Chú Giải Gia-cơ 05:19-20 Con Dân Chúa Nên Giúp Nhau Ăn Năn Tội

4,794 views


YouTube: https://youtu.be/YPiyOK0qDpw

905913 Chú Giải Gia-cơ 5:19-20
Con Dân Chúa Nên Giúp Nhau Ăn Năn Tội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 5:19-20

19 Hỡi các anh chị em cùng Cha, trong vòng các anh chị em nếu có ai lầm lạc, cách xa lẽ thật, mà có người làm cho người ấy trở lại,

20 thì phải cho người biết rằng, người làm cho kẻ có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, sẽ cứu được một linh hồn khỏi sự chết và sẽ che lấp vô số tội lỗi.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về lời khuyên quan trọng cuối cùng, được Gia-cơ dùng để kết thúc thư Gia-cơ. Đó là lời khuyên: Con dân Chúa nên giúp nhau ăn năn tội!

Thực tế phũ phàng trong cuộc sống cho chúng ta thấy rõ:

  • Có rất nhiều người xưng mình là con dân Chúa nhưng không làm theo Lời Chúa. Chính Chúa đã phán: “Sao các ngươi gọi Ta: Chúa! Chúa! Mà không làm theo những gì Ta phán?” (Lu-ca 6:46).
  • Có rất nhiều người xưng mình là con dân Chúa chẳng những không làm theo Lời Chúa mà còn làm nghịch lại Lời Chúa, đến nỗi Phao-lô đã vừa khóc vừa nói nhiều lần: “Vì tôi đã thường nói điều này cho các anh chị em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.” (Phi-líp 3:18).

Trong bảy lá thư của Chúa gửi cho bảy Hội Thánh tại Tiểu Á, đã có đến sáu lá thư kể ra tội lỗi trong Hội Thánh và kêu gọi con dân Chúa ăn năn (Khải Huyền 2 và 3).

Vì thế, sự việc con dân Chúa trong Hội Thánh vẫn phạm tội là một nan đề có thật mà nan đề ấy cần phải được giải quyết theo mệnh lệnh của Chúa, để giữ gìn sự thánh khiết trong Hội Thánh.

Có ba hình thức chính về sự phạm tội của con dân Chúa:

  • Phạm tội làm nhục thân thể mình qua sự gian dâm, thờ lạy hình tượng.
  • Phạm tội xúc phạm, làm thiệt hại đến người khác.
  • Phạm tội rao giảng tà giáo trong Hội Thánh.

Khi chúng ta phát hiện có sự phạm tội trong Hội Thánh thì chúng ta phải tuân theo mệnh lệnh của Chúa để giải quyết vấn đề tội lỗi ngay lập tức. Bởi vì sự phạm tội của MỘT người trong Hội Thánh đem lại sự thiệt hại cho toàn Hội Thánh. Tương tự như một ngón tay bị gai đâm có thể khiến toàn thân thể bị nhiễm độc và chết, nếu không kịp thời chữa trị.

Điều quan trọng thứ nhất: Nếu chúng ta thật sự là anh chị em trong Chúa, là các chi thể của cùng một thân, thì không thể nào chúng ta không quan tâm đến sự phạm tội của bất cứ ai trong Hội Thánh. Nếu chúng ta không quan tâm đến sự phạm tội của anh chị em trong Hội Thánh thì chúng ta không thật sự thuộc về Hội Thánh.

Điều quan trọng thứ nhì: Chúng ta phải giải quyết sự phạm tội trong Hội Thánh theo Lời Chúa và chúng ta dùng Lời Chúa để khuyên bảo người phạm tội. Tuyệt đối không dùng tâm lý hay đạo lý của loài người. Thánh Kinh là thẩm quyền tuyệt đối và trọn vẹn để dạy dỗ bất cứ ai và để phán xử mọi sự: “Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Điều quan trọng thứ ba: Nếu chúng ta là người phạm tội, được anh chị em trong Hội Thánh cáo trách, thì chúng ta phải hết lòng cảm tạ Chúa vẫn còn thương xót mình và cám ơn anh chị em của mình. Rồi thật lòng ăn năn, xưng tội với Chúa, xin lỗi anh chị em của mình, vì sự phạm tội của mình cũng làm ảnh hưởng đến mọi người trong Hội Thánh. Ngay trước mắt là làm cho người anh chị em cáo trách mình đã lo lắng, đau buồn.

