Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 02:01-12 Phẩm Chất của Người Rao Giảng Tin Lành

4,099 views


YouTube: https://youtu.be/-G8P3PRpjvg?si=h23ugrtLg9HgBopA

Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12
Phẩm Chất của Người Rao Giảng Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì chính các anh chị em biết rằng, sự chúng tôi đã đến với các anh chị em chẳng phải là vô ích.

2 Dù sau khi bị đau đớn và bị làm nhục tại thành Phi-líp, như các anh chị em đã biết, thì chúng tôi mạnh dạn trong Đức Chúa Trời của chúng ta, cứ rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời cho các anh chị em trong nhiều sự tranh đấu.

3 Vì sự khích lệ của chúng tôi chẳng ra từ sự sai lầm, cũng chẳng ra từ ý không thanh sạch, cũng không bởi sự gian trá;

4 nhưng theo sự Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là đáng tin cậy để giao cho việc giảng Tin Lành. Vậy, chúng tôi nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, Đấng dò xét lòng chúng tôi.

5 Vì, như các anh chị em đã biết, không bao giờ chúng tôi dùng những lời dua nịnh, cũng không bởi lòng tham, có Thiên Chúa chứng cho.

6 Chúng tôi cũng không tìm sự vinh quang đến từ loài người, hoặc từ các anh chị em, hoặc từ ai khác, dù chúng tôi có thể đòi hỏi vì là các sứ đồ của Đấng Christ.

7 Nhưng chúng tôi đã dịu dàng giữa các anh chị em, như một người vú ấp ủ các con của mình.

8 Vậy, vì lòng khao khát yêu thương của chúng tôi đối với các anh chị em, chúng tôi sẵn lòng ban cho các anh chị em không chỉ Tin Lành của Đức Chúa Trời mà cả chính sự sống của chúng tôi nữa, bởi các anh chị em đã trở nên thân thiết với chúng tôi.

9 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì các anh chị em nhớ công lao và sự khó nhọc của chúng tôi, làm việc cả ngày lẫn đêm, để cho khỏi lụy đến một người nào trong các anh chị em, đang khi chúng tôi giảng Tin Lành cho các anh chị em,

10 các anh chị em là những người chứng, và Đức Chúa Trời cũng vậy, rằng chúng tôi đã sống cách thánh sạch và công chính, không chỗ trách được giữa các anh chị em là những tín đồ.

11 Các anh chị em cũng biết rằng, chúng tôi đã khích lệ, khuyên bảo, và làm chứng cho mỗi người trong các anh chị em, như một người cha đối với con cái của mình,

12 để các anh chị em bước đi một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, Đấng đã gọi các anh chị em vào trong vương quốc của Ngài và sự vinh quang.

Khi nói đến người rao giảng Tin Lành chúng ta thường nghĩ đến các sứ đồ ngày xưa và các giáo sĩ hoặc các nhà truyền giáo thời nay. Dĩ nhiên, họ là những người rao giảng Tin Lành, nhưng thực tế, mỗi chi thể trong Hội Thánh cũng đều là một người rao giảng Tin Lành. Chúng ta rao giảng Tin Lành vì đó là mệnh lệnh của Chúa ban cho cả Hội Thánh, được ghi chép trong Ma-thi-ơ 28:18-20.

Có một số người lý luận rằng, mệnh lệnh của Chúa trong Ma-thi-ơ 28:18-20 chỉ dành cho 11 sứ đồ mà thôi. Nếu lý luận như vậy thì chẳng lẽ sau khi 11 sứ đồ qua đời sẽ không còn ai rao giảng Tin Lành? Thực tế, Chúa sai 11 sứ đồ đi qua xứ Ga-li-lê để nhóm hiệp với con dân Chúa tại Ga-li-lê, có hơn 500 người, theo I Cô-rinh-tô 15:6, để sai họ đi khắp thế gian khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa, tức là rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Nhưng cho dù Chúa chỉ phán truyền mệnh lệnh ấy cho 11 sứ đồ, thì từ 11 sứ đồ ấy mà mệnh lệnh của Chúa được truyền lại cho Hội Thánh để Hội Thánh thi hành cho tới ngày Chúa đến. Bởi vì, câu phán của Chúa: “dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi,” đã bao gồm dạy cho họ cái mệnh lệnh: “Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.”

