Chú Giải Giu-đe 17-25

5,134 views

Chú Giải Giu-đe 17-25
Lời Khuyên Các Thánh Đồ

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzEyNzAzOV9NT2ZWNw
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/9065_chu-giai-thu-giu-de

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzEyNzA3MF9jTWVEag

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Giu-đe 17-25

17 Nhưng, hỡi anh chị em yêu dấu, hãy nhớ lấy những lời phán mà trước đây các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đã nói.

18 Thế nào họ đã nói với anh chị em rằng, trong thời kỳ sau rốt, sẽ có những kẻ hay nhạo báng, là những kẻ bước theo lòng tham muốn không tin kính của chúng nó.

19 Chính những kẻ ấy là những kẻ tự gây phe đảng, sống động mà không có thần quyền. [Chết thuộc linh, phần thể xác vẫn hoạt động mà phần tâm thần không còn nhận biết Thiên Chúa.]

20 Nhưng, hỡi anh chị em yêu dấu, hãy tự lập trên đức tin rất thánh của mình, cầu nguyện trong thánh linh,

21 hãy giữ chính mình anh chị em trong tình yêu của Thiên Chúa, trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống vĩnh cửu.

22 Hãy thật sự cảm thông đối với một số người. Hãy phân biệt. [Phân biệt người yếu đuối với người cố tình sống trong tội.]

23 Và, với những kẻ khác hãy cứu họ với lòng sợ hãi, kéo họ ra khỏi lửa; ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.

24 Nguyện Đấng có thể giữ gìn anh chị em khỏi sa ngã và khiến anh chị em đứng trước mặt vinh quang Ngài cách rất vui mừng, không chỗ trách được,

25 là Thiên Chúa Thông Sáng Có Một, Đấng Giải Cứu của chúng ta, được sự vinh quang và uy nghi, thế lực và quyền phép, hiện nay và cho đến mọi thời đại! A-men.


Lời Khuyên Các Thánh Đồ (17-23)

Sau khi nói rõ về cá tính của những kẻ giả hình, là những con sói đội lốt chiên trong Hội Thánh, Giu-đe khuyên dạy con dân Chúa về sự tỉnh thức để nhận diện kẻ thù, và về thái độ mà con dân Chúa cần phải có.

17 Nhưng, hỡi anh chị em yêu dấu, hãy nhớ lấy những lời phán mà trước đây các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đã nói.

18 Thế nào họ đã nói với anh chị em rằng, trong thời kỳ sau rốt, sẽ có những kẻ hay nhạo báng, là những kẻ bước theo lòng tham muốn không tin kính của chúng nó.

Trước hết, Giu-đe nhắc đến những lời dạy dỗ từ các sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ mà con dân Chúa vào thời ấy đã từng nghe. Qua câu 17, chúng ta thấy rõ Giu-đe không hàm ý ông là một trong các sứ đồ của Chúa. Cũng qua câu 17, chúng ta thấy Đức Thánh Linh dùng Giu-đe để nhắc Hội Thánh lẽ thật này, đó là Hội Thánh:

Đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà. (Ê-phê-sô 2:20).

Hội Thánh được dựng nên trên nền của các sứ đồ trước hết là bởi công khó đi khắp nơi rao giảng Tin Lành của các sứ đồ, kế tiếp là bởi những lời giảng dạy được thần cảm của các sứ đồ. Những lời giảng dạy của các sứ đồ hoàn toàn được sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đến nỗi, khi những lời ấy được ghi chép lại trong các thư tín mà các sứ đồ viết cho Hội Thánh, thì được gọi là Lời của Đức Chúa Trời.

Hội Thánh được dựng trên nền của các đấng tiên tri bao gồm các tiên tri thời Cựu Ước cùng các tiên tri thời Tân Ước là Đức Chúa Jesus Christ và Sứ Đồ Giăng. Bởi vì, các tiên tri thông truyền lời phán và các khải tượng trực tiếp của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh.

Nói cách khác Hội Thánh được dựng trên nền tảng Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời vừa chính là Ngôi Lời nhập thế làm người mang tên Jesus, mang chức vụ Christ, vừa là Lời do Đức Thánh Linh thần cảm các tiên tri, các sứ đồ rao giảng và ghi chép lại, mà ngày nay chúng ta gọi là Thánh Kinh.

