra trong quá khứ nhưng chưa chấm dứt trong hiện tại. Có nghĩa là: Đức Chúa Trời đã, đang, và sẽ tiếp tục dùng những con dân Chúa thấp hèn trong xã hội để tôn vinh Ngài. Vì thế, bất cứ ai thấp hèn trong Chúa, hãy vững tin rằng, Chúa đã dùng chính sự thấp hèn của mình cho thánh ý của Ngài và cho sự vinh quang của Ngài. Trong ngày Chúa đến, mỗi người sẽ được ban thưởng xứng đáng.

10 Người giàu hãy vui trong sự trở nên thấp hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ.

11 Mặt trời mọc lên với nắng gắt, làm cho cỏ khô, hoa của nó rụng, sự xinh đẹp của nó phai tàn: người giàu cũng sẽ qua đi như vậy trong đường lối mình.

Người giàu về của cải vật chất, địa vị, danh tiếng, học thức trong Hội Thánh cũng hãy vui khi Chúa đặt người ấy vào trong địa vị thấp hèn, như khi bị bách hại đức tin, trở thành tù nhân hay nô lệ. Vì hạnh phúc thật là sự được ở trong Chúa, được làm con cái của Đức Chúa Trời, được sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời; không phải là sự được giàu có vật chất là sự sẽ qua đi trong vòng trăm năm.

Người giàu có nhất thế gian, rồi cũng sẽ qua đi. Tất cả những sự vinh hoa, phú quý về vật chất trong cuộc đời này rồi sẽ qua đi như loài hoa cỏ phai tàn theo thời gian. Người giàu trong Chúa, vì thế, hãy vui mừng phân phát tài sản của mình cho các anh chị em trong Chúa có hoàn cảnh khó nghèo. Đó cũng chính là “vui trong sự trở nên thấp hèn”. Con dân Chúa giàu có trong Hội Thánh ban đầu đã làm như vậy (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:32-37).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/03/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.