Chú Giải I Phi-e-rơ 05:01-06 Bổn Phận của Các Trưởng Lão và Các Bạn Trẻ

5,178 views


YouTube: https://youtu.be/ONq82fpFWtI

906018 Chú Giải I Phi-e-rơ 5:1-6
Bổn Phận của Các Trưởng Lão và Các Bạn Trẻ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Phi-e-rơ 5:1-6

1 Tôi gửi lời khuyên này cho các trưởng lão trong các anh chị em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ và cũng có phần về sự vinh quang sẽ hiện ra.

2 Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng;

3 chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy.

4 Khi Đấng làm đầu những người chăn hiện ra, các anh chị em sẽ được mão vinh quang, chẳng hề tàn héo.

5 Cũng vậy, các bạn trẻ hãy vâng phục các trưởng lão. Mọi người hãy vâng phục lẫn nhau, mặc cho mình sự khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho những người khiêm nhường.

6 Vậy, hãy hạ mình dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, để đến thời điểm thì Ngài sẽ nhấc các anh chị em lên.

Trong I Phi-e-rơ 5, Sứ Đồ Phi-e-rơ đặc biệt khuyên các trưởng lão và những người trẻ trong Hội Thánh, trước khi ông gửi đến Hội Thánh chung ba lời khuyên quan trọng và kết thúc lá thư.

1 Tôi gửi lời khuyên này cho các trưởng lão trong các anh chị em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ và cũng có phần về sự vinh quang sẽ hiện ra.

Mặc dù Phi-e-rơ là một trong những sứ đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus Christ, được các sứ đồ khác xem như là huynh trưởng và Hội Thánh xem ông là sứ đồ trưởng, và là người đầu tiên được chính Chúa trao quyền và chức vụ chăn bầy, nhưng khi ông nói về bổn phận chăn bầy với các trưởng lão, ông không dùng thẩm quyền nào cả, mà ông chỉ đưa ra một lời khuyên. Bởi vì, Phi-e-rơ không phong chức chăn bầy hay truyền chức chăn bầy cho các trưởng lão, mà ông chỉ là một người chăn bầy do chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho chức vụ, do Đức Thánh Linh ban cho năng lực và giao trách nhiệm như họ. Ông không áp đặt điều lệ hay nội quy gì của chính ông trên các trưởng lão. Ông không buộc họ phải tôn ông làm trưởng và phải báo cáo mục vụ với ông. Ông biết rất rõ, chính Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đi lại giữa các Hội Thánh địa phương và là Đấng trực tiếp nắm giữ các trưởng lão của các Hội Thánh địa phương; còn ông chỉ là bạn cùng phụng sự Chúa trong công tác chăn bầy với họ. Sứ Đồ Giăng đã ghi lại lẽ thật ấy trong Khải Huyền 1:12-20.

Giáo Hội Công Giáo tôn Phi-e-rơ làm giáo hoàng đầu tiên của giáo hội là điều áp đặt vô lý cho ông; bởi vì Phi-e-rơ không hề xưng nhận chức vụ “giáo hoàng” (vua của giáo hội, vua tôn giáo); ông cũng không hề xưng nhận danh xưng “cha” trong Hội Thánh thì nói gì đến danh xưng “Đức Thánh Cha”. Ngoài ra, mãi đến ngày 27 tháng 2 năm 380 Giáo Hội Công Giáo mới được thành lập thì làm sao Sứ Đồ Phi-e-rơ có thể là giáo hoàng đầu tiên của giáo hội? [1]. Còn trong Hội Thánh Chân Thật của Chúa (không phải các giáo hội mang danh Chúa do loài người lập ra) thì Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh, như Thánh Kinh đã công bố:

“Bắt muôn vật phục dưới chân Đấng ấy và ban cho Đấng ấy làm đầu Hội Thánh trong mọi sự.” (Ê-phê-sô 1:22).

“Vì chồng là đầu của vợ, như Đấng Christ là đầu của Hội Thánh, và Ngài là Đấng Giải Cứu của thân thể.” (Ê-phê-sô 5:23).

“Ngài là đầu của thân thể, của Hội Thánh; Đấng có lúc ban đầu; con đầu lòng từ những kẻ chết; để trong mọi sự Ngài trở nên đứng đầu.” (Cô-lô-se 1:18).

Đức Chúa Trời là Đấng lập ra các chức vụ trong Hội Thánh:

“Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.” (I Cô-rinh-tô 12:28).

