Chú Giải I Giăng 01:01-04 Lẽ Thật về Ngôi Lời Nhập Thế Làm Người

5,863 views

906201 Chú Giải I Giăng 1:1-4
Lẽ Thật về Ngôi Lời Nhập Thế Làm Người

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTQyOF9udGRmTw

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Giăng 1:1-4

1 Đấng có từ ban đầu, là Đấng chúng tôi đã nghe, Đấng mắt chúng tôi đã thấy, Đấng chúng tôi đã ngắm, và tay chúng tôi đã chạm đến, thuộc về Ngôi Lời của Sự Sống.

2 Vì Sự Sống đã hiện ra, chúng tôi có thấy, và làm chứng cho, và rao truyền cho các anh chị em rằng, Sự Sống Vĩnh Cửu vốn ở cùng Đức Cha, và đã hiện ra cho chúng tôi.

3 Chúng tôi lấy điều chúng tôi đã thấy, đã nghe mà truyền cho các anh chị em, để cho các anh chị em cũng được giao thông với chúng tôi. Mà sự giao thông của chúng tôi là với Đức Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ.

4 Chúng tôi viết những điều này, để cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.

Trong bốn sách Tin Lành, sách Tin Lành được viết bởi Sứ Đồ Giăng, còn gọi là “Tin Lành Theo Giăng”, hay ngắn gọn hơn: “Tin Lành Giăng”, là sách Tin Lành duy nhất mở đầu cho sự trình bày Tin Lành bằng lời khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus Christ:

Giăng 1:1-4; 14

1 Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. [Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “ban đầu” có nghĩa là nguyên thủy hoặc nguồn gốc; được dùng ở đây hàm ý từ trước vô cùng. Động từ “có” và “là” trong các câu 1, 2, 4 ở trong thời quá khứ chưa hoàn thành, chỉ về sự việc đã xảy ra và vẫn cứ xảy ra, nên chúng tôi dịch là “hằng có”, “hằng là”.]

2 Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời.

3 Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.

4 Trong Ngài, hằng có sự sống. Sự sống hằng là sự sáng của loài người.

14 Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.

Trong khi thân thể xác thịt mang tên Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, thì thân thể thiêng liêng của Ngài, tức tâm thần, chính là thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa, và Ngài chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, một trong ba thân vị của Thiên Chúa, cùng một lúc tự có và có mãi mãi với Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh.

Những kẻ bác bỏ lẽ thật Ngôi Lời là Thiên Chúa đã dịch Giăng 1:1 như sau: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời là thần.” Dịch như vậy dẫn đến ý tưởng: Ban đầu có Đức Chúa Trời và có một thần khác, ở bên cạnh Đức Chúa Trời, dẫn đến kết luận đương nhiên nghịch Thánh Kinh là: Có hai Thiên Chúa.

Trong thực tế, danh từ “thê-ốt” [1] trong Thánh Kinh Tân Ước được phiên dịch như sau:

  • Khi không có mạo từ xác định thì (1) dịch là Thiên Chúa để chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa hoặc những sự thuộc về Thiên Chúa; (2) dịch là thần để chỉ về các tà thần và các giả thần (thần không có thật), như trong Công Vụ Các Sứ Đồ 7:40; 12:22; 14:11; 17:23; 19:26; 28:6; I Cô-rinh-tô 8:5.

  • Khi có mạo từ xác định thì (1) dịch là Đức Chúa Trời, để chỉ về Ngôi Thứ Nhất trong Ba Ngôi Thiên Chúa; (2) hoặc để chỉ về một Đức Chúa Trời của ngoại giáo, mà dân I-sơ-ra-ên bắt chước dân ngoại giáo thờ phượng (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:43); (3) hoặc để chỉ về Sa-tan đang cầm quyền trên thế gian, mà Thánh Kinh gọi là “Đức Chúa Trời của đời này” (II Cô-rinh-tô 4:4). Trong hai trường hợp duy nhất được dùng để gọi Sa-tan hay tà thần “Rom-phan”, thì có kèm theo các thuộc từ “của đời này” để chỉ rõ Sa-tan, và tên riêng “Rom-phan” để chỉ rõ tà thần.

