Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 02:13-20 Sự Trung Tín của Những Người Tin Nhận Tin Lành Là…

3,054 views


YouTube: https://youtu.be/MzdKoc_b29E?si=CUFTy4jZegllTtsJ

Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-20
Sự Trung Tín của Những Người Tin Nhận Tin Lành
Là Mão Vinh Quang của Người Rao Giảng Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13-20

13 Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự các anh chị em đã tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời mà các anh chị em đã nghe từ chúng tôi. Các anh chị em đã tiếp nhận, không như lời của loài người, mà thật như Lời của Thiên Chúa. Lời ấy tác động trong các anh chị em, là những người tin.

14 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em đã trở nên những người bắt chước các Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, tại xứ Giu-đê. Vì các anh chị em cũng đã chịu khổ bởi những người cùng xứ với mình, cũng như chính họ đã chịu khổ bởi những người Do-thái,

15 là những người đã giết Đức Chúa Jesus và các tiên tri của họ, đã bách hại chúng tôi, không đẹp lòng Thiên Chúa, và thù nghịch mọi người,

16 cấm chúng tôi giảng cho các dân ngoại để các dân ấy được cứu, cứ luôn làm đầy những tội lỗi của họ. Nhưng cơn giận đã đến trên họ, cho đến cuối cùng.

17 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về phần chúng tôi, ít lâu nay, đã phải xa mặt nhưng không cách lòng với các anh chị em. Chúng tôi đã nôn nả càng hơn, khao khát thật nhiều được thấy mặt các anh chị em.

18 Vì vậy, đã hai lần, chúng tôi, nhất là tôi, Phao-lô, muốn đến với các anh chị em; nhưng Sa-tan thật đã ngăn trở chúng tôi.

19 Vì sự trông cậy, hoặc sự vui mừng, hoặc mão vinh quang của chúng tôi là gì? Chẳng phải là các anh chị em cũng được đứng trước Đức Chúa Jesus của chúng ta, trong sự đến của Ngài sao?

20 Vì các anh chị em là sự vinh quang và sự vui mừng của chúng tôi.

Có ai trong chúng ta chưa từng kinh nghiệm sự thỏa lòng sau khi gắng sức làm một điều gì đó và thu được kết quả tốt? Nhà nông sau nhiều tháng cày, cấy, chăm sóc ruộng đồng cách vất vả sẽ rất thỏa lòng trước kết quả bội thu trong mùa gặt. Người lực sĩ sau nhiều năm tập luyện, kiêng cữ kham khổ sẽ rất thỏa lòng khi đạt được giải huy chương vàng của thế vận hội. Người rao giảng Tin Lành cũng rất thỏa lòng khi sự liều mình, chịu khổ của họ trong mục vụ khiến cho nhiều người được cứu và trung tín trong đức tin. Nhà nông hay người lực sĩ thỏa lòng khi nhận được kết quả tốt cho chính bản thân mình, nhưng người rao giảng Tin Lành thỏa lòng khi người khác nhận được kết quả tốt qua công khó của mình.

13 Bởi vậy, chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự các anh chị em đã tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời mà các anh chị em đã nghe từ chúng tôi. Các anh chị em đã tiếp nhận, không như lời của loài người, mà thật như Lời của Thiên Chúa. Lời ấy tác động trong các anh chị em, là những người tin.

Tin Lành là tin tức tốt lành về sự Đức Chúa Trời yêu thương loài người, ban cho loài người cơ hội được thoát khỏi hình phạt đời đời trong hỏa ngục, vì vi phạm Mười Điều Răn của Ngài. Tin Lành ấy đã được Lời của Đức Chúa Trời tiên tri trong Cựu Ước và giãi bày trong Tân Ước. Rao giảng Tin Lành tức là rao giảng Lời của Đức Chúa Trời.

Chỉ khi chúng ta rao giảng Lời của Đức Chúa Trời thì một người mới có thể thật sự được cứu, vì Lời của Đức Chúa Trời:

  • Có năng lực sáng tạo: Bảy lời phán của Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật (Sáng Thế Ký 1).

Chúng nó cố ý không nhận biết rằng, có các tầng trời xưa kia, và đất ra từ nước, ở giữa nước, là bởi Lời của Đức Chúa Trời.” (II Phi-e-rơ 3:5).