Nhưng chúng ta sẽ không thể nào làm được ba điều quan trọng trên đây nếu chúng ta chưa thật sự chết đi con người cũ của xác thịt và mặc lấy con người mới trong Đấng Christ. Con người cũ của xác thịt sẽ luôn luôn đặt cái “tôi” lên trước mọi sự, lên trước cả Chúa; và đó là thờ lạy chính mình, biến mình thành thần tượng. Con người mới thì luôn luôn cai trị cái “tôi”, buộc nó phải phục mà khiến cho trọn vẹn tâm thần, linh hồn, và thân thể thành Đền Thờ Thiên Chúa và công cụ của Đức Chúa Trời để làm ra những sự công chính của Đức Chúa Trời. Làm ra những sự công chính của Đức Chúa Trời tức là: suy nghĩ, cảm xúc, nói, và làm theo Lời Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau cẩn thận tìm hiểu lời khuyên cuối cùng trong thư Gia-cơ:

19 Hỡi các anh chị em cùng Cha, trong vòng các anh chị em nếu có ai lầm lạc, cách xa lẽ thật, mà có người làm cho người ấy trở lại,

20 thì phải cho người biết rằng, người làm cho kẻ có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, sẽ cứu được một linh hồn khỏi sự chết và sẽ che lấp vô số tội lỗi.

Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng, đây là lời khuyên dành cho con dân chân thật của Chúa, không phải dành cho những kẻ giả hình, miệng xưng nhận là con dân Chúa nhưng vui thú sống trong tội. Danh từ “các anh chị em” được dùng để gọi những người thật lòng tin Chúa và có lòng sống theo Lời Chúa.

Kế tiếp, chúng ta cần biết rằng, có những lúc con dân Chúa sa ngã, phạm tội vì: thiếu hiểu biết Lời Chúa mà không biết điều mình làm là tội, hoặc vì yếu đuối nhất thời trước sự cám dỗ, thử thách. Thánh Kinh gọi chung là bị “lầm lạc” và sự lầm lạc khiến cho con dân Chúa bị cách xa lẽ thật.

Nhóm chữ “lầm lạc, cách xa lẽ thật” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: “đi lạc khỏi lẽ thật”. Hoặc: “bị dẫn dụ đi xa khỏi lẽ thật”. Hoặc: “làm những điều không đúng với lẽ thật”.

Dù là trong trường hợp không biết mà phạm tội hay yếu đuối nhất thời mà phạm tội thì điều chắc chắn là: Trước khi phạm tội con dân Chúa luôn được Đức Thánh Linh nhắc nhở, cảnh cáo, và lòng không được bình an khi quyết định hành động. Nếu chúng ta yêu Chúa đủ để biết dừng lại cầu nguyện trước khi hành động, thì chắc chắn Đức Thánh Linh sẽ dạy cho chúng ta biết điều mà chúng ta định làm là không đẹp lòng Chúa. Nếu chúng ta bỏ qua sự nhắc nhở, cảnh cáo của Chúa thì chúng ta sẽ tiếp tục ngã vào trong sự phạm tội mà cách xa lẽ thật của Lời Chúa.

Đang khi chúng ta phạm tội, Đức Thánh Linh vẫn tiếp tục cáo trách chúng ta. Nếu chúng ta yêu Chúa đủ thì chúng ta sẽ dừng ngay việc làm tội lỗi mà ăn năn và xưng tội với Chúa. Nếu không, chúng ta vẫn tiếp tục hoàn tất sự phạm tội của chúng ta.

Sau khi chúng ta hoàn tất sự phạm tội, Đức Thánh Linh vẫn tiếp tục cáo trách và kêu gọi chúng ta ăn năn, là bởi vì Ngài không muốn chúng ta bị hư mất. Thậm chí, Ngài sẽ sai một hay nhiều con dân Chúa khác cáo trách chúng ta. Ngài cũng có thể cáo trách chúng ta qua một bài giảng, một lời làm chứng, hay một câu Thánh Kinh dường như tình cờ chúng ta đọc được, nghe được; nhưng thật ra không phải tình cờ, mà là bởi sự thương xót của Chúa, Ngài đem câu Thánh Kinh ấy đến với chúng ta.