Đức Chúa Jesus Christ là Đấng ban cho các chức vụ cho một số người trong Hội Thánh:

“Đấng đã xuống cũng là Đấng đã lên trên hết các tầng trời, để Ngài làm cho đầy dẫy mọi sự. Thực tế, Ngài đã cho một số làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy…” (Ê-phê-sô 4:10-11).

Đức Thánh Linh là Đấng ban ân tứ và giao trách nhiệm cho những người nhận chức vụ:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh chị em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Mặc dù Phi-e-rơ là một trưởng lão như những trưởng lão khác trong Hội Thánh, nhưng ông và các sứ đồ khác của Chúa là các trưởng lão có vinh dự được nhìn thấy Chúa và sờ chạm Ngài, được nghe Ngài trực tiếp dạy dỗ đang khi Ngài ở trong thân thể xác thịt, và là chứng nhân cho sự thương khó và sự chết của Ngài. Có thể nói, Phi-e-rơ và các sứ đồ học cách chăn bầy trực tiếp từ nơi Đức Chúa Jesus Christ, qua mục vụ của Ngài. Vì thế, lời khuyên của ông là một lời khuyên đến từ kinh nghiệm thực tế mà ông có được với Đấng đứng đầu những người chăn bầy, là một lời khuyên quý giá, đáng cho các trưởng lão trong mọi thời đại ghi nhớ và thực hành.

Khi Phi-e-rơ xưng mình là “người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ và cũng có phần về sự vinh quang sẽ hiện ra”, có lẽ ông hàm ý rằng: Trong quá khứ ông đã chứng kiến sự đau đớn của Chúa và ông đã dự phần trong sự đau đớn ấy, nhưng trong tương lai ông sẽ nhìn thấy sự vinh quang của Chúa và cũng sẽ dự phần trong sự vinh quang của Ngài. Sự dự phần trong sự đau đớn của Chúa và sự dự phần trong sự vinh quang của Ngài không phải chỉ dành riêng cho những trưởng lão, mà là tiếng gọi và sự ban cho chung mà bất cứ con dân chân thật nào của Chúa cũng được nhận lãnh. Vì khi chúng ta làm một với Chúa trong sự thương khó và sự chết của Ngài thì chúng ta cũng làm một với Chúa trong sự sống lại và sự vinh quang của Ngài (Rô-ma 6:3-5).

Có thể nói, chức vụ trưởng lão chính là chức vụ chăn bầy, mặc dù trong các trưởng lão có người được Chúa biệt riêng để chuyên về công việc cho con dân Chúa ăn thức ăn thuộc linh, tức là chuyên việc giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh và hướng dẫn con dân Chúa áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống. Một Hội Thánh địa phương có thể có nhiều trưởng lão cùng nhau chăm sóc, chăn dắt con dân của Chúa. Không một Hội Thánh địa phương nào mà không có trưởng lão. Dù một Hội Thánh địa phương chỉ có hai ba người thì Chúa vẫn chọn một người trong số họ làm trưởng lão, để chăn dắt các người còn lại. Chính Chúa dạy rằng: Nơi nào có hai ba người nhóm lại trong danh Chúa thì có sự hiện diện của Ngài (Ma-thi-ơ 18:20). Vì thế, dù trong một địa phương chỉ có hai ba con dân Chúa nhóm lại, thì đó cũng chính là sự nhóm hiệp của Hội Thánh. Trong sự nhóm hiệp đó, Chúa sẽ dùng một người giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh.

Trong một Hội Thánh địa phương có nhiều trưởng lão thì các trưởng lão cùng nhau chăn dắt con dân của Chúa, cùng nhau giảng dạy Lời Chúa, mặc dù Chúa có chọn ra một trong các trưởng lão để chuyên về việc cho chiên ăn. Không có chuyện “thầy chăn trưởng”, “thầy chăn phó”, hay “phụ tá thầy chăn” (mục sư trưởng, mục sư phó, phụ tá mục sư), mà các trưởng lão đều có thẩm quyền và trách nhiệm ngang nhau. Riêng người được Chúa ban cho chức giám mục thì làm công việc đại diện cho Hội Thánh trước thế gian và giám sát các sinh hoạt của Hội Thánh.

Tiếp theo, trong I Phi-e-rơ 5:2-3 là lời khuyên của Sứ Đồ Phi-e-rơ dành cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi và ban cho chức vụ chăn bầy:

2 Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng;

3 chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy.

