Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 03:01-13

3,985 views

Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-13
Tình Yêu của Người Rao Giảng Tin Lành

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Vì không thể chịu đựng được nữa, nên chúng tôi thà ở lại một mình tại A-thên,

2 và gửi Ti-mô-thê, người anh em cùng Cha của chúng ta, người phục vụ của Đức Chúa Trời, người đồng công trong Tin Lành của Đấng Christ, đến, làm cho các anh chị em được vững vàng và khích lệ đức tin của các anh chị em,

3 để không một người nào bị rúng động bởi những sự khốn khó. Vì chính các anh chị em biết rằng, chúng ta đã được định trước cho sự ấy.

4 Vì thật vậy! Khi chúng tôi ở cùng các anh chị em, chúng tôi đã nói trước với các anh chị em rằng, chúng ta sẽ phải chịu sự bách hại, như đã xảy ra và các anh chị em đã biết.

5 Vì vậy, tôi không thể chịu đựng hơn nữa, tôi đã gửi {Ti-mô-thê đi}, để biết đức tin của các anh chị em, biết đâu kẻ cám dỗ đã cám dỗ các anh chị em, mà công khó của chúng tôi trở nên vô ích.

6 Nhưng giờ đây, Ti-mô-thê từ các anh chị em trở về cùng chúng tôi, mang theo tin tốt lành về đức tin cùng lòng yêu thương của các anh chị em. Và rằng, các anh chị em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chúng tôi {ao ước gặp} các anh chị em vậy.

7 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Như vậy, chúng tôi được an ủi trong mọi sự gian nan và khốn khó của chúng tôi bởi đức tin của các anh chị em.

8 Vì hiện nay chúng tôi sống {động}, bởi các anh chị em đứng vững trong Chúa.

9 Lời cảm tạ nào chúng tôi có thể dâng lên Đức Chúa Trời về các anh chị em, vì hết thảy những sự vui mừng mà chúng tôi vui thỏa trước Đức Chúa Trời của chúng ta, vì các anh chị em?

10 Đêm ngày chúng tôi hết sức nài xin để chúng tôi gặp mặt các anh chị em, và gia thêm cho đức tin các anh chị em điều gì còn kém.

11 Nguyện chính Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, dẫn đường chúng tôi đến với các anh chị em!

12 Nguyện Chúa làm cho các anh chị em thêm lên và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người, cũng như chúng tôi đối với các anh chị em vậy,

13 để làm cho vững lòng của các anh chị em, không trách được trong sự thánh khiết trước Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, trong sự Đức Chúa Jesus chúng ta đến với hết thảy các thánh đồ của Ngài!

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTUwMjc0OTdf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9052030-i-te-sa-lo-ni-ca-3_1-13
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/o3t4chaywyi1ph8/9052030_I_Tesalonica_3_1-13.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive:  https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Chúng ta đã học về phẩm chất của người rao giảng Tin Lành trong I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1-12. Đức tính thứ sáu của người rao giảng Tin Lành là: Yêu những người tin nhận Tin Lành hơn chính mình, sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống. Đức tính thứ mười của người rao giảng Tin Lành là: Yêu thương những người tin nhận Tin Lành như cha yêu con. Trong bài này, chúng ta sẽ học biết Phao-lô đã thể hiện hai đức tính ấy như thế nào.

1 Vì không thể chịu đựng được nữa, nên chúng tôi thà ở lại một mình tại A-thên,

2 và gửi Ti-mô-thê, người anh em cùng Cha của chúng ta, người phục vụ của Đức Chúa Trời, người đồng công trong Tin Lành của Đấng Christ, đến, làm cho các anh chị em được vững vàng và khích lệ đức tin của các anh chị em,

3 để không một người nào bị rúng động bởi những sự khốn khó. Vì chính các anh chị em biết rằng, chúng ta đã được định trước cho sự ấy.

