906001 Chú Giải I Phi-e-rơ 01:01-02 Một Lẽ Thật về Vương Quốc Trời

5,234 views


YouTube: https://youtu.be/Tu1DqG6I3h8

906001 Chú Giải I Phi-e-rơ 1:1-2
Một Lẽ Thật về Vương Quốc Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Bấm vào nút “play” ► để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Phi-e-rơ 1:1-2

1 Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, gửi cho những người kiều ngụ rải rác tại: Bông, Ga-la-ti, Cáp-ba-đốc, A-si, và Bi-thi-ni, là những người được chọn

2 theo sự biết trước của Thiên Phụ, thông qua sự nên thánh bởi thần quyền, để vâng phục Đức Chúa Jesus Christ và có phần trong sự rảy máu của Ngài. Nguyện xin ân điển và bình an thêm lên cho các anh chị em! [Thần quyền = quyền năng của Đức Thánh Linh.]

Trong hai câu đầu tiên mở đầu thư I Phi-e-rơ, Đức Thánh Linh đã dùng ngòi bút của Phi-e-rơ để ghi lại một lẽ thật căn bản về Vương Quốc Trời. Đó là:

1. Đức Chúa Cha, theo sự biết trước của Ngài, chọn ra một số người trong toàn thể loài người để thiết lập chính quyền của Vương Quốc Trời.

2. Đức Thánh Linh thánh hóa những người được chọn để họ trở nên giống như Đức Chúa Trời, được làm con của Đức Chúa Trời, và được biệt riêng để làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ.

3. Đức Chúa Jesus Christ đứng đầu những người được chọn để họ cùng Ngài cai trị Vương Quốc Trời cho đến đời đời.

Dựa vào lời tự xưng mở đầu trong câu 1 mà chúng ta biết người viết là Sứ Đồ Phi-e-rơ, một trong hai người đầu tiên được Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi làm sứ đồ của Ngài (Ma-thi-ơ 4:18). Thư I Phi-e-rơ được viết cho con dân Chúa bao gồm những người I-sơ-ra-ên cùng thời với ông, bị tan lạc và sống tha hương trong các thành phố thuộc vùng Tiểu Á của đế quốc La-mã, cùng những người dân ngoại tin nhận Chúa qua công tác truyền giáo của Phao-lô và Ba-na-ba cùng với công tác truyền giáo của các Hội Thánh địa phương. Phần lớn những người này thuộc số khoảng 3.000 người tin nhận Chúa khi họ về Giê-ru-sa-lem tham dự kỳ Lễ Vượt Qua vào năm 27, được chứng kiến Đức Thánh Linh ban ân tứ nói ngoại ngữ cho Hội Thánh và được nghe Phi-e-rơ giảng, như đã ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2.

Phi-e-rơ gọi họ là những người được chọn theo sự biết trước của Thiên Phụ. Danh từ “Thiên Phụ” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là “Cha Trời” (Thiên = Trời. Phụ = cha). Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “theo sự biết trước của Thiên Chúa Cha” (θεου πατρος).

Chúng ta cần ôn lại về thực thể và thân vị ở đây. Thực thể là bất cứ một thể có thật nào. Thân vị là thực thể biết cảm xúc, biết suy nghĩ, và biết quyết định. Thiên Chúa là một thực thể có ba thân vị cùng chung bản thể Thiên Chúa. Loài người là một thực thể có nhiều thân vị cùng chung bản thể của A-đam. Mỗi thiên sứ là một thực thể chỉ có một thân vị.

Thánh Kinh cho chúng ta biết: Chỉ có một thực thể Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị:

  • Thiên Chúa Đức Cha, còn gọi là Đức Chúa Trời.
  • Thiên Chúa Đức Con, còn gọi là Đức Chúa Jesus.
  • Thiên Chúa Đức Thánh Linh, còn gọi là Đấng Thần Linh hoặc Đức Thánh Linh.