Thánh Kinh gọi Hội Thánh là:

  • Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống (I Ti-mô-thê 3:15), có nghĩa là Hội Thánh thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Chúa Trời muốn dựng nên Hội Thánh và muốn Hội Thánh cai trị toàn bộ sự sáng tạo của Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus Christ dựng nên Hội Thánh, ban sự sống cho Hội Thánh, và cùng làm việc với Hội Thánh để hoàn thành các ý muốn của Thiên Chúa. Đức Thánh Linh ban năng lực và ân tứ cho Hội Thánh, dẫn dắt Hội Thánh, dạy dỗ Hội Thánh, liên tục thánh hóa Hội Thánh bằng Lời của Thiên Chúa.
  • Hội Thánh của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 1:2; 10:32; 11:16, 22; 15:9; II Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:4), có nghĩa là hội của những người được biệt riêng ra để vui hưởng Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài.
  • Hội Thánh của Đấng Christ (Rô-ma 16:16), có nghĩa là hội của những người được kết hiệp làm một với Đấng Christ, thuộc về Đấng Christ, đồng trị với Đấng Christ.

Trước hết, Phi-e-rơ xác nhận rằng bầy của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, ở giữa vòng những người được gọi làm trưởng lão. Phi-e-rơ dùng danh từ “bầy” với hình thức số ít, có nghĩa là chỉ có một bầy mà thôi. Trong Giăng 10:16 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ, như sau:

“Và những chiên khác mà Ta có nhưng không thuộc về chuồng này, Ta cũng phải dẫn chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Ta và sẽ thành một bầy, một người chăn.”

Lúc bấy giờ Đức Chúa Jesus Christ đang phán với những môn đồ người I-sơ-ra-ên. Từ ban đầu, dân I-sơ-ra-ên là bầy chiên của đồng cỏ Thiên Chúa (Thi Thiên 79:13; 100:3), nhưng sẽ đến một thời điểm Đức Chúa Jesus Christ sẽ đem những chiên khác chưa thuộc về bầy, từ các dân tộc khác, nhập vào bầy I-sơ-ra-ên. Sự kiện những người được cứu chuộc từ trong muôn dân trên đất được hiệp làm một với dân I-sơ-ra-ên thành một bầy chiên của Thiên Chúa, là Hội Thánh, còn được Thánh Kinh xác nhận trong Rô-ma 11 và trong hai câu sau:

“Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus.” (Ga-la-ti 3:28).

“Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Vì thế, các trưởng lão trong Hội Thánh có nhiệm vụ chăn dắt Hội Thánh chung của Đức Chúa Trời ở giữa họ. Họ vừa là trưởng lão có bổn phận với Hội Thánh tại địa phương họ cư trú mà cũng vừa có bổn phận với Hội Thánh chung ở khắp nơi; nghĩa là: các trưởng lão trong Hội Thánh có bổn phận cùng nhau chăn dắt Hội Thánh chung của Chúa. Lời Chúa ví như máu, là sự sống của thân thể; các trưởng lão trong Hội Thánh ví như hệ thống mạch máu đem máu đến từng chi thể. Hệ thống mạch máu đem máu đến từng chi thể như thế nào thì các trưởng lão cũng mang Lời Sự Sống của Thiên Chúa đến từng con dân Chúa như thế ấy.

Động từ “chăn bầy” trong nguyên ngữ của tiếng Hy-lạp là “cho bầy ăn”. Cho bầy ăn tức là cho con dân Chúa trong Hội Thánh được ăn uống thức ăn thuộc linh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Người chăn bầy của Chúa cần có ba đức tính sau đây:

  • Chăn bầy chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng.
  • Chăn bầy chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng.
  • Chăn bầy không bởi sự áp đặt thẩm quyền nhưng bởi sự làm gương tốt cho bầy.

Chăn bầy chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng: Người chăn chân thật thì vui sướng và hãnh diện khi được Chúa ban cho chức vụ. Người ấy yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu bầy của Chúa hơn cả chính mình. Người ấy tình nguyện và sẵn sàng trả mọi giá để chăn dắt bầy của Chúa. Trong thực tế, Chúa chỉ giao chức vụ chăn bầy cho những ai yêu Chúa trên hết mọi sự (Giăng 21:15-17). Chỉ có những ai thật lòng yêu Chúa trên hết mọi sự thì mới có thể yêu bầy của Chúa, chăm sóc bầy của Chúa, và hy sinh cho bầy của Chúa như chính Chúa.