Điều mà Phao-lô và Si-la không thể chịu đựng được nữa là sự con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca bị dân Do-thái bách hại mà không có người trưởng thành trong đức tin gần bên để an ủi, khích lệ, và khuyên bảo họ. Chúng ta nên nhớ, vào thời điểm đó, Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca được thành lập chưa đến một năm. Vì thế, việc Phao-lô và Si-la nóng lòng muốn trở lại Tê-sa-lô-ni-ca trong khi Hội Thánh bị bách hại là lẽ tự nhiên. Sau hai lần Phao-lô và Si-la muốn đến thăm họ mà bị Sa-tan ngăn trở, thì ông và Si-la quyết định gửi Ti-mô-thê đến với họ. A-thên cách Tê-sa-lô-ni-ca hơn 500 km dù là đi đường bộ hoặc đường biển.

Phao-lô gọi Ti-mô-thê là:

  • Người anh em cùng Cha của chúng ta: Nhắc cho con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca nhớ rằng, họ, Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê là một trong Hội Thánh của Đấng Christ.

  • Người phục vụ của Đức Chúa Trời: xác nhận với Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca rằng, Ti-mô-thê có thẩm quyền của một trưởng lão, được Đức Chúa Trời ban ơn trong việc giảng Lời Chúa và dạy Lời Chúa.

  • Người đồng công trong Tin Lành của Đấng Christ: Đồng công trong Tin Lành là cùng với Đấng Christ, cùng với các sứ đồ chuyên về việc rao giảng Tin Lành và dạy cho những ai tin nhận Tin Lành sống nếp sống mới trong Đấng Christ.

Mục đích của sự Ti-mô-thê được gửi đến Tê-sa-lô-ni-ca được Phao-lô nói rõ: “làm cho các anh chị em được vững vàng và khích lệ đức tin của các anh chị em, để không một người nào bị rúng động bởi những sự khốn khó.”

Một người được vững vàng, được khích lệ đức tin, không bị rúng động bởi những sự khốn khó là do được nghe Lời của Đức Chúa Trời, được giải thích cho hiểu, được có người đi trước trong đức tin cùng cầu nguyện với, và cầu thay cho.

Tuy nhiên, lẽ thật này chỉ áp dụng đối với những ai thật lòng tin nhận Chúa, sẵn lòng tiếp nhận Lời Chúa. Đối với những người chỉ tin Chúa bằng lý trí, vì thấy Tin Lành là hợp lý, nhưng không tin Chúa bằng thần trí, vì vẫn còn lo lắng về đời này, hoặc vẫn ham muốn những sự thuộc về thế gian, hoặc ngại khổ khi theo Chúa, hoặc đặt cái “tôi” trên hết… thì họ không bao giờ kinh nghiệm được sự mầu nhiệm của Lời Chúa. Họ sẽ sa ngã vào tội lỗi và nếu không công khai chối bỏ đức tin thì sẽ là những kẻ giả hình.

Vì sao con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca biết rằng, con dân Chúa đã được định trước cho những sự khốn khó? Câu trả lời nằm trong I Tê-sa-lô-ni-ca 3:4: Là vì Phao-lô và Si-la đã rao giảng Tin Lành một cách chân thật cho họ, giảng rằng, bất cứ ai muốn tin nhận Tin Lành thì phải liều mình bỏ hết mọi sự mà theo Chúa. Là vì, họ nghe biết và nhìn thấy Phao-lô cùng các bạn của ông đã chịu khổ và bị bách hại vì Tin Lành.

4 Vì thật vậy! Khi chúng tôi ở cùng các anh chị em, chúng tôi đã nói trước với các anh chị em rằng, chúng ta sẽ phải chịu sự bách hại, như đã xảy ra và các anh chị em đã biết.

Trong những ngày cuối cùng này, sự bách hại con dân Chúa từ những người theo Cơ-đốc Giáo (cả Giáo Hội Công Giáo lẫn các giáo phái Tin Lành) thay thế cho sự bách hại của những người theo Do-thái Giáo. Thêm vào đó là sự bách hại từ Hồi Giáo, từ các nhà cầm quyền, và từ cộng đồng những người ủng hộ đồng tính luyến ái, ủng hộ phá thai, và gần hơn hết là từ những người thân trong gia đình. Vì thế, người rao giảng Tin Lành có bổn phận phải nói rõ về những sự bách hại này cho người muốn tin nhận Tin Lành.

