Chú Giải Hê-bơ-rơ 01:01-14 – Thần Tính của Đấng Christ

3,432 views

58002 Chú Giải Hê-bơ-rơ: Thần Tính của Đấng Christ
Hê-bơ-rơ 1:1-14

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzUxOTg3OTFf/58002_ChuGiaiHeboro_ThanTinhCuaDangChrist_01_01-14.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58002-chugiaiheboro-thantinhcuadangchrist-01-01-14
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/fux3w83iconzzgm/58002_ChuGiaiHeboro_ThanTinhCuaDangChrist_01_01-14.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 1:1-14

1 Thuở xưa, Đức Chúa Trời đã nhiều lần và nhiều cách phán với các tổ phụ bởi những tiên tri.

2 Vào những ngày sau cùng này, Ngài phán với chúng ta bởi Con, Đấng mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật. Cũng qua Đấng ấy, Ngài đã dựng nên các thế giới.

3 Đấng ấy là sự chói sáng của sự vinh quang và hình thể của bản thể Ngài, và nâng đỡ muôn vật {bởi} tiếng phán năng lực của Ngài. Chính Ngài làm xong sự rửa sạch những tội lỗi của chúng ta; ngự bên phải của Đấng Tôn Nghiêm trên cao;

4 trở nên cao trọng hơn các thiên sứ, nên Ngài được hưởng danh cao trọng hơn họ. [Tức là danh Đức Chúa Trời do Đức Chúa Trời ban cho Ngài như được nói đến trong Giăng 17:11-12 và Hê-bơ-rơ 1:8-9.]

5 Vì Ngài [Đức Chúa Trời] có bao giờ phán với các thiên sứ nào: Ngươi là con của Ta, ngày nay, Ta đã sinh ngươi? Lại {phán}: Ta sẽ là Cha đối với người và người sẽ là con đối với Ta? [Thi Thiên 2:7; II Sa-mu-ên 7:14]

6 Nhưng khi Ngài đem con đầu lòng vào trong thế gian, Ngài phán: Mọi thiên sứ của Thiên Chúa phải thờ phượng Đấng ấy. [Thi Thiên 97:7]

7 Về các thiên sứ, Ngài phán: Ngài làm ra các thiên sứ của Ngài {như} các luồng gió, và các tôi tớ của Ngài {như} một ngọn lửa. [Thi Thiên 104:4]

8 Nhưng về Con {thì lại phán rằng}: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài {còn đến} đời đời. Vương trượng công chính {là} vương trượng của vương quyền Ngài.

9 Ngài yêu sự công bình và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài. [Thi Thiên 45:6-7]

10 Và từ ban đầu, Ngài đã đặt nền của trái đất. Các tầng trời là những công việc của tay Ngài.

11 Chúng sẽ hư mất nhưng Ngài hằng có. Hết thảy chúng sẽ hao mòn như cái áo.

12 Ngài sẽ cuốn chúng lại như chiếc áo choàng. Rồi chúng sẽ biến đổi nhưng Ngài vẫn y nguyên. Các năm của Chúa sẽ không hề ngừng. [Thi Thiên 102:25-27]

13 Ngài có bao giờ phán với các thiên sứ nào {rằng}: Hãy ngồi bên phải Ta, cho đến khi Ta đặt những kẻ thù nghịch của ngươi làm bệ cho chân của ngươi?

14 Chẳng phải hết thảy họ là những thần linh phụng sự, đã được sai vào trong sự phục vụ cho những người sẽ hưởng cơ nghiệp của sự cứu rỗi sao?

Ngoài sách Tin Lành Giăng là sách mở đầu với lời công bố Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, và sách Khải Huyền với lời công bố Đức Chúa Jesus Christ chính là ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ, VÀ CÒN ĐẾN, là Đấng Toàn Năng (Khải Huyền 1:8), thì sách Hê-bơ-rơ là sách cũng mở đầu với lời xác nhận Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa.

Khi chúng ta tìm hiểu nội dung của thư Hê-bơ-rơ, chúng ta cần ghi nhớ rằng, thư Hê-bơ-rơ mô tả về công việc của Thiên Chúa được làm ra trong thân vị loài người của Ngài, liên quan đến sự cứu rỗi và thánh hóa những ai hết lòng tin cậy nơi Ngài. Đó là công việc của Thiên Chúa được làm ra bởi bản thể vật chất của Ngài. Những công việc này khác với sự sáng tạo của Thiên Chúa đã được Ngài làm ra trong bản thể thần linh của Ngài, là việc Ngài chỉ làm ra bởi các lời phán.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhận thức lẽ thật này: Thiên Chúa đã biết trước một cách chắc chắn rằng, loài người khi được dựng nên với quyền tự do lựa chọn, sẽ chọn phạm tội, tức là chọn làm theo ý mình, nghịch lại ý của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn dựng nên loài người và ban cho họ quyền tự do lựa chọn. Rồi Thiên Chúa lại ban cho loài người cơ hội được cứu rỗi, được tái sinh, được phục hồi địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, bằng cách chính Thiên Chúa mang lấy xác thịt loài người để gánh thay mọi hình phạt dành cho sự phạm tội của loài người. Khi sự cứu rỗi loài người đã được hoàn tất thì thân thể xác thịt của Thiên Chúa vẫn còn lại cho đến đời đời trong chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, vua, và tiên tri. Trong chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, Đức Chúa Jesus Christ hướng dẫn con dân Thiên Chúa thờ phượng Thiên Chúa và Ngài hằng cầu thay cho họ trước Đức Chúa Trời. Trong chức vụ vua, Đức Chúa Jesus Christ cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, tức là toàn thể công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trong chức vụ tiên tri, Đức Chúa Jesus Christ đời đời giãi bày về Thiên Chúa cho con dân của Ngài. Trong Đức Chúa Jesus Christ chính là sự hiệp một giữa Thiên Chúa với loài người, nên qua Đức Chúa Jesus Christ mà tất cả những người thật lòng tin cậy Thiên Chúa được hiệp một với Thiên Chúa.

