Chú Giải Gia-cơ 04:01-17 Chiến Tranh Trong Hội Thánh

5,928 views


YouTube: https://youtu.be/WpJcXMZm-QQ

905908 Chú Giải Gia-cơ 4:1-17
Chiến Tranh Trong Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 4:1-17

1 Những cuộc chiến tranh và đánh nhau giữa các anh chị em bởi đâu mà đến? Chẳng phải đến từ sự ham muốn khoái lạc vẫn hay chinh chiến trong các chi thể của các anh chị em sao?

2 Các anh chị em khao khát mà chẳng có gì. Các anh chị em phạm tội giết người và ganh tị mà chẳng đạt được gì. Các anh chị em đánh nhau và gây chiến. Nhưng các anh chị em chẳng có gì vì các anh chị em không cầu xin.

3 Các anh chị em cầu xin mà không nhận được, vì các anh chị em cầu xin trái lẽ, để dùng theo sự ham muốn khoái lạc của mình.

4 Hỡi những đàn ông ngoại tình và những đàn bà ngoại tình, các ngươi chẳng biết sự làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai sẵn lòng làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời vậy.

5 Các anh chị em tưởng rằng Thánh Kinh nói vô ích sao? Đấng Thần Linh ở trong chúng ta, khao khát chúng ta đến nỗi ghen tuông. [Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; 34:14].

6 Nhưng Ngài lại ban ân điển càng hơn. Chính vì vậy mà Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường. [Châm Ngôn 3:34.]

7 Vậy, hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỷ, thì nó sẽ lánh xa các anh chị em.

8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần các anh chị em. Hỡi những kẻ có tội, hãy lau tay mình; những kẻ hai lòng, hãy làm sạch lòng đi.

9 Hãy đau thương và than khóc! Hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.

10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhấc các anh chị em lên.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha, chớ vu khống lẫn nhau. Ai vu khống anh chị em cùng Cha của mình và kết tội anh chị em cùng Cha của mình, tức là vu khống luật pháp và kết tội luật pháp. Nhưng nếu ngươi kết tội luật pháp, thì ngươi chẳng phải là người vâng giữ luật mà là quan án.

12 Chỉ có một Đấng ban luật pháp, cũng là Đấng cứu được và diệt được. Nhưng ngươi là ai, mà phán xét người khác?

13 Hãy nghe đây! Những ai nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và có lời!

14 Nhưng ngày mai sẽ ra thế nào, các anh chị em chẳng biết! Vì sự sống của các anh chị em là gì? Nó như hơi nước, hiện ra một lát rồi thì tan đi!

15 Trái lại, các anh chị em phải nói: Nếu như Chúa muốn, thì chúng ta còn sống và sẽ làm việc nọ, việc kia.

16 Nhưng kìa, các anh chị em khoe mình trong sự kiêu ngạo của các anh chị em! Những sự khoe mình như vậy là xấu!

17 Vậy, người nào biết làm điều lành mà chẳng làm, thì người ấy phạm tội.

Trong bài học này, tôi sẽ lần lượt đi qua từng câu một để chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của Gia-cơ đoạn 4.

1 Những cuộc chiến tranh và đánh nhau giữa các anh chị em bởi đâu mà đến? Chẳng phải đến từ sự ham muốn khoái lạc vẫn hay chinh chiến trong các chi thể của các anh chị em sao?

Đây là một lời nói rất là rõ ràng nhưng cũng rất là nghiêm khắc và cũng rất cụ thể, bởi vì nó nói đến một nan đề xưa nay vẫn có ở trong Hội Thánh của Chúa. Từ gần 2.000 năm trước trong các Hội Thánh ban đầu của Chúa đã có những sự như vậy, mãi đến ngày hôm nay thì trong Hội Thánh của Chúa vẫn tiếp tục có những sự như vậy. Và tất cả những điều đó nó đến là bởi vì sự ham muốn riêng của mỗi một người, là những người đã thuộc về Chúa rồi, con dân của Chúa rồi, chi thể của nhau nhưng có những sự ham muốn riêng tư và sự ham muốn đó không đẹp lòng Chúa. Từ lòng ham muốn riêng tư đó mà xảy ra sự đánh nhau ở giữa anh chị em trong Hội Thánh, và nếu sự đánh nhau đó không được kết thúc một cách nhanh chóng thì nó sẽ kéo dài và biến thành chiến tranh. Lời của Chúa sử dụng hai từ ngữ trong câu 1 này là “chiến tranh” và “đánh nhau”. “Chiến tranh” nói đến sự đánh nhau lâu dài không có kết thúc; còn chữ “đánh nhau” là nói đến sự va chạm, đụng chạm có thể bùng lên nhưng rồi tắt đi ngay ở trong sinh hoạt của con dân Chúa. 

Chúng ta thấy Gia-cơ đã dùng từ ngữ “chi thể” là bởi vì Đức Thánh Linh muốn qua ngòi bút của Gia-cơ để nhắc nhở con dân của Chúa biết rằng, mỗi một chúng ta, dù về phần quan hệ xã hội của chúng ta như thế nào nhưng ở trong Chúa thì chúng ta là một ở trong thân thể của Chúa, mỗi người là một chi thể trong thân thể của Chúa. Tôi giả sử tôi cầm cái búa bên tay phải, cầm cái đinh trong tay trái để dùng búa đóng vào đinh dựng cái bàn, rồi vì sơ ý mà tay phải của tôi thay vì gõ búa vào đầu đinh thì gõ vào ngay ngón tay của tôi, là ngón tay đang cầm đinh. Sự kiện xảy ra nhanh chóng, bất ngờ như vậy thì đương nhiên bàn tay trái của tôi bị thương và lập tức tất cả các chi thể khác còn lại của tôi đều tập trung hướng về tay bị thương đó. Quý ông bà anh chị em có bao giờ nghĩ rằng, bàn tay bị thương đó sẽ hờn trách, sẽ lên tiếng để mà than van và trách móc bàn tay phải hay không? Chắc chắn điều đó không bao giờ xảy ra. Nhưng trong Hội Thánh của Chúa, khi chúng ta có những vấn đề đụng chạm lẫn nhau, làm thương tổn lẫn nhau hay xúc phạm lẫn nhau, thì lập tức có sự đánh nhau xảy ra. Và nếu xảy ra sự đánh nhau đó, nếu không giải quyết nhanh chóng trong ơn của Chúa thì nó biến thành chiến tranh. Chiến tranh này không còn là chiến tranh cục bộ nữa mà biến thành chiến tranh miền, chiến tranh vùng, chiến tranh khắp trong Hội Thánh và bắt đầu chia bè chia phái. Và dẫn đến sự tan vỡ của Hội Thánh, tất cả chỉ vì một sự ham muốn bảo vệ cái tự ái, danh dự, quyền lợi của mình trong Hội Thánh. Vì bất cứ một điều gì mà xảy ra đánh nhau rồi kéo dài thành chiến tranh trong Hội Thánh, thì nguồn gốc chính dựa theo Lời Chúa ở đây vẫn bắt nguồn từ sự ham muốn riêng tư của mình. Từ ngữ “ham muốn” trong câu 1 này là một từ ngữ nói lên sự ham muốn như là: sự ham muốn tình dục khêu gợi, sự ham muốn tà dâm về xác thịt. Sở dĩ Đức Thánh Linh chọn dùng từ ngữ này là bởi vì chính trong sự ham muốn này mà chúng ta phạm tội tà dâm thuộc linh với Chúa. Sự ham muốn của sự khêu gợi lẳng lơ dẫn đến sự phạm tội tà dâm. Và dĩ nhiên ở đây, ý Chúa muốn nói đến sự tà dâm thuộc linh, tức là khi mình đặt sự tự ái, danh dự của mình lên trên hết thì nó biến thành thần tượng của mình. Chính vì vậy mà cùng là một thân thể mà chi thể này tấn công chi thể kia.

2 Các anh chị em khao khát mà chẳng có gì. Các anh chị em phạm tội giết người và ganh tị mà chẳng đạt được gì. Các anh chị em đánh nhau và gây chiến. Nhưng các anh chị em chẳng có gì vì các anh chị em không cầu xin.

