Chú Giải II Phi-e-rơ 01:01-04 Con Dân Chúa Được Dự Phần Trong Thần Tính

4,366 views


YouTube: https://youtu.be/DvOt6VIxeyE

906101 Chú Giải II Phi-e-rơ 1:1-4
Con Dân Chúa Được Dự Phần Trong Thần Tính

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

II Phi-e-rơ 1:1-4

1 Si-môn Phi-e-rơ, tôi tớ và sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, gửi cho những người đã nhận được đức tin quý báu như chúng tôi bởi sự công chính của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

2 Nguyện ân điển và sự bình an được thêm lên cho các anh chị em bởi sự tri thức về Đức Chúa Trời và về Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta!

3 Theo như thần lực của Ngài đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, thông qua sự tri thức về Đấng đã gọi chúng ta đến sự vinh quang và sự trọn lành.

4 Bởi đó, những lời hứa rất quý, rất lớn đã ban cho chúng ta, để nhờ đó các anh chị em được trở thành những người dự phần trong thần tính, thoát khỏi sự hư hại trong thế gian bởi sự tham muốn.

Thư II Phi-e-rơ được viết tiếp theo thư I Phi-e-rơ để giãi bày cho con dân Chúa về ba điều quan trọng sau đây:

  1. Con dân Chúa được Đức Chúa Trời ban cho thẩm quyền và năng lực để trở nên giống như Thiên Chúa, dự phần trong bản tính của Thiên Chúa.
  2. Con dân Chúa phải cảnh giác trước những giáo sư giả và tiên tri giả là những kẻ rao giảng tà giáo trong Hội Thánh.
  3. Con dân Chúa phải tỉnh thức, dọn mình sống thánh khiết, chờ ngày Chúa đến và ngày Chúa hủy diệt trời cũ, đất cũ.

Trong lời mở đầu thư II Phi-e-rơ, Sứ Đồ Phi-e-rơ đã cẩn thận ghi rõ là nội dung của lá thư được ông gửi cho tất cả những ai có cùng đức tin như ông và các bạn của ông. Đó là một cách nói để gọi chung cả Hội Thánh, nhưng nhấn mạnh đến đặc tính của Hội Thánh, là có đức tin vào Thiên Chúa. Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa bốn câu đầu tiên của II Phi-e-rơ 1.

1 Si-môn Phi-e-rơ, tôi tớ và sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, gửi cho những người đã nhận được đức tin quý báu như chúng tôi bởi sự công chính của Đức Chúa Trời chúng ta và của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.

Trong thư I Phi-e-rơ, Phi-e-rơ xưng mình là “Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ”. Trong thư II Phi-e-rơ, ông xưng mình là “Si-môn Phi-e-rơ, tôi tớ và sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ”.

Si-môn là tên trong tiếng Hê-bơ-rơ, hình thức rút ngắn của Si-mê-ôn, có nghĩa là “người lắng nghe”; còn Phi-e-rơ là tên trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “hòn đá”. Lần đầu tiên, khi Phi-e-rơ ra mắt Chúa thì Ngài gọi ông bằng tên Si-môn và đặt tên mới cho ông theo tiếng Si-ri-a là “Sê-pha” (Giăng 1:42). Sê-pha cũng có nghĩa là “hòn đá”. Chúng ta không biết vì lý do gì Chúa đặt thêm tên Sê-pha cho Phi-e-rơ. Trong các thư của Sứ Đồ Phao-lô thì Phi-e-rơ được gọi bằng tên Sê-pha.

Lời giới thiệu: “Si-môn Phi-e-rơ, tôi tớ và sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ”, là một lời giới thiệu trang trọng với hai tên, kèm theo danh xưng tôi tớ và sứ đồ, tạo cho chúng ta cái cảm giác là những gì theo sau đó rất quan trọng mà Phi-e-rơ có bổn phận giãi bày cho con dân Chúa.