Dĩ nhiên, Chúa sắm sẵn một số người trong Hội Thánh để họ chuyên làm công việc rao giảng Tin Lành. Những người ấy dành nhiều thời gian và công sức để rao giảng Tin Lành cho nhiều người trong nhiều chỗ hơn là những người khác trong Hội Thánh. Chúng ta có thể dùng hình ảnh những người đầu bếp nấu ăn trong các nhà hàng cho hàng trăm, hàng ngàn người ăn, để tiêu biểu cho những người được Chúa giao cho chức vụ rao giảng Tin Lành cho số đông; và chúng ta có thể dùng hình ảnh những người nấu ăn trong mỗi gia đình cho vài người ăn, để tiêu biểu cho những người còn lại trong Hội Thánh vẫn được Chúa giao cho công việc (dù không có chức vụ) rao giảng Tin Lành cho những người chung quanh họ.

Dù là người nấu ăn trong nhà hàng cho hàng trăm hay hàng ngàn người ăn hay chỉ là người nấu ăn trong gia đình cho vài người ăn, thì phẩm chất của một người nấu ăn khéo cũng đều áp dụng cho cả hai. Cũng vậy, dù là người được Chúa ban cho chức vụ rao giảng Tin Lành cho rất nhiều người hay chỉ là người được Chúa giao cho công việc rao giảng Tin Lành cho một ít người lân cận, thì phẩm chất của người rao giảng Tin Lành chân chính vẫn áp dụng cho cả hai.

Chúng ta rao giảng Tin Lành bằng lời nói công bố các lẽ thật về Tin Lành, nhưng chúng ta cũng rao giảng Tin Lành bằng chính nếp sống mới trong Đấng Christ của chúng ta. Thế gian nghe chúng ta nói và nhìn vào nếp sống mới của chúng ta mà nhận biết Tin Lành. Thực tế, thế gian nhìn vào nếp sống của chúng ta để kiểm chứng những lời chúng ta rao giảng.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về mười đức tính phải có của một người rao giảng Tin Lành chân chính, được Đức Thánh Linh dạy cho Hội Thánh qua I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì chính các anh chị em biết rằng, sự chúng tôi đã đến với các anh chị em chẳng phải là vô ích.

Sự Phao-lô và Si-la đến thành Tê-sa-lô-ni-ca không phải là vô ích, vì nhờ đó mà dân thành Tê-sa-lô-ni-ca được nghe rao giảng Tin Lành, được chứng kiến nếp sống của những người thật lòng tin nhận Tin Lành, sống trong Tin Lành, sống cho Tin Lành, và sống vì Tin Lành.

Là con dân Chúa, chúng ta đi đến nơi nào thì chúng ta là muối và sự sáng cho nơi đó (Ma-thi-ơ 5:13-14); chúng ta đem đến cho dân chúng nơi đó Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Muối bảo quản thức ăn được tươi tốt, gia thêm hương vị cho thức ăn, thì tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta đem lại phước hạnh cho những người lân cận chúng ta, dẫn họ đến sự cứu rỗi. Sự sáng soi sáng cho thế gian như thế nào thì lời rao giảng Tin Lành và nếp sống trong Tin Lành của chúng ta soi sáng tâm linh của những người lân cận chúng ta, để họ nhận biết Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, như thế ấy.

2 Dù sau khi bị đau đớn và bị làm nhục tại thành Phi-líp, như các anh chị em đã biết, thì chúng tôi mạnh dạn trong Đức Chúa Trời của chúng ta, cứ rao truyền Tin Lành của Đức Chúa Trời cho các anh chị em trong nhiều sự tranh đấu.