1 Thuở xưa, Đức Chúa Trời đã nhiều lần và nhiều cách phán với các tổ phụ bởi những tiên tri.

Thuở xưa được nói đến ở đây là khoảng thời gian từ khi Môi-se dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tiến về Đất Hứa cho đến thời của Tiên Tri Ma-la-chi. Đó là khoảng thời gian từ năm 1446 TCN cho đến khoảng năm 430 TCN. Danh từ các tổ phụ được dùng trong câu này là nói đến các tổ phụ của dân I-sơ-ra-ên, từ thời Môi-se cho đến thời của Tiên Tri Ma-la-chi. Trong suốt khoảng thời gian hơn một ngàn năm đó, Đức Chúa Trời đã phán với dân I-sơ-ra-ên qua các tiên tri của Ngài. Hầu hết những lời phán dạy của Đức Chúa Trời qua các tiên tri đã được ghi lại trong Thánh Kinh, gọi chung là Thánh Kinh Cựu Ước.

Môi-se cũng chính là một tiên tri và Đức Chúa Trời đã phán với dân I-sơ-ra-ên qua ông. Những lời phán của Đức Chúa Trời đã được Môi-se ghi lại trong năm sách đầu tiên của Thánh Kinh.

Chức vụ tiên tri là chức vụ làm người truyền đạt lại cho người khác những lời của Đức Chúa Trời mà Ngài muốn cho người ấy biết. Chính Đức Chúa Trời nói về bổn phận của người tiên tri, và cũng là lời tiên tri về chức vụ tiên tri của Đức Chúa Jesus, như sau:

“Ta sẽ lập lên cho chúng một tiên tri giống như ngươi, giữa vòng những anh em của chúng. Ta sẽ đặt lời của Ta trong miệng người, thì người nói cho chúng mọi điều mà Ta sẽ truyền cho người.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:18).

Từ sau thời của Tiên Tri Ma-la-chi cho đến khi Giăng Báp-tít xuất hiện, làm người dọn đường cho Đấng Christ, suốt một khoảng thời gian chừng 400 năm, Đức Chúa Trời đã yên lặng với dân I-sơ-ra-ên. Nếu quý ông bà anh chị em đọc sách Ma-la-chi thì sẽ đoán ra được vì sao mà Đức Chúa Trời đã im lặng với dân I-sơ-ra-ên. Vì họ đã không ăn năn sau khi nghe những lời Đức Chúa Trời phán bảo họ qua Tiên Tri Ma-la-chi.

Trong khoảng thời gian chừng 400 năm đó, dân I-sơ-ra-ên đã biến sự thờ phượng Thiên Chúa thành một thứ tôn giáo, gọi là Do-thái Giáo, với hai giáo phái chính: Pha-ri-si và Sa-đu-sê. Ngoài ra, còn có những người I-sơ-ra-ên xưng danh là Ét-xen:

  • Pha-ri-si (Pharisee) có nghĩa là “biệt riêng”, là những người tự biệt riêng đời sống của mình ra để học và dạy Thánh Kinh, sao chép Thánh Kinh. Họ tin có đời sau và có sự sống lại. Họ nhấn mạnh đến sự vâng giữ luật pháp trong Thánh Kinh và tự đặt ra nhiều luật lệ khác, nhằm giữ cho người ta không vi phạm luật pháp của Thánh Kinh. Họ là thành viên trong Toà Công Luận (Toà án Tối Cao của I-sơ-ra-ên). Họ có một nhóm người chuyên việc giảng dạy luật pháp, gọi là các Ra-bi. Ý nghĩa của danh từ Ra-bi là: Đấng vĩ đại của tôi; Đấng đáng tôn kính của tôi; với nghĩa rộng là: Thầy của tôi; người dẫn dắt đời tôi. Đó là danh hiệu mà Đức Chúa Jesus Christ dạy các môn đồ của Ngài là không nên để cho người ta gọi họ, vì chỉ Đấng Christ mới xứng đáng với danh hiệu đó (Ma-thi-ơ 23:8).
  • Sa-đu-sê (Sadducee) có nghĩa là “công chính”, là những người không tin có đời sau, không tin sự sống lại. Họ chỉ công nhận các luật pháp trong Thánh Kinh mà không công nhận các luật do phái Pha-ri-si đặt ra. Phần lớn những người Sa-đu-sê thuộc dòng thầy tế lễ và phụ trách công việc tế lễ trong đền thờ cùng việc tổ chức các ngày lễ hội; chăm sóc đền thờ; thu thuế đền thờ; tổ chức, trang bị, và lãnh đạo quân đội I-sơ-ra-ên; tham dự Toà Công Luận; đại diện dân I-sơ-ra-ên trong mối quan hệ với đế quốc La-mã.
  • Ét-xen (Essene) có nghĩa là “thánh khiết”, là những người chọn nếp sống xa rời xã hội. Họ xem những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo là những “con cái của sự tối tăm”, vì thờ phượng Thiên Chúa theo một hệ thống tôn giáo không đúng theo Lời Chúa. Họ xem họ là những người I-sơ-ra-ên thật, là “con cái của sự sáng”, vì họ không thờ phượng Chúa theo cách của Do-thái Giáo. Họ quay quần với nhau sống nếp sống đạm bạc trong đời sống cộng đồng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu (chủ nghĩa cộng sản chân chính phát sinh từ những người I-sơ-ra-ên này); vâng giữ Lời Chúa theo sự hiểu của họ; giữ ngày Sa-bát cách nghiêm khắc; chuyên tâm làm việc lành; không màng đến của cải, vật chất; dốc lòng mong chờ ngày Đức Chúa Trời sẽ thay đổi thế giới.

