Chú Giải II Giăng 01-13 Con Dân Chúa Bước Đi Trong Lẽ Thật và Tránh Xa Những Kẻ Theo Tà Giáo

4,968 views

906301 Chú Giải II Giăng 1-13
Con Dân Chúa Bước Đi Trong Lẽ Thật và Tránh Xa Những Kẻ Theo Tà Giáo

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTQyOF9udGRmTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải I, II, III Giăng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-i-giang

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

II Giăng 1-13

1 Trưởng lão gửi cho bà được chọn cùng con cái của bà, là những người mà tôi thật yêu dấu. Chẳng phải chỉ mình tôi, nhưng hết thảy những ai biết lẽ thật cũng yêu.

2 Bởi vì chính lẽ thật ở trong chúng ta, và sẽ ở với chúng ta cho đến vĩnh cửu.

3 Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Thiên Phụ và bởi Đức Chúa Jesus Christ là Con của Cha, ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và tình yêu!

4 Tôi vui mừng nhiều lắm, khi biết các con cái bà bước đi trong lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận từ Đức Cha.

5 Và giờ đây, hỡi bà, tôi khuyên bà, không phải như tôi viết một điều răn mới cho bà, nhưng là điều chúng ta đã có từ ban đầu, ấy là chúng ta yêu lẫn nhau.

6 Và, này là tình yêu: Ấy là chúng ta bước theo các điều răn của Ngài. Đây là mệnh lệnh: Điều mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu, các anh chị em hãy bước theo.

7 Vì nhiều kẻ lường gạt đã vào trong thế gian, là những kẻ chẳng xưng rằng, Đức Chúa Jesus Christ đến trong xác thịt. Ấy là sự lường gạt và sự chống nghịch Đấng Christ.

8 Các anh chị em hãy giữ mình, để cho chúng tôi không mất kết quả của công việc chúng tôi đã làm nhưng chúng tôi sẽ nhận được phần thưởng trọn vẹn.

9 Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con.

10 Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy.

11 Vì người nào chào hỏi kẻ ấy, tức là dự vào những việc ác của kẻ ấy.

12 Tôi còn nhiều điều muốn viết cho các anh chị em. Tôi không muốn viết bằng giấy và mực, nhưng tôi muốn đến với các anh chị em, và đối mặt nói chuyện cùng nhau, để cho sự vui mừng của chúng ta được đầy dẫy.

13 Con cái của người chị em được chọn của bà, chào thăm bà. A-men!

Thư II và III Giăng là hai thư tín do Sứ Đồ Giăng viết riêng cho hai con dân Chúa trong Hội Thánh. Thế nhưng Đức Thánh Linh đã dùng nội dung của hai thư này để dạy dỗ tất cả con dân Chúa trong Hội Thánh. Vì thế, thư II và III Giăng đã thuộc về Thánh Kinh, được gọi là Lời của Thiên Chúa, là gươm của Đấng Thần Linh:

“Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa.” (Ê-phê-sô 6:17).

Chúng ta thường nói đến lời của Đức Chúa Trời, lời của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng ít khi chúng ta nói: lời của Đức Thánh Linh, hay: lời của Đấng Thần Linh. Trong thực tế, hầu hết các lời trong Thánh Kinh là lời mà Đấng Thần Linh, tức Thiên Chúa Ngôi Ba, phán truyền qua những người làm công tác ghi chép Thánh Kinh.

Đức Thánh Linh cảm động người viết, để người viết viết ra những câu mang ý nghĩa mà Ba Ngôi Thiên Chúa muốn cho loài người biết, tin, và làm theo. Ngài để cho họ tùy ý diễn đạt những ý mà Ngài đặt để trong tâm trí họ theo khả năng của họ, theo cách diễn đạt của họ. Chính sự kiện mỗi sách, mỗi thư tín trong Thánh Kinh mang lấy nhiều hình thức diễn đạt khác nhau, mang lấy nhiều văn phong khác nhau, nhưng vẫn kết hiệp thống nhất với nhau trong mọi chủ đề, chứng minh rằng, nội dung của Thánh Kinh đến từ Thiên Chúa. Sự Đức Thánh Linh cảm động những người ghi chép Thánh Kinh để họ chép ra các ý tưởng đến từ Thiên Chúa, được gọi là sự “thần cảm”, hoặc sự “Thiên Chúa hà hơi sự sống của Ngài” vào trong những ý tưởng mà họ viết ra:

“Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính, [hà hơi = ban sự sống; thần cảm] để người của Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

Ngày nay, Đức Thánh Linh vẫn thần cảm trên những người tận tụy rao giảng Lời Chúa một cách chân thật. Họ có thể có những thiếu sót trong khi phát âm, trong khi nói, như xưa kia những người ghi chép Thánh Kinh có những thiếu sót về chính tả, về văn phạm; nhưng nội dung của các sứ điệp họ rao giảng, đều là sự thần cảm bởi Đức Thánh Linh, đều là lẽ thật ra từ chính Thánh Kinh.

Vì nội dung của hai thư I và II Giăng, tương tự như các thư tín của Phao-lô viết riêng cho Tít, Ti-mô-thê, Phi-lê-môn, cũng chính là sứ điệp của Đức Thánh Linh ban cho Hội Thánh, nên chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu hai thư tín này trong tinh thần đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa cho chính bản thân mình.

1 Trưởng lão gửi cho bà được chọn cùng con cái của bà, là những người mà tôi thật yêu dấu. Chẳng phải chỉ mình tôi, nhưng hết thảy những ai biết lẽ thật cũng yêu.

Sứ Đồ Giăng tự nhận mình là một trưởng lão. Khi Giăng viết thư tín này, thì ông đã vào khoảng từ 85 đến 95 tuổi; ông thực sự là một người đã lớn tuổi. Nhưng danh từ trưởng lão mà Giăng tự xưng, là chức vụ trưởng lão trong Hội Thánh. Gần nửa cuộc đời sau của Giăng là sống tại thành phố Ê-phê-sô, và ông đương nhiên được Hội Thánh tại Ê-phê-sô tôn kính, nhận ông là trưởng lão của Hội Thánh. Tuy nhiên, vấn đề không phải là Giăng tự xưng hay Hội Thánh công nhận, mà là chính Đức Thánh Linh đã giao phó cho ông trách nhiệm trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28). Ông tự nhận biết và Hội Thánh cũng nhận biết Đức Thánh Linh đã giao cho ông chức vụ trưởng lão.

“Bà được chọn” là một phụ nữ trong Hội Thánh, được Giăng viết và gửi lá thư mà chúng ta đang cùng nhau học. Chúng ta không biết bà ở Hội Thánh địa phương nào nhưng chắc chắn là bà không thuộc về Hội Thánh tại Ê-phê-sô; bởi vì Giăng đang sống tại Ê-phê-sô và mong có dịp đi thăm bà. Từ ngữ “Κυρία” G2959, phiên âm sang tiếng Việt là /Cô-ri-a/, được dịch là “bà”, trong tiếng Hy-lạp là một danh từ dùng để gọi một phụ nữ đáng tôn kính trong xã hội, tương tự như danh từ “phu nhân” trong tiếng Hán Việt hoặc “lady” trong tiếng Anh. Nhưng Cô-ri-a cũng có thể là một tên riêng.

Người phụ nữ mà Giăng viết thư này gửi đến, được Giăng gọi là “được chọn”. Được chọn ở đây có nghĩa là được Chúa chọn vào trong Hội Thánh của Ngài, vì đã thật lòng đáp lại lời kêu gọi của Ngài. Nhưng “được chọn” được Giăng dùng ở đây cũng có thể bao gồm ý nghĩa: được chọn để làm một công tác đặc biệt nào đó trong Hội Thánh. Có thể, bà là một nữ chấp sự trong Hội Thánh. Có thể, nhà của bà được dùng làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh.

Giăng không phải chỉ viết cho riêng bà, mà là viết chung cho cả gia đình bà, bao gồm các con cái của bà. Chúng ta không thấy Giăng nhắc đến chồng của bà, có lẽ bà là một góa phụ. Giăng viết rằng ông rất yêu quý bà và các con của bà. Rồi Giăng nhấn mạnh đến sự kiện, không riêng gì ông, mà mọi người hiểu biết lẽ thật, tức là mọi người trong Hội Thánh, cũng đều yêu quý họ.

