Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 05:01-11

5,103 views

Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-11
Con Cái của Sự Sáng Canh Giữ và Tỉnh Thức
Chờ Ngày Chúa Đến

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về các thời và các kỳ, thì các anh chị em không cần tôi viết cho các anh chị em.

2 Vì chính các anh chị em đã biết đúng rằng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm.

3 Vì khi người ta nói: Hòa bình và yên ổn, thì sự hủy diệt thình lình đến trên họ, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà mang thai, và họ sẽ không tránh khỏi.

4 Nhưng, hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em không ở trong sự tối tăm, để ngày đó bắt lấy các anh chị em như kẻ trộm.

5 Hết thảy các anh chị em là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không thuộc về ban đêm, cũng không thuộc về sự tối tăm.

6 Vậy, chúng ta chớ ngủ như những kẻ khác, nhưng chúng ta hãy canh chừng và tỉnh thức.

7 Vì những kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, những kẻ say thì say ban đêm.

8 Nhưng chúng ta, những người thuộc về ban ngày, hãy tỉnh thức, mặc áo giáp bằng đức tin và tình yêu, cùng mão trông cậy của sự cứu rỗi!

9 Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn chúng ta cho sự giận, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta,

10 Đấng đã chết thay chúng ta, để cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được cùng sống chung với Ngài.

11 Vậy thì các anh chị em hãy khích lệ nhau, gây dựng lẫn nhau, như các anh chị em vẫn làm.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTU3MDkzNDZf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9052050-i-te-sa-lo-ni-ca-5_1-11
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/hamhmfbwj115zmk/9052050_I_Tesalonica_5_1-11.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive:  https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Tiếp theo lời giãi bày về sự Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, sự thân thể xác thịt của những người chết trong Chúa sẽ được sống lại trong ngày Chúa đến, thì Sứ Đồ Phao-lô đã kêu gọi con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca hãy tỉnh thức chờ ngày Chúa đến.

Trong bài này, chúng ta sẽ học biết thế nào là tỉnh thức.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Về các thời và các kỳ, thì các anh chị em không cần tôi viết cho các anh chị em.

2 Vì chính các anh chị em đã biết đúng rằng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ “các thời” được dùng để chỉ khoảng thời gian chờ đợi bị kéo dài, hoặc là chỉ về sự chậm trễ xảy ra của một việc gì đó; từ ngữ “các kỳ” để chỉ về khoảng thời gian diễn tiến của một sự việc, có thể dịch là “mùa”. Ý nghĩa của câu 1 là, thời gian chờ đợi Chúa đến bị kéo dài hoặc là sự Chúa đến bị chậm trễ, cùng với thời điểm xảy ra sự Chúa đến thì Phao-lô không cần phải viết cho con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca. Điều đó cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay.

Có những điều trong chương trình và ý định của Đức Chúa Trời mà Ngài không muốn cho chúng ta biết chi tiết, vì như vậy là có ích lợi cho chúng ta hơn. Thí dụ như, chúng ta không biết trước ngày chết, giờ chết của mình, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, như trường hợp của những người bị kết án tử hình.

Riêng về việc Đức Chúa Trời không cho chúng ta biết trước ngày, giờ Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, nếu chúng ta để thời gian suy ngẫm, thì chúng ta có thể thấy được một số lý do. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về các lý do này trên trang Gia Đình.

Tương tự với việc Đức Chúa Trời không cho chúng ta biết trước ngày, giờ Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là việc Đức Chúa Trời cũng không cho dân I-sơ-ra-ên biết trước ngày, giờ Ngài sẽ tái lập quốc gia I-sơ-ra-ên. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán lời này:

Ngài phán với họ: Các thời và các kỳ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc mà các ngươi chẳng nên biết.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:7).

Việc tái lập quốc gia I-sơ-ra-ên bị chậm trễ đến 1921 năm, kể từ ngày Chúa phán lời trên vào giữa mùa xuân năm 27. Và khi việc ấy xảy ra vào giữa mùa xuân năm 1948, thì xảy ra chỉ trong vòng một ngày, như lời tiên tri trong Ê-sai 66:8. Thực tế, chỉ 11 phút sau khi lời tuyên ngôn thành lập một quốc gia I-sơ-ra-ên độc lập được Hội Đồng Nhân Dân Do-thái công bố, thì tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh công nhận I-sơ-ra-ên là một quốc gia, mở đầu cho sự công nhận của quốc tế [1].

