Chú Giải II Phi-e-rơ 01:12-21 Sự Trở Lại của Đức Chúa Jesus Christ Là Chắc Chắn

4,950 views


YouTube: https://youtu.be/4Yj1fNV-0IM

906103 Chú Giải II Phi-e-rơ 1:12-21
Sự Trở Lại của Đức Chúa Jesus Christ Là Chắc Chắn

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

II Phi-e-rơ 1:12-21

12 Vậy nên, tôi không tắc trách để khiến cho các anh chị em luôn nhớ đến những sự đó, mặc dù các anh chị em đã biết và được vững vàng trong lẽ thật hiện tại. [Lẽ thật đang có trong các anh chị em.]

13 Nhưng tôi còn ở trong lều trại này bao lâu, thì tôi xem sự nhắc nhở để tỉnh thức các anh chị em, là phải lẽ;

14 biết rằng, không còn bao lâu tôi sẽ lìa lều trại này, như Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đã tỏ cho tôi.

15 Nhưng, tôi sẽ sốt sắng để sau khi tôi qua đời, các anh chị em luôn nhớ những điều này.

16 Vì khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, thì chúng tôi chẳng theo những chuyện dối khéo, mà là chính mắt chúng tôi đã nhìn thấy sự uy nghiêm của Ngài.

17 Vì Ngài đã nhận sự tôn trọng và vinh quang từ Thiên Chúa Đức Cha, khi có tiếng phán với Ngài từ Đấng Vinh Quang Tuyệt Vời rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, trong Con ấy Ta đẹp lòng.

18 Chúng tôi nghe tiếng phán này đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên núi thánh.

19 Chúng tôi cũng càng chắc chắn hơn về lời tiên tri, là lời mà các anh chị em ngoan ngoãn nghe theo, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến lúc ban ngày lộ ra, và Sao Mai mọc trong lòng các anh chị em.

20 Hãy biết rõ điều này: Trước hết, chẳng có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh được giải nghĩa theo ý riêng.

21 Vì chẳng bao giờ có lời tiên tri nào đến bởi ý của một người nào, nhưng các người thánh của Thiên Chúa đã cảm động bởi thánh linh mà nói ra.

Khi Sứ Đồ Phi-e-rơ bắt đầu viết thư II Phi-e-rơ gửi cho con dân Chúa khắp nơi, để cảnh giác họ về sự kiện những giáo sư giả và những tiên tri giả sẽ xâm nhập tràn lan trong Hội Thánh, thì ông cũng biết rằng, ông sắp sửa qua đời. Sự biết đó do chính Đức Chúa Jesus Christ bày tỏ cho ông, và đã được Ngài tiên tri gần 40 năm trước đó, ngay trong lúc Ngài kêu gọi ông vào chức vụ chăn bầy (Giăng 21:15-19). Sứ Đồ Phao-lô cũng nhận được đặc ân tương tự, biết trước mình sắp qua đời, khi ông viết thư II Ti-mô-thê gửi cho Ti-mô-thê (II Ti-mô-thê 4:6). Nếu chúng ta đọc thư II Phi-e-rơ và II Ti-mô-thê với ý thức những điều chúng ta đọc chính là những lời tâm sự, chia sẻ sau cùng của hai sứ đồ lừng danh của Chúa, thì chúng ta sẽ cảm nhận được càng hơn, tấm lòng tha thiết của hai ông đối với con dân Chúa và công tác xây dựng Hội Thánh.

Trong II Phi-e-rơ 1:12-21, Sứ Đồ Phi-e-rơ khẳng định với con dân Chúa những gì ông và các sứ đồ khác rao giảng về Đức Chúa Jesus Christ đều là chân thật, và ông là một trong những chứng nhân được nhìn tận mắt sự vinh quang trong thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, được nghe trực tiếp tiếng phán của Đức Chúa Trời về Đức Chúa Jesus Christ. Đồng thời, ông xác nhận lời tiên tri về sự trở lại của Đức Chúa Jesus Christ để thiết lập Vương Quốc của Đức Chúa Trời là chắc chắn; và không có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh mà không đến từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu:

12 Vậy nên, tôi không tắc trách để khiến cho các anh chị em luôn nhớ đến những sự đó, mặc dù các anh chị em đã biết và được vững vàng trong lẽ thật hiện tại. [Lẽ thật đang có trong các anh chị em.]

