Chú Giải II Phi-e-rơ 01:05-11 Con Dân Chúa Phải Kết Quả Trong Đức Tin

4,967 views


YouTube: https://youtu.be/tiMzxI3ZdZ8

906102 Chú Giải II Phi-e-rơ 1:5-11
Con Dân Chúa Phải Kết Quả Trong Đức Tin

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

II Phi-e-rơ 1:5-11

5 Vậy nên, về phần các anh chị em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự trọn lành, thêm cho sự trọn lành sự hiểu biết,

6 thêm cho sự hiểu biết sự tiết độ, thêm cho sự tiết độ sự nhẫn nại, thêm cho sự nhẫn nại sự tin kính,

7 thêm cho sự tin kính tình yêu thương anh chị em, thêm cho tình yêu thương anh chị em tình yêu.

8 Vì nếu các điều đó có trong các anh chị em và thêm lên, thì chẳng để cho các anh chị em ở không hoặc không kết quả trong sự tri thức về Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta đâu.

9 Nhưng ai thiếu các điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù, quên hẳn sự làm sạch những tội lỗi cũ của mình.

10 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy siêng năng, làm cho chắc chắn về sự kêu gọi và lựa chọn của mình. Vì nếu các anh chị em làm những điều này thì các anh chị em sẽ không hề vấp ngã.

11 Vì một lối vào rộng rãi sẽ ban cho các anh chị em để vào trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Chúa chúng ta và Đấng Giải Cứu của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa về một năm cũ đã qua trong tình yêu, ân điển, và sự bình an từ Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh đã ban cho chúng ta. Cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa về một năm mới đang mở ra trước mặt chúng ta. Hôm nay, trong ngày Sa-bát đầu năm này, Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta một phân đoạn Thánh Kinh rất có ý nghĩa, dạy rằng, chúng ta phải kết quả trong đức tin. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa lời dạy của Chúa trong II Phi-e-rơ 1:5-11.

5 Vậy nên, về phần các anh chị em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự trọn lành, thêm cho sự trọn lành sự hiểu biết,

Vì Đức Chúa Jesus Christ, trong năng lực của Thiên Chúa, đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống lại và sự tin kính, cùng những lời hứa quý và lớn, như đã ghi lại trong câu 3 và 4, cho nên, về phần chúng ta, chúng ta phải gắng hết sức của mình để khiến cho đức tin mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời được kết quả đầy trọn.

Đức tin bắt đầu kết quả khi bởi đức tin mà chúng ta trở nên trọn lành. Từ ngữ “trọn lành” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: từ ý nghĩ, cảm xúc, cho đến hành động đều đúng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

Trọn lành cũng chính là mục đích của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta khi Ngài ban ơn cứu chuộc chúng ta. Vào lúc ban đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo nên muôn loài vạn vật, trong đó có loài người, để loài người cai trị đất và muôn vật trên đất. Khi Thiên Chúa đúc kết công trình sáng tạo của Ngài, Thánh Kinh đã ghi lại phẩm chất sự sáng tạo của Thiên Chúa như sau:

“Thiên Chúa thấy mọi việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ Sáu.” (Sáng Thế Ký 1:31).

Chính sự phạm tội của các thiên sứ đã làm cho các tầng trời không còn trọn lành, và chính sự phạm tội của loài người đã khiến cho loài người cùng muôn vật trên đất không còn trọn lành. Nhưng cảm tạ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với loài người, Ngài đã ban sự cứu rỗi cho loài người, để những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài thì được dựng nên mới, trở nên trọn lành.

Sự trọn lành đã được Thiên Chúa làm ra cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, như Thánh Kinh đã khẳng định:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Việc còn lại là người tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa phải tiếp nhận bản ngã mới Thiên Chúa đã ban cho, và cứ ở lại trong sự đổi mới ấy, để luôn được trọn lành:

“Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

Mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ ban cho những ai tin theo Ngài là:

“Vậy, các ngươi sẽ nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).

Cũng có nghĩa là truyền cho con dân Chúa cứ ở lại trong sự trọn lành đã nhận được từ Thiên Chúa. Vì chỉ khi chúng ta ở lại trong sự trọn lành mà Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta, thì chúng ta mới có thể trở nên trọn vẹn.

