Chú Giải Gia-cơ 05:13-18 Con Dân Chúa Cầu Nguyện Khi Chịu Khổ…

6,581 views


YouTube: https://youtu.be/40QHsOqxliA

905912 Chú Giải Gia-cơ 5:13-18
Con Dân Chúa Cầu Nguyện Khi Chịu Khổ,
Tôn Vinh Khi Vui Mừng, Xưng Tội Cùng Nhau,
và Cầu Thay cho Nhau Được Lành Bệnh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe Gia-cơ 5:13:

Bấm vào nút “play” ► để nghe Gia-cơ 5:14-18:

Gia-cơ 5:13-18

13 Trong các anh chị em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? Người ấy hãy hát những lời tôn vinh.

14 Trong các anh chị em có ai đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão của Hội Thánh đến, để họ cầu nguyện cho người, nhân danh Chúa mà xức dầu cho người.

15 Và sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người dậy; nếu người đã phạm tội, những tội ấy cũng sẽ được tha.

16 Vậy, hãy xưng những lỗi lầm của các anh chị em cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, để cho các anh chị em được lành bệnh. Lòng sốt sắng khẩn xin của người công chính, thật có linh nghiệm nhiều.

17 Ê-li vốn là người cùng bản tính như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm sáu tháng.

18 Và người cầu nguyện lại, thì trời đổ mưa, và đất sinh sản hoa màu. [I Các Vua 17:1; 18:1, 41-45].

Chúng ta đang học về ba lời khuyên quan trọng, được Gia-cơ dùng để kết thúc thư Gia-cơ. Trong bài trước chúng ta đã học về lời khuyên thứ nhất: Con dân Chúa không nên thề. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về lời khuyên thứ nhì: Con dân Chúa nên xưng tội cùng nhau và cầu thay cho nhau, để được Chúa chữa lành các chứng tật bệnh.

Qua Thánh Kinh mà chúng ta biết mọi đau khổ, bất công, tật bệnh, và ngay cả sự chết là hậu quả của sự loài người phạm tội. Nhưng đối với con dân Chúa thì không phải lúc nào đau khổ, bất công, tật bệnh, hoặc sự chết cũng là hậu quả của tội lỗi. Vì có lúc, bởi sự cho phép của Thiên Chúa mà Ma Quỷ vẫn có thể dùng những sự đó làm khổ chúng ta, để cám dỗ chúng ta phạm tội. Câu chuyện của ông Gióp là chứng cớ hiển nhiên trong Thánh Kinh.

Lời Chúa phán dạy trong Ê-sai 53:5 là một lời tiên tri có nghĩa tương đối áp dụng cho trời cũ đất cũ, lẫn nghĩa tuyệt đối áp dụng cho trời mới đất mới:

“Nhưng Người đã vì những sự phản nghịch của chúng ta mà bị đâm, vì những sự gian ác của chúng ta mà bị thương tích. Sự sửa phạt để chúng ta được bình an đã giáng trên Người, và bởi những lằn roi của Người mà chúng ta được lành bệnh.”

Chữ “Người” trong câu này là chỉ về Đức Chúa Jesus Christ. Trong trời mới đất mới thì mọi đau khổ, bất công, tật bệnh, và sự chết sẽ không còn nữa bởi sự đền tội của Đức Chúa Jesus Christ cho toàn thể nhân loại (Khải Huyền 21:4). Đó là sự chữa lành tuyệt đối. Trong trời cũ đất cũ, sự chữa lành chỉ có tính tương đối, nghĩa là chỉ khi nào cần thiết cho chương trình của Thiên Chúa thì Ngài mới tạm thời chữa lành người bệnh, làm sống người chết, giải cứu con dân Chúa khỏi những nguy hiểm… Bởi vì, thân thể xác thịt này đã bị rủa sả bởi sự loài người phạm tội (Sáng Thế Ký 2:17; 3:19), nên phải già yếu, bệnh tật, rồi chết đi trước khi nhận được sự chữa lành toàn diện và vĩnh cửu. Ngày nay, những khi Chúa cho phép, con dân Chúa vẫn có thể trong danh Chúa làm ra phép lạ chữa lành tật bệnh, gọi người chết sống lại một cách siêu nhiên. Điều đó không hề thay đổi, vì ngày nào Hội Thánh còn ở thế gian thì ngày ấy các ân tứ Chúa ban cho Hội Thánh vẫn còn với Hội Thánh.

