Chú Giải Gia-cơ 01:17-27 Nếp Sống Tin Kính

6,673 views

905903 Chú Giải Gia-cơ 1:17-27
Nếp Sống Tin Kính

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 1:17-27

17 Mọi sự ban cho tốt lành cùng mọi sự giao phó trọn vẹn đều từ nơi cao và bởi Cha của sự sáng mà xuống. Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự xoay chuyển nào.

18 Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của lẽ thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.

19 Vậy, các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, mỗi người hãy mau nghe mà chậm nói, chậm giận.

20 Vì sự giận của loài người không làm nên sự công chính của Thiên Chúa.

21 Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và sự đầy dẫy của điều độc ác, đem lòng nhu mì nhận lấy Lời đã trồng trong các anh chị em, là Lời cứu được linh hồn của các anh chị em.

22 Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.

23 Vì nếu có ai chỉ là người nghe mà không là người làm theo Lời, người ấy giống như kẻ soi mặt tự nhiên của mình trong gương,

24 ngắm nhìn mình rồi đi, và quên ngay mình là người như thế nào.

25 Nhưng ai nhìn vào trong luật pháp trọn vẹn của sự tự do, và cứ ở gần bên, thì người ấy chẳng phải là kẻ nghe rồi quên đi, nhưng là một người làm việc. Người ấy sẽ được phước trong việc làm mình.

26 Nếu có ai giữa vòng các anh chị em dường như là tin kính mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin kính của người ấy là vô ích.

27 Sự tin kính và thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời và Cha là: thăm viếng những con mồ côi và những người góa bụa trong cơn khốn khó của họ; và giữ mình không tì vết, xa cách thế gian.

Sự ban cho và sự giao phó từ Đức Chúa Trời là hai điều khác nhau.

Sự ban cho của Đức Chúa Trời có thể là vô điều kiện hoặc có điều kiện vì ích lợi của người được ban cho.

Sự ban cho vô điều kiện từ Đức Chúa Trời là tình yêu của Ngài. Ngài yêu muôn loài tạo vật và Ngài yêu loài người tội lỗi chúng ta. Ngài làm ơn cho loài người, không phân biệt người lành hay kẻ ác, như được nói đến trong Ma-thi-ơ 5:45: “Ngài khiến mặt trời của Ngài mọc lên trên những kẻ dữ cùng những người lành, và Ngài làm mưa trên những người công chính lẫn những kẻ không công chính”.

Sự ban cho có điều kiện từ Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi. Ngài ban sự cứu rỗi cho loài người nhưng chỉ những ai đáp ứng hai điều kiện do chính Ngài đặt ra, thì họ mới nhận được sự cứu rỗi:

  1. Ăn năn tội, tức là hối tiếc vì đã phạm tội và chịu từ bỏ hành động phạm tội.
  2. Hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Thiếu một trong hai điều kiện ấy thì không thể nào nhận được sự ban cho về sự cứu rỗi.

Sự giao phó từ Đức Chúa Trời là sự Ngài ban cho con dân của Ngài thẩm quyền, năng lực, cùng các ân tứ (tức là các kỹ năng và các đức tính được Đức Thánh Linh ban cho cách đặc biệt – I Cô-rinh-tô 12) để họ hầu việc Ngài, giúp ích lẫn nhau và rao giảng Tin Lành của Ngài đến khắp nơi trên đất. Từ ngữ “giao phó” có nghĩa là ban cho để làm ra những việc tốt lành.

Là con dân Chúa, mỗi người trong chúng ta vừa có sự ban cho vừa có sự giao phó từ Đức Chúa Trời. Tất cả những sự ban cho và giao phó từ Chúa giúp cho chúng ta sống một nếp sống tin kính, tốt lành và trọn vẹn, đẹp lòng Chúa và kết quả cho đến đời đời.

17 Mọi sự ban cho tốt lành cùng mọi sự giao phó trọn vẹn đều từ nơi cao và bởi Cha của sự sáng mà xuống. Trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự xoay chuyển nào.