Chữ “khao khát” ở đây nó cùng nghĩa với “sự tham muốn” được dùng trong điều răn thứ mười của Mười Điều Răn. Tức là mình muốn có được điều gì đó nhưng mà sự tham muốn của mình là sự muốn bất chính, không có công chính. Mình thấy anh chị em của mình được điều gì đó mình cũng muốn được như vậy. Nhưng thay vì cầu nguyện xin Chúa ban ơn, ban ân tứ cho mình để mình được như anh chị em trong Hội Thánh thì mình lại nổi lòng cạnh tranh. Mình tìm cách để dìm anh chị em mình xuống để mình có thể được nổi hơn. Mình tìm cách để tranh giành thành quả mà anh chị em làm ra trong Hội Thánh. Tất cả những sự tham muốn đó dẫn đến sự ghen ghét trong Hội Thánh và dẫn đến sự giết người theo ý nghĩa thuộc linh. Bởi vì: “Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người” (I Giăng 3:15). Dĩ nhiên, cũng có chuyện trong Hội Thánh có giết người thật sự, vì sự cạnh tranh, ghen ghét, tham muốn; nhưng phần lớn ở đây Lời Chúa nói đến ý nghĩa là ngay khi mình ghét anh chị em mình vì họ hơn mình, hay là mình bị anh chị em của mình làm xúc phạm mà mình căm ghét họ vì mình tham muốn bảo vệ sự tự ái của mình. Một đàng thì có người bảo vệ; một đàng thì có người ghen ghét tài năng của người khác, thành quả của người khác, địa vị của người khác, tiếng tăm của người khác; nhưng cũng có người ghen ghét là vì muốn bảo vệ danh dự, tự ái của mình. Dù tham muốn gì đi nữa thì ý của nó vẫn là xấu, ý ở đây là ý tham muốn bất chính. Muốn điều gì chưa hẳn là sai nhưng mà nếu mình muốn một cách bất chính thì là điều sai, và chính sự tham muốn bất chính đó mà mình phạm tội giận ghét người khác và ít ra đó là tội giết người thuộc linh, dẫn đến sự cạnh tranh. Mình không được gì hết, mình tưởng làm vậy sẽ thu hoạch được gì nhưng thật sự làm vậy chỉ có đau khổ, chỉ có thất bại, chỉ có tuyệt vọng, day dứt, dằn vặt ở trong lương tâm của mình mà thôi. Vì thế, nếu cứ đánh nhau và sự đánh nhau kéo dài trở thành chiến tranh mà không một người nào đạt được gì. Trong khi đó phương cách để được như mọi người khác, đạt được ơn phước hay địa vị như những người khác, hay để được Chúa minh oan, bảo vệ cho mình thì chỉ cần lời cầu xin nơi Chúa. Bộ Đức Chúa Trời là Cha Yêu Thương không nhìn thấy những gì đang xảy ra trong đời sống của chúng ta hay sao? Bộ Ngài không nhìn thấy những gì đang xảy ra trong Hội Thánh hay sao? Dẫu cho chúng ta là người bị tiếng oan, chúng ta bị những người khác trong Hội Thánh tấn công thì bổn phận của chúng ta không phải là tìm cách để tự mình đánh nhau, tự mình gây ra chiến tranh để bảo vệ chính mình, mà chúng ta hãy yên lặng phó thác mọi sự cho Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín, Ngài là Đấng sẽ phán xử một cách công chính cho chúng ta. Khi chúng ta là nạn nhân và chúng ta bị xúc phạm hay bị bách hại trong Hội Thánh bởi những người anh chị em khác mà chúng ta tìm cách đánh trả, chúng ta tự tìm cách bảo vệ mình thì chúng ta cũng có sự tham muốn. Sự tham muốn đó chính là sự tham muốn bảo vệ danh dự của mình, sự tự ái của mình. Sự tham muốn chứng tỏ cho người khác biết rằng: “Tôi tốt như vậy chứ không phải xấu đâu”. Dĩ nhiên, việc chúng ta phải gìn giữ địa vị, danh dự của một con dân Chúa là điều tốt đẹp, là điều đáng phải làm; nhưng nếu vì sự gìn giữ đó mà gây ra đánh nhau, chiến tranh trong Hội Thánh thì nó trở nên điều xấu, điều tội lỗi và chúng ta sẽ chẳng được gì hết. Vậy chúng ta hãy dùng nguyên tắc Chúa dạy là: “trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6).

3 Các anh chị em cầu xin mà không nhận được, vì các anh chị em cầu xin trái lẽ, để dùng theo sự ham muốn khoái lạc của mình.

Có những điều mà chúng ta thấy trong Hội Thánh xảy ra những sự cạnh tranh, ghen ghét là bởi vì thấy người khác tài năng hơn mình, được ơn hơn mình, hầu việc Chúa được kết quả hơn mình và chúng ta cũng muốn được như vậy. Và chúng ta cứ nhất định là mình phải làm cho được cái việc mà người khác ở trong Hội Thánh đã làm, mà chúng ta quên rằng, trong Hội Thánh thì Đức Chúa Trời ban ơn cho mỗi người khác nhau để mỗi một người đều có chỗ đứng riêng của mình, góp phần trong việc xây dựng Hội Thánh của Chúa. Nếu mà cả thân thể, chi thể nào cũng đòi làm mắt hết, hoặc cả thân thể của chúng ta mà chi thể nào cũng đòi làm mái tóc đẹp trên đầu hết thì đâu còn là một thân thể nữa. Thực tế chúng ta biết trong thân thể của chúng ta, không thể nào chúng ta nói rằng: “Bàn chân đi lâu quá, mang cả thân thể nặng nề đi vào nơi bụi bặm ô uế. Bây giờ thì phải cho bàn chân lên làm bàn tay hay lên làm đỉnh đầu”. Không bao giờ có chuyện như vậy. Trong Hội Thánh của Chúa là một thân thể hữu cơ thuộc linh, mỗi một người chúng ta đã được Chúa đặt để ở một vai trò địa vị nào đó với một chức năng nhất định. Sao chúng ta không cảm tạ Chúa để làm tròn chức năng, bổn phận mà Chúa đã ban cho mình, mà chúng ta lại nhìn qua nhìn lại rồi chúng ta sinh lòng ghen ghét, cạnh tranh với những anh chị em khác trong Hội Thánh, rồi chúng ta lại đưa ra những lời cầu xin không phải lẽ? Chúng ta cầu xin là để mình được tôn vinh, chứ không phải chúng ta cầu xin để cho Chúa được tôn vinh và anh chị em của mình được phước, vì thế lời cầu xin của chúng ta trái lẽ và chúng ta không được gì hết. Chúng ta chỉ muốn Đức Chúa Trời làm một vị thần luôn luôn ban phước cho chúng ta và phục vụ chúng ta bất cứ những gì chúng ta ao ước. Chúng ta mong muốn như vậy thì chúng ta đã biến Đức Chúa Trời thành chính mình, và biến Đức Chúa Trời trở thành công cụ phục vụ cho ý muốn của mình; đó là tội rất là lớn.

4 Hỡi những đàn ông ngoại tình và những đàn bà ngoại tình, các ngươi chẳng biết sự làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao? Cho nên, ai sẵn lòng làm bạn với thế gian, thì người ấy trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời vậy.