Con dân Chúa cần ghi nhớ Lu-ca 14:25-33 trong khi rao giảng Tin Lành, để không quên nói về cái giá một người phải trả, nếu muốn tin nhận Tin Lành.

5 Vì vậy, tôi không thể chịu đựng hơn nữa, tôi đã gửi {Ti-mô-thê đi}, để biết đức tin của các anh chị em, biết đâu kẻ cám dỗ đã cám dỗ các anh chị em, mà công khó của chúng tôi trở nên vô ích.

Kẻ cám dỗ được nói đến ở đây chính là Sa-tan. Mục đích của Sa-tan trong khi ngăn trở Phao-lô và Si-la quay lại Tê-sa-lô-ni-ca là để nó có thể cám dỗ con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca. Sa-tan thường dùng ba hình thức cám dỗ dưới đây để cám dỗ con dân Chúa:

  • Đánh vào sự ham muốn của xác thịt. Xác thịt có những nhu cầu của nó. Nhu cầu khiến cho phát sinh ra sự ham muốn, như: đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, cô đơn thì muốn có người đồng cảm… Bản thân của sự ham muốn vì nhu cầu không có gì sai trái nhưng cách thức chúng ta đáp ứng sự ham muốn của mình có thể đúng hay sai khi so với Lời Chúa. Bà Ê-va muốn ăn ngon và đã thỏa mãn sự ham muốn ăn ngon bằng cách vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus Christ bị đói sau 40 ngày 40 đêm kiêng ăn cầu nguyện, bị Sa-tan cám dỗ, bảo Ngài hãy hóa đá thành bánh để ăn, nhưng Ngài đã thắng sự cám dỗ bằng cách dùng Lời của Đức Chúa Trời để đánh trả Sa-tan.

  • Đánh vào sự ham muốn của tâm thần. Tâm thần là bản thể thiêng liêng của loài người, có những nhu cầu thuộc linh. Tâm thần yêu kính Chúa, khao khát hiểu biết Lời Chúa, khao khát sống thánh khiết theo Lời Chúa, khao khát hành động kết quả làm tôn vinh danh Chúa là phải lẽ. Nhưng nếu tâm thần tìm kiếm sự vinh quang cho chính mình, muốn nâng mình lên ngang bằng với Chúa và xem thường những người khác, thì đó là sự kiêu ngạo. Bà Ê-va muốn khôn sáng bằng Đức Chúa Trời và đã thỏa mãn sự kiêu ngạo của mình bằng cách vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus Christ bị Sa-tan cám dỗ, bảo Ngài hãy từ trên nóc đền thờ gieo mình xuống đất, để tỏ ra cho dân chúng biết, Ngài chính là Đấng Christ, có đầy đủ sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã thắng sự cám dỗ bằng cách dùng Lời của Đức Chúa Trời để đánh trả Sa-tan.

  • Đánh vào sự ham muốn của linh hồn. Linh hồn là bản ngã đích thực của mỗi người, là cái “tôi” có thật, sinh hoạt trong thế giới vật chất qua thân thể xác thịt, sinh hoạt trong thế giới thiêng liêng qua tâm thần. Linh hồn ưa chuộng những gì đẹp đẽ, cao trọng, tôn quý, quyền thế… Linh hồn có thể hạ mình, khiêm nhường, thỏa lòng trong những sự tốt đẹp Thiên Chúa ban cho mình hoặc linh hồn có thể tìm cách chiếm đoạt những sự tốt đẹp không thuộc về mình. Bà Ê-va vì ham chuộng cái đẹp của trái cây biết điều thiện và điều ác mà đã chiếm đoạt nó, vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Sa-tan đem Đức Chúa Jesus Christ lên núi cao, chỉ cho Ngài xem thấy tất cả những sự vinh hoa, phú quý của các nước trong thế gian, bảo Ngài sấp mình xuống, thờ lạy nó, thì nó sẽ ban cho Ngài tất cả các nước ấy, nhưng Ngài đã thắng sự cám dỗ bằng cách dùng Lời của Đức Chúa Trời để đánh trả Sa-tan.

