Chú Giải I Phi-e-rơ 04:01-06 Con Dân Chúa Phải Chịu Khổ Trong Xác Thịt

5,211 views


YouTube: https://youtu.be/pXKe6B13WPE

906015 Chú Giải I Phi-e-rơ 4:1-6
Con Dân Chúa Phải Chịu Khổ Trong Xác Thịt

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Phi-e-rơ 4:1-6

1 Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt cho chúng ta, thì các anh chị em cũng phải trang bị cho chính mình cùng một tâm trí; vì người nào cứ chịu khổ trong xác thịt, thì được dứt khỏi tội lỗi,

2 để còn sống trong xác thịt bao lâu thì không còn theo những sự tham muốn của loài người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa.

3 Trước đây, trong cuộc sống, chúng ta đã theo ý muốn của những người ngoại đủ rồi, mà theo sự phóng đãng, lòng tham muốn, say rượu, thác loạn, ăn nhậu, và thờ lạy hình tượng đáng gớm ghiếc.

4 Họ thấy các anh chị em chẳng cùng họ chạy theo sự cuồng loạn quá mức ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê các anh chị em.

5 Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng phán xét những người sống và những kẻ chết.

6 Vì cớ này mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho những người đã chết: để cho sau khi họ thật sự chịu phán xét theo loài người về xác thịt, thì họ được sống theo Thiên Chúa về tâm thần.

Chúng ta thường được nghe nhiều người rao giảng Tin Lành một cách phiến diện (một nửa mặt, tức là một nửa của sự thật). Họ chỉ rao giảng về tình yêu của Đức Chúa Trời đối với tội nhân mà không rao giảng về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Họ chỉ rao giảng về sự được phước khi tin nhận Tin Lành mà không rao giảng về sự phải chịu khổ sau khi tin nhận Tin Lành. Họ cố ý không nói cho người nghe cái giá phải trả khi tin nhận Tin Lành, như Đức Chúa Jesus Christ đã nói:

Lu-ca 14:25-33

25 Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jesus; Ngài xoay lại cùng họ mà phán rằng:

26 Ai đến với Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em của mình, và chính sự sống của mình, thì người ấy không được làm môn đồ của Ta.

27 Còn ai không vác thập tự giá của mình mà đến, theo sau Ta, thì không được làm môn đồ của Ta.

28 Trong các ngươi có ai là người muốn xây một ngọn tháp, mà trước hết không ngồi tính phí tổn cho biết mình có đủ của để làm xong việc?

29 Nếu không, khi đã xây nền rồi, lại không thể hoàn tất, thì bị mọi người nhìn thấy bắt đầu chê cười,

30 và nói rằng: Người này khởi công xây, mà không thể làm xong được!

31 Hay là có vua nào đi đánh trận nghịch vua khác, mà trước hết không ngồi bàn luận xem, mình đem đi mười ngàn lính thì có thể cự nổi kẻ đem hai mươi ngàn nghịch lại mình không?

32 Nếu không, khi kẻ kia còn ở xa, thì người lo sai sứ giả đi xin giảng hòa.

33 Cũng vậy, nếu ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có, thì không được làm môn đồ của Ta.

Những người rao giảng Tin Lành một cách phiến diện là những người làm hại cho công cuộc rao giảng Tin Lành; đối với Chúa họ là những kẻ làm công gian ác, đối với người họ là những tên lường gạt, dụ dỗ.

Tất cả mỗi người tin nhận Tin Lành, chọn đi theo Đức Chúa Jesus Christ, đều phải chịu khổ trong xác thịt về hai phương diện: Chịu khổ vì bị sự bách hại của thế gian và chịu khổ vì phải chống lại sự tham muốn sai trái của xác thịt.

I Phi-e-rơ 4:1-6 dạy con dân Chúa về phương diện của sự chịu khổ vì phải chống lại sự tham muốn sai trái của xác thịt, để sống theo ý muốn của Thiên Chúa.

1 Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt cho chúng ta, thì các anh chị em cũng phải trang bị cho chính mình cùng một tâm trí; vì người nào cứ chịu khổ trong xác thịt, thì được dứt khỏi tội lỗi,

2 để còn sống trong xác thịt bao lâu thì không còn theo những sự tham muốn của loài người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa.