Trong nguyên tác của Thánh Kinh ghi: “Hỡi những đàn ông ngoại tình và những đàn bà ngoại tình”. Vì thế chúng ta biết rõ ràng rằng, Gia-cơ là viết cho cả đàn ông lẫn đàn bà trong Hội Thánh. Sở dĩ Đức Thánh Linh qua ngòi bút của Gia-cơ gọi: “Hỡi những đàn ông ngoại tình và những đàn bà ngoại tình”, bởi vì những người đàn ông và những người đàn bà này trong Hội Thánh họ đã đặt tự ái của họ, bản ngã của họ, cái giá trị riêng của họ lên trên Đức Chúa Trời. Họ đang tôn thờ chính con người của họ, tôn thờ cái tôi của họ mà họ không biết là đối với Chúa, hễ tôn thờ một điều gì khác, một ai khác ngoài Đức Chúa Trời tức là thờ lạy hình tượng, thờ lạy thần tượng; và đây chính là ngoại tình thuộc linh. Lời Chúa giải thích vì sao họ là những người đàn ông, đàn bà ngoại tình; là vì họ làm bạn với thế gian, có nghĩa là họ sống giống như người thế gian, họ sống mà chấp nhận giá trị của thế gian. Thật vậy, nếu chúng ta lo cho tự ái của mình, lo cho cái tôi của mình, bản ngã của mình nên chúng ta tìm cách tranh đấu, giành giật, tìm cách nài nỉ, cầu xin để mà có thể đưa con người của mình lên, đưa cái tôi của mình lên để cho được nổi bật ở trong Hội Thánh của Chúa, thì chúng ta không khác gì nếp sống của người trong thế gian. Người trong thế gian luôn luôn tìm mọi cách để bản thân của họ được vượt trội hơn tất cả những người xung quanh. Cho nên, chữ “làm bạn với thế gian” không nhất thiết là đi ra ngoài phạm cùng một tội với những người thế gian ở trong môi trường của người thế gian. Mà ở đây, ngay trong Hội Thánh của Chúa mà chúng ta sống như những người ở trong thế gian; chúng ta là con dân của Chúa, sinh hoạt trong Hội Thánh của Chúa mà chúng ta cư xử như người thế gian cư xử ở trong thế gian; hễ làm bạn với thế gian tức là thù nghịch Đức Chúa Trời.

5 Các anh chị em tưởng rằng Thánh Kinh nói vô ích sao? Đấng Thần Linh ở trong chúng ta, khao khát chúng ta đến nỗi ghen tuông. [Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; 34:14].

Đấng Thần Linh ở đây là Đức Thánh Linh. Sở dĩ không dùng từ “Đức Thánh Linh” là vì để nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Ngôi Ba Thiên Chúa, một trong ba thân vị của Thiên Chúa hoàn toàn cao siêu vượt trội hơn chúng ta, vinh quang hơn chúng ta, quyền thế hơn chúng ta mà Ngài bằng lòng ở trong lòng chúng ta, ngự trong lòng chúng ta, mà lòng của chúng ta không biết dọn cho tinh khiết để đón nhận Ngài mà chúng ta để cho những cái ác tưởng, những ham muốn tầm thường, ô uế, tội lỗi của xác thịt ngự trị trong lòng chúng ta. Nên nhớ là thần linh trong lòng của chúng ta là Thiên Chúa Hằng Sống. Khi ta nói đến sự hiện diện hay sự hành động, làm việc của Đức Thánh Linh trong lòng của chúng ta, của Ngôi Ba Thiên Chúa trong lòng chúng ta thì chúng ta dùng danh từ “Đức Thánh Linh” để phân biệt “linh” của người và “linh” của tà linh. Bởi vì trong con người của chúng ta vẫn có cái linh của loài người tức là phần tâm thần, và vẫn có thể có linh của tà linh xâm nhập trong thân thể của chúng ta khi chúng ta phạm tội. Cho nên, Thánh Kinh đã dùng chữ “Đức Thánh Linh” để làm cho nổi bật sự khác biệt giữa Ngôi Ba Thiên Chúa ở trong thân thể của chúng ta với linh khác trong thân thể của chúng ta. Nhưng ở đây Ngài không dùng Đức Thánh Linh mà dùng Đấng Thần Linh là để nhắc chúng ta biết nguồn gốc chính của Ngôi Ba Thiên Chúa. Ngài không phải tự ở trong chúng ta mà có, mà Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng đã vào ở trong lòng chúng ta và Ngài rất yêu mến chúng ta. Chữ “khao khát” dùng ở đây nói đến một tình cảm mà rất đậm đà, tha thiết, rất mãnh liệt. Nó mãnh liệt như một người đi lạc ở trong sa mạc bị khát nước và thèm khát có được những giọt nước trong lành để thỏa mãn cơn khát của mình. “Ghen tuông” ở đây là Ngài không chấp nhận cho chúng ta yêu ai khác hơn yêu chính Ngài. Chúng ta không thể yêu người khác hơn Thiên Chúa, chúng ta cũng không thể nào yêu cái tôi của mình, tự ái của mình, bản ngã của mình, ước muốn xác thịt của mình hơn là chúng ta yêu Chúa. Và dẫu Ngài yêu chúng ta như vậy dù cho chúng ta không xứng đáng với tình yêu đó, thì Ngài lại ban thêm ơn cho chúng ta để chúng ta có thể tự mình cam tâm tình nguyện hết lòng yêu thương Chúa và đặt Chúa lên trên hết trong mọi sự.

6 Nhưng Ngài lại ban ân điển càng hơn. Chính vì vậy mà Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho người khiêm nhường. [Châm Ngôn 3:34.]

Có một điều rất lạ lùng mà chúng ta rất khó hiểu là: Tại sao một Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng dựng nên chúng ta mà lại cho chúng ta tự do lựa chọn để chúng ta đáp ứng Ngài, để chúng ta yêu lại Ngài như Ngài yêu chúng ta, chứ Ngài không buộc chúng ta yêu Ngài? Ngài có năng lực để làm điều đó nhưng Ngài đã chọn để cho chúng ta được tự do lựa chọn: chúng ta yêu Ngài hoặc không yêu Ngài. Dẫu Ngài yêu chúng ta đến nỗi ghen tuông nhưng Ngài vẫn để cho chúng ta tự do, và còn giúp cho chúng ta được đầy ơn của Ngài để chúng ta có thể đáp ứng được tình yêu của Ngài. Nhưng mà nếu chúng ta tự đặt mình làm Đức Chúa Trời của mình, chúng ta tự tôn vinh mình, thờ phượng mình thì chúng ta là kẻ kiêu ngạo và Ngài sẽ chống cự kẻ kiêu ngạo. Còn nếu chúng ta biết đặt Ngài lên trên hết trong đời sống của mình, yêu kính Ngài và cũng khao khát Ngài thì Ngài sẽ ban thêm ơn cho chúng ta.

7 Vậy, hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỷ, thì nó sẽ lánh xa các anh chị em.

Chúng ta biết rằng, sự cám dỗ đến là bởi vì tư dục của mình, cái sự ham muốn bất chính ở trong lòng của mình nó xuất hiện trong tâm trí của mình, và khi chúng ta tiếp tục nghĩ và muốn như vậy thì đó là sự cám dỗ. Khi ma quỷ đánh hơi được, nó nhận xét được, nó không đọc được ý tưởng của mình, nó không biết mình nghĩ gì; nhưng qua thái độ, cử chỉ, hành động của chúng ta mà nó đoán được chúng ta đang muốn gì, thì nó lập tức giăng mưu, lập bẫy cám dỗ chúng ta, đẩy chúng ta vào trong sự phạm tội. Tôi thật sự không biết có bao nhiêu thiên sứ sa ngã trở thành ma quỷ đi theo Sa-tan, đang rày đây mai đó khắp nơi trên thế gian này để tấn công con dân của Chúa, cám dỗ con dân của Chúa, quấy rầy con dân của Chúa; nhưng chắc chắn con số đó là nhiều. Chúng ta cứ tưởng tượng hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta có những thần linh mà mắt chúng ta không thấy được, vẫn luôn luôn tìm đủ mọi cách để lôi kéo chúng ta ra khỏi ân điển của Chúa, ra khỏi tình yêu của Chúa; luôn luôn tìm đủ mọi cách để cho chúng ta phạm tội, để cho chúng ta làm sỉ nhục danh của Chúa, để chúng ta rơi vào cạm bẫy của nó; rồi chúng ta thất vọng mà ở lại trong đó, rồi chúng ta chết mất. Lời của Chúa đã nói rất rõ ràng: “Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phi-e-rơ 5:8). 

