Chú Giải I Phi-e-rơ 03:18-20 Thân Vị Thiên Chúa và Thân Vị Loài Người của Đấng Christ

5,303 views

Chú Giải I Phi-e-rơ 3:18-20
Thân Vị Thiên Chúa và Thân Vị Loài Người của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/listen/k25zzj0pj2a4q08/906013_I_Phiero_3_18-20.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xMTc0NTEwMTVf/906013_I_Phiero_3_18-20.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/906013-i-phiero-3-18-20?in=huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-phi-e-ro-i-ii

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

I Phi-e-rơ 3:18-20

18 Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng Công Chính thay cho kẻ không công chính, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài thật đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống.

19 Bởi tâm thần ấy, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục,

20 tức là những kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhẫn nại đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn, được cứu qua nước.

Một trong những lẽ thật quan trọng của Thánh Kinh là lẽ thật về bản thể và thân vị của Thiên Chúa. Bởi vì, nếu chúng ta không hiểu biết về bản thể và thân vị của Thiên Chúa thì chúng ta không thể nào hiểu rõ chương trình và ý muốn của Ngài dành cho chúng ta, không thể nào tận dụng năng lực và mọi phương tiện của Ngài đã ban cho chúng ta, để chúng ta có thể sống đẹp ý Ngài.

Mặc dù chúng ta sẽ không bao giờ hiểu biết về Thiên Chúa một cách đầy trọn, vì chúng ta chỉ là loài thọ tạo có giới hạn còn Ngài là Thiên Chúa vô hạn; nhưng chúng ta cần khao khát và nỗ lực tìm kiếm sự hiểu biết về Thiên Chúa một cách đầy trọn theo như Ngài đã mạc khải cho chúng ta trong Thánh Kinh. Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:29 chép:

“Những sự bí mật thuộc về Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của chúng ta; nhưng những sự được bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu của chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo hết thảy những lời của luật pháp này.”

Việc học biết về Thiên Chúa là bổn phận mà cũng là ơn phước và sự vui thỏa cao nhất của con dân Chúa. Bổn phận ấy bắt đầu từ khi chúng ta được báp-tem vào trong Hội Thánh của Chúa. Chẳng những chúng ta có bổn phận học biết về Thiên Chúa mà chúng ta còn có bổn phận dạy mọi sự mà Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho chúng ta đến những người mới tin nhận Chúa (Ma-thi-ơ 28:20).

Khi chúng ta chưa ở trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì chúng ta chỉ cần biết ba lẽ thật căn bản:

  • Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa sáng tạo nên muôn loài vạn vật và ban hành luật pháp cho loài người. Luật pháp ấy được ghi vào trong lương tâm của loài người. Về sau, luật pháp ấy còn được Thiên Chúa chép trên hai bảng đá, gọi là Mười Điều Răn.

  • Loài người vi phạm Mười Điều Răn, tức là phạm tội. Hậu quả của tội lỗi là sự bị đau khổ, sự chết trong đời này, và sự bị đau khổ trong hỏa ngục, bị phân cách đời đời khỏi Thiên Chúa trong đời sau.

  • Thiên Chúa ban cho loài người ơn cứu rỗi qua sự kiện Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là con của loài người (Con Người) và Con của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời đã sinh ra thân thể loài người của Ngài trong lòng trinh nữ Ma-ri. Đức Chúa Jesus Christ rao giảng cho loài người biết ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời và Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Một người chỉ cần tin nhận ba lẽ thật trên đây và thật lòng ăn năn tội, thì lập tức người ấy được Đức Chúa Jesus Christ cứu ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, được Đức Chúa Trời tái sinh thành một người mới, được Đức Thánh Linh ngự vào trong thân thể và ban cho năng lực của Thiên Chúa là thánh linh, để người ấy hiểu biết ngày càng hơn những lẽ thật của Thánh Kinh và có sức mạnh để thắng mọi cám dỗ, mọi thử thách.