Ngày nay, các giáo hội mang danh Chúa đào tạo và phong chức cho hàng loạt người vào chức vụ chăn dắt con dân Chúa theo cách thức xã hội đào tạo và phong chức cho các ngành nghề. Những người như vậy, chỉ là những kẻ làm thuê:

“Kẻ làm thuê chẳng phải là người chăn và bầy chiên không thuộc về nó; nếu thấy chó sói đến, thì nó bỏ bầy chiên mà chạy; chó sói bắt lấy bầy và làm cho bầy chiên tản lạc. Kẻ làm thuê bỏ chạy, vì nó là kẻ làm thuê, chẳng quan tâm đến bầy chiên.” (Giăng 10:12-13).

Chăn bầy chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng: Người chăn chân thật thì sẵn sàng hy sinh mọi sự, để chăn dắt bầy chiên của Chúa, lòng không hề nghĩ đến việc kiếm lợi qua công việc chăn bầy. Dĩ nhiên, công việc chăn bầy chắc chắn đem đến niềm vui và các ơn phước thuộc thể lẫn thuộc linh cho người chăn, và đó là những lợi chính đáng. Nhưng nếu ai chăn bầy của Chúa mà muốn qua đó được nổi danh, được kính nể, được tiền bạc, của cải, phương tiện… thì đó là người chăn bầy vì lợi dơ bẩn. Có thể nói, người nào nhận công việc chăn bầy của Chúa mà ra điều kiện phải có tiền lương và các phúc lợi như: nhà, xe, bảo hiểm y tế… thì người ấy chỉ là kẻ làm thuê. Người chăn chân thật biết rõ Chúa gọi mình và trao chức vụ chăn bầy cho mình. Người ấy bước đi trong đức tin và hoàn toàn trông cậy nơi Chúa là Đấng đã phán: “người làm việc thì xứng đáng với thức ăn của người ấy” (Ma-thi-ơ 10:10). Người ấy không bao giờ đặt ra một điều kiện gì với Chúa hay với bầy chiên của Chúa.

Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa lại có một số người sẵn sàng bỏ ra tiền bạc, của cải để được làm “mục sư”. Họ không tìm lợi về tiền bạc, của cải nhưng họ tìm kiếm danh tiếng, muốn được người ta tôn xưng mình là “mục sư”. Họ chẳng phải là những người chăn thật nhưng cũng chẳng phải là những kẻ chăn thuê. Họ chỉ là những cỏ lùng được ma quỷ gieo vào trong thế gian. Tương tự như vậy là những trưởng lão và chấp sự trong các giáo hội do loài người phong chức.

Chăn bầy không bởi sự áp đặt thẩm quyền nhưng bởi sự làm gương tốt cho bầy: Người chăn chân thật nhận chức vụ, ân tứ, và thẩm quyền chăn bầy từ Thiên Chúa; nhưng người ấy thi hành chức vụ bằng cách giảng dạy đúng Lời Chúa và sống theo lời mình giảng dạy, để làm gương cho bầy, chứ không bằng cách áp đặt thẩm quyền, ra lệnh cho con dân Chúa phải làm những điều mà chính bản thân mình thì không làm. Sứ Đồ Phao-lô, cũng là một người chăn, đã ghi lại những lời sau đây:

“Bởi vì, dù cho các anh chị em có hàng vạn người giám hộ trong Đấng Christ nhưng chẳng có nhiều cha. Vì trong Đấng Christ Jesus, tôi đã bởi Tin Lành mà sinh ra các anh chị em. Vậy, tôi khuyên các anh chị em: Hãy là những người bắt chước tôi!” (I Cô-rinh-tô 4:15-16).

“Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

Người chăn chân thật không đi phía sau bầy, dùng gậy thúc đẩy bầy tiến lên; nhưng đi phía trước bầy để kịp thời đối phó với mọi nguy hiểm, bảo vệ bầy, và để bầy theo mình. Người chăn thật chỉ dùng quyền Chúa ban để kỷ luật, sửa phạt những con chiên có lỗi mà không nhận lỗi, không ăn năn.