Hai phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê không ưa nhau, nhưng khi cần thì họ liên kết với nhau, như trong trường hợp chống nghịch Đức Chúa Jesus Christ. Họ cũng không ưa phái Ét-xen và ngược lại, phái Ét-xen xem cả hai phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê là những kẻ giả hình.

Suốt khoảng 400 năm, dân I-sơ-ra-ên chỉ nghe những người Pha-ri-si đọc Thánh Kinh Cựu Ước và giảng dạy trong các nhà hội, cho đến khi Giăng Báp-tít và Đức Chúa Jesus xuất hiện. Giăng Báp-tít là một tiên tri nhưng ông chỉ làm nhiệm vụ thông báo sự đến của Đấng Christ và kêu gọi dân I-sơ-ra-ên ăn năn, dọn lòng đón nhận Đấng Christ. Dân I-sơ-ra-ên phải chờ cho đến khi Đấng Christ thi hành chức vụ thì mới được nghe những gì mà Đức Chúa Trời muốn cho họ nghe, qua những lời giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ.

2 Vào những ngày sau cùng này, Ngài phán với chúng ta bởi Con, Đấng mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật. Cũng qua Đấng ấy, Ngài đã dựng nên các thế giới.

Thành ngữ “những ngày sau cùng” được dùng để chỉ khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Trời thi hành công cuộc cứu chuộc nhân loại và Đấng Christ thành lập Hội Thánh cho đến khi Đức Chúa Trời hình phạt toàn thế gian trong suốt bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Những ngày sau cùng đã được tiên tri bởi Tiên Tri Giô-ên khoảng 800 năm trước khi Đấng Christ hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại. Lời tiên tri đó đã được Sứ Đồ Phi-e-rơ nhắc lại và công bố sự bắt đầu ứng nghiệm của nó trong ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27, khi Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Hội Thánh được thành lập:

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17-21

17 Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau cùng, Ta sẽ tuôn đổ Thần của Ta khắp trên mọi xác thịt. Những con trai của các ngươi và những con gái của các ngươi sẽ nói tiên tri. Những người trẻ của các ngươi sẽ thấy những khải tượng. Những người già của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ.

18 Trên những đầy tớ trai của Ta và trên những đầy tớ gái của Ta, trong những ngày đó, Ta sẽ tuôn đổ Thần của Ta. Chúng nó sẽ nói tiên tri.

19 Ta sẽ tỏ ra những sự lạ trên trời, và những dấu lạ trên đất: máu và lửa, và đám khói.

20 Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng {sẽ trở} nên {như} máu, trước khi ngày lớn và đáng nhớ của Chúa đến.

21 Và sẽ xảy ra: Hết thảy những người nào kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu [Giô-ên 2:28-32].

Nói cách khác, “những ngày sau cùng” là khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Jesus được báp-tem vào trong chức vụ (đầu mùa xuân năm 25) cho đến khi Ngài trở lại thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. Trong những ngày sau cùng này, dân I-sơ-ra-ên đã được nghe Đức Chúa Trời phán dạy qua môi miệng của Đức Chúa Jesus. Mà Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế mang thân vị loài người. Về thuộc thể thì thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra cách mầu nhiệm trong lòng trinh nữ Ma-ri, nên được gọi là Con của Đức Chúa Trời. Về thuộc linh thì Đức Chúa Jesus chính là Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn loài:

“Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:3).

“Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Hê-bơ-rơ 1:2 một lần nữa xác nhận Đấng Christ là Đấng tạo dựng nên muôn vật. Danh từ số nhiều “các thế giới” bao gồm thế giới vật chất thuộc thể lẫn thế giới thiêng liêng thuộc linh, như thiên đàng và hỏa ngục, cùng các thiên sứ.

Đức Chúa Trời đã lập Đấng Christ làm người kế tự muôn vật có nghĩa là Đức Chúa Trời giao quyền cai trị muôn vật vào trong tay của Đấng Christ. Muôn vật đã được dựng nên bởi Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi thánh ý của Đức Chúa Trời, lời phán của Ngôi Lời, và năng lực của Đấng Thần Linh. Từ khi sáng thế cho đến khi Đấng Christ phục sinh, muôn vật được cai trị bởi Đức Chúa Trời. Từ khi Đấng Christ phục sinh cho đến đời đời, muôn vật được cai trị bởi Đấng Christ với danh hiệu: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16).

Trong thời đại của Hội Thánh, dù thân thể xác thịt của Đấng Christ không còn ở trên đất, nhưng Đấng Christ vẫn hiện diện giữa Hội Thánh của Ngài (Ma-thi-ơ 28:20). Con dân Chúa vẫn có thể trực tiếp trò chuyện với Đức Chúa Jesus Christ và được nghe Ngài phán dạy cách riêng tư.