Nhưng sau khi được cứu thì một người cần phải nhìn biết Thiên Chúa, tức là nhận biết các lẽ thật về Thiên Chúa và sống theo các lẽ thật của Thiên Chúa, thì người ấy mới được Thiên Chúa ban cho sự sống đời đời. Nếu không nhìn biết Thiên Chúa thì không thể nào hiểu biết thánh ý của Thiên Chúa, không thể nào tận dụng năng lực của Thiên Chúa để sống theo thánh ý của Thiên Chúa.

Tất cả những ai đã nhờ ân điển, bởi đức tin được cứu rỗi, mà không hết lòng ngày đêm suy ngẫm Lời Chúa để hiểu biết và cẩn thận làm theo, thì họ đã từ bỏ sự hiểu biết mà Thiên Chúa đã sắm sẵn cho họ trong Thánh Kinh. Họ sẽ bị diệt vì thiếu sự tri thức, sẽ bị Thiên Chúa bỏ và cất đi chức vụ thầy tế lễ của họ, và Thiên Chúa cũng sẽ quên con cái của họ:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi. Chúng nó thêm nhiều bao nhiêu, thì chúng nó phạm tội nghịch lại Ta bấy nhiêu. Ta sẽ đổi sự vinh quang của chúng nó ra sự sỉ nhục. (Ô-sê 4:6-7).

Sự sống đời đời liên quan chặt chẽ đến sự nhìn biết Thiên Chúa. Nhìn biết Thiên Chúa là:

  • Nhìn biết chỉ có một Đức Chúa Trời chân thật là Thiên Chúa ban sự cứu rỗi cho loài người.

  • Nhìn biết chỉ có một Ngôi Lời chân thật là Thiên Chúa nhập thế làm người qua danh xưng Đức Chúa Jesus Christ, để thực hiện sự cứu rỗi cho loài người.

  • Nhìn biết chỉ có một Đấng Thần Linh chân thật là Thiên Chúa giáng lâm qua danh xưng Đức Thánh Linh, ngự trong thân thể của những ai tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa.

“Và đây là sự sống vĩnh cửu, rằng họ nhìn biết Ngài, tức là Thiên Chúa có một và thật, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến. (Giăng 17:3).

“Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống vĩnh cửu. (Ga-la-ti 6:8).

Chính Thánh Kinh đã xác nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa:

“Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.” (Ê-sai 9:6).

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” (Giăng 1:1).

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

“Nhưng các anh chị em không ở trong xác thịt mà ở trong thần trí, nếu thần trí của Thiên Chúa thật ở trong các anh chị em. Nếu ai không có thần trí của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” (Rô-ma 8:9).

“Các tổ phụ thuộc về dân ấy, và theo phần xác thịt Đấng Christ ra từ dân ấy, là Đấng trên hết mọi sự, là Thiên Chúa được tôn vinh cho đến vĩnh cửu. A-men! (Rô-ma 9:5).

Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ.” (Phi-líp 2:6).

…chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ.” (Tít 2:13).

“Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra trong các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.” (I Ti-mô-thê 3:16).

“Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.” (I Giăng 5:20).

“Vì có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, chúng nó là những kẻ đã bị định cho án phạt từ trước, là những kẻ chẳng tin kính, biến ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà ác. Chúng nó chối Đấng Thiên Chúa Chủ Tể Duy Nhất và là Chúa của chúng ta, là Đức Chúa Jesus Christ.” (Giu-đe 1:4).

Chính Thánh Kinh đã xác nhận Đấng Thần Linh ngự trong thân thể con dân Chúa là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu:

“Ngươi sẽ không thờ lạy chúng nó. Ngươi sẽ không hầu việc chúng nó. Vì Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư, cho những kẻ ghét Ta...” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5).

Vì ngươi đừng sấp mình xuống trước mặt Chúa nào khác, bởi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tự xưng là Thiên Chúa hay ghen; Ngài thật là một Thiên Chúa hay ghen vậy.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:14).

Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi như một đám lửa thiêu đốt, và là Thiên Chúa hay ghen.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24).

“Ngươi sẽ không thờ lạy chúng nó. Ngươi sẽ không hầu việc chúng nó. Vì Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, là Thần hay ghen, phạt tội của tổ phụ trên các con cháu đến các đời thứ ba và đến các đời thứ tư, cho những kẻ ghét Ta...” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:9).