Bầy của Chúa, tức là Hội Thánh, chính là cơ nghiệp của Chúa, do Ngài dựng nên và cai trị. Những trưởng lão được Chúa ban cho thẩm quyền, để theo ý Ngài mà cai trị Hội Thánh bằng cách giảng dạy lẽ thật của Lời Chúa và làm gương cho Hội Thánh trong mọi sự. Nói cách khác, Chúa cai trị Hội Thánh qua các trưởng lão. Vì thế, Hội Thánh phải kính trọng và vâng phục các trưởng lão, nếu họ không hành xử sai nghịch Lời Chúa.

4 Khi Đấng làm đầu những người chăn hiện ra, các anh chị em sẽ được mão vinh quang, chẳng hề tàn héo.

Phần thưởng dành cho những trưởng lão là mão vinh quang đời đời. Thánh Kinh không nói chi tiết về mão này nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, đó chính là biểu tượng của chức vụ trưởng lão đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Đây không phải là địa vị trưởng lão của 24 trưởng lão được nói đến trong Khải Huyền 4, nhưng là địa vị trưởng lão dưới quyền của 24 trưởng lão ấy. Chi tiết về 24 trưởng lão trong Khải Huyền 4 đã được trình bày trong bài giảng “031 Chú Giải Sách Khải Huyền 4:1-11” [2]. Ý nghĩa về các mão đã được trình bày trong ba bài giảng về “Mão Triều Thiên” và đã đăng trên www.timhieutinlanh.net [3], [4].

5 Cũng vậy, các bạn trẻ hãy vâng phục các trưởng lão. Mọi người hãy vâng phục lẫn nhau, mặc cho mình sự khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho những người khiêm nhường.

Trạng từ (phó từ) “cũng vậy” có nghĩa là cũng cùng ba đức tính: vui lòng, không vì lợi dơ bẩn, không áp đặt thẩm quyền của mình, mà những người trẻ trong Hội Thánh vâng phục các trưởng lão. Danh từ “các bạn trẻ” vừa có nghĩa đen là trẻ về tuổi đời, vừa có nghĩa bóng là trẻ về kinh nghiệm theo Chúa. Một người có thể đã già về tuổi đời nhưng chỉ là một em bé mới được sinh ra trên phương diện thuộc linh. Sự trưởng thành thuộc linh không dựa vào số năm theo Chúa mà dựa vào lòng kính sợ, yêu thương, và vâng phục Chúa của một người. Ăn uống và tiêu hóa, rồi vận động qua sự làm việc, khiến cho xác thịt của chúng ta lớn lên và khỏe mạnh thế nào, thì sự ăn uống và tiêu hóa thức ăn thiêng liêng qua sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa, rồi cẩn thận làm theo, cũng khiến cho chúng ta lớn lên và khỏe mạnh phần thuộc linh như thế ấy.

Trong Hội Thánh của Chúa, mọi người bình đẳng và một số người được Chúa ban cho quyền cai trị Hội Thánh; nhưng mọi người phải khiêm nhường mà vâng phục lẫn nhau. Ngay cả những trưởng lão cũng phải vâng phục một em bé nếu em bé nói và làm đúng theo Lời Chúa.

Thí dụ: Nếu có trưởng lão nào vì tư vị hay vì một lý do nào đó, vẫn giữ thông công với một người đã bị Hội Thánh dứt thông công, bị một thiếu nhi trong Hội Thánh bắt gặp. Cháu ấy nói: “Thưa bác, Lời Chúa dạy là chúng ta không được thông công với người đã tin Chúa nhưng trở lại phạm tội mà không ăn năn. Hội Thánh đã dứt thông công người ấy rồi, sao bác vẫn còn thông công với người ấy?” Thì người trưởng lão có lỗi phải lập tức hạ mình, ăn năn, xưng tội với Chúa, và cám ơn cháu thiếu nhi đã được Chúa dùng để nhắc nhở mình.

Mỗi một lời nói phải, hiệp Thánh Kinh, ra từ bất cứ một người nào, ngay cả từ một người say rượu với mục đích nhạo báng Chúa, chúng ta đều phải tiếp nhận như là lời nói ấy đến từ Chúa. Chúng ta không chấp nhận thái độ say rượu và nhạo báng Chúa của người nói; nhưng chúng ta chấp nhận lẽ thật của Lời Chúa. Một người say rượu ném một viên kim cương xuống đất, giày đạp nó và rủa sả nó, không hề làm mất đi đặc tính và giá trị của viên kim cương. Nếu chúng ta tin rằng: “mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài” (Rô-ma 8:28), thì chúng ta phải tin rằng, chính Chúa dùng mọi người, mọi hoàn cảnh để đem Lời Chúa đến với chúng ta: hoặc là quở trách, hoặc là nhắc nhở, hoặc là dẫn dắt, giải đáp nghi vấn, hoặc là an ủi, khích lệ… chúng ta. Thái độ phải có của chúng ta đối với mỗi một lời nói hiệp với Thánh Kinh, là hạ mình tiếp nhận như chính Chúa đang phán với chúng ta, và hết lòng vâng theo.