Mọi sự ban cho từ Đức Chúa Trời đều nằm trong sự cứu rỗi và sự Đức Chúa Trời quan phòng (chăm sóc, bảo vệ) chúng ta. Mọi sự ban cho đều là do Chúa theo ý Ngài mà ban cho chúng ta, chúng ta không cần phải làm gì, mà chỉ cần đón nhận. Mọi sự ban cho từ Đức Chúa Trời đều là tốt lành. Từ ngữ “tốt lành” có nghĩa là “thiện” như khi chúng ta nói: Đức Chúa Trời là thiện.

Mọi sự giao phó từ Đức Chúa Trời đều nằm trong bổn phận của chúng ta đối với Hội Thánh và đối với những người ở ngoài Hội Thánh.

Bổn phận của chúng ta đối với Hội Thánh bao gồm phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể, đã được Đức Thánh Linh truyền cho chúng ta, như sau:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!” (I Cô-rinh-tô 14:26).

“Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 6:2).

“Nếu có anh em cùng Cha nào hoặc chị em cùng Cha nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống mỗi ngày, mà một người trong các anh chị em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích lợi gì chăng?” (Gia-cơ 2:15-16).

Bổn phận của chúng ta đối với những người ở ngoài Hội Thánh đã được Đức Chúa Jesus Christ truyền cho chúng ta trong Ma-thi-ơ 28:19-20. Đó là: khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Làm báp-tem cho họ vào trong danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Dạy cho họ giữ hết thảy mọi điều mà Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho chúng ta:

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi…”

Để chúng ta có thể làm tròn bổn phận ấy, thì thẩm quyền phải được giao cho chúng ta, năng lực, và các ân tứ phải được giao cho chúng ta. Mọi sự giao phó đó đều là trọn vẹn. Và trọn vẹn ở đây có nghĩa là hoàn toàn đầy đủ để cho chúng ta hành động, hoàn thành bổn phận.

Sự sáng tiêu biểu cho sự thông hiểu, công chính, và chân thật. Danh hiệu “Cha của sự sáng” hàm ý Đức Chúa Trời là nguồn của mọi sự thông hiểu, công chính, và chân thật. Chính vì thế mà mọi sự ban cho từ Ngài đều tốt lành và mọi sự giao phó từ Ngài đều là trọn vẹn. Sự sáng cũng đồng nghĩa với sự sống (Giăng 1:4), cho nên, “Cha của sự sáng” còn có nghĩa là “Nguồn của sự sống”.

Tới đây, chúng ta cần nhớ rằng, chính Đức Chúa Jesus Christ tự xưng, Ngài là Lẽ Thật và Sự Sống (Giăng 14:6); và Ngài gọi Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật (Giăng 14:17; 16:13). Vì thế, chúng ta cần phải hiểu rằng, không riêng Đức Chúa Trời mà là cả ba thân vị Thiên Chúa đều là: sự sống, sự sáng, và lẽ thật!

Là con dân Chúa, nếu chúng ta trung tín sống theo Lời Chúa, vững tin nơi Ngài thì đương nhiên mọi sự ban cho và giao phó đều đã được Đức Chúa Trời tuôn đổ trên chúng ta, qua Đức Thánh Linh, trong Đức Chúa Jesus Christ. Những sự thiếu thốn về vật chất mà Chúa cho phép xảy đến cho chúng ta đều là sự thử thách để rèn luyện chúng ta và không một sự nào quá sức chịu đựng của chúng ta. Mỗi khi chúng ta đối diện với thử thách, chúng ta hãy nhớ đến những lời sau đây của Phao-lô, được ghi lại trong II Cô-rinh-tô 11:23-27:

23 …tôi hơn nhiều trong những sự lao động; hơn nhiều trong những sự đòn roi quá mức; hơn nhiều trong những nhà tù; hơn nhiều những lần trong sự chết.

24 Năm lần tôi đã nhận đòn bởi những người Do-thái, thiếu một roi đầy bốn chục.

25 Ba lần tôi đã bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã chịu trong biển sâu một ngày một đêm.

26 Những cuộc hành trình thường xuyên nguy vì sông nước; nguy vì trộm cướp; nguy bởi dân mình; nguy bởi dân ngoại; nguy trong thành phố; nguy trong đồng vắng; nguy trong biển; nguy giữa những anh chị em giả dối,

27 trong sự lao động và sự khó nhọc, trong sự tỉnh thức. Thường xuyên ở trong sự đói và sự khát. Thường xuyên ở trong sự lạnh và sự lõa lồ.