Ngày nào chúng ta còn ở trong sự tin cậy và vâng phục làm theo Lời của Chúa thì chúng ta còn được ở trong sự bảo vệ của Chúa. Nhưng một khi chúng ta đi ra ngoài sự bảo vệ của Chúa, chúng ta cố ý phạm tội sống theo ham muốn xác thịt của mình, chúng ta sống theo tự ái của mình, thỏa mãn sự kiêu ngạo của mình thì lập tức ma quỷ toàn quyền tấn công chúng ta. Vì khi chúng ta phạm tội thì chúng ta bước vào trong lãnh thổ của ma quỷ, và hiện nay Đức Chúa Trời đang cho phép ma quỷ toàn quyền cai trị thế gian này. Chúng ta sống giữa thế gian này có sự bảo vệ của Chúa; nhưng nếu chúng ta cố tình phạm tội, cố tình đặt cái tôi lên trên hết thì: thứ nhất, Đức Chúa Trời chống cự chúng ta vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo; thứ nhì là ma quỷ thừa cơ tấn công chúng ta, lôi kéo chúng ta vào trong bẫy rập của nó, để rồi đến một lúc nào đó chúng ta cảm thấy thất vọng, cảm thấy chán nản mà ở lại trong sự hư mất đó. Không ít người đã là con dân của Chúa, kinh nghiệm được sự cứu rỗi của Chúa rơi vào bẫy rập của ma quỷ rồi kết liễu sự sống của mình; vừa chết phần xác, vừa chết phần hồn, bởi vì chết mà không ăn năn. 

Cho nên, Lời Chúa ở đây là: “hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỷ”. Chữ “phục” là nói tới sự hoàn toàn đặt mình trong sự điều động của Chúa. Chữ “phục” nói tới sự kiện Chúa phán bảo thế nào thì chúng ta vâng theo thế đó và hết lòng mà làm. “Phục Đức Chúa Trời” có nghĩa là sống và làm theo Lời của Ngài. Khi chúng ta phục Đức Chúa Trời thì đương nhiên chúng ta chống trả Ma Quỷ. Bởi vì bất cứ một điều gì chúng ta làm theo Lời của Chúa, bất cứ sự vâng lời nào của chúng ta đối với Chúa là một đòn tấn công vào Ma Quỷ. Cho nên, hễ chúng ta phục Đức Chúa Trời thì tức là chống trả Ma Quỷ. Và nếu chúng ta cứ liên tục sống trong sự vâng phục Lời Chúa, gìn giữ một đời sống thánh khiết như vậy thì Ma Quỷ nó sẽ lánh xa chúng ta. Chúng ta sẽ bớt đi sự kiện bị Ma Quỷ cám dỗ, quấy phá. 

Dù Thánh Kinh không có nói một cách rõ ràng nhưng mà trong sự suy nghĩ của tôi, tôi nghĩ rằng cứ mỗi một lần ma quỷ cám dỗ mình mà mình thắng được sự cám dỗ đó, và mỗi một lần mình nhân danh Chúa xua đuổi nó thì nó bị thương tổn. Tôi không biết nhưng tôi tin chắc ma quỷ có bị thương tổn, bị đau đớn. Nó cảm thấy rằng chúng ta là người luôn luôn mãnh liệt chống trả nó như vậy, thì nó không còn muốn gần chúng ta nữa để bớt đi sự đau đớn đó. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nó bỏ đi luôn, mà nó chỉ lui ra xa và đứng đó, và nó canh chừng khi chúng ta sơ hở thì nó ra đòn độc ngay. Vì thế chúng ta cần luôn luôn cảnh giác, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện tương giao với Chúa, suy ngẫm Lời của Chúa để Lời của Chúa luôn luôn thánh hóa chúng ta. Dù cho ma quỷ có rình mò đi chăng nữa, canh chừng sơ hở của chúng ta đi chăng nữa; nếu chúng ta có sơ hở thật thì Chúa sẽ bảo vệ chúng ta vì tấm lòng của chúng ta trong sạch trước mặt Chúa, vì tấm lòng của chúng ta luôn luôn hướng về Chúa và vâng phục Chúa. Vì vậy, dù chúng ta có sơ hở thì Chúa vẫn bảo vệ chúng ta. “Hãy phục Đức Chúa Trời”, tức là: Hãy làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời đã được thể hiện qua Thánh Kinh thì đương nhiên Ma Quỷ sẽ lánh xa chúng ta.

8 Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần các anh chị em. Hỡi những kẻ có tội, hãy lau tay mình; những kẻ hai lòng, hãy làm sạch lòng đi.

Đây là một lời rất lạ lùng bởi vì Gia-cơ đang viết thư cho Hội Thánh của Chúa, mà ông lại kêu gọi là: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần các anh chị em”, thì có khác nào ông nói: “Anh chị em đang ở xa Đức Chúa Trời, anh chị em hãy đứng gần Đức Chúa Trời để Ngài cũng đến gần anh chị em”. Rồi ông còn nói: “Hỡi những kẻ có tội, hãy lau tay mình; những kẻ hai lòng, hãy làm sạch lòng đi”. Mệnh đề thứ nhất là kêu gọi hãy đến gần Chúa để Chúa đến gần chúng ta. Mệnh đề thứ nhì là giải thích vì sao có lời kêu gọi đó, là bởi vì anh chị em vẫn còn có tội, sống trong tội. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng: “Tôi có tội lỗi gì đâu? Tôi sống không vi phạm điều răn của Chúa”. Nhưng có cái tội rất dễ phạm và cư trú rất lâu dài ở trong lòng chúng ta là ghét anh chị em mình. “Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người” (I Giăng 3:15), và hằng ngày trong Hội Thánh biết bao nhiêu người vẫn cứ giữ lòng ghét anh chị em mình. Và tôi cho rằng, dù đây là sự ghét một cách chính đáng là có lý do để ghét như: anh chị em của mình hãm hại mình, bất công với mình; anh chị em của mình bắt bớ mình, mình hoàn toàn là nạn nhân đối với anh chị em của mình dù họ vô tình hay cố ý gì thì mình vẫn là nạn nhân. Mình thật sự là nạn nhân vì thế mà mình giận, mình ghét và từ cái giận đó dẫn tới sự ghét. Dù cho mình không làm gì hết, không trả thù mà chỉ giữ lòng giận và ghét thôi thì mình cũng là kẻ giết người. Đó là tôi ví dụ một trường hợp riêng biệt như vậy, chứ còn thật sự ngày hôm nay con dân của Chúa đang sống trong tội như thế nào thì chỉ có mỗi một cá nhân người đó mới nhận biết. Vì tôi tin chắc rằng, một người đã được Chúa tái sinh mà nếu trở lại sống trong tội hay nuôi dưỡng tư tưởng tội thì Chúa nói rõ ràng rằng, không phải chờ khi chúng ta thực tế phạm tội tà dâm với một ai đó, mà khi chúng ta có tư tưởng muốn làm ra những việc tà dâm với người khác là chúng ta đã phạm tội tà dâm rồi (Ma-thi-ơ 5:28). Cho nên, tư tưởng tội tức là sống trong tội, chứ không phải chờ cho tư tưởng tội đó thành hành động. Vì thế, chỉ có mỗi một cá nhân của con dân Chúa đối diện với Ngài và Đức Thánh Linh vẫn luôn cáo trách chúng ta, chỉ có điều chúng ta có chịu nghe để chúng ta ăn năn hay không mà thôi.