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi ngự ở giữa ngươi là Thần hay ghen, e cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi nổi lên cùng ngươi, và Ngài diệt ngươi khỏi mặt đất chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:15).

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu không chịu tha tội cho người, nhưng bấy giờ, cơn giận và sự hay ghen của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nổi lên cùng người, và hết thảy sự rủa sả ghi trong sách này sẽ chất nặng trên mình người; Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ xóa tên người khỏi dưới trời…” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:20).

Giô-suê nói với dân sự rằng: Các ngươi không đủ sức phụng sự Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, vì là Thiên Chúa thánh, Thiên Chúa hay ghen, Ngài chẳng tha sự trái mệnh lệnh và tội lỗi của các ngươi.” (Giô-suê 24:19).

Các anh chị em tưởng rằng Thánh Kinh nói vô ích sao? Đấng Thần Linh ở trong chúng ta, khao khát chúng ta đến nỗi ghen tương.” (Gia-cơ 4:5).

Đối chiếu với:

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao? (I Cô-rinh-tô 3:16).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao? (I Cô-rinh-tô 6:19).

Có hai phân đoạn Thánh Kinh Tân Ước quan trọng xác nhận Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh chính là Thiên Chúa, là Vua, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân đã được tiên tri Ê-sai nhìn thấy và nghe phán trong khải tượng do ông ghi lại trong Ê-sai 6. Đó là:

Giăng 12:36-41

36 Các ngươi đang có sự sáng, hãy tin sự sáng, để cho trở nên con cái của sự sáng. Đức Chúa Jesus phán như vậy, rồi đi, và ẩn mình cách xa họ.

37 Dẫu Ngài đã làm bấy nhiêu phép lạ trước mặt chúng, họ cũng không tin Ngài,

38 để được ứng nghiệm lời này của đấng tiên tri Ê-sai: Lạy Chúa, ai đã tin lời giảng chúng tôi, và cánh tay Chúa đã tỏ ra cho ai?

39 Chúng không thể tin, vì Ê-sai lại có nói rằng:

40 Ngài đã khiến mắt họ mù, lòng họ cứng, để cho mắt chẳng thấy, lòng chẳng hiểu, không tự hối cải, và Ta chẳng chữa lành cho.

41 Ê-sai nói các điều đó, khi ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.

Và:

“Bởi vì họ không đồng ý với nhau và ra về, nên Phao-lô chỉ nói thêm lời này: Đức Thánh Linh đã phán phải lắm, khi Ngài dùng đấng tiên tri Ê-sai mà phán với tổ phụ các ngươi rằng: Hãy đến nơi dân này và nói rằng: Các ngươi lấy lỗ tai nghe mà chẳng hiểu chi; lấy mắt xem mà không thấy gì. Vì lòng dân này đã nặng nề. Họ bịt lỗ tai, nhắm mắt lại, ngại rằng, mắt mình tự thấy, tai mình tự nghe, lòng mình tự hiểu, và họ trở lại mà Ta chữa cho lành được chăng.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27).

Thật là rõ ràng! Sứ Đồ Giăng bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh đã khẳng định Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ngồi trên ngai trong Đền Thờ, được ghi lại trong Ê-sai 6:1-5, chính là Đức Chúa Jesus Christ. Sứ Đồ Phao-lô bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh đã khẳng định Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán truyền cho Ê-sai, được ghi lại trong Ê-sai 6:9-10, chính là Đức Thánh Linh.

Người thật lòng ăn năn tội và đầu phục Thiên Chúa sẽ cứ lớn mạnh trong sự hiểu biết Lời Chúa, trong đức tin, và kết nhiều quả cho Đức Chúa Trời. Người vẫn còn lo lắng về đời này (Ma-thi-ơ 13:22; Mác 4:19), hoặc vẫn còn tham muốn những sự thuộc về thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống (I Giăng 2:16), thì sớm muộn gì cũng sẽ quay về với đời sống tội lỗi hoặc ngã theo tà giáo.

Thực tế cho chúng ta thấy, trong Hội Thánh có rất nhiều người đã được cứu, nhưng sau một thời gian thì họ mất đức tin hoặc ngã theo tà giáo. Ngụ ngôn người gieo giống trong Ma-thi-ơ 13:1-9, 18-23; Mác 4:1-20; và Lu-ca 8:5-15 đã nói rõ về thực trạng này trong Hội Thánh.