Dù Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca được thành lập chưa đầy một năm, mà con dân Chúa đã thể hiện đức tin của họ cách mạnh mẽ, đến nỗi, tiếng tốt đồn ra khắp cả xứ Ma-xê-đoan, xứ A-chai, và nhiều nơi khác (I Tê-sa-lô-ni-ca 1:7-8). Vì thế, Sa-tan lập tức lên kế hoạch tấn công. Trước hết, Sa-tan dùng những người Do-thái Giáo bách hại Phao-lô và các bạn của ông, phân cách họ khỏi Hội Thánh. Kế tiếp, Sa-tan sẽ tìm đủ cách để cám dỗ con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca. Và cuối cùng, nếu những sự cám dỗ bị thất bại, thì Sa-tan sẽ dùng sự bách hại để đánh phá Hội Thánh.

Phao-lô và Si-la đều nóng lòng, lo cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca, và đã đồng ý cử Ti-mô-thê về lại Tê-sa-lô-ni-ca để khích lệ con dân Chúa. Nhưng có lẽ Phao-lô là người đưa ra quyết định, nên trong câu 1 thì Phao-lô dùng chữ “chúng tôi” còn trong câu 5 thì ông dùng chữ “tôi”.

6 Nhưng giờ đây, Ti-mô-thê từ các anh chị em trở về cùng chúng tôi, mang theo tin tốt lành về đức tin cùng lòng yêu thương của các anh chị em. Và rằng, các anh chị em thường tưởng nhớ chúng tôi, và ao ước gặp chúng tôi, cũng như chúng tôi {ao ước gặp} các anh chị em vậy.

Thư I Tê-sa-lô-ni-ca là thư tín đầu tiên do Phao-lô viết vào khoảng giữa năm 50, và cũng có thể là sách thứ nhì trong Tân Ước được viết, sau thư Gia-cơ, là thư được viết vào khoảng năm 45. Sau khi Ti-mô-thê từ Tê-sa-lô-ni-ca về lại A-thên, mang theo tin tốt lành về đức tin của Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca, thì Phao-lô viết thư I Tê-sa-lô-ni-ca để khen và khích lệ con dân Chúa tại đó cứ sốt sắng sống theo Lời Chúa. Ông cũng bày tỏ lòng thương nhớ của ông và Si-la đối với họ. Ngoài ra, ông còn bày tỏ cho họ biết về sự đến của Đấng Christ.

Đọc những lời tâm tình của Phao-lô với Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca trong I Tê-sa-lô-ni-ca đoạn 3, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu sâu đậm của ông dành cho con dân Chúa tại đó, cũng như sự yêu thương quý mến của họ dành cho ông và Si-la, hai người đã có công khó trong việc đưa dẫn họ đến với Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

7 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Như vậy, chúng tôi được an ủi trong mọi sự gian nan và khốn khó của chúng tôi bởi đức tin của các anh chị em.

8 Vì hiện nay chúng tôi sống {động}, bởi các anh chị em đứng vững trong Chúa.

Phao-lô và Si-la cùng được an ủi nhiều khi nhận được tin tốt lành về Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca, qua lời tường trình của Ti-mô-thê. Niềm an ủi đó chính là lòng vui mừng khi biết được công khó rao giảng Tin Lành của hai ông đã kết quả cách chắc chắn bởi sự vững vàng trong đức tin của con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Chúng ta đã học qua ngụ ngôn về người gieo giống trong Ma-thi-ơ 13:3-23. Người gieo giống là người rao giảng Tin Lành. Những hạt giống rơi xuống vùng đất tốt, mọc lên, kết quả 100 hạt, hoặc 60 hạt, hoặc 30 hạt, là những người tin nhận Tin Lành mà qua đời sống mới trong Đấng Christ của họ, đã đưa dắt nhiều người khác đến với sự cứu rỗi. Sự kết quả đó làm tan biến những nỗi đau đớn, buồn bã trong bao cơn gian nan, khốn khó của người rao giảng Tin Lành.