3 Đấng ấy là sự chói sáng của sự vinh quang và hình thể của bản thể Ngài, và nâng đỡ muôn vật {bởi} tiếng phán năng lực của Ngài. Chính Ngài làm xong sự rửa sạch những tội lỗi của chúng ta; ngự bên phải của Đấng Tôn Nghiêm trên cao;

Bản thể của Đức Chúa Trời là Thần (Giăng 4:24), là thiêng liêng, không thuộc về vật chất, và tự có; vì thế, đối với thế giới vật chất, hình thể của Đức Chúa Trời là vô hình. Đức Chúa Jesus Christ đã dùng gió, tức là sự di chuyển của không khí, để nói lên đặc tính vô hình của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh và thánh linh ra từ Đấng Thần Linh (Giăng 3:8). Chúng ta có thể cảm nhận và nghe tiếng động do gió tạo ra, nhưng chúng ta không nhìn thấy gió. Loài người trong thân thể xác thịt, với con mắt xác thịt không thể nào nhìn thấy hình thể thần linh của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã biết rằng, với mắt thường, chúng ta không thể nhìn lâu vào sự chói sáng của mặt trời mà không bị mù. Mặt trời chỉ là một trong các vật do Thiên Chúa dựng nên mà còn chói sáng đến nỗi chúng ta không thể nhìn vào như vậy, thì sự vinh quang của hình thể Thiên Chúa còn chói sáng đến đâu. Tuy nhiên, thân thể xác thịt của Đấng Christ là sự phản ánh vinh quang và hình thể của Đức Chúa Trời, để qua Đấng Christ, loài người được chiêm ngưỡng sự vinh quang và hình thể của Đức Chúa Trời.

Sự vinh quang của Đức Chúa Trời là sự thể hiện bản tính của Ngài: yêu thương, thánh khiết, và công chính. Đức Chúa Jesus Christ trong thân vị loài người của Ngài đã khiến cho loài người nhìn thấy Đức Chúa Trời là tình yêu, Ngài yêu tội nhân; nhìn thấy Đức Chúa Trời là thánh khiết, Ngài không chấp nhận tội lỗi; và nhìn thấy Đức Chúa Trời là công chính, Ngài hình phạt bất cứ ai phạm tội.

Hình thể không thể thấy được của Đức Chúa Trời chính là hình thể mà loài người được dựng nên giống như vậy trong xác thịt (Sáng Thế Ký 1:26), đã được xác nhận bằng thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ. Nói cách khác, Hê-bơ-rơ 1:3 xác nhận thân thể xác thịt của Đấng Christ chính là sự thể hiện hình thể thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Cùng một lúc, Hê-bơ-rơ 1:3 ấn chứng lẽ thật trong Sáng Thế Ký 1:26, rằng loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Xin đọc và nghe bài giảng Chú Giải Sáng Thế Ký 1:26-31 [1].

Loài người chúng ta được dựng nên với bản thể vật chất là xác thịt và bản thể thiêng liêng là tâm thần. Cả hình thể bản thể vật chất lẫn hình thể bản thể thiêng liêng của chúng ta đều giống như hình thể bản thể thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Mà hình thể bản thể vật chất của Đức Chúa Jesus Christ là ấn chứng.

Đấng Christ chẳng những đã sáng tạo nên muôn vật bằng các lời phán của Ngài (Sáng Thế Ký 1), mà các lời phán của Ngài còn có năng lực nâng đỡ chúng, tức là giúp cho chúng tồn tại và phát triển. Mệnh đề: “Tiếng phán năng lực của Ngài” có nghĩa: Tiếng phán ra từ khả năng và sức mạnh làm thành sự việc của Ngài. Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng làm được mọi sự; và Ngài sáng tạo muôn vật, bảo tồn muôn vật chỉ bởi các lời phán của Ngài. Vào cuối Kỳ Tận Thế, chúng ta sẽ nhìn thấy năng lực của lời phán ra từ miệng Đấng Christ tiêu diệt tất cả những ai chống nghịch Ngài (Khải Huyền 19:21).

Lời phán của Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời là Lời Sáng Tạo và Lời của Sự Sống. Vì lời phán của Ngài làm ra muôn vật và ban sự sống cho muôn vật. Sứ Đồ Phi-e-rơ đã được Đức Chúa Trời thần cảm để nhận biết Đấng Christ có Những Lời của Sự Sống Đời Đời (Giăng 6:68). Sứ Đồ Phao-lô khuyên con dân Chúa hãy giữ vững Lời của Sự Sống, hàm ý giữ vững Đấng Christ và mọi lời trong Thánh Kinh (Phi-líp 2:16). Sứ Đồ Giăng gọi Đấng Christ là Ngôi Lời của Sự Sống (I Giăng 1:1). Là con dân Chúa, chúng ta nên sốt sắng đọc, suy ngẫm từng câu Thánh Kinh, và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8). Vì đó là sức sống của chúng ta, và khi chúng ta hết lòng làm theo, thì chúng ta được sống đời đời trong hạnh phúc, trong tình yêu của Thiên Chúa.

Chỉ có Đấng Christ làm thành sự cứu chuộc chúng ta và làm cho chúng ta được sạch tội. Ngoài Ngài, chúng ta không có sự cứu rỗi và sự được rửa sạch tội:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

“…nhưng các anh chị em đã được rửa sạch; nhưng các anh chị em đã được làm nên thánh; nhưng các anh chị em đã được xưng công bình trong danh của Đức Chúa Jesus và trong Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 6:11).

“…Đức Chúa Jesus Christ, Chứng Nhân Thành Tín, con đầu lòng từ những kẻ chết, Đấng cầm quyền của các vua trên đất, {Đấng} yêu chúng ta và đã rửa sạch chúng ta khỏi những tội lỗi của chúng ta trong máu của Ngài…” (Khải Huyền 1:5).

Danh từ “Đấng Tôn Nghiêm” có nghĩa là: Đấng đẹp đẽ, uy nghi, quyền thế, thiện lành, và vĩ đại trên mọi phương diện; là một danh hiệu dành riêng cho Đức Chúa Trời. Ngự bên phải Đấng Tôn Nghiêm có nghĩa là được ngồi vào chỗ danh dự nhất bên cạnh Đức Chúa Trời. Trên cao tức là trong thiên đàng, từng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:2).

4 trở nên cao trọng hơn các thiên sứ, nên Ngài được hưởng danh cao trọng hơn họ. [Tức là danh Đức Chúa Trời do Đức Chúa Trời ban cho Ngài như được nói đến trong Giăng 17:11-12 và Hê-bơ-rơ 1:8-9.]

