Chú Giải I Ti-mô-thê 01:01-11

4,754 views

Chú Giải I Ti-mô-thê 1:1-11
Giáo Sư Giả và Luật Pháp của Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Phao-lô, (sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi mệnh lệnh của Thiên Chúa, Đấng giải cứu chúng ta, và bởi mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, sự trông cậy của chúng ta,)

2 gửi cho Ti-mô-thê, con thật của ta trong đức tin, với ân điển, sự thương xót, và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta!

3 Như ta đã dặn con, hãy ở lại Ê-phê-sô để răn bảo một số người đừng dạy một giáo lý khác, trong khi ta đi sang xứ Ma-xê-đoan;

4 cũng đừng nghe những chuyện nhảm nhí và những gia phổ bất tận, là những điều phục vụ sự cãi lẫy thay vì phục vụ sự quản trị của Thiên Chúa, là sự ở trong đức tin.

5 Mục đích của sự răn bảo là sự yêu thương bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt, và đức tin thật.

6 Có vài kẻ đã lìa bỏ mục đích đó, quay sang những lời vô ích.

7 Họ muốn làm các thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tin chắc.

8 Chúng ta biết rằng, luật pháp là tốt lành, nếu người ta dùng nó cách hợp pháp.

9 Hãy nhận biết điều này: Luật pháp không phải đặt ra cho người công chính, nhưng cho những kẻ vô luật pháp và không vâng lời, cho những kẻ không tin kính và những tội nhân, cho những kẻ không thánh khiết và xấc xược, cho những kẻ giết cha và giết mẹ, cho những kẻ giết người,

10 cho những đĩ đực, đồng tính luyến ái, cho những kẻ bắt người làm nô lệ, cho những kẻ nói dối, cho những kẻ thề dối, và cho bất cứ sự gì khác trái nghịch giáo lý tốt lành,

11 theo như Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời đáng tôn, là sự đã giao phó cho ta.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTc0NzExMDZf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9054010-i-ti-mo-the_1_1-11
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/cdc7790ltd2h141/9054010_I_Timothe_1_1-11.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Ti-mô-thê có nghĩa là: “Tôn kính Thiên Chúa”. Ti-mô-thê có cha là người Hy-lạp và mẹ là người Do-thái. Từ thuở nhỏ, Ti-mô-thê đã được mẹ và bà ngoại nuôi dạy trong đức tin vào Thiên Chúa và Thánh Kinh (II Ti-mô-thê 1:5; 3:15). Có lẽ Ti-mô-thê cùng với mẹ và bà ngoại đã tin nhận Tin Lành qua sự rao giảng của Phao-lô trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất của ông, tại thành Lít-trơ vào khoảng cuối năm 46 (Công Vụ Các Sứ Đồ 14). Ba năm sau, vào cuối mùa thu năm 49, Phao-lô trở lại Lít-trơ và đem Ti-mô-thê cùng đi với ông trong chuyến truyền giáo lần thứ nhì (Công Vụ Các Sứ Đồ 16). Kể từ đó, Ti-mô-thê đồng công với Phao-lô trong mục vụ truyền giáo và gây dựng các Hội Thánh địa phương thời bấy giờ.

Phao-lô rất yêu quý Ti-mô-thê và xem Ti-mô-thê như là con ruột của ông. Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Ti-mô-thê là công việc chăn dắt và gây dựng Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Sau khi Phao-lô tử đạo vào khoảng giữa năm 68 thì Ti-mô-thê tiếp tục chăn dắt Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Theo lịch sử của Hội Thánh thì vào năm 97, khi Ti-mô-thê đã 80 tuổi, ông rao giảng Tin Lành trong khi dân chúng Ê-phê-sô tổ chức lễ hội rước tượng nữ tà thần Đi-anh, nên ông bị họ đánh đập và ném đá chết.

Thư I Ti-mô-thê do Sứ Đồ Phao-lô viết cho Ti-mô-thê đang khi ông ở tại thành Ni-cô-bô-li trong hành trình truyền giáo lần thứ năm và cũng là lần truyền giáo sau cùng của ông. Thư I Ti-mô-thê có lẽ được viết vào năm 65, cùng thời điểm với thư Tít.