Sự thật là chúng ta không thể biết ngày và giờ Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, nhưng chúng ta biết được ngày giờ ấy đã gần với chúng ta như thế nào. Trong ngụ ngôn về cây vả, Chúa đã cho chúng ta biết, dòng dõi nhìn thấy I-sơ-ra-ên tái lập quốc và tái chiếm quyền cai trị thành Giê-ru-sa-lem sẽ là dòng dõi nhìn thấy Chúa trở lại với Hội Thánh. Trong Ma-thi-ơ 16:3 ghi lại lời Đức Chúa Jesus quở trách những người Pha-ri-si biết nhìn sắc trời mà phân biệt thời tiết nhưng không biết nhìn thời sự mà phân biệt thì giờ những lời tiên tri trong Thánh Kinh được hoàn thành. Xưa kia, dấu hiệu để chỉ thì giờ Vương Quốc Trời đã đến với thế gian chính là sự Đức Chúa Jesus Christ rao giảng Tin Lành, như đã tiên tri trong Ê-sai 9:1-2 và được Ma-thi-ơ xác nhận trong Ma-thi-ơ 4:14-16. Dấu hiệu để chỉ thì giờ về sự cứu rỗi nhân loại đã hoàn thành là sự Đức Chúa Jesus Christ chịu chết và bị chôn trong lòng đất, sau ba ngày thì phục sinh (Ma-thi-ơ 16:4). Ngày nay, dấu hiệu để chỉ thì giờ Ngài trở lại với Hội Thánh chính là sự tái lập quốc của quốc gia I-sơ-ra-ên vào Thứ Sáu, ngày 14/05/1948 và sự dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 06/06/1967, được ví như cây vả đâm chồi nứt lộc thì người ta biết mùa hạ đang tới [2].

Thành ngữ “đến như kẻ trộm trong đêm” được dùng để nói đến việc gì đó xảy ra một cách bất ngờ. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng thành ngữ này để nói về tính cách bất ngờ của sự Chúa đến với con dân Chúa.

Trường hợp thứ nhất, Chúa đến với Hội Thánh:

Vậy, hãy nhớ lại ngươi đã nhận và nghe thế nào, thì giữ lấy và ăn năn! Nhưng nếu ngươi không tỉnh thức, Ta sẽ đến trên ngươi như kẻ trộm, và ngươi sẽ không biết giờ nào Ta sẽ đến trên ngươi.” (Khải Huyền 3:3).

Trường hợp thứ nhì, Chúa đến với những người tin Chúa trong Kỳ Tận Thế:

Kìa, Ta đến như kẻ trộm! Phước cho người canh giữ và giữ gìn áo xống mình, để không bước đi trần truồng, và người ta nhìn thấy sự xấu hổ mình!” (Khải Huyền 16:15).

Trong các lời cảnh báo và các ngụ ngôn về sự Chúa đến với con dân Chúa đều nhấn mạnh đến sự Chúa trở lại một cách bất ngờ: Ma-thi-ơ 24:39, 42-44, 50; Lu-ca 12:39-40; 46.

3 Vì khi người ta nói: Hòa bình và yên ổn, thì sự hủy diệt thình lình đến trên họ, như sự đau đớn xảy đến cho người đàn bà mang thai, và họ sẽ không tránh khỏi.

Ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là thời điểm mà thế gian dường như đang chuẩn bị cho một chính quyền toàn cầu. Với một chính quyền toàn cầu thì trên lý thuyết sẽ không còn chiến tranh, dân các nước sẽ sống hòa bình với nhau. Có thể trong khi thế gian đang náo nức cho triển vọng hòa bình thì bất ngờ Hội Thánh được Chúa mang ra khỏi thế gian, gây ra sự hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử.

Trong khi sự Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là sự phước hạnh cho Hội Thánh, thì nó lại trở thành một biến cố kinh hoàng, có tính hủy diệt đối với thế gian vì những lẽ sau đây:

  • Vô số những tai nạn xảy ra khắp thế giới khi các phương tiện giao thông: xe hơi, máy bay, tàu thuyền bỗng nhiên không có người điều khiển.

  • Tai nạn rò, rỉ phóng xạ có thể xảy ra khi các lò phản ứng nguyên tử và nhà máy điện nguyên tử bỗng nhiên không có người điều khiển.

  • Loạn lạc, cướp bóc nổi lên khắp nơi.

  • Chính quyền các quốc gia nghi ngờ lẫn nhau.