Người nhận thư là bất cứ ai có cùng đức tin nơi Thiên Chúa như Phi-e-rơ và các bạn của ông. Đức tin ấy do Đức Chúa Trời ban cho những ai ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; vì thế, tỏ ra Ngài là Đấng Công Chính, không kể những kẻ có tội là vô tội nhưng cũng không buộc tội những người đã tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự Đức Chúa Jesus Christ chết thay cho loài người tội lỗi để cứu họ ra khỏi hình phạt của Đức Chúa Trời là một hành động công chính, vì sự phạm tội vẫn bị hình phạt và đã có sự hình phạt thì phải có sự tha thứ.

Đức Chúa Jesus Christ được gọi là “Đấng Cứu Rỗi” vừa nói lên thực tế Ngài là Đấng chết thay cho loài người để cứu loài người ra khỏi hình phạt của tội lỗi, vừa nói lên thần tính của Ngài, Ngài là Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi của loài người chỉ có thể đến từ Thiên Chúa:

“Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Vầng Đá của tôi, Đấng Cứu Chuộc của tôi! Nguyện những lời nói của miệng tôi và sự suy ngẫm của lòng tôi được vui nhận trước mặt Ngài!” (Thi Thiên 19:14).

“Chúng nó nhớ lại rằng Thiên Chúa là Vầng Đá của mình, Thiên Chúa Chí Cao là Đấng Cứu Chuộc của mình.” (Thi Thiên 78:35).

“Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, danh Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân, là Đấng Thánh của I-sơ-ra-ên.” (Ê-sai 47:4).

Chính tên gọi JESUS của Ngài đã nói lên bản tính Thiên Chúa của Ngài, vì JESUS có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi! Ngày nay, Sa-tan đã tận dụng một số giáo sư giả người Việt để gieo rắc tà giáo vào trong Hội Thánh tại Việt Nam. Họ bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, không công nhận Ngài là Thiên Chúa. Họ bác bỏ thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh, không công nhận Đức Thánh Linh là một thân vị của Thiên Chúa. Họ dạy rằng Đức Thánh Linh chỉ là ý tưởng, tâm trí, hoặc năng lực của Đức Chúa Trời.

Đức tin của con dân Chúa được gọi là đức tin quý báu vì đức tin ấy là sự ban cho từ Đức Chúa Trời, có năng lực cứu rỗi và thánh hóa bất cứ ai tiếp nhận. Đức tin ấy chỉ có một, vì “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem” (Ê-phê-sô 4:5).

2 Nguyện ân điển và sự bình an được thêm lên cho các anh chị em bởi sự tri thức về Đức Chúa Trời và về Đức Chúa Jesus, Chúa của chúng ta!

Chúng ta thường chúc nhau được hưởng ân điển và bình an từ Thiên Chúa. Sứ Đồ Phi-e-rơ giúp chúng ta biết rằng, bởi sự tri thức về Đức Chúa Trời và về Đức Chúa Jesus mà chúng ta nhận được ân điển cùng bình an. Ân điển là bất cứ sự ban cho nào từ Thiên Chúa. Sự bình an là kết quả của sự chúng ta được đổ đầy mọi sự ban cho của Thiên Chúa.

Bởi chúng ta có sự tri thức về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus; biết rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha ở trên trời của chúng ta, Ngài yêu chúng ta và không tiếc bất cứ điều gì đối với chúng ta (Rô-ma 8:32); biết Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã đổ máu chuộc tội chúng ta và yêu chúng ta cho đến cuối cùng; mà chúng ta hoàn toàn tin nhận mọi lời phán của Ba Ngôi Thiên Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh; nhờ đó, chúng ta được đầy dẫy ân điển, có đủ các thứ ơn, ơn càng thêm ơn, và chúng ta được bình an trong mọi cảnh ngộ.

Đức Chúa Jesus là Chúa của chúng ta. Chúng ta cần giao trọn quyền cai trị tâm thần, linh hồn, và thể xác của chúng ta trong tay Chúa.

3 Theo như thần lực của Ngài đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, thông qua sự tri thức về Đấng đã gọi chúng ta đến sự vinh quang và sự trọn lành.