Chúa kêu gọi: “Hỡi những kẻ có tội, hãy lau tay mình; những kẻ hai lòng, hãy làm sạch lòng đi”. Chữ “lau tay mình” rất là hay. Chúng ta biết là nhiều khi chúng ta có nhiệt tình, và chúng ta thật có thiện ý muốn trao thức ăn cho một người nào đó. Nhưng nếu chúng ta không rửa tay, không lau tay mình cho sạch sẽ thì thiện ý hay nhiệt tình trao thức ăn cho người khác nó trở thành việc làm xúc phạm người khác, có thể đem đến bệnh tật cho người khác, có thể làm người khác rất khó chịu khi chúng ta trao thức ăn cho họ mà tay chúng ta không sạch. Và ở đây nói tới sự kiện hằng ngày chúng ta làm việc này, việc kia cho Chúa, thân thể này của chúng ta được dùng để làm đồ dùng công chính cho Chúa. Nhưng nếu lòng chúng ta vẫn chú về tội ác, chúng ta vẫn sống trong tư tưởng tội lỗi thì việc làm của chúng ta, cái thân thể xác thịt của chúng ta làm ra một điều gì đó cho Chúa thì là cái việc làm vô ích, là việc ghê tởm trước mặt Ngài. Cho nên, từ ngữ “lau tay” có nghĩa là đừng làm ra cái việc tội lỗi nữa và bên trong tấm lòng thì hãy làm sạch lòng đi. “Những kẻ hai lòng, hãy làm sạch lòng đi”. “Hai lòng” tức là có tấm lòng yêu mến Chúa nhưng cũng có tấm lòng yêu mến thế gian, yêu mến cái tôi, yêu mến cái bản ngã, cái tự ái của mình hơn. Hãy hướng về Chúa, hãy yêu chỉ một mình Chúa mà thôi, đừng có tự phục vụ cái tôi của mình nữa.

9 Hãy đau thương và than khóc! Hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.

Cái điều đáng ngạc nhiên, đó là: Có nhiều con dân Chúa đang sống trong tội mà họ không ý thức được điều đó, họ không biết họ đang ở trong cái hoàn cảnh khốn nạn. “Hãy đau thương và than khóc”, tức là đau thương, khóc lóc của một kẻ phạm tội rồi sẽ đi vào trong sự hư mất mà không ý thức được. Cho nên, hãy ý thức được mình đang ở trong tội lỗi để mình có tấm lòng đau thương, khóc lóc vì mình đã phạm tội chống nghịch lại Thiên Chúa, để mà ăn năn. Đừng có vui cười nữa, tưởng rằng mình hay, mình tài, mình giỏi, mình thắng được, mình hơn người kia. Và hãy biết rằng, tất cả những sự cạnh tranh đó ở trong Hội Thánh là tội lỗi và mình đang phạm tội; vừa phạm tội trong lòng, vừa phạm tội bên ngoài mà lại vui mừng hớn hở tưởng đâu rằng đắc thắng, tưởng đâu rằng mình hơn được anh chị em của mình. Hãy đổi tiếng cười đó ra tiếng khóc, hãy đổi sự vui mừng đó ra sự đau buồn để mà ăn năn, để mà xưng tội với Chúa.

10 Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhấc các anh chị em lên.

“Hạ mình” tức là sấp mình nằm dài trước mặt Chúa, ăn năn xưng tội với Chúa và tôn Chúa làm Chủ, làm Đấng Thánh của mình. Và trường hợp này không chỉ riêng cho những người có tội một cách nặng nề, mà ngay cả những người phạm tội một cách nhẹ nhàng như là chỉ buồn, chỉ giận, chỉ ghét anh chị em của mình thôi chứ không làm ra việc gì khác, thậm chí cũng không rêu rao, không nói xấu, không than phiền với ai hết mà chỉ giữ trong lòng của mình thôi. Nhưng mà chỉ giữ sự buồn, sự ghét anh chị em của mình đó thì cũng có tội, cũng là tội nhân. Một người đi ra ngoài cạnh tranh với anh chị em của mình, bêu rếu, nói xấu, giành giật với anh chị em của mình, hay một người yên lặng, là nạn nhân của những sự việc đó, không đánh trả nhưng trong lòng căm ghét; thì cả hai cũng đều là tội nhân trước mặt Chúa, và cả hai cùng hạ mình xuống trước mặt Chúa để ăn năn, để xưng tội thì Ngài sẽ phục hồi mỗi một người. 

Chữ “Ngài sẽ nhấc các anh chị em lên”, tức là Ngài sẽ làm cho người đó đạt đến địa vị cao quý mà Ngài đã sắm sẵn cho họ. Nhưng mà khi nói đến địa vị cao quý mà Ngài đã sắm sẵn cho con dân của Chúa đó, thì có nhiều người nhìn vấn đề không đúng theo như cái nhìn của Chúa. Có nhiều người tưởng rằng, khi mình bước vào trong Hội Thánh thì mọi người đứng lên, cúi đầu trân trọng chào mình, và khi nói chuyện với mình thì một thưa hai kính, như vậy mình được cao sang, được tôn quý. Chứ còn mình hạ mình xuống nói chuyện khiêm nhường với mọi người và tôn xưng mọi người là mình thấp hèn. Họ suy nghĩ như vậy, nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại tiêu chuẩn của Chúa. Tiêu chuẩn của Chúa là ai muốn được tôn trọng thì phải hạ mình xuống để phục vụ. Cho nên, đôi khi chúng ta hiểu lầm sự được Chúa nhấc lên ở đây; là tưởng rằng, Chúa sẽ làm cho tất cả những người trong Hội Thánh tôn vinh mình, trọng vọng mình. Có thể như vậy nhưng cũng có thể ngược lại. Chúa đặt để mình vào trong địa vị trở thành người phục vụ tất cả những người còn lại trong Hội Thánh. Không phải là mái tóc óng ả đẹp đẽ trên đỉnh đầu của một thân thể, mà trở thành cái bàn chân để chịu đựng sức nặng của cả thân thể để phục vụ cả thân thể, để đưa thân thể vượt qua những nơi ô uế, những nơi chông gai, những nơi hiểm trở mà chính mình gánh lấy sự ô uế, những sự đau đớn, xước trầy. Có khi Đức Chúa Trời sẽ nhấc chúng ta lên cao trong cái địa vị như vậy.

11 Hỡi các anh chị em cùng Cha, chớ vu khống lẫn nhau. Ai vu khống anh chị em cùng Cha của mình và kết tội anh chị em cùng Cha của mình, tức là vu khống luật pháp và kết tội luật pháp. Nhưng nếu ngươi kết tội luật pháp, thì ngươi chẳng phải là người vâng giữ luật mà là quan án.

Ở trong Bản Dịch Truyền Thống thì nói rằng: “Ai nói hành anh em mình”. Nhưng chữ “nói hành” có thể khiến cho nhiều người ngày hôm nay không còn hiểu được cái nghĩa của nó. Cho nên, tôi đã hiệu đính lại là “vu khống” và đây là sự dịch sát với từ ngữ ở trong tiếng Hy-lạp. Ở trong tiếng Hy-lạp thì từ ngữ này có ý nghĩa là mình nói ra một lời nào đó mà nghịch lại cái người mà mình nói đến, còn sự vu khống này nó bao gồm nhiều việc.

  • Thứ nhất chúng ta có thể làm chứng dối cho một người nào đó, tức là chúng ta nói nghịch lại người đó.
  • Thứ nhì là chúng ta vu oan cho người đó, vu khống cho người đó, tức là chúng ta nói rằng người đó làm những điều này, điều kia, mà thật sự người đó không có làm.