Riêng trong trường hợp của những kẻ ngã theo tà giáo thì có hai nguyên cớ:

  • Nguyên cớ thứ nhất: Vì họ không tin vào Lời Chúa rõ ràng trên giấy trắng mực đen mà tin vào lý luận của xác thịt. Họ không ý thức rằng, Lời Chúa trước hết phải được tin nhận bằng đức tin, không phải bằng lý luận. Chỉ sau khi chúng ta tin nhận Lời Chúa bằng đức tin thì Đức Thánh Linh mới dẫn chúng ta đến những lý luận để chứng minh điều chúng ta tin. Điển hình là: chỉ sau khi chúng ta tin nhận Giăng 1:1 “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa”; thì Đức Thánh Linh mới mở trí cho chúng ta hiểu những câu khác trong Thánh Kinh, để xác chứng cho điều chúng ta đã tin. Còn nếu chúng ta ngang nhiên bác bỏ ý nghĩa rõ ràng của Giăng 1:1, thì đương nhiên Ma Quỷ sẽ gieo vào tâm trí chúng ta những sự quỷ biện (biện luận không hợp lý đến từ Ma Quỷ), để cho chúng ta ngày càng chối bỏ các lẽ thật của Thánh Kinh càng hơn.

  • Nguyên cớ thứ nhì: Vì họ không vâng theo sự dạy dỗ của Lời Chúa, cứ tiếp tục giao tiếp, lắng nghe những kẻ rao giảng tà giáo, nên bị thu hút bởi những lời quỷ biện.

Dấu chứng rõ ràng của những kẻ theo tà giáo là nếp sống của họ không thánh khiết, không có trái của tâm thần (Ga-la-ti 5:22), mặc dù bề ngoài họ cố tỏ ra rất sốt sắng, tin kính.

Có tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa và Đức Thánh Linh là Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa sâu nhiệm của I Phi-e-rơ 3:18-20, là một phân đoạn rất quan trọng, dạy cho chúng ta biết về thân vị Thiên Chúa và thân vị loài người của Đức Chúa Jesus Christ.

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, khi Thánh Kinh đề cập đến Đức Chúa Jesus Christ thì có:

Những câu nói về thần tính của Thiên Chúa Ngôi Lời: Trong thân vị Thiên Chúa, Ngôi Lời bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời, với Đấng Thần Linh. Điển hình là:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. (Giăng 1:1).

“Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:3).

“Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được đứng vững trong Ngài.” (Cô-lô-se 1:16-17).

“Chỉ duy Ngài có sự không hề chết. Ngài ở trong sự sáng không ai có thể đến gần, là Đấng chẳng người nào từng thấy và cũng không thể thấy. Sự tôn trọng và quyền năng thuộc về Ngài mãi! A-men.” (I Ti-mô-thê 6:16).

Người ta có thể nhìn thấy con người xác thịt Jesus nhưng chưa bao giờ có ai nhìn thấy Thiên Chúa Ngôi Lời. Cũng như chưa có người nào nhìn thấy Đức Chúa Trời hoặc Đấng Thần Linh.

Những câu nói về con người xác thịt Jesus: Trong thân vị loài người, con người mang tên Jesus với chức vụ Christ là Con của Đức Chúa Trời và cũng là con của loài người (Ngài tự xưng là “Con Người”), hành động theo thánh ý của Đức Chúa Trời và chịu sự sai khiến của Đức Chúa Trời. Ngài hoàn toàn là người như chúng ta, bình đẳng với chúng ta, chịu ở dưới luật pháp như chúng ta, bị giới hạn bởi các định luật vật lý như chúng ta. Thậm chí Ngài chịu sỉ nhục, chịu đau khổ, và chịu chết như chúng ta. Điển hình:

“Nhưng về ngày và giờ đó, chẳng ai biết, các thiên sứ trên trời cũng chẳng biết, Đức Con cũng chẳng biết, ngoại trừ Đức Cha.” (Mác 13:32).