Chúng ta cần ghi nhớ lẽ thật này để nhận diện tà giáo, đó là: Hội Thánh không được dựng nên trên nền triết học và Thần học của loài người, của các giáo hội, dù là các giáo hội mang danh Chúa. Vì thế, bất cứ một tư tưởng Thần học nào không có trong Thánh Kinh, nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh, thì đó là tà giáo. Thí dụ: tà thuyết về Đức Chúa Trời Mẹ; tà thuyết về Ma-ri là mẹ của Thiên Chúa; tà thuyết về linh hồn ngủ; tà thuyết về ngục luyện tội; tà thuyết phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, phủ nhận thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh; tà thuyết tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn; tà thuyết con dân Chúa không thể bị nghèo khổ, tật bệnh; tà thuyết nói tiếng lạ, đặt tay té ngã; tà thuyết ma quỷ hành hạ những linh hồn phạm tội trong hỏa ngục…

Một trong những lời của các sứ đồ rao giảng là lời cảnh báo Hội Thánh trước sự dấy lên của những kẻ giả hình trong Hội Thánh. Điển hình là lời cảnh báo của Sứ Đồ Phi-e-rơ, được ghi lại trong II Phi-e-rơ 3:3:

Trước hết, hãy biết rằng, trong những ngày sau cùng, sẽ có những kẻ nhạo báng, đi theo sự tham muốn của chúng nó…

Và lời cảnh báo của Sứ Đồ Phao-lô được ghi lại trong II Ti-mô-thê 3:1-9:

1 Hãy biết điều này: Trong những ngày sau cùng, những thời kỳ khó khăn sẽ đến.

2 Vì loài người sẽ là những kẻ ích kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, phạm thượng, không vâng phục cha mẹ, không biết ơn, không tin kính,

3 không có tình cảm tự nhiên, không hòa thuận, hay vu khống, không tiết độ, hung dữ, chống nghịch những sự lành và những người lành,

4 phản bội, nóng tính, lên mình kiêu ngạo, yêu sự khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa,

5 có hình thức của sự tin kính, nhưng chối bỏ quyền lực của sự ấy. Con hãy tránh những kẻ như vậy.

6 Vì trong bọn họ có những kẻ lẻn vào các nhà, và bắt lấy những người đàn bà ngu dại chứa đầy những tội lỗi, bị dẫn dụ bởi những sự tham muốn khác nhau.

7 Chúng nó học luôn mà không thể đạt tới sự tri thức về lẽ thật.

8 Như Gian-nét với Giam-be chống nghịch Môi-se, những kẻ này cũng chống trả lẽ thật. Họ là những người tâm trí bị hư hoại, đức tin của họ không được chấp nhận.

9 Nhưng họ sẽ không tiến xa hơn, vì sự ngu dại của họ sẽ bị tỏ ra cho mọi người, cũng như của các người kia.

“Những ngày sau cùng” hay “thời kỳ sau rốt” không phải là những ngày thuộc về Kỳ Tận Thế; cũng không phải là những ngày thuộc về thời đại của chúng ta, là thời đại liền trước Kỳ Tận Thế. Mà là suốt khoảng thời gian lịch sử của Hội Thánh, tức là từ ngày Hội Thánh được thành lập cho đến ngày Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

“Những ngày sau cùng” hay “thời kỳ sau rốt” đã bắt đầu ngay trong ngày Lễ Ngũ Tuần sau khi Chúa phục sinh, là ngày Hội Thánh được thành lập và được báp-tem bằng thánh linh [1]. Trong ngày đó, Sứ Đồ Phi-e-rơ đã đứng lên công bố lời tiên tri của Tiên Tri Giô-ên đã được ứng nghiệm (Giô-ên 2:28-32):

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:14-21

14 Nhưng Phi-e-rơ đứng ra cùng mười một sứ đồ, cất tiếng và công bố với họ: Hỡi những người Do-thái, và mọi người cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem! Hãy biết rõ điều này, và lắng tai nghe lời ta!