Cảm tạ ơn Chúa, ngoài lời hứa của Ngài được chép trong I Cô-rinh-tô 10:13:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.”

Thì chính Đức Chúa Jesus Christ là tấm gương chịu khổ trong xác thịt cho chúng ta. Ngài đã vì yêu loài người mà chịu khổ và chịu chết trong xác thịt. Ngài cũng đã chịu sự cám dỗ trong xác thịt như chúng ta nên Ngài hiểu rõ sự chịu khổ trong khi bị cám dỗ. Có người cha hay người mẹ nào từng trải qua một hoàn cảnh đau khổ, nay nhìn thấy con mình cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự mà không hết lòng cứu giúp con mình thoát ra khỏi đó?

“Vì trong sự ấy, chính mình Ngài khốn khổ khi bị cám dỗ hoặc bị thử thách, nên Ngài có thể cứu giúp những ai bị cám dỗ hoặc bị thử thách.” (Hê-bơ-rơ 2:18).

Vì thế, là con dân Chúa, chúng ta phải nhớ đến và học tập gương chịu khổ của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta phải có cùng một tâm trí với Đấng Christ để có thể chịu khổ cho Ngài như Ngài đã chịu khổ cho chúng ta. Từ ngữ “trang bị” được dùng trong câu này cũng là từ ngữ được dùng để nói về việc quân lính trang bị để ra trận. Khi chúng ta có cùng một tâm trí như Đấng Christ thì chúng ta vừa được bảo vệ trong khi chịu khổ mà cũng vừa có năng lực để chịu đựng sự khổ. Kẻ thù có thể làm hại thân thể xác thịt của chúng ta nhưng linh hồn và tâm thần của chúng ta luôn chiếu sáng tình yêu, ân điển, và sự thánh khiết của Thiên Chúa, luôn ở trong sự bình an mà thế gian không thể nhận lãnh cũng không thể hiểu.

Người có thể chịu khổ trong xác thịt thì có thể chấm dứt nếp sống tội lỗi. Chúng ta hãy hình dung ra một người cai ma túy, nếu người ấy có thể chịu khổ trong khi chống lại cơn nghiện, thì người ấy sẽ được thoát khỏi sự nghiện ma túy. Danh động từ “người nào cứ chịu khổ” ở trong thời bất định, hàm ý sự chịu khổ xảy ra trong bất kỳ lúc nào: quá khứ, hiện tại, hay tương lai. Động từ “được dứt khỏi” ở trong thời quá khứ hoàn thành, hàm ý sự được thoát khỏi tội lỗi đã được hoàn tất. Câu: “vì người nào cứ chịu khổ trong xác thịt, thì được dứt khỏi tội lỗi, để còn sống trong xác thịt bao lâu thì không còn theo những sự tham muốn của loài người, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa”; có nghĩa là: một người mà bất kỳ lúc nào cũng chịu khổ trong xác thịt thì người ấy đã không còn ở dưới quyền lực của tội lỗi; ngày tháng còn lại của người ấy trong thân thể xác thịt này sẽ không còn theo những sự tham muốn của loài người, mà chỉ theo ý muốn của Thiên Chúa.

Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta được cứu ra khỏi hậu quả và quyền lực của tội lỗi, và Ngài muốn cho chúng ta hiểu biết lẽ thật, tức là Thánh Kinh (I Ti-mô-thê 2:4), để chúng ta hiểu và vâng theo các điều răn của Ngài. Đức Chúa Jesus Christ muốn cho chúng ta yêu lẫn nhau như Ngài yêu chúng ta, và khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ngài (Giăng 13:34; Ma-thi-ơ 28:19). Đức Thánh Linh muốn cho chúng ta từ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới, và sống bằng năng lực của Thiên Chúa, tức là thánh linh mà Ngài đã ban cho chúng ta (Ê-phê-sô 4:22-32).

3 Trước đây, trong cuộc sống, chúng ta đã theo ý muốn của những người ngoại đủ rồi, mà theo sự phóng đãng, lòng tham muốn, say rượu, thác loạn, ăn nhậu, và thờ lạy hình tượng đáng gớm ghiếc.

