Chú Giải I Phi-e-rơ 03:08-17 Con Dân Chúa Đối Với Mọi Người

6,063 views


YouTube: https://youtu.be/NlSR3yXej_A

906012 Chú Giải I Phi-e-rơ 3:8-17
Con Dân Chúa Đối Với Mọi Người

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/listen/pnis1jx92w11vpb/906011_I_Phiero_3_8-17.mp3

Hoặc:
OpenDrive: https://od.lk/s/MV8xMTUzODk3MThf/906011_I_Phiero_3_8-17.mp3

Hoặc:
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/906011-i-phiero-3-8-17?in=huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-phi-e-ro-i-ii

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
906012_I-Phiero_3_8-17 (mediafire.com)

906012_I-Phiero_3_8-17.pdf – OpenDrive (od.lk)

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Phi-e-rơ 3:8-17

8 Sau cùng, hết thảy các anh chị em phải cùng một trí, đồng cảm sự đau đớn của nhau, yêu tình yêu anh chị em, hãy dịu dàng thương xót, hãy thân thiện.

9 Đừng lấy ác trả ác hoặc lấy mắng chửi trả mắng chửi. Nhưng trái lại, hãy chúc phước. Hãy biết rằng, các anh chị em được kêu gọi đến sự đó, để các anh chị em nhờ đó mà hưởng phước.

10 Vì ai muốn yêu sự sống và thấy những ngày tốt lành, thì phải giữ lưỡi mình khỏi điều dữ và môi mình không nói lời gian trá.

11 Người ấy phải tránh điều dữ và làm điều lành. Người ấy phải tìm sự hòa bình và theo đuổi nó.

12 Vì mắt Chúa đoái xem những người công chính và tai Ngài lắng nghe những lời khẩn xin của họ. Nhưng mặt Chúa nghịch lại những kẻ làm ác.

13 Ai sẽ làm hại các anh chị em nếu các anh chị em là những người bắt chước những sự lành?

14 Nhưng nếu các anh chị em phải chịu khổ vì sự công chính, thì được phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí.

15 Hãy tôn Chúa là Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng các anh chị em. Hãy luôn sẵn sàng để trả lời bất cứ ai hỏi các anh chị em, về nguyên cớ của sự trông cậy trong các anh chị em, cách nhu mì và kính sợ.

16 Hãy có lương tâm, để cho những kẻ nói nghịch các anh chị em như các anh chị em là những kẻ làm ác, họ bị hổ thẹn vì vu khống nếp sống tốt lành của các anh chị em trong Đấng Christ.

17 Vì nếu ý muốn của Đức Chúa Trời là như vậy, thì thà các anh chị em làm điều thiện mà chịu khổ, hơn là làm điều ác mà chịu khổ.

Sau những lời dạy dỗ con dân Chúa về bổn phận vợ chồng thì Đức Thánh Linh tiếp tục dùng Sứ Đồ Phi-e-rơ dạy cho con dân Chúa về bổn phận đối với mọi người, bao gồm người tin Chúa lẫn người không tin Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong I Phi-e-rơ 3:8-17.

8 Sau cùng, hết thảy các anh chị em phải cùng một trí, đồng cảm sự đau đớn của nhau, yêu tình yêu anh chị em, hãy dịu dàng thương xót, hãy thân thiện.

“Sau cùng” có nghĩa là những lời dạy sau hết về bổn phận của con dân Chúa.

“Hết thảy các anh chị em” có nghĩa là không ngoại trừ một ai trong Hội Thánh của Chúa, từ nam đến nữ, từ người nhỏ tuổi đến người lớn tuổi, từ người không có đến người có chức vụ trong Hội Thánh, từ người thuộc chủng tộc này đến người thuộc chủng tộc khác, từ người có địa vị thấp hèn nhất trong xã hội như một người nô lệ đến người có địa vị cao trọng nhất như vua, tổng thống, từ người thiếu học thức đến người có nhiều bằng cấp, giảng dạy cho người khác…

“Phải cùng một trí” có nghĩa là cùng nhận thức và suy luận giống nhau, dựa trên lẽ thật của Lời Chúa.