Danh từ “thần lực” trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là: “sức mạnh của Thiên Chúa”. Đại danh từ “Ngài” trong câu này chỉ về Đức Chúa Jesus, Chúa chúng ta. Ngài là Thiên Chúa và Ngài dùng sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa mà ban cho chúng ta đủ các thứ ơn, để làm cho sự yếu đuối của chúng ta trở nên trọn vẹn. Sứ Đồ Phao-lô đã kinh nghiệm được ân điển về sự ban cho sức mạnh từ Đức Chúa Jesus, như sau:

“Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo. Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi. Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:7-9).

Trong suốt chiều dài lịch sử của Hội Thánh gần 2.000 năm qua, biết bao nhiêu con dân Chúa đã thà chịu tan xương, nát thịt trong những cơn bách hại tàn bạo, thay vì chối bỏ đức tin nơi Thiên Chúa, bởi vì, họ nhận được ân điển từ chính Đức Chúa Jesus. Ngày nay, mỗi con dân Chúa cũng vẫn được Đức Chúa Jesus dùng sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa ban cho đủ mọi điều về sự sống và sự tin kính.

Sự sống là sự được tha tội, được làm cho sạch tội, được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, được ban cho sự sống lại và sự sống đời đời.

Sự tin kính là lòng biết ơn Thiên Chúa, yêu quý Thiên Chúa, và vâng phục Thiên Chúa trong mọi sự.

Sự ban cho ấy đến với chúng ta bởi sự chúng ta có tri thức về Đức Chúa Trời, là Đấng đã gọi chúng ta đến với sự vinh quang và sự trọn lành. Rô-ma 8:28-31 chép:

28 Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.

29 Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con Đầu Lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.

30 Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công chính. Những ai Ngài đã xưng là công chính thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển.

31 Vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao về những sự này? Nếu Đức Chúa Trời vì chúng ta thì ai có thể nghịch lại chúng ta?

Để có được tri thức về Đức Chúa Trời thì chúng ta phải biết kính sợ Ngài. Vì kính sợ Ngài mà chúng ta biết lắng nghe Ngài, tìm kiếm thánh ý của Ngài, vâng giữ các điều răn của Ngài; tức là chúng ta đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8).

4 Bởi đó, những lời hứa rất quý, rất lớn đã ban cho chúng ta, để nhờ đó các anh chị em được trở thành những người dự phần trong thần tính, thoát khỏi sự hư hại trong thế gian bởi sự tham muốn.

“Bởi đó” là bởi sự Đức Chúa Jesus dùng sức mạnh của Thiên Chúa để ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính. Nghĩa là qua sự ban cho đó mà mọi lời hứa rất quý, rất lớn đến với chúng ta. Chính sự nhận biết ý nghĩa và giá trị các lời hứa của Thiên Chúa trong Thánh Kinh giúp cho chúng ta được bình an, thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, không còn chạy theo sự hư hại trong thế gian, tức là sự tham muốn, tìm kiếm những điều thuộc về thế gian, để rồi bị sa ngã mà hư mất.

Thánh Kinh ghi lại hàng ngàn lời hứa cho con dân Chúa về những sự mà Thiên Chúa sẽ làm cho con dân Ngài trong đời này lẫn đời sau. Tất cả những lời hứa ấy “đã ban” cho chúng ta. Chỉ cần chúng ta thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, thì chúng ta có tất cả các lời hứa rất quý và rất lớn của Thiên Chúa.

Một trong những lời hứa quan trọng nhất, đứng đầu mọi lời hứa, nếu không có nó thì chúng ta không thể nhận được các lời hứa khác, là lời hứa được ghi lại trong Giăng 3:16:

“Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.”

Một người cần phải được thoát khỏi sự hư mất, có được sự sống vĩnh cửu, thì mới có thể vui hưởng các ơn phước khác của Thiên Chúa.

Lời hứa quan trọng tiếp theo là lời hứa về sự Chúa sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian:

“Lòng các ngươi chớ bối rối. Hãy tin nơi Đức Chúa Trời, cũng hãy tin nơi Ta. Trong nhà của Cha Ta có nhiều chỗ ở, nếu không, Ta đã nói với các ngươi. Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn chỗ cho các ngươi, Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu, các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:1-3).

