Chú Giải II Phi-e-rơ 03:10-18 Lời Hứa về Trời Mới Đất Mới

4,716 views


YouTube: https://youtu.be/bFgNbwi2_ww

906107 Chú Giải II Phi-e-rơ 3:10-18
Lời Hứa về Trời Mới Đất Mới

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

  • MediaFire: Bấm vào đây
  • OpenDrive: Bấm vào đây

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

II Phi-e-rơ 3:10-18

10 Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

11 Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12 trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!

13 Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công chính cư ngụ.

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.

15 Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao-lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn sáng được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy.

16 Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.

17 Hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn thận, kẻo các anh chị em cũng bị dẫn đi sai lạc bởi sự lầm lạc của những kẻ ác, mà mất sự vững vàng của mình chăng.

18 Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự hiểu biết Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện sự vinh quang thuộc về Ngài, từ nay cho đến ngày vĩnh cửu! A-men.

Thuật ngữ “ngày của Chúa” hoặc “ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” được Thánh Kinh dùng rất nhiều lần. Trong Cựu Ước, “ngày của Chúa” hoặc “ngày của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” được dùng để nói đến sự kiện Chúa phán trước qua các tiên tri về sự hình phạt một dân tộc, bằng cách khiến cho kẻ thù tấn công, tàn sát, cướp bóc, và bắt họ làm nô lệ, như trong các câu: Ê-sai 2:12; 13:6, 9; 34:8; Giê-rê-mi 46:10; Ca Thương 2:22; Ê-xê-chi-ên 13:5; 30:3; Giô-ên 1:15; 2:1, 11, 31; 3:14; A-mốt 5:18, 20; Áp-đia 1:15; Sô-phô-ni 1:7, 8, 14, 18; 2:2, 3; Xa-cha-ri 14:1; Ma-la-chi 4:5; mà cũng có thể cùng lúc nói về sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến để phán xét toàn thế gian vào cuối Kỳ Tận Thế. Trong Tân Ước, “ngày của Chúa” được dùng để nói đến:

  • Sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ xuất hiện giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.
  • Sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế.
  • Sự kiện phán xét chung cuộc, bao gồm sự phán xét trời cũ đất cũ và sự phán xét tất cả những ai không có sự cứu rỗi.

Ngoại trừ một lần được dùng trong Khải Huyền 1:10, để chỉ về ngày Sa-bát Thứ Bảy. Ngày Sa-bát Thứ Bảy đương nhiên là “ngày của Chúa” vì Thánh Kinh xác nhận như vậy. Thánh Kinh không hề gọi một ngày nào khác là “ngày của Chúa” như các giáo hội cố tình xuyên tạc, biến ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật, thành “ngày của Chúa”. Điều quan trọng đối với con dân Chúa là: Thánh Kinh nói gì? Không phải: Các giáo hội nói gì? Không phải: Các nhà Thần học nói gì? Chúng ta cần ghi nhớ bảy lẽ thật quan trọng sau đây liên quan đến ngày Sa-bát:

  • Thánh Kinh luôn luôn gọi ngày Sa-bát là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu tuyên bố nhiều lần: “Ngày Sa-bát của Ta!” Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Chúa. Vậy, ngày Sa-bát là ngày của Chúa!
  • Chính Đức Chúa Jesus Christ tự xưng nhận, Ngài là Chúa của ngày Sa-bát. Vậy, ngày của Chúa tức là ngày Sa-bát.
  • Thánh Kinh không hề dạy ngày Sa-bát đã bị bỏ. Trái lại, Đức Chúa Jesus Christ dạy cho dân I-sơ-ra-ên cầu nguyện, xin cho khi AntiChrist đem quân tấn công thành Giê-ru-sa-lem thì đừng xảy ra nhằm một ngày Sa-bát (Ma-thi-ơ 24:20), mà đó là sự kiện sẽ xảy ra sau thời của Đức Chúa Jesus Christ gần 2.000 năm. Nghĩa là, gần 2.000 năm sau thời của Đức Chúa Jesus Christ, sau thế hệ hiện tại của chúng ta, ngày Sa-bát vẫn còn. Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng nhiều lần dạy rằng, trong ngày Sa-bát, người ta được phép làm những việc lành. Nếu ngày Sa-bát đã bị bỏ thì cần gì Đức Chúa Jesus Christ phải dạy người ta làm việc lành trong ngày Sa-bát?
  • Thánh Kinh không hề dạy ngày Thứ Nhất tức Chủ Nhật được thay thế cho ngày Sa-bát. Đó chỉ là sự giảng dạy của các giáo hội, là điều răn của loài người. Con dân Chúa không thể làm theo điều răn của loài người mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời (Mác 7:7-9).
  • Thánh Kinh luôn kêu gọi nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào ngày Sa-bát nhưng không một lần nào Thánh Kinh kêu gọi con dân Chúa nhóm hiệp vào ngày Thứ Nhất.
  • Trong I Cô-rinh-tô 16:2, Sứ Đồ Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô để dành tiền công làm việc trong ngày Thứ Nhất, là ngày con dân Chúa bắt đầu đi làm việc trở lại, để tiếp trợ cho Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem. Ông không hề kêu gọi họ nhóm hiệp trong ngày Thứ Nhất.
  • Có một lần Hội Thánh nhóm hiệp ăn uống thông công vào ngày Thứ Nhất, được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7, thì đó là sự kiện Hội Thánh nhóm hiệp vào ngày Sa-bát, nhưng vì hôm sau Sứ Đồ Phao-lô phải lên đường, nên Hội Thánh nhóm luôn qua ngày Thứ Nhất, tức là tiếp tục nhóm sau khi mặt trời lặn của ngày Sa-bát, để tiếp tục nghe Phao-lô giảng.