“Đồng cảm sự đau đớn của nhau” có nghĩa là mỗi người cùng cảm nhận sự đau đớn của người khác, kể cả đối với người chưa tin Chúa. Sự đau đớn đó có thể là sự đau đớn vì bệnh tật, thương tích của thân thể xác thịt, hoặc sự đau đớn ở trong lòng vì bất cứ lý do gì.

“Yêu tình yêu anh chị em”. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước, tình yêu được phân biệt thành bốn loại:

  • Phileō (φιλέω) /phi-lế-ô/ G5368 [1]: (1) Tình yêu thích, quý mến, ưa chuộng. (2) Nụ hôn để bày tỏ tình cảm.
  • Philanthrōpia (φιλανθρωπία) /phi-lan-trô-pí-a/ G5363 [2]: Tình yêu nhân loại.
  • Philadelphia (φιλαδελφία) /phi-la-đen-phí-a/ G5360 [3]: Tình yêu giữa anh chị em trong gia đình; tình đồng đội.
  • Agapé (ἀγάπη) /á-ga-pê/ G26 [4]: Tình yêu trong Chúa, yêu như Chúa yêu; thường được con dân Chúa gọi là tình yêu mặc dù, tình yêu ban cho vô điều kiện.

Lời dạy “yêu tình yêu anh chị em” có nghĩa là con dân Chúa có bổn phận yêu thương mọi người bằng tình yêu thương giữa anh chị em trong cùng một gia đình, hoặc tình yêu giữa những người cùng sống chết với nhau, theo đuổi một mục đích, như những người lính trong cùng một trận tuyến. Tình yêu giữa anh chị em cao hơn tình yêu nhân loại. Bởi vì nếu buộc phải chọn cứu một người xa lạ hay cứu anh chị em của mình hoặc đồng đội của mình, người ta sẽ chọn cứu anh chị em hoặc đồng đội của mình. Có thể nói, tình yêu nhân loại và tình yêu giữa anh chị em thì người không tin nhận Chúa vẫn có thể có. Nhưng con dân Chúa thì nên xem tất cả mọi người như anh chị em của mình và yêu mọi người bằng tình yêu anh chị em.

Cao hơn tình yêu giữa anh chị em hoặc đồng đội là tình yêu trong Chúa tức là yêu như Chúa yêu chúng ta. Tình yêu trong Chúa được ban cho vô điều kiện, kể cả khi đối tượng được yêu đang là kẻ thù nghịch. Thiên Chúa không yêu cầu con dân Chúa yêu mọi người bằng tình yêu trong Chúa, mà tình yêu trong Chúa chỉ được con dân Chúa dành cho những ai thuộc về Chúa mà thôi. Đối với mọi người trong thế gian, con dân Chúa yêu bằng tình yêu giữa anh chị em, yêu như yêu chính mình. Đối với anh chị em cùng đức tin trong Hội Thánh, con dân Chúa yêu hơn yêu chính mình, sẵn lòng hy sinh mọi sự, ngay cả mạng sống để bảo vệ và cứu giúp.

“Hãy dịu dàng thương xót” có nghĩa là tỏ lòng thương xót cách mềm mại, dịu dàng, ân cần để tránh gây thêm tổn thương cho người mình thương xót.

“Hãy thân thiện” có nghĩa là cởi mở, lịch sự, tôn trọng, và sẵn sàng giúp đỡ mọi người; đơn sơ như chim bồ câu, không tạo cho người khác cảm giác sợ hãi, nghi ngờ, hiểu lầm, khó chịu.

9 Đừng lấy ác trả ác hoặc lấy mắng chửi trả mắng chửi. Nhưng trái lại, hãy chúc phước. Hãy biết rằng, các anh chị em được kêu gọi đến sự đó, để các anh chị em nhờ đó mà hưởng phước.

“Đừng lấy ác trả ác hoặc lấy mắng chửi trả mắng chửi”: Bởi vì sự trả thù thuộc về Thiên Chúa (Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35; Rô-ma 12:19; Hê-bơ-rơ 10:30).

“Nhưng trái lại, hãy chúc phước”: Vì đó là ý muốn của Chúa cho mỗi con dân Chúa:

“Hãy chúc phước cho những kẻ bách hại các anh chị em! Hãy chúc phước, chớ nguyền rủa!” (Rô-ma 12:14).

