Chú Giải I Giăng 02:07-14 Sự Thông Công Trong Hội Thánh Đức Tin của Con Dân Chúa

4,451 views

906204 Chú Giải I Giăng 2:7-14
Sự Thông Công Trong Hội Thánh
Đức Tin của Con Dân Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTQyOF9udGRmTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải I Giăng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-i-giang

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Giăng 2:7-14

7 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi chẳng viết điều răn mới cho các anh chị em, mà là điều răn cũ các anh chị em đã có từ lúc ban đầu. Điều răn cũ là lời mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu.

8 Nhưng, tôi cũng viết cho các anh chị em điều răn mới, là điều chân thật trong Ngài và trong các anh chị em; vì sự tối tăm đã qua rồi, và sự sáng thật đang chiếu sáng.

9 Ai nói mình ở trong sự sáng mà ghét anh chị em cùng Cha của mình, thì đến giờ vẫn còn ở trong sự tối tăm.

10 Ai yêu anh chị em cùng Cha của mình thì ở trong sự sáng, và trong người ấy chẳng có điều gì gây cho vấp phạm.

11 Nhưng ai ghét anh chị em cùng Cha của mình thì ở trong sự tối tăm, bước đi trong sự tối tăm, và không biết mình đi đâu; vì sự tối tăm đã làm mù mắt người ấy.

12 Hỡi các con cái bé nhỏ của ta! Ta viết cho các con, vì những tội lỗi của các con đã được tha, vì danh Ngài.

13 Hỡi các bậc làm cha! Tôi viết cho các ông, vì các ông đã biết Ngài từ lúc ban đầu. Hỡi các thanh niên! Ta viết cho các con, vì các con đã thắng được Ma Quỷ. Hỡi các con cái bé nhỏ của ta! Ta viết cho các con, vì các con đã biết Đức Cha.

14 Hỡi các bậc làm cha! Tôi đã viết cho các ông, vì các ông đã biết Ngài từ lúc ban đầu. Hỡi các thanh niên! Ta đã viết cho các con, vì các con là mạnh mẽ và Lời của Đức Chúa Trời ở lại trong các con, và các con đã thắng được Kẻ Dữ.

Sự thông công, như đã định nghĩa, là sự hiệp một. Sự thông công của Hội Thánh là sự hiệp một trong cùng một đức tin nơi Thiên Chúa, trong cùng một tình yêu của Thiên Chúa, và trong cùng một thánh linh của Thiên Chúa, như Thánh Kinh đã chép:

Vậy, nếu có sự khích lệ trong Đấng Christ, nếu có sự an ủi của tình yêu, nếu có sự thông công của thần trí, nếu có sự đồng cảm và lòng thương xót, thì các anh chị em hãy cùng một tâm tình với nhau, có cùng một tình yêu, cùng một linh hồn của một tâm trí, mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. (Phi-líp 2:1-2).

Sự thông công ấy khiến cho mọi người trong Hội Thánh hiệp một với nhau và hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ, mà Thánh Kinh gọi Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ và Đấng Christ là đầu của thân thể (Ê-phê-sô 1:22-23).

Sự thông công trong Hội Thánh đem lại sự khích lệ cho chúng ta, vì chúng ta biết được những nhu cầu của nhau, những khuyết điểm của nhau để chúng ta cầu thay và nâng đỡ lẫn nhau. Sự thông công trong Hội Thánh đem lại sự an ủi cho chúng ta, khi chúng ta phải đối diện với những nghịch cảnh, hoạn nạn, thử thách… nhưng nhận được sự quan tâm, tiếp trợ, khích lệ của các anh chị em khác. Sự thông công trong Hội Thánh khiến cho tâm thần chúng ta cảm thông lẫn nhau và khiến cho chúng ta thể hiện lòng thương xót với nhau. Nhờ đó, dù Hội Thánh là tập thể bao gồm nhiều người khác nhau về tuổi tác, phái tính, trình độ học thức, địa vị xã hội, tài sản vật chất, dân tộc, và văn hóa… nhưng cùng một ý, cùng một tình yêu, cùng một tâm trí. Lời Chúa dạy rõ về sự hiệp một trong Hội Thánh như sau:

Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus. (Ga-la-ti 3:28).

Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả. (Cô-lô-se 3:11).

