Chú Giải Gia-cơ 01:12-16 Sự Cám Dỗ

6,793 views

905902 Chú Giải Gia-cơ 1:12-16
Sự Cám Dỗ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 1:12-16

12 Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.

13 Chớ có ai bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào tác động đến Ngài, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.

14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình.

15 Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.

16 Hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, chớ để cho bị dẫn đi sai lạc.

Sự cám dỗ là điều luôn xảy đến trong đời sống của loài người, dù là người tin Chúa hay người không tin Chúa. Bởi vì, sự cám dỗ là một trong các chiến thuật được Ma Quỷ dùng để hủy diệt loài người, làm đau lòng Thiên Chúa, và mong rằng qua đó, nó có thể phá hoại chương trình và ý định của Thiên Chúa.

Chúng ta cần phân biệt sự Ma Quỷ cám dỗ người không tin Chúa và sự Ma Quỷ cám dỗ người tin Chúa. Đối với người không tin Chúa thì Ma Quỷ cám dỗ họ cứ sống thỏa mãn theo mọi sự ưa muốn của họ, bất kể đến quyền lợi của những người khác. Đối với người tin Chúa, là người đã nhận biết luật pháp của Đức Chúa Trời, thì Ma Quỷ bẻ cong Lời Chúa để bào chữa cho các hành động tội lỗi và xúi giục họ phạm tội. Sự bẻ cong Lời Chúa được nhiều người tin theo thì trở thành tà giáo.

Mặc dù sự cám dỗ là việc làm của Ma Quỷ để xúi giục loài người phạm tội, nhưng Đức Chúa Trời biến nó thành sự thử thách đức tin của con dân Chúa. Hai danh từ “sự cám dỗ” và “sự thử thách” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là cùng một chữ. Tất cả những sự đến từ Ma Quỷ để xúi giục con dân Chúa phạm tội đều là cám dỗ. Nhưng vì Chúa có cho phép thì Ma Quỷ mới có thể cám dỗ, cho nên, sự cho phép của Chúa là sự thử thách con dân Chúa. Cũng có khi, chính Chúa trực tiếp thử thách con dân Chúa, như Ngài thử Áp-ra-ham.

Mỗi sự cám dỗ đều là sự xúi giục người bị cám dỗ phạm tội. Mỗi sự thử thách không hề xúi giục người bị thử thách phạm tội, mà chỉ tạo ra cơ hội để người ấy sử dụng quyền tự do lựa chọn của mình.

Điều quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ là:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Lời trên đây hàm ý chúng ta phải dùng sức mạnh Chúa đã ban cho mỗi người, để đứng vững trong đức tin trước những sự cám dỗ hoặc thử thách mà không phạm tội. Chắc chắn là Đức Chúa Trời không bao giờ cho phép một sự cám dỗ hoặc thử thách nào xảy đến cho chúng ta mà chúng ta không có sức chịu đựng. Ngài cũng luôn mở đường để chúng ta ra khỏi mọi sự cám dỗ hoặc thử thách một cách đắc thắng. Còn nếu chúng ta phạm tội, là vì chúng ta vẫn còn yêu chính mình hoặc yêu thế gian hơn yêu Chúa; hoặc chúng ta sợ thế gian hơn là kính sợ Chúa.

12 Phước cho người kiên trì trong sự cám dỗ; vì lúc đã được chấp thuận rồi, thì người ấy sẽ nhận mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho những ai yêu Ngài.

Người đứng vững trước sự cám dỗ là người đã chứng tỏ lòng yêu kính Chúa và vâng phục Chúa của mình. Vì thế, người ấy là người có phước. Chính Thiên Chúa Ba Ngôi chấp thuận người ấy vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Chỉ có những ai được chấp thuận vào trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời thì mới nhận được mão sự sống. Mão sự sống là phần thưởng ban chung cho mỗi người yêu kính Chúa, đứng vững trong sự thử thách do chính Chúa đặt ra, đứng vững trong sự cám dỗ do chính Chúa cho phép Ma Quỷ làm nên.

Chúng ta rất quen với câu nói: Chúng ta được cứu là nhờ ân điển, bởi đức tin, là sự ban cho của Thiên Chúa, chứ không bởi việc làm của mỗi người, vì thế, không ai có thể khoe mình. Và câu ấy hoàn toàn đúng với Thánh Kinh (Ê-phê-sô 2:8-9). Nhưng Ma Quỷ đã bẻ cong ý nghĩa của Lời Chúa, để quỷ biện rằng: Nếu sau khi được cứu mà con dân Chúa sống thánh khiết, vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì con dân Chúa đã cậy vào việc làm để được cứu. Lời quỷ biện ấy thật là vô lý, thế nhưng hàng triệu người trong thế gian đã tin như vậy. Nhất là những người ngang nhiên vi phạm điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn.