Sự chúc phước cho những kẻ thù nghịch của chúng ta không chỉ tỏ ra bằng lời nói, mà còn là tỏ ra bằng hành động thiết thực, là chúng ta hết lòng làm phước cho kẻ thù khi chúng ta có cơ hội và có khả năng:

“Nếu kẻ thù nghịch con có đói, hãy cho nó ăn; nếu có khát, hãy cho nó uống…” (Châm Ngôn 25:21).

“Nhưng Ta bảo các ngươi: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi, chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi, làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi, cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi và bách hại các ngươi!” (Ma-thi-ơ 5:44).

“Nhưng Ta nói với các ngươi, là những người nghe Ta: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi, làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi, chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi, và cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi.” (Lu-ca 6:27-28).

“Nhưng các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài là từ ái đối với những kẻ vô ơn và xấu.” (Lu-ca 6:35).

“Vậy, nếu kẻ thù của ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống! Vì làm như vậy, khác nào ngươi chất những than lửa trên đầu nó. [Châm Ngôn 25:21-22]” (Rô-ma 12:20).

“Hãy biết rằng, các anh chị em được kêu gọi đến sự đó, để các anh chị em nhờ đó mà hưởng phước”. Sự không trả thù nhưng chúc phước và làm phước cho bất cứ ai nghịch thù với chúng ta là điều Chúa kêu gọi chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta có lòng oán ghét, muốn trả thù những kẻ làm khổ chúng ta, bất công với chúng ta, hãm hại, lường gạt, bắt bớ chúng ta… thì chúng ta chống lại sự kêu gọi của Chúa; chúng ta phạm tội. Ngay chính Thiên Chúa cũng không vui khi kẻ ác bị hình phạt. Chúng ta hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ, cậy sức toàn năng của Đức Thánh Linh mà trở nên giống như Cha của chúng ta ở trên trời.

“Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta không vui về sự chết của kẻ bị chết. Vậy, các ngươi hãy quay lại để được sống!” (Ê-xê-chi-ên 18:32).

Lời Chúa dạy:

“Khi kẻ thù nghịch con sa ngã, chớ vui mừng; lúc nó bị đánh đổ, lòng con đừng hớn hở…” (Châm Ngôn 24:17).

Chúng ta phải nói lên lẽ phải để bảo vệ sự công chính nhưng nếu chúng ta nói lên lẽ phải với tấm lòng mong cho kẻ thù của chúng ta vì thế mà bị thua thiệt, bị đau khổ, bị hình phạt nặng… là chúng ta đã thực hiện sự trả thù. Cũng vậy, nếu chúng ta lên tiếng làm chứng với lòng căm ghét kẻ phạm pháp thì chúng ta sai. Chúng ta lên tiếng làm chứng để bảo vệ sự công chính, bao gồm sự hình phạt những kẻ phạm pháp nhưng chúng ta phải có lòng thương xót đối với những kẻ phạm pháp, vì những kẻ ấy đang đi vào con đường của sự hư mất đời đời. Hãy yêu họ bằng tình yêu giữa anh chị em.

Hãy cầu nguyện cho những kẻ thù của chúng ta và những kẻ phạm pháp. Hãy xin Chúa cất đi lòng căm ghét muốn trả thù trong chúng ta, trước khi chúng ta nói lên lẽ phải, để cho mục đích của sự lên tiếng của chúng ta hoàn toàn là để bảo vệ sự công chính chứ không vì trả thù. Khi đó, chúng ta sẽ được hưởng phước. Ơn phước đầu tiên là chúng ta được vui mừng, biết mình đã trở nên giống Chúa, biết mình đã thoát khỏi bản ngã cũ của xác thịt.

10 Vì ai muốn yêu sự sống và thấy những ngày tốt lành, thì phải giữ lưỡi mình khỏi điều dữ và môi mình không nói lời gian trá.

11 Người ấy phải tránh điều dữ và làm điều lành. Người ấy phải tìm sự hòa bình và theo đuổi nó.

“Yêu sự sống” là yêu sự sống hiện tại trong thân thể xác thịt này lẫn sự sống tương lai, tức sự sống đời đời, trong thân thể xác thịt đã được biến hóa hoặc đã được phục sinh.

