Chú Giải I Phi-e-rơ 04:12-19 Con Dân Chúa Chịu Khổ Trong Xác Thịt…

6,142 views


YouTube: https://youtu.be/acN58w1rXo4

906017 Chú Giải I Phi-e-rơ 4:12-19
Con Dân Chúa Chịu Khổ Trong Xác Thịt
Là Có Phần Trong Sự Thương Khó của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Phi-e-rơ 4:12-19

12 Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.

13 Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.

14 Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.

15 Trong các anh chị em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ vô cớ can dự vào việc của người khác.

16 Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, nhưng hãy vì thế mà tôn vinh Đức Chúa Trời.

17 Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời; và nếu từ chúng ta trước, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?

18 Và nếu người công chính còn khó được cứu, thì những kẻ không tin kính và có tội sẽ như thế nào?

19 Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.

Trong I Phi-e-rơ 4:1-6, Sứ Đồ Phi-e-rơ dạy cho con dân Chúa lẽ thật về sự con dân Chúa phải chịu khổ trong xác thịt vì danh Chúa; tiếp theo đó, từ câu 7-11 ông nhắc nhở con dân Chúa sống thánh khiết chờ ngày Chúa đến; và ông trở lại với đề tài chịu khổ của con dân Chúa từ câu 12-19. Khi chúng ta biết rằng, vào lúc Sứ Đồ Phi-e-rơ viết ra hai lá thư của ông gửi cho Hội Thánh (khoảng năm 66) là thời điểm mà con dân Chúa đang bị bách hại một cách khủng khiếp dưới tay Hoàng Đế Nê-rô của đế quốc La-mã, thì chúng ta mới thấm thía từng câu, từng chữ về lời khuyên chịu khổ trong danh Chúa được chép trong I Phi-e-rơ 4.

Nê-rô lên ngôi hoàng đế của đế quốc La-mã vào ngày 13 tháng 10 năm 54 và tự sát chết vào ngày 9 tháng 8 năm 68. Theo dư luận thời bấy giờ, Nê-rô là người ra lệnh đốt cháy kinh thành La-mã để làm trò vui và lấy chỗ xây dựng một kinh thành mới. Vào đêm 18 tháng 7 năm 64, một cơn hỏa hoạn xảy ra tại khu thương mãi của kinh thành La-mã và lan rộng, kéo dài suốt 6 ngày 7 đêm, thiêu rụi hơn ba phần tư thành phố, giết chết hàng ngàn người. Tin đồn cho rằng Nê-rô là người chủ mưu phóng hỏa khiến cho dân chúng thành La-mã nổi giận, chuẩn bị lật đổ Nê-rô. Vì thế, Nê-rô đã đổ tội cho con dân Chúa là thủ phạm. Ông ra lệnh bắt con dân Chúa, tra tấn dã man, cho phép dân chúng cướp đoạt tài sản của họ, và dùng những cực hình tàn bạo giết họ để mua vui cho dân chúng.

Sử liệu ghi lại rằng, con dân Chúa thời bấy giờ trong đế quốc La-mã đã phải chịu những nhục hình như sau:

  • Bị đánh đập, tra tấn rồi bị đóng đinh vào thập tự giá hay các gốc cây.
  • Bị đánh đập, tra tấn, bị khâu vào những tấm da thú còn tươi rồi đem phơi nắng, để da thú bị khô rút lại, kéo theo sự co rút thân thể của nạn nhân, gây ra đau đớn tột cùng, rồi bị ném cho những bầy chó đói xé xác.
  • Bị đánh đập, tra tấn rồi bị ném vào đấu trường cho thú dữ xé xác.
  • Bị đánh đập, tra tấn rồi bị trói vào các trụ cây, bị tưới chất sáp, chất hắc ín (tar) nóng cháy từ đầu cho chảy xuống toàn thân, rồi bị thiêu sống.
  • Bị đánh đập, tra tấn rồi bị quấn nhiều lớp giấy hay vải tẩm chất sáp hoặc chất hắc ín vào tứ chi, vào thân người, rồi bị trói vào các trụ cây, đốt làm đuốc soi sáng vườn ngự uyển của Nê-rô.

Chắc chắn I Phi-e-rơ 4 đã an ủi, khích lệ, và thêm sức mạnh cho rất nhiều con dân Chúa dưới cơn bách hại dã man của Nê-rô. Ngày nay, khi chúng ta đọc và suy ngẫm phân đoạn này, chúng ta cần so sánh sự chịu khổ của con dân Chúa thời bấy giờ với sự chịu khổ của chúng ta, để thấy rằng, hầu hết trong chúng ta chưa từng chịu khổ đến mức như họ; vì thế, nếu chúng ta không đứng vững trong đức tin trong khi chịu khổ, thì thật là đáng hổ thẹn.