15 Những người này chẳng say rượu như các ngươi tưởng, vì mới là giờ thứ ba ban ngày. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ ba bắt đầu vào khoảng 8 giờ sáng.]

16 Nhưng sự này đã được nói bởi Tiên Tri Giô-ên:

17 Đức Chúa Trời phán, sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, Ta sẽ ban phát Đấng Thần Linh của Ta trên mọi xác thịt. Những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri. Những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng. Những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ.

18 Thật vậy! Trên những đầy tớ trai của Ta và trên những đầy tớ gái của Ta, trong những ngày đó, Ta sẽ ban phát Đấng Thần Linh của Ta. Chúng nó sẽ nói tiên tri.

19 Ta sẽ ban cho những phép lạ trong trời cao và những dấu kỳ trên đất thấp: máu và lửa, và đám khói.

20 Mặt trời sẽ trở nên sự tối tăm và mặt trăng nên máu, trước khi ngày lớn và đáng nhớ của Chúa đến.

21 Và sẽ xảy ra: Hết thảy những người nào kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu [Giô-ên 2:28-32].

Và Giu-đe xác nhận rằng, giữa Hội Thánh, ngay trong thời điểm mà ông viết thư Giu-đe, đã có mặt của “những kẻ hay nhạo báng, là những kẻ bước theo lòng tham muốn không tin kính của chúng nó”. Ông viết tiếp về họ trong câu 19: 

19 Chính những kẻ ấy là những kẻ tự gây phe đảng, sống động mà không có thần quyền. [Chết thuộc linh, phần thể xác vẫn hoạt động mà phần tâm thần không còn nhận biết Thiên Chúa.]

Từ ngữ được dịch là “những kẻ nhạo báng” trong nguyên ngữ Hy-lạp chỉ xuất hiện có hai lần trong II Phi-e-rơ 3:3 và Giu-đe câu 18; có nghĩa là: những kẻ đem lẽ thật ra làm trò cười và chế nhạo những ai tin theo lẽ thật ấy.

Những kẻ ấy không thể nào sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa. Chúng nó chỉ biết buông mình theo nếp sống thỏa mãn mọi ham muốn xấu xa của xác thịt. Vì thế, chúng nó đem các lẽ thật của Thánh Kinh ra làm trò cười và chế nhạo những ai tin các lẽ thật ấy, hy vọng có thể làm nhẹ đi sự tội lỗi của chúng nó.

Chúng nó tự gây ra sự bè đảng trong Hội Thánh, lôi kéo những kẻ dốt nát và có lòng tin không vững chắc (II Phi-e-rơ 3:16) như chúng nó về cùng phe, để nhạo báng những lẽ thật của Thánh Kinh, và phạm thượng. Chúng nó sống động trong thân thể xác thịt nhưng thân thể thuộc linh của chúng nó là tâm thần, đã chết, tức là đã không còn nhận biết Thiên Chúa và các lẽ thật của Thiên Chúa. Miệng của chúng nó nói: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” Nhưng lòng của chúng nó thì cách xa Chúa, vì chúng nó đã chối bỏ lẽ thật của Lời Chúa, đã nhạo báng lẽ thật của Lời Chúa, và chúng nó chỉ chạy theo những ham muốn xấu xa của xác thịt.

Chúng nó chết về thuộc linh nên đời sống của chúng nó không có thần quyền, tức năng lực của Đức Thánh Linh. Bông trái xác thịt nổi bật nhất của chúng nó là sự nhạo báng, phạm thượng và lôi kéo bè phái. Thậm chí, con dân chân thật của Chúa đã tuyệt giao với chúng nó vẫn cứ bị chúng nó theo đuổi, lôi kéo, quấy phá, nhất là trong thời buổi điện tử này, chúng nó lạm dụng sự nhắn tin điện tử để tìm cách lôi kéo con dân chân thật của Chúa đi theo sự vô tín và tội lỗi với chúng nó.

Vì thế, con dân Chúa, sau hai lần công bố lẽ thật của Thánh Kinh với những kẻ theo tà giáo mà chúng nó không ăn năn, thì hãy tránh xa chúng nó. Đó là mệnh lệnh của Chúa:

Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa. (Tít 3:10).