Đôi khi chúng ta cố tình vu khống, chúng ta bịa đặt để chúng ta hạ nhục, hay làm mất uy tín của một người. Nhưng đôi khi cũng vì sự hiểu lầm mà chúng ta đã nói ra một lời vu khống, tức là người ta không có làm điều đó nhưng vì hiểu lầm mà chúng ta nói người ta làm điều đó, tức là chúng ta đã vu khống, có thể do sự hiểu lầm của chúng ta mà cũng có thể do sự nhận định của chúng ta nữa. Chúng ta nhìn thấy một người như vậy, chúng ta chưa biết được nguyên nhân vì sao người ta làm như vậy mà đã lên án người ta và chúng ta đi bêu rếu chuyện đó. Tất cả những sự kiện đó đều là nói nghịch người khác. Nói nghịch người khác còn là người khác thật sự có tội, thật sự làm ra sự sai trái. Nhưng thay vì chúng ta đau lòng, chúng ta xót dạ, chúng ta đến với người đó, khóc với người đó, cầu nguyện với người đó, khuyên người đó, an ủi người đó thì chúng ta lại đi bêu rếu việc làm của người đó. Chúng ta vui vẻ đem cái việc thất bại hay là tội lỗi của một người ra thuật đầu này, kể đầu kia. Chúng ta vui mừng, chúng ta hớn hở thuật lại những điều đó như thể khi mình thuật lại như vậy thì mình tự tôn cao được mình lên, để cho thấy mình thánh lắm, mình hơn những anh chị em đó. Đó cũng là một cách nói nghịch lại người khác. Nghĩa là, dù cho họ thật sự có tội nhưng công việc của chúng ta không phải là đem bêu rếu cái tội lỗi của họ. Khi cần, chúng ta thẳng thắn trước mặt họ mà nói rằng: “Anh, chị làm những điều như vậy là sai với Lời của Chúa, mà sai với Lời của Chúa là tội lỗi”. Rồi chúng ta lắng nghe để xem họ có xác nhận đó là việc làm sai trái với Lời Chúa hay không? Và nếu họ cũng nhận rằng đó là việc làm sai trái Lời Chúa, họ nhận họ có làm việc đó; có đôi khi họ nhận họ có làm việc đó nhưng họ không cho rằng làm như vậy là sai trái Lời Chúa, thì chúng ta dùng Lời Chúa để giúp anh chị em của mình thấy làm như vậy là tội lỗi, làm như vậy tức là sai nghịch Lời của Chúa, rồi khuyên anh chị em của mình ăn năn. Nếu anh chị em của mình không ăn năn thì mình có thể báo cáo cho các trưởng lão trong Hội Thánh, rồi yên lặng chờ đợi các trưởng lão trong Hội Thánh giải quyết sự việc đó. Và mình chỉ trở thành nhân chứng mà thôi, chứ chúng ta không phải là người đứng ra để lên tiếng kết án, buộc tội anh chị em của mình và đem cái chuyện đó bêu rếu đi khắp nơi. Huống hồ chi, nếu anh chị em của chúng ta thật sự không có chuyện đó mà chúng ta lại đặt điều, vu oan giá họa, vu khống. Cho nên, chữ “vu khống lẫn nhau” ở đây nó bao gồm nhiều hình thức như vậy.

“Hỡi các anh chị em cùng Cha, chớ vu khống lẫn nhau”. Đây là một mệnh lệnh của Đức Thánh Linh, Ngài ra lệnh cho chúng ta là không được nói lời nào vu khống lẫn nhau, gây sự thiệt hại cho nhau. Khi chúng ta nói một lời nào đó về một ai đó, trước hết hãy tự hỏi mình rằng, lời mà tôi nói ra ở đây có giúp ích được cho người mà tôi nói đến hay không. Nếu chúng ta nói ra mà không giúp ích được cho người mình nói đến thì thà rằng đừng nói, bởi vì nếu nói mà không đem lại ích lợi thì tức là nói nghịch, mà Lời của Chúa dạy cho chúng ta là “chớ vu khống lẫn nhau”. Như vậy, câu hỏi đầu tiên đặt ra là khi tôi nói ra điều này với người này, người kia, người nọ thì có giúp ích được gì cho người mà tôi nói đến hay không? Giả sử như tôi nói ra điều này với một anh chị em khác, mà tôi với anh chị em đó cùng hiệp ý đau đớn cầu thay cho người anh chị em mà tôi nói đó thì tôi nên nói ra. Nhưng mà nếu tôi chỉ nói để mà dè bỉu, để chê cười, để thỏa lòng căm tức, giận ghét, ghen tị của mình hay là đơn thuần mục đích để bêu rếu người đó, thì đó là nói nghịch anh chị em của mình. Cho nên, nếu lời nói của tôi về một ai đó mà không giúp ích được cho người mà tôi nói đến đó thì tôi không nói. Câu hỏi thứ nhì là dẫu cho lời nói đó giúp ích được cho người đó; nhưng mà trong thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó, trong lúc đó với người mà tôi định nói cho đó, thì khi tôi nói như vậy nó có làm cho Chúa được vinh quang hay không? 

Nói tới đây thì tôi nhớ lại sự kiện, đó là: Chuyện này xảy ra trong một nhà thờ của những người Ân Tứ, Ngũ Tuần. Họ nhảy múa, họ ca hát, họ cho rằng họ được đầy dẫy Đức Thánh Linh và Đức Thánh Linh cáo trách tội lỗi, và họ thay nhau đứng lên khóc lóc và xưng ra tội lỗi của mình. Và cuối cùng thì anh trưởng Ban Thanh Niên đứng lên, cũng khóc lóc xưng tội và công khai nói trước mặt Hội Thánh rằng anh có tư tưởng phạm tội ngoại tình với người vợ của người quản nhiệm Hội Thánh tại đó. Sau lời khóc lóc xưng tội của anh trước Hội Thánh thì gia đình của người quản nhiệm đó tan nát vì anh chồng quá ghen. Cho nên đôi khi có những việc làm, lời nói mà chúng ta nói về một người nào khác đó, dẫu là sự thật, là thật tình nhưng mà chúng ta phải xét xem điều đó có đem lại ích lợi cho người nói đến hay không? Có làm vinh quang Chúa hay không? Dĩ nhiên, tôi không có khuyến khích việc chúng ta che giấu tội lỗi của nhau. Nhưng mà tôi khuyên quý ông bà anh chị em là hãy lắng lòng lắng nghe tiếng phán gọi của Chúa để biết khi nào, lúc nào, với ai và chúng ta nên nói những lời này. Kể cả việc xưng tội cũng vậy, dù Chúa dạy rằng chúng ta hãy xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau; nhưng không phải chúng ta làm điều đó một cách máy móc như vậy, mà chúng ta phải có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh là xưng tội cùng nhau là xưng tội như thế nào, với ai, khi nào? 

Lời của Chúa dạy là: “Ai vu khống anh chị em cùng Cha của mình và kết tội anh chị em cùng Cha của mình”, thì chữ “kết tội” là được dùng giống như Ma-thi-ơ đoạn 7 mà Chúa dạy về vấn đề giả hình mà phán xét người khác đó. Chữ “kết tội” ở đây nó có nghĩa là đặt mình trong vai trò của một quan tòa, mình lên tiếng vu khống anh chị em rồi dựa trên sự vu khống đó, xem đó như là bằng cớ để mình phán xét anh chị em của mình, kết tội anh chị em của mình là Chúa không chấp nhận. Không phải Chúa không cho phép chúng ta không được lên án một người có tội mà không chịu ăn năn. Trong I Cô-rinh-tô đoạn 5 Chúa dạy rõ ràng rằng, nếu anh chị em của chúng ta phạm tội mà không chịu ăn năn thì chúng ta phải trừ bỏ kẻ gian ác đó ra khỏi Hội Thánh. Và để thi hành kỷ luật đó thì chúng ta phải có sự kết tội. Cho nên, “kết tội” ở đây không phải nghĩa là Chúa cấm chúng ta không được kết tội anh chị em của mình, mà Chúa cấm chúng ta không được vu khống anh chị em của mình và dùng lời vu khống đó rồi lên án, kết tội anh chị em của mình. Vì khi chúng ta làm như vậy là chúng ta vu khống không phải chỉ anh chị em của mình, mà chúng ta còn vu khống luật pháp của Chúa và chúng ta kết tội luật pháp của Chúa, vì luật pháp của Chúa nói rằng: “Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy” (Giăng 13:34). Đó là luật của Chúa và chúng ta hãy tự hỏi mình rằng: Chúa đã yêu chúng ta thế nào? Chúa đã yêu chúng ta bằng cách là khi chúng ta còn là người có tội thì Ngài đã đến thế gian này để chết thay cho chúng ta. Chúa đã chết thay cho chúng ta trước khi chúng ta biết Ngài và trước khi chúng ta ăn năn tội để tiếp nhận sự cứu chuộc của Ngài. 