  • Toàn bộ các hệ thống vệ tinh nhân tạo có thể bị phá hủy, bởi sự giáng lâm của Chúa, làm tê liệt hầu hết sự thông tin trên đất.

Người đàn bà mang thai thì đương nhiên khi sinh đẻ sẽ bị đau đớn. Cũng vậy, thế giới đã đầy dẫy tội lỗi thì sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét cách công chính.

NẾU ngày Chúa đến nhằm vào thời điểm thế giới đang nói đến sự hòa bình thì rất có thể là ngày Chúa đến sẽ xảy ra sau cuộc chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83. Vì cuộc chiến ấy sẽ là biến cố dẫn đến sự lên cầm quyền của AntiChrist và sự hình thành một chính phủ toàn cầu. Chúng tôi rất mong cho được như vậy, vì sự ứng nghiệm lời tiên tri theo Thi Thiên 83 sẽ thức tỉnh nhiều người trong lẫn ngoài Hội Thánh. Tuy nhiên, thế giới vẫn có thể bàn đến chuyện hòa bình trước khi cuộc chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83 xảy ra, nếu trong những ngày sắp tới này lực lượng ISIS bị tiêu diệt, nan đề Bắc Hàn được giải quyết. Và nếu là vậy thì cũng rất có thể trong khi nước Mỹ có nhiều con dân Chúa được đem ra khỏi thế gian, khiến cho tình hình kinh tế, chính trị, và quốc phòng của Mỹ bị khủng hoảng, Mỹ không thể bảo vệ I-sơ-ra-ên, mà các nước Ả-rập đồng lòng tiến công I-sơ-ra-ên, theo lời tiên tri trong Thi Thiên 83.

Dù như thế nào: Sự Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian xảy ra trước hay cuộc chiến tại Trung Đông theo Thi Thiên 83 xảy ra trước, thì chính sự kiện Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian sẽ là một cơn đại họa cho thế gian, mở đầu cho các cơn đại họa khác trong suốt bảy năm tiếp theo của Kỳ Tận Thế.

4 Nhưng, hỡi các anh chị em cùng Cha! Các anh chị em không ở trong sự tối tăm, để ngày đó bắt lấy các anh chị em như kẻ trộm.

Lời Chúa là sự sáng. Người sống theo Lời Chúa là người ở trong sự sáng. Người ở trong sự tối tăm là người đang sống trong tội, cho dù ngoài miệng họ xưng nhận họ là người tin nhận Chúa. Người đang sống trong tội dù đang sinh hoạt trong Hội Thánh, nhưng khi Chúa đến, thì sẽ bị bỏ lại.

Có nhiều người không ý thức là họ đang sống trong tội. Họ không ý thức rằng các điều sau đây là tội:

  • Nói năng thô tục, cộc cằn, nói những lời hư xấu, lời nói không vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31).

Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” ( Ê-phê-sô 4:29).

Những sự tà dâm và mọi sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa các anh chị em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ. Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:3-4).

  • Giận ghét anh chị em trong Hội Thánh, không chịu tha thứ, không chịu phục hòa (Ma-thi-ơ 5:23-24; Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13).

Nhưng ai ghét anh chị em cùng Cha của mình thì ở trong sự tối tăm, bước đi trong sự tối tăm, và không biết mình đi đâu; vì sự tối tăm đã làm mù mắt người ấy.” (I Giăng 2:11).

Ai ghét anh chị em cùng Cha của mình, là kẻ giết người. Các con biết rằng chẳng một kẻ nào giết người mà có sự sống đời đời ở trong mình.” (I Giăng 3:15).

Nếu có ai nói rằng: Tôi yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh chị em cùng Cha của mình, thì ấy là kẻ nói dối. Vì ai chẳng yêu anh chị em cùng Cha mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” (I Giăng 4:20).