Vì thế, chúng ta phải hiểu là lời hứa trong Gia-cơ 5:13-18 về sự con dân Chúa có thể được chữa lành tật bệnh cũng chỉ có giá trị tương đối và tạm thời. Tương đối nghĩa là không phải trường hợp nào cũng được chữa lành. Tạm thời có nghĩa là dù được chữa lành nhưng sẽ bị bệnh trở lại hoặc bị một chứng bệnh khác, mà điển hình là “bệnh già”, tức là cơ thể bị suy yếu dần, dẫn đến sự chết. Nếu chúng ta hiểu sai và áp dụng sai Lời Chúa thì hậu quả sẽ là thất vọng, có thể dẫn đến mất đức tin.

13 Trong các anh chị em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? Người ấy hãy hát những lời tôn vinh.

Gia-cơ 5:13 có thể được xem là một lời khuyên độc lập với lời khuyên con dân Chúa nên xưng tội cùng nhau và cầu thay cho nhau để được lành bệnh trong Gia-cơ 5:14-18. Tuy nhiên, chính tật bệnh là sự khổ lớn nhất và thường xuyên mà không ai tránh khỏi. Bên cạnh đó, sự khổ đến với con dân Chúa nhiều khi do sự phạm tội của anh chị em cùng đức tin, khi họ hiểu lầm, ganh tị, hay tư vị… nói chung là khi họ vì phạm tội mà gây thiệt hại trực tiếp cho chúng ta. Vì thế, chúng tôi chọn xếp chung Gia-cơ 5:13 với lời khuyên con dân Chúa nên xưng tội cùng nhau và cầu thay cho nhau.

Khi chúng ta chịu khổ, dù là bất cứ nguyên nhân nào khiến cho chúng ta chịu khổ, thì điều duy nhất khiến cho chúng ta có được đủ sức để chịu đựng và được giải cứu, chính là sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện ở đây có nghĩa là kêu cầu danh Chúa để xin Ngài ban thêm ân điển cho chúng ta để chúng ta đủ sức chịu khổ. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có thể kêu cầu danh Chúa, xin Ngài đem chúng ta ra khỏi sự khổ, nhưng thánh ý của Chúa là chúng ta phải chịu khổ mỗi ngày mà theo Chúa và phải chịu khổ như một người lính giỏi:

“Rồi, Ngài phán với hết thảy mọi người: Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

“Vậy, con hãy chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jesus Christ.” (II Ti-mô-thê 2:3).

“Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

“Sự đó” trong I Phi-e-rơ 2:21 tức là sự chịu khổ một cách bất công như đã nói đến trong câu 19 và 20. Đức Chúa Jesus Christ đã vì chúng ta kiên trì, chịu khổ bất công. Chúng ta cũng hãy kiên trì chịu khổ, cho dù là chịu một cách bất công, vì danh Chúa. Chính Chúa sẽ ban cho chúng ta đầy đủ ân điển của Ngài để chúng ta trở nên mạnh mẽ trong sự chịu khổ:

“Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9).

Sự cầu nguyện trong khi chịu khổ còn bao gồm sự cầu thay cho kẻ thù ngoài Chúa và cầu thay cho anh chị em trong Chúa có lỗi với chúng ta. Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho họ và ban cho họ có cơ hội ăn năn. Khi chúng ta cầu xin Chúa tha thứ cho họ thì trong lòng chúng ta sẽ không có ý muốn trả thù hay là nói ra những lời cay đắng với họ. Chúng ta cần cầu xin Chúa ban cho họ cơ hội ăn năn, vì một lẽ quan trọng sau đây:

Chúa không bao giờ hứa rằng Ngài sẽ ban cho kẻ có tội cơ hội ăn năn. Mặc dù Chúa ban cơ hội ăn năn cho tội nhân nhưng đó là bởi lòng thương xót của Chúa. Ngài muốn thương xót ai thì Ngài thương xót. Ngài muốn làm ơn cho ai thì Ngài làm ơn. Không một ai có quyền đòi hỏi Chúa ban cho mình cơ hội ăn năn hay là làm bất cứ một thứ ơn nào cho mình. Chúng ta có thể cầu xin nhưng Chúa không có bổn phận phải đáp lời cầu xin của chúng ta khi chúng ta không tin cậy và không vâng phục Chúa. Chính vì Chúa không hứa sẽ ban cho kẻ có tội cơ hội ăn năn mà chúng ta phải tích cực cầu thay cho họ. Nhất là với những người đã là con dân Chúa mà vẫn cố tình phạm tội xúc phạm anh chị em trong Hội Thánh.

Bất cứ ai xúc phạm con dân Chúa, dù chỉ là một đứa bé thì người ấy đáng tội chết! Khi thầy tế lễ thượng phẩm sai người đánh Sứ Đồ Phao-lô, thì Đức Thánh Linh đã mở miệng Phao-lô để tuyên án thầy tế lễ thượng phẩm, mặc dù lúc ấy Phao-lô không biết ông ta là thầy tế lễ thượng phẩm:

“Phao-lô đã nói với ông ta: Hỡi bức tường tô trắng kia! Đức Chúa Trời sẽ đánh ông. Ông ngồi để phán xử tôi theo luật pháp, mà truyền cho tôi bị đánh cách trái luật pháp.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 23:3).

Người không tin Chúa xúc phạm con dân Chúa, làm khổ con dân Chúa chúng ta còn có thể hiểu được. Nhưng con dân Chúa mà xúc phạm lẫn nhau, làm khổ lẫn nhau thì thật là khó hiểu. Bởi vì, con dân Chúa chân thật thì yêu anh chị em của mình hơn chính mạng sống của mình, danh tiếng của mình, quyền lợi của mình, tài sản của mình… không thể nào vô cớ làm hại anh chị em của mình, khiến cho anh chị em của mình phải chịu khổ. Con dân chân thật của Chúa khi nói lên những lỗi lầm của anh chị em mình thì nói lên trong nước mắt và với lời kêu gọi ăn năn, không phải nói lên với lòng tức giận, ghét bỏ, muốn làm nhục người có lỗi.

Chúng ta cần nhận thức rõ điều này: Tất cả những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, thì đều được dựng nên mới (tái sinh), được ban cho địa vị làm con của Đức Chúa Trời, được gia nhập vào trong Hội Thánh của Chúa. Nhưng chỉ những ai chịu bỏ đi bản ngã cũ, mặc lấy người mới thì mới là con dân chân thật của Chúa. Những ai vẫn sống theo bản ngã cũ thì không phải là con dân chân thật của Chúa, dù vẫn ở trong Hội Thánh, vẫn được gọi là con dân Chúa. Nhưng một ngày kia, chính Chúa sẽ ném họ ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. Điều đó đã được chính Đức Chúa Jesus Christ minh họa trong ngụ ngôn về tiệc cưới, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 22:1-14:

1 Đức Chúa Jesus lại phán ví dụ cùng chúng nữa, rằng:

2 Vương Quốc Trời giống như một vua kia làm tiệc cưới cho con mình.

3 Vua sai đầy tớ đi nhắc những người đã được mời đến dự tiệc; nhưng họ không chịu đến.

4 Vua lại sai đầy tớ khác mà dặn rằng: Hãy nói với người được mời như vầy: Này, ta đã sửa soạn tiệc rồi; bò và thú béo đã giết xong, mọi việc đã sẵn cả, hãy đến mà dự tiệc cưới.

5 Nhưng họ không quan tâm, cứ việc đi đường mình; kẻ này đi ra ruộng, kẻ kia buôn bán;

6 còn những kẻ khác bắt đầy tớ của vua, mắng chửi và giết đi.