“Trước đây, trong cuộc sống” tức là cuộc đời của chúng ta trước khi chúng ta biết Chúa và tin nhận Ngài. Trong cuộc đời cũ ấy, chúng ta hầu như sống theo ý của những người ở ngoài Chúa. Danh từ “những người ngoại” theo nghĩa đen là những người ở ngoài dân I-sơ-ra-ên, theo nghĩa bóng là những người ở ngoài Hội Thánh của Chúa. Thật vậy, trước khi thuộc về Chúa, chúng ta hầu như sống theo ý muốn của những người chung quanh chúng ta, để được họ chấp nhận chúng ta và yêu mến chúng ta. Còn lại là chúng ta sống theo ý riêng của mình, cũng là ý của một người ở ngoài Chúa. Ý muốn của những người ở ngoài Chúa là:

  • Phóng đãng: Buông thả như một người say rượu, không tự kiềm chế trong nếp sống, ngang nhiên hành động để thỏa mãn bất cứ sự ham muốn nào của xác thịt một cách bất chính.
  • Lòng tham muốn: Những ham muốn bất chính, không đúng với Lời Chúa.
  • Say rượu: Sự uống rượu quá mức làm cho không còn tỉnh táo, dẫn đến sự không tự kiềm chế trong lời nói và hành động.
  • Thác loạn: Chiều theo mọi sự tham muốn của xác thịt, bất chấp luật pháp của Thiên Chúa.
  • Ăn nhậu: Tiệc tùng, ăn uống để vui chơi không có ích lợi.
  • Thờ lạy hình tượng đáng gớm ghiếc: Thờ lạy các loại hình tượng do tay người làm ra, là những thứ đã bị Thiên Chúa ngăn cấm.

Ngày nay, nếp sống mới trong Chúa của chúng ta nghịch lại ý muốn của những người ngoại, nên họ ngạc nhiên trước sự thay đổi của chúng ta và chê cười chúng ta:

4 Họ thấy các anh chị em chẳng cùng họ chạy theo sự cuồng loạn quá mức ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm chê các anh chị em.

Tuy nhiên, nếu họ không ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa như chúng ta, thì trong ngày phán xét chung cuộc, họ sẽ phải khai trình trước Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng đã sẵn sàng để phán xét những người sống và những kẻ chết:

5 Nhưng họ sẽ khai trình với Đấng đã sẵn sàng phán xét những người sống và những kẻ chết.

Mệnh đề: “Đấng đã sẵn sàng phán xét” hàm ý, chương trình của Thiên Chúa dành cho loài người đã đi vào giai đoạn cuối. Thiên Chúa qua thân vị Ngôi Lời, trong thân thể xác thịt Đức Chúa Jesus Christ, đã sẵn sàng để phán xét toàn thế gian.

Nhóm chữ: “những người sống và những kẻ chết” là nói đến sự sống và sự chết thuộc thể, tức là sự sống và sự chết của thân thể xác thịt loài người. Thiên Chúa từng hồi, từng lúc phán xét loài người đang khi họ còn sống trong thân thể xác thịt với án phạt là sự chết của thân thể xác thịt: Ngài phán xét toàn thế gian qua Cơn Lụt Lớn. Ngài phán xét thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Ngài phán xét dân Ê-díp-tô qua mười tai vạ và phán xét quân lực Ê-díp-tô trong Biển Đỏ. Ngài phán xét dân I-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Ngài phán xét bảy dân tộc xứ Ca-na-an, dùng dân I-sơ-ra-ên để tiêu diệt họ. Ngài phán xét vương quốc I-sơ-ra-ên và vương quốc Giu-đa… Một ngày không còn bao lâu nữa, Ngài sẽ phán xét toàn Hội Thánh trong ngày Ngài hiện ra giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, những kẻ tin Chúa mà vẫn phạm các điều răn của Chúa sẽ bị bỏ lại; Ngài sẽ phán xét toàn thế gian trong Kỳ Tận Thế, phán xét AntiChrist, Tiên Tri Giả, và ngay cả Sa-tan. Cuối cùng là sự phán xét những kẻ chết như đã được chính Ngài tiên tri trong Khải Huyền 20:11-15.

6 Vì cớ này mà Tin Lành cũng đã giảng ra cho những người đã chết: để cho sau khi họ thật sự chịu phán xét theo loài người về xác thịt, thì họ được sống theo Thiên Chúa về tâm thần.