Từ ngữ “tắc trách” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: không quan tâm đến, xem thường, bỏ qua… Phi-e-rơ muốn nói rằng: Vì các anh chị em cần phải kết quả đức tin của mình cách đầy trọn trong Chúa, cho nên, tôi không thể không quan tâm đến nếp sống trong Chúa của các anh chị em, tôi không thể xem thường việc nhắc nhở các anh chị em, tôi không thể bỏ qua mà không nói đến những điều tôi đã đề cập trên đây, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của một người chăn, của một trưởng lão. Tôi vẫn cứ sốt sắng nhắc nhở các anh chị em như vậy, mặc dù tôi biết rõ các anh chị em đã biết lẽ thật và đang vững vàng trong lẽ thật.

Đối với những người đã biết rõ lẽ thật, đang vững vàng trong lẽ thật, mà Phi-e-rơ vẫn cứ sốt sắng nhắc nhở họ về những điều ông đã liệt kê trong các câu trước đó, thì đối với những người yếu đuối trong đức tin họ cần được sự nhắc nhở biết là bao. Vì chính Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phi-e-rơ viết những lời này, nên chúng ta biết rằng, tấm lòng của Phi-e-rơ cũng chính là ý muốn của Đức Thánh Linh. Cho dù con dân Chúa đã biết lẽ thật và vững vàng trong đức tin, nhưng Đức Thánh Linh vẫn muốn họ luôn nhớ rằng: Họ đã được Đức Chúa Jesus Christ ban cho mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính. Họ được dự phần trong thần tính, được thoát khỏi sự hư hại trong thế gian. Họ cần phải thể hiện đức tin của mình thành các bông trái cụ thể trong cuộc sống, chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa trong thế gian.

Danh từ “lẽ thật hiện tại” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: lẽ thật đang có, tức là lẽ thật đang được con dân Chúa tiếp nhận và đang ở trong con dân Chúa. Lẽ thật hiện tại còn có nghĩa là lẽ thật y như đã trình bày trong Thánh Kinh, được ban cho nhân loại trong những ngày cuối cùng, trước khi Thiên Chúa phán xét toàn thế gian.

Lẽ thật tức là Lời Chúa. Lẽ thật không phải là các tư tưởng Thần học bị tiêm nhiễm triết học hoặc tà giáo. Lẽ thật càng không phải là những giáo điều của các tổ chức tôn giáo, dù là những tổ chức tôn giáo mang danh Chúa.

Con dân Chúa cần phải xét mình, đối chiếu với Lời Chúa, để biết chắc là mình đã biết và vững vàng trong lẽ thật của Lời Chúa. Người biết và vững vàng trong lẽ thật của Lời Chúa là người xây dựng đức tin của mình trên nền đá. Người xây dựng đức tin của mình trên các tư tưởng Thần học ngoài Thánh Kinh, trên các giáo điều nghịch Thánh Kinh của các tổ chức tôn giáo là người xây dựng đức tin của mình trên nền cát.

Trong thời kỳ sau cùng này, Chúa đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh và phát hành rộng rãi. Nếu chúng ta không đọc Lời Chúa và suy ngẫm ngày đêm để cẩn thận làm theo, để được Lời Chúa thánh hóa chúng ta và nuôi lớn đức tin của chúng ta, mà chỉ nhắm mắt nghe theo những sự giảng dạy của các giáo hội, thì chúng ta sẽ bị diệt vì thiếu sự tri thức Lời Chúa, vì đã bỏ qua Lời Chúa, là luật pháp tối cao được Thiên Chúa ban cho loài người, có thẩm quyền tuyệt đối trong mọi sự:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi.” (Ô-sê 4:6).

Cho đến ngày hôm nay (16/01/2016), chúng tôi chưa tìm thấy một giáo hội hay giáo phái nào mà không có sự giảng dạy nghịch lại Thánh Kinh. Trong mười điều họ giảng dạy, có thể có đến chín điều đúng với Thánh Kinh, nhưng chỉ cần một điều giảng dạy không đúng Thánh Kinh của họ là đủ để làm cho con dân Chúa bị vấp phạm. Thí dụ:

  • Tà giáo bác bỏ việc vâng giữ điều răn thứ tư, khiến cho con dân Chúa vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời.
  • Tà giáo dạy rằng: “Được cứu một lần được cứu vĩnh viễn”, khiến cho con dân Chúa thản nhiên sống trong tội.
  • Tà giáo “nói tiếng lạ và đặt tay té ngã”, khiến cho con dân Chúa bị tà linh khống chế và lợi dụng.
  • Tà giáo bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, bác bỏ thân vị và thần tính của Đức Thánh Linh, không tin nhận một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị, khiến cho con dân Chúa không công nhận Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, khiến cho con dân Chúa phủ nhận sự thờ phượng Đức Chúa Jesus Christ và Đức Thánh Linh.
  • Tà giáo dạy rằng con dân Chúa không nên mừng sinh nhật, không nên chúc mừng sinh nhật lẫn nhau (nghịch lại Thi Thiên 127:3; 139:13-14).
  • Tà giáo dạy rằng: Trong những ngày cuối cùng này con dân Chúa không nên kết hôn, không nên ăn ngon (nghịch lại I Cô-rinh-tô 7:2; I Ti-mô-thê 4:4-5; làm ứng nghiệm I Ti-mô-thê 4:1-3).

Một người có thể nhận biết lẽ thật của Lời Chúa nhưng không vững vàng trong lẽ thật của Lời Chúa nếu người ấy không làm theo sự mình biết. Đức Chúa Jesus Christ đã dùng ngụ ngôn xây nhà (Ma-thi-ơ 7:24-27) để nói rõ kết quả của sự nghe và làm theo lời Ngài hoặc nghe mà không làm theo lời Ngài.

Nếu chúng ta không biết và không vững vàng trong lẽ thật của Lời Chúa hoặc biết mà không vững vàng trong lẽ thật của Lời Chúa, tức không làm theo Lời Chúa, thì làm sao chúng ta có thể kết quả: sự trọn lành, sự hiểu biết, sự tiết độ, sự nhẫn nại, sự tin kính, tình yêu thương anh chị em, và tình yêu trong đức tin của chúng ta?

Có lẽ lý do chính khiến cho giáo hội nào cũng có những sự giảng dạy tà giáo là vì ngay chính sự thành lập giáo hội đã là điều nghịch lại Lời Chúa. Xin đọc bài giải đáp thắc mắc về giáo hội, giáo phái, và hệ phái trên khu mạng www.timhieutinlanh.net [1]. Dù vậy, Đức Chúa Trời vẫn làm việc qua các giáo hội như Ngài đã làm việc qua sự cứng lòng của dân I-sơ-ra-ên. Vẫn có nhiều người được cứu qua sự giảng Tin Lành của các giáo hội. Nhưng một khi chúng ta được cứu, được tiếp cận với lẽ thật của Lời Chúa, được biết sự thành lập các giáo hội là nghịch lại Lời Chúa, thì chúng ta phải bước ra khỏi các giáo hội, để chúng ta thật sự hầu việc Chúa chứ không phải hầu việc các giáo hội, để chúng ta làm theo lẽ thật của Lời Chúa chứ không làm theo điều răn của các giáo hội là những điều nghịch lại Lời Chúa.

13 Nhưng tôi còn ở trong lều trại này bao lâu, thì tôi xem sự nhắc nhở để tỉnh thức các anh chị em, là phải lẽ;

Lời tâm tình tha thiết này của Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng phải là tâm tình của tất cả những con dân chân thật của Chúa. Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể sẽ chết này, ngày ấy chúng ta có bổn phận phải nhắc nhở lẫn nhau sống thánh khiết và kết quả cho Chúa.

14 biết rằng, không còn bao lâu tôi sẽ lìa lều trại này, như Đức Chúa Jesus Christ chúng ta đã tỏ cho tôi.

Phi-e-rơ biết rõ ông sắp qua đời, vì Đức Chúa Jesus Christ đã tỏ cho ông. Ông gọi thân thể xác thịt của ông là lều trại, như Phao-lô gọi thân thể xác thịt của con dân Chúa là lều trại (II Cô-rinh-tô 5:1-3). Hình ảnh của một cái lều được dựng lên làm chỗ tạm trú của người I-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm lang thang trong đồng vắng được dùng làm biểu tượng cho thân thể xác thịt sẽ chết của con dân Chúa, trước khi họ được mặc lấy thân thể phục sinh hoặc thân thể biến hóa vinh quang mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ. Vì thế, chúng ta đừng tốn quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để chăm chút cho thân thể xác thịt sẽ qua đi này, mà hãy tận dụng mọi sự chúng ta có để xây dựng sự vinh quang của chúng ta trong cõi đời đời. Khải Huyền 19:8 nói rõ, trang phục mịn, sạch, và trắng của mỗi thánh đồ chính là những việc làm công chính của họ trong đời này.

