Chú Giải Gia-cơ 03:01-12 Cái Lưỡi Thể Hiện Bản Ngã

8,464 views


YouTube: https://youtu.be/tXkXUgKRSjY

905906 Chú Giải Gia-cơ 3:1-12
Cái Lưỡi Thể Hiện Bản Ngã

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 3:1-12

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, chớ có quá nhiều người làm thầy, vì biết rằng, chúng ta sẽ phải chịu án phạt càng nghiêm hơn.

2 Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể.

3 Hãy xem, chúng ta khớp các hàm thiếc vào miệng những con ngựa, khiến chúng chịu phục chúng ta, thì chúng ta mới điều khiển được cả thân thể của chúng.

4 Hãy xem những chiếc tàu: dù cho lớn thế nào, và bị gió mạnh đưa đi; nhưng một bánh lái rất nhỏ cũng đủ điều khiển nó, tùy theo ý người cầm lái.

5 Cũng vậy, cái lưỡi là một chi thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Hãy xem, một khu rừng lớn có thể bị đốt cháy bởi một ngọn lửa nhỏ.

6 Cái lưỡi là một ngọn lửa, là thế giới của tội ác. Cái lưỡi ở giữa các chi thể của chúng ta, làm ô uế cả thân thể, đốt cháy cả đời người, và nó bị đốt bởi hỏa ngục.

7 Hết thảy loài muông thú và loài chim chóc, loài bò sát và loài dưới biển đều trị phục được và đã bị trị phục bởi bản tính tự nhiên của loài người rồi.

8 Nhưng cái lưỡi thì không người nào có thể trị phục được nó. Nó là một vật dữ không thể bị trị phục, đầy dẫy những chất độc giết chết.

9 Bởi nó chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

10 Cùng một miệng mà ra lời tôn vinh và lời rủa sả! Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, không nên như vậy.

11 Có lẽ nào một nguồn nước kia, cùng một mạch mà ra cả nước ngọt lẫn nước đắng sao?

12 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, cây vả có ra trái ô-li-ve được chăng? Hay là cây nho có ra trái vả được chăng? Không nguồn nước nào ra cả nước mặn lẫn nước ngọt.

Sức mạnh của lời nói vượt ngoài sự suy tưởng của chúng ta. Lời nói có thể làm cho sống, lời nói có thể làm cho chết. Lời nói có thể gây dựng, lời nói có thể phá hủy. Chúng ta đã học biết trong Sáng Thế Ký về sự Thiên Chúa dựng nên muôn vật trong các tầng trời và đất chỉ bằng bảy lời phán của Ngài. Chúng ta đã học biết trong Khải Huyền về sự Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời hiện ra trong xác thịt sẽ dùng lời phán của Ngài mà tiêu diệt các thế lực của AntiChrist vào cuối của bảy năm đại nạn.

Loài người đã được dựng nên theo hình Thiên Chúa và theo tượng Thiên Chúa, nên loài người cũng có lời nói. Lời nói của loài người cũng có sức mạnh để gây dựng hoặc để phá hủy. Lời nói được phát ra bởi cái lưỡi. Nhưng từ khi loài người phạm tội thì cái lưỡi trở thành công cụ của tội lỗi, để nói ra những sự ưa thích tội lỗi trong lòng, để khoe khoang, khoác lác, để dối trá, dua nịnh trục lợi, để rủa sả và vu khống người khác… Thậm chí, để dua nịnh cả Thiên Chúa và nói dối với Ngài:

“Nhưng chúng nó lấy miệng dua nịnh Ngài, dùng lưỡi mình nói dối với Ngài.” (Thi Thiên 78:36).

Trong Thánh Kinh ghi lại hàng trăm câu liên quan đến cái lưỡi. Nhưng Gia-cơ 3:1-12 là những lời phán dạy rất thực tế của Đức Thánh Linh về tội lỗi và sức mạnh của lưỡi:

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, chớ có quá nhiều người làm thầy, vì biết rằng, chúng ta sẽ phải chịu án phạt càng nghiêm hơn.