Bởi vì, sẽ thật là vô lý khi một người xưng nhận mình là con dân chân thật của Chúa mà lại kết bạn với những kẻ chẳng tin, phạm thượng đến Chúa của mình, chế nhạo đức tin của mình.

20 Nhưng, hỡi anh chị em yêu dấu, hãy tự lập trên đức tin rất thánh của mình, cầu nguyện trong thánh linh,

Giu-đe gọi đức tin của con dân Chúa là đức tin rất thánh. Thật vậy, đức tin vào trong Tin Lành của Đức Chúa Trời dẫn đến sự cứu rỗi, dẫn đến sự hiểu biết Thiên Chúa, dẫn đến nếp sống thánh khiết đẹp lòng Thiên Chúa, cho nên, đó là đức tin rất thánh. Đức tin rất thánh đó đã được Đức Thánh Linh ban cho chúng ta và chúng ta cần phải tự gây dựng chính mình trên đức tin ấy. Đức tin ấy phải luôn luôn là nền tảng cho mọi ý nghĩ, lời nói, và việc làm của chúng ta, mà sự lựa chọn luôn luôn thuộc về mỗi chúng ta. Đức tin rất thánh là đức tin đến bởi Thiên Chúa, là tin vào Thiên Chúa, tin vào Lời của Thiên Chúa, là tin mình đã được dựng nên mới giống như Thiên Chúa, và tin rằng mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, sống cho Thiên Chúa, chết cho Thiên Chúa.

“Cầu nguyện trong thánh linh” là cầu nguyện trong năng lực mà Đức Thánh Linh đã ban cho mình, năng lực ấy bao gồm sự hiểu biết thánh ý của Thiên Chúa, để có thể cầu nguyện theo mọi lẽ thật trong Thánh Kinh; và sự nhẫn nại, chịu đựng những khó khăn, thử thách về thuộc thể lẫn thuộc linh. “Cầu nguyện trong thánh linh” là cầu nguyện bởi sự dẫn dắt của chính Đức Thánh Linh; trong cùng một tâm tình với Đức Chúa Jesus Christ, là khiêm nhường, nhu mì, và biết thương xót.

21 hãy giữ chính mình anh chị em trong tình yêu của Thiên Chúa, trông đợi sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta cho được sự sống vĩnh cửu.

Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta ở trên trời sẽ giữ gìn chúng ta được bình an trong Đức Chúa Jesus Christ:

Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus. (Phi-líp 4:7).

Nhưng mỗi chúng ta cũng phải tự giữ mình trong sự kết bạn. Thi Thiên 1; I Cô-rinh-tô 5:9-13; Tít 3:10; II Giăng câu 10-11 không phải chỉ là các lời góp ý, mà là các mệnh lệnh của Thiên Chúa mà chúng ta phải tuyệt đối vâng theo. Nhiều người ngày nay nhân danh tình yêu thương để bao che và kết bạn với những kẻ có tội không chịu ăn năn. Những người như vậy là những người tự cho rằng họ yêu thương hơn cả Đức Chúa Trời! Họ dám nhân danh tình yêu thương để không vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Giả sử, những người ấy có mặt trong đoàn quân I-sơ-ra-ên tiến công thành Giê-ri-cô, họ sẽ nhân danh tình yêu thương để không diệt sạch dân chúng của thành Giê-ri-cô. Thật ra, những người nhân danh tình yêu thương để kết bạn với những kẻ chống nghịch Chúa là vì họ tìm được lợi trong sự kết bạn ấy. Giả sử họ bị những kẻ ấy xúc phạm họ, chế nhạo họ thì họ sẽ lập tức ngưng kết bạn ngay.

22 Hãy thật sự cảm thông đối với một số người. Hãy phân biệt. [Phân biệt người yếu đuối với người cố tình sống trong tội.]