Trọn vẹn hay trọn lành không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ còn vấp phạm đang khi còn ở trong thân thể xác thịt sẽ qua đi này. Nhưng là, chúng ta thật lòng tiếp nhận mọi lời phán của Thiên Chúa, như đã ghi lại trong Thánh Kinh, và hết lòng vâng theo; khi chúng ta lỡ vấp phạm điều gì thì chúng ta lập tức ăn năn, xưng tội, để được Chúa tha tội và làm cho chúng ta sạch tội (I Giăng 1:9).

Nếu đức tin của chúng ta không bắt đầu kết quả với sự trọn lành, nghĩa là, với sự chúng ta khao khát học hỏi Lời Chúa để hết lòng vâng theo, thể hiện thành hành động mỗi ngày trong cuộc sống, thì đức tin của chúng ta sẽ chết (Gia-cơ 2:17).

Khi chúng ta cứ ở lại trong sự trọn lành thì chúng ta sẽ được kết quả hiểu biết. Sự hiểu biết đến với chúng ta bởi sự chúng ta đọc, suy ngẫm, và cẩn thận làm theo Lời Chúa. Sự hiểu biết ra từ đức tin là sự hiểu biết về Ba Ngôi Thiên Chúa, hiểu biết Lời Chúa là Thánh Kinh, và hiểu biết cách ứng dụng Lời Chúa vào trong mỗi chi tiết của đời sống.

6 thêm cho sự hiểu biết sự tiết độ, thêm cho sự tiết độ sự nhẫn nại, thêm cho sự nhẫn nại sự tin kính,

Sự hiểu biết dẫn đến sự tiết độ. Danh từ “tiết độ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: tự kiềm chế lấy mình; kiềm chế những sự ham muốn, cảm xúc, đặc biệt là những ham muốn bất chính về sự thỏa mãn tính dục. Nhờ hiểu biết mà chúng ta có thể cai trị chính mình, bắt thân thể xác thịt phải vâng phục tâm thần, để linh hồn được vui thỏa trong phước hạnh của Thiên Chúa.

Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 24:25 ghi lại sự kiện, khi Thống Đốc Phê-lít nghe Sứ Đồ Phao-lô nói về sự công chính, sự tiết độ, và sự phán xét ngày sau, thì ông ta run sợ, nói rằng: “Bây giờ, ngươi hãy lui đi! Khi có thời gian ta sẽ gọi ngươi.” Lý do Phê-lít run sợ vì ông biết rõ, mình không công chính, không tiết độ, và một ngày kia mình sẽ bị Thiên Chúa phán xét. Tiếc thay, lòng run sợ của Phê-lít đã không dẫn ông đến sự ăn năn, mà chỉ khiến ông bịt tai không muốn nghe lẽ thật. Ngày nay trong Hội Thánh cũng có nhiều người giống như Phê-lít.

Khi đã biết tiết độ, biết kiềm chế chính mình trong mọi sự, thì chúng ta sẽ dễ dàng nhẫn nại. Vì nhẫn nại đòi hỏi sự kiềm chế lòng ganh tị, lòng tức giận, ý muốn trả thù, tinh thần ngại khó, ngại khổ, dễ dàng bỏ cuộc. Nhẫn nại có nghĩa là: kiên trì chịu đựng áp lực cho đến khi đạt được mục đích.

Là con dân Chúa chúng ta cần nhẫn nại trong sự chịu khổ, chịu bách hại vì danh Chúa; nhẫn nại chịu khổ, chịu thiệt thòi để cứu giúp anh chị em của mình, giúp họ đạt được sự thánh khiết trong đời sống của người theo Chúa; nhẫn nại làm thành mọi việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.

Tiếp theo sự nhẫn nại thì chúng ta có lòng tin kính càng hơn. Lòng tin kính tức là lòng tin cậy Thiên Chúa và kính sợ Ngài. Vì chính trong khi chúng ta nhẫn nại chịu khó, chịu khổ, chịu bất công, chịu thiệt thòi, để sống đẹp lòng Chúa, giữ vững các điều răn của Ngài, thì chúng ta được chứng kiến sự thành tín của Chúa về mọi lời hứa của Ngài, sự tiếp trợ và giải cứu lạ lùng của Ngài, cùng sự quan phòng chi tiết của Ngài trên chúng ta, trong mọi nơi, mọi lúc.

7 thêm cho sự tin kính tình yêu thương anh chị em, thêm cho tình yêu thương anh chị em tình yêu.