Vậy, chúng ta ăn, mặc, ngủ, nghỉ, giải trí, tập thể dục, tắm rửa đủ mức cần thiết cho thân thể xác thịt của chúng ta được khỏe mạnh, mà dùng nó hoàn thành những việc công chính là những việc Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta làm (Ê-phê-sô 2:10); chứ đừng xa hoa, phung phí, trau chuốt nó. Đặc biệt là đừng cho phép người thân sẽ chôn cất xác chết của chúng ta cách linh đình, tốn kém.

15 Nhưng, tôi sẽ sốt sắng để sau khi tôi qua đời, các anh chị em luôn nhớ những điều này.

Phi-e-rơ cứ sốt sắng nhắc nhở con dân Chúa cho đến thời điểm cuối cùng trong đời sống của ông trên đất, để ngay cả sau khi ông qua đời, họ vẫn nhớ đến những điều ông nhắc nhở họ. Thật vậy, những lời nói của một người sắp chết thường được những người còn sống ghi nhớ lâu dài.

16 Vì khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, thì chúng tôi chẳng theo những chuyện dối khéo, mà là chính mắt chúng tôi đã nhìn thấy sự uy nghiêm của Ngài.

Phi-e-rơ đang đề cập đến kinh nghiệm của bản thân ông cùng với Gia-cơ và Giăng, về sự họ nhìn thấy quyền phép và sự vinh quang của Đức Chúa Jesus Christ y như lúc Ngài sẽ hiện đến để thiết lập Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Ông và họ đã làm chứng lại khải tượng ấy cho Hội Thánh, giảng dạy về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ cho Hội Thánh. Lời làm chứng và giảng dạy của ông và họ là dựa trên chứng cớ được nhìn thấy tận mắt.

Ma-thi-ơ 16 ghi lại sự kiện Phi-e-rơ được Đức Chúa Trời tỏ cho ông biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Sau lời xưng nhận của Phi-e-rơ, Đức Chúa Jesus Christ tuyên bố Ngài sẽ xây dựng Hội Thánh của Ngài trên lẽ thật ấy, lẽ thật: Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Lẽ thật ấy là vầng đá làm nền tảng cho sự hình thành của Hội Thánh. Phi-e-rơ chỉ là một hòn đá (petros) [2] trong số những hòn đá được dùng để xây lên Hội Thánh trên vầng đá (petra) [3] của mọi thời đại, là Đấng Christ. Theo sau đó, Đức Chúa Jesus Christ nói về cái giá mỗi người phải trả để có thể theo Ngài và Ngài hứa rằng, trong số các môn đồ đang đứng với Ngài, sẽ có mấy người không chết trước khi họ được nhìn thấy Ngài đến trong vương quốc của Ngài:

“Thật vậy! Ta nói với các ngươi: Có mấy người đang đứng đây sẽ không nếm sự chết cho đến khi họ nhìn thấy Con Người đến trong vương quốc của Ngài.” (Ma-thi-ơ 16:28).

Sáu ngày sau đó, Đức Chúa Jesus Christ mang Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng cùng đi với Ngài lên một ngọn núi. Trên ngọn núi ấy, Ngài đã hiện ra trong sự vinh quang mà gần 40 năm sau, Phi-e-rơ nhắc lại và gọi là “sự uy nghiêm” của Ngài. Từ ngữ “uy nghiêm” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: oai nghi, vĩ đại, và rực rỡ trong thần tính. Từ ngữ này chỉ được dùng ba lần trong Tân Ước:

  • Lần thứ nhất trong Lu-ca 9:43, nói về sự dân chúng ngạc nhiên trước năng lực và thẩm quyền đuổi quỷ của Đức Chúa Jesus Christ: “Và họ ngạc nhiên về sự uy nghiêm của Đức Chúa Trời…”
  • Lần thứ nhì trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:27, nói về sự uy nghiêm giả tạo của nữ tà thần Át-tê-mít: “Không chỉ nghề này của chúng ta bị nguy, trở thành vô giá trị; nhưng đền thờ của đại nữ thần Át-tê-mít cũng bị xem không ra gì, và sự uy nghiêm của nàng, mà cả cõi A-si và thế giới thờ kính, sẽ bị đánh hạ.”
  • Lần thứ ba trong II Phi-e-rơ 1:16 mà chúng ta đang học trong bài này.

Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đã nhìn thấy sự uy nghiêm của Đức Chúa Jesus Christ, là sự oai nghi, vĩ đại, và rực rỡ của Thiên Chúa, như khi Ngài sẽ hiện đến trong vương quốc của Ngài. Chẳng những vậy, họ còn được nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời, xác nhận con người xác thịt Jesus đang hiện ra trong sự uy nghiêm của Thiên Chúa trước mắt họ, chính là Con của Đức Chúa Trời:

17 Vì Ngài đã nhận sự tôn trọng và vinh quang từ Thiên Chúa Đức Cha, khi có tiếng phán với Ngài từ Đấng Vinh Quang Tuyệt Vời rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, trong Con ấy Ta đẹp lòng.

18 Chúng tôi nghe tiếng phán này đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên núi thánh.

Trước khi nhập thế làm người, Ngôi Lời chính là Thiên Chúa và Ngài có sự tôn trọng và vinh quang của Thiên Chúa (Giăng 1:1-5). Sau khi nhập thế làm người, Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa nhưng bị giới hạn trong xác thịt của loài người và thân thể xác thịt ấy phải nhận lãnh sự tôn trọng và vinh quang từ Đức Chúa Trời, nhận năng lực từ Đấng Thần Linh (Giăng 1:10-14; Phi-líp 2:6-11).

Phi-e-rơ gọi Đức Chúa Trời là “Thiên Chúa Đức Cha” và gọi Ngài là “Đấng Vinh Quang Tuyệt Vời”. Từ ngữ “tuyệt vời” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là một từ ghép bởi hai từ: quá lớn, quá cao. Thật vậy, sự vinh quang của Đức Chúa Trời là quá lớn và quá cao, vượt khỏi mọi vinh quang.

Phi-e-rơ làm chứng rằng ông và các bạn của ông đã nghe lời phán của Đức Chúa Trời khi họ đang ở trên núi với Đức Chúa Jesus Christ, và ông gọi đó là núi thánh. Núi ấy trở thành núi thánh vì đã được dùng làm nơi để bày tỏ sự uy nghiêm của Đức Chúa Jesus Christ trong thần tính của Ngài. Thân thể mỗi con dân Chúa cũng trở thành thân thể thánh vì là nơi ngự của Thiên Chúa và là nơi chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa cho thế gian.

19 Chúng tôi cũng càng chắc chắn hơn về lời tiên tri, là lời mà các anh chị em ngoan ngoãn nghe theo, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến lúc ban ngày lộ ra, và Sao Mai mọc trong lòng các anh chị em.

Danh từ “lời tiên tri” được dùng trong câu này mang hình thức số ít, và đó là lời tiên tri về sự đến của Đức Chúa Jesus Christ trong vương quốc của Ngài. Phi-e-rơ và các bạn của ông nhờ nhìn thấy khải tượng về sự uy nghiêm của Đức Chúa Jesus Christ như khi Ngài sẽ hiện ra trong vương quốc của Ngài, nên ông và các bạn của ông càng thêm vững chắc về lời tiên tri về sự đến của Chúa. Lời tiên tri ấy đã được ghi chép trong Cựu Ước:

  • Thi Thiên 2:6-9; 22:27-31; 89:19-29; 110; 132:13-18
  • Ê-sai 2:1-4; 9:6-7; 11:3-9; 24:21-23
  • Giê-rê-mi 23:5; 33:6-18
  • Ê-xê-chi-ên 20:33-44; 37:24-28; 39:21-29; 43:7
  • Đa-ni-ên 7:14, 18, 27
  • Ô-sê 3:4-5
  • Giô-ên 3:14-17, 21
  • Mi-chê 4:1-7
  • Sô-phô-ni 3:14-20
  • A-ghê 2:20-23
  • Xa-cha-ri 2:10-13; 6:12-13; 8:2-3; 9:10; 14:1-9

Chúng ta cần ghi nhớ chi tiết quan trọng này: Vào thời của Phi-e-rơ và Phao-lô thì Hội Thánh chỉ mới có Thánh Kinh Cựu Ước. Đức tin của Hội Thánh vào trong sự đến của Đức Chúa Jesus Christ hoàn toàn dựa vào lời tiên tri trong Cựu Ước, được các sứ đồ giảng giải trong các bài giảng và các thư tín. Ngày nay, các thư tín ấy đã trở thành Thánh Kinh Tân Ước.