7 Vua nổi giận, sai quân lính diệt những kẻ giết người đó, và đốt phá thành của họ.

8 Kế đó, vua phán với đầy tớ mình rằng: Tiệc cưới đã dọn xong rồi; nhưng những người được mời không xứng dự tiệc đó.

9 Vậy, các ngươi hãy đi khắp các ngã tư, bất cứ gặp người nào thì mời cả đến dự tiệc.

10 Đầy tớ đi khắp các đường cái, nhóm lại hết thảy những người họ gặp, bất luận dữ lành, đến nỗi trong phòng đầy những người dự tiệc.

11 Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ cưới,

12 thì phán với người rằng: Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ cưới? Người đó làm thinh.

13 Vua truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chân nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

14 Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.

Hội Thánh là phòng chờ dự tiệc. Chúa là vị vua mời tất cả mọi người dự tiệc. Khách dự tiệc là tất cả những ai tin và nhận Tin Lành của Chúa được nhập vào trong Hội Thánh. Người khách không chịu mặc áo lễ của vua ban cho là người ở trong Hội Thánh mà không vâng lời Chúa, không chịu mặc lấy người mới mà vẫn sống theo bản ngã cũ. Chính những người như vậy làm khổ con dân chân thật của Chúa trong Hội Thánh. Họ có thể mặc những chiếc áo sang trọng tiêu biểu cho sự đạo đức hơn người của họ mà không chịu mặc chiếc áo trắng đơn sơ, tinh sạch Chúa ban. Họ dựa vào những thành tích họ lập ra trong các giáo hội. Họ dựa vào số năm tin Chúa lâu dài hơn người khác. Họ dựa vào sự gia đình, dòng họ của họ có nhiều người giữ những chức vụ cao trọng trong các giáo hội. Họ dựa vào các đức tính tốt của họ được người đời khen ngợi. Họ dựa vào những kỷ luật khắc khổ thuộc linh họ tự đặt ra cho họ đến nỗi biến thành máy móc, cứng ngắc… Đó là những chiếc áo mà họ hãnh diện mặc trong Hội Thánh của Chúa. Vì thế, ai lỡ chạm vào chiếc áo của họ thì sẽ bị họ xô đẩy, mắng nhiếc không tiếc lời. Cho đến khi, Chúa đến để đem Hội Thánh vào phòng tiệc, thì Ngài sai thiên sứ ném họ ra ngoài.

Chắc chắn hình phạt dành cho những kẻ đã biết Chúa rồi mà vẫn sống trong tội đến nỗi bị Chúa mửa ra, sẽ là nặng hơn những người không hề tin nhận Chúa. Những người không tin nhận Chúa sẽ bị hình phạt về mọi tội lỗi của họ nhưng họ không bị phạt cái tội giày đạp máu thánh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; vì họ chưa bao giờ tiếp nhận sự chuộc tội của Ngài.

Và nên nhớ, khi một con dân chân thật của Chúa chỉ ra tội lỗi của anh chị em khác trong Hội Thánh để người có tội ăn năn, thì đó không phải là hành động làm khổ lẫn nhau. Người bị chỉ tội có thể vì tự ái mà bực tức, khó chịu… Nhưng việc chỉ tội lẫn nhau là công việc rửa chân thuộc linh cho nhau theo Lời Chúa dạy. Con dân chân thật của Chúa cũng có thể phải chịu khổ khi rửa chân cho anh chị em trong Hội Thánh mà người được rửa chân đó chưa dứt khoát với bản ngã cũ, đã không biết ơn mà còn quay lại tấn công người rửa chân cho mình.

Khi chúng ta được Chúa ban cho cơ hội để chịu khổ, được Chúa ban cho ân điển để kiên trì chịu khổ, được Chúa giải cứu chúng ta ra khỏi sự chịu khổ, và khi chúng ta được thảnh thơi, không phải chịu khổ… thì đó là những lúc chúng ta được vui mừng. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể vui mừng vì những sự khác Chúa ban cho chúng ta, cho anh chị em trong Hội Thánh, vui mừng khi có người thật lòng tin nhận Chúa, vui mừng khi thấy anh chị em trong Chúa được lớn lên trong đức tin… Khi vui mừng, chúng ta hãy lớn tiếng hát những lời tôn vinh Chúa. Ngày nay, chúng ta có hàng ngàn bài thánh ca để hát tôn vinh Chúa. Chúng ta cũng có thể đọc thuộc lòng những Thi Thiên để tôn vinh Chúa. Đẹp ý Chúa, Đức Thánh Linh sẽ cảm động lòng chúng ta để chúng ta tôn vinh Chúa bằng một bài ca mới, do chính Đức Thánh Linh đặt để trong tâm trí chúng ta.