Sự cảm thông là sự cảm thông dành cho những người chưa sâu nhiệm Lời Chúa bị mắc bẫy những kẻ gian. Vì thế, chúng ta có bổn phận dùng Lời Chúa giải thích rõ ràng cho họ. Nếu họ thật lòng ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, và hết lòng muốn sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa, thì họ sẽ hiểu ngay những lời giải thích của chúng ta. Vì Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật, ngự trong họ sẽ dẫn họ vào trong mọi lẽ thật được rao giảng. Nếu họ không thật lòng ăn năn tội, không thật lòng tin nhận Tin Lành, thì họ vẫn chưa được tái sinh, không có Đức Thánh Linh ngự trong họ, và họ không thể hiểu được những lẽ thật sâu nhiệm của Lời Chúa.

“Hãy phân biệt” là phân biệt giữa người yếu đuối, thiếu hiểu biết nên phạm tội với những kẻ cố ý sống trong tội.

Người yếu đuối, thiếu hiểu biết sau khi được giảng dạy lẽ thật của Lời Chúa thì lập tức ăn năn và tiếp nhận lẽ thật của Lời Chúa, dùng Lời Chúa làm vũ khí thuộc linh để chống trả mọi cám dỗ và thử thách. Người cố ý sống trong tội là người sau khi được nghe giảng dạy lẽ thật của Lời Chúa, bề ngoài thì tỏ vẻ ăn năn thống hối, nhưng bề trong thì vẫn ưa thích tội và không hề bỏ qua cơ hội phạm tội.

23 Và, với những kẻ khác hãy cứu họ với lòng sợ hãi, kéo họ ra khỏi lửa; ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.

Lửa được nói đến trong câu này là lửa đời đời của sự hình phạt tội lỗi, tức là lửa của hỏa ngục, như đã được đề cập trong câu 7. Giu-đe khẳng định mọi tội nhân đều đang ở trong án phạt của lửa hỏa ngục. Vì thế, đối với những người yếu đuối, chúng ta dùng lẽ thật của Lời Chúa đưa họ đến với sự ăn năn, tức là chúng ta kéo được họ ra khỏi lửa của hỏa ngục. Trong khi làm công tác cứu họ ra khỏi lửa như vậy, chúng ta phải có lòng sợ hãi. Nếu không, chúng ta có thể bị sập bẫy như họ. Tuyệt đối không có thái độ khoan nhượng. Hoặc là họ nhận thức họ đang phạm tội và phải ăn năn ngay hoặc họ cứ ở lại trong tội. Và khi họ chọn ở lại trong tội thì chúng ta phải lập tức cắt đứt mối quan hệ với họ.

Nên nhớ, đây là thái độ chúng ta cần phải có với những kẻ tự xưng mình là con dân Chúa nhưng sống trong tội mà không chịu ăn năn:

I Cô-rinh-tô 5:9-13

9 Trong một lá thư tôi viết cho các anh chị em, rằng đừng làm bạn với những đĩ đực.

10 Nhưng chẳng có ý nói về những đĩ đực của đời này, hay là những kẻ tham lam, hay là những kẻ tống tiền, hay là những kẻ thờ thần tượng. Vì nếu vậy thì các anh chị em phải lìa khỏi thế gian.

11 Nhưng giờ đây, tôi viết cho các anh chị em, khuyên đừng làm bạn với kẻ nào xưng là anh chị em cùng Cha mà lại là đĩ đực, hoặc là kẻ tham lam, hoặc là kẻ thờ thần tượng, hoặc là kẻ hung bạo, hoặc là kẻ say sưa, hoặc là kẻ tống tiền. Đừng ăn với kẻ như vậy.

12 Vì có phải tôi cũng định tội những kẻ ở ngoài sao? Chẳng phải các anh chị em định tội những người ở trong sao?

13 Nhưng những kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ định tội họ. Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.

Đây không phải là thái độ chúng ta cư xử với người thế gian không tin Chúa, mà là sự dứt thông công với những người tự xưng là con dân Chúa mà vẫn sống trong tội, không chịu ăn năn, bao gồm những kẻ theo tà giáo. Chính sự dứt khoát cắt đứt quan hệ của chúng ta với những kẻ giả hình, giúp cho người thế gian có thể phân biệt được ai là con dân chân thật của Chúa.