Nếu chúng ta hạ mình ăn năn, xưng tội với Chúa, xin lỗi những người chúng ta xúc phạm hoặc làm thiệt hại, thì Chúa sẽ tha tội cho chúng ta và phục hồi chúng ta vào trong địa vị con của Đức Chúa Trời. Nếu không, sẽ đến lúc Chúa mửa chúng ta ra, làm cho chúng ta cứng lòng càng hơn, rồi bị hư mất đời đời.

Sự ăn năn phải chân thành. Chúng ta sẽ kinh nghiệm được ơn tha thứ và sự bình an từ nơi Chúa. Chúng ta sẽ nhận ra lầm lỗi của mình cách rõ ràng, và chúng ta sẽ không còn một chút giận ghét, ganh tị, nghi ngờ nào đối với anh chị em của mình trong Hội Thánh, nếu trước đó chúng ta có sự bất hòa với họ.

Nếu chúng ta là người nhìn thấy anh chị em mình phạm tội, hoặc anh chị em mình có lỗi với chúng ta, hoặc chúng ta nghĩ là anh chị em của mình có điều gì đó không đúng, thì chúng ta là người đầu tiên có trách nhiệm dùng Lời Chúa để cáo trách anh chị em của mình và yêu cầu anh chị em của mình giải thích rõ ràng vấn đề để tránh sự hiểu lầm. Còn nếu anh chị em của mình thật sự có lỗi thì chúng ta dùng Lời Chúa để chỉ ra tội lỗi của họ và kêu gọi họ ăn năn. Nếu sự phạm tội đó xúc phạm đến chúng ta hoặc làm thiệt hại chúng ta thì chúng ta sẵn lòng tha thứ. Nếu người có tội không chịu ăn năn thì chúng ta phải báo cho trưởng lão, người chăn trong Hội Thánh.

Mệnh đề: “làm cho người ấy trở lại” có nghĩa là làm cho người bị đi lạc cách xa lẽ thật, hoặc bị dẫn dụ rời khỏi lẽ thật, hoặc làm ra những sự không đúng với lẽ thật, quay về nếp sống thánh khiết đúng với lẽ thật trước đó.

Sự “làm” này là dùng Lời Chúa để: “giảng dạy, quở trách, sửa trị”, như mệnh lệnh Đức Thánh Linh đã truyền cho Hội Thánh trong II Ti-mô-thê 3:16. Không phải là bao che tội lỗi; không phải là dùng tiêu chuẩn của thế gian hay đổ thừa cho hoàn cảnh để bào chữa cho người có tội; không phải là không dám gọi việc làm tội lỗi là tội lỗi, không dám gọi sự sai trái là sai trái, vì hèn nhát, vì tư vị. Lại càng không phải là im lặng, chẳng nói gì hết.

Nếu người có tội chịu đón nhận sự “giảng dạy, quở trách, sửa trị”, từ các anh chị em trong Hội Thánh mà ăn năn thì những người làm ra sự “giảng dạy, quở trách, sửa trị” đó đã cứu được người có tội thoát khỏi sự hư mất đời đời.

Chính ngay trong Gia-cơ 5:19-20 này đã cho chúng ta thấy rõ: Là con dân Chúa nhưng nếu trở lại phạm tội mà không ăn năn, thì vẫn bị hư mất!

Chúng ta lại học thêm một điều quan trọng là: Chính sự “giảng dạy, quở trách, sửa trị”, từ các anh chị em trong Hội Thánh góp phần trong việc khiến người phạm tội tỉnh thức, ăn năn, quay về với lẽ thật.

Giảng dạy là dùng Lời Chúa dạy nhau cách sống đẹp lòng Chúa: điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Thế nào là sống cho chính mình, thế nào là sống cho Chúa.

Quở trách là dùng Lời Chúa để chỉ ra sự phạm tội của anh chị em mình và khuyên họ ăn năn. Quở trách còn là dùng Lời Chúa để đánh tan mọi lý luận bao che, bào chữa của người có tội hoặc của bất cứ ai bênh vực người có tội.