Trở lại với sự chịu khổ lớn nhất trong đời người mà không ai tránh khỏi, là sự chịu khổ vì tật bệnh trong thân thể xác thịt. Tật là những sự bất thường xảy ra trên thân thể chúng ta từ khi được sinh ra, hoặc do tai nạn để lại, khiến cho thân thể chúng ta không thể nào hoạt động bình thường. Bệnh là sự suy yếu của cơ thể vì các loại vi trùng. Cả tật lẫn bệnh đều có chung nguồn gốc là bởi vì loài người đã thiếu đi vinh quang của Thiên Chúa sau khi loài người phạm tội. Thân thể xác thịt của loài người bị rủa sả, phải bệnh và chết. Nhưng có những lúc Thiên Chúa cho phép tật bệnh xảy đến cho một người không phải vì người đó hay cha mẹ người đó phạm tội.

Hai trường hợp điển hình là người bị tật mù từ khi mới được sinh ra và cái dằm xóc của Sứ Đồ Phao-lô thường được hiểu là một chứng bệnh kinh niên.

Trường hợp người bị tật mù từ trong bụng mẹ được Chúa phán dạy như sau:

“Ngài đi qua, thấy một người bị mù từ khi được sinh ra. Các môn đồ của Ngài đã hỏi Ngài rằng: Ra-bi! Ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ của người, mà người đã được sinh ra bị mù? Đức Chúa Jesus đáp: Chẳng phải người này đã phạm tội cũng chẳng phải cha mẹ của người; nhưng để cho những việc của Đức Chúa Trời có thể được tỏ ra trong người.” (Giăng 9:1-3).

Trường hợp của Sứ Đồ Phao-lô thì ông trình bày như sau:

“Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo. Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi. Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:7-9).

Vì thế, chúng ta không thể lúc nào cũng cho rằng những sự đau đớn, tật bệnh, khó khăn, thiếu thốn… đến trong đời sống của một ai đó thì đều là vì người ấy phạm tội. Hãy ghi nhớ hai trường hợp trên đây và câu chuyện của Gióp.

Riêng trong trường hợp bị bệnh của con dân Chúa, Lời Chúa trong Gia-cơ 5:14-18 dạy cho chúng ta một phương cách để sớm được chữa lành. Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của lời dạy ấy.

14 Trong các anh chị em có ai đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão của Hội Thánh đến, để họ cầu nguyện cho người, nhân danh Chúa mà xức dầu cho người.

Chữ “đau ốm” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là một người khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên bị bệnh, sức khỏe yếu kém. Nghĩa rộng còn bao gồm cả sự yếu kém sức khỏe vì bị thương tích. Dĩ nhiên, khi một người bị bệnh hay bị thương thì người ấy đang chịu khổ, và căn cứ vào lời dạy trong câu 13, chúng ta biết người bệnh cần phải tự mình kêu cầu Chúa. Tuy nhiên, bước kế tiếp là người bệnh phải mời các trưởng lão trong Hội Thánh đến, nhờ họ cầu nguyện cho mình, rồi nhân danh Chúa mà xức dầu cho mình.

Trưởng lão được nói đến ở đây không phải là người được bầu vào chức vụ trưởng lão trong các giáo hội. Trưởng lão trong Hội Thánh thật của Chúa không do ai bầu ra cả, cũng không do ai phong chức cả mà là do Đức Thánh Linh lập nên và khiến cho Hội Thánh công nhận:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh chị em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

“Tôi gửi lời khuyên này cho các trưởng lão trong các anh chị em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ và cũng có phần về sự vinh quang sẽ hiện ra. Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng; chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy.” (I Phi-e-rơ 5:1-3).