  • Có năng lực ban sự sống vì là Lời sống:

“Này là sự an ủi của tôi trong cơn hoạn nạn của tôi: Ấy là Lời của Ngài làm cho tôi được sống lại. (Thi Thiên 119:50).

“Vì Lời của Đức Chúa Trời sống và năng động; sắc hơn bất cứ gươm hai lưỡi nào; đến nỗi xuyên thấu và phân chia cả linh hồn, tâm thần, các khớp xương và tủy; xem xét những tư tưởng và những ý định của lòng. (Hê-bơ-rơ 4:12).

Ngoài ra, Lời của Đức Chúa Trời còn có năng lực hủy diệt:

“Ngài được khoác áo đã nhúng trong máu và tên Ngài được xưng là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời.” (Khải Huyền 19:13).

“Từ miệng Ngài ra một thanh gươm bén và Ngài dùng nó để đánh hạ các quốc gia. Ngài sẽ cai trị chúng bằng một cây gậy sắt. Ngài sẽ giày đạp thùng ép nho làm rượu của cơn thịnh nộ dữ dội của Đức Chúa Trời Toàn Năng.(Khải Huyền 19:15).

Đức Chúa Jesus Christ là “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời”, nghĩa là Đấng phán ra mọi ý muốn của Đức Chúa Trời. Vào cuối bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, Ngài sẽ giáng lâm trên đất, lời phán ra từ miệng Ngài sẽ như một thanh gươm bén, tiêu diệt tất cả những ai không tin nhận Tin Lành.

Chính vì Phao-lô và Si-la rao giảng Tin Lành theo Lời của Đức Chúa Trời mà dân chúng tại thành Tê-sa-lô-ni-ca đã tiếp nhận lời rao giảng của họ như tiếp nhận Lời của Đức Chúa Trời. Vì thực tế, Tin Lành mà họ rao giảng chính là Lời của Đức Chúa Trời.

Cũng chính vì thế mà những ai tại Tê-sa-lô-ni-ca tin nhận Tin Lành đều được Tin Lành tác động trong họ, để cứu họ, và tái sinh họ thành những người mới trong Đức Chúa Jesus Christ, như Rô-ma 1:16 đã khẳng định: Tin Lành của Đấng Christ “là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin”!

Ngày nay, mỗi người trong chúng ta đều là người rao giảng Tin Lành. Chúng ta hãy xét lại lòng mình xem, chúng ta có rao giảng Tin Lành một cách ngay thẳng, đầy đủ hay không? Chúng ta luôn ghi nhớ câu tục ngữ tây phương: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa của sự thật thì không còn là sự thật”. Nếu chúng ta rao giảng Tin Lành mà chỉ nói đến những ơn phước Chúa ban cho một người tin nhận Tin Lành, nhưng không nói đến cái giá phải trả khi tin nhận Tin Lành, thì chúng ta đã không rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, mà chỉ rao giảng lời của chính mình và cố ý gạt người nghe.

Không chỉ khi chúng ta rao giảng Tin Lành, mà bất cứ khi chúng ta nói ra điều gì, thì chúng ta cũng phải nói như đang nói Lời của Thiên Chúa, vì chúng ta là thân thể của Đấng Christ và Đấng Christ đang sống trong chúng ta (Ga-la-ti 2:20). Thật vậy! Lời Chúa dạy rằng:

Nếu có ai nói thì hãy nói như nói Lời của Thiên Chúa. Nếu có ai phục vụ thì hãy làm như nhờ sức mạnh mà Đức Chúa Trời ban, để Đức Chúa Trời, là Đấng được sự vinh quang và quyền phép cho tới đời đời, được vinh hiển trong mọi sự qua Đức Chúa Jesus Christ. A-men.” (I Phi-e-rơ 4:11).

Có như thế, lời nói của chúng ta sẽ tác động người nghe, không bởi sự khéo nói mà bởi năng lực của Thiên Chúa trong lẽ thật của Lời Ngài.

Khi Tin Lành được rao giảng cách chân thật thì có năng lực dựng nên mới người tin nhận và ban sự sống mới cho người ấy. Đó là quyền năng sáng tạo và ban sự sống của Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng nếu ai nghe mà không tin nhận, thì chính lời rao giảng Tin Lành sẽ trở thành chứng cớ để phán xét người ấy. Đó là quyền năng hủy diệt của Lời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cần ghi nhớ điều quan trọng này. Một người phải vào hỏa ngục vì không tin nhận Tin Lành chứ không phải vì đã phạm ra những tội lỗi kinh khiếp. Trong hỏa ngục, người ấy sẽ bị hình phạt về mỗi tội lỗi người ấy đã làm ra. Nhưng người ấy bị vào trong hỏa ngục và bị hình phạt vì người ấy chối bỏ Tin Lành, chối bỏ sự cứu rỗi ra khỏi hỏa ngục và ra khỏi hình phạt của tội lỗi.