Một vài nhà giải kinh cho rằng, “bà” được nói đến ở đây tức là Hội Thánh. Giải thích như vậy là nghịch lại văn mạch. Vì trong câu 12 Giăng nói đến sự ông muốn đi thăm bà và các con của bà. Trong câu 13 ông nói đến sự kiện con cái của một chị em của bà, có lẽ đang sinh hoạt với Hội Thánh tại Ê-phê-sô, gửi lời thăm bà.

2 Bởi vì chính lẽ thật ở trong chúng ta, và sẽ ở với chúng ta cho đến vĩnh cửu.

Lý do khiến cho những ai biết lẽ thật yêu lẫn nhau, là vì chính lẽ thật mà họ nhận biết đó, ở trong họ. Lẽ thật ấy chính là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng tự xưng:

“…Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống.” (Giăng 14:6).

Đấng Lẽ Thật cũng chính là Đức Thánh Linh (Giăng 14:17; 15:26; 16:13; I Giăng 4:6):

“Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác, để ở với các ngươi cho đến vĩnh cửu, tức là Thần Lẽ Thật, mà thế gian không thể nhận được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.” (Giăng 14:16-17).

Lẽ Thật ở trong chúng ta, an ủi, dạy dỗ, dẫn dắt, cáo trách, cầu thay, ban năng lực và ân tứ cho chúng ta là Đức Thánh Linh, là Thầy của chúng ta! Lẽ Thật ở với chúng ta, cùng làm việc với chúng ta, cùng chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống với chúng ta, thêm sức cho chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa, là Chủ của chúng ta! Lẽ Thật ở trên chúng ta, quan phòng, chăm sóc, bảo vệ, ban ơn cho chúng ta là Đức Chúa Trời, là Cha! Thật cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa!

3 Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an, bởi Thiên Phụ và bởi Đức Chúa Jesus Christ là Con của Cha, ở cùng chúng ta, trong lẽ thật và tình yêu!

Là con dân Chúa, chúng ta luôn luôn cần ân điển, sự thương xót, và sự bình an đến từ Đức Cha và Đức Con.

Ân điển là ơn phước được ban cho những kẻ không xứng đáng. Từ Đức Cha chúng ta nhận được ân điển tha tội. Từ Đức Con chúng ta nhận được ân điển làm cho sạch tội.

Sự thương xót là sự đồng cảm và lòng tốt đối với những kẻ yếu đuối, bất hạnh. Từ Đức Cha chúng ta nhận được sự thương xót và sự tha tội cho dù chúng ta nhiều lần yếu đuối hoặc khờ dại mà vấp ngã, phạm tội trên bước đường theo Chúa. Từ Đức Con chúng ta nhận được sự thương xót và sự làm cho sạch tội mỗi khi chúng ta vì yếu đuối mà thất bại trước cám dỗ. Ngài biết rõ sức mạnh của sự cám dỗ trong xác thịt đối với loài người vì Ngài từng ở trong xác thịt, và Ngài luôn đồng cảm với chúng ta.

Sự bình an là điều đương nhiên chúng ta nhận được khi chúng ta được tha tội và được làm cho sạch tội. Chúng ta bình an từ Đức Cha vì chúng ta biết rằng mọi tội lỗi của mình đã được tha và Đức Chúa Trời sẽ nghe lời cầu xin của chúng ta. Chúng ta được bình an từ Đức Con vì chúng ta biết Ngài luôn làm cho chúng ta được sạch tội, thêm sức cho chúng ta vượt qua mọi cám dỗ và thử thách.