Chúng ta đã biết, tội lỗi đầu tiên xảy ra giữa vòng các thiên sứ là sự kiêu ngạo muốn làm mình ra bằng Thiên Chúa của thiên sứ Lu-xi-phe. Sự kiêu ngạo đó đã phát ra thành lời nói:

“Hỡi Lu-xi-phe, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời đã sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi đã bị chặt xuống đất là thế nào! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhấc ngai ta lên trên các ngôi sao Thiên Chúa. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao.” (Ê-sai 14:12-14).

Tội lỗi đầu tiên xảy ra giữa vòng loài người cũng là vì Ê-va có lòng kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa. Và khi một con dân Chúa có lòng kiêu ngạo về sự hiểu biết thuộc linh thì người ấy sẽ muốn xưng mình là “thầy” để giảng dạy người khác.

Tuy nhiên, sự giảng dạy trong Hội Thánh là một chức vụ do Đức Chúa Trời lập ra (I Cô-rinh-tô 12:28) và do Đức Chúa Jesus Christ giao phó cho những người được chọn vào trong chức vụ ấy (Ê-phê-sô 4:11). Không ai có thể tự lập mình làm người giảng dạy trong Hội Thánh, cũng không một người nào hay một tổ chức giáo hội nào có quyền “phong chức” cho bất cứ ai giảng dạy trong Hội Thánh. Chính Đức Thánh Linh ấn chứng chức vụ giảng dạy của một người trong Hội Thánh trong lòng của người ấy và trong lòng của con dân Chúa trong Hội Thánh.

Người ở trong chức vụ giảng dạy do Chúa ban cho sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn về sự giảng dạy của mình. II Ti-mô-thê 2:15 chép:

“Hãy gắng sức cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ hổ thẹn, giảng dạy Lời của Lẽ Thật một cách ngay thẳng.”

Người tự xưng mình là người giảng dạy trong Hội Thánh cùng một lúc phạm các tội sau đây:

  • Kiêu ngạo.
  • Nói dối, lường gạt con dân Chúa và lấy danh Chúa ra làm chơi, khi tuyên bố mình được Chúa kêu gọi vào chức vụ giảng dạy.

Người ấy sẽ nhận lấy sự phán tội rất nặng nề, hơn các thứ tội khác.

Ngay từ thuở ban đầu của Hội Thánh, trong Hội Thánh cũng đã có nhiều kẻ thích khoe mình về sự hiểu biết thuộc linh, thích được người khác gọi mình bằng “thầy”. Nên Đức Thánh Linh đã dùng Gia-cơ để viết lên lời cảnh cáo mà chúng ta đang học. Trong thời đại của chúng ta, tệ nạn ấy còn kinh khủng hơn với sự thờ lạy các bằng cấp Thần học không có trong Thánh Kinh và các tư tưởng Thần học không đúng với Thánh Kinh.

Con dân Chúa luôn luôn nhận được sự phán dạy trực tiếp từ Chúa và nên đứng lên, chia sẻ những sự Chúa dạy dỗ mình cho toàn Hội Thánh trong các buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, theo Lời Chúa dạy trong I Cô-rinh-tô 14:26. Nhưng không phải ai cũng là người được Chúa giao cho chức vụ giảng dạy trong Hội Thánh. Nên nhớ: Ai tự lập làm thầy thì sẽ bị phán tội cách nghiêm khắc!

2 Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể.