Sửa trị là dùng lẽ thật và thẩm quyền của Lời Chúa để kỷ luật người có tội. Sự kỷ luật có thể là tạm ngưng các chức vụ trong Hội Thánh của người có tội cho đến khi Hội Thánh nhìn thấy bông trái của sự ăn năn, mà cũng có thể là sự dứt thông công, nếu người có tội không ăn năn.

Khi người có tội ăn năn, quay về với lẽ thật thì không còn tiếp tục phạm tội. Đó chính là ý nghĩa của sự “che lấp vô số tội lỗi”.

Che lấp tội lỗi ở đây có nghĩa là dùng sự công chính của Lời Chúa để giải quyết dứt khoát sự phạm tội của con dân Chúa, khiến cho tội lỗi không thể tiếp tục phát sinh; chứ không phải bỏ qua, bao che cho sự phạm tội mà không giải quyết. Cũng không phải là giải quyết cách chiếu lệ, để rồi tội lỗi vẫn còn đó và lớn lên mỗi ngày trong lòng người có tội, trong Hội Thánh.

Nếu chúng ta biết anh chị em của mình phạm tội mà chúng ta không hết lòng giúp cho họ nhận ra tội, ăn năn tội, và quay về với lẽ thật, để rồi họ bị hư mất, thì chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm về sự hư mất của họ. Một ngày kia, Đức Chúa Trời sẽ đòi máu của họ từ nơi chúng ta:

“Cũng một lẽ ấy, nếu người công chính bỏ sự công chính mà phạm tội, và Ta đặt sự ngăn trở trước mặt nó, thì nó sẽ chết. Thế thì, vì ngươi không răn bảo người ấy, nên nó sẽ chết trong tội lỗi nó, và không còn được ghi nhớ những việc công chính nó đã làm; nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi.” (Ê-xê-chi-ên 3:20).

Có thể nào chúng ta sợ mất lòng một người có tội hơn là sợ mất lòng Đức Chúa Trời? Có thể nào vì sợ mất lòng người có tội mà chúng ta không dám lên tiếng gọi tội là tội và kêu gọi người có tội ăn năn? Chúng ta sẽ trả giá rất đắt cho sự hèn nhát đó. Bởi vì, trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời không có chỗ cho những kẻ hèn nhát:

“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu huỳnh. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Ngày xưa, một trong các nhiệm vụ của thầy tế lễ là khám nghiệm xem một vết sưng hoặc vết lở trên thân thể con dân Chúa có phải là chứng phong hủi hay không (Lê-vi Ký 13). Nếu phải thì thầy tế lễ đuổi người ấy ra khỏi trại quân, phân cách khỏi dân sự. Nếu người bị phong hủi được lành thì thầy tế lễ phải khám nghiệm để xác chứng rồi truyền cho người ấy làm nghi thức tẩy uế, trước khi người ấy được nhập lại vào trại quân.

Chứng phong hủi trong Thánh Kinh tiêu biểu cho tội lỗi. Dù chỉ là một tội nhỏ nhưng ngày nào người có tội vẫn còn tội thì không được thông công với Hội Thánh. Công việc của thầy tế lễ không phải là chữa lành bệnh phong hủi, mà là khám nghiệm thật cẩn thận để xác định bệnh phong hủi, rồi phân cách người bệnh với dân sự của Chúa. Ngày nay, mỗi chúng ta đều là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, vì thế, mỗi chúng ta có nhiệm vụ thẩm định xem có thật anh chị em của mình phạm tội hay không. Nếu anh chị em của mình phạm tội mà không ăn năn, không đón nhận sự chữa lành từ nơi Chúa, thì chúng ta phải dứt thông công anh chị em của mình. Sau khi bị dứt thông công, nếu người có tội biết ăn năn, được Chúa tha thứ, thì Hội Thánh tiếp nhận người ấy trở lại, nhưng người ấy phải trải qua thời gian thử nghiệm, để chứng tỏ là đã thật lòng ăn năn.

Chúa đã giao quyền buộc và mở cho Hội Thánh. Cho nên, nếu Hội Thánh đã buộc thì chỉ có Hội Thánh mở. Ngoại trừ trường hợp người có tội ăn năn trước khi chết nhưng không có mặt Hội Thánh, thì chính Chúa sẽ làm công việc tha thứ và tiếp nhận người ấy. Nhưng Chúa có ban cho người cứng lòng cơ hội ăn năn trước khi chết hay không là điều chúng ta không biết.