Sự Phao-lô và Si-la bị đau đớn và bị làm nhục tại thành Phi-líp đã được ghi chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16. Sự đau đớn và nhục nhã ấy lại kết quả cứu rỗi cho cả gia đình của người cai ngục. Từ thành Phi-líp Phao-lô và Si-la đã đến thành Tê-sa-lô-ni-ca để rao giảng Tin Lành cho dân thành Tê-sa-lô-ni-ca (Công Vụ Các Sứ Đồ 17).

Công cuộc rao giảng Tin Lành tự nó đã là một sự tranh đấu: tranh đấu với sự dữ và sự chết, tranh đấu với ma quỷ, để đem sự cứu rỗi đến cho những người đang bị hư mất. Ngoài ra, còn phải tranh đấu với những khó khăn, gian khổ về thuộc thể, như Phao-lô đã tâm sự với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô:

…Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Nhiều khi tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Do-thái đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với những anh chị em cùng Cha giả dối; chịu khó, chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói và khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.” (II Cô-rinh-tô 11:23-27).

Ngay tại thành Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô và Si-la cũng bị bắt bớ, đến nỗi Hội Thánh phải đưa Phao-lô và Si-la lánh nạn sang thành Bê-rê. Tại thành Bê-rê, Phao-lô và Si-la tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Lành, và tiếp tục bị bắt bớ, đến nỗi Hội Thánh phải đưa Phao-lô xuống thuyền, vượt biển đến thành A-thên.

Đức tính thứ nhất của người rao giảng Tin Lành là: Mạnh dạn trong Đức Chúa Trời, cho dù phải chịu nhiều đau đớn, sỉ nhục trong khi rao giảng Tin Lành.

3 Vì sự khích lệ của chúng tôi chẳng ra từ sự sai lầm, cũng chẳng ra từ ý không thanh sạch, cũng không bởi sự gian trá;

4 nhưng theo sự Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là đáng tin cậy để giao cho việc giảng Tin Lành. Vậy, chúng tôi nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, Đấng dò xét lòng chúng tôi.

Từ ngữ “sự khích lệ” được dùng trong câu 3, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: khuyến khích và an ủi. Người rao giảng Tin Lành cần khuyến khích người nghe xưng nhận tội lỗi và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời; an ủi những người quá đau lòng vì sự yếu đuối và phạm tội của họ. Người rao giảng Tin Lành cũng cần khích lệ và an ủi những người tin nhận Tin Lành về sự chịu khổ khi theo Chúa.

Tất cả những lời khích lệ, an ủi ra từ môi miệng của người rao giảng Tin Lành phải đúng với Lời Chúa, được nói ra bởi mục đích trong sạch, và được nói ra một cách ngay thẳng, không quanh quẹo, không bóng gió, không làm giảm đi tính cách nghiêm trọng về hậu quả của tội lỗi, không có ý gạt người, giấu giếm cái giá phải trả khi đi theo Chúa. Có như vậy, người rao giảng Tin Lành mới là người đáng tin cậy, không tìm cách lấy lòng loài người mà chỉ sống ngay thẳng để được đẹp lòng Đức Chúa Trời, xứng đáng với thiên chức được giao phó.

Đức tính thứ nhì của người rao giảng Tin Lành là: Đáng tin cậy bởi Đức Chúa Trời và bởi loài người. Rao giảng, khuyên dạy đúng theo Lời Chúa, bởi lòng trong sạch, một cách ngay thẳng.

5 Vì, như các anh chị em đã biết, không bao giờ chúng tôi dùng những lời dua nịnh, cũng không bởi lòng tham, có Thiên Chúa chứng cho.

Lời dua nịnh là lời nói chiều theo ý muốn của người nghe, không đúng với sự nhận định và suy nghĩ của người nói. Lời dua nịnh là một hình thức của sự gian trá. Không dùng những lời dua nịnh là không gian trá, là người đáng tin cậy.

Người đáng tin cậy cũng là người không có lòng tham. Chính lòng tham, cho dù là tham bất cứ điều gì: tham danh, tham lợi, tham quyền, tham sắc đẹp, tham sống… cũng khiến cho người ta trở thành gian trá, không đáng để tin cậy.