12 Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.

13 Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.

Chịu khổ trong xác thịt vì danh Chúa là bổn phận của con dân Chúa nhưng còn là một đặc quyền, một vinh dự, vì được dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ. Phi-e-rơ bắt đầu câu 12 với tiếng gọi: “Hỡi những người yêu dấu!” Chúng ta có thể tin rằng, đó cũng chính là những lời Đức Chúa Jesus Christ phán với mỗi người trong Hội Thánh. Chúng ta có thể diễn ý câu 12 và 13 như sau:

“Hỡi con yêu dấu! Khi con bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng con có phần trong sự thương khó của Ta bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ta hiện ra, thì con cũng được vui mừng lớn!”

Quý ông bà anh chị em hãy thay thế chữ “con” đầu tiên bằng tên của mình, học thuộc lòng hai câu này, đọc lên mỗi khi đối diện với nghịch cảnh, và lấy đức tin nhận rằng, Đức Chúa Jesus Christ đang phán với mình.

Nhóm chữ: “bị trong lò lửa thử thách” được hiểu là một cách nói so sánh. Nhưng đối với con dân Chúa cùng thời với Phi-e-rơ thì họ thật sự ở trong lò lửa thử thách theo nghĩa đen. Thân xác của họ đã bị thiêu cháy thành tro, quện với chất hắc ín chảy thành những đường dài trên mặt đất. Có những sự thử thách nhẹ và có những sự thử thách nặng. Mỗi người có thể có những thử thách khác nhau và khác với người khác. Những sự thử thách khốc liệt đến nỗi phải trả giá bằng mạng sống để giữ vững đức tin trong Chúa rất xứng đáng để gọi là “lò lửa thử thách”. Danh từ “lò lửa thử thách” cũng khiến cho chúng ta nhớ đến câu chuyện ba thiếu niên là bạn của Đa-ni-ên, được ghi chép trong Đa-ni-ên 3. Tuy nhiên, dù thử thách có khốc liệt đến đâu, dù sự tàn bạo và đau khổ có nhiều gấp bảy lần bình thường (hàm ý: tột đỉnh) thì Chúa vẫn mở đường cho con dân Chúa ra khỏi. Ngài hứa chắc với chúng ta:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Chúa có thể mở đường cho chúng ta bằng cách thêm sức cho chúng ta chịu đựng. Chúa có thể mở đường cho chúng ta bởi sự giải cứu chúng ta bằng phép lạ, như Ngài đã mở Biển Đỏ giải cứu dân I-sơ-ra-ên, vô hiệu hóa sức nóng của lò lửa lớn, không cho lửa làm hại ba người bạn trẻ của Đa-ni-ên, và khiến cho bầy sư tử đói không làm hại Đa-ni-ên khi ông bị kẻ thù hãm hại, khiến ông bị ném vào hang sư tử. Nhưng Chúa cũng có thể mở đường cho chúng ta bằng cách dùng sự chết của cơn bách hại, đem chúng ta vào thiên đàng với Ngài. Vì thế, khi chúng ta ở trong cơn thử thách, chớ kinh ngạc; đó là sự bình thường xảy ra cho con dân Chúa khắp nơi, trong mọi thời đại.

Sự thử thách của con dân Chúa giúp cho con dân Chúa thể hiện đức tin thành hành động, làm sáng danh Chúa trước các thiên sứ, trước loài người, và trước ma quỷ. Sự thử thách rèn luyện đức tin của con dân Chúa và là cơ hội Chúa ban cho để nhờ đó họ được ban thưởng:

“Phước cho những ai bị bách hại vì sự công chính! Vì Vương Quốc Trời là của họ! Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta người ta sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi. Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:10-12).