Sự chỉ có Cha biết không hàm ý là Đức Thánh Linh không biết, “…vì Đấng Thần Linh dò xét mọi sự, cả những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 2:10). Vì thế, cũng không hàm ý là thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời không biết. Lời phán của Đức Chúa Jesus Christ hàm ý: Chương trình và ý định của Thiên Chúa chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi, loài người và thiên sứ không thể biết, cho đến khi họ được Thiên Chúa mạc khải.

“Vậy, Đức Chúa Jesus phán với họ: Khi các ngươi đã treo Con Người lên, bấy giờ các ngươi sẽ biết rằng, Ta là. Và Ta không tự mình làm điều gì, nhưng nói những điều này theo như Cha Ta đã dạy Ta.” (Giăng 8:28).

Những điều này theo như Cha Ta đã dạy Ta” là những điều mà Đức Chúa Trời đã phán dạy con người xác thịt Jesus. Bởi vì khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, thì trong con người xác thịt mang tên Jesus ấy, Ngài hoàn toàn là một người như chúng ta; Ngài cần được nhận lãnh thánh linh từ Đấng Thần Linh và cần được sự phán dạy của Đức Chúa Trời. Đó cũng là lý do vì sao, khi còn là con người xác thịt thì Đức Chúa Jesus đã không biết ngày giờ Chúa sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

…được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:8).

Trong thân vị loài người, Ngôi Lời đã hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời trong mọi sự.

Những câu nói về con người xác thịt Jesus đã phục sinh và thay cho Ba Ngôi Thiên Chúa cầm quyền trên muôn loài tạo vật: Trong đó có những câu nói đến thân vị loài người của Ngài. Điển hình là:

I Cô-rinh-tô 15:24-28

24 Kế đó, sự cuối cùng sẽ đến, khi Ngài sẽ giao vương quốc cho Đức Chúa Trời, là Đức Cha, sau khi Ngài đã phá diệt mọi sự cai trị, mọi thẩm quyền, và mọi sức mạnh.

25 Vì Ngài phải cầm quyền cho đến khi Ngài đặt mọi kẻ thù nghịch dưới chân Ngài. [Thi Thiên 110:1]

26 Kẻ thù sau cùng sẽ bị hủy diệt là sự chết.

27 Vì Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ngài. Nhưng khi Ngài phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Ngài. [Thi Thiên 8:6 – Dịch diễn ý: Vì Đức Chúa Trời đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ. Nhưng khi Đức Chúa Trời phán rằng, muôn vật bị bắt phục thì chứng tỏ rằng, lời ấy ngoại trừ Đấng bắt muôn vật phục Đấng Christ.]

28 Khi muôn vật đã phục Ngài, thì chính mình Con cũng sẽ phục Đấng đã làm cho muôn vật phục mình, để cho Đức Chúa Trời làm muôn sự trong muôn sự.

…Đấng Chủ Tể Duy Nhất đáng tôn, Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa…” (I Ti-mô-thê 6:15).

Khải Huyền 19:11-16

11 Rồi, tôi thấy trời mở ra, và này, có một con ngựa trắng. Đấng cưỡi nó được xưng là Thành Tín và Chân Thật. Trong sự công chính Ngài sẽ phán xét và gây chiến.

12 Đôi mắt Ngài như ngọn lửa. Trên đầu Ngài có nhiều mão và có một danh được viết mà không ai biết, ngoại trừ chính Ngài.

13 Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.”

14 Những đạo binh trên trời, mặc áo vải mịn, trắng, và tinh sạch, đều cưỡi ngựa trắng, theo Ngài.

15 Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén và Ngài dùng nó để đánh hạ các quốc gia. Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt. Ngài sẽ giày đạp thùng ép nho làm rượu của cơn thịnh nộ dữ dội của Đức Chúa Trời Toàn Năng.

16 Trên áo và trên đùi Ngài có một danh được viết: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa.”

Và có những câu nói đến thân vị Thiên Chúa của Ngài. Điển hình là:

“Vì một con trẻ được sinh ra, một con trai ban cho chúng ta. Quyền cai trị sẽ ở trên vai của Ngài và danh của Ngài sẽ được gọi là: Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Chúa Bình An.” (Ê-sai 9:6).