Khi thân thể xác thịt của Thiên Chúa Ngôi Lời được sinh ra trong thế gian, mang tên Jesus, thì bản thể loài người của Ngài thấp hơn bản thể của các thiên sứ trong một thời gian (Hê-bơ-rơ 2:9). Bản thể ấy yếu đuối như chúng ta, bị giới hạn bởi các định luật vật lý, có thể bị làm cho tổn thương, có thể bị sỉ nhục, và bị giết chết. Nhưng sau khi Ngài hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại và phục sinh, thì bản thể loài người của Ngài trở nên cao trọng hơn bản thể của các thiên sứ, vì bản thể loài người của Ngài có cùng quyền thế và năng lực của Thiên Chúa. Chính vì thế mà từ khi còn ở trên đất, Đấng Christ đã được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu của chính Đức Chúa Trời, tức là danh hiệu “Đức Chúa Trời”.

“Con không ở trong thế gian nữa, nhưng họ ở trong thế gian, và con về với Ngài. Cha Thánh ôi! {Xin} giữ gìn họ trong danh Ngài, mà Ngài đã ban cho con, để họ là một như chúng ta.” (Giăng 17:1).

Đức Thánh Linh đã gọi Đấng Christ bằng danh xưng “Đức Chúa Trời” trong Hê-bơ-rơ 1:8-9, mà chúng ta sẽ học đến tiếp theo dưới đây.

5 Vì Ngài [Đức Chúa Trời] có bao giờ phán với các thiên sứ nào: Ngươi là con của Ta, ngày nay, Ta đã sinh ngươi? Lại {phán}: Ta sẽ là Cha đối với người và người sẽ là con đối với Ta? [Thi Thiên 2:7; II Sa-mu-ên 7:14]

Mặc dù các thiên sứ được Thánh Kinh gọi là “những con trai của Đức Chúa Trời” (Gióp 1:6) và A-đam cũng được gọi là “con của Đức Chúa Trời” (Lu-ca 3:38), nhưng các thiên sứ và A-đam không được Đức Chúa Trời sinh ra mà là được tạo dựng. Thánh Kinh không nói các thiên sứ đã được tạo dựng bằng cách nào, nhưng Thánh Kinh cho chúng ta biết, A-đam đã được tạo dựng bằng cách Đức Chúa Trời lấy bụi đất gom lại làm thân thể vật chất, rồi thổi thần linh của Ngài vào trong thân thể vật chất ấy, làm thành thân thể thiêng liêng (tâm thần), thì người thực hữu (Sáng Thế Ký 2:7). Chỉ riêng Đức Chúa Jesus là được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, với xác thịt ra từ thân thể xác thịt của Ma-ri, vì thế mà Đức Chúa Jesus còn được gọi là dòng dõi của người nữ (Sáng Thế Ký 3:15); với tâm thần và linh hồn chính là bản thể của Thiên Chúa Ngôi Lời. Vì thế mà Đức Chúa Jesus cũng chính là Thiên Chúa. Như vậy, về thân vị loài người thì Đấng Christ được Đức Chúa Trời sinh ra, nhưng về thân vị Thiên Chúa thì Ngài cùng tự thực hữu và còn mãi với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh.

Phần đầu của câu 5 được trích dẫn từ Thi Thiên 2:7 là lời mà Phao-lô đã nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:33:

“Ta sẽ truyền ra về sắc lệnh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Ta: Ngươi {là} Con của Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ra Ngươi.” (Thi Thiên 2:7).

“Vì điều này Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm cho chúng ta, {Ngài} đã làm sống lại Đức Chúa Jesus như trong Thi Thiên thứ hai đã chép: Ngươi là con của Ta. Ngày nay, Ta đã sinh ra ngươi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:33).

Phần cuối của câu 5 được trích dẫn từ II Sa-mu-ên 7:14, là lời Đức Chúa Trời phán với Vua Đa-vít về Sa-lô-môn, mà cũng là lời tiên tri về Đấng Christ sẽ được sinh ra làm con của Đức Chúa Trời và sẽ xây dựng đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời bằng chính thân thể của Đấng Christ và Hội Thánh (Giăng 2:19-21; I Cô-rinh-tô 3:16-17; Ê-phê-sô 2:19-22).

6 Nhưng khi Ngài đem con đầu lòng vào trong thế gian, Ngài phán: Mọi thiên sứ của Thiên Chúa phải thờ phượng Đấng ấy. [Thi Thiên 97:7]

Danh từ “Con Một” (Giăng 1:14, 18; 3:16, 18; I Giăng 4:9) được dùng cho Đức Chúa Jesus trong suốt khoảng thời gian Ngài được sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri cho đến khi Ngài phục sinh. Vì trong suốt khoảng thời gian ấy, Ngài là người duy nhất được Đức Chúa Trời sinh ra. Những người khác đều được tạo dựng như A-đam và Ê-va, hoặc được cha mẹ loài người sinh ra. Nhưng sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh thì bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì người ấy được Đức Chúa Trời tái sinh, tức là được sinh ra bởi Đức Chúa Trời (Giăng 3:3-8; I Giăng 3:9; 4:7; 5:4, 18). Từ đó, danh xưng “con đầu lòng” (Rô-ma 8:29; Hê-bơ-rơ 1:6) được dùng cho Đức Chúa Jesus.