Thư I và II Ti-mô-thê cùng với Thư Tít được xem là thư tín viết riêng cho những người làm chức vụ chăn bầy. Cả ba thư đều do Sứ Đồ Phao-lô viết để khuyên dạy Ti-mô-thê và Tít về bổn phận và nếp sống của một người làm công việc chăn dắt Hội Thánh của Chúa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các thư này chỉ giúp ích cho những người chăn; bởi vì những sự dạy dỗ trong các thư này mang lại ích lợi cho bất cứ ai đọc và làm theo.

Nội dung của thư I Ti-mô-thê nhấn mạnh đến sự ngăn ngừa tà giáo xâm nhập Hội Thánh, nhận diện các giáo sư giả, đồng thời nói rõ về phẩm chất của các trưởng lão và chấp sự trong Hội Thánh, nếp sống của những người chăn dắt Hội Thánh, cách thức giải quyết một số nan đề trong Hội Thánh, cùng những điều nên làm trong Hội Thánh.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của I Ti-mô-thê 1:1-11.

1 Phao-lô, (sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi mệnh lệnh của Thiên Chúa, Đấng giải cứu chúng ta, và bởi mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, sự trông cậy của chúng ta,)

Phao-lô xác nhận ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, tức là người được Đức Chúa Jesus Christ sai đi, làm đại diện cho Ngài, là bởi mệnh lệnh của Thiên Chúa lẫn của Đức Chúa Jesus Christ.

Như chúng ta đã học biết, khi Thánh Kinh dùng danh xưng Thiên Chúa không có mạo từ xác định đứng trước, thì danh xưng ấy chỉ chung cả Ba Ngôi Thiên Chúa [1].

Mệnh lệnh của Thiên Chúa là mệnh lệnh chung của ba thân vị Thiên Chúa: Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh. Mệnh lệnh ấy ra từ thánh ý của Đức Chúa Trời, nói lên thẩm quyền tuyệt đối, không thể không vâng phục; được phán truyền bởi Ngôi Lời, nói lên người nhận lệnh phải chịu trách nhiệm trước Ngôi Lời; được tác động vào người nhận lệnh bởi Đấng Thần Linh, nói lên sự kiện Đấng Thần Linh giúp cho người nhận lệnh hiểu rõ mệnh lệnh và ban năng lực cho người ấy hoàn thành mệnh lệnh.

Thiên Chúa Đấng giải cứu chúng ta là Thiên Chúa trong ba thân vị, Đức Chúa Trời, Ngôi Lời, và Đấng Thần Linh, đều dự phần trong sự giải cứu chúng ta. Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi. Ngôi Lời nhập thế làm người để thực hiện sự cứu rỗi. Đấng Thần Linh ấn chứng và bảo tồn sự cứu rỗi bằng cách ngự vào thân thể người được cứu và ban thánh linh, tức sự sống và năng lực của Thiên Chúa cho người được cứu.

Ngoài sự kiện Ba Ngôi Thiên Chúa truyền lệnh cho Phao-lô làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, thì chính Đức Chúa Jesus Christ trong thân vị loài người, Đấng làm đầu của Hội Thánh, cũng truyền lệnh cho Phao-lô làm sứ đồ của Ngài.

Minh hoạ: Tương tự như chính quyền dân chủ pháp trị của nước Mỹ bao gồm ba ngành: lập pháp, hành pháp, và tư pháp truyền lệnh cho ông A làm đại sứ của nước Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, nhưng cùng một lúc tổng thống Mỹ (thuộc hành pháp), trong tư cách người đứng đầu nước Mỹ, cũng ký sắc lệnh bổ nhiệm chức đại sứ cho ông A.

Đức Chúa Jesus Christ là sự trông cậy của chúng ta vì trong Đấng Christ chúng ta có sự cứu rỗi, sự sống lại, sự sống đời đời, và sự đồng với Ngài cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

2 gửi cho Ti-mô-thê, con thật của ta trong đức tin, với ân điển, sự thương xót, và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta!

Danh từ “con thật” vừa có nghĩa là con ruột mà vừa có nghĩa là con được sinh ra hợp pháp giữa một người chồng và một người vợ. Phao-lô gọi Ti-mô-thê là “con thật của ta trong đức tin” vì ông muốn nói đến mối quan hệ giữa ông và Ti-mô-thê khắng khít như là mối quan hệ giữa một người cha với đứa con ruột được sinh ra cách hợp pháp, tuy nhiên, Ti-mô-thê không phải là con của ông về phương diện máu thịt, mà là con của ông về phương diện cùng chung đức tin trong Đấng Christ.

