Chú Giải Gia-cơ 03:13-18 Sự Khôn Sáng Thật

6,465 views


YouTube: https://youtu.be/4or0s7eQlp0

905907 Chú Giải Gia-cơ 3:13-18
Sự Khôn Sáng Thật

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 3:13-18

13 Ai là người khôn sáng trong các anh chị em? Người ấy hãy tỏ ra thái độ tốt trong các việc làm của mình với sự nhu mì và khôn sáng.

14 Nhưng nếu các anh chị em có sự cay đắng, ganh tị, và sự cạnh tranh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và chớ nói dối nghịch lại lẽ thật.

15 Sự khôn sáng đó không phải từ trên mà xuống đâu; nhưng nó thuộc về đất, về cảm xúc của xác thịt, và về ma quỷ.

16 Vì ở đâu có sự ganh tị và cạnh tranh thì ở đó có sự rối loạn và đủ mọi việc ác.

17 Nhưng thực tế, sự khôn sáng từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, dịu dàng, dễ vâng phục, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái lành, không có sự hai lòng và không giả hình.

18 Và bông trái của sự công chính thì được gieo trong sự hòa thuận, cho những ai làm ra sự hòa thuận.

Sự khôn sáng là điều mà loài người nhận được từ Thiên Chúa, vì loài người được dựng nên giống như Thiên Chúa. Ngay cả các loài vật cũng có sự khôn sáng Thiên Chúa ban cho chúng. Điển hình là con rắn có sự khôn khéo hơn hết trong các loài thú đồng (Sáng Thế Ký 3:1); và chính Chúa dạy con dân Chúa hãy khôn khéo như rắn (Ma-thi-ơ 10:16).

Từ khi loài người phạm tội, thì sự khôn sáng của loài người cũng bị băng hoại, trở thành xảo trá, được tận dụng để phục vụ cho tội lỗi. Chính sự khôn sáng giúp cho loài người khám phá ra các định luật và nguyên tắc vật lý để áp dụng vào trong cuộc sống, đem lại nhiều tiện nghi và ích lợi; nhưng sự khôn sáng bị băng hoại khiến cho loài người tạo ra những phương cách lường gạt nhau, bóc lột nhau, giết hại nhau ngày càng tinh vi hơn!

Đức Chúa Jesus Christ cũng từng xác nhận rằng, về sự khôn sáng thuộc thể, thì con cái của thế gian vượt trội hơn con dân Chúa:

“…Vì con cái của đời này trong thế hệ của chúng thì khôn khéo hơn con cái của sự sáng [trong thế hệ của họ].” (Lu-ca 16:8).

Con cái của thế gian tức là những người không thuộc về Chúa, chỉ biết sống cho bản thân và cho các thần tượng mà họ thờ lạy. Tuy nhiên, họ biết sốt sắng tận dụng sức khỏe, thời gian, cơ hội, công sức, địa vị, quyền thế, tiền bạc, của cải, kỹ năng, học thức để cứ luôn làm lợi cho chính họ và đạt đến mục đích của đời sống họ. Trong khi đó, con dân Chúa lại không biết tận dụng các ta-lâng Chúa ban để làm lợi cho chính mình, cho Hội Thánh, và cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Lại có những người là con dân Chúa nhưng lại khôn sáng theo kiểu của người thế gian, tức là, chỉ biết tận dụng mọi sự để làm lợi cho chính mình, bất chấp mọi thủ đoạn. Mục đích của đời sống họ không hướng về những sự ở trên trời, mà chỉ hướng về những sự thành công ở dưới đất, theo tiêu chuẩn của người thế gian.

Gia-cơ 3:13-18 dạy cho con dân Chúa phân biệt sự khôn sáng của thế gian với sự khôn sáng thật.

13 Ai là người khôn sáng trong các anh chị em? Người ấy hãy tỏ ra thái độ tốt trong các việc làm của mình với sự nhu mì và khôn sáng.

Sự khôn sáng mà Gia-cơ nói đến trong câu này là sự khôn sáng thật của con dân Chúa. Sau khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được tái sinh, tức là được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ. Thánh Kinh khẳng định:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Mọi sự trở nên mới được nói đến ở đây là mọi sự thuộc về linh hồn và tâm thần của người được tái sinh, dẫn đến sự mới trong mọi hành động của thân thể xác thịt; vì người ấy được dựng nên mới giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24).

