Chú Giải I Phi-e-rơ 01:13-17 Phải Nên Thánh để Không Mất Sự Cứu Rỗi

5,283 views


YouTube: https://youtu.be/ldXJse6CupI

906004 Chú Giải I Phi-e-rơ 1:13-17
Phải Nên Thánh để Không Mất Sự Cứu Rỗi

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNTQ1MTkwOF9VSWNacw

Hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-phi-e-ro-i-ii

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNTQ1MTkxMl9EVml3Uw

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Phi-e-rơ 1:13-17

13 Vậy, các anh chị em hãy thắt lưng cho tâm trí mình [nghĩa bóng: hãy sẵn sàng trong tâm trí], hãy tỉnh thức, và trông cậy cho đến cuối cùng về ơn sẽ ban cho mình vào lúc Đức Chúa Jesus Christ hiện ra.

14 Các anh chị em như con cái biết vâng lời, đừng buông mình theo sự tham muốn cũ trong sự vô tri của các anh chị em.

15 Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em là thánh, thì các anh chị em cũng phải nên thánh trong mọi cách ăn ở;

16 bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh! [Lê-vi Ký 11:44-45; 19:2; 20:7, 26.]

17 Nếu các anh chị em kêu cầu Cha, là Đấng không tư vị, phán xét từng người theo việc họ làm, thì hãy ăn ở cách kính sợ trong thời kỳ kiều ngụ của các anh chị em. [Thời gian các anh chị em còn sống trên đất.]

Có lẽ tà giáo làm hư mất nhiều linh hồn nhất trong thế kỷ 20 và 21 là tà giáo dạy rằng: “Được cứu một lần là được cứu vĩnh viễn!” Tà giáo này được giảng dạy trong hầu hết các giáo phái lớn trong Cơ-đốc Giáo. Điểm sai lầm chính mà tà giáo này giảng dạy là: Người đã được cứu thì không bao giờ bị hư mất trở lại, cho dù người ấy có tiếp tục sống trong tội. Tín đồ sống trong tội chỉ bị mất phần thưởng chứ không bị mất sự cứu rỗi.

Tuy nhiên, chúng ta biết rất rõ: Một người được cứu trước hết là bởi người ấy thật lòng ăn năn tội. Mà ăn năn tội có nghĩa là hổ thẹn và đau lòng về sự phạm tội của mình, không muốn tiếp tục phạm tội nữa. Nếu một người vẫn vui thú sống trong tội thì sao gọi là ăn năn? Trong Thánh Kinh, từ ngữ “ăn năn” có nghĩa là quay trở lại. Quay trở lại là quay trở lại với Thiên Chúa, với tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa, để được Thiên Chúa phục hồi bản tính thánh khiết ban đầu khi loài người vừa được Thiên Chúa dựng nên.

Nếu một người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời rồi mà vẫn tiếp tục sống trong tội, thì có khác gì người ấy muốn dùng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời làm giấy phép để phạm tội, nghĩa là người ấy muốn phạm tội mà không muốn bị hình phạt?

Vì Thiên Chúa là thánh khiết nên Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Vì Thiên Chúa là công chính nên Ngài phải hình phạt tội lỗi. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người, gánh thay hình phạt của tội lỗi cho loài người. Vậy, lẽ nào Thiên Chúa cứu một người rồi lại để cho người ấy cứ sống trong tội? Nếu người ấy cứ sống trong tội thì sao gọi là được cứu? Vì được cứu không có nghĩa là chỉ được cứu ra khỏi hậu quả của tội lỗi, mà còn là được cứu ra khỏi quyền lực của tội lỗi và được ban cho năng lực từ Thiên Chúa, để có thể sống thánh khiết theo ý muốn của Thiên Chúa.

Nếu một người đã tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà còn quay về sống trong tội thì chắc chắn người ấy sẽ bị hư mất đời đời trong hỏa ngục. Thánh Kinh chép rõ:

Hê-bơ-rơ 10:26-29

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước mà bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu huỳnh. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Trong I Phi-e-rơ 1:13-25, Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ đã dạy cho Hội Thánh một lẽ thật quan trọng; đó là: Con dân Chúa phải tỉnh thức, sống thánh khiết theo Lời Chúa, chờ ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại, để ban sự cứu rỗi cho mình.

13 Vậy, các anh chị em hãy thắt lưng cho tâm trí mình [nghĩa bóng: hãy sẵn sàng trong tâm trí], hãy tỉnh thức, và trông cậy cho đến cuối cùng về ơn sẽ ban cho mình vào lúc Đức Chúa Jesus Christ hiện ra.

Sẵn sàng! Tỉnh thức! Trông cậy cho đến cuối cùng!