Sự ân điển, thương xót, và bình an từ Đức Cha và Đức Con chỉ đến với chúng ta trong lẽ thật và trong tình yêu. Nghĩa là, chúng ta phải hội đủ các điều Chúa đòi hỏi chúng ta. Đó là:

  • Thật lòng ăn năn tội, tức là đau lòng vì đã phạm tội và cương quyết từ bỏ sự phạm tội; nhận biết mình phạm tội vì mình muốn phạm tội, không đổ thừa cho hoàn cảnh hay là ai khác. Khi chúng ta đổ thừa cho hoàn cảnh hay là ai khác, là chúng ta đổ thừa chính Chúa, vì Chúa cho phép hoàn cảnh và người khác đến với chúng ta. Hãy nhớ lại câu chuyện Giô-sép bị vợ của Phô-ti-pha cám dỗ phạm tà dâm trong một hoàn cảnh không có ai nhìn thấy, và khó mà từ chối người có quyền trên mình (Sáng Thế Ký 39).
  • Hoàn toàn tin cậy chỉ một mình sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ là sự cứu rỗi của mình. Tức là không nương cậy vào các nghi thức tôn giáo, các giáo hội, hay bất cứ một việc làm lành nào. Tin cậy sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ còn có nghĩa tin rằng: Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người để chết chuộc tội cho loài người. Nếu chỉ tin rằng, Đức Chúa Jesus Christ chỉ là một người bình thường, hay một thiên sứ, hay một thần linh nào khác, được Đức Chúa Trời sinh ra làm người để chết thay cho tội lỗi của nhân loại, là tin vào “một Đức Chúa Jesus Christ khác”, của một “Tin Lành khác”, không phải là Đức Chúa Jesus Christ và Tin Lành được nói đến trong Thánh Kinh.
  • Hết linh hồn, hết sức, hết trí yêu kính Chúa, thể hiện qua sự hết lòng vâng giữ mọi điều răn của Chúa, như đã được chép trong Thánh Kinh.

Trong lẽ thật là trong Chúa và trong Lời Chúa, vì Lời Chúa cũng chính là lẽ thật. Trong tình yêu là trong sự Chúa yêu chúng ta và chúng ta yêu Ngài.

4 Tôi vui mừng nhiều lắm, khi biết các con cái bà bước đi trong lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận từ Đức Cha.

Bước đi trong lẽ thật tức là sống trong Chúa và sống theo Lời Chúa. Giăng được vui mừng khi biết tin con cái của người phụ nữ mà ông viết thư cho, đều sống trong Chúa và sống theo Lời Chúa. Đó là sự thể hiện vâng theo điều răn của Đức Cha. Điều răn được nói đến ở đây không phải là Mười Điều Răn. Danh từ điều răn được dùng trong câu này mang hình thức số ít, tức là: một điều răn. Đó chính là: Hãy vâng theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ!

“…Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó!” (Ma-thi-ơ 17:5).

Nghe lời Đức Chúa Jesus Christ tức là tin và làm theo mọi điều Ngài phán dạy. Và nếu tin và làm theo mọi điều Ngài phán dạy, thì phải tin rằng: Ngài chính là Thiên Chúa nhập thế làm người. Bởi vì, Ngài là Đấng trên hết muôn loài:

“Đấng từ trên cao đến là trên hết tất cả. Kẻ ra từ đất thì thuộc về đất và nói về đất. Đấng từ trời đến là trên hết tất cả.” (Giăng 3:31).

Chỉ có Thiên Chúa là trên hết muôn loài, chỉ có Đấng Tạo Hóa mới trên hết muôn loài; nên Đức Chúa Jesus Christ không phải là một thiên sứ hay một thần linh nào do Đức Chúa Trời dựng nên.

5 Và giờ đây, hỡi bà, tôi khuyên bà, không phải như tôi viết một điều răn mới cho bà, nhưng là điều chúng ta đã có từ ban đầu, ấy là chúng ta yêu lẫn nhau.

Sứ Đồ Giăng, thấm nhuần với tình yêu của Đức Chúa Trời, nên ông luôn luôn nói về tình yêu của Đức Chúa Trời; cũng là tình yêu tuôn tràn trong mỗi con dân chân thật của Ngài. Bởi vì:

“Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là tình yêu.” (I Giăng 4:8).

“Bởi điều này mọi người sẽ biết rằng, các ngươi là những môn đồ của Ta: Nếu các ngươi có tình yêu trong nhau.” (Giăng 13:35).