Hãy so sánh lòng yêu kính Chúa của Phao-lô với lòng yêu kính Chúa của chúng ta và so sánh sự thử thách mà Phao-lô đã đối diện với sự thử thách mà chúng ta đang đối diện. Chắc chắn chúng ta sẽ được an ủi nhiều và sẽ cảm tạ Chúa càng hơn, để tiếp tục đứng vững trong sự thử thách, chờ Chúa mở đường cho ra khỏi.

Nếu chúng ta nhìn mọi sự thử thách bằng cái nhìn của Thiên Chúa, thì mỗi sự thử thách chính là một cơ hội Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, để chúng ta được hưởng phước và được thưởng.

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

Trong Đức Chúa Trời không hề có sự thay đổi, vì Ngài là toàn thiện. Ngài thực hữu đời đời trong sự “từ ái, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ, và chân thật; ban ơn đến nhiều ngàn đời, tha thứ sự gian ác, sự phản nghịch, và tội lỗi; nhưng chẳng bỏ qua tội lỗi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6-7). Trong Đức Chúa Trời không có bóng của sự xoay chuyển có nghĩa là Ngài không thay đổi. Gia-cơ mượn hình ảnh sự xoay chuyển của trái đất tạo nên ngày đêm, khiến cho mặt đất có khi được chiếu sáng bởi mặt trời, có khi bị tối tăm, để nói đến sự Đức Chúa Trời không thay đổi, khi thiện, khi ác.

18 Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của lẽ thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.

Đức Chúa Trời là tình yêu. Ngài yêu thế gian tội lỗi nên Ngài đã ban cho thế gian sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ. Ngài dùng sự rao giảng của Đức Chúa Jesus Christ, là Lời của lẽ thật, để tái sinh chúng ta, là những người tin nhận sự rao giảng ấy. Nhờ đó, chúng ta trở thành những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.

Ở đây, chúng ta cần chú ý đến chi tiết này: Loài người là công trình sáng tạo sau cùng của Thiên Chúa, cho nên không thể là trái đầu mùa của những tạo vật của Đức Chúa Trời trong thế giới hiện tại. Nhưng chúng ta là con dân Chúa, chúng ta là những tạo vật mới được dựng nên trong Đức Chúa Jesus Christ, thì trở thành trái đầu mùa của mọi loài thọ tạo trong trời mới đất mới. Trong II Cô-rinh-tô 5:17, từ ngữ “tạo vật mới” được dùng để gọi những người ở trong Đức Chúa Jesus Christ.

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.”

Chúng ta, con dân của Chúa, là những tạo vật mới đầu tiên trong công trình tái tạo của Thiên Chúa. Hình ảnh bó lúa đầu mùa được dâng lên vào ngày 16 tháng thứ nhất (tháng Một), sau ngày Sa-bát của Lễ Bánh Không Men, chính là hình ảnh của Hội Thánh.

Bảy tuần lễ sau đó là Lễ Ngũ Tuần, còn gọi là Lễ Các Tuần Lễ hay Lễ Mùa Gặt (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:16), tiêu biểu mùa gặt thuộc linh cho Vương Quốc Ngàn Năm (Ma-thi-ơ 25:31-46), sau bảy năm đại nạn.

19 Vậy, các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi, mỗi người hãy mau nghe mà chậm nói, chậm giận.

20 Vì sự giận của loài người không làm nên sự công chính của Thiên Chúa.

Gia-cơ kêu gọi con dân Chúa hãy mau nghe, chậm nói, chậm giận, bởi vì, chúng ta đã nhận được những sự giao phó của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta có thẩm quyền, năng lực, và ân tứ từ Đức Thánh Linh để làm trọn bổn phận tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua của chúng ta. Chúng ta phải chậm giận như Đức Chúa Trời chậm giận.

Mau nghe có nghĩa là sẵn sàng nghe người khác trình bày và suy xét cẩn thận. Chậm nói có nghĩa là chỉ nói sau khi đã lắng nghe đầy đủ các dữ kiện, các chứng cớ, và suy xét trong sự cầu nguyện.