Đó là khẩu hiệu sống mỗi ngày do Đức Thánh Linh phán truyền cho con dân Chúa.

Sẵn sàng: Hành động thắt lưng gợi lên hình ảnh của một người lính mang áo giáp và vũ khí, nai nịt gọn gàng trước khi ra trận. Thành ngữ “Hãy thắt lưng cho tâm trí mình”, nói đến tinh thần sẵn sàng cho mọi sự, trong mọi lúc. Tinh thần sẵn sàng giúp cho chúng ta biết ứng phó đúng, và đạt kết quả theo ý muốn trong mọi cảnh ngộ. Một người sẵn sàng là một người biết mình có những gì và biết sử dụng những gì mình có, để tự vệ và làm lợi cho mình trong mọi nơi, mọi lúc.

Là con dân Chúa, trong cuộc chiến thuộc linh trên hành trình theo Chúa vào trong Vương Quốc Đời Đời, chúng ta có:

  • Đức Chúa Cha là Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ mọi thứ khí giới thuộc linh, để chúng ta luôn đắc thắng: thắt lưng lẽ thật, áo giáp công chính, chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành Bình An, thuẫn đức tin, mão cứu rỗi, gươm của Đấng Thần Linh là Lời phán của Thiên Chúa, và lời cầu nguyện như đã được chép trong Ê-phê-sô 6:11-18.
  • Đức Chúa Con là Thiên Chúa luôn đi bên cạnh chúng ta trong mọi nơi mọi lúc (Ma-thi-ơ 28:20), lãnh đạo chúng ta, cùng làm việc với chúng ta, và ban thêm sức cho chúng ta, để chúng ta làm được mọi sự trong thánh ý của Thiên Chúa (Phi-líp 4:13).
  • Đức Thánh Linh là Thiên Chúa ngự trong chúng ta, để an ủi, giảng dạy, hướng dẫn, cáo trách về tội lỗi, làm chứng, cầu thay, và ban ân tứ cho chúng ta (Giăng 14:16, 26; 16:8, 13-15; Rô-ma 8:14, 16, 26-27; I Cô-rinh-tô 12:1-11; Ê-phê-sô 1:13; 4:30; I Giăng 5:9).

Điều quan trọng là chúng ta có thật sự tin rằng Ba Ngôi Thiên Chúa đang ở với chúng ta và nếu chúng ta tin, thì chúng ta có biết tận dụng những gì mình có vào trong cuộc sống mỗi ngày của chúng ta hay không. Nếu không, chúng ta không phải là người sẵn sàng và chúng ta sẽ dễ dàng thua kế ma quỷ, bị cám dỗ mà chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt.

Chúng ta phải sẵn sàng để chống trả ma quỷ và cám dỗ. Chúng ta phải sẵn sàng để vượt qua mọi thử thách và làm mọi việc lành. Và, chúng ta phải sẵn sàng để đi với Chúa bất kỳ khi nào Chúa hiện ra giữa chốn không trung (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-18).

Tỉnh thức: Trong nguyên ngữ Hy-lạp, từ ngữ được dịch là “tỉnh thức” có nghĩa là tỉnh táo và canh chừng. Sự tỉnh táo theo nghĩa đen là không say rượu, không say thuốc, không say hay ghiền (nghiện) bất cứ sự gì; theo nghĩa bóng là tâm trí không bị rối loạn hoặc không bị chi phối vì bất cứ một sự gì ngoài việc đang làm và mục đích đang nhắm đến.

Con dân Chúa phải tỉnh thức, không say đắm những sự ở thế gian, mà canh chừng sự cám dỗ và lường gạt của ma quỷ, để giữ mình; đồng thời canh chừng sự trở lại của Đức Chúa Jesus Christ. Canh chừng sự cám dỗ và lường gạt của ma quỷ để sử dụng đúng loại vũ khí của Đức Chúa Trời mà tự vệ và đánh trả (Gia-cơ 4:7). Canh chừng sự trở lại của Đức Chúa Jesus Christ để nhắc mình luôn sốt sắng trong mọi công tác hầu việc Chúa và giữ mình thánh sạch trong nếp sống mỗi ngày.

Trông cậy cho đến cuối cùng: Điều quan trọng hơn hết là con dân Chúa phải có đức tin vững chắc nơi Chúa cho đến ngày ra khỏi thế gian. Sự trông cậy được nói đến ở đây là sự trông cậy vào ơn cứu rỗi toàn vẹn (tâm thần, linh hồn, và xác thịt) mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ ban cho mỗi con dân của Thiên Chúa, trong ngày Ngài xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Trong ngày ấy, thân thể xác thịt của những người đã chết sẽ được sống lại, và thân thể xác thịt của những người đang sống sẽ được biến hóa. Tất cả sẽ cùng có thân thể xác thịt vinh quang như thân thể xác thịt phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ, và sẽ cùng sống đời đời bên Ngài trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời:

“Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:3).

“Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa. Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa. Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.” (I Cô-rinh-tô 15:51-53).

Trông cậy có nghĩa là tin và nhờ vào, là hy vọng một cách chắc chắn vào trong sự mà chúng ta nhờ cậy. Khi chúng ta thật lòng trông cậy vào ơn cứu rỗi của Chúa thì chúng ta không quay về với nếp sống tội; trái lại, chúng ta vui mừng, sống thánh khiết trong năng lực và ơn Chúa ban cho chúng ta. Sự trông cậy của chúng ta vào ơn cứu rỗi của Chúa phải bền vững cho đến cuối cùng. Lời Đức Chúa Jesus Christ phán, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 10:22, cho chúng ta biết, hễ là con dân Chúa thì sẽ bị thiên hạ ganh ghét, và chúng ta phải kiên trì, tức là phải chịu đựng sự bách hại của thế gian, cho đến cuối cùng, thì chúng ta mới được cứu, tức là nhận được sự cứu rỗi toàn vẹn:

“Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh Ta; nhưng ai kiên trì cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.” (Ma-thi-ơ 10:22).

Cảm tạ Đức Chúa Trời, là Cha của chúng ta, vì Ngài là Đấng khiến cho chúng ta đứng vững trong sự trông cậy của chúng ta. Chúng ta không thể nào nhờ vào sức riêng của mình, nhưng chúng ta phải nhờ vào sức toàn năng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta, qua các loại vũ khí tự vệ và tấn công, như đã chép trong Ê-phê-sô 6:11-18.

“Ngài cũng sẽ khiến các anh chị em được vững bền cho đến cuối cùng, không chỗ trách được, trong ngày của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 1:8).

Vì thế, chúng ta chỉ cần quyết tâm chọn đứng về phía của Thiên Chúa, và làm theo Lời của Ngài. Mọi sự còn lại thuộc về Thiên Chúa. Hãy nhớ đến câu chuyện dân I-sơ-ra-ên vượt Biển Đỏ, vượt sông Giô-đanh, và chiếm thành Giê-ri-cô! Họ chỉ cần tin cậy và vâng lời.

14 Các anh chị em như con cái biết vâng lời, đừng buông mình theo sự tham muốn cũ trong sự vô tri của các anh chị em.

Mỗi một chúng ta là con trai và con gái của Đức Chúa Trời ngay khi chúng ta đang còn ở trong thân thể xác thịt này, miễn là chúng ta thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, và sống thánh khiết theo Lời Chúa (II Cô-rinh-tô 6:14-18). Dù đã là con dân của Chúa, đã được dựng nên mới, nhưng chúng ta vẫn được toàn quyền tự do lựa chọn: Chọn ở lại trong nếp sống thánh khiết của một con người mới đã được Thiên Chúa tái sinh hay chọn quay về nếp sống cũ tội lỗi của con người xác thịt cũ. Trong xác thịt của chúng ta vẫn có những sự tham muốn bất chính, tức là những sự tham muốn không đẹp lòng Chúa. Đức Thánh Linh dạy chúng ta: Đừng buông mình theo sự tham muốn cũ trong sự vô tri.

Vô tri có nghĩa là không có sự nhận thức, không có hiểu biết điều gì là thiện, điều gì là ác, điều gì là thánh sạch, điều gì là ô uế, mà chỉ hành động theo sự thôi thúc của xác thịt.

15 Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em là thánh, thì các anh chị em cũng phải nên thánh trong mọi cách ăn ở;

16 bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh! [Lê-vi Ký 11:44-45; 19:2; 20:7, 26.]

Đấng đã gọi chúng ta là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa Ngôi Cha (Rô-ma 8:28). Không bởi sự kêu gọi của Ngài thì chúng ta không có cơ hội để đáp lại tiếng gọi của Ngài mà được cứu. Và chính Ngài truyền cho chúng ta, là chúng ta phải nên thánh. Ngài muốn chúng ta phải nên thánh, vì Ngài là thánh. Và nên thánh có nghĩa là trong mọi cách ăn ở của chúng ta đều phải đúng theo Lời Chúa, y như đã chép trong Thánh Kinh. Có như vậy, chúng ta mới được thuộc về Chúa, được Ngài dùng để làm ra những công việc của Ngài trên đất này (Ê-phê-sô 2:10), và được Ngài ban cho quyền cai trị trong vương quốc của Ngài (II Ti-mô-thê 2:12).