Vì thế, khi ông ghi lại lời khuyên trên đây cho người nhận thư, không phải vì người ấy chẳng yêu các anh chị em khác trong Chúa; mà chỉ là sự con dân Chúa cùng nhau nhắc đến sự kiện mình sống trong tình yêu của Chúa và mình yêu lẫn nhau. Có vài người cảm thấy tự ái khi được anh chị em trong Chúa tặng cho mình một câu Thánh Kinh hoặc dùng một câu Thánh Kinh để khuyên mình. Những người như vậy nên cám ơn anh chị em của mình, cảm tạ Chúa, và để tâm suy ngẫm Lời Chúa được anh chị em tặng cho mình, thì sẽ hiểu được vì sao Chúa dùng anh chị em của mình nhắc cho mình câu Thánh Kinh ấy.

Tuy nhiên, cũng có một số người ở trong Hội Thánh, bản thân họ thì không vững vàng trong Lời Chúa, nếp sống thì chưa hoàn toàn thánh khiết, nhưng hay dùng Lời Chúa để khuyên người này hay “nhắc khéo” người khác, thậm chí, để “mắng khéo” người khác. Những người như vậy hãy tự xét mình và ăn năn, trước khi quá muộn, trước khi bị Chúa mửa ra và bị anh chị em xa lánh!

6 Và, này là tình yêu: Ấy là chúng ta bước theo các điều răn của Ngài. Đây là mệnh lệnh: Điều mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu, các anh chị em hãy bước theo.

Tình yêu của Đức Chúa Trời yêu chúng ta thể hiện qua sự Ngài ban cho chúng ta các điều răn của Ngài, để chúng ta không phạm tội, không nghịch lại thánh ý của Ngài, mà bị hình phạt. Tình yêu của chúng ta yêu Chúa thể hiện qua sự chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài. Bước theo các điều răn của Chúa tức là tin và vâng theo các điều răn của Ngài. Trong Thánh Kinh, từ ngữ “bước đi với Chúa” hay “cùng đi với Chúa” luôn luôn có nghĩa là sống theo Lời Chúa. Các điều răn được nói đến trong câu này chính là Mười Điều Răn, và chữ “Ngài” trong câu này là chỉ về Đức Cha đã được nói đến trong câu 4. Rồi, Giăng truyền cho Hội Thánh nói chung, và người nhận thư nói riêng, một mệnh lệnh đến từ Đức Thánh Linh, qua ông: “Điều mà các anh chị em đã nghe từ lúc ban đầu, các anh chị em hãy bước theo!” Lúc ban đầu là lúc Hội Thánh đến với sự cứu rỗi của Chúa. Điều mà chúng ta được nghe từ lúc mới đến với sự cứu rỗi của Chúa là: Mọi người đều đã phạm tội, vì vi phạm các điều răn của Chúa. Mọi người cần phải ăn năn tội, tức là phải vâng giữ các điều răn của Chúa, và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Đó là điều mà Đức Thánh Linh muốn chúng ta hãy bước theo.

7 Vì nhiều kẻ lường gạt đã vào trong thế gian, là những kẻ chẳng xưng rằng, Đức Chúa Jesus Christ đến trong xác thịt. Ấy là sự lường gạt và sự chống nghịch Đấng Christ.

Ngay từ thời của Sứ Đồ Giăng, đã có nhiều tà giáo xuất hiện. Đặc biệt là các tà giáo phủ nhận sự kiện: Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, như Giăng 1:1-14 và I Ti-mô-thê 3:16 đã xác chứng [1]. Tà giáo là kết quả của sự Sa-tan bẻ cong Lời Chúa và truyền các tư tưởng sai trái ấy vào trong tâm trí của những kẻ mà Sứ Đồ Phi-e-rơ gọi là: “dốt nát và không vững chắc”.

“Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao-lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn sáng được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy. Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:15-16).

Những kẻ ấy “dốt nát và không vững chắc” vì kiêu ngạo, không chịu học Lời Chúa với những người đã được Chúa giao cho chức vụ giảng dạy trong Hội Thánh, mà muốn tự lập “làm thầy” (Gia-cơ 3:1). Hậu quả của sự kiêu ngạo luôn luôn là sự hư mất.

8 Các anh chị em hãy giữ mình, để cho chúng tôi không mất kết quả của công việc chúng tôi đã làm nhưng chúng tôi sẽ nhận được phần thưởng trọn vẹn.