Càng muốn được ơn của Chúa chừng nào thì chúng ta càng phải khiêm nhường chừng nấy; còn nếu chúng ta kiêu ngạo thì chúng ta phạm tội và tự mình mở đường cho ma quỷ lợi dụng để tấn công chúng ta. Một sự kiêu ngạo dù nhỏ đến đâu, cũng đủ sức để dẫn chúng ta đến sự hư mất đời đời, nếu chúng ta không ăn năn kịp lúc. Mà không riêng gì tội kiêu ngạo, bất cứ một tội nào, dù nhỏ đến đâu cũng có thể khiến cho chúng ta bị hư mất. “Đừng khinh lỗ nhỏ vì lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. “Một chút men làm dậy cả đống bột” (I Cô-rinh-tô 5:6). “Một khu rừng lớn có thể bị đốt cháy bởi một ngọn lửa nhỏ” (Gia-cơ 3:5).

Đức Chúa Trời là Đấng chống cự những kẻ kiêu ngạo và nguyên cớ dẫn đến sự sa ngã của Sa-tan lẫn loài người là lòng kiêu ngạo. Sa-tan kiêu ngạo, muốn hơn Đức Chúa Trời. Loài người kiêu ngạo, muốn bằng Đức Chúa Trời. Lời mời gọi của Đức Chúa Jesus Christ dành cho mọi người:

“Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:29).

Hãy ghi nhớ lẽ thật này:

“Sự kiêu ngạo đi trước sự bại hoại; và tinh thần tự cao đi trước sự sa ngã.” (Châm Ngôn 16:18).

Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa Toàn Năng nhập thế làm người, không hề phạm tội, nhưng Ngài là một người nhu mì và khiêm nhường; còn chúng ta là ai mà lại lên mình kiêu ngạo và tự cao?

6 Vậy, hãy hạ mình dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, để đến thời điểm thì Ngài sẽ nhấc các anh chị em lên.

“Hạ mình dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời” có nghĩa là vâng phục Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối. Sự vâng phục ấy thể hiện qua việc chúng ta cẩn thận làm theo mọi điều răn của Thiên Chúa, như đã chép trong Thánh Kinh. Thời điểm Ngài nhấc chúng ta lên trước hết là những lúc Ngài bênh vực, bảo vệ chúng ta, và khiến chúng ta được tôn vinh trước loài người ngay khi chúng ta đang còn ở trong thân thể xác thịt yếu đuối này; kế tiếp là ngày mà thân thể xác thịt của chúng ta được sống lại hoặc được biến hóa trong vinh quang, để chúng ta nhận cơ nghiệp đời đời đã sắm sẵn cho chúng ta.

Động từ “nhấc lên” trong nghĩa bóng là làm cho được tôn cao và vinh quang. Thật vậy, nếu chúng ta trung tín hạ mình dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ nhấc chúng ta lên và đặt chúng ta ngồi chung với Đức Chúa Jesus Christ trong các tầng trời:

“Ngài làm cho chúng ta cùng sống lại và đặt chúng ta cùng ngồi trong các tầng trời, trong Đấng Christ Jesus, để trong các thời đại sẽ đến, Ngài sẽ tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, trong sự từ ái của Ngài, hướng về chúng ta trong Đấng Christ Jesus.” (Ê-phê-sô 2:6-7).

Nguyện Đức Chúa Jesus Christ cất khỏi chúng ta mọi sự kiêu ngạo và tự cao, mà mặc cho chúng ta sự nhu mì và khiêm nhường của chính Ngài. Nguyện Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự khôn sáng, thông sáng hiểu biết Lời Chúa, và năng lực làm theo Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/12/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc đế quốc Đông La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc đế quốc Tây La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn đế quốc La-mã, thành lập Giáo Hội Công Giáo La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380:

http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.

[2] http://kytanthe.net/?p=139

[3] https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/102_sucuuroivuongquoctroi

[4] http://www.timhieutinlanh.net/?p=196

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.