14 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em đã trở nên những người bắt chước các Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, tại xứ Giu-đê. Vì các anh chị em cũng đã chịu khổ bởi những người cùng xứ với mình, cũng như chính họ đã chịu khổ bởi những người Do-thái,

Cơn bách hại đầu tiên xảy đến cho Hội Thánh là ngay tại thành Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận, tức xứ Giu-đê, mà Sứ Đồ Phao-lô, khi còn mang tên Sau-lơ, đã tích cực dự phần. Cơn bách hại ấy được ghi lại từ Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 5, và người tử Đạo đầu tiên là Chấp Sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7). Phao-lô là một trong những người chứng kiến sự chết của Ê-tiên và chính ông đã bách hại các Hội Thánh trong xứ Giu-đê một cách tàn khốc. Chẳng những vậy, Phao-lô còn xin công lệnh từ thầy tế lễ thượng phẩm để đi đến thành Đa-mách, bách hại con dân Chúa tại đó. Chính trong khi ông đi đường đến thành Đa-mách, ông đã được gặp Chúa và trở thành môn đồ của Ngài (Công Vụ Các Sứ Đồ 8 và 9).

Vào thời điểm Phao-lô viết thư cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca thì con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca cũng đang kinh nghiệm sự bắt bớ từ những người theo Do-thái Giáo. Chính Phao-lô và Si-la bị họ truy đuổi từ thành Tê-sa-lô-ni-ca cho đến thành Bê-rê, và cuối cùng, ông phải trốn khỏi thành Bê-rê.

Con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca chịu khổ vì bị bách hại bởi những người cùng xứ, như con dân Chúa tại xứ Giu-đê. Những người cùng xứ ấy là những người Do-thái, theo Do-thái Giáo. Điều này nói lên một thực tế hiển nhiên là: Con dân Chúa luôn chịu sự bách hại của những người cùng xứ. Vào thế kỷ 19, nhà truyền giáo người Anh, Hudson Taylor (22/05/1832 – 03/06/1905), trong 51 năm thi hành mục vụ truyền giáo, ông đã thiết lập được hơn 300 trung tâm rao giảng Tin Lành trên khắp đất nước Trung Quốc. Mỗi khi một trung tâm được thành lập thì ngay tại địa phương, dân chúng nổi loạn để chống đối [1].

Sự bách hại của thế gian đối với Hội Thánh và công cuộc rao giảng Tin Lành của Hội Thánh sẽ ngày càng gia tăng, và ngày càng khốc liệt, vì ma quỷ biết rằng, chúng nó sẽ không còn bao nhiêu thời gian nữa, trước khi Vương Quốc của Đức Chúa Trời được thiết lập trên đất. Hội Thánh vẫn có thể phải chịu khổ một thời gian ngắn, liền trước khi được Chúa cất ra khỏi thế gian. Đó là sự chịu khổ được nói đến trong Khải Huyền 2:10. Có thể đó là sự chịu khổ của một số Hội Thánh địa phương, những nơi mà chính quyền bách hại và cho phép dân chúng bách hại con dân Chúa.

15 là những người đã giết Đức Chúa Jesus và các tiên tri của họ, đã bách hại chúng tôi, không đẹp lòng Thiên Chúa, và thù nghịch mọi người,

16 cấm chúng tôi giảng cho các dân ngoại để các dân ấy được cứu, cứ luôn làm đầy những tội lỗi của họ. Nhưng cơn giận đã đến trên họ, cho đến cuối cùng.