Cơn giận của loài người thường dựa trên cảm xúc nhất thời, thiếu thông tin chính xác về sự việc đáng giận hoặc là thiên vị. Vì thế, tất cả các hành động ra từ cơn giận của loài người không thể hiện sự công chính của Thiên Chúa. Cũng chính vì thế mà Chúa đòi hỏi mọi lời kết tội phải có ít nhất là hai nhân chứng:

“Một người chứng sẽ không xác định một người nào về sự gian ác nào hoặc tội lỗi nào trong bất cứ tội nào mà người ấy phạm. Theo miệng của hai người chứng hay theo miệng của ba người chứng, mà sự việc mới được xác định.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15).

Trong Hội Thánh của Chúa, con dân Chúa tuyệt đối không phao tin đồn về sự anh chị em của mình phạm tội một cách không có bằng chứng theo quy định của Thánh Kinh. Ngay cả khi sự phạm tội của một người là rõ ràng với đầy đủ chứng cớ thì chúng ta cũng chậm giận, mà kêu gọi người có tội ăn năn, để người ấy có cơ hội ăn năn. Chỉ sau khi kêu gọi ăn năn mà kẻ có tội vẫn cứng lòng, không chịu ăn năn, thì chúng ta mới giận mà phó kẻ ấy cho Sa-tan (I Cô-rinh-tô 5:1-5).

21 Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và sự đầy dẫy của điều độc ác, đem lòng nhu mì nhận lấy Lời đã trồng trong các anh chị em, là Lời cứu được linh hồn của các anh chị em.

Vì chúng ta là con dân của Chúa, đã được nhận đủ mọi thứ ơn ban cho và giao phó tốt lành và trọn vẹn từ Đức Chúa Trời, cho nên, chúng ta phải từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi, đầy dẫy những ô uế, gian ác, mà mềm mại tiếp nhận Lời của lẽ thật đã được Đức Thánh Linh gieo trồng trong chúng ta. Chính Lời ấy đã tái sinh chúng ta, cứu linh hồn của chúng ta.

22 Các anh chị em hãy là những người làm theo Lời, đừng là những người chỉ nghe mà thôi, tự lừa gạt chính mình.

Trong thế gian có biết bao nhiêu người hàng tuần nghe giảng Lời Chúa, thậm chí trong số họ có nhiều người đứng ra rao giảng Lời Chúa. Thế nhưng, hàng tỉ người chỉ là những người nghe mà không làm theo. Họ tự lường gạt chính mình, vì họ cho rằng nhờ giảng Lời Chúa cho người khác hay nhờ nghe người khác giảng Lời Chúa mà họ được cứu.

Gia-cơ kêu gọi con dân Chúa hãy trở nên những người làm theo Lời Chúa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định, chỉ những ai làm theo Lời Chúa mới được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Ma-thi-ơ 7:21-27 chép:

21 Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.

22 Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao?

23 Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.

24 Vậy, bất cứ ai nghe những lời phán này của Ta và làm theo chúng, thì người ấy sẽ giống như một người khôn sáng, là người xây nhà của mình trên vầng đá.

25 Mưa lớn sa xuống, nước lụt đến, cuồng phong thổi, xô động nhà ấy, nhưng nó không sụp đổ, vì nền đã được đặt trên vầng đá.

26 Ai nghe những lời phán này của Ta mà không làm theo chúng, thì người ấy sẽ giống như một người dại, là người xây nhà của mình trên cát.

27 Mưa lớn sa xuống, nước lụt đến, cuồng phong thổi, xô động nhà ấy, thì nó sụp đổ và sự sụp đổ của nó là lớn.

Chúng ta hãy tự xét lấy chính mình. Hãy xét xem còn có lời phán dạy nào của Chúa mà chúng ta không vâng theo? Chúng ta hãy nhờ Đức Thánh Linh chỉ ra những tội mà chúng ta không biết.

23 Vì nếu có ai chỉ là người nghe mà không là người làm theo Lời, người ấy giống như kẻ soi mặt tự nhiên của mình trong gương,

24 ngắm nhìn mình rồi đi, và quên ngay mình là người như thế nào.

Danh từ “mặt tự nhiên” nói đến khuôn mặt thật của người soi gương, không được chăm sóc, trang điểm, tỉa sửa. Chúng ta quen thuộc với việc soi gương. Chúng ta soi gương để biết có điều gì không chỉnh tề về sắc diện của chúng ta và quần áo của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta nhìn thấy có điểm nào không chỉnh tề thì chúng ta sửa chữa. Cũng có người soi gương để trang điểm, làm tăng lên nét đẹp của khuôn mặt, mái tóc. Nhưng nếu một người sau khi soi gương xong, nhìn thấy các khuyết điểm mà không sửa chữa, thì việc soi gương trở thành vô ích.