Ngày hôm nay, nếu chúng ta cũng thật sự yêu anh chị em của mình trong Hội Thánh thì chúng ta hãy yêu bằng cái tình yêu mà Chúa đã yêu chúng ta, vì Chúa đòi hỏi chúng ta như vậy. Tất cả những gì anh chị em của chúng ta làm ra trên chúng ta, nghịch lại chúng ta, bất công với chúng ta có lớn bằng những gì mà chúng ta đã làm ra trong cuộc đời của mình đối với Chúa hay không? Nhưng Chúa có đòi hỏi rằng: “Con ơi, con phạm tội nhiều như vậy, con nghịch Ta như vậy, con xúc phạm Ta như vậy, con làm thiệt hại đau đớn Ta như vậy, con làm sỉ nhục Ta như vậy, con hãy ăn năn đi thì Ta sẽ chết chuộc tội cho con”. Chúa có nói như vậy không? Không. Chúa hoàn toàn yên lặng chịu chết để chuộc tội cho chúng ta, rồi Chúa mới kêu gọi chúng ta hãy đến với Chúa để tiếp nhận sự tha thứ của Ngài. Và nếu ngày hôm nay chúng ta cũng yêu anh chị em của mình như là Chúa đã yêu mình, thì chúng ta cũng hãy chấp nhận hết tất cả những sự xúc phạm, đau đớn, tổn thương mà anh chị em vô tình hay cố ý đã làm ra cho chúng ta, để chúng ta có thể tha thứ cho họ và chúng ta kêu gọi họ đến với sự ăn năn. Khi chúng ta kêu gọi, chúng ta thật lòng yêu thương, chúng ta rớt nước mắt kêu gọi những kẻ làm hại mình ở trong Hội Thánh đến với sự ăn năn mà họ không ăn năn, thì chúng ta giao lại điều đó cho các trưởng lão trong Hội Thánh và cho Chúa. Chúa là Đấng phán xử công chính cho chúng ta; còn nếu chúng ta tự mình bêu rếu anh chị em của mình, tự mình vu khống anh chị em của mình và tự mình lên án anh chị em của mình thì chúng ta là những người đã vu khống luôn luật pháp của Chúa là luật yêu thương, kết tội luôn luật pháp của Chúa. Và như vậy, chúng ta không còn là người đứng trong địa vị đón nhận và làm theo luật pháp của Chúa nữa, mà chúng ta trở thành người kết tội luật pháp của Chúa. Và sự chúng ta kết tội luật pháp của Chúa là chúng ta cho rằng luật của Chúa là không đúng. Ngài bảo rằng hãy yêu thương kẻ thù, hãy tha thứ cho kẻ thù. Mà ở đây chưa phải là kẻ thù, là anh chị em trong Chúa, là chi thể của cùng một thân mà chúng ta đã không thể tha thứ, đã không thể yêu thương và chúng ta đã vu khống họ, lên án họ thì như vậy có khác nào chúng ta nói luật pháp của Chúa là không đúng, là chúng ta lên án luật pháp của Chúa, kết tội luật pháp của Chúa.

12 Chỉ có một Đấng ban luật pháp, cũng là Đấng cứu được và diệt được. Nhưng ngươi là ai, mà phán xét người khác?

Tôi nhắc lại, chữ “phán xét người khác” được nói trong câu 12 này cũng cùng một nghĩa với chữ “kết tội” trong câu 11. Tức là “ngươi là ai, mà phán xét người khác” dựa trên những điều nghịch lại Lời của Chúa như vậy. Chúa không cho phép mà các ngươi vu khống nhau, mà các ngươi dựa trên sự vu khống nhau đó mà các ngươi phán xét lẫn nhau. Chứ đây không nói tới sự Hội Thánh phán xét kẻ có tội rõ ràng, có chứng cớ mà không chịu ăn năn. Những người tự xưng mình là con dân của Chúa mà rượu chè say sưa, trai gái, cờ bạc, đĩ điếm, nói dối, trộm cắp cách tỏ tường như vậy, nếu Hội Thánh sau nhiều lần kêu gọi ăn năn mà không ăn năn thì Hội Thánh phán xét, và Hội Thánh kỷ luật và đuổi họ ra khỏi Hội Thánh. Đó là sự phán xét mà Hội Thánh phải làm, chứ không phải là sự phán xét Chúa đang nói đến trong Gia-cơ đoạn 4 ngày hôm nay. Chữ “phán xét” Chúa nói trong Gia-cơ đoạn 4 mà chúng ta đang học đây là sự phán xét không công chính, sự phán xét tương tự như trong Ma-thi-ơ đoạn 7. Giả hình mà phán xét người khác, cùng phạm một tội với người ta, có khi phạm còn nặng hơn người ta nữa mà lại phán xét người ta về cái tội đó. Ở đây, chúng ta nói những lời vu khống nhau, và chúng ta dựa trên những lời vu khống nhau mà chúng ta phán xét nhau thì điều đó là không đúng. Chúa là Đấng lập ra luật pháp và Chúa là Đấng cứu được và diệt được. Ngài sẽ diệt những kẻ cố tình vi phạm luật pháp của Ngài mà không ăn năn, và Ngài cũng là Đấng sẽ cứu những kẻ đã vi phạm luật pháp của Ngài mà ăn năn. Cho nên, chúng ta hãy nhường việc phán xét đó lại cho Chúa và chúng ta chỉ chân thành, thật lòng yêu thương anh chị em của mình, đau lòng và đến với họ, nói với họ rằng: “Anh ơi, chị ơi, anh chị làm như vậy là bất công đối với tôi, không đúng với Lời của Chúa. Xin hãy nghe tôi phân bày xem tôi có hiểu lầm anh chị em hay không? Nếu tôi có hiểu lầm xin giải thích cho tôi hiểu để tôi xin lỗi anh chị em. Còn nếu điều tôi trình bày đây là thật thì xin anh chị em hãy ăn năn, hãy cùng tôi cầu nguyện với Chúa để Chúa tha thứ, để Chúa phục hồi, để cho chúng ta vẫn là chi thể của cùng một thân”. Cho nên, dù đứng về phía nào, người có tội hoặc là nạn nhân của kẻ làm ra tội, chúng ta cần phải để cho Chúa là Đấng phán xét sự việc giữa chúng ta với nhau. Và Ngài sẽ cứu những ai hạ mình ăn năn, xưng nhận tội lỗi; và Ngài sẽ giết những ai cứng lòng không chịu ăn năn, không chịu xưng nhận tội lỗi.

13 Hãy nghe đây! Những ai nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn bán và có lời!

14 Nhưng ngày mai sẽ ra thế nào, các anh chị em chẳng biết! Vì sự sống của các anh chị em là gì? Nó như hơi nước, hiện ra một lát rồi thì tan đi!