Là con dân Chúa chúng ta vẫn còn có thể bị vấp phạm. Từ ngữ “vấp phạm” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: làm cho người khác bị vấp chân và ngã; chính mình bị vấp chân và ngã; phạm tội; bị ngã vào trong sự đau thương, khốn khổ. Nghĩa được dùng trong câu này là “phạm tội”. Chúng ta có thể phạm tội trong nhiều sự nhưng nếu chúng ta không phạm tội trong lời nói, thì chúng ta được trọn vẹn. Bởi vì, nếu chúng ta có thể kiềm chế, kiểm soát được lời nói của mình, thì chúng ta có thể kiềm chế, kiểm soát được cả thân thể, khiến nó không phạm tội.

3 Hãy xem, chúng ta khớp các hàm thiếc vào miệng những con ngựa, khiến chúng chịu phục chúng ta, thì chúng ta mới điều khiển được cả thân thể của chúng.

4 Hãy xem những chiếc tàu: dù cho lớn thế nào, và bị gió mạnh đưa đi; nhưng một bánh lái rất nhỏ cũng đủ điều khiển nó, tùy theo ý người cầm lái.

Đức Thánh Linh, qua Gia-cơ, đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh để minh họa cho sự kiềm chế cái lưỡi để điều khiển cả thân thể:

  • Để có thể điều khiển cả thân hình con ngựa, chúng ta chỉ cần khớp hàm thiếc [1] vào miệng ngựa rồi cầm dây cương.
  • Để có thể điều khiển cả một chiếc tàu lớn bị gió xô đẩy, chúng ta chỉ cần nắm bánh lái.

Chúng ta cần kiềm giữ cái lưỡi để nó chỉ phát ra những lời nói thánh khiết, ở trong ân điển, an ủi, khích lệ, dạy dỗ, quở trách đúng mực, giúp ích cho người nghe và tôn vinh Thiên Chúa. Khi cần thì mạnh mẽ tuyên án những kẻ có tội mà không ăn năn, ngay thẳng gọi tội lỗi là tội lỗi, và hết lòng bênh vực lẽ phải. Có như vậy, chúng ta mới giữ được cả thân thể mình không phạm vào điều ác; và nếp sống của chúng ta mới đúng theo ý muốn của Thiên Chúa.

5 Cũng vậy, cái lưỡi là một chi thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn. Hãy xem, một khu rừng lớn có thể bị đốt cháy bởi một ngọn lửa nhỏ.

6 Cái lưỡi là một ngọn lửa, là thế giới của tội ác. Cái lưỡi ở giữa các chi thể của chúng ta, làm ô uế cả thân thể, đốt cháy cả đời người, và nó bị đốt bởi hỏa ngục.

Tương tự như cái hàm thiếc khớp miệng ngựa hay cái bánh lái điều khiển tàu, cái lưỡi dù nhỏ, so với toàn thân thể, nhưng nó có thể khoe khoang, tôn cao toàn bộ con người của chúng ta, thậm chí chiếm luôn sự vinh quang vốn thuộc về Thiên Chúa. Sự tác động của cái lưỡi, qua lời nói, vào trong chính đời sống của chúng ta và nhiều người khác rất là mãnh liệt. Đức Thánh Linh đã dùng hình ảnh của một ngọn lửa nhỏ làm cháy cả một khu rừng lớn, để minh họa sức mạnh hủy diệt của một lời nói.

Chính vì thế mà cái lưỡi cũng bị gọi là một ngọn lửa, lửa của sự hủy diệt, và là thế giới của tội ác. Từ ngữ “thế giới” trong nguyên ngữ Hy-lạp, theo nghĩa hẹp là cả trái đất nhưng theo nghĩa rộng là cả vũ trụ. Thành ngữ “Thế giới của tội ác” có nghĩa là “nơi tụ họp tất cả những tội ác”. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch diễn ý là: “nơi đô hội của tội ác”, có nghĩa là khu vực lớn tập trung các tội ác. Trong thân thể của chúng ta, cái lưỡi là chi thể phạm tội nhiều nhất, vì nó là nơi phát ra những sự đầy dẫy trong lòng của chúng ta:

Ma-thi-ơ 12:34-37

34 Hỡi dòng dõi của rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.

35 Người lành do lòng chứa của người lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do lòng chứa của kẻ dữ mà phát ra điều dữ.

