Chú Giải I Ti-mô-thê 05:17-25

3,341 views

Chú Giải I Ti-mô-thê 5:17-25
Về Những Trưởng Lão
Sự Đặt Tay

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

17 Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong {sự giảng dạy} Lời và giáo lý.

18 Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4; Lê-vi Ký 19:13]

19 Đừng nhận lời cáo buộc một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng.

20 Những kẻ phạm tội, con hãy quở trách họ trước mọi người, để những người khác cũng sợ.

21 Trước Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, và trước các thiên sứ được chọn, ta truyền {cho con} rằng, hãy giữ những điều đó, đừng có thành kiến, không làm điều gì bởi sự tư vị.

22 Đừng vội vàng đặt tay trên ai, cũng đừng dự phần về những tội lỗi của những kẻ khác. Hãy giữ mình cho thanh sạch.

23 Đừng chỉ uống nước thôi nhưng dùng một ít rượu, vì cớ dạ dày của con, và con thường bị bệnh.

24 Có những kẻ các tội lỗi của họ bị phơi bày, dẫn đến sự phán xét; nhưng có những kẻ {thì sự phơi bày} theo sau.

25 Những việc lành cũng vậy. {Có những việc} được phơi bày, còn những việc chưa {phơi bày} thì sau cũng không thể giấu kín.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTkxMjIzMDBf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9054051-i-ti-mo-the-5_17-25
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/9x3x7dusy8cd9w0/9054051_I_Timothe_5_17-25.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Vào thế kỷ thứ nhất, khi Hội Thánh phát triển trong đế quốc La-mã, thì mỗi tỉnh của La-mã bao gồm nhiều thành phố. Điển hình là tỉnh Ma-xê-đoan bao gồm các thành phố: Phi-líp, Am-phi-bô-li, A-bô-lô-ni, Bê-rê, v.v., với Tê-sa-lô-ni-ca là thủ phủ. Con dân Chúa cư ngụ trong thành phố nào thì được gọi chung là Hội Thánh của Chúa tại thành phố đó; thí dụ: Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca. Hội Thánh ở mỗi thành phố có thể chia ra, nhóm hiệp tại nhiều điểm khác nhau, trong nhà của những người dùng nhà mình làm điểm nhóm. Con dân Chúa nhóm hiệp thường xuyên ở mỗi điểm nhóm được gọi là Hội Thánh địa phương; như Hội Thánh nhóm tại nhà của Bê-rít-sin và A-qui-la (Rô-ma 16:3-5; I Cô-rinh-tô 16:19), Hội Thánh nhóm tại nhà của Nim-pha (Cô-lô-se 4:15), Hội Thánh nhóm tại nhà của Phi-lê-môn (Phi-lê-môn câu 2). Tất cả các Hội Thánh địa phương trong cùng một thành phố được gọi chung là Hội Thánh tại thành phố đó. Khi chúng ta đọc thấy trong Thánh Kinh các tên gọi như: Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Hội Thánh tại Ga-la-ti, v.v. thì chúng ta cần nhớ rằng, có thể có nhiều điểm nhóm hiệp khác nhau cho Hội Thánh ở mỗi thành phố. Vì Hội Thánh nhóm hiệp tại nhà riêng của các tín đồ nên số người nhóm hiệp ở mỗi địa điểm có thể từ vài người đến vài chục người, tùy theo sức chứa của mỗi điểm nhóm. Căn nhà có sức chứa lớn nhất được nói trong Thánh Kinh, có lẽ là nhà của Mác, tại Giê-ru-sa-lem, có thể chứa đến khoảng 120 người (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:15).

Một trưởng lão có sự hiểu biết Lời Chúa cách sâu nhiệm, sống thánh khiết theo Lời Chúa, được Chúa giao cho công việc chăn dắt và cai trị con dân Chúa trong một Hội Thánh địa phương, thì được gọi là giám mục, dưới quyền giám mục là các trưởng lão khác và các chấp sự. Giám mục của Hội Thánh địa phương có bổn phận và trách nhiệm đối với Hội Thánh địa phương của mình. Còn giám mục của Hội Thánh ở mỗi thành phố thì có bổn phận và trách nhiệm đối với tất cả các Hội Thánh địa phương trong thành phố của mình.