“…Ta là Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng. Ta là Đấng Sống mà đã chết, và kìa, nay Ta sống đời đời! A-men! Ta giữ các chìa khóa của sự chết và âm phủ.” (Khải Huyền 1:17-18).

“Tôi thấy không có đền thờ trong thành; vì Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, và Chiên Con là Đền Thờ của thành.” (Khải Huyền 21:22).

Một người không biết phân biệt khi nào Thánh Kinh nói về thân vị Thiên Chúa của Ngôi Lời trước khi Ngài nhập thế làm người; khi nào Thánh Kinh nói về thân vị loài người ở dưới luật pháp của Ngôi Lời sau khi Ngài nhập thế làm người; khi nào Thánh Kinh nói về thân vị loài người của Ngôi Lời sau khi thân thể xác thịt của Ngài đã phục sinh và cầm quyền cai trị Vương Quốc Trời; khi nào Thánh Kinh nói về thân vị Thiên Chúa trong thân thể loài người đã phục sinh của Ngôi Lời, với danh xưng Chiên Con; thì người ấy sẽ dễ dàng nghe theo những lời quỷ biện của Sa-tan mà bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ.

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của I Phi-e-rơ 3:18-20.

18 Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng Công Chính thay cho kẻ không công chính, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài thật đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống.

Danh xưng “Đấng Christ” được dùng trong câu này để nhấn mạnh đến phương diện Ngài là Đấng đã được tiên tri trong Đa-ni-ên 9:25-26.

Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần”: Trong khi con dân Chúa chịu khổ vì làm lành thì chính mình Đấng Christ cũng đã có một lần chịu chết vì những tội lỗi của toàn thể nhân loại. Chúng ta chú ý đến danh từ tội lỗi được dùng với hình thức số nhiều: “những tội lỗi”. Dù Đấng Christ chỉ là một người và chịu chết chỉ một lần nhưng sự chết của Ngài có hiệu lực thay thế cho sự chết của tất cả mọi người trong thế gian, gánh lấy hình phạt cho tất cả mọi tội lỗi họ làm ra. Bởi vì, trong thân thể xác thịt loài người của Ngài là bản thể vô hạn của Thiên Chúa. Vì Ngài là Thiên Chúa thành người. Có nghĩa là: dù đang khi ở trong thân thể xác thịt yếu đuối của loài người, bị giới hạn bởi các định luật vật lý, và chịu hình phạt dưới luật pháp của Đức Chúa Trời, Ngài không thể vận dụng quyền năng của Thiên Chúa, nhưng bên trong con người xác thịt ấy là bản thể của Thiên Chúa. Vì thế, một mạng sống của Ngài bao gồm tất cả mạng sống của loài người trong thế gian.

Đấng Công Chính thay cho kẻ không công chính”: Đấng Christ là Đấng Công Chính vì Ngài không hề vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời:

Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.” (I Phi-e-rơ 2:22).

Mỗi người trong thế gian đều là kẻ không công chính vì:

…mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời…” (Rô-ma 3:23).

Chỉ sau khi một người ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì người ấy mới được kể là người công chính.

“Để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời”: Đấng Christ chỉ có thể dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời khi chúng ta không còn bị kể là người có tội, mà để chúng ta không còn bị kể là người có tội thì Đấng Christ phải chết thay cho chúng ta. Chính vì thế mà Đấng Christ đã tuyên phán:

“Không ai đến cùng Cha nếu chẳng bởi Ta.” (Giăng 14:6b).

“Về phần xác thịt thì Ngài thật đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống”: Phần xác thịt là bản thể loài người. Loài người phạm tội trong xác thịt nên tội lỗi phải bị hình phạt trong xác thịt. Thân thể xác thịt của Đấng Christ đã chết vì tội lỗi của nhân loại nhưng thân thể thiêng liêng của Ngài, là tâm thần, chính là bản thể Thiên Chúa nên tâm thần của Đấng Christ không thể chết; không phải như một số giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần rao giảng rằng tâm thần của Đức Chúa Jesus Christ đã phải chịu chết trong hỏa ngục.

