Chú Giải I Giăng Giới Thiệu

5,191 views

906200 Chú Giải I Giăng Giới Thiệu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Người Viết

Các thư I Giăng, II Giăng, và III Giăng đều là các thư do Sứ Đồ Giăng, người viết sách Tin Lành theo Giăng và sách Khải Huyền viết. Xin đọc phần tiểu sử của Sứ Đồ Giăng đã được trình bày trong phần giới thiệu sách Khải Huyền [1].

Mặc dù trong cả ba thư tín đều không chỉ định Sứ Đồ Giăng là tác giả, nhưng qua văn phong và bởi sự xác chứng của các giám mục trong Hội Thánh vào đầu thế kỷ thứ nhì, mà chúng ta có thể tin rằng, Sứ Đồ Giăng chính là tác giả.

Thời Gian Viết

Có lẽ cả ba thư tín đều được viết cùng thời điểm với nhau, vào khoảng thời gian từ năm 85, sau khi sách Tin Lành theo Giăng được viết, cho đến năm 95, trước khi Giăng bị bắt và bị nhốt tù trên đảo Bát-mô.

Người Nhận

Thư I Giăng không nêu rõ ai là người nhận thư, nhưng qua cách diễn đạt thì Giăng có ý gửi chung cho tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh, bao gồm cả ba hạng tuổi: các bậc làm cha, các thanh niên, và các thiếu nhi.

Sử liệu của Hội Thánh cho biết, vào khoảng năm 58 thì Giăng đã đưa bà Ma-ri, mẹ của Chúa, rời Giê-ru-sa-lem, về cư trú tại Ê-phê-sô. Giăng đã sống tại Ê-phê-sô cho đến cuối đời, ngoại trừ khoảng hai năm bị lưu đày trên đảo Bát-mô. Từ Ê-phê-sô, Giăng đã đến giảng dạy tại nhiều Hội Thánh địa phương của vùng Tiểu Á. Vì thế, rất có thể thư I Giăng được viết cho các Hội Thánh tại vùng Tiểu Á.

Chủ Đề

Đức Chúa Jesus Christ là Con Đức Chúa Trời và Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, là Sự Sống Đời Đời, đã nhập thế làm người, để rao truyền về Đức Chúa Trời cho loài người và chịu chết chuộc tội cho loài người. Ai tin nhận sự rao giảng của Đức Chúa Jesus Christ thì có Ngài và có Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là tình yêu. Ai có Đức Chúa Trời thì có tình yêu của Đức Chúa Trời.

Mục Đích

Khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus Christ. Về phần xác thịt, Ngài là Con của Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Nhưng Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người. Ai không công nhận Ngôi Lời là Thiên Chúa nhập thế làm người thì kẻ ấy chống nghịch Đấng Christ.

Khẳng định chỉ có ai tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ thì người ấy mới có Đức Con và Đức Cha ở trong người ấy. Và chỉ có ai có Đức Con và Đức Cha thì mới có thể yêu như Đức Chúa Trời yêu.

Khẳng định, người thật sự có Chúa thì không thể sống trong tội. Những ai đang sống trong tội thì không thuộc về Chúa.

Câu Gốc

“Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Nội Dung

Thư I Giăng được viết ra trong bối cảnh có nhiều giáo sư giả giảng dạy tà giáo trong Hội Thánh. Tà giáo nổi bật nhất vào thời ấy là phái “Tri Thức Luận” (Gnosticism). Tri Thức Luận có nghĩa là bàn về sự tri thức thiêng liêng, thần bí, sâu nhiệm được cho là đến từ nội tâm. Phái này chủ trương tất cả những gì thiêng liêng, thuộc linh là thiện và tất cả những gì vật chất, thuộc thể là ác. Phái Tri Thức Luận dạy rằng:

1. Thế giới vật chất được tạo ra bởi một ác thần, hoàn toàn tội lỗi. Thế giới thiêng liêng được tạo ra bởi Thiên Chúa, hoàn toàn thánh thiện. Thân thể của loài người là vật chất, là ác, ngược lại với thân thể của Thiên Chúa là thần linh, là thiện. Sự cứu rỗi là sự được thoát ra khỏi thân thể xác thịt bởi sự tri thức đặc biệt.

2. Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ không có thật, mà chỉ là ảo ảnh. Hoặc là Thiên Chúa đã nhập vào con người xác thịt Jesus trong buổi Jesus chịu báp-tem tại sông Giô-đanh, để dạy Tri Thức Luận cho loài người, và rời khỏi thân thể xác thịt ấy, khi Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Hoặc là Đức Chúa Jesus là một người đã giác ngộ Tri Thức Luận và trở thành Thiên Chúa.

3. Bởi vì thân thể xác thịt hoàn toàn là ác, cho nên, không có sự cứu rỗi dành cho thân thể xác thịt. Trái lại, cứ để cho nó đắm chìm trong tội lỗi, rồi chết. Người theo Tri Thức Luận chỉ cần chuyên tâm tìm kiếm tri thức.

Vì thế, nội dung của thư I Giăng đã được mở đầu bằng lời khẳng định sự nhập thế làm người của Ngôi Lời, và tiếp theo đó là lên án những ai không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người. Thư I Giăng còn khẳng định về sự cứu rỗi của thân thể xác thịt ra khỏi tội lỗi là chắc chắn; và nêu rõ bằng chứng của sự thân thể xác thịt được cứu ra khỏi tội lỗi là một đời sống thánh khiết và yêu thương. Thư I Giăng kết luận bằng lời kêu gọi con dân Chúa giữ vững đức tin trong Đức Chúa Jesus Christ, sống thánh khiết, và cầu thay cho nhau.

Bố Cục

I. Lẽ Thật về Ngôi Lời Nhập Thế Làm Người (1:1-4)

II. Nếp Sống của Con Dân Chúa (1:5 – 2:27)

1. Được thông công với Đức Chúa Trời (1:5-7)

2. Xưng tội và được tha tội (1:8-10)

3. Vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Jesus Christ và sống như Ngài đã sống (2:1-6)

4. Thông công với các anh chị em cùng đức tin (2:7-11)

5. Hiểu biết về đức tin (2:12-14)

6. Không yêu thế gian và những sự thuộc về thế gian (2:15-17)

7. Coi chừng những kẻ chống nghịch Đấng Christ (2:18-27)

III. Sứ Điệp Dành Cho Con Dân Chúa (2:28 – 4:21)

1. Họ sẽ trở nên giống như Đấng Christ (2:28 – 3:3)

2. Họ không được tiếp tục sống trong tội lỗi (3:4-6)

3. Họ đừng để bị kẻ ác dẫn đi sai lạc (3:7-10)

4. Họ phải yêu lẫn nhau (3:11-24)

5. Họ phải thử các linh (4:1-3)

6. Họ phải thắng thế gian (4:4-6)

7. Họ phải phản ánh vinh quang của Đức Chúa Trời (4:7-21)

IV. Lời Khích Lệ (5:1-21)

1. Tình yêu vâng phục là bằng chứng của đức tin (5:1-5)

2. Chứng cớ về Đấng Christ và sự sống đời đời (5:6-13)

3. Con dân Chúa cầu thay cho nhau và tự giữ mình thánh khiết (5:14-21)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

22/11/2014

Ghi Chú:

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] http://kytanthe.net/?p=110

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.