Nơi tối tăm tiêu biểu cho một tâm trí chưa có lẽ thật của Lời Chúa. Ban ngày lộ ra là khi Lời Chúa giúp cho chúng ta hiểu biết chương trình, ý định của Ngài, và tương lai của nhân loại. Sao Mai là hình ảnh về con người xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ hiện ra trong tâm trí của chúng ta. Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến trong tấm lòng của mỗi chúng ta (Lu-ca 17:20-21), và đối với Hội Thánh thì Đức Chúa Jesus Christ đã đến trong vương quốc của Ngài. Ngài đang cai trị Hội Thánh và mỗi tấm lòng của con dân Chúa. Ai thật sự tin nhận Chúa, sống theo Lời Chúa, thì con mắt thiêng liêng của người ấy nhìn thấy Đức Chúa Jesus Christ vinh quang như ngôi sao mai trong lòng của họ, giữa ánh sáng của những lời tiên tri trong Thánh Kinh.

20 Hãy biết rõ điều này: Trước hết, chẳng có lời tiên tri nào trong Thánh Kinh được giải nghĩa theo ý riêng.

21 Vì chẳng bao giờ có lời tiên tri nào đến bởi ý của một người nào, nhưng các người thánh của Thiên Chúa đã cảm động bởi thánh linh mà nói ra.

Thánh Kinh ghi lại rất nhiều lời tiên tri. Cựu Ước có 1.239 lời tiên tri. Tân Ước có 578 lời tiên tri. Tổng cộng, toàn Thánh Kinh có 1.817 lời tiên tri được ghi chép trong 8.352 câu trong tổng số 31.124 câu của Thánh Kinh, tức là khoảng 26,8% nội dung của Thánh Kinh là các lời tiên tri [4].

  • Tất cả mỗi một lời tiên tri được ghi lại trong Thánh Kinh đều do các thánh đồ của Thiên Chúa được Ngài thần cảm cho họ nói ra và ghi chép lại.
  • Không một lời tiên tri nào trong Thánh Kinh được nói ra theo ý riêng của một người nào.
  • Không một lời tiên tri nào trong Thánh Kinh có thể dùng ý riêng của loài người mà giải thích. Nghĩa là, mỗi một lời tiên tri trong Thánh Kinh phải được giải nghĩa bằng chính Lời của Thiên Chúa là Thánh Kinh.

Thế nhưng, ngay trong thời đại của Phi-e-rơ thì trong dân chúng và ngay cả trong Hội Thánh đã nổi lên nhiều giáo sư giả và tiên tri giả. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết về những kẻ giả mạo này khi chúng ta học đến II Phi-e-rơ đoạn 2.

Là con dân của Chúa trong thời kỳ Hội Thánh:

  • Chúng ta đã tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa nhập thế làm người, chịu chết thay cho chúng ta, để cứu chúng ta ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi.
  • Chúng ta tin nhận Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại và đã về lại thiên đàng, để sắm sẵn chỗ ở cho Hội Thánh của Ngài.
  • Chúng ta tin nhận Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại giữa chốn không trung, để đem Hội Thánh của Ngài ra khỏi thế gian, trước khi Ngài phán xét toàn thế gian trong thời kỳ gọi là bảy năm đại nạn, trước khi Ngài cùng với Hội Thánh giáng lâm trên đất, kết thúc thế gian tội lỗi và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm.

Toàn bộ đức tin của chúng ta đặt trên các lẽ thật của Lời Chúa, là Thánh Kinh, vì thế, chúng ta biết chắc những điều mình đang trông đợi sẽ hiện thực trong thời điểm mà Đức Chúa Trời đã ấn định.

Nguyện xin tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa giữ gìn chúng ta được trọn vẹn, không chỗ trách được, trong ngày Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta hiện ra, để đón chúng ta vào trong cõi đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/01/2016

Ghi Chú

[1] http://www.timhieutinlanh.net/thac-mac-ve-giao-hoi-giao-phai-he-phai/

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/G4074

[3] https://thewordtoyou.net/dictionary/G4073

[4] Payne, J. Barton, “Encyclopedia of biblical Prophecy: The complete guide to Scriptural predictions and their fulfillment” (NY: Harper & Row, 1973)

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.