Sự thông công trong Hội Thánh chỉ có thể có được khi mỗi người trong Hội Thánh thật sự kính sợ Chúa và yêu lẫn nhau bằng chính tình yêu của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời yêu thương thế gian và ban cho thế gian Con Một của Ngài, trước khi thế gian ăn năn tội và vâng phục Đức Chúa Trời. Vì thế, con dân Chúa không thể nào nói rằng, mình chỉ yêu anh chị em của mình SAU KHI anh chị em của mình xin lỗi mình. Trái lại, nếu chúng ta thật sự yêu như Đức Chúa Trời yêu, thì chúng ta phải sẵn lòng tha thứ cho anh chị em mình, sẵn sàng gánh lấy mọi thiệt hại, sẵn lòng hy sinh, để tạo cơ hội và điều kiện cho anh chị em của mình ăn năn, nhận lỗi. Chỉ sau khi người có tội không chịu ăn năn, thì chúng ta mới đành phải dứt thông công, nhưng chúng ta vẫn yêu thương người ấy, và cầu xin Chúa thương xót, giục lòng người ấy sớm ăn năn, trước khi quá trễ.

I Giăng 2:7-11 dạy rằng, sự thông công trong Hội Thánh đặt nền tảng trên sự con dân Chúa vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, tức là Mười Điều Răn được ban truyền trong Cựu Ước, cùng với sự vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ, được ban truyền trong Tân Ước.

7 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi chẳng viết điều răn mới cho các anh chị em, mà là điều răn cũ các anh chị em đã có từ lúc ban đầu. Điều răn cũ là lời mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu.

Điều răn cũ có từ lúc ban đầu chính là Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Trạng từ “lúc ban đầu” là chỉ về lúc mà con dân Chúa được nghe biết về Đức Chúa Trời, được nghe biết về sự mình là tội nhân.

Vì sao chúng ta là tội nhân? Vì chúng ta vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời!

Lần đầu tiên, bất cứ ai được nghe biết về Tin Lành, cũng được nghe biết rằng, mình phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời, vì mình đã vi phạm các điều răn của Ngài. Các điều răn của Đức Chúa Trời là mười lời phán của Ngài, được chính ngón tay Ngài hai lần chép trên hai bảng đá, và được ghi lại trong Thánh Kinh, Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21, mà chúng ta quen gọi là Mười Điều Răn.

Thánh Kinh gọi đó là điều răn cũ, để phân biệt với điều răn mới, do Đức Chúa Jesus Christ truyền cho Hội Thánh. Chúng ta cần ghi nhớ: Điều răn cũ, tức Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời là mệnh lệnh chung của Đức Chúa Trời ban truyền cho toàn thể nhân loại; nhưng điều răn mới, là mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, thì chỉ ban truyền riêng cho Hội Thánh của Ngài. Điều răn mới là mỗi người trong Hội Thánh phải yêu thương lẫn nhau như Chúa đã yêu mình.

8 Nhưng, tôi cũng viết cho các anh chị em điều răn mới, là điều chân thật trong Ngài và trong các anh chị em; vì sự tối tăm đã qua rồi, và sự sáng thật đang chiếu sáng.

Chỉ sau khi một người nhận mình là tội nhân, vì đã vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, được tái sinh, được nhập vào trong Hội Thánh của Chúa, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, thì người ấy mới có thể vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ. Chỉ sau khi đã từ sự tối tăm dời qua sự sáng láng thì một người mới hiểu và giữ được điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ.

Vì khi đó, tình yêu của Đức Chúa Trời ở trong người ấy, và Đức Thánh Linh giúp cho người ấy nhìn thấy sự vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ, mà người ấy ý thức được Đức Chúa Trời là tình yêu và tình yêu đã được Đức Chúa Jesus Christ thể hiện bằng hành động.

Chỉ khi một người tin nhận tình yêu của Đức Chúa Trời, tin nhận sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy mới biết yêu như Đức Chúa Trời yêu và biết hy sinh như Đức Chúa Jesus Christ đã hy sinh.

Trong thế gian có nhiều người có thể chết thay cho người mình yêu, nhưng ai đã chết thay cho kẻ thù nghịch mình? Chính vì thế mà điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ chỉ dành riêng cho những ai đã thuộc về Chúa:

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, ấy là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy. (Giăng 13:34).

Và chính sự kiện con dân Chúa yêu thương lẫn nhau như Chúa đã yêu thương họ, tha thứ lẫn nhau như Chúa đã tha thứ họ, hy sinh cho nhau, như Chúa đã hy sinh cho họ, khiến cho thế gian nhận biết họ là con dân của Chúa, và cũng là nhận biết quyền năng biến đổi của Tin Lành:

Bởi điều này mọi người sẽ biết rằng, các ngươi là những môn đồ của Ta: Nếu các ngươi có tình yêu trong nhau. (Giăng 13:35).