36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét. 

37 Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công chính, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.

Sự phạm tội của cái lưỡi thật ra là sự phạm tội của chính bản ngã của chúng ta. Sự phạm tội của cái lưỡi làm ô uế thân thể xác thịt của chúng ta và khiến cho chúng ta bị hư mất trong sự phạm tội. Từ cái lưỡi mà ra những lời: kiêu ngạo, khoác lác, phạm thượng, vô ơn, rủa sả, mắng nhiếc, dối trá, vu khống, tà dâm, giễu cợt… Vì cái lưỡi được ví như ngọn lửa nên sự tác hại của nó đến chúng ta được gọi là “đốt cháy cả đời người”. Như một ngọn lửa nhỏ thiêu rụi cả một khu rừng!

Thành ngữ: “Bị đốt bởi hỏa ngục” so sánh cái lưỡi với Sa-tan và các quỷ sứ của nó. Vì hỏa ngục được sắm sẵn cho Sa-tan và các quỷ sứ của nó, tức là các thiên sứ theo nó phản nghịch Thiên Chúa (Ma-thi-ơ 25:41), nên sự bị đốt bởi hỏa ngục nói lên bản thân của vật bị đốt hay kẻ bị đốt là hoàn toàn phản nghịch Thiên Chúa và vô cùng độc ác. Động từ “bị đốt” ở trong thời hiện tại giúp cho chúng ta hiểu rằng, không phải cái lưỡi bị đốt bởi hỏa ngục theo nghĩa đen, mà là một cách nói để xếp loại phẩm chất của cái lưỡi; đó là: hoàn toàn phản nghịch Thiên Chúa và vô cùng độc ác. Một ngày kia, cái lưỡi của những ai không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ thật sự bị đốt trong hỏa ngục.

7 Hết thảy loài muông thú và loài chim chóc, loài bò sát và loài dưới biển đều trị phục được và đã bị trị phục bởi bản tính tự nhiên của loài người rồi.

8 Nhưng cái lưỡi thì không người nào có thể trị phục được nó. Nó là một vật dữ không thể bị trị phục, đầy dẫy những chất độc giết chết.

Loài người có thể trị phục được muôn loài vạn vật trên đất nhưng không thể trị phục chính mình. Như đã nói trên đây, cái lưỡi chẳng qua chỉ là phương tiện để thể hiện những sự đầy dẫy trong lòng của một người. Chúng ta ưa thích gì, chúng ta thèm muốn gì, chúng ta quyết định gì, thì đều được thể hiện qua lời nói và lời nói dẫn đến hành động. Từ khi loài người không tin cậy, không vâng phục Thiên Chúa, thì loài người biết điều ác và điều ác cứ sinh sôi, nảy nở, phát triển trong bản ngã của loài người, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Loài người không thể nào tự mình kiềm chế được điều ác cứ phát triển trong mình. Nó là chứng ung thư thuộc linh, tàn phá và giết chết nhân loại. Lời của Chúa nói rõ về bản chất tội lỗi, xấu xa, độc ác, không thể thay đổi của loài người:

“Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó chăng? Nếu được thì các ngươi là những kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23).

“Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa; ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9).

“Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối, và phạm thượng.” (Ma-thi-ơ 15:19).

Mỗi một người được sinh ra trong cuộc đời này đều thừa hưởng bản tính tội lỗi từ tổ phụ của loài người là A-đam. Vì thế, mỗi người được sinh ra đều đã chết trong lỗi lầm và tội lỗi của mình (Ê-phê-sô 2:1); cho đến khi thật lòng ăn năn, từ bỏ tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì được Thiên Chúa tái sinh, dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ. Chỉ khi được dựng nên mới thì một người mới có thể làm chủ được lòng mình, qua đó kiềm giữ được lưỡi mình. Vì khi một người có tấm lòng trong sạch, vừa muốn vừa làm theo ý muốn của Thiên Chúa, thì những gì môi miệng người ấy nói ra đều là lời lành, mang lại ân điển, và giúp ích cho người nghe (Ê-phê-sô 4:29).