“Thấy những ngày tốt lành” bao gồm những ngày được Chúa khen thưởng và ban phước trong đời này lẫn đời sau. Hãy nhớ đến kết cuộc phước hạnh trong đời này của Gióp và Giô-sép.

“Phải giữ lưỡi mình khỏi điều dữ và môi mình không nói lời gian trá”. Người giữ cho miệng lưỡi mình không nói điều dữ và điều gian trá là người đã thật sự được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, là người “đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy” (Cô-lô-se 3:10), “là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật” (Ê-phê-sô 4:24). Người đã được dựng nên mới thì trong lòng không còn những sự dữ và gian trá để phát ra ngoài qua môi miệng:

Ma-thi-ơ 12:34-37

34 Hỡi dòng dõi của rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.

35 Người lành do lòng chứa sự lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do lòng chứa sự dữ mà phát ra điều dữ.

36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.

37 Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công chính, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.

“Người lành bởi kho chứa điều lành của lòng người ấy mà phát ra điều lành. Kẻ dữ bởi kho chứa điều dữ của lòng kẻ ấy mà phát ra điều dữ. Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng của người ấy nói.” (Lu-ca 6:45).

Trong lòng của người đã được dựng nên mới chỉ tràn ngập tình yêu của Thiên Chúa, khiến cho người ấy thật sự yêu thương mọi người, đồng cảm với mọi người, và môi miệng chỉ nói ra những lời thánh khiết, ở trong ân điển, kể cả khi phải quở trách.

12 Vì mắt Chúa đoái xem những người công chính và tai Ngài lắng nghe những lời khẩn xin của họ. Nhưng mặt Chúa nghịch lại những kẻ làm ác.

Những kẻ làm ác đương nhiên là bất cứ những ai vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, chống nghịch thánh ý của Ngài. Chúng ta thường nghĩ rằng những kẻ làm ác là những người không tin nhận Chúa nhưng trong thực tế, những kẻ làm ác bao gồm tất cả những ai xưng mình là con dân Chúa mà không làm theo Lời Chúa dạy:

“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.” (I Giăng 2:4).

“Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Tất cả những ai xưng mình là con dân Chúa mà không làm theo Lời Chúa thì một ngày kia, họ sẽ được nghe Chúa phán lời này: “…Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:23).

13 Ai sẽ làm hại các anh chị em nếu các anh chị em là những người bắt chước những sự lành?

Đây là một chân lý nhưng chân lý này đã bị loài người làm cho băng hoại. Bởi vì trong thực tế rất nhiều khi chúng ta làm lành mà bị người khác làm hại chúng ta. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán!” Nghĩa là, loài vật biết đền ơn nhưng loài người chẳng những không biết đền ơn mà còn làm hại người ra ơn cứu giúp mình. Câu tục ngữ đó đúng với Lời Chúa:

“Lòng người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa; ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9).

Vì tội lỗi đã làm cho loài người bị băng hoại nên con dân Chúa sống ngay lành vẫn thường khi bị kẻ ác bách hại. Cuộc đời của Đức Chúa Jesus Christ là một điển hình thực tế.

14 Nhưng nếu các anh chị em phải chịu khổ vì sự công chính, thì được phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí.

Tuy nhiên, con dân Chúa được lời hứa của Chúa, là mỗi khi họ chịu khổ vì sự công chính thì họ được phước. Chịu khổ vì sự công chính có nghĩa là cho dù bị áp bức như thế nào cũng không cư xử bất công với bất cứ ai, không làm ra một điều gì nghịch lại điều răn của Thiên Chúa, không ngừng rao giảng Tin Lành của Thiên Chúa cho những người chưa biết Chúa. Chính sự rao giảng Tin Lành cũng là một việc làm công chính. Vì nhờ chúng ta rao giảng Tin Lành mà những người chưa từng nghe biết về Tin Lành có cơ hội đồng đều với những người đã được nghe giảng Tin Lành, để biết Thiên Chúa và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

“Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí” có nghĩa là đừng sợ hãi và rối trí như những người không có Chúa, những người làm khổ chúng ta. Họ sợ hãi và rối trí vì họ không có sự hiểu biết về Thiên Chúa, họ không có tình yêu của Ngài, họ không có sự bình an từ Ngài, họ không có hy vọng cho đời sau. Là con dân Chúa, chúng ta hiểu vì sao mình chịu khổ và chúng ta có bình an, có hy vọng vì chúng ta biết Đấng chúng ta đang tin.