Chúng ta đã biết, Ti-mô-thê là giám mục của Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Nhưng qua lời tâm tình, khuyên dạy của Sứ Đồ Phao-lô đối với các trưởng lão tại Ê-phê-sô, chúng ta cũng biết là tại Ê-phê-sô có nhiều Hội Thánh địa phương khác nhau, được chăm sóc bởi các trưởng lão là các giám mục:

Các anh em hãy giữ lấy mình, và hết thảy bầy mà Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Cũng như Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28, I Ti-mô-thê 5:17-25 vừa là lời dạy cho giám mục của Hội Thánh tại mỗi thành phố, vừa là lời dạy cho giám mục của mỗi Hội Thánh địa phương trong mỗi thành phố.

17 Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong {sự giảng dạy} Lời và giáo lý.

Chúng ta cần phân biệt rõ giữa một người lớn tuổi trong Hội Thánh và một người được Chúa gọi làm trưởng lão trong Hội Thánh. Một người từ 60 tuổi trở lên thì được xem là người lớn tuổi; còn một trưởng lão trong Hội Thánh thì có thể dưới 60 tuổi, nhưng có sự hiểu biết sâu nhiệm về Lời Chúa và có nếp sống thánh khiết đúng theo Lời Chúa, làm gương tốt cho cả Hội Thánh.

Công việc chăm sóc Hội Thánh của một trưởng lão bao gồm: giảng dạy, bảo vệ, và điều hành một Hội Thánh địa phương hay Hội Thánh tại một thành phố của các trưởng lão, được gọi là sự cai trị Hội Thánh. Vì công việc ấy kèm theo thẩm quyền áp dụng kỷ luật đối với những người phạm lỗi, phạm tội, và thẩm quyền điều hành các mục vụ của Hội Thánh.

Trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh là người luôn hết lòng giảng dạy, bảo vệ, và điều hành các mục vụ của Hội Thánh đúng theo các tiêu chuẩn của Thánh Kinh.

Lời là Lời của Thiên Chúa, được ghi chép trong Thánh Kinh. Giáo lý là những sự dạy dỗ được rút ra từ các lẽ thật của Thánh Kinh. Người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý là người dành nhiều thời gian và công sức trong sự ngày đêm suy ngẫm Lời của Thiên Chúa, để hệ thống thành những bài học, giảng dạy cho Hội Thánh.

Chữ “tôn kính” trong câu này cũng cùng là chữ “tôn kính” được dùng trong câu 3, vừa có nghĩa là tôn trọng, kính yêu, vừa hàm ý kèm theo sự tiếp trợ, chăm sóc khi cần thiết.

18 Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 25:4; Lê-vi Ký 19:13]

Khi một trưởng lão hoàn toàn dành thời gian để chăn dắt Hội Thánh, không còn thời gian để lo việc mưu sinh, thì Hội Thánh có bổn phận tiếp trợ các nhu cầu vật chất cho người trưởng lão ấy. Ga-la-ti 6:6 dạy:

Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy của cải mình cho người dạy.”

Được dạy trong Lời là được dạy để hiểu biết Lời Chúa và cách sống theo Lời Chúa.

Con dân Chúa có bổn phận chia xẻ của cải vật chất của mình cho những người dạy Lời Chúa cho mình. Đây không phải là sự chia đều của cải mà là sự tiếp trợ mọi nhu cầu thuộc thể cho những người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, từ thức ăn, thức uống, chỗ ở, quần áo mặc, cho đến phương tiện di chuyển, làm việc… Những người dạy Lời Chúa cho Hội Thánh dành thời gian chuyên tâm suy ngẫm Lời Chúa để giảng dạy cho con dân Chúa, thì con dân Chúa có bổn phận chăm lo phần thuộc thể cho họ. Nếu họ cũng dành thời gian để mưu sinh kiếm sống, thì họ sẽ không có đủ thời gian để làm công việc suy ngẫm và rao giảng Lời Chúa một cách đầy đủ. Hãy so sánh họ với những người Lê-vi thời Cựu Ước. Những người thuộc chi phái Lê-vi được biệt riêng để phục vụ đền thờ của Đức Chúa Trời. Họ không được chia đất để canh tác và chăn nuôi. Mười một chi phái còn lại dâng 1/10 thu hoạch từ đất ruộng và gia súc để nuôi chi phái Lê-vi và trang trải các chi phí cho đền thờ. Ngày nay, Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa. Trong thời Tân Ước, những người giảng dạy Lời Chúa giữ chức vụ chăm sóc nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 3:9; I Ti-mô-thê 3:15; Tít 1:7), và họ đáng được Hội Thánh chăm sóc phần thuộc thể cho họ.