“Ngày của Chúa” được dùng trong II Phi-e-rơ 3:10-12 là để nói đến sự phán xét chung cuộc. Vì thế, chúng ta chớ lầm lẫn với sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, cũng chớ lầm lẫn với sự kiện Đức Chúa Jesus Christ sẽ tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế.

10 Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

Đặc điểm chung của các ngày được gọi là “ngày của Chúa” với ý nghĩa “ngày của sự phán xét” là các ngày ấy sẽ đến một cách bất ngờ. Thành ngữ “Đến như kẻ trộm” hoặc “Đến như kẻ trộm trong đêm” có nghĩa là bất ngờ, không thể biết trước. Chúa không muốn cho con dân Chúa biết chính xác ngày giờ “ngày của Chúa”, là để chúng ta lúc nào cũng sống trong tinh thần thức canh, chờ đợi. Dù là bất ngờ, không ai biết được chính xác ngày giờ, nhưng đối với những ai có lòng mong đợi, tỉnh thức, canh giữ, thì khi ngày ấy đến, họ nhận biết ngay.

Ngày của Chúa được nói đến trong câu 10 trên đây, là ngày Chúa phán xét thế giới vật chất này. Các tầng trời bị ô uế vì sự phạm tội của các thiên sứ theo chân Sa-tan, phản nghịch Thiên Chúa. Trái đất bị ô uế vì sự phạm tội của loài người. Các tầng trời và trái đất sẽ bị nổ tung và bị thiêu trong lửa, nghĩa là, sẽ có một sự bùng nổ nguyên tử trong toàn cõi vũ trụ của thế giới vật chất. Mọi thể chất sẽ bị đốt tan thành hơi, trở về hình dạng ban đầu của những hạt vật chất, như khi Thiên Chúa vừa sáng tạo ra thế giới vật chất. Dĩ nhiên, không một công trình nào trên đất, tức là các công trình do loài người tạo ra trong suốt thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, và ngay cả Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem, sẽ tồn tại. Như thân thể xác thịt của chúng ta sau khi chết, tan thành bụi đất trước khi phục sinh thành một thân thể mới, toàn thể vũ trụ vật chất cũng sẽ tan biến thành hơi, trở về dạng những hạt vật chất lúc ban đầu, trước khi được tái tạo thành trời mới đất mới.

Trước đó, chắc chắn là toàn thể công dân của Vương Quốc Ngàn Năm, trung tín với Thiên Chúa, sẽ được mang vào trong thiên đàng, để chứng kiến sự Thiên Chúa phán xét thế giới vật chất, cả vũ trụ bị bùng nổ, chứng kiến cuộc phán xét cuối cùng dành cho tất cả những ai không có sự cứu rỗi, và chứng kiến Thiên Chúa dựng nên trời mới đất mới.

11 Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12 trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!