15 Hãy tôn Chúa là Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng các anh chị em. Hãy luôn sẵn sàng để trả lời bất cứ ai hỏi các anh chị em, về nguyên cớ của sự trông cậy trong các anh chị em, cách nhu mì và kính sợ.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch câu này như sau:

“Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dựa vào bản dịch tiếng Trung Quốc đối chiếu với bản dịch tiếng Pháp để dịch. Bản dịch tiếng Trung Quốc được dựa trên bản dịch tiếng Anh Revised Version còn gọi là English Revised Version, là một bản dịch mà phần Thánh Kinh Tân Ước không được dựa trên các bản chép tay Hy-lạp truyền thống, như Bản Dịch King James Version. Trong khi làm công tác hiệu đính và phiên dịch Thánh Kinh Việt Ngữ chúng tôi chọn dùng các bản chép tay Hy-lạp truyền thống, như Bản Dịch King James Version, để làm nền tảng cho phần hiệu đính và phiên dịch Thánh Kinh Tân Ước. Vì thế, I Phi-e-rơ 3:15 được dịch là: “Hãy tôn Chúa là Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng các anh chị em”, thay vì: “Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình”.

Xét về ý nghĩa thì cả hai câu văn đều có ý nghĩa gần giống nhau, vì Đức Chúa Trời là Thiên Chúa và Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa. Xét về văn mạch thì “Hãy tôn Chúa là Đức Chúa Trời làm thánh trong lòng các anh chị em” có nghĩa là: Hãy tôn Đấng làm chủ của các anh chị em là Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng đã được Đức Chúa Trời ban danh “Đức Chúa Trời” cho Ngài, làm thánh, tức là riêng biệt và cao trọng hơn mọi sự trong lòng các anh chị em.

Thật vậy! Đức Chúa Trời là danh xưng của Đức Chúa Cha, nhưng Ngài đã ban danh xưng Đức Chúa Trời của Ngài cho Đức Chúa Con:

“Và con không ở trong thế gian nữa nhưng họ ở trong thế gian, và con về với Ngài. Lạy Cha Thánh! Xin giữ gìn họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như Chúng Ta. Khi Con còn với họ trong thế gian, Con đã giữ họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho Con. Con đã giữ họ và không một ai trong họ bị hư mất, trừ đứa con của sự hư mất, để Thánh Kinh được ứng nghiệm.” (Giăng 17:11-12).

Sự kiện Đức Chúa Trời ban danh “Đức Chúa Trời” của Ngài cho Đức Chúa Jesus Christ đã được tiên tri từ trước khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người và được nhắc lại sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh và thăng thiên:

“Hỡi Thiên Chúa /Ê-lô-him/, ngai của Ngài còn đời đời không dứt; vương trượng của Ngài là vương trượng công chính! Ngài yêu sự công chính và ghét sự gian ác; cho nên, hỡi Thiên Chúa /Ê-lô-him/, Thiên Chúa /Ê-lô-him/ của Ngài, đã xức dầu cho Ngài bằng dầu vui mừng bên cạnh những người dự phần với Ngài!” (Thi Thiên 45:6-7).

“Nhưng về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời /Thê-ót/! Ngai của Ngài còn tới đời đời. Vương trượng công chính là vương trượng của vương quyền Ngài. Ngài yêu sự công chính và Ngài ghét sự phạm pháp. Bởi cớ ấy, hỡi Đức Chúa Trời /Thê-ót/! Đức Chúa Trời /Thê-ót/ của Ngài xức dầu cho Ngài với dầu vui mừng, bên cạnh những người cùng dự phần của Ngài.” (Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Cả hai danh từ Ê-lô-him (trong tiếng Hê-bơ-rơ) và Thê-ót (trong tiếng Hy-lạp) đều có mạo từ xác định đứng trước để chỉ về danh xưng “Đức Chúa Trời” của Thiên Chúa Ngôi Một, là Đức Chúa Cha. Khi hai danh từ này không có mạo từ xác định đứng trước thì được dùng để chỉ chung danh xưng Thiên Chúa của Ba Ngôi Thiên Chúa, hoặc để gọi các thần linh do Thiên Chúa dựng nên bao gồm các thiên sứ thiện lẫn ác, hoặc được dùng để gọi các tà thần của ngoại giáo.