Sự dịch danh từ “thê-ốt” trong Giăng 1:1 thành “thần” là một sự dịch ngang, bất chấp văn phạm và văn mạch, mà không một nhà ngôn ngữ học nào chấp nhận.

Chúng ta phải chú ý đến câu mở đầu mạnh mẽ ấy của sách Tin Lành Giăng. Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời, hoàn toàn khác với: “Ban đầu Ngôi Lời được sinh ra” hoặc: “Ban đầu Ngôi Lời được tạo thành!”

Điều lạ lùng, mầu nhiệm của Thánh Kinh, là cùng một người ghi chép, cùng một câu mở đầu, I Giăng 1:1 lại khẳng định thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, như Giăng 1:1:

1 Đấng có từ ban đầu, là Đấng chúng tôi đã nghe, Đấng mắt chúng tôi đã thấy, Đấng chúng tôi đã ngắm, và tay chúng tôi đã chạm đến, thuộc về Ngôi Lời của Sự Sống.

Chúng ta hãy chú ý đến hai câu quan trọng này:

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời.

“Đấng có từ ban đầu”.

Ngôi Lời được gọi là Ngôi Lời của Sự Sống, vì chính mình Ngài là Sự Sống. Chính Ngài phán: “Ta là Sự Sống!” (Giăng 11:25; 14:6).

Các điều Giăng công bố trong I Giăng 1:1 là:

  • Ngôi Lời của Sự Sống là Đấng có từ ban đầu. Nói cách khác, ban đầu hằng có Ngôi Lời.

  • Giăng và các bạn của ông đã nghe, đã thấy, đã ngắm, và đã sờ chạm Ngôi Lời của Sự Sống, khi Ngôi Lời của Sự Sống hiện ra trong xác thịt loài người.

“Đấng có từ ban đầu” chính là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Một thân vị của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là thân vị Ngôi Lời đã hiện ra trong xác thịt loài người để loài người có thể nghe, thấy, ngắm nhìn, và sờ chạm Ngài.

Thiên Chúa hiện ra trong xác thịt loài người để rao truyền Tin Lành và thi hành sự cứu rỗi loài người, để sẽ cai trị đời đời Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Xác thịt loài người của Thiên Chúa tên là Jesus với danh xưng của chức vụ là Christ!

Từ ngữ “chúng tôi” được Giăng dùng ở đây là gọi chung những người đã trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ, trước khi Ngài thăng thiên.

Lời công bố của Giăng phủ nhận lý luận của phái Tri Thức Luận, là lý luận cho rằng thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ là không có thật, hoặc Thiên Chúa nhập vào thân thể xác thịt của một người tên là Jesus chứ không phải chính Thiên Chúa hiện ra trong hình thể của loài người, hoặc Jesus là một con người giác ngộ được Tri Thức Luận nên trở thành Thiên Chúa.

Chúng ta thấy Sa-tan rất là quỷ quyệt. Trong cùng một tà giáo nó đưa ra ba lý luận mâu thuẫn với nhau để bác bỏ lẽ thật: Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người! Như vậy, để cho ai muốn tin nhận lý luận nào thì tin, miễn là lý luận ấy bác bỏ lẽ thật của Thánh Kinh. Tin nhận lý luận nào trong ba lý luận trên đây của phái Tri Thức Luận thì cũng được xem là đã thông đạt tri thức của sự cứu rỗi. Thời ấy, trong Hội Thánh tại Thi-a-ti-rơ có nhiều người đã xưng nhận mình có sự tri thức ấy, mà Chúa gọi là “bề sâu của Sa-tan!” (Khải Huyền 2:24).