Những kẻ như vậy đã tự làm ô uế thân thể họ và tất cả những thứ vật chất thân thể họ đụng đến cũng trở thành ô uế. Vì thế, chúng ta cũng không nhận bất cứ một thứ gì từ nơi họ.

Lời Tôn Vinh (24-25)

24 Nguyện Đấng có thể giữ gìn anh chị em khỏi sa ngã và khiến anh chị em đứng trước mặt vinh quang Ngài cách rất vui mừng, không chỗ trách được,

25 là Thiên Chúa Thông Sáng Có Một, Đấng Giải Cứu của chúng ta, được sự vinh quang và uy nghi, thế lực và quyền phép, hiện nay và cho đến mọi thời đại! A-men.

Trong lời tôn vinh Thiên Chúa của Giu-đe, ông hướng về Thiên Chúa Ngôi Lời, là Đấng đã nhập thế làm người, để ban sự cứu rỗi cho loài người. Chúng ta đã biết có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị. Mỗi thân vị đều dự phần trong sự cứu rỗi chúng ta. Đức Cha ban cho chúng ta cơ hội được cứu rỗi. Đức Con thi hành sự chết chuộc tội cho chúng ta. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta đức tin để chúng ta có thể tin nhận sự cứu rỗi; Ngài tái sinh chúng ta khi chúng ta tin nhận sự cứu rỗi; rồi Ngài ngự vào thân thể của chúng ta, khiến cho thân thể của chúng ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa.

Đấng Thiên Chúa Thông Sáng Có Một, và là Đấng Giải Cứu của chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ.

Danh xưng “Đấng Thiên Chúa Thông Sáng Có Một” cùng nghĩa với danh xưng “Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng” trong Ê-sai 9:6:

Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.

Con trẻ được sinh ra là xác thịt loài người, nhưng con trẻ ấy lại chính là Thiên Chúa Ngôi Lời trở nên xác thịt (Giăng 1:14), nên con trẻ ấy phải được xưng là Thiên Chúa Quyền Năng.

Danh JESUS có nghĩa là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi”. Danh CHRIST nhắc cho chúng ta nhớ, Ngài đã làm xong công cuộc cứu rỗi chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:10) và Ngài đang tiếp tục cầu thay cho chúng ta! (Rô-ma 8:34; Hê-bơ-rơ 7:25). Ngày nay, có mấy bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ đã bỏ đi danh xưng Christ, vì các dịch giả chỉ làm công việc phiên dịch theo tâm trí của xác thịt, không có tri thức thuộc linh, không có sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Các bản dịch ấy xứng đáng để bị gọi là các bản dịch AntiChrist, tức là các bản dịch chống lại danh xưng Christ, chống lại các việc làm của Ngài. Con dân Chúa không nên đọc và không nên chứa các bản dịch AntiChrist trong nhà.

Đấng Thiên Chúa Thông Sáng Có Một, Đấng Giải Cứu của chúng ta cũng là Đấng có năng lực để giữ gìn cho chúng ta khỏi sa ngã và khiến cho chúng ta đứng trước mặt vinh quang Ngài, trong ngày Ngài trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Ngày đó, mỗi chúng ta đều sẽ vui mừng, hớn hở, không chỗ trách được. Chúng ta không chỗ trách được không phải vì chúng ta đã hoàn toàn không còn phạm tội. Nhưng chúng ta không chỗ trách được là vì chúng ta không cố ý sống trong tội, và mỗi sự phạm tội vì vô ý hay yếu đuối của chúng ta, thì đều được Đức Chúa Jesus Christ tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính, khi chúng ta ăn năn và xưng tội (I Giăng 1:9).

Mọi vinh quang, uy nghi, thế lực và quyền phép thuộc về Đức Chúa Jesus Christ, Thiên Chúa Ngôi Lời, Cứu Chúa của chúng ta, từ khi thân thể xác thịt của Ngài phục sinh cho đến đời đời! A-men! (Ma-thi-ơ 28:18; Phi-líp 2:9-11).

Huỳnh Christian Timothy
15/11/2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] Đó là ngày Thứ Sáu, 30 tháng 5 năm 27: https://timhieuthanhkinh.com/?p=67.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.