Ngày nay, những người rao giảng Tin Lành không chân chính thường lộ rõ bản tính tham lam: tham tiền bạc, tham danh tiếng, đến nỗi mua bằng cấp giả để tỏ ra là mình có học thức, và tham chức quyền trong Hội Thánh, tự phong cho mình đủ các chức vụ.

Đức tính thứ ba của người rao giảng Tin Lành là: Không tham lam, biết thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ (Phi-líp 4:11).

6 Chúng tôi cũng không tìm sự vinh quang đến từ loài người, hoặc từ các anh chị em, hoặc từ ai khác, dù chúng tôi có thể đòi hỏi vì là các sứ đồ của Đấng Christ.

Thánh Kinh không ngăn cản chúng ta tìm kiếm sự vinh quang, nhưng Thánh Kinh cấm chúng ta tìm kiếm sự vinh quang đến từ loài người, dù trong Hội Thánh hay trong thế gian. Là con dân Chúa, chúng ta phải hết lòng tìm kiếm sự vinh quang đến từ Chúa, tức là tìm kiếm sự khen ngợi và sự ban thưởng từ Thiên Chúa.

Nếu người đời hay anh chị em trong Chúa khen ngợi chúng ta, tôn trọng chúng ta vì chúng ta sống thánh khiết trong Chúa, được sự khôn sáng và các ân tứ từ nơi Chúa, kết nhiều quả cho nhà Chúa, thì chúng ta hạ mình, dâng sự vinh quang ấy lên Chúa. Thay vì sống và làm việc để được loài người khen ngợi và tôn kính, chúng ta sống và làm việc để Chúa vui lòng và khen thưởng chúng ta.

Tất cả những ai hết lòng hầu việc Chúa đều đáng để cho Hội Thánh tôn trọng, vì thế mà Phao-lô viết là: “chúng tôi có thể đòi hỏi”. Nhưng bản thân Phao-lô và Si-la đã không làm điều ấy.

Đức tính thứ tư của người rao giảng Tin Lành là: Không tìm kiếm danh tiếng, vinh quang đến từ loài người.

7 Nhưng chúng tôi đã dịu dàng giữa các anh chị em, như một người vú ấp ủ các con của mình.

Từ ngữ “dịu dàng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh chỉ được dùng có hai lần trong Tân Ước. Lần thứ nhất trong câu này và lần thứ nhì trong II Ti-mô-thê 2:24. Các nhà văn Hy-lạp thường dùng từ ngữ này để mô tả sự dịu dàng của một người vú nuôi đối với những đứa trẻ khó tính; hoặc sự dịu dàng của một vị thầy đối với những học sinh ngoan cố; hoặc sự dịu dàng của cha mẹ đối với con cái ngỗ nghịch.

Người vú là người được thuê mướn làm công việc chăm sóc trẻ con, có khi cho chúng bú bằng chính sữa của mình.

Động từ “ấp ủ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là: giữ cho ấm, như gà mẹ ấp trứng; có nghĩa bóng là: chăm sóc cách dịu dàng với tình yêu.

Đức tính thứ năm của người rao giảng Tin Lành là: Dịu dàng, chăm sóc những người tin nhận Tin Lành trong tình yêu.

8 Vậy, vì lòng khao khát yêu thương của chúng tôi đối với các anh chị em, chúng tôi sẵn lòng ban cho các anh chị em không chỉ Tin Lành của Đức Chúa Trời mà cả chính sự sống của chúng tôi nữa, bởi các anh chị em đã trở nên thân thiết với chúng tôi.

Vì lòng khao khát, yêu thương những người tin nhận Tin Lành mà sẵn sàng hy sinh mọi sự, ngay cả sự sống cho họ. Đây là sự đáp ứng mệnh lệnh và lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus Christ:

Đây là điều răn của Ta, là: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau như Ta đã yêu các ngươi. Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình.” (Giăng 15:12-13).

Đức tính thứ sáu của người rao giảng Tin Lành là: Yêu những người tin nhận Tin Lành hơn chính mình, sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống.