Thời nay, có một số người Việt Nam xưng mình là con dân Chúa nhưng tích cực bác bỏ lẽ thật: Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người! Đồng thời bác bỏ luôn thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh. Họ ngang nhiên tuyên bố, tin như họ mới được sự cứu rỗi! Đau buồn thay! Lời dối trá, lường gạt của Sa-tan từ gần hai ngàn năm qua vẫn cứ được một số người trong Hội Thánh, vì kiêu ngạo, muốn tự lập làm thầy mà sập bẫy Sa-tan. Họ đã tin nhận và rao giảng tà giáo, để rồi tự chuốc lấy sự hư mất cho chính mình, và dẫn thêm nhiều người khác rơi vào hố sâu của sự hư mất! (II Phi-e-rơ 3:16; Ma-thi-ơ 15:14; Lu-ca 6:39).

2 Vì Sự Sống đã hiện ra, chúng tôi có thấy, và làm chứng cho, và rao truyền cho các anh chị em rằng, Sự Sống Vĩnh Cửu vốn ở cùng Đức Cha, và đã hiện ra cho chúng tôi.

Chắc chắn danh xưng “Đấng Sự Sống” chỉ có thể được dùng để gọi Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xưng nhận: Ta là Sự Sống! Đã là Đấng Sự Sống thì không thể được sinh ra hay được tạo dựng; mà chính là nguồn sự sống và nguồn sự sáng tạo của muôn loài. Đấng Sự Sống đã hiện ra không phải trong một hình thể thiêng liêng không thể sờ chạm, mà là, Ngài hiện ra trong xác thịt của loài người. Ngài trở nên một người!

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Giăng và các bạn của ông đã nhìn thấy Ngài, đã làm chứng cho Ngài, và đã bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh mà nhận biết rằng: Ngài là Sự Sống Đời Đời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời là Cha của những ai tin nhận Tin Lành, nhưng Ngài đã hiện ra cho Giăng và các bạn của Giăng.

Sở dĩ Giăng dùng cách nói: “Đã hiện ra cho chúng tôi” là vì ông hàm ý thời gian Ngôi Lời hiện ra trong xác thịt là có giới hạn và chỉ trực tiếp hiện ra cho một số người. Mặc dù Ngôi Lời nhập thế làm người hơn 30 năm, nhưng Giăng và các bạn của ông chỉ nhận biết Ngài là Thiên Chúa hiện ra làm người trong khoảng hơn hai năm của ba kỳ Lễ Vượt Qua! [2].

3 Chúng tôi lấy điều chúng tôi đã thấy, đã nghe mà truyền cho các anh chị em, để cho các anh chị em cũng được giao thông với chúng tôi. Mà sự giao thông của chúng tôi là với Đức Cha và với Con Ngài là Đức Chúa Jesus Christ.

Giăng viết tiếp, ông và các bạn của ông đã truyền lại cho con dân Chúa trong Hội Thánh điều mà ông và các bạn của ông đã thấy, đã nghe từ Đấng Sự Sống Đời Đời. Điều ấy tức là Tin Lành. Hễ ai nghe và tin nhận Tin Lành thì người ấy được thông công với Giăng và các bạn của ông. Mà được thông công với Giăng và các bạn của ông tức là được thông công với Đức Cha và Đức Con, mà Đức Con chính là Đức Chúa Jesus Christ, vì Giăng và các bạn của ông có sự thông công với Đức Cha và Đức Con.

Giăng không gọi đó là sự thông công với Đức Chúa Trời và Ngôi Lời. Bởi vì, sự thông công với Đức Chúa Trời và Ngôi Lời chỉ là sự thông công trong tâm thần về phương diện Đấng Tạo Hóa và loài thọ tạo; còn sự thông công với Đức Cha và Đức Con là sự thông công bao gồm cả tâm thần lẫn thể xác trong mối quan hệ cha con và anh em thuộc linh: Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Jesus Christ là anh cả, mỗi con dân Chúa là con của Đức Chúa Trời và là em của Đức Chúa Jesus Christ.