Trong I Cô-rinh-tô 4:17 và II Ti-mô-thê 1:2, Phao-lô gọi Ti-mô-thê là con yêu dấu của ông. Phao-lô cũng gọi Tít là con thật của ông trong Tít 1:4. Cách gọi này cho thấy Phao-lô xem Ti-mô-thê và Tít như con ruột của ông, dù ông và họ không có mối quan hệ cha con theo máu thịt. Cách gọi này cũng hàm ý rằng, cả Ti-mô-thê lẫn Tít đều hoàn toàn cùng chung đức tin với Phao-lô, và cùng vâng phục Đức Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 12:50 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ như sau (đối chiếu Mác 3:35; Lu-ca: 8:21):

Vì bất cứ ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời, thì người ấy là anh em cùng Cha, chị em cùng Cha, và mẹ của Ta vậy.”

Lời phán của Chúa giúp cho chúng ta hiểu rằng, tất cả những ai vâng phục Đức Chúa Trời thì là anh chị em, hoặc là cha mẹ và con cái với nhau trong đức tin. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ phán rằng:

Bất cứ ai vì danh Ta mà bỏ các nhà cửa, hoặc các anh em ruột, hoặc các chị em ruột, hoặc cha, hoặc mẹ, hoặc vợ, hoặc con cái, hoặc đất ruộng, thì sẽ nhận trăm lần hơn và sẽ hưởng sự sống đời đời.” (Ma-thi-ơ 19:29; đối chiếu Mác 10:29-30).

Chúng ta có thể vì theo Chúa mà bị gia đình từ bỏ, tài sản bị tịch thu, nhưng trong Chúa chúng ta sẽ có các cha mẹ, anh chị em trong đức tin và tài sản gấp trăm lần hơn về số lượng, và có chồng hoặc vợ gấp trăm lần hơn về phẩm chất. Trong Cựu Ước, sau khi Gióp trung tín vượt qua sự thử thách từ Chúa và sự cám dỗ từ Sa-tan, thì Chúa ban cho ông gấp đôi về tài sản và con cái, nhưng ông vẫn chỉ có một vợ, mà chúng ta có thể hiểu rằng, bà đã trở nên tốt hơn trước kia trăm lần, sau khi chứng kiến sự trung tín của Gióp đối với Chúa.

Khi Phao-lô viết thư này cho Ti-mô-thê, ông cũng gửi lời chúc cho Ti-mô-thê được ở trong ân điển, sự bình an, và sự thương xót của Thiên Chúa là Cha, và của Đức Chúa Jesus Christ là Chúa.

3 Như ta đã dặn con, hãy ở lại Ê-phê-sô để răn bảo một số người đừng dạy một giáo lý khác, trong khi ta đi sang xứ Ma-xê-đoan;

Chuyến đi sang xứ Ma-xê-đoan của Phao-lô được nói đến ở đây có thể là chuyến đi được Lu-ca ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20. Phao-lô đã ở lại Ê-phê-sô suốt hai năm để giảng dạy Lời Chúa, gây dựng một Hội Thánh địa phương thật là vững mạnh giữa “thủ đô” của nền văn hóa ngoại giáo thờ lạy tà thần thời bấy giờ. Thành Ê-phê-sô là nơi có đền thờ nữ tà thần Đi-anh lớn nhất, được liệt kê là một trong bảy kỳ quan của thế giới thời bấy giờ, với tượng tà thần Đi-anh được cho là từ trên trời giáng xuống (xem Công Vụ Các Sứ Đồ 19). Khi Phao-lô phải rời khỏi Ê-phê-sô, ông dặn Ti-mô-thê phải ở lại để tiếp tục chăn dắt con dân Chúa tại đó. Theo lịch sử của Hội Thánh thì Ti-mô-thê là giám mục đầu tiên của Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Khi Đức Chúa Jesus Christ truyền cho Sứ Đồ Giăng viết thư gửi cho bảy Hội Thánh tại Tiểu Á, trong đó có Hội Thánh tại Ê-phê-sô, vào khoảng năm 95, thì Ti-mô-thê đang là giám mục của Hội Thánh, và đã giữ vững lời khuyên dạy của Phao-lô, bảo vệ Hội Thánh trước sự xâm nhập của tà giáo.

Trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô thời bấy giờ đã có một số người phổ biến những sự dạy dỗ không đúng với lẽ thật. Danh từ “giáo lý khác” được dùng trong câu này hàm ý, giáo lý sai nghịch với lẽ thật. Dựa vào Khải Huyền 2:6 thì có lẽ giáo lý khác này do những người theo phái Ni-cô-la giảng dạy [2].

Giáo lý của phái Ni-cô-la bao gồm các điểm dưới đây:

  • Thiết lập giai cấp giáo phẩm trong Hội Thánh, nắm quyền cai trị Hội Thánh theo phong cách của thế gian. Đây cũng là điều mà các giáo hội mang danh Chúa đang làm ngày nay.

  • Dạy rằng, thân thể xác thịt là ô uế, sẽ qua đi, nên việc thân thể xác thịt làm ra tội lỗi không liên quan gì đến phần thuộc linh của con dân Chúa. Dẫn đến kết luận: Con dân Chúa có thể sống trong tội.

  • Dạy rằng, con dân Chúa cần phải phạm tội, để hiểu biết tội lỗi và đánh giá đúng ân điển của Chúa.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ là, Sứ Đồ Giăng đã sống khoảng 40 năm cuối cùng của đời ông tại Ê-phê-sô. Với sự giảng dạy suốt hai năm của Sứ Đồ Phao-lô, với sự chăn dắt của Ti-mô-thê, và với sự có mặt của Sứ Đồ Giăng, Hội Thánh tại Ê-phê-sô thật là có phước và đã đứng vững trong lẽ thật, chống trả tà giáo.

4 cũng đừng nghe những chuyện nhảm nhí và những gia phổ bất tận, là những điều phục vụ sự cãi lẫy thay vì phục vụ sự quản trị của Thiên Chúa, là sự ở trong đức tin.

Những chuyện nhảm nhí là những chuyện không có thật, hoặc những tin đồn dựa trên sự giảng giải sai lạc Thánh Kinh. Những gia phổ bất tận là sự người Do-thái khoe khoang về dòng dõi, chi phái của họ. Cả hai đều dẫn đến sự tranh cãi, không đem lại ích lợi cho con dân Chúa trong Hội Thánh.

Sự quản trị của Thiên Chúa là sự hành động của Thiên Chúa trong sinh hoạt của muôn loài thọ tạo. Nổi bật nhất là sự ban ơn cứu rỗi loài người và thiết lập Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Sự quản trị của Thiên Chúa được con dân Chúa nhận biết và tiếp nhận bởi đức tin.

5 Mục đích của sự răn bảo là sự yêu thương bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt, và đức tin thật.

6 Có vài kẻ đã lìa bỏ mục đích đó, quay sang những lời vô ích.

Sự răn bảo được nói đến ở đây bao gồm tất cả những lời truyền dạy để giúp cho người nghe tránh sự phạm tội. Sự răn bảo bao gồm các điều răn của Thiên Chúa cho đến những lời khuyên dạy của Đức Thánh Linh qua các sứ đồ, người chăn, trưởng lão… Chẳng những mục đích của sự răn bảo là khiến cho người nghe biết sống yêu thương bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt, và đức tin thật, mà sự răn bảo cũng phải xuất phát từ sự yêu thương.

Sự yêu thương bởi lòng tinh sạch là sự yêu thương không có ý lợi dụng, không đặt mình lên trên người khác, không vì bất cứ một ham muốn tội lỗi nào. Sự yêu thương bởi lương tâm tốt là sự yêu thương phát xuất từ một tấm lòng đã được dựng nên mới; yêu như Chúa yêu. Sự yêu thương bởi đức tin thật là sự yêu thương hoàn toàn dựa trên Thánh Kinh; vì đức tin thật là sự tin hoàn toàn vào mọi lời của Thánh Kinh.

Từ buổi ban đầu của Hội Thánh, đã có một số người thay vì đưa ra lời răn bảo, giúp cho người nghe tránh sự phạm tội, để sống yêu thương theo đức tin, thì họ chỉ nói những lời vô ích. Ngày nay, điều ấy xảy ra rộng khắp trong các giáo hội mang danh Chúa. Thay vì dùng Lời Chúa để răn bảo con dân Chúa, thì những người mang danh là người giảng dạy Lời Chúa chỉ rao giảng những gì đám đông thích nghe, nhưng không đúng với Lời Chúa, hoặc chỉ rao giảng những gì nhằm phô trương kiến thức, bằng cấp của họ:

Đấng Thần Linh phán tỏ tường rằng, trong những thời buổi sẽ đến, có những kẻ sẽ từ bỏ đức tin mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ.” (I Ti-mô-thê 4:1).