Ba thân vị Thiên Chúa bình đẳng, bình quyền, và cùng nhau làm việc (đồng công) trên mọi phương diện. Nghĩa là: Thiên Chúa Đức Cha, Thiên Chúa Đức Con, Thiên Chúa Đức Thánh Linh cùng một bản thể; cùng tự có và có mãi mãi; cùng toàn năng, toàn tại, toàn tri, toàn ái, toàn chính, toàn thánh, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ (làm được mọi sự, có mặt khắp nơi, mọi lúc, biết hết mọi sự, yêu thương trọn vẹn, công chính trọn vẹn, thánh khiết trọn vẹn, chân thật trọn vẹn, tốt lành trọn vẹn, đẹp đẽ trọn vẹn); cùng sáng tạo nên các tầng trời và đất; cùng cứu chuộc loài người tội lỗi; và cùng thiết lập Vương Quốc Trời.

Trong sự thiết lập Vương Quốc Trời, chúng ta thấy có sự phân công giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Đức Chúa Cha chọn ra một số người theo sự biết trước của Ngài. Có nghĩa là, Đức Chúa Cha biết trước những người nào sẽ hết lòng tin cậy và vâng phục Thiên Chúa, và Ngài chọn những người ấy làm một dòng dõi thánh giữa loài người. Trong sự chọn của Đức Chúa Cha, Ngài kêu gọi toàn thế gian đến với vương quốc của Ngài, mặc dù Ngài biết trước sẽ có những người không đáp lại lời kêu gọi của Ngài, hoặc đáp lại nhưng không vâng theo mệnh lệnh của Ngài. Những người như vậy, cuối cùng sẽ bị bỏ, nhưng họ sẽ không có cớ để than trách là Đức Chúa Trời không ban cho họ cơ hội. Ngụ ngôn về việc gieo giống trong Ma-thi-ơ 13:3-23 và ngụ ngôn về tiệc cưới trong Ma-thi-ơ 22:1-14 giúp cho chúng ta hiểu rõ điều này: Sự chọn của Đức Chúa Trời tùy thuộc vào sự chọn của mỗi một chúng ta mà Ngài đã biết trước.

Có một điều quan trọng chúng ta cần phải ghi nhớ, đó là: Nếu không có quyền tự do lựa chọn thì không thể nào loài người giống như Thiên Chúa. Thánh Kinh xác nhận ngay từ trang đầu tiên là Thiên Chúa dựng nên loài người giống như Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 1:26-27). Vì thế, loài người được hoàn toàn tự do lựa chọn, tự do quyết định: chọn Thiên Chúa và quyết định tin cậy, vâng phục Ngài hoặc chối bỏ Thiên Chúa và sống theo ý riêng. Hơn ba ngàn năm sau đó, qua Tiên Tri Ma-la-chi, Thiên Chúa đã nói rõ mục đích đời đời của sự Thiên Chúa dựng nên loài người là để tìm một dòng dõi thánh:

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh…” (Ma-la-chi 2:15).

Sau khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại để thiết lập một dòng dõi thánh, thì Thánh Kinh xác nhận loài người là con của Đức Chúa Trời:

“…A-đam, thuộc về Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 3:38).

Vì A-đam là con của Đức Chúa Trời nên toàn thể loài người ra từ A-đam cũng đều là con của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, toàn thể loài người cũng cùng chết với A-đam khi A-đam phạm tội. Chỉ có dòng dõi thánh từ trong loài người mới được sống lại trong Đức Chúa Jesus Christ. Ngài là Con trọn vẹn của Đức Chúa Trời, không hề phạm tội, và là A-đam Sau Cùng:

“Vậy nên, như bởi lỗi lầm của một người mà án phạt đến trên mọi người thế nào, thì bởi việc làm công chính của một người cho mọi người mà sự xưng công chính của sự sống cũng đến trên mọi người thế ấy.” (Rô-ma 5:18).

“Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại.” (I Cô-rinh-tô 15:22).

“Vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhất là A-đam đã là một linh hồn sống. A-đam Sau Cùng là Thần Ban Sự Sống. [Sáng Thế Ký 2:7]” (I Cô-rinh-tô 15:45).

Dòng dõi thánh bao gồm tất cả những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự tha tội của Đức Chúa Trời. Thật lòng ăn năn tội là nhận rằng mình có tội, tức là nhận rằng mình đã không thờ phượng Thiên Chúa, không sống đúng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa đã được Ngài đặt để trong tâm trí của mỗi người và chép thành chữ trong Thánh Kinh. Trong thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước, lòng tin vào sự tha tội của Đức Chúa Trời được thể hiện qua của lễ thiêu chuộc tội. Trong thời Tân Ước, lòng tin vào sự tha tội của Đức Chúa Trời thể hiện qua sự tin vào cái chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá.

Chính Đức Chúa Cha làm công việc kêu gọi và chọn những người Ngài biết trước họ sẽ đáp lại lời kêu gọi của Ngài:

“Không ai có thể đến với Ta, ngoại trừ Cha, Đấng đã sai Ta, kéo người đến. Ta sẽ làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.” (Giăng 6:44).

Dù vậy, có nhiều người được gọi nhưng ít người được chọn:

“Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 22:14).

Bởi vì đáp lại lời kêu gọi chưa đủ mà người được gọi còn phải tự mình quyết định hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, đến nỗi, không còn sống cho mình mà hoàn toàn sống cho Thiên Chúa:

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Mục đích của sự Đấng Christ đã chết, đã sống lại, và sống là để Ngài làm Chúa những kẻ chết lẫn những người sống.” (Rô-ma 14:7-9).

Mà để có thể sống cho Chúa và chết cho Chúa thì chúng ta phải hết lòng tin cậy và đáp lại lời kêu gọi này của Chúa:

Ma-thi-ơ 10:28-39

28 Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.

29 Không phải hai con chim sẻ bị bán với giá một đồng xu sao? Nhưng không một con nào trong chúng rơi xuống đất mà không bởi ý của Cha các ngươi.

30 Tóc trên đầu các ngươi cũng đã được đếm hết rồi.

31 Vậy, các ngươi đừng sợ, các ngươi có giá trị hơn nhiều con chim sẻ.

32 Vậy nên, bất cứ ai sẽ xưng nhận trong Ta trước loài người, Ta cũng sẽ xưng nhận trong người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên trời.

33 Nhưng hễ ai sẽ chối Ta trước loài người, Ta cũng sẽ chối người ấy trước Cha Ta, Đấng ở trên trời.

34 Đừng tưởng rằng, Ta đến để ban sự bình an trên đất. Ta đến, không phải ban sự bình an mà là gươm.

35 Vì Ta đến để phân rẽ: Một người nghịch lại cha mình, con gái nghịch lại mẹ mình, con dâu nghịch lại mẹ chồng mình.

36 Và những kẻ thù nghịch của một người sẽ là những người nhà mình.

37 Ai yêu cha hay mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta. Ai yêu con trai hay con gái hơn Ta thì không đáng cho Ta.

38 Ai không vác thập tự giá của mình mà theo sau Ta, thì không đáng cho Ta.

39 Ai tìm sự sống của mình sẽ mất nó. Ai vì cớ Ta mất sự sống của mình sẽ tìm được nó.

Mặc dù Đức Chúa Cha theo sự biết trước chọn một số người để làm dòng dõi thánh, cai trị cơ nghiệp của Ngài, nhưng không phải những người được chọn có phẩm chất hay công đức nào vượt trội hơn những người không được chọn. Mà chỉ vì những người được chọn hết lòng chọn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Trước đó, họ có thể còn xấu xa, gian ác hơn nhiều người khác. Đức Chúa Trời không dùng bất cứ sự gì thuộc về con người cũ của chúng ta. Ngài làm mới lại mọi sự. Lời Chúa chép rõ:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới. Nhưng mọi sự bởi Đức Chúa Trời…” (II Cô-rinh-tô 5:17-18).