Những người Do-thái theo Do-thái Giáo bách hại Hội Thánh vào thời Phao-lô cũng chính là những người dự phần trong sự giết chết Đức Chúa Jesus Christ, giết chết các tiên tri Chúa sai đến với họ, bách hại Phao-lô và các bạn của ông, và thù nghịch những ai tin nhận Tin Lành. Nhóm chữ “thù nghịch mọi người” hàm ý: thù nghịch tất cả những ai tin nhận Tin Lành. Chẳng những họ cấm Phao-lô và các bạn của ông rao giảng Tin Lành giữa dân Do-thái, mà còn cấm không cho Phao-lô và các bạn của ông rao giảng Tin Lành giữa các dân ngoại. Công Vụ Các Sứ Đồ 21 và 22 ghi lại sự kiện Phao-lô bị dân Do-thái bắt tại thành Giê-ru-sa-lem. Khi ông lên tiếng bênh vực cho sự giảng Tin Lành của mình, tuyên bố Đức Chúa Trời đã sai ông đến với các dân ngoại ở xa, thì dân Do-thái đã giận dữ, kêu lên: “Hãy cất kẻ như vậy khỏi đất! Vì nó chẳng đáng sống!” (Công Vụ Các Sứ Đồ 22:22).

Theo văn mạch và ngữ pháp Hy-lạp, thì câu: “những người Do-thái là những người đã giết Đức Chúa Jesus và các tiên tri của họ” cũng có nghĩa là: “những người Do-thái là dân tộc đã giết Đức Chúa Jesus và các tiên tri của họ”. Cũng cùng văn mạch và ngữ pháp ấy mà đại danh từ “họ” trong câu: “Nhưng cuối cùng thì cơn giận đã đến trên họ” vừa chỉ về những người trực tiếp bách hại Phao-lô và các bạn của ông, vừa chỉ về cả dân tộc Do-thái.

Tội lỗi luôn luôn dẫn đến tội lỗi. Khi chúng ta phạm một tội mà không ăn năn thì tất cả những gì chúng ta làm sau đó, đều bị nhiễm tội, kể cả sự thờ phượng Chúa của chúng ta. Chính vì thế mà Thiên Chúa đã phán:

“Làm thịt một con bò, cũng như giết một người; tế bằng một con chiên con, cũng như bẻ cổ một con chó; dâng của lễ chay, cũng như dâng máu heo; đốt hương cũng như tôn vinh thần tượng. Phải! Chúng nó đã chọn các đường lối của chúng nó, linh hồn của chúng nó vui thỏa trong những sự gớm ghiếc của chúng nó, (Ê-sai 66:3).

Khi tội lỗi đã trọn thì sinh ra sự chết!” (Gia-cơ 1:15). Tội lỗi đã trọn là lúc người phạm tội đã hoàn toàn cứng lòng, không thể nào ăn năn. Có sự tội lỗi đã trọn của một người, kết thúc bằng sự chết của người ấy. Có sự tội lỗi đã trọn của một dân tộc, kết thúc bằng sự dân tộc ấy bị hủy diệt. Có sự tội lỗi đã trọn của một Hội Thánh địa phương, kết thúc bằng sự Chúa dẹp bỏ Hội Thánh ấy, gọi là cất chân đèn khỏi chỗ của nó (Khải Huyền 2:5)!

Cơn giận của Đức Chúa Trời chính là sự Đức Chúa Trời thể hiện sự công chính của Ngài qua hình phạt, khi sự thánh khiết của Thiên Chúa bị xúc phạm. Sự thánh khiết của Thiên Chúa bị xúc phạm khi Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cùng với Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ và điều răn biệt mình nên thánh của Đức Thánh Linh bị vi phạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Giăng 13:34; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29). Người không tin Chúa phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, con dân Chúa có thể phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời lẫn điều răn của Đức Chúa Jesus Christ và điều răn của Đức Thánh Linh, là hai điều răn dành cho Hội Thánh.

Câu: “Nhưng cơn giận đã đến trên họ, cho đến cuối cùng”, là nói về cơn giận của Đức Chúa Trời, tức là sự hình phạt của Ngài. Sự hình phạt ấy đã đến trên cá nhân những người Do-thái trực tiếp dự phần trong việc giết các tiên tri, giết Đức Chúa Jesus Christ, và bách hại Hội Thánh của Chúa, nhưng cũng đến trên cả dân tộc Do-thái, khi họ mượn tay chính quyền La-mã, đóng đinh Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá! Sự hình phạt ấy đã kéo dài gần 2.000 năm nay, và sẽ tiếp tục cho đến cuối cùng, là khi lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 được ứng nghiệm.

Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta. Sau hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta sống lại. Ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy. Chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.” (Ô-sê 6:1-2).