Quỷ biện như thế, chẳng khác nào nói rằng: Tôi được định cư ở Mỹ là nhờ lòng tốt của chính phủ Mỹ, chứ chẳng phải bởi một việc làm nào của tôi cho đất nước Mỹ. Vì thế, nếu sau khi tôi được định cư mà tôi vâng giữ luật pháp của nước Mỹ thì tôi đã dựa vào việc làm để được đi định cư ở Mỹ.

Chúng ta được cứu là được cứu ra khỏi nếp sống tội, được cứu ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, và được tái sinh, được ban cho thánh linh để có thể sống một đời sống mới, thánh khiết trong Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chúng ta vẫn còn sống trong tội, không thể không phạm tội thì sao gọi là đã được cứu?

Sự chúng ta được cứu ra khỏi hậu quả và sức mạnh của tội lỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời, để chúng ta có cơ hội sống một đời sống thánh khiết theo ý muốn của Đức Chúa Trời, không phải để chúng ta tha hồ phạm tội, tha hồ vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời mà không sợ bị hình phạt. Chúng ta chỉ cần tin mà được cứu chứ không cần phải làm gì. Nhưng sau khi được cứu thì chúng ta phải vâng giữ mọi điều răn của Đức Chúa Trời thì chúng ta mới nhận được phần thưởng là sự sống đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Những ai sau khi được cứu mà vẫn sống trong tội thì sẽ bị các thiên sứ của Chúa gom lại, ném vào hồ lửa đời đời.

Để chứng minh một người đã thật sự gớm ghét tội lỗi, chỉ muốn sống thánh khiết trong Chúa, và yêu Chúa hơn tất cả mọi sự, thì Chúa cho phép sự thử thách xảy ra. Trước hết là những sự cám dỗ đến từ Ma Quỷ để chứng minh người được thử không còn ham muốn những sự tội lỗi. Kế tiếp là sự thử thách trực tiếp đến từ Thiên Chúa để chứng minh người được thử yêu Chúa trên tất cả mọi sự.

13 Chớ có ai bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào tác động đến Ngài, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.

Đức Chúa Trời không bao giờ xúi giục ai phạm tội. Ngài thử thách loài người để họ tự do lựa chọn, nhưng Ngài không bao giờ xúi giục họ phạm tội. Trong câu chuyện Chúa thử thách A-đam và Ê-va, Ngài chỉ truyền lệnh cho họ không được ăn trái của Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Nhưng ma quỷ thì nói dối để cám dỗ Ê-va phạm tội. Dù vậy, trong lần cám dỗ đầu tiên, Ma Quỷ cũng không thể ra lệnh cho loài người phạm tội, mà nó chỉ lừa dối để loài người tự mình quyết định phạm tội. Và khi loài người đã phạm tội, thì loài người trở thành nô lệ cho Ma Quỷ và tội lỗi. Kể từ đó, Ma Quỷ có quyền ra lệnh cho loài người phạm tội. Kể từ đó, tội lỗi cũng có quyền trên loài người, buộc loài người phải cứ tiếp tục làm ra tội.

Đức Chúa Trời biết hết mọi sự. Ngài biết tất cả những ý tưởng gian ác của Sa-tan, nhưng Ngài không bị các ý tưởng đó tác động để làm ác như Sa-tan. Ngài cũng không tác động bất cứ loài tạo vật nào làm ác. Vì thế, chúng ta không thể nói rằng Đức Chúa Trời đã cám dỗ mình. Có người cho rằng, sự kiện Chúa cho Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác mọc lên giữa vườn tại Ê-đen là một hình thức Chúa cám dỗ loài người phạm tội. Đó là lời vu khống và quỷ biện. Chúng ta bị cám dỗ vì lòng chúng ta tham muốn những sự không thuộc về mình và tìm cách để chiếm đoạt.

14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi bị dẫn dụ sai lạc bởi sự tham muốn của chính mình.