Cũng chính vì thế, chúng ta có thể dựa vào lời nói không ở trong ân điển, cay đắng, ganh tị, dối trá… của một người mà biết người ấy chưa được tái sinh.

Dĩ nhiên, những kẻ giả hình cũng có thể giả vờ nói những lời lành, nhưng hành động của họ sẽ tỏ rõ sự giả hình của họ.

9 Bởi nó chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài được tạo theo hình ảnh Thiên Chúa.

10 Cùng một miệng mà ra lời tôn vinh và lời rủa sả! Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, không nên như vậy.

Con dân chân thật của Chúa, người đã thật sự được tái sinh, không thể nào dùng môi miệng mình tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha rồi lại dùng môi miệng mình mà rủa sả người khác. Bởi vì, mỗi một người được sinh ra trong cuộc đời này đều mang lấy hình và tượng của Thiên Chúa. Lời rủa sả là lời chúc dữ phát xuất từ một tấm lòng cay đắng hoặc giận, ghét… muốn cho những điều dữ đổ xuống trên người bị rủa. Thời Cựu Ước, người ta có thể tự rủa sả chính mình hoặc rủa sả kẻ thù. Thời Tân Ước, con dân Chúa không được rủa sả, vì Đức Chúa Jesus Christ đã hoàn thành công cuộc gánh thay hình phạt cho mọi tội lỗi của nhân loại. Ngày nay, dù một người có làm hại chúng ta như thế nào đi nữa, thì tội lỗi của người ấy đều đã được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay. Cho nên, chỉ một mình Đức Chúa Jesus Christ là có quyền phán xét người ấy, nếu người ấy không tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài. Về phần chúng ta thì chúng ta phải yêu thương, tha thứ, cầu thay, chúc phước, và làm ơn cho mọi kẻ thù (Ma-thi-ơ 5:44; Rô-ma 12:14, 20).

11 Có lẽ nào một nguồn nước kia, cùng một mạch mà ra cả nước ngọt lẫn nước đắng sao?

12 Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, cây vả có ra trái ô-li-ve được chăng? Hay là cây nho có ra trái vả được chăng? Không nguồn nước nào ra cả nước mặn lẫn nước ngọt.

Một nguồn nước chảy ra từ cùng một mạch nước thì chất nước luôn giống nhau. Loại cây nào thì ra trái của loại cây ấy. Người chưa được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ thì chỉ có những lời: kiêu ngạo, thô bỉ, dâm dật, dối trá, vu khống, phạm thượng, nguyền rủa, độc ác… Cho dù người ấy có nói ra một lời lành đi nữa thì cũng là lời giả dối, không đúng với bản chất thật của người ấy. Người đã thật sự được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ thì chỉ nói những lời lành, ở trong ân điển, tôn vinh Thiên Chúa, mang ơn và giúp ích cho người nghe.

Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại, khi Đức Chúa Jesus Christ bị bắt, bị đánh đập, bị sỉ nhục, và bị giết vì tội lỗi của chúng ta thì Ngài đã có những lời nói như thế nào? Ngày nay, khi chúng ta vì danh Chúa, sống theo Lời Chúa, mà bị bắt, bị đánh đập, bị sỉ nhục, và thậm chí bị giết thì chúng ta sẽ nói ra những lời như thế nào?

Lời nói của chúng ta thể hiện bản ngã của chúng ta: Một bản ngã đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ hoặc một bản ngã đang chết trong tội lỗi! Bởi vì, do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] 16 Common Types of Horse Bits (A Helpful Illustrated Guide) (horserookie.com)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.