Ý nghĩa của câu 8 là: Trong khi chưa biết rõ về tình hình của con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca thì Phao-lô và Si-la có sự bồn chồn trong lòng, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của họ: may vá lều trại để kiếm sống, rao giảng Tin Lành, biện giáo với những người theo Do-thái Giáo. Từ khi được Ti-mô-thê báo cáo tin tốt lành về Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca thì hai ông vui mừng và an lòng, trở nên sống động trong cuộc sống.

Hội Thánh là Hội Thánh của Chúa. Chắc chắn Chúa chăn dắt và bảo vệ Hội Thánh của Ngài cách tốt nhất, xem Hội Thánh như con ngươi của mắt Ngài (Xa-cha-ri 2:8). Cách tốt nhất theo Chúa hoàn toàn khác xa cách tốt nhất theo loài người. Lời Chúa trong Ê-sai 55:8-9:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì {như} các tầng trời cao hơn đất, thì những đường lối của Ta cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta {cao hơn} những ý tưởng của các ngươi.”

Cách tốt nhất theo Chúa là Hội Thánh phải chịu khổ mà theo Chúa. Hội Thánh phải chịu thử thách qua những cơn bách hại ngay từ ngày đầu cho đến ngày cuối, từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến khi Hội Thánh được Chúa đem ra khỏi thế gian. Hàng triệu con dân Chúa đã bị tù đày, tra tấn, sỉ nhục, và giết chết trong suốt gần hai ngàn năm qua. Chính vì thế mà Chúa cho phép có những sự băn khoăn, lo lắng, bồn chồn trong lòng con dân Chúa đối với nhau, để họ hết lòng cầu thay cho nhau. Những tin tốt lành về nhau là sự vui mừng, an ủi, và khích lệ của con dân Chúa.

9 Lời cảm tạ nào chúng tôi có thể dâng lên Đức Chúa Trời về các anh chị em, vì hết thảy những sự vui mừng mà chúng tôi vui thỏa trước Đức Chúa Trời của chúng ta, vì các anh chị em?

Phao-lô và Si-la được vui mừng về Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca mà không tìm được lời cảm tạ xứng đáng để dâng lên Đức Chúa Trời. Ngôn ngữ loài người bị giới hạn trong sự than thở cũng như trong sự vui mừng. Chúng ta có thể đau buồn đến nỗi không sao dùng lời nói để diễn tả hoặc cầu nguyện dâng trình sự đau buồn của mình lên Chúa. Chúng ta cũng có thể vui mừng đến nỗi không sao dùng lời nói để diễn tả và dâng lời tạ ơn lên Chúa. Tuy nhiên, trong những lúc như vậy, chính Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta sẽ dâng trình mọi sự lên Đức Chúa Trời thay cho chúng ta (Rô-ma 8:27). Chính vì thế mà chúng ta hãy an tâm, vững tin nơi Chúa, hoàn toàn phó thác đời sống của mình trong cánh tay yêu thương và toàn năng của Thiên Chúa. Không có gì để chúng ta phải lo lắng, vì Ngài đã biết trước mọi nhu cầu của chúng ta (Ma-thi-ơ 6:32). Không có gì để chúng ta phải sợ hãi, vì không bởi sự cho phép của Ngài thì một con chim sẻ cũng không bị rơi xuống đất, mà chúng ta thì quý hơn một con chim sẻ rất nhiều (Ma-thi-ơ 10:29-31). Chúng ta chỉ cần tỉnh thức, giữ mình, hết lòng sống theo Lời Chúa, để không bị rơi vào sự cám dỗ của ma quỷ.

10 Đêm ngày chúng tôi hết sức nài xin để chúng tôi gặp mặt các anh chị em, và gia thêm cho đức tin các anh chị em điều gì còn kém.

11 Nguyện chính Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta, dẫn đường chúng tôi đến với các anh chị em!

Phao-lô và Si-la rất tha thiết muốn được gặp lại con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca để dạy dỗ Lời Chúa cho họ; bởi vì, với thời gian chưa đầy một năm, hai ông chưa thể truyền dạy cho họ hết những điều sâu nhiệm của Lời Chúa. Hai ông đêm ngày cầu xin Đức Chúa Trời cùng Đức Chúa Jesus Christ cho phép và dẫn đường hai ông đến với Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Từ ngữ dẫn đường hàm ý: dẹp tan những sự ngăn trở đến từ Sa-tan, ban cho phương tiện, và bảo vệ cuộc hành trình.