Lòng ham muốn là sự Chúa ban cho chúng ta và không có gì sai. Chỉ khi nào chúng ta ham muốn một cách không chính đáng, tức là ham muốn những điều không thuộc về mình, thì mới là sai, khi ấy lòng ham muốn trở thành tham muốn. Và khi chúng ta suy nghĩ, tìm cách để chiếm đoạt điều không thuộc về mình, thì chúng ta đã bị lòng tham muốn dẫn dụ sai lạc, tức là chúng ta bị cám dỗ. Nghĩa là, khi chúng ta bắt đầu suy nghĩ, lý luận để thỏa mãn lòng tham muốn không chính đáng thì chúng ta đã bị lòng tham muốn xúi giục chúng ta phạm tội.

15 Kế đó, sự tham muốn thành hình và kết quả tội lỗi. Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết.

Tiếp theo sự cám dỗ, tức là sự suy nghĩ để tìm cách thỏa mãn lòng tham muốn, thì sự tham muốn cứ gia tăng cho đến khi thể hiện thành hành động. Từ ngữ “thành hình” trong câu 15 là từ ngữ gọi sự thành hình của bào thai trong lòng mẹ. Khi lòng tham muốn đã biến thành hành động tội lỗi thì kẻ phạm tội nhận lấy bản án chết. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

16 Hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, chớ để cho bị dẫn đi sai lạc.

Là con dân Chúa, chúng ta có Thiên Chúa trong thân vị Thần Lẽ Thật, là Đức Thánh Linh, ngự trong thân thể chúng ta, để dắt chúng ta vào trong mọi lẽ thật (Giăng 16:13). Dù cho chúng ta có khờ dại, cũng không thể đi lạc (Ê-sai 35:8), bởi vì:

“Khi các ngươi quay sang phải hoặc khi các ngươi quay sang trái thì tai của các ngươi sẽ nghe lời từ phía sau của các ngươi, phán: Đây là con đường! Các ngươi hãy đi theo nó!” (Ê-sai 30:21).

Và Lời Chúa là ngọn đèn cho chân chúng ta, ánh sáng cho lối đi của chúng ta (Thi Thiên 119:105).

Nhưng nếu chúng ta không nghe theo tiếng phán của Đức Thánh Linh, không vâng theo lời Chúa đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh, thì chúng ta sẽ bị Sa-tan dùng các giáo sư giả rao giảng tà giáo, dẫn chúng ta đi sai lạc Lời Chúa. Hiện nay, tà giáo lớn nhất là tà giáo phủ nhận ngày Sa-bát Thứ Bảy của Thiên Chúa; tà giáo lớn thứ nhì là tà giáo dạy rằng “được cứu một lần, được cứu vĩnh viễn”; tà giáo lớn thứ ba là tà giáo “nói tiếng lạ và báp-tem bằng thánh linh”. Cả ba tà giáo này cùng nhau dẫn đưa hơn hai tỉ người xưng nhận là con dân Chúa đi sai lạc Lời Chúa.

Ý nghĩa của câu 16 là: các anh chị em đang ở trong đường lối của Chúa. Các anh chị em hãy cẩn thận, đừng để cho Ma Quỷ cám dỗ các anh chị em đi sai lạc đường lối của Chúa.

Khi chúng ta ngã vào trong sự cám dỗ là chúng ta đã sai lạc đường lối của Chúa, nghịch lại thánh ý của Chúa. Cảm tạ Chúa về sự nhân từ, thương xót, và nhẫn nại của Ngài. Ngài vẫn ban cho chúng ta cơ hội để ăn năn và quay lại:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Để thắng cám dỗ, chúng ta phải dùng Lời Chúa, là gươm của Đấng Thần Linh, đánh trả từng lời quỷ biện và dẫn dụ của Ma Quỷ. Để có thể dùng Lời Chúa đánh trả Ma Quỷ, chúng ta phải đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm. Chúng ta cũng có thể nhân danh của Đức Chúa Jesus Christ để truyền cho Ma Quỷ cùng sự cám dỗ phải lui xa khỏi chúng ta. Và trên hết, chúng ta có quyền kêu cầu danh Đức Chúa Jesus Christ, xin Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự phạm tội.

Một điều vô cùng quan trọng là chúng ta đừng bao giờ tự đặt mình vào sự cám dỗ; không bao giờ đi đến những nơi hay tiếp xúc với những người mà chúng ta biết rằng, sẽ khiến cho chúng ta bị cám dỗ. Tránh tất cả những website nào có những hình ảnh hay phim, truyện khiêu dâm. Tránh tất cả những hình ảnh hở hang, khêu gợi tà dâm.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/04/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.