Sự thông công mà Giăng nói đây, chính là sự thông công trong Hội Thánh, do chính Đức Thánh Linh tác động, để kết nối tất cả con dân Chúa với nhau và với Đức Cha cùng Đức Con.

Thiên Chúa là tình yêu!

Đức Chúa Trời thể hiện tình yêu qua sự ban cho. Ngài yêu loài người, ban ơn cứu rỗi cho loài người, và ban cơ nghiệp của Ngài cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Họ trở nên con trai và con gái của Ngài và Ngài là Cha của họ (II Cô-rinh-tô 6:18). Thánh Kinh gọi họ là những người được sinh ra bởi Đức Chúa Trời (I Giăng 4:7). Kể từ giây phút có người tin nhận Tin Lành và được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Jesus Christ không còn là Con Một nữa (Giăng 3:16), mà Ngài trở thành Con Cả ở giữa nhiều anh em (Rô-ma 8:29).

Ngôi Lời là thể hiện tình yêu qua hành động. Ngài nhập thế làm người để chết chuộc tội cho loài người. Những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài thì được dựng nên mới trong Ngài, giống như Thiên Chúa (II Cô-rinh-tô 5:17; Ê-phê-sô 4:24); và họ được cùng Ngài cai trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 2:12; Khải Huyền 3:21).

Đức Thánh Linh thể hiện tình yêu qua năng lực. Ngài làm cho tình yêu kết quả trong những ai thuộc về Đức Chúa Trời. Kết quả của tình yêu trong loài người là sự sống và hy sinh phục vụ Thiên Chúa. Thánh Kinh gọi những người thuộc về Đức Chúa Trời là Đền Thờ Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19), là những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6).

4 Chúng tôi viết những điều này, để cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.

Được nghe, thấy, nhìn ngắm, sờ chạm Đấng Sự Sống Đời Đời trong xác thịt là một ân phúc và là một sự vui mừng lớn của Giăng và các bạn của ông. Nhưng sự vui mừng ấy sẽ không đầy dẫy cho đến khi ông và các bạn của ông chia sẻ sự nhận biết Đấng Sự Sống Đời Đời với nhiều người khác.

Nói như vậy không có nghĩa là trước khi Giăng viết thư I Giăng thì sự vui mừng của ông không được đầy dẫy. Sự vui mừng của ông đã đầy dẫy từ khi ông bắt đầu rao giảng Tin Lành từ hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng ông tiếp tục giữ cho sự vui mừng đó cứ tràn đầy khi ông tiếp tục rao giảng Tin Lành. Nói cách khác, đối với Giăng và các bạn của ông, nỗi vui mừng về sự được nghe, thấy, nhìn ngắm, sờ chạm, được nhận biết Đấng Sự Sống Đời Đời chỉ đầy dẫy khi ông và họ tiếp tục chia sẻ sự nhận biết ấy cho nhiều người khác.

Ngày nay, chúng ta là những người tiếp nhận Tin Lành không có được ơn phước nghe, thấy, nhìn ngắm, sờ chạm Đấng Sự Sống Đời Đời khi Ngài hiện ra trong xác thịt như Giăng và các bạn của ông. Nhưng chúng ta vẫn nhận biết về Ngài qua sự rao giảng của Giăng và các bạn của ông. Chính sự nhận biết ấy khiến cho chúng ta được thông công với Giăng và các bạn của ông, tức là được thông công với Đức Cha và Đức Con. Trong sự thông công ấy, chúng ta vẫn có được sự vui mừng của sự nhận biết Đấng Sự Sống Đời Đời. Và sự vui mừng ấy sẽ cứ đầy dẫy khi chúng ta tiếp tục chia sẻ sự nhận biết của chúng ta với nhiều người khác.

Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

22/11/2014

Ghi Chú:

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G2316

[2] Giăng 2:13; 6:4; 12:1.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.