Nói cách khác, những người ấy lao nhọc, làm công cho Hội Thánh về phương diện thuộc linh, và Hội Thánh có bổn phận trả công cho sự lao động phục vụ của họ, để họ có thể chi dùng cho cuộc sống thuộc thể của họ.

Có ba hình thức lao động: Lao động chân tay, lao động trí óc, và lao động thuộc linh. Lao động chân tay đem lại kết quả ích lợi về vật chất, lao động trí óc đem lại ích lợi về trí thức, nhưng lao động về thuộc linh đem lại ích lợi cao quý nhất là sự hiểu biết Thiên Chúa và sự sống đời đời. Những người lao động thuộc linh xứng đáng được tôn kính gấp đôi.

19 Đừng nhận lời cáo buộc một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng.

Trưởng lão vẫn có thể phạm lỗi, phạm tội. Chúng ta thấy Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã phạm tội, Sứ Đồ Phi-e-rơ đã phạm tội. Cho dù một người được Chúa giao cho bất cứ chức vụ nào trong Hội Thánh, nếu người ấy không hết lòng sống theo Lời Chúa, hoặc hèn nhát, ngại khó, ngại khổ, ngại bị người khác ghét vì sống công chính theo Lời Chúa, thì người ấy sẽ rơi vào sự cám dỗ mà phạm tội. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trưởng lão bị hiểu lầm hoặc bị vu khống. Bất cứ ai trong Hội Thánh cũng có quyền cáo buộc sự phạm tội của một trưởng lão, kể cả khi trưởng lão ấy chính là giám mục, nhưng phải có ít nhất là hai nhân chứng (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15).

Giám mục của mỗi Hội Thánh địa phương có bổn phận và trách nhiệm giải quyết việc phạm lỗi, phạm tội của con dân Chúa trong Hội Thánh tại địa phương. Giám mục của Hội Thánh tại thành phố có bổn phận và trách nhiệm giải quyết việc phạm lỗi và phạm tội của các giám mục trong thành phố của mình. Trường hợp giám mục của Hội Thánh tại thành phố phạm lỗi, phạm tội, thì các giám mục và trưởng lão của các Hội Thánh địa phương trong thành phố họp lại để giải quyết.

20 Những kẻ phạm tội, con hãy quở trách họ trước mọi người, để những người khác cũng sợ.

Con dân Chúa có lỗi, có tội dù là chấp sự, trưởng lão, hay giám mục cũng phải bị quở trách trước Hội Thánh để làm gương cho Hội Thánh. Chữ “sợ” được dùng trong câu này có nghĩa là kính sợ sự nghiêm khắc và công chính của Hội Thánh, theo tiêu chuẩn thánh khiết của Thiên Chúa.

21 Trước Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ, và trước các thiên sứ được chọn, ta truyền {cho con} rằng, hãy giữ những điều đó, đừng có thành kiến, không làm điều gì bởi sự tư vị.

Trước Đức Chúa Trời là Cha, trước Đức Chúa Jesus Christ là Cứu Chúa, và trước các thiên sứ được chọn là các thần linh phục vụ Hội Thánh, Sứ Đồ Phao-lô đã long trọng truyền cho Ti-mô-thê và tất cả những ai cùng mang chức vụ giám mục như Ti-mô-thê, phải vâng giữ những điều Đức Thánh Linh đã qua ông, dạy về cách cư xử với các trưởng lão trong Hội Thánh.