Ở mỗi Hội Thánh địa phương, người nào hiểu biết Lời Chúa hơn hết, sống theo Lời Chúa và chăm sóc, giảng dạy cho con dân Chúa, thì người ấy đương nhiên là trưởng lão tại Hội Thánh địa phương ấy. Con dân Chúa đương nhiên nhận người ấy là trưởng lão của mình. Trưởng lão trong Hội Thánh không nhất thiết phải là người có nhiều tuổi đời. Ti-mô-thê, Tít là hai thanh niên trẻ tuổi, nhưng họ là trưởng lão trong Hội Thánh và được Đức Thánh Linh dùng để ấn chứng chức vụ trưởng lão của những người khác trong các Hội Thánh địa phương mà họ dự phần gây dựng.

Dầu được xức ở đây là dầu ô-li-ve, tức là dầu được ép ra từ trái ô-li-ve. Tự chất dầu ô-li-ve cũng có công hiệu làm xoa dịu chỗ đau, khử trùng và giúp vết thương sớm lành. Hành động xức dầu được nói đến ở đây hàm ý tìm kiếm sự chữa lành, và sự chữa lành ấy ở trong danh của Đức Chúa Jesus Christ. Như vậy, nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh không phải là một bí tích, tức là, không phải việc làm đó tạo ra một phép lạ siêu nhiên nào, hay đem lại một ơn phước thuộc linh nào, mà chỉ là một hình thức chúc phước trong danh Chúa, xin Chúa chữa lành cho người bệnh. Việc chữa lành cho người bệnh hay không là việc của Chúa. Việc xức dầu có thể thực hiện bằng cách thật sự xức dầu lên chỗ đau của người bệnh hoặc là xức tượng trưng trên đầu của người bệnh trong khi nhân danh Chúa.

15 Và sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người dậy; nếu người đã phạm tội, những tội ấy cũng sẽ được tha.

Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, không phải nhờ sự xức dầu. Nhưng hành động xức dầu thể hiện đức tin và tấm lòng vâng phục, làm theo mọi lời dạy của Chúa. Cũng tương tự như sự báp-tem. Sự báp-tem không làm ra phép lạ nào để cứu người, cũng không mang lại ơn phước nào mà chỉ tiêu biểu cho sự chết đi con người cũ với Chúa và sống lại một con người mới trong Chúa; nhưng sự báp-tem thể hiện đức tin và tấm lòng vâng phục Chúa của người theo Chúa.

Chúa là Đấng cứu người bệnh chứ không phải các trưởng lão cầu nguyện cho người bệnh. Chính Chúa sẽ đỡ người bệnh dậy. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, chữ “đỡ” có nghĩa là khiến cho trỗi dậy và có thể dùng để nói đến cả trường hợp trỗi dậy từ trong sự chết. Điều đó có nghĩa là: ngay cả khi người bệnh đã chết, Chúa vẫn có thể khiến cho sống lại! Có trường hợp các trưởng lão đến nơi thì người bệnh vừa qua đời; nhưng nếu Đức Thánh Linh phán dạy các trưởng lão hãy lấy đức tin cầu nguyện, thì hãy vâng theo. Phép lạ sẽ xảy ra!

Điều quan trọng là cho dù người bệnh có vì phạm tội mà bị bệnh, thì người ấy cũng sẽ vừa được Chúa tha tội, vừa được Chúa chữa lành trong cùng một lúc. Chúng ta nên chú ý đến hình thức số nhiều được dùng trong câu này: “nếu người đã phạm tội, những tội ấy cũng sẽ được tha”. Là con dân Chúa chúng ta vẫn có thể phạm tội, như đã nói trên đây. Nhưng cảm tạ Chúa, vì chúng ta tin nhận sự cứu rỗi của Ngài nên Ngài cho chúng ta bởi lòng ăn năn mà được sạch tội. Sự tha tội được nói đến trong câu 15 là kết quả của điều được thực hành trong câu 16:

16 Vậy, hãy xưng những lỗi lầm của các anh chị em cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, để cho các anh chị em được lành bệnh. Lòng sốt sắng khẩn xin của người công chính, thật có linh nghiệm nhiều.