Khi con dân Chúa trong Hội Thánh giữ mình, sống theo Lời Chúa, theo sự giảng dạy của những người Chúa lập ra làm công việc giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, thì trước hết, chính họ sẽ được vững vàng trong đức tin, trong sự hiểu biết Lời Chúa, và được vào trong sự sống đời đời. Kế tiếp, những người giảng dạy Lời Chúa cho họ cũng sẽ nhận được phần thưởng trọn vẹn.

Nếu con dân Chúa không giữ mình, sa vào tà giáo, bị hư mất, thì những người giảng dạy Lời Chúa cho họ vẫn được Chúa ban thưởng, vì những người ấy đã trung tín làm tròn bổn phận. Nhưng như vậy chưa phải là phần thưởng trọn vẹn! Vì được thưởng nhưng mất kết quả của sự lao khổ của mình!

Nếu con dân Chúa giữ mình, đứng vững trong đức tin, bước vào trong sự sống đời đời, thì chính mỗi con dân Chúa là một phần thưởng cho những người giảng dạy Lời Chúa cho họ. Không phần thưởng nào lớn cho bằng, linh hồn của một người được cứu và được giữ vững trong đức tin cho đến ngày Đức Chúa Jesus Christ hiện ra, đem Hội Thánh vào trong thiên đàng.

Vừa được Chúa ban thưởng vì trung tín giảng dạy Lời Chúa, vừa được nhìn thấy các anh chị em nghe mình giảng dạy bước vào thiên đàng, chính là phần thưởng trọn vẹn của những người giảng dạy Lời Chúa.

9 Bất cứ ai nghịch lại, chẳng ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa. Còn ai ở trong giáo lý của Đấng Christ, thì người ấy có cả Đức Cha lẫn Đức Con.

Giáo lý của Đấng Christ được tóm gọn như đã nói đến trên đây: Mọi người đều đã phạm tội, vì vi phạm các điều răn của Chúa. Mọi người cần phải ăn năn tội, tức là phải vâng giữ các điều răn của Chúa, và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là tin nhận Thiên Chúa đã nhập thế làm người để chết chuộc tội cho nhân loại.

Bất cứ ai nghịch lại điều trên đây, thì kẻ ấy không ở trong giáo lý, tức sự giảng dạy, của Đấng Christ. Và hễ không ở trong sự giảng dạy của Đấng Christ, thì kẻ ấy không có Thiên Chúa; tức là Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh không ở trong họ, không ở với họ, không ở trên họ (Ê-phê-sô 4:6). Phần thứ nhì của câu 9 đã hàm ý: Đức Cha và Đức Con đều là Thiên Chúa. Có Thiên Chúa tức là có Đức Cha và Đức Con; còn thân thể xác thịt thì trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa, vì được Đức Thánh Linh ngự vào.

10 Nếu ai đến với các anh chị em mà không đem giáo lý ấy theo, thì chớ đón kẻ ấy vào nhà, và cũng đừng chào hỏi kẻ ấy.

11 Vì người nào chào hỏi kẻ ấy, tức là dự vào những việc ác của kẻ ấy.

Con dân Chúa phải tuyệt đối không được chào hỏi bất cứ ai không đem theo giáo lý của Đức Chúa Jesus Christ. Xin một lần nữa nhắc lại giáo lý của Đức Chúa Jesus Christ nơi đây: Mọi người đều đã phạm tội, vì vi phạm các điều răn của Chúa. Mọi người cần phải ăn năn tội, tức là phải vâng giữ các điều răn của Chúa, và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là tin nhận Thiên Chúa đã nhập thế làm người để chết chuộc tội cho nhân loại.

Vậy, con dân Chúa không được mời vào nhà hoặc chào hỏi bất cứ ai xưng là tín đồ Mọt-môn, tín đồ Chứng Nhân Giê-hô-va, tín đồ Duy Một (Oneness), và bất cứ những ai không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, không công nhận Đức Thánh Linh là Thiên Chúa. Ngay cả chào hỏi những người như vậy, thì cũng là dự phần vào việc ác của họ, tức là việc họ hạ nhục Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh. Mà hễ dự phần vào việc ác thì cũng sẽ gánh hình phạt dành cho những kẻ làm ra việc ác.