Dù hai ông tha thiết cầu xin với Chúa, nhưng Phao-lô và Si-la đã không có cơ hội quay lại Tê-sa-lô-ni-ca. Có những khi, ý muốn của chúng ta là tốt lành, xuất phát từ tình yêu, tha thiết muốn gây dựng anh chị em của chúng ta, và chúng ta đêm ngày nài xin Chúa, nhưng nếu điều đó không nằm trong ý muốn của Chúa, thì Ngài cũng có thể không ban cho chúng ta. Trong một số trường hợp Chúa vẫn có thể ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, dù điều đó không nằm trong ý muốn của Chúa; như khi dân I-sơ-ra-ên cầu xin cho có vua, thì Chúa ban cho họ có vua; như khi Vua Ê-xê-chia than khóc với Chúa khi biết mình sắp chết, thì Chúa ban cho ông được sống thêm mười lăm năm. Tuy nhiên, sự có vua không phải là điều tốt nhất cho dân I-sơ-ra-ên và sự Vua Ê-xê-chia được sống thêm mười lăm năm không phải là điều tốt nhất cho vua.

Chúng ta hãy luôn học tập theo gương của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta có thể dâng trình những sự mình muốn lên Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta hãy cầu xin rằng, mọi sự theo thánh ý của Đức Chúa Trời chứ không theo ý muốn của chúng ta.

12 Nguyện Chúa làm cho các anh chị em thêm lên và đầy lòng yêu thương đối với nhau cùng đối với mọi người, cũng như chúng tôi đối với các anh chị em vậy,

13 để làm cho vững lòng của các anh chị em, không trách được trong sự thánh khiết trước Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, trong sự Đức Chúa Jesus chúng ta đến với hết thảy các thánh đồ của Ngài!

Làm cho các anh chị em thêm lên có nghĩa là làm cho được thêm nhiều về số lượng. Đầy lòng yêu thương có nghĩa là lúc nào cũng yêu thương đối với nhau và đối với những người không tin Chúa. Tình yêu đó chính là tình yêu của Chúa và cũng là tình yêu mà con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca nhận biết và học được qua các sứ đồ.

Chỉ khi nào một người có tình yêu của Chúa và yêu người khác như Chúa yêu mình thì người ấy mới được vững lòng trong đức tin, vì biết mình đã thật sự ở trong Chúa và giống Chúa. Người có tình yêu của Chúa là người trọn vẹn:

Này vì sao mà tình yêu được nên trọn vẹn trong chúng ta, để cho chúng ta được lòng can đảm trong ngày phán xét? Bởi vì, Chúa thế nào thì chúng ta cũng thế ấy trong thế gian này. Chẳng có sự sợ hãi trong tình yêu, nhưng tình yêu trọn vẹn thì cất đi sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt. Ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu.” (I Giăng 4:17-18).

Tình yêu của Chúa khác với tình yêu nuông chiều của thế gian. Tình yêu từ Chúa luôn đi chung với sự thánh khiết và sự công chính, không chấp nhận, không thỏa hiệp, không bỏ qua những tội lỗi, mà nghiêm khắc trong sự quở trách, sửa phạt. Chính vì thế mà trong Chúa người yêu và người được yêu không chỗ trách được trong sự thánh khiết, khi đối diện với Đức Chúa Trời, Cha kính yêu ở trên trời của chúng ta. Chính vì thế mà trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến với Hội Thánh, họ xứng đáng mang danh là những thánh đồ của Ngài, những người tin Ngài, yêu Ngài, học theo Ngài, giống như Ngài, và thuộc về Ngài.

Nguyện mỗi một chúng ta xứng đáng là thánh đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện tình yêu của Chúa đầy dẫy trong chúng ta và tuôn tràn đến mọi người chung quanh chúng ta. Nguyện chúng ta đã sẵn sàng cho ngày Đấng Christ trở lại. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/05/2017

Ghi Chú

Karaoke: Dòng Sông Yêu Thương
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-dong-song-yeu-thuong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.