Nhưng điều quan trọng hơn hết, sự thử thách còn là cơ hội cho con dân Chúa được dự phần trong sự thương khó của Ngài. Mỗi khi chúng ta dự Tiệc Thánh, bánh không men và nước nho đỏ nhắc cho chúng ta nhớ rằng, thân thể vô tội của Chúa đã vì chúng ta mà vỡ ra, máu thánh của Chúa đã vì chúng ta mà đổ ra; đồng thời cũng nhắc chúng ta hãy sẵn sàng tan vỡ thân thể của chính mình, đổ máu của chính mình vì danh Chúa. Lịch sử của Hội Thánh được bắt đầu bằng máu và nước mắt của Đức Chúa Jesus Christ, tiếp tục được viết cho đến trang cuối cùng bằng máu và nước mắt của những ai thật lòng ở trong Đức Chúa Jesus Christ. Bàn tay, bàn chân, và hông của Chúa vẫn mang vết thương vì mỗi ngày thân thể của Chúa trên đất, là Hội Thánh, vẫn đang chịu thương khó! Chúng ta đã nên một với Chúa (Rô-ma 6:5), Ngài là đầu, chúng ta là các phần trong thân thể của Ngài (Ê-phê-sô 1:22; 5:23; Cô-lô-se 1:18). Sự thương khó của mỗi chúng ta chính là sự thương khó của Ngài. Trước khi trở thành sứ đồ của Chúa, Phao-lô là một người bách hại Hội Thánh của Chúa. Ngài đã phán hỏi ông:

“…Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:4; 22:7).

Cảm tạ Chúa về tình yêu của Ngài dành cho Hội Thánh, về sự kết hiệp mầu nhiệm với Ngài mà Ngài đã ban cho Hội Thánh, về sự Ngài đã chọn chúng ta vào trong Hội Thánh của Ngài. Thật! Chúng ta rất vinh dự và được phước có phần trong sự thương khó của Ngài.

Bất cứ ai xưng nhận mình là con dân Chúa mà không đối diện với thử thách, không chịu khổ trong xác thịt vì danh Chúa, thì họ chắc chắn không thuộc về Chúa, không là chi thể trong thân thể của Ngài. Là chi thể của cùng một thân, dù chúng ta không trực tiếp bị bách hại nhưng khi nghe biết đến sự bách hại của các anh chị em khác, thì chúng ta cũng đồng cảm sự đau thương, sỉ nhục với họ; chúng ta phải hết sức cầu thay, an ủi, khích lệ, và chia xẻ mọi nhu cầu vật chất với họ, chăm sóc họ, lên tiếng bênh vực họ, và trong sự cho phép của Chúa, bằng mọi cách giải cứu họ. Chính Chúa dùng chúng ta để mở đường cho họ ra khỏi cơn thử thách.

Đang khi chúng ta ở trong cơn thử thách, hãy vui mừng, cảm tạ, vì biết chắc rằng chính Chúa ở cùng chúng ta trong lò lửa thử thách. Ngài hứa rằng, Ngài ở cùng chúng ta cho đến tận thế! Nhờ biết được sự thử thách mà chúng ta đang chịu là sự chúng ta dự phần trong sự thương khó của Chúa và cũng là cơ hội Chúa ban thưởng cho chúng ta trong ngày Chúa trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, mà chúng ta được an ủi và khích lệ nhiều.

14 Nếu như các anh chị em vì danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì các anh chị em có phước; vì Đấng Thần Linh của sự vinh quang và của Đức Chúa Trời ngự trên các anh chị em [Ê-sai 11:2]. Thực tế, đối với họ, Ngài bị nói phạm thượng; đối với các anh chị em, Ngài được tôn vinh.

Đang khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa thì Đức Thánh Linh bao phủ chúng ta bằng sự vinh quang của Ngài mà ngay cả kẻ thù của chúng ta cũng có thể nhìn thấy; còn về phần chúng ta thì sẽ nhìn thấy Ngài ngự xuống trên thân thể của chúng ta trong giờ phút chúng ta bị bách hại. Chúng tôi tin như vậy vì Lời Chúa dạy như vậy.

Sự vinh quang tuyệt đối là của Thiên Chúa, là sự chiếu ra bản tính của Ngài, tức là chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa. Kẻ thù của chúng ta sẽ nhìn thấy tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa chiếu sáng qua chúng ta. Dù vậy, họ vẫn sẽ nói phạm thượng Đức Thánh Linh. Chính khi chúng ta chịu khổ vì danh Chúa thì Đức Thánh Linh được tôn vinh qua sự chịu khổ của chúng ta, vì qua sự chịu khổ của chúng ta mà vinh quang của Ngài được thể hiện.