Nếu người được dựng nên mới biết tận dụng năng lực và ân tứ Chúa ban, hết lòng sống theo Lời Chúa, thì người ấy sẽ trở nên khôn sáng, thông sáng. Nghĩa là, sự khôn sáng thật đến từ Thiên Chúa được phục hồi. Chúng ta gọi đó là sự khôn sáng thật vì nó ra từ Thiên Chúa, không bị tiêm nhiễm tội lỗi, ngày càng phát triển và còn lại đời đời. Trong câu 17 Gia-cơ mô tả các đặc tính của sự khôn sáng thật.

Không phải tất cả những ai ở trong Hội Thánh đều có sự khôn sáng thật, mà chỉ những ai thật sự sống cho Chúa mới có sự khôn sáng thật. Người nào tin Chúa rồi nhưng vẫn sống cho mình, thay vì sống cho Chúa, thì chỉ có sự khôn sáng của đời này, không thể có sự khôn sáng thật. Sự khôn sáng thật không dựa trên học thức hoặc kinh nghiệm, mà là sự ban cho từ Thiên Chúa. Một người dù không biết đọc, không biết viết, ở vào giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội loài người, nhưng nếu là con dân chân thật của Chúa, thì vẫn có sự khôn sáng thật. Sự khôn sáng thật thể hiện qua cách ứng xử của con dân Chúa và qua sự hiểu biết Lời Chúa.

Vì thế, Gia-cơ kêu gọi những ai là người có sự khôn sáng thật, hãy tỏ sự khôn sáng ấy ra trong mọi việc làm của mình, bằng cách thể hiện thái độ tốt khi hành động. Chúng ta có thể làm một việc gì đó với thái độ tốt hoặc thái độ xấu. Thái độ tốt là cẩn thận, quan tâm, biết ơn, tôn trọng người khác, và hết lòng mà làm… Thái độ xấu là cẩu thả, không chú ý đến việc đang làm, không tỏ lòng biết ơn người khác, xem thường người khác, làm với tính cách chiếu lệ…

Nhìn vào thái độ làm việc của một người mà chúng ta biết người ấy có thật sự kính sợ Chúa, sống cho Chúa, hay không. Lời của Chúa dạy rất rõ ràng:

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người. Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, là Đấng Christ.” (Cô-lô-se 3:23-24).

Thái độ tốt trong khi làm việc của một người thuộc về Chúa luôn thể hiện sự nhu mì và khôn sáng thật của người ấy. Ngay cả trong trường hợp phải tỏ ra cương quyết và cứng rắn để không vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, người thuộc về Chúa cũng phải hiền hòa.

14 Nhưng nếu các anh chị em có sự cay đắng, ganh tị, và sự cạnh tranh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và chớ nói dối nghịch lại lẽ thật.

Ngược lại, một người đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng chưa hết lòng đầu phục Chúa, sống cho Chúa, thì người ấy vẫn hành xử theo bản ngã cũ. Chính vì thế mà họ không có được sự khôn sáng thật đến từ Chúa; vì sự khôn sáng thật đòi hỏi một người phải hoàn toàn kính sợ Thiên Chúa:

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu sự khôn sáng; bất cứ người nào làm như vậy thì có trí hiểu. Sự tôn vinh Ngài còn mãi.” (Thi Thiên 111:10).

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu của sự tri thức…” (Châm Ngôn 1:7).