Đức Chúa Trời là tình yêu. Đức Chúa Trời là sự sáng. Thế nên, sự sáng thật chiếu ra qua con dân Chúa, chính là tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện trong đời sống của họ. Khi con dân Chúa yêu nhau như Chúa đã yêu họ, ấy chính là con dân Chúa chiếu sáng vinh quang của Đức Chúa Trời như lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ:

Sự sáng của các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, để họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời. (Ma-thi-ơ 5:16).

Chỉ có con dân Chúa mới có thể hiểu và vâng giữ điều răn mới; và điều răn mới truyền cho con dân Chúa yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu họ, chứ không phải là yêu tất cả mọi người trong thế gian, như Chúa đã yêu họ.

Chúng ta cần phân biệt rõ hai điều sau đây:

1. Khi Thánh Kinh dùng từ ngữ người lân cận hoặc người khác, thì bao gồm tất cả những ai mà chúng ta gặp được trong cuộc đời này, bao gồm con dân Chúa và những người không tin hoặc chưa tin Chúa. Đối với người lân cận, chúng ta phải yêu họ như yêu chính mình. Tình yêu đó không đòi hỏi chúng ta phải hy sinh sự sống của mình cho họ, mà chỉ đòi hỏi chúng ta tha thứ cho họ, cứu giúp họ, và chia xẻ sự sống của mình với họ. Ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, được ghi lại trong Lu-ca 10:30-37, là một thí dụ điển hình cho sự yêu thương người khác như chính mình.

2. Khi Thánh Kinh dùng từ ngữ anh chị em hay anh em là để chỉ về những người cùng đức tin trong Chúa với chúng ta, cùng thuộc về Chúa, là con dân Chúa. Đối với con dân Chúa, chúng ta phải yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Tức là, chúng ta phải yêu anh chị em trong Chúa hơn là yêu chính bản thân mình. Tình yêu ấy đòi hỏi chúng ta sẵn sàng chết để anh chị em mình được sống. Nên nhớ, Lời Chúa dạy: “Vì bạn hữu mà phó sự sống mình”. Chúa không dạy: “Vì người khác”, hoặc: “Vì người lân cận mà phó sự sống mình”.

Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình. (Giăng 15:13).

Danh từ “bạn hữu” trong câu phán của Chúa không phải chỉ về tình bạn trong thế gian, mà chỉ về tình bạn trong Chúa, theo như văn mạch của Giăng 15:12-15.

Chính vì sự sáng được chiếu ra trong đời sống của con dân Chúa là tình yêu của Đức Chúa Trời trọn vẹn trong họ, khiến cho họ yêu lẫn nhau như Chúa đã yêu họ, mà ngay cả người thế gian không thuộc về Chúa cũng nhận biết con dân Chúa.

9 Ai nói mình ở trong sự sáng mà ghét anh chị em cùng Cha của mình, thì đến giờ vẫn còn ở trong sự tối tăm.

Người nào nói mình ở trong Chúa, tức là nói mình ở trong sự sáng; nhưng nếu người ấy lại ghét người khác trong Hội Thánh, thì người ấy vẫn còn ở trong sự tối tăm, tức là, vẫn còn ở trong tội lỗi, và là một tội rất là nghiêm trọng. Vì chính Thánh Kinh cho biết: Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người. (I Giăng 3:15). Ở trong sự tối tăm còn có nghĩa là ở trong sự chết, ở trong sự hư mất. Động từ “ghét” được dùng ở đây vừa mang nghĩa đen là “không yêu thương” vừa có nghĩa bóng là “yêu kém hơn!” Chúng ta chỉ được phép yêu người khác kém hơn là yêu Chúa, như: yêu cha mẹ, vợ con, anh chị em, tài sản kém hơn yêu Chúa (Lu-ca 14:26); nhưng chúng ta không được yêu người khác kém hơn mình. Riêng đối với anh chị em trong Chúa, chúng ta phải yêu họ hơn là yêu chính mình.

10 Ai yêu anh chị em cùng Cha của mình thì ở trong sự sáng, và trong người ấy chẳng có điều gì gây cho vấp phạm.

Người thật sự ở trong Chúa, tức là ở trong sự sáng, thì hiểu biết tình yêu của Đức Chúa Trời và tình yêu của Đức Chúa Trời được trọn vẹn trong người ấy, khiến cho người ấy tự nhiên yêu như Chúa yêu. Nói cách khác, khi một người thật sự ở trong Chúa thì người ấy được hiệp một với tất cả con dân Chúa, và cùng với tất cả con dân Chúa hiệp một với Chúa. Vì thế, người ấy yêu Chúa và anh chị em của mình trong Chúa hơn là yêu bản thân mình. Vì thế, khi cần, người ấy sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình vì danh Chúa, vì anh chị em trong Hội Thánh. Một người như vậy, thì trong người ấy không có điều gì gây cho người khác vấp phạm. Nghĩa là: người ấy không phạm tội để khiến cho người khác phạm tội theo. Nhưng người khác có thể tự vấp phạm, tức là tự phạm tội, vì không chịu nổi sự thánh khiết, chân thật, và đơn sơ của con dân Chúa.