Sự bách hại không phải chỉ đến từ những kẻ không tin nhận Thiên Chúa mà còn đến từ những kẻ tin nhận sự thực hữu của Thiên Chúa, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, nhưng không tin nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, không tin nhận thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh. Chính những kẻ ấy bách hại chúng ta vì chúng ta tin nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, tin nhận thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh. Họ là những kẻ nói phạm thượng Đức Thánh Linh hơn cả những kẻ không tin Chúa. Nhưng tạ ơn Chúa. Chính đức tin của chúng ta vào thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh làm tôn vinh Đức Thánh Linh qua sự Ngài thể hiện sự vinh quang của Ngài trên chúng ta và qua chúng ta.

15 Trong các anh chị em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ vô cớ can dự vào việc của người khác.

16 Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn, nhưng hãy vì thế mà tôn vinh Đức Chúa Trời.

Trong thế gian tội lỗi, người gây ra tội và nạn nhân của hành động tội lỗi đều đau khổ. Sự đau khổ bởi tội lỗi đến với cả phần thuộc thể lẫn thuộc linh. Đối với những kẻ gây ra tội, phần lớn sự đau khổ thuộc thể đến với họ khi họ bị luật pháp của loài người hình phạt họ. Ít nhiều gì thì sự đau khổ bởi hình phạt của luật pháp là xứng đáng cho những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, rất nhiều khi luật pháp của loài người lại hình phạt những người sống thánh khiết theo ý Chúa:

“Hễ ai muốn sống cách tin kính trong Đấng Christ Jesus thì sẽ bị bách hại.” (II Ti-mô-thê 3:12).

Con dân Chúa ngoài sự chịu khổ vì luật pháp bất công của loài người còn phải chịu khổ vì sự thù ghét của những người không tin Chúa. Đó là điều đương nhiên. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán:

“Nếu các ngươi vẫn ra từ thế gian có lẽ thế gian vẫn yêu thích sự thuộc về nó; nhưng vì các ngươi không còn ra từ thế gian mà Ta đã chọn các ngươi ra khỏi thế gian, bởi cớ ấy, thế gian ghét các ngươi.” (Giăng 15:19).

Vì thế, hễ còn sống trong thế gian thì chúng ta không thể không bị bách hại. Chúng ta hãy hết lòng cảm tạ và tôn vinh Đức Chúa Trời trong khi chịu khổ vì danh Chúa. Đừng bao giờ chịu khổ vì giết người, vì trộm cướp, vì hung ác, vì vô cớ can dự vào việc của người khác… là những sự chịu khổ làm sỉ nhục danh Chúa.

Nhóm chữ “vô cớ can dự vào việc của người khác” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một danh từ dùng để gọi một người tự ý đứng ra can thiệp, giải quyết, hay phê phán việc của người khác mà mình không có bổn phận và trách nhiệm để hành động như vậy. Thí dụ:

  • Đem việc xấu của một người ra bêu rếu.
  • Đứng ra chịu nợ cho một người trong khi mình không có khả năng trả nợ thay.
  • Con dân Chúa đến nhà một người không tin Chúa, nhìn thấy bàn thờ tổ tiên, tà thần trong nhà của người ấy thì lên tiếng chê trách.

Những hành động lên tiếng trước sự bất công hay ngăn ngừa kẻ gian, kẻ ác phạm tội thì không thuộc loại “vô cớ can dự vào việc của người khác”. Thí dụ:

  • Can thiệp khi nhìn thấy một đứa bé bị nhiều đứa bé khác bắt nạt.
  • Can thiệp khi nhìn thấy một kẻ gian sắp đánh cắp tài sản của người khác.
  • Lên tiếng khi thấy sự bất công xảy ra.

Để có thể sẵn sàng ứng phó với mọi sự, chúng ta cần đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày, vì:

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Nếu không, chúng ta dễ làm theo sự cảm xúc không được kiềm chế và ý riêng, dẫn đến sự phạm tội và sự thiệt hại hoặc chịu khổ không cần thiết.

17 Vì thời kỳ đã đến, là khi sự phán xét bắt đầu từ nhà của Đức Chúa Trời; và nếu từ chúng ta trước, thì sự cuối cùng của những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành của Đức Chúa Trời sẽ ra thế nào?

18 Và nếu người công chính còn khó được cứu, thì những kẻ không tin kính và có tội sẽ như thế nào?

“Thời kỳ đã đến” tức là thời kỳ Đức Chúa Trời phán xét Hội Thánh. Hội Thánh được gọi là nhà của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã phán xét Hội Thánh ngay từ ngày đầu Hội Thánh được thành lập, bắt đầu với A-na-nia và Sa-phi-ra (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-11) và kéo dài cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. I Cô-rinh-tô 11:29-32 nói đến sự Đức Chúa Trời phán xét Hội Thánh và các hình phạt giáng trên thể xác những ai phạm tội trong Hội Thánh.