Thành kiến là tự thiết lập ý kiến về một sự gì hay về một người nào trước khi biết rõ về sự ấy, người ấy. Tư vị là bênh vực hoặc xem người này trọng hơn người kia một cách bất công.

22 Đừng vội vàng đặt tay trên ai, cũng đừng dự phần về những tội lỗi của những kẻ khác. Hãy giữ mình cho thanh sạch.

Thánh Kinh nói đến một số trường hợp đặt tay với các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, không có một sự đặt tay nào là nghi thức buộc phải có trong sinh hoạt của Hội Thánh.

Trong thời Cựu Ước, có các hình thức đặt tay như sau:

  • Đặt tay để chúc phước, như trường hợp Gia-cốp chúc phước cho hai con trai của Giô-sép (Sáng Thế Ký 48:14).

  • Đặt tay trên sinh tế để chuyển hình phạt của tội lỗi lên con sinh (Lê-vi Ký 1:4; 3:2; 4:15; 16:21).

  • Đặt tay trên đầu kẻ phạm thượng Thiên Chúa để làm chứng về sự phạm tội của kẻ ấy (Lê-vi Ký 24:14).

  • Đặt tay để truyền chức vụ, như Môi-se đặt tay trên Giô-suê (Dân Số Ký 27:18-20).

Trong thời Tân Ước, có các hình thức đặt tay như sau:

  • Đức Chúa Jesus Christ đặt tay để ban phước cho các em bé (Ma-thi-ơ 19:15; Mác 10:16).

  • Đức Chúa Jesus Christ đặt tay để chữa lành bệnh tật cho những người bị bệnh (Mác 6:5; Lu-ca 4:40; 13:13). Tuy nhiên, cũng có những lúc Chúa không đặt tay trên người bệnh, mà chỉ phán một lời thì chữa lành người bị bệnh.

  • Con dân Chúa đặt tay để cầu nguyện xin Chúa chữa lành người bị bệnh (Mác 16:18; Công Vụ Các Sứ Đồ 6:6; 28:8).

  • Các sứ đồ đặt tay trên người tin Chúa nhưng chưa được báp-tem trong danh của Đức Thánh Linh, để họ được nhận Đức Thánh Linh và thánh linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:17-18). Ngày nay, người tin Chúa được báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, nên không cần có sự đặt tay để nhận lãnh Đức Thánh Linh và thánh linh [1].

  • Hội Thánh đặt tay để công nhận chức vụ Chúa giao cho người Chúa chọn (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:2-3).

  • Các trưởng lão đặt tay công nhận chức vụ và chúc phước cho người nhận chức vụ (I Ti-mô-thê 4:14; II Ti-mô-thê 1:6).

  • Đức Chúa Jesus Christ đặt tay trên Sứ Đồ Giăng để trấn an (Khải Huyền 1:17). Xin chú ý điểm này: Sứ Đồ Giăng nhìn thấy Chúa nên ông sợ hãi và té xuống. Sau đó, Chúa mới đặt tay trên ông để trấn an ông. Không phải Chúa đặt tay trên Giăng rồi ông bị té ngã. Trong Thánh Kinh hoàn toàn không có sự kiện “đặt tay té ngã”. Trong Thánh Kinh cũng hoàn toàn không có sự kiện Đức Thánh Linh chiếm quyền kiểm soát thân thể của một người, mà Thánh Kinh chỉ ghi lại các sự kiện tà linh nhập vào thân thể xác thịt của một người, chiếm quyền điều khiển thân thể của người ấy.

Sự đặt tay được nói đến trong câu này là sự đặt tay của một trưởng lão, một giám mục để công nhận chức vụ của một người trong Hội Thánh và chúc phước cho người ấy.

Đừng vội vàng đặt tay trên ai: Đừng công nhận bất cứ ai là người được Chúa giao cho chức vụ trong Hội Thánh, trước khi cầu nguyện tìm cầu ý Chúa và nhận xét bông trái thuộc linh của người ấy.