Đối với Thiên Chúa, một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày (II Phi-e-rơ 3:8). Sau hai ngàn năm bị Đức Chúa Trời hình phạt, dân Do-thái sẽ được Ngài phục hồi. Kính mời quý con dân Chúa đọc và nghe bài giảng “Ô-sê 6:1-2 và Kỳ Tận Thế” [2].

17 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về phần chúng tôi, ít lâu nay, đã phải xa mặt nhưng không cách lòng với các anh chị em. Chúng tôi đã nôn nả càng hơn, khao khát thật nhiều được thấy mặt các anh chị em.

Từ khi Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê phải rời khỏi Tê-sa-lô-ni-ca, thì họ đều nhớ đến con dân Chúa tại đó. Chúng ta có thể hình dung ra cảnh Phao-lô ngồi may hoặc vá lều trại, Si-la và Ti-mô-thê có mặt bên cạnh, phụ giúp ông, và cả ba cùng nhắc đến con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca, rồi cùng ngưng tay cầu thay cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Người đời có câu: “Xa mặt, cách lòng”, nghĩa là không thường xuyên gặp mặt nhau thì sẽ quên nhau. Nhưng trong Chúa thì lại là: “đã phải xa mặt nhưng không cách lòng với các anh chị em”. Đó là vì, trong Chúa, tất cả chúng ta là chi thể của một thân, liên kết với nhau cách mầu nhiệm trong tình yêu của Đấng Christ, có cùng một thần trí, gọi là thần trí của Đấng Christ. Thần trí của Đấng Christ là thần trí yêu kính Đức Chúa Trời, vâng phục Đức Chúa Trời, hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời, yêu lẫn nhau bằng tình yêu của Đức Chúa Trời, cùng nhau sống theo Lời của Đức Chúa Trời, cùng nhau hầu việc Đức Chúa Trời, và cùng nhau vui thỏa trong Đức Chúa Trời.

Trong thực tế, chúng ta kinh nghiệm rằng, dù có nhiều người trong chúng ta chưa gặp mặt nhau, nhưng chúng ta lại yêu thương, quý mến lẫn nhau và cảm giác thật là gần nhau. Tình yêu và sự thông công trong Chúa không bị ngăn trở bởi thời gian và không gian. Dù vậy, sự được gần nhau và thấy mặt nhau vẫn là điều đáng khao khát. Cảm tạ Chúa! Một ngày không còn lâu nữa, chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

18 Vì vậy, đã hai lần, chúng tôi, nhất là tôi, Phao-lô, muốn đến với các anh chị em; nhưng Sa-tan thật đã ngăn trở chúng tôi.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng: Đức Chúa Trời cho phép mọi sự xảy ra. Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan và các thiên sứ phạm tội, gọi chung là ma quỷ, được hành động trong thế gian để thử thách loài người.

Khi Sa-tan, một trong các thiên sứ trưởng, kéo theo nhiều thiên sứ dưới quyền, phản nghịch Thiên Chúa, thì Đức Chúa Trời với sức toàn năng của Ngài, có thể tiêu diệt các thiên sứ phạm tội trong nháy mắt. Nhưng nếu Đức Chúa Trời hành động như vậy, thì những thiên sứ còn lại và loài người sẽ không bao giờ học được bài học về sự gian ác tận cùng của tội lỗi. Đức Chúa Trời có cho phép tội lỗi xảy ra thì các thiên sứ và loài người mới thể hiện được quyền tự do lựa chọn. Có tự do lựa chọn thì lòng kính yêu và vâng phục mới là trọn vẹn.

Trong khoảng 6.000 năm qua, thế gian là bãi chiến trường thuộc linh mà cũng là nơi thử nghiệm loài người. Đức Chúa Trời dùng ma quỷ để thử nghiệm loài người và Hê-bơ-rơ đoạn 11 ghi lại danh sách một số người đã chiến thắng những sự cám dỗ và bách hại của ma quỷ. Các thiên sứ trung tín với Thiên Chúa đã chứng kiến sự gian ác, tàn độc của tội lỗi qua ma quỷ và loài người, khiến cho họ càng ghê sợ tội lỗi và trung tín với Thiên Chúa càng hơn.