Vì sẽ có một thời, khi họ không chịu đựng giáo lý lành; nhưng có lỗ tai ngứa, theo những sự tham muốn của họ mà nhóm hiệp cho mình các giáo sư. Họ sẽ xoay lỗ tai khỏi lẽ thật, mà hướng về những chuyện nhảm nhí.” (II Ti-mô-thê 4:3-4).

Con dân Chúa cần tránh xa những kẻ rao giảng những lời vô ích. Con dân Chúa cần tránh xa các giáo hội mang danh Chúa mà không rao giảng lẽ thật của Lời Chúa. Hãy vâng theo lời răn bảo của Đức Thánh Linh trong II Cô-rinh-tô 6:14-18. Hãy tìm đến với những tôi tớ chân thật của Chúa, để được nghe những lời răn bảo, giúp cho người nghe biết yêu thương bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt, và đức tin thật. Con dân Chúa hãy nuôi mình bằng lẽ thật của Lời Chúa để dọn mình, sẵn sàng ra đi với Đấng Christ khi Ngài hiện đến.

Chúng ta đang sống trong thời đại nhiều người trong Hội Thánh bỏ đạo, như Lời Chúa đã tiên tri trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3 [3]. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng, liền trước khi Đấng Christ đến, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Hãy cẩn thận giữ mình và tỉnh thức (Mác 13:33).

7 Họ muốn làm các thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tin chắc.

Những giáo sư giả lên tiếng nói về luật pháp của Thiên Chúa nhưng họ hoàn toàn không hiểu họ nói gì và tin gì. Chính vì thế mà chúng ta thấy họ ngang nhiên giảng dạy rằng:

  • Các điều răn và luật pháp thời Cựu Ước không còn áp dụng trong thời Tân Ước.

  • Các điều răn và luật pháp thời Cựu Ước chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên.

  • Con dân Chúa trong Hội Thánh không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo điều răn thứ tư.

Nếu các điều răn và luật pháp của thời Cựu Ước không còn áp dụng trong thời Tân Ước thì tại sao Đức Chúa Jesus Christ phán rằng:

Vậy, ai bỏ đi một trong những điều cực nhỏ nào trong những điều răn này, và dạy người ta làm như vậy, thì người ấy sẽ bị xưng là cực nhỏ trong Vương Quốc Trời; còn ai giữ và dạy người ta những điều ấy, thì sẽ được xưng là lớn trong Vương Quốc Trời.” (Ma-thi-ơ 5:19).

Nếu các điều răn và luật pháp của thời Cựu Ước không còn áp dụng trong thời Tân Ước thì có phải ngày nay con dân Chúa có thể có thần khác; có thể làm tượng, thờ tượng, và hầu việc tượng; có thể lấy danh Thiên Chúa làm ra vô ích; có thể lao động suốt bảy ngày trong tuần; có thể bất hiếu với cha mẹ; có thể phạm tội giết người; có thể gian dâm, ngoại tình; có thể trộm cắp; có thể làm chứng dối, hại người khác; có thể tham muốn bất cứ điều gì của người khác? Nếu thật vậy, e rằng con dân Chúa có nếp sống còn tệ hơn những người không tin Chúa!

Đức Chúa Jesus Christ phán rằng:

Vì thật vậy, Ta phán với các ngươi, cho đến khi trời và đất qua đi, cho đến khi mọi sự được trọn, một chấm hay một nét sẽ không qua đi trong luật pháp.” (Ma-thi-ơ 5:18).

Trời và đất chưa qua đi, vì Hội Thánh chưa được cất ra khỏi thế gian, sự tận thế chưa xảy ra, Vương Quốc Ngàn Năm chưa hiện thực, và sự phán xét chung cuộc chưa xảy ra. Thế nên luật pháp của Thiên Chúa vẫn còn y nguyên.

Đức Chúa Jesus Christ cũng phán rằng:

Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí mà yêu Chúa, là Đức Chúa Trời của ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn. Còn điều răn thứ nhì cũng lớn như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận của ngươi như chính mình. Hết thảy luật pháp và những lời tiên tri đều được treo trong hai điều răn này.” (Ma-thi-ơ 22:37-40).