Lòng tin kính của chúng ta được thêm lên chừng nào thì tình cảm chúng ta dành cho các anh chị em trong Chúa càng thêm lên chừng nấy. Danh từ “tình yêu thương anh chị em” được dùng trong câu này, ở trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, trong nghĩa đen là: tình yêu giữa những người được sinh ra cùng một mẹ; trong nghĩa bóng là: tình yêu giữa những người cùng chung một tâm tình, một mục đích, một cảnh ngộ, v.v.. Danh từ này được dùng cho con dân Chúa để nói lên tình yêu đặc biệt giữa những người cùng một đức tin vào sự cứu rỗi của Thiên Chúa, cùng được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, cùng có Thiên Chúa ngôi Đức Thánh Linh ngự trong thân thể, cùng thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời, cùng được kết hiệp với Đức Chúa Jesus Christ, trở nên các chi thể trong thân thể của Ngài.

Cuối cùng, kết quả của đức tin là tình yêu. Danh từ “tình yêu” được dùng trong câu này là nói đến sự yêu thương vô điều kiện, cũng chính là bản tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu vì Ngài là tình yêu. Loài người chúng ta yêu vì chúng ta được yêu bởi Thiên Chúa và tình yêu của Ngài tuôn chảy trong chúng ta, qua chúng ta, đến muôn loài tạo vật khác.

Bảy bông trái của đức tin mà mỗi con dân Chúa cần phải có là: sự trọn lành, sự hiểu biết, sự tiết độ, sự nhẫn nại, sự tin kính, tình yêu thương anh chị em, và tình yêu.

8 Vì nếu các điều đó có trong các anh chị em và thêm lên, thì chẳng để cho các anh chị em ở không hoặc không kết quả trong sự tri thức về Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta đâu.

Nếu chúng ta có các bông trái của đức tin và có một cách đầy dẫy trong chúng ta, thì các điều ấy sẽ thể hiện thành những việc làm trong cuộc sống của chúng ta, chứng minh rằng, chúng ta thật sự nhận biết về Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta. Nói cách khác, một người thật sự nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là một người đương nhiên có sự trọn lành, sự hiểu biết, sự tiết độ, sự nhẫn nại, sự tin kính, tình yêu thương anh chị em, và tình yêu. Tất cả những sự ấy thể hiện qua hành động của người ấy trong cuộc sống mỗi ngày, là đức tin thể hiện thành việc làm. Người như vậy không thể nhàn rỗi, ở không, nhưng kết quả ngày càng hơn trong đức tin. Những kết quả ấy sẽ còn lại cho đến đời đời.

9 Nhưng ai thiếu các điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù, quên hẳn sự làm sạch những tội lỗi cũ của mình.

Người nào sau khi tin Chúa, được dựng nên mới, nhưng không kết quả trong đức tin, thì người ấy trở thành thiếu kém về nhận thức thuộc linh, dẫn đến sự không còn nhận biết về thuộc linh, như người mắc chứng cận thị dẫn đến bị mù. Cuối cùng, người ấy sẽ quên hẳn sự Đức Chúa Jesus Christ đã làm sạch những tội lỗi cũ của mình, và quay về sống trong tội.

10 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy siêng năng, làm cho chắc chắn về sự kêu gọi và lựa chọn của mình. Vì nếu các anh chị em làm những điều này thì các anh chị em sẽ không hề vấp ngã.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “các anh chị em” được dùng trong câu này là một danh từ đặc biệt, dùng để gọi những người được sinh ra bởi cùng một mẹ. Trước đó, Sứ Đồ Phi-e-rơ dùng đại danh từ số nhiều ngôi thứ nhì để gọi những người nhận thư của ông. Đại danh từ ấy tương đương như đại danh từ “you” trong tiếng Anh, dùng để gọi chung những người nghe mình nói. Sự thay đổi cách gọi trong câu này, cho chúng ta thấy, Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ, muốn nhấn mạnh đến tất cả những ai là con trai con gái của Đức Chúa Trời, cùng được tái sinh bởi Đức Chúa Trời. Ngài kêu gọi những ai gọi Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời hãy siêng năng mà làm cho sự kêu gọi và sự lựa chọn của mình được vững chắc.