Hai công việc chính của ma quỷ là: Cám dỗ loài người phạm tội và ngăn cản việc rao giảng Tin Lành. Ma quỷ biết Thiên Chúa đã tiên tri về sự: cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến, thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu. Vì thế, một mặt ma quỷ ngăn cản sự rao giảng Tin Lành, để cho số dân ngoại được cứu không thể nào đầy trọn; một mặt ma quỷ tìm cách hủy diệt dân tộc I-sơ-ra-ên. Đối với sự rao giảng Tin Lành, ma quỷ vừa bách hại Hội Thánh vừa tạo ra các tôn giáo mang danh Chúa nhưng giảng dạy tà giáo. Đối với dân I-sơ-ra-ên thì ma quỷ khích động sự căm thù của 12 chi phái dân Ả-rập nghịch lại dân I-sơ-ra-ên, để dân Ả-rập nổi lên, tiêu diệt dân I-sơ-ra-ên.

Ma quỷ chỉ cần thành công một trong hai điều ấy, thì chứng minh được Thiên Chúa không toàn năng và không thành tín. Mà nếu Thiên Chúa không toàn năng và không thành tín thì Ngài không có tư cách hình phạt Sa-tan.

Phao-lô không nói rõ là Sa-tan đã hai lần dùng phương cách gì để ngăn trở ông và các bạn của ông về thăm Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Nhưng Sa-tan có thể tạo ra bệnh tật, tai nạn, chiến tranh, và sự bách hại… để gây cản trở cho công việc rao giảng Tin Lành và sự thông công của con dân Chúa. Thậm chí, Sa-tan có thể ngăn trở các thiên sứ được Thiên Chúa sai đến giúp đỡ chúng ta, cho đến khi Thiên Sứ Trưởng Mi-chen can thiệp, như đã được ghi lại trong Đa-ni-ên 10.

19 Vì sự trông cậy, hoặc sự vui mừng, hoặc mão vinh quang của chúng tôi là gì? Chẳng phải là các anh chị em cũng được đứng trước Đức Chúa Jesus của chúng ta, trong sự đến của Ngài sao?

20 Vì các anh chị em là sự vinh quang và sự vui mừng của chúng tôi.

Sự trông cậy, sự vui mừng, và mão vinh quang được nói đến ở đây liên quan đến công tác rao giảng Tin Lành. Người rao giảng Tin Lành trông cậy có nhiều người nghe và tin nhận Tin Lành; trông cậy những ai đã tin nhận Tin Lành thì được lớn lên trong sự hiểu biết Lời Chúa, vững vàng trong đức tin, trung tín cho đến chết, được có mặt trong ngày Đấng Christ trở lại, đem Hội Thánh vào trong thiên đàng. Khi các sự trông cậy đó trở thành sự thật thì đó là sự vui mừng của người rao giảng Tin Lành. Mão vinh quang tiêu biểu cho phần thưởng. Chắc chắn là Đức Chúa Jesus Christ sẽ ban thưởng xứng đáng cho những người hết lòng, hết sức rao giảng Tin Lành. Nhưng phần thưởng nổi bật nhất đối với người rao giảng Tin Lành chính là sự vui mừng khi nhìn thấy những người tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của mình, cùng có mặt với mình trong ngày Đấng Christ hiện ra giữa chốn không trung để đón Hội Thánh.

Kính thưa Hội Thánh!

Chúng tôi xin mượn lời này của Phao-lô để nói với Hội Thánh: “Vì các anh chị em là sự vinh quang và sự vui mừng của chúng tôi,” chúng tôi tha thiết mong rằng tất cả những ai được nghe chúng tôi giảng Tin Lành, được học Lời Chúa với chúng tôi, đều sẽ cùng có mặt với chúng tôi trong ngày vinh quang, phước hạnh, khi Đấng Christ đến, để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

Cảm tạ Chúa! Ngài đang thanh tẩy Hội Thánh từ nam ra bắc, để chuẩn bị cho sự đến của Ngài. Chúng ta hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà hiệp một, khuyên giữ nhau giữ mình thánh sạch và sốt sắng hầu việc Chúa trong những ngày cuối cùng này.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta! A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/05/2017

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] “The Christian Movement in China (1911): https://od.lk/f/MV8xNTQ3ODExNDFf

[2] https://kytanthe.net/o-se-61-2-va-ky-tan-the/

Karaoke Thánh Ca: Ân Tình Thiên Chúa Ban Cho Trần Gian
https://karaokethanhca.net/an-tinh-thien-chua-ban-cho-tran-gian/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.