Vì thế, chúng ta thấy rõ là không bởi phẩm chất hay công đức riêng mà chỉ bởi lòng ăn năn tội và đức tin mà chúng ta được Đức Chúa Trời chọn. Chúng ta được Chúa chọn vì chúng ta chọn Chúa.

Có một tư tưởng Thần học dạy rằng: Không phải chúng ta chọn Chúa mà là Chúa chọn chúng ta. Câu ấy chỉ có nghĩa tuyệt đối khi nói đến thẩm quyền của Thiên Chúa trong sự Thiên Chúa chọn chúng ta. Bởi vì, cho dù chúng ta hết lòng chọn Thiên Chúa thì Ngài vẫn có toàn quyền không chọn chúng ta mà không vi phạm sự công chính của Ngài. Vì thế, sự Chúa chọn chúng ta là ân điển, tức là ơn thương xót ban cho những ai không đáng được thương xót. Khi nói đến tiến trình Thiên Chúa chọn chúng ta thì chúng ta được Chúa chọn vì chúng ta chọn Chúa.

Đức Thánh Linh thánh hóa những người được chọn. Danh từ “thần quyền” trong nguyên ngữ Hy-lạp là danh từ “níu-ma” G4151 không có mạo từ xác định đứng trước, nên không chỉ về thân vị Thiên Chúa Đức Thánh Linh, mà chỉ về năng lực của Ngài. Đức Thánh Linh đã dùng thần quyền để thánh hóa những người được chọn.

Sự thánh hóa bởi Đức Thánh Linh nếu dùng theo nghĩa tổng quát thì bao gồm: sự xưng nghĩa, sự tái sinh, và sự thánh hóa. Bởi vì “thánh” khi dùng cho loài thọ tạo có nghĩa là được biệt riêng ra cho Thiên Chúa.

Một con người đang chết trong tội lỗi, muốn được biệt riêng ra cho Thiên Chúa thì trước hết, phải giải quyết trách nhiệm của người ấy đối với tội lỗi. Đức Chúa Trời đã ban cho loài người một sinh tế chuộc tội có công hiệu đời đời, là mạng sống của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, hễ ai thật lòng ăn năn tức là nhận mình có tội và chịu từ bỏ tội, thì được hưởng sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Liền khi một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì Đức Thánh Linh thực hiện bước thứ nhất trong sự thánh hóa người ấy, là dùng máu của Đức Chúa Jesus Christ để rửa sạch mọi tội lỗi của người ấy, khiến cho người ấy được xưng là công chính hoặc công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời, tức là người không còn trách nhiệm về tội lỗi. Bước thánh hóa thứ nhất này thường được gọi là sự xưng nghĩa.

Bước kế tiếp của sự thánh hóa là sự tái sinh, nghĩa là dựng nên mới người được xưng nghĩa trong Đức Chúa Jesus Christ. Người được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ là người nhận lãnh hơi thở sống của Đức Chúa Jesus Christ. Nhờ nhận lãnh hơi thở sống của Đức Chúa Jesus Christ, còn gọi là thánh linh, mà một người trở nên giống như Đức Chúa Jesus Christ.

Chúng ta so sánh hai câu Thánh Kinh sau đây để hiểu về sự tâm thần của loài người được sáng tạo trong ngày Thiên Chúa sáng tạo loài người và tâm thần của loài người được tái sinh trong ngày người ấy được tái sinh:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

“Khi Ngài phán điều đó rồi, thì thổi hơi trên môn đồ và phán với họ: Hãy nhận thánh linh.” (Giăng 20:22).

Hai bước trên đây chỉ xảy ra một lần.