Sự kêu gọi là sự Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta. Sự lựa chọn là sự Đức Chúa Trời lựa chọn chúng ta sau khi chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Ngài. Chúng ta được kêu gọi và lựa chọn để làm tròn thánh ý của Thiên Chúa, như đã chép trong I Phi-e-rơ 2:9:

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-6; Ê-sai 43:20-21; 61:6]”

Siêng năng làm cho sự kêu gọi và sự lựa chọn của mình được vững chắc có nghĩa là sốt sắng làm theo Lời Chúa như đã ghi chép trong Thánh Kinh. Nếu không, chúng ta sẽ sa ngã, phạm tội, quay về sống trong tội, mà bị trật phần ân điển, mất đi sự kêu gọi và sự lựa chọn của mình. Nên nhớ, hậu quả của mỗi một tội đều là sự chết đời đời, bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa đời đời, dù chỉ là một lời nói dối, một ý tưởng vui thú tà dâm!

Trước đây tôi đã nói, nay tôi lại nói nữa: Đừng khinh lỗ nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Một chút men làm dậy cả đống bột. Một ngọn lửa nhỏ thiêu rụi cả khu rừng lớn. Cho dù chỉ một tội như cố tình vi phạm ngày Sa-bát, cố tình quan hệ, hỏi han, thăm viếng một người đã bị dứt thông công, cố tình chào hỏi, đón tiếp một kẻ theo tà giáo… mà không lập tức ăn năn và chừa bỏ, thì cũng đủ để cho chúng ta mất ơn trước mặt Chúa và mở rộng cửa cho ma quỷ tấn công mình. Ma quỷ sẽ thừa cơ, khéo léo dẫn chúng ta đi ngày càng xa khỏi lẽ thật của Lời Chúa, ngày càng phạm thêm nhiều tội, cho đến lúc chúng ta không còn biết ăn năn. Những người như vậy, vẫn có thể nhân danh Chúa làm điều này điều kia trong Hội Thánh, nhưng họ không còn ở trong Chúa nữa, họ trở thành những kẻ giả hình, gây hại cho Hội Thánh.

Khi chúng ta sốt sắng kết quả cho đức tin của mình thì chúng ta sẽ không thể bị vấp ngã. Làm sao mà một người ngày đêm dầm thấm mình trong Lời Chúa, suy ngẫm Lời Chúa, cẩn thận làm theo mọi điều mình đã học biết từ Lời Chúa mà có thể vấp ngã? Lời Chúa thánh hóa chúng ta không phải vì chúng ta chỉ đọc và nghe mà vì sau khi đọc hoặc nghe thì chúng ta suy ngẫm để thông hiểu và cẩn thận làm theo. Quý ông bà anh chị em hãy nghĩ xem. Một người đọc và xem trọn bộ tài liệu huấn luyện đầu bếp khéo thì trở thành một đầu bếp khéo hay là người ấy phải cẩn thận làm theo những gì đã đọc, đã xem nhiều lần?

11 Vì một lối vào rộng rãi sẽ ban cho các anh chị em để vào trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Chúa chúng ta và Đấng Giải Cứu của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với câu:

“Các ngươi hãy vào trong cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, và có nhiều kẻ vào trong đó. Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:13-14).

Cửa hẹp là đức tin vào trong Tin Lành Cứu Rỗi. Một người phải bỏ hết mọi sự bám víu, trông cậy vào công đức của mình hay bất cứ một tà thần nào, triết lý nào, tôn giáo nào… duy chỉ tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì mới vào được sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Sau khi đã vào được cửa cứu rỗi bằng đức tin thì người ấy phải tiếp tục bước đi trên con đường chật, tức là sống một nếp sống bị giới hạn, không chiều theo ý riêng, từ bỏ tất cả những sự ham muốn tội lỗi lẫn những sự ham muốn có thể dẫn đến tội lỗi.

Thế nhưng, khi chúng ta sống đời tin kính, đức tin được kết quả cho đến cuối cùng thì một lối vào rộng rãi sẽ ban cho chúng ta để vào trong Vương Quốc Vĩnh Hằng của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ. Lối vào rộng rãi có nghĩa là không có một sự gì cản trở chúng ta vào trong Vương Quốc Đời Đời.

Vương Quốc Đời Đời ấy, được gọi là Vương Quốc của Đức Chúa Trời và Vương Quốc của Đức Chúa Jesus Christ, vì Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ đồng ngự trên ngai để cai trị, như Khải Huyền 22:1 và 3 đã cho biết. Riêng Thiên Chúa Đức Thánh Linh thì đời đời ngự trong lòng của Hội Thánh, cùng Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus Christ cai trị Vương Quốc Đời Đời qua Hội Thánh, vì Hội Thánh sẽ đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyện ngày ấy mau đến. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/01/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.