Con dân Chúa hãy cẩn thận, tránh xa những kẻ theo tà giáo. Xem họ như là một chứng ôn dịch thuộc linh, đến gần sẽ bị lây nhiễm và bị chết theo họ.

12 Tôi còn nhiều điều muốn viết cho các anh chị em. Tôi không muốn viết bằng giấy và mực, nhưng tôi muốn đến với các anh chị em, và đối mặt nói chuyện cùng nhau, để cho sự vui mừng của chúng ta được đầy dẫy.

Giăng còn muốn viết nhiều nữa, nhưng có lẽ sức khoẻ không cho phép. Ông muốn chia sẻ với họ nhiều điều nhưng là chia sẻ trong khi mặt đối mặt, trò chuyện với nhau bằng lời nói thay vì bằng chữ viết. Lúc nào thì sự con dân Chúa gặp mặt, thông công với nhau cũng là một sự vui mừng đầy dẫy.

13 Con cái của người chị em được chọn của bà, chào thăm bà. A-men!

Có lẽ, người chị em nào đó của người phụ nữ được Giăng viết thư cho, vốn là một con dân Chúa tại Ê-phê-sô, nhưng đã qua đời, nên chỉ có con cái của bà ta gửi lời chào thăm dì của họ. Người chị em ấy cũng là một người được Chúa chọn vào trong Hội Thánh của Ngài, và chọn để làm ra những công việc ích lợi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô.

Qua thư II Giăng, chúng ta nhận được sứ điệp sau đây của Đức Thánh Linh:

  • Con dân Chúa yêu lẫn nhau vì đã hiểu biết lẽ thật.
  • Lẽ thật chính là các thân vị của Thiên Chúa và Lời của Thiên Chúa là Thánh Kinh. Lẽ thật ở trong chúng ta, và sẽ ở với chúng ta đời đời.
  • Chúng ta chỉ có thể nhận được ân điển, sự thương xót, và sự bình an từ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ trong lẽ thật và trong tình yêu. Trong lẽ thật là theo tiêu chuẩn và điều kiện của Thánh Kinh. Trong tình yêu là theo sự Thiên Chúa yêu chúng ta và theo tấm lòng chúng ta yêu Thiên Chúa.
  • Có một điều răn từ nơi Đức Cha mà mọi con dân Chúa phải vâng theo. Đó là: Hãy vâng lời Đức Chúa Jesus Christ.
  • Tình yêu chúng ta yêu Chúa thể hiện qua sự chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài.
  • Tà giáo và những kẻ theo tà giáo đã vào trong thế gian để lường gạt con dân Chúa. Chúng ta cần cẩn thận giữ mình, không được chào hỏi hoặc mời những kẻ theo tà giáo vào nhà. Vì chào hỏi họ là dự phần vào việc ác của họ.
  • Một trong các nét nổi bật của các tà giáo là không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, không công nhận Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, bất chấp lời chứng của Thánh Kinh.

Cảm tạ Đức Thánh Linh đã dùng lá thư Sứ Đồ Giăng viết riêng cho một con dân Chúa, để dạy cho Hội Thánh bảy điều quan trọng. Cảm tạ Đức Thánh Linh đã biết trước mà sắm sẵn bài học này cho chúng ta, vào thời điểm mà tà giáo phủ nhận thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và của Đức Thánh Linh đang dấy lên, tấn công vào Hội Thánh.

Cảm tạ Chúa, những ai là chiên thật của Chúa thì nghe tiếng Chúa, nên vẫn bình an và vững đức tin trước sự tấn công của tà giáo. Chỉ có những con dê, không nghe tiếng người chăn, nên mới sa vào sự lường gạt của những kẻ theo tà giáo. Còn lại một số những con chiên yếu đuối thuộc linh, vì chưa dứt khoát với sự thần tượng bản thân, không biết nhận diện những con sói đội lốt chiên, nhận chúng là “anh em cùng đức tin”, chào hỏi và tiếp đón kẻ theo tà giáo vào nhà, vào Hội Thánh, nên mới bị tà linh bắt phục mà quay lại cắn người chăn và những con chiên khác trong bầy. Nguyện Chúa thương xót, ban thêm cơ hội cho họ ăn năn.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/03/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/?p=1114

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.