Con dân Chúa luôn sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc chân thật của bất cứ ai có lòng tìm hiểu về đức tin của mình. Con dân Chúa phải trả lời bằng thái độ hiền hòa với lòng kính sợ Chúa, là Đấng đang hiện diện để chờ xem thái độ và chờ nghe câu trả lời của con dân Chúa. Tuy nhiên, con dân Chúa không tốn phí thời gian quý báu với những kẻ không thật lòng tìm hiểu lẽ thật, mà chỉ mượn cớ để chế giễu đức tin của họ và nói phạm thượng danh Chúa. Lời Chúa dạy rõ:

“Đừng cho chó những đồ thánh, cũng đừng quăng hạt trai mình trước heo, kẻo chúng đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi.” (Ma-thi-ơ 7:6).

Ngay cả với những kẻ theo tà giáo muốn biện luận, con dân Chúa cũng không cần phải tốn thời gian với họ, sau hai lần bày tỏ lẽ thật cho họ:

“Sau khi đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì con hãy tránh xa.” (Tít 3:10).

Còn đối với người ở trong Hội Thánh mà bỏ đi theo tà giáo thì con dân Chúa không cần phải khuyên giải gì nữa hết, mà lập tức dứt thông công. Vì họ đã được học biết lẽ thật ở trong Hội Thánh.

Không ai có thể chiếu ánh sáng vào trong tâm trí của những kẻ cam lòng tình nguyện làm cho mình bị mù thuộc linh. Những kẻ chọn nghe theo tà giáo là những kẻ không có lòng tin vững chắc nơi Lời Chúa hoặc vẫn còn sống trong tội, nhất là tội kiêu ngạo thuộc linh. Chính vì thế mà họ không nghe được tiếng phán dạy của Đức Thánh Linh. Chúng ta chỉ có thể phó thác họ cho sự thương xót của Chúa mà thôi.

16 Hãy có lương tâm, để cho những kẻ nói nghịch các anh chị em như các anh chị em là những kẻ làm ác, họ bị hổ thẹn vì vu khống nếp sống tốt lành của các anh chị em trong Đấng Christ.

Lương tâm là sự tri thức, tức là sự hiểu biết tự nhiên đến từ Thiên Chúa, trong mỗi người. Từ khi loài người sa ngã, phạm tội thì lương tâm cũng bị băng hoại, mà Thánh Kinh gọi là: “tâm thức chai lì” (I Ti-mô-thê 4:2); “tâm thức ô uế” (Tít 1:15); “tâm thức xấu” (Hê-bơ-rơ 10:22). Có lương tâm là có tâm thức đã được làm cho mới lại, vững vàng trong đức tin vào Thiên Chúa và nhận biết các điều răn luật pháp của Ngài.

Người có lương tâm thì luôn làm điều lành, không phạm tội. Chính nếp sống ngay lành, thánh sạch theo Lời Chúa của con dân Chúa làm cho những kẻ vu khống họ bị hổ thẹn.

Nếp sống tốt lành của chúng ta trong Đấng Christ là nếp sống giống như Ngài, không phạm tội, đầy dẫy tình yêu thương.

17 Vì nếu ý muốn của Đức Chúa Trời là như vậy, thì thà các anh chị em làm điều thiện mà chịu khổ, hơn là làm điều ác mà chịu khổ.

Nếp sống tốt lành trong Đấng Christ là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mỗi một con dân Chúa. Vì thế, chúng ta thà phải chịu khổ vì sống tốt lành hơn là chịu khổ vì làm điều ác. Khi chúng ta làm điều lành chúng ta có thể bị khổ vì người thế gian nhưng chúng ta được phước từ Thiên Chúa. Khi chúng ta làm ác, chúng ta sẽ vừa chịu khổ bởi thế gian lẫn chịu khổ vì hình phạt từ Thiên Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/10/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G5368

[2] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G5363

[3] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G5360

[4] https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G26

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.