Khi một người không có sự khôn sáng thật đến từ Thiên Chúa, thì người ấy phải vận dụng sự khôn sáng đã bị băng hoại của xác thịt, để ứng xử trong cuộc sống. Và điều nghiêm trọng hơn hết, là họ vẫn còn sống trong tội lỗi với đủ các tính xấu: cay đắng, ganh tị, cạnh tranh, kiêu ngạo… Những người như vậy, khi khoe rằng, họ là con dân Chúa, thì chỉ làm sỉ nhục danh Chúa, khiến cho người không tin Chúa có cớ để xúc phạm danh Chúa. Và khi khoe rằng, họ là con dân Chúa, thì họ đã nói dối, nghịch lại lẽ thật, vì con dân Chúa phải là người được dựng nên mới. Không thể nào một người đã được dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật, mà vẫn còn cay đắng, ganh tị, cạnh tranh, kiêu ngạo…

15 Sự khôn sáng đó không phải từ trên mà xuống đâu; nhưng nó thuộc về đất, về cảm xúc của xác thịt, và về ma quỷ.

Tất cả những sự khôn sáng nào phát sinh từ lòng cay đắng, ganh tị, cạnh tranh, kiêu ngạo… để phục vụ cho những tham vọng của xác thịt, thì đều là sự khôn sáng thuộc về thế gian, tức là thuộc về bản ngã tội lỗi của xác thịt, và nhất là thuộc về ma quỷ.

Có một số người dùng sự khôn sáng của thế gian để làm những việc gọi là “hầu việc Chúa”; như: thuê mướn các ca sĩ nổi tiếng nhưng không tin Chúa, ca hát trong các buổi truyền giảng, để thu hút nhiều người đến dự; như: nói lời khen ngợi không đúng sự thật để lấy lòng những người nghe trước khi rao giảng Tin Lành cho họ. Làm sao chúng ta có thể dùng sự khôn sáng của xác thịt, của ma quỷ trong các mục vụ? Không lẽ Tin Lành không có đủ năng lực thu hút người ta cho bằng các ca sĩ nổi tiếng hay những lời khen ngợi giả dối?

Nhiều con dân Chúa vẫn dùng sự khôn sáng của xác thịt để ứng xử trong cuộc sống, nên ma quỷ có cơ hội để dẫn dắt họ ngày càng xa rời lẽ thật của Lời Chúa. Đến một lúc, họ sẽ hoàn toàn trật phần ân điển Thiên Chúa đã sắm sẵn cho họ, mà bị hư mất đời đời. Ma quỷ có thể ban cho họ những thành công trong đời này khi họ theo sự khôn sáng của xác thịt để hành xử; nhưng chắc chắn là họ sẽ không ở trong ân điển của Chúa khi họ sống như vậy.

Thí dụ, một người không hút thuốc, không xem sách báo khiêu dâm nhưng sẵn sàng bán thuốc lá và sách báo khiêu dâm trong cửa hàng tạp hóa của mình. Cửa hàng người ấy có thể phát đạt, người ấy có thể thành công về tiền bạc, nhưng chắc chắn người ấy cũng phải trả giá cho cái tội vì tham lợi mà tạo cơ hội, phương tiện cho nhiều người khác phạm tội. Ma quỷ luôn ban cho từ tay này và lấy lại từ tay kia. Những điều mà ma quỷ muốn lấy từ loài người luôn luôn là những điều khiến cho loài người vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Người thế gian không biết Chúa, không có Chúa, bị ma quỷ lường gạt là điều đương nhiên; nhưng bất cứ ai tự xưng mình là con dân Chúa mà lại để cho ma quỷ lường gạt, lại còn lớn tiếng tôn vinh Chúa về những lợi vật chất do sự làm sai Lời Chúa mang đến cho mình, thì thật là đáng trách.

Có những người qua sự làm ăn bất chính, thu được lợi nhiều, nên dâng hiến rộng rãi vào các mục vụ của Hội Thánh; mà không biết rằng, sự dâng hiến ấy còn làm cho họ phạm thêm tội trước mặt Chúa, vì đã dâng hiến những đồng tiền ô uế lên Chúa. Những ai biết rõ mà vẫn tiếp nhận số tiền thu lợi bất chính vào trong nhà Chúa, thì cũng phạm cùng một tội với người dâng.