Sứ Đồ Phao-lô gọi đó là sự trông cậy hạnh phúc:

Tít 2:11-14

11 Vì ân điển của Đức Chúa Trời đem lại sự cứu rỗi, đã được tỏ ra cho tất cả mọi người,

12 dạy cho chúng ta rằng: Hãy chối bỏ sự không tin kính và những sự tham muốn của thế gian. Chúng ta nên sống cách tỉnh táo, công chính, và tin kính trong đời này,

13 chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,

14 Đấng ban chính mình Ngài cho chúng ta, để chuộc chúng ta ra khỏi mọi sự vi phạm luật pháp, và làm tinh sạch cho chính Ngài một dân thuộc về Ngài, sốt sắng về những việc lành.

Giữa hai lời hứa ấy là lời hứa rất quan trọng mà chúng ta cần nhớ thuộc lòng. Đó là lời hứa của Đức Thánh Linh, phán qua ngòi bút của Sứ Đồ Phao-lô:

“Đức Chúa Trời của tôi sẽ làm cho đầy mọi nhu cầu của các anh chị em y theo sự giàu có của Ngài trong sự vinh quang, trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:19).

Đức Chúa Trời có thể không ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta muốn, nhưng Ngài sẽ đổ đầy cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần, để chúng ta có thể sống thánh khiết theo ý Ngài, ngay trong thân thể xác thịt này, giữa thế gian đầy tội lỗi và bất hạnh này.

Chỉ với ba lời hứa trên đây, đã quá đủ để chúng ta sống bình an, thỏa lòng, và thánh khiết trong Chúa, đứng vững trước mọi cám dỗ và thử thách. Thế nhưng, ngoài ba lời hứa ấy còn biết bao nhiêu là lời hứa rất quý và rất lớn mà Ba Ngôi Thiên Chúa đã hứa với con dân của Ngài, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Chúng tôi kính mời quý con dân Chúa hãy dành thời gian, ghi lại những lời hứa của Đức Chúa Trời, những lời hứa của Đức Chúa Jesus Christ, và những lời hứa của Đức Thánh Linh (những lời hứa của Đức Thánh Linh được Vua Sa-lô-môn ghi lại trong sách Châm Ngôn và được các sứ đồ, môn đồ của Chúa ghi lại trong Tân Ước), rồi mỗi ngày suy ngẫm về những lời hứa ấy. Chắc chắn quý ông bà anh chị em sẽ được hưởng sự vui mừng lớn bất tận của những người khám phá những sự lạ lùng mà Thiên Chúa đã sắm sẵn cho con dân của Ngài.

Thần tính là bản tính của Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có thần tính. Chỉ Thiên Chúa tự có và có mãi mới có các đặc tính như: toàn năng, toàn tại, toàn tri, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ… Là con dân của Thiên Chúa, chúng ta được lời hứa dự phần trong thần tính của Thiên Chúa. Điều ấy không có nghĩa là chúng ta trở thành Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Đấng tự có, còn chúng ta đều là loài thọ tạo. Thiên Chúa không có sự bắt đầu, không có sự kết thúc. Chúng ta có sự bắt đầu và bởi ơn thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta không có sự kết thúc, chúng ta được còn lại đời đời với Ngài và trong Ngài. Chúng ta tiếp nhận các thần tính của Thiên Chúa như chúng ta tiếp nhận nước ra từ nguồn nước. Chúng ta yêu như Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta thánh khiết như Thiên Chúa là thánh khiết. Chúng ta công chính như Thiên Chúa là công chính… Vì chúng ta được kết hiệp làm một với Thiên Chúa qua thân vị người của Đức Chúa Jesus Christ, chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa.

Được dự phần trong thần tính của Thiên Chúa cũng là một lời hứa rất quý và rất lớn của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Cảm tạ Ngài vô cùng.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/12/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.