25 Nhưng ai nhìn vào trong luật pháp trọn vẹn của sự tự do, và cứ ở gần bên, thì người ấy chẳng phải là kẻ nghe rồi quên đi, nhưng là một người làm việc. Người ấy sẽ được phước trong việc làm mình.

“Luật pháp trọn vẹn của sự tự do” chính là luật pháp mà Đức Thánh Linh đã chép vào trong lòng của con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 10:15-16), còn được gọi là “luật pháp của Đấng Thần Linh Sự Sống” (Rô-ma 8:2). Luật pháp ấy bao gồm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21), Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 13:34), và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

  • Luật pháp trọn vẹn: Gồm đủ mọi sự, không thể thêm và không thể bớt.
  • Luật pháp của sự tự do: Không ai bị buộc phải giữ luật pháp nhưng mỗi người tự nguyện giữ luật pháp, vì sự trọn vẹn của luật pháp. Thí dụ: Các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do cư trú, tự do tín ngưỡng… đều là hình thức của luật pháp của sự tự do.

Trái của tâm thần được chép trong Ga-la-ti 5:22-23 chính là hình thức luật pháp của sự tự do:

“Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.”

Con dân Chúa nhìn vào luật pháp trọn vẹn của sự tự do, sống trong luật pháp trọn vẹn của sự tự do, thường xuyên làm theo (ở gần) thì được phước trong việc làm của mình, tức đời sống mình. Được phước trong việc làm là được Đức Chúa Trời chấp nhận đời sống của mình, được Đức Chúa Jesus Christ ban thưởng cách xứng đáng, và được Đức Thánh Linh khiến cho kết quả của đời sống mình còn lại đời đời.

Sống theo Lời Chúa tức là hầu việc Chúa và thờ phượng Chúa, chiếu sáng sự vinh quang của Chúa, mà cũng là vui hưởng Chúa.

26 Nếu có ai giữa vòng các anh chị em dường như là tin kính mà không cầm giữ lưỡi mình, nhưng lại lừa dối lòng mình, thì sự tin kính của người ấy là vô ích.

“Dường như là tin kính” có nghĩa là nhìn bề ngoài thì thấy như là một người tin kính. Từ ngữ “tin kính” có nghĩa là tin Chúa và kính sợ Chúa. Nhưng người thật sự tin Chúa và kính sợ Chúa là người biết cầm giữ lời nói của mình. Người nào nói mình là con dân Chúa nhưng hay nói lời giễu cợt, tục tĩu, dối trá, độc ác, hoặc thô lỗ, cộc cằn, lời nói không ở trong ân điển thì người ấy đã không biết cầm giữ lưỡi mình:

“Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

“Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:4).

“Lời nói của các anh chị em phải luôn ở trong ân điển, được nêm muối, để các anh chị em biết nên đối đáp mỗi người là thế nào.” (Cô-lô-se 4:6).

Ma-thi-ơ 12:34-37

34 Hỡi dòng dõi của rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.

35 Người lành do lòng chứa của người lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do lòng chứa của kẻ dữ mà phát ra điều dữ.

36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét. 

37 Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công chính, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.

Chúng ta sẽ cùng nhau học thêm về cái lưỡi và lời nói trong Gia-cơ đoạn 3.

27 Sự tin kính và thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời và Cha là: thăm viếng những con mồ côi và những người góa bụa trong cơn khốn khó của họ; và giữ mình không tì vết, xa cách thế gian.

Lòng tin yêu, kính sợ Thiên Chúa, và nếp sống thanh sạch trước mặt Cha ở trên trời của chúng ta phải được thể hiện bằng hành động. Đó chính là sự yêu thương người khác như chính mình, thể hiện qua sự thăm viếng và cứu giúp những người đáng thăm, đáng giúp; điển hình là những trẻ mồ côi và những người góa bụa nghèo khổ. Kế tiếp là giữ cho mình không phạm tội, không ô uế, và không hòa nhập với thế gian.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/04/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.