Đây là một câu Thánh Kinh tạo thành sự tranh cãi Thần học vì sự hiểu của con dân Chúa về câu này rất là khác nhau. Dưới đây là một số quan điểm:

  • Những người đã chết tức là toàn thể loài người đang chết thuộc linh. Quan điểm này khó để cho chúng ta tiếp nhận, bởi vì: (a) theo văn mạch, chữ “những người đã chết” phải hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là nói về cái chết thuộc thể, như được dùng trong câu 5 trước đó; (b) không phải hễ ai nghe giảng Tin Lành thì cũng được sống theo Thiên Chúa về tâm thần.
  • Tất cả những ai đã chết mà chưa có cơ hội nghe Tin Lành. Quan điểm này hoàn toàn nghịch lại Thánh Kinh, vì:

“Những kẻ không luật pháp mà phạm tội, cũng sẽ không luật pháp mà hư mất…” (Rô-ma 2:12).

“Theo như đã định cho loài người: Chết một lần, sau đó là sự phán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27).

Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, một người sau khi chết còn có cơ hội ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, để được cứu.

  • Những người đã chết trong Cơn Lụt Lớn, bị giam trong âm phủ, được chính Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành cho họ, dựa vào I Phi-e-rơ 3:19. Quan điểm này phát xuất từ sự hiểu sai I Phi-e-rơ 3:19. Sự Đức Chúa Jesus Christ trong tâm thần công bố Tin Lành trong âm phủ là công bố cho các thần linh, tức các thiên sứ phạm tội, bị giam trong vực sâu nơi âm phủ (Lu-ca 16:26; II Phi-e-rơ 2:4), không phải cho các linh hồn phạm tội của loài người. Bởi vì, loài người phạm tội sau khi chết thì thể xác về cùng cát bụi còn tâm thần về cùng Đức Chúa Trời: “Rồi, bụi đất sẽ trở về đất y như cũ, tâm thần sẽ trở về với Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.” (Truyền Đạo 12:7). Ngoài ra, như đã nói trên đây, một người sau khi chết thì không còn cơ hội ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, để được cứu.
  • Những người tin Chúa thời Cựu Ước và trước Cựu Ước nhưng chưa nghe giảng Tin Lành, được ở trong Ba-ra-đi trong âm phủ (Lu-ca 16:19-31), được Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành cho họ. Tất cả các thánh đồ thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước được cứu nhờ đức tin vào Đức Chúa Trời, không phải nhờ được nghe giảng Tin Lành. Mặt khác, căn cứ vào lời phán của Đức Chúa Jesus Christ trong Giăng 8:56 mà chúng ta có thể tin rằng, Đức Chúa Trời ban khải tượng về Tin Lành cho các thánh đồ thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước: “Áp-ra-ham, tổ phụ của các ngươi, đã mừng rỡ được nhìn thấy ngày của Ta; người đã thấy và đã vui mừng.” Lời phán của Chúa cho chúng ta thấy, Áp-ra-ham đã có khải tượng về Tin Lành trước khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người để mang Tin Lành đến cho muôn dân.
  • Những người tin Chúa đã chết. Quan điểm này hoàn toàn đúng với Thánh Kinh. Những người đã chết được nói đến ở đây là những người khi còn sống được nghe giảng Tin Lành và đã tin nhận Tin Lành. Về phần xác thịt thì họ vẫn gánh lấy sự phán xét chung của mọi người trong thế gian, là sự chết thể xác; nhưng về phần tâm thần thì họ được sống, nghĩa là linh hồn họ vẫn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần, tiếp tục được tương giao với Thiên Chúa, chờ ngày thân thể xác thịt được phục sinh.

Là con dân Chúa, chúng ta có sự bình an trong đời này và hy vọng về sự sống lại và sự sống đời đời hạnh phúc trong Chúa, sau khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này. Vì thế, những sự chịu khổ để sống thánh khiết theo Lời Chúa trong những ngày tháng còn lại của chúng ta trong thân thể xác thịt này, dù là khổ vì bị thế gian ghét bỏ, bắt bớ, hay khổ vì không chiều theo những ham muốn bất chính của xác thịt, thật chẳng đáng để than phiền.

Chúng ta sẽ trở lại với đề tài chịu khổ một lần nữa, khi chúng ta học đến I Phi-e-rơ 4:12-19.

Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ làm cho chúng ta được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/11/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.