Chúng ta đã biết, loài người là một linh hồn sống được Thiên Chúa ban cho một thân thể vật chất, làm từ bụi đất, gọi là xác thịt, và một thân thể thiêng liêng, làm bằng hơi linh sự sống của Thiên Chúa, gọi là tâm thần:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

“Nhưng chính Đức Chúa Trời của sự bình an khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại, khi loài người chết thì thân thể xác thịt về lại cùng bụi đất, thân thể thiêng liêng về lại cùng Đức Chúa Trời, còn linh hồn thì vào âm phủ:

“Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7).

“Trong âm phủ, ở trong sự đau đớn, người ngước mắt mình lên, thấy Áp-ra-ham từ xa và La-xa-rơ ở trong lòng của ông…” (Lu-ca 16:23).

Khi thân thể xác thịt của Đấng Christ chết thì Ngài giao phó tâm thần của mình vào tay của Đức Chúa Trời:

Đức Chúa Jesus kêu lớn rằng: Hỡi Cha, Con giao tâm thần Con lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi.” (Lu-ca 23:46).

Thân xác của Ngài được chôn vào lòng đất nhưng tâm thần Ngài đi vào ngục sâu trong âm phủ mà giảng cho các thần linh bị giam trong đó:

19 Bởi tâm thần ấy, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục,

20 tức là những kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhẫn nại đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn, được cứu qua nước.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “tâm thần” trong mệnh đề: “nhưng tâm thần thì sống” và danh từ “các thần linh” trong mệnh đề: “Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục” đều cùng là một chữπνεῦμα” (pneuma) /níu-ma/ [1]. Từ ngữ “tâm thần” trong câu 18 được dùng để chỉ thân thể thiêng liêng của Đấng Christ, tức bản thể Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Từ ngữ “các thần linh” trong câu 19 được dùng để chỉ những thân thể thiêng liêng của các thiên sứ phạm tội, bị giam trong vực sâu nơi âm phủ.

Các thần linh” này chính là các thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch Thiên Chúa và từng nhập vào những người nam để kết hôn với những người nữ trước thời Cơn Lụt Lớn, được ghi chép trong Sáng Thế Ký 6:1-4.

Thánh Kinh dùng danh xưng “các con trai của Đức Chúa Trời” để gọi các thiên sứ (Sáng Thế Ký 6:2, 4; Gióp 1:6; 2:1). Chúng ta biết thiên sứ và loài người là hai loài thọ tạo khác nhau, thiên sứ không có giới tính nam nữ như loài người, không kết hôn như loài người (Ma-thi-ơ 22:30). Vì thế, các thiên sứ chỉ có thể nhập vào những người nam để kết hôn với những người nữ, để những đứa con được sinh ra đều bị nhiễm tà linh từ cha, khiến cho dòng dõi loài người bị băng hoại. Sa-tan nghĩ rằng làm như vậy sẽ vô hiệu hóa lời tiên tri của Thiên Chúa trong Sáng Thế Ký 3:15:

Ta sẽ đặt sự nghịch thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ làm tổn thương gót chân người.”

Nhưng Thiên Chúa đã hủy diệt toàn thể loài người thời bấy giờ bằng một cơn lụt lớn toàn cầu, chỉ chừa lại một gia đình Nô-ê, gồm tám người kính sợ Thiên Chúa. Còn các thiên sứ dám ngang nhiên rời bỏ phẩm trật, nhập vào loài người thì bị giam lại trong vực sâu nơi âm phủ:

“Vì nếu Đức Chúa Trời đã chẳng chừa lại các thiên sứ phạm tội, nhưng quăng họ vào trong vực sâu tối tăm, giao họ vào trong xiềng xích của sự tối tăm để chờ sự phán xét; và Ngài chẳng chừa lại thế gian thuở xưa, trong khi sai nước lụt đến trên thế gian không tin kính, nhưng Ngài giữ gìn tám người, có Nô-ê là người rao giảng công chính…” (II Phi-e-rơ 2:4-5).