Khi Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, thì về xác thịt Ngài là con đầu lòng của Đức Chúa Trời theo dòng dõi người nữ. Khi Ma-ri sinh ra Ngài và đặt Ngài nằm trong máng cỏ là lúc mà Ngài đã được Đức Chúa Trời đem Ngài vào trong thế gian, để làm Đấng Christ, tức là làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua. Danh từ “thế gian” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh (G3625) có nghĩa là: Vùng đất có người sinh sống trên địa cầu. Trong chức vụ Đấng Christ, Đức Chúa Jesus thi hành công cuộc giãi bày cho nhân loại về Thiên Chúa, cứu rỗi nhân loại ra khỏi hậu quả của tội lỗi, và cai trị muôn vật, trong đó có cả các thiên sứ. Chính vì thế mà các thiên sứ cũng phải thờ phượng Ngài. Đức Thánh Linh đã xác nhận:

Phi-líp 2:6-11

6 Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.

7 Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người;

8 được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của một người là tất cả những gì thuộc về một người, bao gồm: ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, thái độ, hành động, nếp sống…]

9 Cũng vì thế nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh,

10 để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống,

11 và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ {là} Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.

Những giáo sư giả giảng dạy tà giáo, không công nhận Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa đã cho rằng động từ “thờ phượng” trong Hê-bơ-rơ 1:6 chỉ có nghĩa là tôn kính chứ không có nghĩa là hành động thờ phượng được dành riêng cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, động từ thờ phượng trong Hê-bơ-rơ 1:6 cũng chính là động từ “thờ phượng” được dùng để nói đến sự thờ phượng dành cho Thiên Chúa, như trong các câu:

“Đức Chúa Jesus liền phán với nó: Hỡi Sa-tan, hãy lui ra! Vì đã được chép {rằng}: Ngươi sẽ thờ phượng Chúa {là} Đức Chúa Trời của ngươi và ngươi sẽ chỉ phụng sự Ngài mà thôi. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13]” (Ma-thi-ơ 4:10).

“Đức Chúa Trời {là} Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật.” (Giăng 4:24).

Trong thực tế, nhiều chỗ trong Thánh Kinh trực tiếp gọi Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa:

“Vì một con trẻ được sinh ra, {là} một con trai ban cho {chúng ta}. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi {là} Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.” (Ê-sai 9:5).

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. (Giăng 1:1).

“Vậy, các anh em hãy giữ lấy mình và hết thảy bầy mà Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, {để} chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Nhưng các anh chị em không ở trong xác thịt mà {ở} trong thần trí, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.(Rô-ma 8:9).

Các tổ phụ thuộc về dân ấy, và theo phần xác thịt Đấng Christ {ra từ} dân ấy, là {Đấng} trên hết mọi sự, {là} Thiên Chúa được tôn vinh đời đời. A-men!(Rô-ma 9:5).

Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.(Phi-líp 2:6).

chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,(Tít 2:13).

Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra trong các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang. (I Ti-mô-thê 3:16).

Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và sự sống đời đời.(I Giăng 5:20).

Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, chúng nó là những kẻ đã bị định cho án phạt từ trước, là những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác. Chúng nó chối Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất và là Chúa của chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.(Giu-đe câu 4).

Tiếc thay, ngày càng có nhiều người sa vào sự dối trá của các giáo sư giả mà phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus lẫn thần tính của Đức Thánh Linh.

7 Về các thiên sứ, Ngài phán: Ngài làm ra các thiên sứ của Ngài {như} các luồng gió, và các tôi tớ của Ngài {như} một ngọn lửa. [Thi Thiên 104:4]

Các thiên sứ là những thần linh được Thiên Chúa dựng nên để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ cho những người được ở trong địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời, như Hê-bơ-rơ 1:14 đã nói. Năng lực của các thiên sứ được ví như năng lực của các luồng gió và lửa. Thánh Kinh ghi lại sự kiện một thiên sứ của Thiên Chúa, trong một đêm đã giết 185.000 binh lính A-si-ri (II Các Vua 19:35).

8 Nhưng về Con {thì lại phán rằng}: Hỡi Đức Chúa Trời! Ngai của Ngài {còn đến} đời đời. Vương trượng công chính {là} vương trượng của vương quyền Ngài.

Tuy nhiên, Đấng Christ, một con người xác thịt như chúng ta, thì được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu tối cao là danh xưng “Đức Chúa Trời” và ban cho ngai vị vua đời đời để cai trị vương quốc của Đức Chúa Trời, tức toàn bộ cơ nghiệp của Thiên Chúa. Vương trượng là cây gậy tiêu biểu cho quyền cai trị của một nhà vua. Vương trượng của Đấng Christ được gọi là vương trượng công chính. Có nghĩa, Đấng Christ làm vua và cai trị bởi sự công chính. Điều này an ủi chúng ta rất nhiều, vì qua đó, chúng ta hiểu rằng, phần thưởng cho sự chịu khổ vì danh Chúa của chúng ta trong đời này sẽ rất lớn. Đấng Christ sẽ ban thưởng cho chúng ta cách xứng đáng, khi Ngài gặp chúng ta giữa chốn không trung. Ngài đã hứa:

“Này, Ta đến mau chóng và {mang theo} tiền trả công của Ta với Ta, {để} trao cho mỗi {người} tùy theo công việc của người ấy sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).

Chúng tôi tin rằng, sự ban thưởng đó chính là sự vinh quang của thân thể được phục sinh hay được biến hóa của chúng ta và phần quyền mà chúng ta sẽ đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Trời. Sự vinh quang (tức sắc đẹp) của mỗi người mỗi khác và phần quyền đồng trị của mỗi người mỗi khác, tùy theo sự dự phần của chúng ta trong sự chịu khổ vì danh Chúa, trong sự cứu giúp người khác, trong sự gây dựng Hội Thánh, và trong sự hiểu biết Lời Chúa.

9 Ngài yêu sự công bình và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài. [Thi Thiên 45:6-7]

Chúng ta chú ý, trong câu này, Đức Thánh Linh dùng danh xưng “Đức Chúa Trời” cho hai thân vị Thiên Chúa khác nhau. Lần thứ nhất dùng để gọi Đức Chúa Con, tức Đấng Christ, lần thứ nhì, dùng để gọi Đức Chúa Cha.

Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời của Đấng Christ về phương diện thân vị loài người của Ngài. Đức Chúa Cha cũng là Đức Chúa Trời của muôn loài. Đấng Christ được mang danh xưng “Đức Chúa Trời” vì thân vị loài người của Ngài đã được Đức Chúa Trời ban cho toàn quyền của Đức Chúa Trời; nghĩa là mọi ý muốn, lời nói, và việc làm của con người Đấng Christ đều có giá trị và uy quyền như của chính Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối.

Dầu dùng để xức cho người được Đức Chúa Trời kêu gọi vào chức vụ (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:30; I Sa-mu-ên 15:1; I Các Vua 19:16). Xuất Ê-díp-tô Ký 30:23-25 ghi lại bốn hương liệu dùng pha với dầu ô-li-ve để chế biến dầu xức cho những người nhận chức vụ, do chính Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se:

  • 500 siếc-lơ (tương đương 5,6 kg) một dược nước (myrrh).
  • 250 siếc lơ (tương đương 2,8 kg) hương nhục quế (cinnamon).
  • 250 siếc-lơ hương xương bồ (calamus).
  • 500 siếc-lơ quế bì (cassia).
  • 1 hin (tương đương 6 lít) dầu ô-li-ve.

Nghi thức xức dầu thời Cựu Ước cho các tiên tri, thầy tế lễ, và vua là hình bóng cho sự người nhận chức vụ được Đức Chúa Trời ban cho đầy dẫy thánh linh của Ngài, tức là thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ để người ấy hoàn thành chức vụ. Đấng Christ được Đức Chúa Trời kêu gọi cùng một lúc vào cả ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua, nhưng không hề có nghi thức xức dầu của thời Cựu Ước được thi hành trên Ngài. Vì Ngài trực tiếp nhận lãnh Đức Thánh Linh và được đổ đầy thánh linh ngay sau khi Ngài chịu báp-tem và ra khỏi nước của sông Giô-đanh (Ma-thi-ơ 3:16). Tiên tri Ê-sai đã tiên tri về sự Đấng Christ được đổ đầy thánh linh, như sau:

“Và ngự trên Ngài {là} Thần {của} Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thần Khôn Sáng và Hiểu Biết, Thần Mưu Định và Mạnh Sức, Thần Tri Thức và Kính Sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-sai 11:2).

Đấng Thần Linh có danh hiệu là Đấng An Ủi (Giăng 15:16) nên thánh linh của Ngài được gọi là dầu vui mừng. Người được đầy dẫy thánh linh là người có sự vui mừng. Thật vậy, Thánh Kinh đã chép về con dân Chúa tại thành An-ti-ốt, như sau:

“Còn các môn đồ được đầy dẫy sự vui mừng và thánh linh.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:52).

Người được đầy dẫy thánh linh thì tâm thần sẽ kết trái vui mừng (Ga-la-ti 5:22). Trong con người xác thịt của Đấng Christ có đầy dẫy thánh linh của Thiên Chúa, vì thế, trong Ngài cũng tràn ngập sự vui mừng.

Cảm tạ Đức Chúa Trời vì tình yêu của Ngài đối với chúng ta mà chúng ta được dự phần đồng cai trị với Đấng Christ, được xức dầu của sự vui mừng, tức được dự phần đầy dẫy thánh linh với Ngài. Chúng ta cũng sẽ được mãi mãi ở bên cạnh Đấng Christ, như lời Ngài và Đức Thánh Linh đã hứa (Giăng 14:3; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17).

10 Và từ ban đầu, Ngài đã đặt nền của trái đất. Các tầng trời là những công việc của tay Ngài.

11 Chúng sẽ hư mất nhưng Ngài hằng có. Hết thảy chúng sẽ hao mòn như cái áo.

12 Ngài sẽ cuốn chúng lại như chiếc áo choàng. Rồi chúng sẽ biến đổi nhưng Ngài vẫn y nguyên. Các năm của Chúa sẽ không hề ngừng. [Thi Thiên 102:25-27]

Từ câu 10 đến câu 12 là lời trích dẫn Thi Thiên 102:25-27, nói đến công việc sáng tạo của Đấng Christ trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời. Từ ban đầu là từ buổi ban đầu của công cuộc sáng tạo. Ngài đã đặt nền của trái đất có nghĩa là Ngài đã định ra các định luật vật lý và quy định các nguyên tố hóa học để hình thành trái đất. Ngài cũng làm ra các tầng trời. Các tầng trời bao gồm ba tầng trời:

  • Tầng trời thứ nhất là bầu khí quyển của trái đất.
  • Tầng trời thứ nhì là khoảng không gian bao la của vũ trụ vật chất, chứa vô số các thiên hà, mà mỗi thiên hà lại chứa vô số các ngôi sao. Các nhà thiên văn ước tính có chừng 200 tỷ đến 400 tỷ ngôi sao trong thiên hà của chúng ta. Ngoài thiên hà của chúng ta thì viễn vọng kính Hubble đã đếm được đến hơn 100 tỷ ngân hà khác. Các nhà thiên văn ước tính rằng, cả vũ trụ có thể có đến 200 tỷ ngân hà. Trong bầu trời đêm, có khoảng chừng 5.000 đến 8.000 ngôi sao có thể được nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng tầm nhìn của chúng ta chỉ có thể cùng một lúc nhìn thấy khoảng 2.500 ngôi sao.
  • Tầng trời thứ ba (II Cô-rinh-tô 12:2) thuộc về thế giới thuộc linh, là thiên đàng, nơi ngự của Thiên Chúa.