Bước thứ ba của sự thánh hóa là sự liên tục mỗi ngày khiến cho con dân Chúa trở nên càng giống Chúa hơn qua sự dùng Lời Chúa và sự ban năng lực của Thiên Chúa. Đức Thánh Linh dùng Lời Chúa để dẫn dắt con dân Chúa vào trong mọi lẽ thật, giúp họ hiểu biết rõ ràng thánh ý của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh ban năng lực của Thiên Chúa, còn gọi là thánh linh, để giúp con dân Chúa thắng được mọi cám dỗ, vượt qua mọi thử thách, và làm được mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ (Ê-phê-sô 2:10). Sự thánh hóa này còn lại mãi mãi.

Bước thứ tư của sự thánh hóa là sự biến hóa thân thể đang sống hoặc phục sinh thân thể đã chết của con dân Chúa trong ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian và trong ngày Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất để mở ra Vương Quốc Ngàn Năm.

Tất cả đều bởi thần quyền của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh, để giúp cho những người được chọn có thể vâng phục Đức Chúa Jesus Christ và được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ.

Câu: “có phần trong sự rảy máu của Ngài”, hàm ý, được sống lại, được sống đời đời, và được đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ. Vì bởi sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá mà những người được chọn mới được tha tội, được sạch tội, được phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời, và được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Con đứng đầu những người được chọn trong công việc cai trị Vương Quốc Trời. Với tước hiệu: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16), Đức Chúa Jesus Christ đứng đầu những người được chọn, để thiết lập một chính quyền cai trị Vương Quốc Trời.

Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh (Ê-phê-sô 1:22; 5:23; Cô-lô-se 1:18) và Hội Thánh đồng cai trị với Ngài:

“Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus…” (Ê-phê-sô 2:6).

“Nếu chúng ta kiên trì thì chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Nếu chúng ta chối bỏ Ngài thì Ngài cũng sẽ chối bỏ chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12).

Sự cai trị này được bắt đầu với Vương Quốc Ngàn Năm sau Kỳ Tận Thế và còn lại đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của trời mới đất mới.

Chúng ta có thể thấy rằng, trong chương trình thiết lập Vương Quốc Trời có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thiết lập chính quyền, tức là giai đoạn tuyển chọn những người sẽ cùng Đức Chúa Jesus Christ cai trị vương quốc. Giai đoạn ấy bắt đầu từ khi sáng thế cho đến khi tận thế. Giai đoạn thứ nhì là tuyển chọn công dân cho vương quốc. Giai đoạn ấy kéo dài trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Giai đoạn thứ ba là thiết lập và phát triển vương quốc trong suốt một ngàn năm. Khi giai đoạn thứ ba kết thúc, thì Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt trời cũ đất cũ, phán xét mọi tội nhân không tin nhận Thiên Chúa, tái tạo trời mới đất mới cho Vương Quốc Đời Đời của Ngài.

Cuối I Phi-e-rơ 1:2 là lời chúc phước cho những người được chọn: “Nguyện xin ân điển và bình an thêm lên cho các anh chị em!” Là con dân Chúa, đương nhiên đã có ân điển và bình an. Nhưng Thiên Chúa là Đấng vô hạn, vì thế, ân điển và bình an từ Thiên Chúa cũng vô hạn. Chính vì thế mà con dân Chúa có thể cứ nhận càng hơn ân điển và bình an từ Thiên Chúa.

Cảm tạ Chúa. Mặc dù thư I Phi-e-rơ được Sứ Đồ Phi-e-rơ viết cho một số con dân Chúa cùng thời với ông, nhưng Đức Thánh Linh đã ban truyền nội dung của thư này cho cả Hội Thánh, vì thế, toàn bộ nội dung của thư tín này cũng chính là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho mỗi một chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy đón nhận nội dung của thư I Phi-e-rơ với lòng biết ơn Chúa và xin Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu thấu những điều sâu nhiệm trong thư này. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
25/07/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.