16 Vì ở đâu có sự ganh tị và cạnh tranh thì ở đó có sự rối loạn và đủ mọi việc ác.

Đây là một câu ngắn gọn nhưng ý nghĩa của nó thật là quan trọng. Chỉ cần có sự ganh tị thì sự ganh tị sẽ dẫn đến sự cạnh tranh. Khi sự cạnh tranh xảy ra thì có sự rối loạn và đủ mọi việc ác. Nói cách khác, chỉ cần trong Hội Thánh có một người ganh tị, tạo ra sự cạnh tranh, thì giữa Hội Thánh sẽ có sự rối loạn và sinh ra đủ mọi thứ tội lỗi. Chính vì thế mà bất cứ một sự phạm tội nào trong Hội Thánh cũng cần phải được giải quyết nhanh chóng và dứt khoát.

17 Nhưng thực tế, sự khôn sáng từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, dịu dàng, dễ vâng phục, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái lành, không có sự hai lòng và không giả hình.

Đặc tính của sự khôn sáng thật đến từ thiên đàng là: thanh sạch, hòa thuận, dịu dàng, dễ vâng phục, đầy dẫy lòng thương xót, và các bông trái lành như đã liệt kê trong Ga-la-ti 5:22-23.

  1. Thanh sạch: trong nguyên ngữ Hy-lạp là “thánh”, tức là giống như Thiên Chúa, dành riêng cho Thiên Chúa.
  2. Hòa thuận: tiếp nhận lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, và học hỏi lẫn nhau.
  3. Dịu dàng: không lớn tiếng, không giận dữ, không thô lỗ, không cộc cằn, không tạo áp lực.
  4. Dễ vâng phục: sẵn sàng vâng phục khi sự việc đúng với Lời Chúa; không bài bác, không ngụy biện, không đặt điều kiện.
  5. Đầy dẫy lòng thương xót: hoàn toàn đồng cảm với người khác và sẵn sàng giúp đỡ.
  6. Các bông trái lành: “tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ”.

Nói cách khác, trong mọi sự hành xử của con dân Chúa, nếu thể hiện được các đặc tính nêu ra trên đây, thì sự hành xử ấy đến từ sự khôn sáng thật.

Sự khôn sáng thật cũng không có sự hai lòng hoặc sự giả hình. Nghĩa là không nay nói thế này, mai nói thế khác, không trung tín trong lời nói; cũng không nói ra những lời không thật với lòng mình hoặc tỏ ra những dáng điệu, thái độ không thật với lòng mình.

18 Và bông trái của sự công chính thì được gieo trong sự hòa thuận, cho những ai làm ra sự hòa thuận.

Bông trái của sự công chính chính là bông trái của Đấng Thần Linh, là các đặc tính của Thiên Chúa mà con dân Chúa nhận được khi được dựng nên mới giống như Ngài. Chính Đấng Thần Linh gieo bông trái của Ngài ra cho con dân Chúa và con dân Chúa sẽ theo thời gian mà kết quả càng hơn, khi những sự “tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ” của họ khiến cho nhiều người khác tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Thiên Chúa.

Bông trái của sự công chính cũng là kết quả của những sự sửa phạt từ Thiên Chúa:

“Không sự sửa phạt nào trong hiện tại dường như là sự vui mừng nhưng là sự buồn bã. Nhưng về sau, nó sinh ra trái bình an của sự công chính cho những ai đã được luyện tập qua nó.” (Hê-bơ-rơ 12:11).

Con dân Chúa được gọi là những người làm ra sự hòa thuận vì họ giúp những người chung quanh giải hòa với nhau và giải hòa với Thiên Chúa, qua chính nếp sống của họ và sự rao giảng Tin Lành của họ:

“Phước cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa!” (Ma-thi-ơ 5:9).

Chúng ta hãy cùng nhau dựa vào Lời Chúa, để tra xét bản thân của mình, xem mình đang vận dụng sự khôn sáng của xác thịt, của ma quỷ; hay là chúng ta đang vận dụng sự khôn sáng thật từ thiên đàng mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta.

Hãy nhớ rằng, sự khôn sáng thật đến từ sự kính sợ Thiên Chúa. Sự kính sợ Thiên Chúa thể hiện bằng sự vâng phục trọn vẹn, thậm chí vâng phục cho đến chết, mọi điều Thiên Chúa đã truyền dạy cho chúng ta, đã được ghi chép trong Thánh Kinh. (Tham khảo: Giô-suê 1:8; Phi-líp 2:8; I Sa-mu-ên 15:22).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.