Vì thế, nếu một người yêu Chúa và yêu người lân cận của mình thì người ấy hoàn toàn không vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Ngược lại, người nào vi phạm luật pháp của Thiên Chúa (các điều răn) thì người ấy không yêu Chúa và không yêu người lân cận của mình.

Thánh Kinh Tân Ước đã dạy rõ:

Vậy, chúng ta bởi đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.” (Rô-ma 3:31).

Vậy, luật pháp là thánh, điều răn là thánh, công chính, và tốt lành.” (Rô-ma 7:12).

Chịu cắt bì chẳng là gì, không chịu cắt bì cũng chẳng là gì; mà là sự giữ các điều răn của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 7:19).

Chúng ta biết mình yêu con cái của Đức Chúa Trời, khi chúng ta yêu Đức Chúa Trời và giữ các điều răn của Ngài. Vì này là tình yêu của Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Các điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề.” (I Giăng 5:2-3).

Tôi vui mừng nhiều lắm, khi biết các con cái bà bước đi trong lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận từ Đức Cha.” (II Giăng câu 4).

Ngay cả con dân Chúa trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế cũng là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời:

Con rồng nổi giận với người đàn bà và đi gây chiến với phần còn lại thuộc dòng dõi của bà, {là} những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ.” (Khải Huyền 12:17).

Đây là sự nhẫn nại của các thánh đồ. Họ vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus.” (Khải Huyền 14:12).

Những giáo sư giả cũng không hiểu rằng, khi một người không phải là dân I-sơ-ra-ên thật lòng tin nhận Tin Lành thì người ấy trở thành một người I-sơ-ra-ên thật, con cháu thật của Áp-ra-ham. Những giáo sư giả không hiểu rằng, Hội Thánh là sự hiệp một giữa dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc ở trong Đấng Christ:

Như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, thì đã kể là công chính cho người; vậy, các anh chị em hãy nhận biết rằng, những người có đức tin thì họ là con cháu của Áp-ra-ham.” (Ga-la-ti 3:6-7).

Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ.Chẳng có người Do-thái hoặc người Hy-lạp, chẳng có người nô lệ hoặc người tự do, chẳng có đàn ông hoặc đàn bà; vì hết thảy các anh chị em là một trong Đấng Christ Jesus. Và nếu các anh chị em thuộc về Đấng Christ, thì các anh chị em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là những người kế tự theo lời hứa.” (Ga-la-ti 3:27-29).

Lúc ấy, các anh chị em không có Đấng Christ, ở ngoài quyền công dân I-sơ-ra-ên, là khách lạ của các giao ước lời hứa, trong thế gian không có hy vọng và không có Thiên Chúa. Nhưng trong Đấng Christ Jesus, các anh chị em là những người ngày trước cách xa, hiện nay đã được làm cho gần bởi máu của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 2:12-13).

Tại đây không có người Hy-lạp hoặc người Do-thái, người chịu cắt bì hoặc người không chịu cắt bì, người dã man hoặc người Si-the, người nô lệ hoặc người tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả.” (Cô-lô-se 3:11).

Các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa áp dụng chung cho toàn thể loài người. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa chỉ áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng con dân Chúa thời Tân Ước không cần phải vâng giữ các điều răn và luật pháp. Không một chỗ nào trong Tân Ước dạy rằng con dân Chúa không cần phải giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy. Không một chỗ nào trong Tân Ước dạy rằng ngày Sa-bát Thứ Bảy đã đổi sang ngày Thứ Nhất, còn gọi là Chủ Nhật. Rõ ràng là các giáo sư giả nói về luật pháp mà không hiểu điều họ nói. Họ cũng chẳng hiểu những điều họ tin chắc, là những điều nghịch lại Thánh Kinh. Họ không phải là anh chị em cùng đức tin với chúng ta. Những điều họ nhân danh Chúa để rao giảng là tà giáo. Chúng ta cần phải tránh xa những kẻ tin và rao giảng tà giáo.

8 Chúng ta biết rằng, luật pháp là tốt lành, nếu người ta dùng nó cách hợp pháp.

Luật pháp là thánh, công chính, và tốt lành (Rô-ma 3:7); nhưng luật pháp cũng có thể bị lạm dụng, nghĩa là không được áp dụng đúng mục đích của luật pháp. Câu chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình bị đám đông giải giao đến trước Đức Chúa Jesus, yêu cầu Ngài thi hành luật pháp bằng cách lên án ném đá bà ta (Giăng 8:1-11) là một điển hình về sự dùng luật pháp một cách không hợp pháp. Bởi vì, kẻ cùng phạm một tội không thể đóng vai quan toà lên án người khác. Nói cách khác, không thể nào thi hành lệnh ném đá người đàn bà ấy mà không thi hành lệnh ném đá những người đang lên án bà.