9 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì các anh chị em nhớ công lao và sự khó nhọc của chúng tôi, làm việc cả ngày lẫn đêm, để cho khỏi lụy đến một người nào trong các anh chị em, đang khi chúng tôi giảng Tin Lành cho các anh chị em,

Phao-lô xuất thân là một người Pha-ri-si giàu có. Chúng ta không biết ông học nghề may lều trại từ khi nào. Nhưng trong suốt phần đời còn lại của ông, từ sau khi gặp Chúa và được cứu, được Chúa sai làm sứ đồ, thì ông đã đi khắp nơi rao giảng Tin Lành và tự kiếm sống bằng nghề may lều trại. Thời bấy giờ, chỉ có Hội Thánh tại Phi-líp là tích cực yểm trợ ông về mặt vật chất.

Câu nói “làm việc cả ngày lẫn đêm” cho chúng ta thấy, Phao-lô tận dụng thì giờ để làm việc kiếm sống những khi ông không bận rộn rao giảng Tin Lành. Điển hình là khi ông đến thành Tê-sa-lô-ni-ca, ông cũng ngày đêm làm việc kiếm sống để không mang thêm gánh nặng cho con dân Chúa tại đó.

Chúng ta cần phân biệt chức vụ giảng Tin Lành với chức vụ dạy Lời Chúa, cho con dân Chúa ăn nuốt Lời Chúa. Người giảng Tin Lành có thể đi đây, đi đó, tự lực mưu sinh và rao giảng Tin Lành. Nhưng người giảng dạy Lời Chúa, cho con dân Chúa ăn nuốt Lời Chúa thì cần có nhiều thời gian để suy ngẫm Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, rồi mới có thể giảng giải cho con dân Chúa. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Phao-lô, đã kêu gọi con dân Chúa hãy chia xẻ mọi nhu cầu vật chất của mình cho những người giảng dạy Lời Chúa:

Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy của cải mình cho người dạy.” (Ga-la-ti 6:6).

Sự chia hết thảy của cải được nói đến ở đây, không phải là chia tài sản, mà là chia xẻ những gì Chúa ban cho mình, để đáp ứng các nhu cầu vật chất của người giảng dạy Lời Chúa. Cụ thể là: chia quần áo, giày dép, chia chỗ ở, chia thức ăn, thức uống, chia phương tiện di chuyển… hoặc là chia xẻ tiền bạc để người giảng dạy Lời Chúa có thể trang trải cho các nhu cầu ấy.

Đức tính thứ bảy của người rao giảng Tin Lành là: Siêng năng làm việc để tự nuôi mình.

10 các anh chị em là những người chứng, và Đức Chúa Trời cũng vậy, rằng chúng tôi đã sống cách thánh sạch và công chính, không chỗ trách được giữa các anh chị em là những tín đồ.

Từ ngữ “thánh sạch” được dùng trong câu này là một trạng từ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, và chỉ được dùng có một lần trong suốt Tân Ước. Nghĩa của nó là: sống một nếp sống tin kính Thiên Chúa và đúng theo Lời Chúa. Phao-lô và Si-la rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa cho dân chúng thành Tê-sa-lô-ni-ca với lòng tin kính Thiên Chúa và đúng theo Lời Chúa.

Từ ngữ “công chính” được dùng trong câu này là một trạng từ trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, có nghĩa là: sống một nếp sống ngay thẳng, đúng theo công lý, đúng theo luật pháp về đạo đức. Phao-lô và Si-la rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa cho dân chúng thành Tê-sa-lô-ni-ca một cách ngay thẳng, đúng theo công lý, không thỏa hiệp lẽ thật của Lời Chúa với các tư tưởng triết học (dân Tê-sa-lô-ni-ca rất giỏi về triết học), các mê tín dị đoan, hay các tiêu chuẩn đạo đức, truyền thống của thế gian. Hai ông cũng không tìm cách bẻ cong Lời Chúa để mong lời giảng của mình dễ lọt lỗ tai người nghe.

Một người thật sự thánh sạch và công chính thì cả loài người và Đức Chúa Trời đều nhìn thấy. Đức Chúa Trời thì nhìn thấy từ trong lòng của người ấy, nhưng loài người thì chỉ có thể nhìn thấy sự thánh sạch và công chính thể hiện qua: lời nói, cử chỉ, và việc làm.