  • Không hết lòng yêu thương, cứu giúp, gây dựng cho anh chị em trong Hội Thánh (Ma-thi-ơ 25:41-45). Sự yêu thương cứu giúp không giới hạn trong phương diện thuộc thể mà bao gồm cả phương diện thuộc linh. Và, sự cứu giúp về thuộc linh quan trọng gấp nhiều lần hơn là sự cứu giúp về thuộc thể, vì một linh hồn quý hơn cả thế gian. Nếu chúng ta nhìn biết anh chị em của mình bị nguy hiểm về thuộc linh mà chúng ta không dâng lời cầu thay, không nói lời cảnh cáo thì chúng ta có trách nhiệm về sự phạm tội lẫn sự hư mất của người ấy. Nếu Chúa cho chúng ta nhận biết anh chị em nào của mình phạm lỗi, phạm tội thì Chúa cũng đã giao cho chúng ta trách nhiệm lên tiếng. Sự im lặng của chúng ta khiến cho người có lỗi, có tội bị ma quỷ dẫn dụ để nghĩ rằng họ đúng nên có nhiều anh chị em trong Hội Thánh không lên tiếng. Có lẽ nào, trong khi ma quỷ tích cực gieo rắc những ý nghĩ sai trái vào tâm trí anh chị em của chúng ta (vì họ phạm lỗi, phạm tội mà không chịu ăn năn) thì chúng ta lại im lặng đồng lõa, giúp ma quỷ đánh gục anh chị em của mình? Trong thực tế, có nhiều người nhìn biết anh chị em của mình sai mà KHÔNG DÁM lên tiếng khuyên can, vì sợ mất lòng anh chị em của mình. Những người như vậy không biết là họ đang phạm tội làm hủy hoại Hội Thánh của Chúa, hủy hoại thân thể của Đấng Christ, vì họ nhìn thấy một chi thể đang phạm tội mà KHÔNG LÊN TIẾNG. Họ sợ mất lòng anh chị em của mình mà không sợ tội lỗi sẽ hủy diệt anh chị em của mình. Họ không biết rằng, im lặng trước tội lỗi là đồng lõa với tội lỗi. Họ sống theo suy nghĩ của xác thịt thay vì sống theo sự sốt sắng của thần trí. Họ hèn nhát mà không biết rằng phần của những kẻ hèn nhát là hồ lửa (Khải Huyền 21:8). Những người như vậy, cần phải ăn năn!

Hôm nay, qua bài học này từ Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, chúng ta hãy tự xét mình xem chúng ta có đang ở trong sự tối tăm hay không.

5 Hết thảy các anh chị em là con của sự sáng và con của ban ngày. Chúng ta không thuộc về ban đêm, cũng không thuộc về sự tối tăm.

Con của sự sáng tức là con của Chúa, vì Chúa là sự sáng. Con của ban ngày tức là công dân của thành Giê-ru-sa-lem vinh quang trong thiên đàng mà trong trời mới đất mới sẽ giáng xuống trên đất. Khải Huyền 21:23-25 cho biết là trong thành không có ban đêm.

Ngược lại, ai không thuộc về sự sáng, không thuộc về ban ngày, thì người ấy thuộc về sự tối tăm, tức là thuộc về con cái của ma quỷ (Giăng 8:44; I Giăng 3:10) và thuộc về ban đêm, tức là thuộc về sự hư mất đời đời, sẽ ở chung với ma quỷ trong nơi đã sắm sẵn cho chúng là hồ lửa (Ma-thi-ơ 25:41).

6 Vậy, chúng ta chớ ngủ như những kẻ khác, nhưng chúng ta hãy canh chừng và tỉnh thức.

7 Vì những kẻ ngủ thì ngủ ban đêm, những kẻ say thì say ban đêm.

Chữ “ngủ” khi được dùng theo nghĩa bóng thì có nghĩa là: chết. Có sự chết thuộc thể là khi linh hồn và tâm thần rời khỏi thân thể xác thịt. Có sự chết về thuộc linh là khi một người phạm tội. Sự chết thuộc linh là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Một người chỉ có thể bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa là vì người ấy phạm tội.

Này, tay của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chẳng ngắn mà không cứu được; tai của Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được. Nhưng ấy là sự gian ác của các ngươi đã phân cách các ngươi khỏi Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt {Ngài} khỏi các ngươi, mà Ngài không nghe {các ngươi nữa}.” (Ê-sai 59:1-2).

Hãy canh chừng vừa là canh chừng sự tấn công của kẻ thù là ma quỷ qua mọi hình thức cám dỗ, vừa là canh chừng sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. Hãy tỉnh thức là hãy giữ cho mình đừng phạm tội. Người phạm tội thì trở thành người ngủ, không còn thức, là chết thuộc linh.