Trên một phương diện khác, khi chúng ta kỳ thị quá khứ tội lỗi của một người đã thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta cũng đã dùng luật pháp một cách không hợp pháp. Bởi vì Đức Chúa Jesus Christ đã chết thay cho MỌI TỘI LỖI của người ấy rồi, sao chúng ta lại còn giáng “hình phạt” trên người ấy về quá khứ tội lỗi của người ấy bằng sự kỳ thị? Khi chúng ta không tha thứ cho anh chị em của mình như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta cũng đã dùng luật pháp một cách không hợp pháp.

Ngoài ra, khi chúng ta cứ cố tình tái phạm bất cứ một tội lỗi nào, để cho Đức Chúa Jesus Christ cứ tiếp tục trả giá cho sự phạm tội của chúng ta, thì chúng ta cũng đã dùng luật pháp một cách không hợp pháp. Vì chúng ta cứ tiếp tục khiến cho Đức Chúa Jesus Christ chịu hình phạt bởi sự yêu thích tội lỗi của chúng ta.

9 Hãy nhận biết điều này: Luật pháp không phải đặt ra cho người công chính, nhưng cho những kẻ vô luật pháp và không vâng lời, cho những kẻ không tin kính và những tội nhân, cho những kẻ không thánh khiết và xấc xược, cho những kẻ giết cha và giết mẹ, cho những kẻ giết người,

10 cho những đĩ đực, đồng tính luyến ái, cho những kẻ bắt người làm nô lệ, cho những kẻ nói dối, cho những kẻ thề dối, và cho bất cứ sự gì khác trái nghịch giáo lý tốt lành,

11 theo như Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời đáng tôn, là sự đã giao phó cho ta.

Luật pháp luôn bao gồm hai phần: Phần răn bảo và phần hình phạt. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời tiêu biểu cho những lời răn bảo của Thiên Chúa, giúp cho loài người biết những gì nên làm và không nên làm. Khi một người làm nghịch lại bất cứ lời răn bảo nào (điều răn) của Thiên Chúa, thì người ấy phạm tội. Sự chết là hình phạt chung cho sự phạm tội. Muốn thoát khỏi hình phạt của luật pháp thì phải tin nhận ân điển của Thiên Chúa; bằng cách thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Ân điển của Thiên Chúa là ơn thương xót ban cho loài người không đáng thương xót, khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá, gánh thay hình phạt cho sự phạm tội của loài người.

Một người phạm tội, tức phạm điều răn của Thiên Chúa, là một người đương nhiên ở dưới sự hình phạt của luật pháp, cho đến khi người ấy thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ được gọi là người công chính, vì người ấy ở dưới ân điển của Thiên Chúa, không còn ở dưới sự hình phạt của luật pháp. Nhưng nếu người ấy trở lại phạm điều răn của Thiên Chúa thì lập tức người ấy ở dưới sự hình phạt của luật pháp, cho đến khi người ấy ăn năn và xưng tội trước Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta không biết Đức Chúa Trời sẽ ban cho một người bao nhiêu lần cơ hội để ăn năn.

Luật pháp nói về hình phạt, cho nên, luật pháp dành cho tội nhân. Câu 9 và câu 10 định nghĩa thế nào là một tội nhân. Đó là người:

  • Vô luật pháp và không vâng lời: Nghĩa là bất chấp luật pháp của Thiên Chúa, ngang nhiên phạm các điều răn, tức là những lời răn bảo của Thiên Chúa.

  • Không tin kính và làm ra tội: Nghĩa là không yêu kính Thiên Chúa, làm ra những sự nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa.

  • Không thánh khiết và xấc xược: Nghĩa là ham thích những sự tội lỗi và ô uế, nói ra những lời xấc xược để bảo vệ cho nếp sống tội của mình, cười chê những ai không sống ô uế, tội lỗi như mình. Từ ngữ ô uế được dùng để chỉ những tội tà dâm thuộc thể lẫn thuộc linh (thờ lạy hình tượng, tà thần).