Phao-lô khẳng định với Hội Thánh tại thành Tê-sa-lô-ni-ca rằng, ông và Si-la đã sống cách thánh sạch và công chính giữa họ và họ cùng Đức Chúa Trời là chứng nhân cho lời tuyên bố của ông. Điều ấy có nghĩa là:

  • Phao-lô và Si-la không thẹn với lòng, vì sự thánh sạch và công chính của hai ông là chân thật, không phải là lời nói và việc làm giả hình bên ngoài để gạt người, và Đức Chúa Trời làm chứng cho hai ông về điều đó.

  • Con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca không thể phủ nhận lời tuyên bố của Phao-lô, vì họ thật sự nhận biết, ông và Si-la thánh sạch và công chính ở giữa họ.

Thánh sạch và công chính, không chỗ trách được còn hàm ý là Phao-lô và Si-la không nói gì hoặc làm gì tạo ra sự hiểu lầm cho con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca. Sự hiểu lầm có thể xảy ra vì Phao-lô và Si-la không đơn sơ đủ, để mọi người hiểu đúng về hai ông; mà cũng có thể là vì con dân Chúa chưa trưởng thành thuộc linh đủ để hiểu đúng về hai ông. Cảm tạ Chúa! Phao-lô, Si-la và con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca đã có mối thông công tuyệt vời, vì hai ông đơn sơ như những con chim bồ câu (Ma-thi-ơ 10:16), không gây hiểu lầm cho con dân Chúa, và con dân Chúa thì trưởng thành thuộc linh nên họ hiểu đúng về lời nói và việc làm của hai ông.

Đức tính thứ tám của người rao giảng Tin Lành là: Thánh sạch. Hết lòng tin kính Chúa và sống theo Lời Chúa.

Đức tính thứ chín của người rao giảng Tin Lành là: Công chính. Sống cách ngay thẳng, đúng theo Lời Chúa, không tư vị, không lừa dối.

11 Các anh chị em cũng biết rằng, chúng tôi đã khích lệ, khuyên bảo, và làm chứng cho mỗi người trong các anh chị em, như một người cha đối với con cái của mình,

12 để các anh chị em bước đi một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, Đấng đã gọi các anh chị em vào trong vương quốc của Ngài và sự vinh quang.

Bên cạnh sự thánh khiết và công chính là tình yêu. Người rao giảng Tin Lành rao giảng một cách thánh khiết và công chính, nhưng luôn luôn rao giảng trong tình yêu. Người ấy luôn nhớ đến sự mình đã được Chúa yêu và cứu như thế nào, để đồng cảm với những người đang sống trong tội, mà hết lòng khích lệ, khuyên bảo, làm chứng cho họ cách dịu dàng trong tình yêu như người cha đối với con cái của mình. Nhờ đó, những người tin nhận Tin Lành được mạnh mẽ, vững vàng, lớn lên trong đức tin, sống đẹp ý Chúa, và kết quả cho Vương Quốc Trời.

Đức tính thứ mười của người rao giảng Tin Lành là: Yêu thương những người tin nhận Tin Lành như cha yêu con.

Vương Quốc Trời là vương quốc đời đời của sự sống, của vinh quang và hạnh phúc. Chúng ta đã được dự phần làm công dân của Vương Quốc Trời. Chúng ta hãy cùng nhau hiệp một, mỗi người một vị trí, một bổn phận trong Hội Thánh, gắng sức rao truyền Tin Lành cho muôn dân, trước hết là cho dân tộc Việt Nam của chúng ta.

Chúng ta hãy hạ mình, khiêm nhường trước Chúa để được đổ đầy phẩm chất của một người rao giảng Tin Lành, cũng chính là phẩm chất của con dân Chúa, để thật sự là những người sống Tin Lành và rao giảng Tin Lành.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/05/2017

Ghi Chú

Karaoke: Về Trong Nước Cha!
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-ve-trong-nuoc-cha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.