Đừng dự phần về những tội lỗi của những kẻ khác: Thi Thiên 1:1 nêu lên ba hình thức dự phần về những tội lỗi của những kẻ khác:

  • Đi trong mưu kế của những kẻ ác: Tức là nghe theo mưu kế của những người chuyên làm những điều ác. Động từ “đi” trong Thánh Kinh khi dùng với nghĩa bóng thì luôn có nghĩa là sống một nếp sống.

  • Đứng trong đường của những tội nhân: Tức là đứng về phía những người phạm tội, bênh vực họ, hoặc che giấu sự phạm tội của họ. Sự im lặng trước tội lỗi của một người cũng chính là sự đứng về phía người phạm tội. Tục ngữ có câu: “Im lặng tức là đồng lõa.”

  • Ngồi trong chỗ của những kẻ nhạo báng: Tức là thông công với những kẻ phạm thượng. Nhiều người là con dân Chúa nhưng ngồi lại ăn uống, vui chơi với những người không tin Chúa, là những người luôn nói lời phạm thượng danh Chúa (luôn kêu Trời vô cớ), luôn nói tục, chửi thề, hoặc phỉ báng các bậc cầm quyền.

Đặc biệt ở trong Hội Thánh, chúng ta có thể dự phần về tội lỗi của người khác khi chúng ta thấy người ấy phạm tội mà không lên tiếng cáo trách, khuyên dạy. Điển hình là chúng ta im lặng khi thấy người này cư xử bất công với người kia, như: xem thường người kia, cáo oan người kia, thiếu yêu thương với người kia, im lặng trước sự sai trái của người kia…

Hãy giữ mình cho thanh sạch: Có nghĩa là hãy sống đúng theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh; hãy đặt Thánh Kinh làm thẩm quyền tuyệt đối trong đời sống của mình; không chấp nhận các tiêu chuẩn hay luật pháp của thế gian, nếu các tiêu chuẩn hay luật pháp ấy nghịch lại Lời Chúa.

23 Đừng chỉ uống nước thôi nhưng dùng một ít rượu, vì cớ dạ dày của con, và con thường bị bệnh.

Đây là lời khuyên dành riêng cho Ti-mô-thê và những ai có bệnh ăn không tiêu như Ti-mô-thê, hoặc có sức khoẻ kém. Y học chứng minh rằng, uống rượu có thể đem lại các ích lợi sau đây [2]:

  • Sống lâu (30%)

  • Giảm nguy cơ đột quỵ tim (30%)

  • Giảm nguy cơ các chứng bệnh liên quan đến tim.

  • Giảm nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 (30%).

  • Giảm nguy cơ đột quỵ vì nghẽn mạch máu (50%).

  • Giảm nguy cơ bị bệnh cườm mắt (32%).

  • Giảm nguy cơ ung thư ruột già (45%).

  • Giúp chậm lại tiến trình thoái hóa của não bộ.

Nhiều giáo hội mang danh Chúa cấm đoán việc uống rượu cũng như các thức uống say như bia. Tuy nhiên, Chúa không hề cấm con dân Chúa uống rượu mà chỉ cấm con dân Chúa say rượu hoặc ghiền rượu.

Trong thời Cựu Ước, Chúa truyền cho con dân Chúa dùng tiền 1/10 để dành, mua rượu hoặc thức uống say để chung vui cả gia đình (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:23-26). Trong Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ làm phép lạ hóa nước thành rượu ngon trong một tiệc cưới (Giăng 2).

Tuy nhiên, thức uống trong Tiệc Thánh không phải là rượu nho, mà chỉ là nước trái nho. Thánh Kinh phân biệt (Dân Số Ký 6:3):

  • rượu (nước nho lên men),

  • các chất uống say nhưng không phải rượu (các chất uống lên men khác),

  • và nước trái nho.

Con dân Chúa có thể uống rượu nho trong bữa ăn mỗi ngày, nhưng không quá 5 ounces, tương đương 1/8 lít (nửa xị), để giúp cho tim được khỏe mạnh và trí óc được minh mẫn [3].