Sự xưng tội cùng nhau ở đây không chỉ là chúng ta xưng nhận những điều sai trái chúng ta đã gây ra cho anh chị em của mình mà thôi, mà còn là bất cứ tội gì chúng ta đã phạm khiến cho chúng ta bị bệnh. Không phải chỉ người bệnh xưng tội, mà các trưởng lão cũng xưng tội. Nghĩa là, sau khi các trưởng lão đã đến nơi người bệnh nằm, thì mọi người bắt đầu nhân danh Chúa cầu nguyện xin Chúa hiện diện, rồi lần lượt mỗi người xin Đức Thánh Linh tra xét lòng mình, chỉ ra các tội của mình, và xưng ra. Các trưởng lão xưng tội trước để làm gương, cuối cùng là người bệnh. Sau đó, các trưởng lão nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh và xin Chúa chữa lành. Lời cầu nguyện phải được dâng lên bởi đức tin. Chính nhờ sự xưng tội trước khi cầu nguyện mà mỗi người trở thành người công chính. Và chỉ có lời cầu nguyện của người công chính mới được Chúa đoái nhận. Lời cầu nguyện cũng phải phát xuất từ lòng yêu thương chân thật, muốn cho anh chị em của mình được lành bệnh, đến nỗi sẵn sàng hy sinh, chịu thiệt thòi để anh chị em của mình được lành bệnh. Chẳng hạn như: hoàn toàn tha thứ cho người bệnh nếu người bệnh có xúc phạm mình, làm thiệt hại mình, phạm tội nghịch lại mình.

Tuyệt đối tránh kiểu xưng tội không thật lòng, vì xưng tội như thế lại càng phạm tội thêm. Nhiều khi, Chúa dùng sự bệnh của một con dân Chúa để cùng lúc thánh hóa các trưởng lão. Vì thế, mỗi khi nghe tin trong Hội Thánh có người bệnh, thì các trưởng lão biết rằng đây là cơ hội Chúa ban cho để họ tự xét lại chính đời sống của họ, xem có tội lỗi nào chưa xưng nhận với Chúa và từ bỏ.

Các trưởng lão có thể nghe tin con dân Chúa bị bệnh thì đi thăm và cầu nguyện chúc phước, nhưng chỉ khi nào người bệnh lên tiếng mời các trưởng lão đến xức dầu cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho, thì khi ấy các trưởng lão mới tiến hành việc cùng người bệnh xưng tội, rồi nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh, xin Chúa chữa lành cho người ấy. Sự chủ động yêu cầu của người bệnh thể hiện đức tin của người ấy vào lời dạy của Chúa. Vì Chúa dạy rõ, người bệnh phải mời các trưởng lão đến, để xức dầu cầu nguyện xin chữa lành cho mình.

17 Ê-li vốn là người cùng bản tính như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm sáu tháng.

18 Và người cầu nguyện lại, thì trời đổ mưa, và đất sinh sản hoa màu. [I Các Vua 17:1; 18:1, 41-45].

Hai câu 17 và 18 được Gia-cơ dùng để nhắc lại gương đức tin của Tiên Tri Ê-li được chép trong I Các Vua 17:1; 18:1, 41-45:

“Ê-li ở Thi-sê-be, là một người trong nhóm di dân đã sang ngụ tại Ga-la-át, nói với A-háp rằng: Hễ Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của I-sơ-ra-ên vẫn sống, Đấng mà ta đứng trước Ngài, thì những năm này sẽ không có sương, cũng không có mưa, trừ khi ta lên tiếng.” (I Các Vua 17:1).

“Cách lâu ngày, trong năm thứ ba có lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dạy Ê-li rằng: Hãy đi, ra mắt A-háp: Ta sẽ khiến mưa sa xuống đất.” (I Các Vua 18:1).

I Các Vua 18:41-45

41 Kế đó, Ê-li nói với A-háp rằng: Hãy đi lên, ăn và uống, vì tôi đã nghe tiếng mưa lớn.

42 Vậy, A-háp trở lên để ăn uống. Nhưng Ê-li leo lên đỉnh Núi Cạt-mên, cúi xuống đất và úp mặt mình giữa hai đầu gối.

43 Kế đó, người nói với kẻ tôi tớ mình rằng: Xin hãy đi lên, ngó về phía biển. Kẻ tôi tớ đi lên xem, nhưng nói rằng: Không có gì hết. Ê-li lại nói: Hãy trở lên bảy lần.