Ở đây, chúng ta thấy Chúa chuyển qua một đề tài khác là sự kiêu ngạo của chúng ta. Nó không phải chỉ gây ra sự cạnh tranh, đánh nhau, chiến tranh trong Hội Thánh mà nó còn đưa đến một sự kiện khác nữa là chúng ta hoạch định lối sống của mình, tương lai của mình theo ý riêng của mình chứ không theo sự dẫn dắt của Chúa. Nghĩ rằng mình đầy ơn của Chúa, giàu có trong Chúa, mình được ơn của Chúa, mình được Chúa làm cho sung mãn, phước hạnh như vậy và bây giờ mình muốn làm cái này, mình muốn làm cái kia. Tất cả đều là “tôi muốn, tôi muốn” như là Sa-tan đã 6 lần nói “tôi muốn, tôi muốn” và đã sa ngã, đã phạm tội. Ngày hôm nay, khi mà chúng ta nói “tôi muốn, tôi muốn”, mà không biết Chúa có muốn hay không thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng rơi vào trong tội lỗi. Và Lời của Chúa trong câu 13, 14 này đưa ra một sự kiện để làm tiêu biểu về những người tự mình sắp xếp tương lai của mình, cuộc sống của mình mà không tham khảo ý kiến của Chúa, ý muốn của Chúa, không tham khảo Lời của Chúa. Và thực tế phũ phàng là ai có thể biết được ngày mai, ai có thể biết được một giây đồng hồ sau thì mình sẽ ra thế nào? Mình có còn thở được hơi thở kế tiếp hay không? Không ai biết được hết. Đời người chỉ như là hơi nước, thoáng đến rồi thoáng đi. Chúng ta hãy ý thức được sự thấp hèn của thân phận loài người của chúng ta. Nhất là loài người đã bị nhiễm tội, đã từng ở trong tội thì nay dù đã được Chúa cứu chuộc và đặt chúng ta vào địa vị cao quý; một địa vị có thể nói là ngoài chính địa vị của Chúa ra, thì địa vị của chúng ta là địa vị cao quý nhất ở trong vương quốc của Ngài. Thế nhưng ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này, thì tất cả những gì mà chúng ta có, chúng ta nhận thức được chỉ là tạm bợ rồi chúng nó sẽ qua đi hết; chỉ có tấm lòng của chúng ta tha thiết với Chúa, và những gì chúng ta làm ra với tấm lòng tha thiết mới còn lại đời đời mà thôi. Cho nên, chúng ta đừng có nghĩ rằng mình hay, mình giỏi, mình có năng lực, mình có thể làm điều này, điều kia. Tất cả những chương trình, những dự định của chúng ta phải đặt ở trong sự khẩn thiết tìm cầu ý Chúa, dâng trình lên cho Chúa và hành động đúng giờ, đúng lúc, đúng địa điểm, đúng thời gian mà Chúa định sẵn cho chúng ta. Chứ không phải hễ chúng ta muốn chúng ta cứ làm, không phải chúng ta thấy điều này có lợi cho tôi, không xúc phạm danh Chúa thì tôi làm. Có những điều có lợi, có những điều không xúc phạm danh Chúa nhưng không phải thời điểm, và chúng ta cần phải biết khi nào đúng thời điểm và phương cách làm thế nào để chúng ta làm.

15 Trái lại, các anh chị em phải nói: Nếu như Chúa muốn, thì chúng ta còn sống và sẽ làm việc nọ, việc kia.

Câu này dẫn dắt cho chúng ta trở lại ý thức rằng, Chúa là Đấng làm chủ đời sống của chúng ta. Khi chúng ta gọi Ngài là Chúa tức chúng ta gọi Ngài là Chủ. Gọi Chúa tức là “Chủ”, là chữ được dùng trong sự kiện như là một người nô lệ đã bán mình vào trong nhà của chủ, được chủ mua về sự sống, sự chết và ngay cả ước muốn của mình cũng nằm trong bàn tay của chủ. Vậy, vì sao chúng ta dám tự mình làm chủ của mình mà chúng ta nói rằng: “Tôi sẽ làm cái này, tôi sẽ làm cái kia” mà không tìm cầu ý Chúa? Không tìm hiểu điều mình nói, điều mình làm đó đẹp lòng Chúa và đúng theo ý muốn của Chúa. Thật ra khi một người thật lòng yêu mến Chúa trên tất cả mọi sự thì Đức Thánh Linh sẽ khiến cho người đó vừa muốn vừa làm theo ý muốn tốt lành của Chúa. Nhưng Lời của Chúa ở đây nói đến những người chưa hết lòng yêu mến Chúa, họ đang yêu mến chính địa vị của họ, danh vọng của họ, khả năng của họ, ân tứ của họ. Họ yêu mến những điều được ban cho hơn là yêu mến Đấng ban cho; cho nên, họ mới nói những lời kiêu ngạo như vậy. Và Lời của Chúa khuyên chúng ta hãy nhớ rằng, Chúa là Chủ của chúng ta và mỗi một việc chúng ta làm phải hỏi qua ý của Chủ của mình. Có những việc là những việc Chúa muốn nhưng mà chưa chắc là Chúa muốn chúng ta làm. Cho nên, dù đó là việc tốt lành đẹp ý Chúa nhưng Chúa vẫn có thể đem chúng ta về với Ngài trước khi chúng ta hoàn thành việc đó. Cho nên, Lời của Chúa khuyên: “Nếu như Chúa muốn, thì chúng ta còn sống và sẽ làm việc nọ, việc kia”, chứ không phải những việc tốt lành là mình sẽ làm đâu. Thật có những việc tốt lành đó nhưng nếu mình còn sống thì mình mới có thể làm được.

16 Nhưng kìa, các anh chị em khoe mình trong sự kiêu ngạo của các anh chị em! Những sự khoe mình như vậy là xấu!

Chữ “khoe mình” là nói tới sự khoe khoang như câu 13 và câu 14. Tất cả sự khoe mình dựa trên nền tảng để tôn vinh chính mình, nương cậy vào mình là xấu, nhưng nếu chúng ta khoe mình trong Chúa thì đó là điều tốt. Phao-lô đã từng nhiều lần khoe mình trong Chúa như vậy và chúng ta hãy học theo cách thức khoe mình của Phao-lô. Sự khoe mình của Phao-lô là sự khoe mình được thần cảm bởi Đức Thánh Linh để nói ra những điều như vậy, có những lời khoe không có tỏ tường nhưng có hàm ý khoe mình. Ví dụ: Khi ông Phao-lô nói rằng: “Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1), là một sự khoe hàm ý. Ông không có mục đích nói điều đó để khoe rằng, ông đang sống một cách đẹp lòng theo Lời của Chúa. Mà khi ông nói ra điều đó là Đức Thánh Linh thần cảm ông để ông nói ông tha thiết kêu gọi mọi người hãy làm như ông đây này, làm như là ông đang bắt chước Chúa làm ở đây. Mục đích câu nói của ông là hướng về người khác để cho người khác có thể làm được điều mà Chúa ưa thích như ông đang làm, chứ không phải câu nói của ông là hướng mắt của mọi người nhìn vào ông để thấy ông tài giỏi, tốt lành, đang làm theo thánh ý của Chúa. Đó là sự khoe mình ở trong Chúa. Nhưng mà cũng cùng một câu nói đó, cái mục đích để cho người ta thấy rằng mình sống đạo đức, thánh thiện, tốt đẹp ở trong Chúa hơn những người khác thì đó là sự khoe mình mà Chúa không muốn cho chúng ta khoe. Nhưng mà nếu chúng ta vui mừng vì những điều mà Chúa đã dùng chúng ta để làm ra, chúng ta vui mừng vì những điều đó khiến cho danh Chúa được tôn cao, đem lại ích lợi cho người khác, phước hạnh cho người khác, khích lệ cho người khác, làm gương tốt cho người khác thì không có gì sai, niềm vui đó là chính đáng. Nhưng mà nếu chúng ta vui vì chúng ta thấy rằng mình trội hơn người khác, mình giỏi hơn người khác, tài hơn người khác, được ơn hơn người khác thì chúng ta sai. Những sự vui như vậy, khoe mình vì bản thân mình như vậy là xấu.

17 Vậy, người nào biết làm điều lành mà chẳng làm, thì người ấy phạm tội.

Câu này đúc kết cho tất cả 16 câu trước đó, tức là những gì đã được Gia-cơ trình bày trong 16 câu trước đó mà chúng ta học qua nãy giờ, là những điều lành chúng ta đã biết đến. Mà nếu chúng ta đã biết đến mà chúng ta không làm thì chúng ta phạm tội, chúng ta trở thành kẻ thù nghịch của Chúa và chúng ta trở thành bạn của thế gian. Nguyện rằng Lời của Chúa giúp cho chúng ta thấy được tiêu chuẩn cao trọng mà Chúa mong chờ nơi chúng ta, đó là: hãy yêu người khác như chính mình, hãy yêu người khác bằng cái tình yêu Chúa đã dùng để yêu chúng ta và hãy thể hiện tình yêu đó bằng cách, vì yêu mà gánh chịu tất cả những sự đau buồn, oan ức, khổ sở, thiệt hại mà anh chị em của mình đã làm ra, rồi Chúa sẽ nâng chúng ta lên. Cảm tạ Chúa! Mong rằng, mỗi một chúng ta sẽ trở nên không phải chỉ là con dân của Chúa, đứng trong địa vị làm con của Chúa, mà còn trở thành những đầy tớ ngay lành, trung tín của Chúa, luôn luôn tôn trọng Chủ của mình và hết lòng sống chết làm theo Lời của Chủ mình. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.