Qua câu này, chúng ta học biết rằng, có những yếu đuối, bệnh tật trong thân thể xác thịt của chúng ta không được Chúa chữa lành cách siêu nhiên, nhưng Ngài muốn chúng ta sử dụng thuốc men được bào chế hoặc các loài dược thảo, và thậm chí là dùng sự uống rượu điều độ để trị bệnh. Những ai giảng dạy rằng, con dân Chúa không được uống rượu, là giảng dạy nghịch lại Thánh Kinh.

24 Có những kẻ các tội lỗi của họ bị phơi bày, dẫn đến sự phán xét; nhưng có những kẻ {thì sự phơi bày} theo sau.

Thực tế trong cuộc sống cho chúng ta biết, có những người phạm tội và tội lỗi bị phơi bày rõ ràng, dẫn đến sự phán xét và hình phạt của luật pháp. Nhưng có những người phạm tội mà tội lỗi của họ không được phơi bày, thậm chí, đến sau khi họ qua đời thì tội lỗi của họ mới được phơi bày. Luật pháp của thế gian không thể làm gì đối với những tội lỗi bị giấu kín hoặc được phơi bày quá muộn. Nhưng luật pháp của Thiên Chúa thì luôn công chính. Vì trong ngày phán xét chung cuộc, thì tội lỗi của mỗi người sẽ bị phơi bày và phán xét từng tội một (Khải Huyền 20:11-15).

Chính vì sự có những người phạm tội mà tội lỗi của họ chậm bị phơi bày, nên các giám mục và trưởng lão phải cẩn thận trong việc đặt tay công nhận chức vụ của một người trong Hội Thánh. Vì nếu không cẩn thận tìm cầu ý Chúa và nhận xét theo tiêu chuẩn của Lời Chúa, thì sẽ dễ theo cảm xúc riêng mà công nhận một người vào chức vụ giám mục, trưởng lão, hoặc chấp sự trong khi người ấy không xứng đáng.

25 Những việc lành cũng vậy. {Có những việc} được phơi bày, còn những việc chưa {phơi bày} thì sau cũng không thể giấu kín.

Tương tự như sự phạm tội, những việc lành được làm ra có khi được phơi bày cách tỏ tường, ai cũng thấy, cũng biết; nhưng có khi được làm cách kín giấu, đến nỗi, ngay cả sau khi người làm ra việc lành đã qua đời, mà những việc lành người ấy làm cũng không được người đời biết đến. Tuy nhiên, trong ngày phán xét của Chúa, hoặc là ngày phán xét để ban thưởng cho con dân Chúa trong Hội Thánh, tức là ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, mang theo phần thưởng với Ngài, hoặc là ngày phán xét chung cuộc những người không ở trong sự cứu rỗi, thì mỗi một việc lành được làm ra, do bất cứ ai, cũng đều sẽ được phơi bày, như Hê-bơ-rơ 4:13 đã khẳng định:

Chẳng có tạo vật nào là giấu kín trước mặt Ngài, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Ngài, Đấng mà chúng ta phải thưa trình.”

Vì chúng ta có một Thiên Chúa toàn năng và công chính cai trị chúng ta, thưởng phạt công minh, nên chúng ta hãy tôn kính Ngài, không phạm các điều răn của Ngài, nhưng hết lòng làm trọn những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10). Chắc chắn, chúng ta sẽ nhận được phần thưởng lớn từ Đấng Christ, trong ngày thân thể xác thịt của chúng ta được sống lại, hoặc được biến hóa, nếu Đấng Christ đến trong lúc thân thể xác thịt của chúng ta vẫn còn sống.

Nguyện Lẽ Thật là Lời Chúa luôn thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta dọn mình xứng đáng với tình yêu và ân điển của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, sẵn sàng cho ngày Đấng Christ trở lại. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/10/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Vì Tình Yêu Ngài Đến”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-vi-tinh-yeu-ngai-den/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] http://timhieutinlanh.com/thanhoc/bap-tem-vao-trong-danh-cua-ba-ngoi-thien-chua/

[2] http://www.foodandwine.com/articles/8-health-benefits-of-drinking-wine

[3] http://www.businessinsider.com/how-much-wine-to-drink-per-day-2016-10