Nếu Đức Chúa Trời đã ưu tiên, nghiêm khắc phán xét và hình phạt những người thuộc về Ngài, sẵn sàng dứt bỏ kẻ có tội mà không ăn năn, thì phần của những kẻ không tin nhận Tin Lành của Ngài chắc chắn là sự bị hư mất đời đời. Những người đã được Đức Chúa Trời xưng là công chính vì đức tin của họ vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng nếu trở lại sống trong tội vẫn bị hư mất (Hê-bơ-rơ 10:26-27) thì những người không tin nhận Tin Lành chắc chắn là sẽ bị hư mất (Giăng 3:36). Nhóm chữ “khó được cứu” trong nguyên ngữ Hy-lạp vừa có nghĩa là “không dễ” vừa có nghĩa là “hiếm hoi”. Thật vậy, để cứu chuộc loài người, Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời phải từ bỏ vinh quang của Thiên Chúa, nhập thế làm người, chịu khổ, chịu nhục, và chịu chết. Đó là một việc khó thực hiện. Dù tổng số loài người được sinh ra trong thế gian có lẽ lên đến hàng trăm hay hàng ngàn tỉ nhưng số người được cứu rất là ít. Ngay trong thời đại của chúng ta, dân số toàn thế giới trên bảy tỉ người với trên hai tỉ người xưng mình là người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, thế mà chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán:

“…Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Bởi vì trong hơn hai tỉ người tuyên xưng đức tin vào Đấng Christ hiện nay, chỉ có một số rất ít người thật sự có đức tin, tức là sống như Đức Chúa Jesus Christ sống, vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Thiên Chúa. Hầu hết những người xưng nhận mình là con dân Chúa không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Điều răn bị vi phạm nhiều nhất là điều răn thứ tư, cũng là điều răn dài nhất, được Đức Chúa Trời giải thích chi tiết nhất trong Mười Điều Răn, và được nhắc đến nhiều nhất trong Thánh Kinh:

I Giăng 2:3-6

3 Và bởi điều này mà chúng ta biết mình đã biết Ngài: ấy là chúng ta giữ các điều răn của Ngài.

4 Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.

5 Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài.

6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.

Quý ông bà anh chị em chỉ là những người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng lòng thì cách xa Thiên Chúa (Ê-sai 29:13; Ma-thi-ơ 15:8; Mác 7:6), hay là quý ông bà anh chị em là những người thật sự thuộc về Chúa, ở trong Chúa, thể hiện qua sự quý ông bà anh chị em hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, sống như Đức Chúa Jesus Christ đã sống trong thân thể xác thịt? Quý ông bà anh chị em đang vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa hay đang vâng giữ các điều răn của giáo hội, của loài người? Bất cứ ai cố ý không vâng giữ dù chỉ một điều răn trong các điều răn của Thiên Chúa, thì người ấy là kẻ chẳng tin; vì rõ ràng là người ấy không tin điều răn của Ngài, không tin rằng Ngài sẽ hình phạt bất cứ ai vi phạm điều răn của Ngài. Kẻ chẳng tin chính là kẻ gian ác vì chống nghịch lại Đấng Thiện, là Thiên Chúa, qua sự không vâng giữ các điều răn của Ngài. Con dân chân thật của Chúa phải tránh xa những kẻ như vậy, không hội hiệp với họ, không cùng họ thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa:

II Cô-rinh-tô 6:14-18

14 Các anh chị em chớ trở nên mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?

15 Đấng Christ với Bê-li-an có sự hiệp ý gì? Hay là người tin có phần gì với kẻ chẳng tin? [Bê-li-an có nghĩa là không có giá trị hoặc sự ác, kẻ ác; là một danh hiệu dùng cho Sa-tan.]