Các môn đồ của Chúa đã từng vấp phạm, vì sự Chúa chịu để cho bị bắt:

Vào lúc ấy, Đức Chúa Jesus phán với họ: Đêm nay, hết thảy các ngươi sẽ đều vấp phạm vì cớ Ta; như có chép: Ta sẽ đánh người chăn thì chiên trong bầy sẽ bị tan lạc. (Ma-thi-ơ 26:31).

Những người dân của thành Na-xa-rét đã từng vấp phạm, vì lý lịch loài người rất là khiêm nhường của Chúa:

Có phải người là thợ mộc, con trai Ma-ri, anh em với Gia-cơ, Giô-sê, Giu-đe, và Si-môn chăng? Các em gái người chẳng phải ở giữa chúng ta đây sao? Chúng vấp phạm vì cớ Ngài.” (Mác 6:3).

Nếu chúng ta sống đúng theo Lời Chúa: yêu thương, đồng cảm, tha thứ, nhu mì, khiêm nhường, chân thật… mà người khác phạm tội vì chúng ta tốt lành như vậy, thì chúng ta mặc kệ họ, không cần phải quan tâm đến họ.

11 Nhưng ai ghét anh chị em cùng Cha của mình thì ở trong sự tối tăm, bước đi trong sự tối tăm, và không biết mình đi đâu; vì sự tối tăm đã làm mù mắt người ấy.

Người xưng nhận mình là con dân Chúa nhưng lại ghét anh chị em trong Hội Thánh, thì người ấy không thật sự thuộc về Hội Thánh. Và xin ghi nhớ: “Ghét” vừa có nghĩa là “không yêu thương” vừa có nghĩa là “yêu kém hơn yêu chính mình”. Những điều sau đây là dấu hiệu một người ghét anh chị em mình:

1. Không tha thứ.

2. Kỳ thị: phái tính, tuổi tác, địa vị, giai cấp, trình độ trí thức, giàu hoặc nghèo, nghề nghiệp, chủng tộc, địa phương, quá khứ tội lỗi… Không xem anh chị em mình như là tôn trọng hơn mình.

3. Bêu rếu những lầm lỗi của anh chị em mình sau lưng, mà không trực tiếp nói lời góp ý xây dựng với người có lỗi.

4. Cứ nhắc lại những lỗi lầm mà anh chị em mình đã ăn năn.

5. Không cứu giúp.

6. Xem trọng quyền lợi của mình hơn là quyền lợi của anh chị em mình.

Nếu chúng ta phạm vào một trong các điều trên đây, là chúng ta ở trong sự tối tăm và bước đi trong sự tối tăm, tức là, chúng ta sống trong tội mà không biết rằng mình đang đi vào chỗ hư mất. Tội lỗi của lòng tự ái, của lòng kiêu ngạo làm mù mắt thuộc linh của người không yêu anh chị em trong Chúa, hoặc yêu anh chị em trong Chúa kém hơn là yêu chính mình. Nên nhớ, chúng ta phải yêu anh chị em trong Chúa hơn là yêu chính mình, sẵn lòng hy sinh cho họ, như Chúa đã yêu và hy sinh cho chúng ta.

12 Hỡi các con cái bé nhỏ của ta! Ta viết cho các con, vì những tội lỗi của các con đã được tha, vì danh Ngài.

Giăng khẳng định, nội dung của lá thư ông viết là dành riêng cho những người đã được cứu chuộc, những người đã thuộc về Chúa. Tội lỗi chúng ta đã được tha vì danh của Đức Chúa Jesus Christ. Danh của Ngài là JESUS. Ý nghĩa của danh JESUS là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi!” Chính vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi mà loài người phạm tội mới được ban cho sự cứu rỗi. Nhưng chỉ có những ai nhận mình là tội nhân, muốn từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, thì mới được cứu.

Đây chính là đức tin của con dân Chúa. Vì nếu không tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại, bao gồm: sự tha tội, sự làm cho sạch tội, và sự tái sinh, thì loài người không có một sự trông cậy nào cả. Không có đức tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì loài người sẽ tiếp tục ở trong sự nô lệ cho tội lỗi, ở trong sự gánh chịu hậu quả của tội lỗi, và sẽ bị hư mất đời đời.