Thánh trong mọi cách ăn ở tức là từ ý nghĩ, lời nói, đến thái độ, cử chỉ, hành động của chúng ta đều phải vì sự vinh quang của Thiên Chúa, tức là không sai nghịch Lời Chúa:

“Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Nên thánh là một mệnh lệnh! Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được nên thánh bởi sự tái sinh chúng ta, dựng chúng ta thành một người mới (II Cô-rinh-tô 5:17) giống như Ngài trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24); nhưng mỗi chúng ta phải tự mình hết lòng, hết sức ở lại trong sự nên thánh ấy, ở lại trong con người mới ấy.

17 Nếu các anh chị em kêu cầu Cha, là Đấng không tư vị, phán xét từng người theo việc họ làm, thì hãy ăn ở cách kính sợ trong thời kỳ kiều ngụ của các anh chị em. [Thời gian các anh chị em còn sống trên đất.]

Đây là một câu rất nghiêm, nhắc cho con dân Chúa nhớ Đức Chúa Trời là ai! Ngài làm việc như thế nào!

Hầu hết các giáo hội mang danh Chúa ngày nay luôn nói về sự yêu thương của Đức Chúa Trời nhưng không hề nói đến sự công chính và thánh khiết của Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa không thể nghịch lại sự thánh khiết và sự công chính của Ngài. Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận tội lỗi và Thiên Chúa luôn luôn hình phạt mỗi việc làm tội lỗi. Cảm tạ Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài đã khiến cho chúng ta thoát khỏi hình phạt của tội lỗi bởi đức tin của chúng ta vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục sống trong tội, thì sẽ đến một lúc, chính Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa chúng ta ra (Khải Huyền 3:16); và khi đó, chúng ta phải tự mình gánh lấy hình phạt cho mỗi tội lỗi mà chúng ta làm ra, đồng thời phải bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Lời Chúa gọi suốt cuộc sống của chúng ta trên đất là khoảng thời gian mà chúng ta ở tạm trong thế gian. Kiều ngụ có nghĩa là ở tạm nơi không phải là của mình. Gọi là ở tạm là vì thế gian này rồi sẽ qua đi, và chính chúng ta cũng phải ra khỏi thân thể xác thịt này. Hê-bơ-rơ 11:13-16 nói về các thánh đồ thời Cựu Ước, như sau:

13 Hết thảy họ đã chết trong đức tin, chưa nhận những lời hứa, nhưng trông thấy chúng từ xa, được bắt phục và vui nhận chúng; xưng mình là khách lạ và người ở nhờ trên đất.

14 Những người nói như thế, tỏ rõ rằng, họ đang mong muốn một quê hương.

15 Nếu như họ thật nhớ nó, nơi mà họ đã từ đó ra đi, thì họ vẫn nắm giữ cơ hội quay lại.

16 Nhưng giờ đây, họ khao khát sự tốt hơn là sự ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Thời gian trên đất của chúng ta vô cùng ngắn ngủi, so với cõi đời đời mà chúng ta sẽ đến, sau cuộc đời này. Nhưng chúng ta sẽ ở đâu trong cõi đời đời? Ở trong Vương Quốc Trời hạnh phúc bên Chúa hay ở trong hỏa ngục đau khổ và xa cách Chúa? Sự lựa chọn thuộc về chúng ta.

“Hãy theo đuổi sự bình an với mọi người, cùng theo đuổi sự thánh khiết. Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.” (Hê-bơ-rơ 12:14).

Nên nhớ: Chúng ta được cứu ra khỏi hậu quả của tội lỗi và quyền lực của tội lỗi là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và bởi đức tin của chúng ta vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng để được ở lại trong sự cứu rỗi đó thì đức tin của chúng ta phải kết quả, thể hiện qua việc chúng ta sống thánh khiết theo Lời Chúa:

“Khi các anh chị em là những nô lệ cho tội lỗi thì các anh chị em được tự do khỏi sự công chính. [Ở ngoài khuôn khổ của sự công chính.] Thế nhưng các anh chị em đã được kết quả gì trong những điều mà giờ đây các anh chị em hổ thẹn, vì sự cuối cùng của những điều đó là sự chết? Nhưng bây giờ đã được giải thoát khỏi tội lỗi và trở nên những nô lệ của Đức Chúa Trời rồi, thì các anh chị em được kết quả cho sự thánh khiết, và sự cuối cùng là sự sống vĩnh cửu.” (Rô-ma 6:20-22).

Bởi vì, sự sống vĩnh cửu là phần thưởng cho nếp sống thánh khiết của chúng ta trong Chúa:

“Ai nhẫn nại làm lành, tìm sự vinh quang, sự tôn trọng và sự chẳng hề chết, thì báo cho sự sống vĩnh cửu…” (Rô-ma 2:7).

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa, để chúng ta không bị dẫn dắt sai lạc bởi các tà giáo.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/08/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.