Chúng ta biết Đức Chúa Trời không ném tất cả các thiên sứ theo Sa-tan phản nghịch vào vực sâu, vì nếu như vậy, thì trên thế gian không còn có sự hoạt động của các tà linh. Đức Chúa Trời chỉ ném những tà linh nào dám tự ý nhập vào loài người. Chúng ta biết án phạt dành cho những tà linh tự ý nhập vào loài người là bị ném vào vực sâu trong âm phủ khi chúng ta đọc về câu chuyện các tà linh nhập vào một người đàn ông đã nài nỉ Đức Chúa Jesus Christ đừng khiến chúng phải xuống vực sâu:

Lu-ca 8:27-33

27 Khi Đức Chúa Jesus lên bờ, có một người ở thành ấy bị nhiều quỷ ám đi gặp Ngài. Đã lâu nay, người không mặc áo, không ở nhà, nhưng ở nơi mồ mả.

28 Người ấy vừa thấy Đức Chúa Jesus thì la lên inh ỏi, và đến gieo mình nơi chân Ngài, nói lớn tiếng rằng: Lạy Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời Rất Cao, tôi với Ngài có sự chi chăng? Tôi cầu xin Ngài, đừng làm khổ tôi.

29 Vì Đức Chúa Jesus đang truyền cho tà linh phải ra khỏi người đó mà nó đã ám từ lâu; dù họ giữ người, xiềng và còng chân lại, người cứ bẻ xiềng tháo còng, và bị quỷ dữ đem vào nơi đồng vắng.

30 Đức Chúa Jesus hỏi người rằng: Ngươi tên gì? Người thưa rằng: Quân Đoàn; vì nhiều quỷ đã ám vào người.

31 Chúng nó cầu xin Đức Chúa Jesus đừng khiến mình xuống vực sâu.

32 Ở đó có một bầy heo đông đang ăn trên núi. Các quỷ xin Đức Chúa Jesus cho chúng nó nhập vào những heo ấy, Ngài cho phép.

33 Vậy, các quỷ ra khỏi người đó, nhập vào bầy heo, bầy heo từ trên cao đâm đầu xuống hồ và chết chìm.

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết để chuộc tội cho loài người, vực sâu đó cũng chính là sự ngăn cách giữa linh hồn của những người chết thuộc về Chúa với linh hồn của những người chết không thuộc về Chúa ở trong âm phủ:

Có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà muốn từ đó qua đây cũng không được.” (Lu-ca 16:26).

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh thì Ngài đã đem linh hồn của những người thuộc về Chúa vào trong thiên đàng:

“Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người. Nhưng, “Ngài đã lên” có nghĩa gì, nếu chẳng phải là: trước hết, Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp của đất? (Ê-phê-sô 4:8-9).

Một số người cho rằng danh từ “các thần linh” trong câu 19 là nói đến linh hồn của những người bị chết trong Cơn Nước Lụt. Nhưng tất cả loài người khi chết thì “tâm thần” về lại cùng Đức Chúa Trời, chỉ có linh hồn ở trong âm phủ. Chỉ có các thiên sứ phạm tội mới được gọi là các thần linh bội nghịch mà thôi.

Sự kiện thân thể thiêng liêng của Đấng Christ trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời đi giảng cho các thiên sứ phạm tội, là các thần linh bội nghịch, bị giam trong vực sâu tối tăm, đã nói lên điều này:

Những thiên sứ ấy nghe theo lời Sa-tan, nhập vào những người nam để kết hôn với những người nữ, nhằm làm băng hoại dòng dõi của người nữ. Nhưng Thiên Chúa đã bẻ gãy âm mưu ấy và Thiên Chúa đã nhập thế làm người, sinh ra trong dòng dõi của người nữ, hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Sự giảng của Đấng Christ là sự công bố Tin Lành của Đức Chúa Trời có năng lực giải cứu tất cả những ai tin nhận Tin Lành, là sự công bố Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến, ngày phán xét của Sa-tan và vương quốc của Sa-tan đã gần, là sự công bố Ngài đã toàn quyền trên sự chết và âm phủ (Khải Huyền 1:18).

Đối với một người không công nhận lẽ thật: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” thì người ấy không thể nào hiểu được những điều sâu nhiệm của I Phi-e-rơ 3:18-20.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/10/2015

Ghi Chú

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G4151

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.