Người nào xem thường sự thương xót của Chúa, cứ tái phạm cùng một tội, nhất là tội tà dâm, tội làm hủy hoại Đền Thờ của Thiên Chúa, thì Chúa sẽ bất ngờ mửa người ấy ra (Khải Huyền 3:16), và người ấy sẽ bị hư mất đời đời mà không sao có thể ăn năn:

Hê-bơ-rơ 10:26-29

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn tế lễ chuộc tội nữa,

27 nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa thiêu nuốt sẽ đốt cháy những kẻ bội nghịch mà thôi.

28 Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai hay ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót,

29 huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước, tức là máu mà mình nhờ đó nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đấng Thần Linh của ân điển, thì các anh chị em hãy nghĩ xem, kẻ ấy đáng bị hình phạt nặng hơn biết bao!

Kẻ ngủ thì ngủ ban đêm” có nghĩa là: kẻ nào phạm tội thì phạm tội trong sự hư mất đời đời.

Kẻ say thì say ban đêm” có nghĩa là: kẻ nào ưa thích sự phạm tội, thì làm ra sự ưa thích tội lỗi trong sự hư mất đời đời.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Linh dành cho những ai thuộc về Chúa:

Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng. Hãy bước đi cách phải lẽ như giữa ban ngày! Không {bước đi} trong sự thác loạn và say sưa! Không {bước đi} trong sự dâm loạn và phóng đãng. Không {bước đi} trong sự cãi lẫy và ganh tỵ. Nhưng các anh chị em hãy mặc lấy Đức Chúa Jesus Christ, chớ chu cấp cho sự tham muốn của xác thịt.” (Rô-ma 13:12-14).

Động từ bước đi được dùng theo nghĩa bóng trong Thánh Kinh luôn luôn có nghĩa là sống nếp sống mỗi ngày. Chúng ta, những người tự nhận mình thuộc về Chúa, hãy sống nếp sống mỗi ngày cách phải lẽ như những người đang sống giữa ánh sáng của Lời Chúa.

8 Nhưng chúng ta, những người thuộc về ban ngày, hãy tỉnh thức, mặc áo giáp bằng đức tin và tình yêu, cùng mão trông cậy của sự cứu rỗi!

Con dân chân thật của Chúa, phải luôn tỉnh thức, biết tự mình làm nên thánh, để luôn ở lại trong sự thánh khiết Đức Chúa Trời đã ban cho mình. Như đã nói, tỉnh thức tức là không phạm tội. Muốn không phạm tội thì không thể dùng sức riêng, mà phải dùng sức toàn năng của Thiên Chúa đã được Đức Thánh Linh ban cho đầy dẫy.

Mặc áo giáp bằng đức tin và tình yêu là dùng đức tin và tình yêu để bảo vệ những chỗ hiểm yếu của mình trước sự tấn công của ma quỷ. Đức tin khiến cho chúng ta đứng vững trước những sự hù dọa của ma quỷ, như hù dọa sẽ bị mất việc làm, sẽ bị bỏ tù, sẽ bị bêu xấu, sẽ bị người nhà ghét bỏ, sẽ bị chồng hay vợ ly dị, hoặc cha mẹ sẽ tự tử vì chúng ta theo Chúa… Tình yêu khiến cho chúng ta đứng vững trước những mưu chia rẽ của ma quỷ, giúp chúng ta cảm thông nhau, tha thứ nhau, hy sinh cho nhau, không ngại mà sửa lỗi lẫn nhau, và nhất là kiên nhẫn giúp nhau hiểu ra những mưu kế của ma quỷ.

Mão trông cậy của sự cứu rỗi là sự trông cậy về ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để ban sự cứu rỗi hoàn toàn cho chúng ta, vì trong ngày ấy, thân thể xác thịt của chúng ta mới được cứu rỗi cách hoàn toàn. Hiện nay, thân thể xác thịt của chúng ta chỉ được cứu rỗi ra khỏi sự nhiễm tội, để trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa và công cụ thánh của Đức Chúa Trời trong sự xây dựng Hội Thánh, nhưng nó vẫn phải già yếu, bệnh tật, và chết đi vì hậu quả của tội lỗi. Mão vừa tiêu biểu cho sự vinh quang vừa có tính cách bảo vệ đầu là trung tâm điều khiển toàn cơ thể. Sự trông cậy của sự cứu rỗi được gọi là mão vì sự trông cậy ấy đánh dấu chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời và đặt chúng ta dưới sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Chỉ có những ai thuộc về Đức Chúa Trời mới có sự trông cậy hạnh phúc ấy.