16 Đền Thờ của Thiên Chúa với đền thờ của các thần tượng có sự đồng thuận gì? Vì các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ ở trong họ và Ta sẽ đi lại giữa họ. Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ta. [Lê-vi Ký 26:11-12; Giê-rê-mi 32:38; Ê-xê-chi-ên 37:27]

17 Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. [Ê-sai 52:11; Giê-rê-mi 51:45] 

18 Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán. [II Sa-mu-ên 7:14]

Những ai vẫn còn đang sinh hoạt trong các giáo hội hãy nhanh chóng bước ra khỏi các giáo hội; hãy sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa, vì lẽ thật của Lời Chúa, để thật sự là con dân của Thiên Chúa. Ngày nào quý ông bà anh chị em còn ở lại trong các giáo hội ngày đó quý ông bà anh chị em vẫn còn kết hiệp với các tổ chức chống nghịch lẽ thật của Lời Chúa. Người thiếu hiểu biết Lời Chúa, không nhận biết sự sai trái của các giáo hội, nhưng thật lòng ăn năn tội, tin nhận Tin Lành, từ bỏ nếp sống tội, thì vẫn có thể được cứu dường như qua lửa (không có phần thưởng). Người đã nhận biết sự sai trái của các giáo hội mà vì một lý do nào đó vẫn không chịu bước ra, thì chắc chắn sẽ mất phần ân điển cứu rỗi, bị hư mất đời đời, vì người như vậy là kẻ tham lam hoặc kẻ hèn nhát sẽ bị ném vào hồ lửa! (Khải Huyền 21:8).

19 Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.

Chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời tức là chịu khổ theo tiêu chuẩn và sự dạy dỗ của Thánh Kinh, vì ý muốn của Đức Chúa Trời đã được giãi bày cho chúng ta trong Thánh Kinh. Trong cuộc sống thực tế, chắc chắn Đức Thánh Linh sẽ phán dạy trực tiếp cho mỗi người về ý muốn của Đức Chúa Trời dành riêng cho người ấy. Nhưng, để có thể nhận được ý muốn của Đức Chúa Trời dành riêng cho chúng ta, thì trước hết chúng ta phải hết lòng vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời như đã được ghi chép trong Thánh Kinh.

Có nhiều người thiếu hiểu biết Lời Chúa hoặc là hiểu sai Lời Chúa mà chịu khổ vì danh Chúa không theo ý Chúa. Trong các cuộc bách hại con dân Chúa vào thế kỷ thứ nhất, có nhiều con dân Chúa thay vì bỏ trốn khi bị bách hại theo Lời Chúa dạy, thì lại tỏ mình ra trước những kẻ bách hại để bị bắt, bị tra tấn, và bị giết. Nếu không phải Đức Thánh Linh trực tiếp chỉ thị cho chúng ta nộp mình cho những kẻ bách hại chúng ta, thì bổn phận của chúng ta khi bị bách hại là bỏ trốn, bảo vệ thân thể của chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa:

“Khi nào người ta bách hại các ngươi trong thành này, thì hãy trốn qua thành kia…” (Ma-thi-ơ 10:23).

Mệnh lệnh này của Chúa không chỉ áp dụng trong trường hợp chúng ta bị bách hại vì đức tin mà ngay cả trong trường hợp khi chúng ta bị kẻ gian tấn công mà chúng ta không thể tự vệ, khi bị người ác bức hiếp, như trong trường hợp chồng đánh đập vợ, cha mẹ đánh đập con cái cách dã man. Đó cũng chính là “khôn khéo như những rắn” theo lời dạy của Đức Chúa Jesus Christ (Ma-thi-ơ 10:16).

Trong Giáo Hội Công Giáo thì có những dòng tu ép xác, những tu sinh tự đày đọa thân thể của mình: nhịn đói, nhịn khát, chịu lạnh, chịu thiếu ngủ, chịu mặc quần áo rách rưới, chịu nằm trên gai, tự đánh đòn thân thể của mình… mà hủy hoại Đền Thờ của Thiên Chúa.

Tất cả những sự chịu khổ, chịu chết theo ý riêng, hoặc không bỏ trốn sự bách hại theo Lời Chúa dạy đều là tội lỗi.

Phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín có nghĩa là phó sự cứu rỗi, sự sống đời đời của mình trong bàn tay của Đấng đã dựng nên mình, đã hứa sự cứu rỗi, sự sống đời đời cho mình; vì Ngài sẽ làm thành mọi lời hứa của Ngài, trong đó có lời hứa Ngài sẽ không để cho bất cứ một sự thử thách hay cám dỗ nào quá sức chịu đựng của chúng ta và Ngài luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi; dù có thể con đường ra khỏi là sự chết của thể xác! Chúng ta chỉ cần hết lòng làm lành, tức là sống theo ý Chúa, vâng phục các điều răn của Thiên Chúa như đã được ghi chép và giảng dạy trong Thánh Kinh, sốt sắng vâng theo mọi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh được phán truyền trong tâm thần của chúng ta.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/12/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.