Thánh Kinh cho chúng ta biết, vì sự phạm tội của các thiên sứ và loài người mà trời đất hiện tại sẽ qua đi:

“Nhưng các tầng trời và đất bây giờ cũng bởi cùng một Lời mà còn lại, để dành cho lửa trong ngày phán xét và hủy phá những kẻ không tin kính.” (II Phi-e-rơ 3:7).

“Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

“Rồi, tôi thấy một ngai trắng, lớn và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn tìm thấy chỗ của chúng nữa.” (Khải Huyền 20:11).

Tuy nhiên, Đấng Christ vẫn còn đến đời đời. Động từ “hằng có” nói đến sự thực hữu không bao giờ chấm dứt. Thời gian của Đấng Christ là bất tận. Danh từ “các năm” còn có nghĩa bóng là “tuổi”, chỉ sự tồn tại thân thể xác thịt của một người, hoặc sự tồn tại của một loài vật chất.

13 Ngài có bao giờ phán với các thiên sứ nào {rằng}: Hãy ngồi bên phải Ta, cho đến khi Ta đặt những kẻ thù nghịch của ngươi làm bệ cho chân của ngươi? [Thi Thiên 110:1]

Chữ “Ngài” trong câu 13 chỉ về Đức Chúa Trời. Lời phán trong Thi Thiên 110:1 được trích dẫn tại đây là lời tiên tri Đức Chúa Trời đặt vào môi miệng của Vua Đa-vít. Lời tiên tri ấy tiên tri về sự kiện Đấng Christ sau khi phục sinh sẽ thăng thiên, ngự bên phải Đức Chúa Trời; và Ngài sẽ đoán xét toàn thế gian trong Kỳ Tận Thế. Dù Đấng Christ mang thân thể xác thịt của loài người, nhưng uy quyền của Ngài là cao trọng hơn các thiên sứ. Uy quyền của Ngài là uy quyền của Đức Chúa Trời.

14 Chẳng phải hết thảy họ là những thần linh phụng sự, đã được sai vào trong sự phục vụ cho những người sẽ hưởng cơ nghiệp của sự cứu rỗi sao?

Chữ “họ” là chỉ về các thiên sứ. Các thiên sứ là những thần linh được Đức Chúa Trời dựng nên, để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ những người thuộc về Thiên Chúa. Mỗi một người thuộc về Thiên Chúa đều là người sẽ hưởng cơ nghiệp của sự cứu rỗi. Chúng ta cần phân biệt sự cứu rỗi và cơ nghiệp của sự cứu rỗi.

  • Sự cứu rỗi là sự được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch bản tính tội, được Đức Thánh Linh ban cho năng lực thắng tội. Để được cứu rỗi thì một người phải thật lòng ăn năn tội, tức là hối tiếc vì mình đã phạm tội và tha thiết muốn từ bỏ tội; đồng thời phải tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Sau khi được hưởng ơn cứu rỗi, một người phải tự mình quyết định ở lại trong sự cứu rỗi bằng cách hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa hoặc là quay về sống trong tội, tiếp tục vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, mà mất đi sự cứu rỗi.
  • Cơ nghiệp của sự cứu rỗi là thân thể xác thịt được sống lại hoặc được biến hóa cách vinh quang và được sống đời đời trong hạnh phúc, trong vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời. Riêng những ai thuộc về Hội Thánh thì được hiệp một cách mầu nhiệm với Đấng Christ, được đồng cai trị toàn bộ cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, tức trọn vẹn công trình sáng tạo của Thiên Chúa và các ơn phước của Thiên Chúa, cho đến đời đời.

Vì thế, ngay cả những người được hưởng cơ nghiệp cứu rỗi cũng có địa vị cao trọng hơn các thiên sứ.

Cảm tạ Đức Chúa Trời về tình yêu của Ngài. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ về ân điển của Ngài. Cảm tạ Đức Thánh Linh về sự thông công của Ngài. Bởi tình yêu, ân điển và sự thông công của Ba Ngôi Thiên Chúa mà chúng ta đã được cứu rỗi và sẽ được hưởng cơ nghiệp cứu rỗi, là cơ nghiệp đời đời đã được sắm sẵn cho chúng ta. Chúng tôi xin mượn lời sau đây trong I Phi-e-rơ 1:3-9 để kết thúc bài học này; và để chúng ta cùng nhau dùng đó mà khích lệ lẫn nhau:

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta. Bởi lòng thương xót lớn của Ngài mà Ngài khiến cho chúng ta được tái sinh vào trong sự trông cậy sống, qua sự sống lại từ trong những kẻ chết của Đức Chúa Jesus Christ,

4 vào trong cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, và không suy tàn, được để dành trong các tầng trời cho các anh chị em,

5 là những người bởi đức tin, nhờ năng lực của Thiên Chúa giữ gìn cho sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ cuối cùng!

6 Trong sự đó, các anh chị em vui mừng, dù hiện nay, nếu cần thì các anh chị em phải chịu nhiều sự thử thách khác nhau, khiến cho phải buồn bã ít lâu;

7 để cho sự thử thách đức tin của các anh chị em quý hơn vàng hay hư nát, dù đã bị thử lửa, sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ.

8 Ngài là Đấng các anh chị em không thấy mà yêu; dù bây giờ các anh chị em không thấy Ngài, nhưng các anh chị em tin Ngài. Các anh chị em vui mừng trong niềm vui đầy sự vinh quang, không thể tả được,

9 nhận lãnh sự cuối cùng của đức tin các anh chị em, là sự cứu rỗi linh hồn mình.

Nguyện Đấng Christ mau đến, để đón chúng ta vào trong thiên đàng. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
22/12/2018

Chú Thích

  1. Karaoke Thánh Ca: “Hãy Tìm về Tình Yêu”
    https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/hay-tim-ve-tinh-yeu/
  2. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

    Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

    • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

    • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/