9 Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn chúng ta cho sự giận, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta,

10 Đấng đã chết thay chúng ta, để cho chúng ta hoặc thức hoặc ngủ, đều được cùng sống chung với Ngài.

Sự hình phạt hay sự cứu rỗi của mỗi người đã được tiền định bởi Đức Chúa Trời. Ngài tiền định cho mỗi người phải bị hình phạt hay được cứu rỗi tùy theo sự tự do lựa chọn của mỗi người. Vì thế, không có gì mâu thuẫn giữa sự tự do lựa chọn của một người, là quyền cao nhất Đức Chúa Trời ban cho người ấy, với sự tiền định của Ngài. Đối với những ai chỉ thích sống trong tội thì Ngài đã định sẵn cho họ hồ lửa đời đời. Đối với những ai ghét tội, muốn được tha tội và ưa thích sống thánh khiết theo Lời Chúa, thì Ngài đã định sẵn cho họ sự sống đời đời trong trời mới đất mới của Ngài. Đặc biệt, đối với những người thuộc về Hội Thánh thì Ngài tiền định cho họ được kết hiệp với Đức Chúa Jesus Christ và được ở trong thành Giê-ru-sa-lem của thiên đàng.

Ngay từ buổi ban đầu lịch sử của loài người, loài người đã phạm tội, trở thành đối tượng cho sự giận của Đức Chúa Trời. Nhưng vì Đức Chúa Trời là tình yêu, Ngài ban cho loài người cơ hội được thoát ra khỏi sự giận của Ngài. Cơ hội đó đòi hỏi loài người phải thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Người nào không đáp ứng cơ hội đó thì cứ ở lại trong sự giận của Đức Chúa Trời. Người nào đáp ứng thì được cùng sống chung với Đức Chúa Jesus Christ, dù là thân thể xác thịt của người ấy đang sống hay đang chết (thức hay ngủ).

11 Vậy thì các anh chị em hãy khích lệ nhau, gây dựng lẫn nhau, như các anh chị em vẫn làm.

Vậy thì” là vì tất cả những gì đã được nói trong câu 1 đến câu 10: Vì ngày của Chúa sẽ đến một cách bất ngờ, vì con dân Chúa thuộc về sự sáng, vì con dân Chúa phải canh chừng và tỉnh thức để không phạm tội, chờ ngày Chúa đến. Vì các sự ấy mà con dân Chúa phải khích lệ nhau và gây dựng nhau. Chúng ta đã học biết, khích lệ nhau có nghĩa là: an ủi nhau khi có chuyện đau buồn, khuyến khích nhau khi có hoàn cảnh khó khăn, và khen ngợi nhau khi có sự đắc thắng cám dỗ, đắc thắng thử thách, hoặc kết quả trong sự hiểu biết Lời Chúa và trong sự hầu việc Chúa. Chính sự khích lệ lẫn nhau khiến cho Hội Thánh được gây dựng. Động từ gây dựng trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là xây đắp thành hình một cấu trúc theo dự định. Hội Thánh được gây dựng có nghĩa là mỗi người trong Hội Thánh đều được giống như Đấng Christ:

Vì những ai Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình ảnh của con Ngài, là con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Được giống như Đấng Christ có nghĩa là chính Đấng Christ thành hình trong mỗi người:

Hỡi các con nhỏ của ta! Vì các con mà ta lại chịu cơn đau đớn của sự sinh nở, cho đến khi Đấng Christ thành hình trong các con.” (Ga-la-ti 4:19).

Chỉ khi đó, một người mới có thể bước đi như Đấng Christ đã bước đi (I Giăng 2:6); nghĩa là sống như Đấng Christ đã sống: từ mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm đều là vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca ngày xưa đã biết khích lệ nhau và gây dựng lẫn nhau. Nguyện rằng, mỗi Hội Thánh địa phương ngày nay cũng đều theo gương của Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Nguyện sự thương xót của Đức Chúa Trời thức tỉnh những ai đang còn mơ màng trong giấc ngủ thuộc linh (vẫn đang sống theo xác thịt). Nguyện sự thương xót của Đức Chúa Trời thêm năng lực cho những ai đang thức canh (đang sống theo thần trí của Đấng Christ, không phạm tội). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/06/2017

Ghi Chú

Karaoke: Theo Chúa Không Ngại Khó http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-theo-chua-khong-ngai-kho/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://www.jewishvirtuallibrary.org/united-states-grants-de-jure-recognition-to-israel

[2] http://kytanthe.net/?p=306