13 Hỡi các bậc làm cha! Tôi viết cho các ông, vì các ông đã biết Ngài từ lúc ban đầu. Hỡi các thanh niên! Ta viết cho các con, vì các con đã thắng được Ma Quỷ. Hỡi các con cái bé nhỏ của ta! Ta viết cho các con, vì các con đã biết Đức Cha.

14 Hỡi các bậc làm cha! Tôi đã viết cho các ông, vì các ông đã biết Ngài từ lúc ban đầu. Hỡi các thanh niên! Ta đã viết cho các con, vì các con là mạnh mẽ và Lời của Đức Chúa Trời ở lại trong các con, và các con đã thắng được Kẻ Dữ.

Giăng nói với các bậc lớn tuổi trong Hội Thánh, là những người đứng đầu trong các gia đình, rằng ông viết thư này cho họ vì họ đã biết Chúa từ khi họ tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, bước vào sự thông công với Hội Thánh và với Chúa.

Giăng nói với các thanh niên trong Hội Thánh, rằng ông viết thư này cho họ, vì họ đang kinh nghiệm quyền năng của Đức Chúa Jesus Christ trong đời sống họ, khiến họ thắng được mọi cám dỗ và bách hại đến từ Ma Quỷ.

Giăng nói chung với mọi người trong Hội Thánh, rằng ông viết thư này cho họ, vì họ nhận biết Đức Chúa Trời là Cha và họ thuộc về Ngài.

Mỗi lứa tuổi có những kinh nghiệm khác nhau trong sự giao thông và thông công với Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nội dung của lá thư Giăng viết, được áp dụng chung cho mỗi thành viên trong Hội Thánh.

Chúng ta thấy nội dung của câu 14 lặp lại các điều Giăng đã nói trong câu 13. Có lẽ, một số người nghĩ rằng, vì Giăng đã lớn tuổi nên ông lẩm cẩm, lặp đi lặp lại điều đã nói hay đã viết. Tuy nhiên, lá thư này của Giăng được sự thần cảm của Đức Thánh Linh để trở thành Lời của Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta phải hiểu rằng, sự lặp lại của Giăng là sự Đức Thánh Linh muốn nhấn mạnh đến lẽ thật được trình bày trong câu 13. Chúng ta cũng nhận thấy, câu 14 giải thích thêm rằng: Các thanh niên trong Hội Thánh thắng được Ma Quỷ là nhờ biết dùng gươm của Đấng Thần Linh, là Lời của Đức Chúa Trời.

Mỗi con dân Chúa cần phải giữ vững lẽ thật về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài, như đã được nghe giảng dạy từ lúc ban đầu, y theo Lời của Thánh Kinh. Sau khi đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì hãy tiếp tục nuôi dưỡng đức tin bằng Lời của Chúa, đừng chấp nhận các tà thuyết bẻ cong Lời Chúa hoặc nghịch lại Lời Chúa hoặc không có trong Lời Chúa.

Nhiều người hiểu và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đúng theo sự trình bày của Thánh Kinh; nhưng sau đó, lại bị các giáo sư giả gieo rắc các tà thuyết, làm cho họ tin theo, mà không hề đối chiếu những sự giảng dạy đó với Thánh Kinh. Để rồi bị các giáo sư giả dẫn dụ làm ra những việc nghịch lại Thánh Kinh, thờ phượng Chúa không đúng với lẽ thật.

Mỗi con dân Chúa phải dùng Lời Chúa làm vũ khí chống lại mọi mưu kế của Ma Quỷ, nhất là mưu kế dùng các tà thuyết để dẫn dắt con dân Chúa đi xa lẽ thật của Lời Chúa. Khi Lời của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, thì chúng ta có sức mạnh và vũ khí thuộc linh để chiến thắng Ma Quỷ. Để có được Lời Chúa trong chúng ta, chúng ta phải đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo mọi điều đã được ban truyền bởi Lời Chúa (Giô-suê 1:8). Nên nhớ là làm theo mọi điều một cách cẩn thận. Không phải chỉ làm theo một số điều nào đó; và cũng không phải làm một cách hời hợt, tắc trách, mà là, phải thật cẩn thận và hết lòng trong khi làm; vì là chúng ta làm theo Lời Chúa, làm cho Chúa, và làm trong danh Chúa. Có như vậy, chúng ta mới luôn luôn chiến thắng.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/12/
2014

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.