Nguyện Lời Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm nặng nề của chúng ta đối với sự phạm tội của anh chị em trong Hội Thánh. Nếu chúng ta không hết lòng trong công việc “giảng dạy, quở trách, sửa trị” người có tội trong Hội Thánh thì chúng ta sẽ gánh lấy hình phạt từ nơi Chúa khi người ấy bị hư mất. Ý nghĩa của câu: “nhưng Ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi”, là chúng ta cũng sẽ bị hư mất như người anh chị em mà chúng ta để mặc cho hư mất trong tội lỗi. Hãy nhớ lại lời tiên tri về sự phán xét của Chúa dành cho các thánh đồ trong thời Đại Nạn, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 25. Chỉ vì không yêu thương cứu giúp phần thuộc thể cho anh chị em trong Chúa mà còn bị Chúa kết tội: “Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.” (Ma-thi-ơ 25:41). Huống hồ gì là việc không hết lòng nói lên lẽ thật để tỉnh thức anh chị em của mình ra khỏi sự phạm tội, khiến cho họ bị hư mất đời đời?

Những ai bao che, bào chữa cho người có tội thay vì dùng Lời Chúa “giảng dạy, quở trách, sửa trị”, dẫn người ấy đến sự ăn năn, thì càng nặng tội hơn là những người im lặng.

Nguyện Lời Chúa giúp cho chúng ta biết rõ sự nghiêm trọng của việc một người bị dứt thông công. Người bị dứt thông công là người đã bị phó cho Sa-tan (I Cô-rinh-tô 5:5), với hy vọng là khi bị cô đơn, lạc lõng ngoài Hội Thánh, người ấy tỉnh thức, ăn năn, quay lại và được cứu. Người bị dứt thông công là đã bị cắt đứt sự thông công với Chúa, nên Chúa không còn bảo vệ, chăm sóc, hay nghe lời cầu xin của người ấy. Sa-tan có thể giả làm Chúa, ban cho người ấy những sự thuộc về thế gian, nhưng chắc chắn là trong lòng người ấy, người ấy cảm nhận rõ ràng sự cô đơn, tuyệt vọng, và nhất là người ấy ngày càng lún sâu vào tội. Có thể bên ngoài người ấy vẫn tỏ ra là đạo cao đức trọng, luôn miệng tôn xưng Chúa, khoe mình được Chúa ban phước, và rao giảng về Chúa khiến một số người được cứu. Nhưng hơn ai hết, người ấy biết mình bị hư mất. Vấn đề là: Người ấy quá kiêu ngạo, không chịu hạ mình ăn năn xưng tội. Cuối cùng thì Chúa làm cho người ấy cứng lòng, không còn có thể ăn năn. Người ấy vẫn phải luôn miệng tôn xưng Chúa để bảo vệ danh dự, tiếng tăm, nhưng chỉ là mồ mả tô trắng bên ngoài, còn bên trong thì là xương cốt hôi hám, ô uế. Người ấy sẽ sống cuộc đời giả hình cho đến chết!

Lời Chúa dạy trong II Cô-rinh-tô 6:14-18, như sau:

14 Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?

15 Đấng Christ với Bê-li-an có sự hiệp ý gì? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị hoặc sự ác, kẻ ác; là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]

16 Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27]

17 Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45] 

18 Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]

Người bị dứt thông công vì có tội mà không ăn năn là người không còn tin vào Lời của Chúa, tôn thờ cái tôi thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Những ai vẫn thông công với người đã bị dứt thông công thì phạm vào tội kết hiệp Đền Thờ của Chúa là thân thể của họ với hình tượng tà thần là cái tôi của người có tội mà không chịu ăn năn. Tội làm nhục Đền Thờ của Thiên Chúa là tội lớn!

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng con vào trong mọi lẽ thật để chúng con không phạm tội, mà sống đời thánh khiết, yêu thương, công chính cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại, đem chúng con ra khỏi thế gian và chúng con được ở cùng Ngài luôn luôn. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/07/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.