44 Lần thứ bảy, kẻ tôi tớ đáp rằng: Tôi thấy ở phía biển lên một cụm mây nhỏ như lòng bàn tay, Ê-li nói tiếp: Hãy đi nói với A-háp rằng: Hãy thắng xe và đi xuống, kẻo mưa cầm vua lại chăng.

45 Trong một lúc, trời bị mây che đen, gió nổi dậy, và có cơn mưa rất lớn. A-háp lên xe mình, đi đến Gít-rê-ên.

“Ê-li vốn là người cùng bản tính như chúng ta”; có nghĩa là Tiên Tri Ê-li cũng như chúng ta với những khuyết điểm của một con người xác thịt; nhưng biết tin cậy Chúa, thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa. Điều khác biệt có thể có giữa chúng ta và Ê-li là: Chúng ta không có đức tin như ông. Nếu chúng ta cũng có đức tin như Ê-li thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng có năng lực và làm nên phép lạ như lời cầu nguyện của Ê-li. Điều quan trọng là tất cả những điều chúng ta cầu xin đều nằm trong thánh ý của Chúa, không phải ý riêng của chúng ta.

Bất cứ lời cầu nguyện nào cũng phải đặt trên đức tin. Đức tin là nền tảng mọi lời cầu nguyện của chúng ta.

  • Lời cầu nguyện tôn vinh Chúa đặt trên đức tin của chúng ta vào sự thực hữu và sự vinh quang của Chúa.
  • Lời cầu nguyện xưng tội của chúng ta đặt trên đức tin của chúng ta vào sự thương xót và sự thành tín của Chúa. Vì Ngài phán dạy rằng Ngài yêu chúng ta và Ngài hứa sẽ tha tội cho chúng ta khi chúng ta xưng nhận tội lỗi của mình.
  • Lời cầu nguyện xin tiếp trợ của chúng ta đặt trên đức tin của chúng ta vào sự Chúa là Đấng chăn giữ chúng ta và sự thành tín của Ngài, vì Ngài hứa sẽ ban cho chúng ta mọi nhu cầu khi chúng ta tìm kiếm vương quốc của Ngài và sự công chính của Ngài.
  • Lời cầu nguyện xin giải cứu của chúng ta dựa trên đức tin của chúng ta vào sự Chúa là Đấng Cứu Rỗi như danh xưng của Ngài (JESUS = Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi) và dựa trên sự thành tín của Ngài, vì Ngài hứa rằng, hễ ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.
  • Lời cầu nguyện cảm tạ dựa trên đức tin của chúng ta vào sự toàn năng của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta; vì thế mọi sự xảy đến cho chúng ta đều có sự cho phép của Chúa và mọi sự hiệp lại làm ích cho chúng ta.
  • Lời cầu nguyện chúc phước cho kẻ thù dựa trên đức tin của chúng ta vào trong sự thương xót và công chính của Chúa. Chúng ta tin rằng sự thương xót của Chúa bao phủ mọi người và Ngài sẽ trả lại sự công chính cho chúng ta.
  • Lời cầu nguyện dâng thân thể, tấm lòng, đời sống của chúng ta lên Chúa dựa trên đức tin của chúng ta vào Lời Hằng Sống của Ngài. Vì Lời Chúa dạy rằng mỗi chúng ta là một thầy tế lễ và khuyên chúng ta dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa (Rô-ma 12:1-2), để thân thể của chúng ta trở thành Đền Thờ Chúa ngự (I Cô-rinh-tô 3:16-17; 6:19-20) và trở thành công cụ làm ra các việc lành cho Đức Chúa Trời (Rô-ma 6:13).

Nguyện Đức Thánh Linh cất hết những sự nghi ngờ trong tâm trí của chúng ta, ban cho chúng ta đức tin vững chắc trên mọi lẽ thật của Lời Chúa, và dạy cho chúng ta biết cầu nguyện phải lẽ trong mọi nơi, mọi lúc. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/07/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.