  • Giết cha mẹ và giết người: Nghĩa là hoàn toàn mất hết lương tri, xem thường mạng sống của người khác, ngay cả bậc sinh thành ra mình.

  • Làm đĩ đực và đồng tính luyến ái: Đĩ đực là những người đàn ông phạm tà dâm để thu lợi. Đồng tính luyến ái là đàn ông quan hệ tính dục với đàn ông; đàn bà quan hệ tính dục với đàn bà.

  • Bắt người làm nô lệ: Nghĩa là dụ dỗ hoặc bắt cóc người đem bán để làm nô lệ lao động và nô lệ tình dục. Theo thống kê, vào năm 2012, khắp thế giới có khoảng 20.900.000 người bị dụ dỗ, bắt cóc, đem bán làm nô lệ; riêng tại nước Mỹ có khoảng 1.500.000 người [4].

  • Nói dối: Nghĩa là nói bất cứ một điều gì không đúng sự thật.

  • Thề dối: Nghĩa là nhân danh Chúa hoặc nhân danh luật pháp khẳng định lời nói dối của mình là sự thật.

  • Làm ra bất cứ sự gì trái nghịch giáo lý tốt lành của Tin Lành: Nghĩa là làm ra bất cứ sự gì không đúng với sự dạy dỗ của Thánh Kinh, bao gồm Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nhiều người nghĩ rằng, Tin Lành chỉ được nói đến trong Tân Ước. Nhưng Lu-ca 24:27 cho chúng ta biết, sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh, Ngài đã giảng dạy cho hai môn đồ của Ngài hiểu rằng cả Thánh Kinh Cựu Ước nói về Ngài. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11 ghi lại sự kiện người Bê-rê mỗi ngày tra xem Thánh Kinh để biết chắc những lời Phao-lô rao giảng về Tin Lành là thật. Thời bấy giờ chưa có Thánh Kinh Tân Ước, nhưng những người Bê-rê đã có thể tra xem Cựu Ước để hiểu được Tin Lành mà Phao-lô rao giảng.

Tin Lành được gọi là Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời vì Tin Lành chiếu ra sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đáng tôn không phải chỉ vì Ngài là Đấng Toàn Năng, mà còn là vì Ngài là Tình Yêu, Đấng đã yêu chúng ta mà ban ân điển cứu chuộc cho chúng ta, để chúng ta được cứu và được phục hồi địa vị làm con của Ngài.

Tin Lành vinh hiển ấy đã được Thiên Chúa giao phó cho Phao-lô, khác với cái gọi là “tin lành khác” (II Cô-rinh-tô 11:4; Ga-la-ti 1:6) do các giáo sư giả thời ấy giảng dạy, khác với cái gọi là “tin lành” trong các giáo hội mang danh là “tin lành” ngày nay.

Tin Lành chân thật của Đức Chúa Trời bao gồm bảy lẽ thật sau đây:

  • Luật pháp của Thiên Chúa không hề thay đổi cho đến khi trời đất này qua đi.

  • Ai phạm điều răn của Thiên Chúa thì người ấy là tội nhân và bị luật pháp hình phạt.

  • Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời sẽ là tiêu chuẩn Đức Chúa Trời dùng để phán xét thế gian trong Kỳ Tận Thế (Ê-sai 24:5; Khải Huyền 11:19).

  • Tội nhân thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết thuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì sẽ được tha tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên mới, được ban cho thánh linh của Thiên Chúa để sống thánh khiết, không phạm các điều răn của Thiên Chúa.

  • Người đã được dựng nên mới phải kết quả xứng đáng với sự ăn năn của mình, nghĩa là không phạm tội nữa.

  • Người đã được dựng nên mới nếu lỡ phạm tội thì có thể ăn năn, xưng tội để được tha tội và được làm cho sạch tội trở lại.

  • Người đã được dựng nên mới nếu quay về sống trong tội thì sẽ không còn nhận được ơn cứu rỗi và sẽ hư mất trong sự phạm tội (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:25-31).

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa thánh hóa chúng ta, giúp chúng ta nên trọn vẹn, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/08/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Tiếng Gọi Thiết Tha”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-tieng-goi-thiet-tha/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-09_danh-xung-cua-thien-chua-trong-thanh-kinh/

[2] http://kytanthe.net/?p=124

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ii-te-sa-lo-ni-ca-2_1-12/

[4] http://arkofhopeforchildren.org/child-trafficking/child-trafficking-statistics