Nhiều người là con dân của Chúa nhưng trong cuộc sống thì không biết giữ mình thánh sạch và không có lòng tin kính đáng phải có đối với Chúa. Họ có thể vì muốn được thuận tiện mà sẵn sàng bước vào những nơi có bàn thờ của thần tượng, để mua sắm, trong khi họ có thể đi xa hơn, để mua sắm ở những nơi không có bàn thờ của thần tượng. Họ có thể vì kiêng nể người nhà mà tham dự các đám tiệc cúng lạy người chết. Họ có thể thản nhiên cười cợt với những câu chuyện tục tĩu chọc cười. Họ có thể học theo cách nói, cách viết ngọng nghịu, kiểu cọ làm cho mất đi sự cao quý và sức mạnh của ngôn ngữ mà Thiên Chúa đã ban cho loài người… Ngay cả những thành quả vật chất của con dân Chúa còn phải bị tiêu tan, qua đi, như các sách bồi linh, các ấn bản Thánh Kinh, các bài giảng… huống gì là những thứ không ích lợi và ô uế của người thế gian. Thế thì, con dân Chúa hãy luôn giữ mình thánh sạch và tin kính từ trong tư tưởng, đến lời nói, chữ viết, và từng hành động, trong suốt thời gian chờ đợi sự phán xét chung cuộc. Thời gian chờ đợi ấy bắt đầu từ khi chúng ta tin nhận Chúa và được tái sinh, kéo dài cho đến cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Sống thánh khiết có nghĩa là không suy nghĩ, không nói, không viết, không làm ra bất cứ điều gì mà lương tâm của chúng ta đã biết rõ là điều ấy sai nghịch Lời Chúa. Sống tin kính có nghĩa là đặt Chúa trên tất cả mọi sự, ngay cả trên mạng sống của mình. Vì yêu kính Chúa mà chúng ta sống thánh khiết. Nếp sống thánh khiết là kết quả của lòng tin kính. Tiếc thay, ngày nay có nhiều con dân Chúa vì sợ người nhà, sợ bạn bè, sợ chính quyền mà sẵn sàng nói và làm ra những điều nghịch lại Lời Chúa. Người ta vẫn cười chê Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, cho rằng ông chỉ vì tham 30 lượng bạc mà bán Chúa. Ba mươi lượng bạc thời bấy giờ là một số tiền tương đối lớn, là giá mua một người nô lệ. Thế nhưng, ngày nay, có nhiều con dân Chúa sẵn sàng bán Chúa với một giá rẻ hơn thế rất nhiều. Họ sẵn sàng phạm tội, tiếp tục đóng đinh Chúa vì để làm vui lòng một người nào đó, mặc dù người ấy không hề yêu thương họ và hy sinh cho họ như Chúa đã yêu họ và hy sinh cho họ; hoặc vì để thỏa mãn một thú vui tội lỗi, mà chính bản thân họ cũng biết khinh chê và lên án! Rõ ràng, vì không thật sự yêu kính Chúa mà người ta phạm tội. Người ta phạm tội vì yêu người khác và yêu mình hơn là yêu Chúa!

Trong câu 12, một lần nữa, Lời Chúa nhấn mạnh và rất là rõ ràng: Thế giới vật chất, bao gồm các tầng trời và đất, sẽ bị đốt cháy tan. Điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra!

13 Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công chính cư ngụ.

Chúa đã hứa chắc trong Thánh Kinh với con dân Chúa về trời mới đất mới. Con dân Chúa từ ngàn xưa đã bởi đức tin mà trông mong lời hứa ấy của Chúa. Chính trong lời hứa về trời mới đất mới đã hàm ý về sự sống lại của con dân Chúa, mặc dù Chúa cũng có lời hứa về sự sống lại và sống đời đời dành cho con dân Chúa. Bởi vì, từ khi lời hứa về trời mới đất mới được công bố qua miệng của Tiên Tri Ê-sai (Ê-sai 65, 66) cho đến nay, đã hơn 2.700 năm, biết bao nhiêu con dân Chúa đã qua đời. Nếu họ có phần trong trời mới đất mới thì đương nhiên họ sẽ được sống lại. Chính sự kiện con người xác thịt của Đức Chúa Jesus sống lại từ trong cõi chết là chứng cớ về sự người chết sẽ được sống lại.

Phi-e-rơ gọi trời mới đất mới ấy là nơi sự công chính cư ngụ, bởi vì trong trời mới đất mới không còn có sự phạm tội mà chỉ có vinh quang của Thiên Chúa là hạnh phúc của muôn loài.

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.

Phi-e-rơ tiếp tục gọi con dân Chúa là “những người yêu dấu” để bày tỏ lòng yêu thương, quý mến của ông và cũng của Đức Thánh Linh dành cho mọi con dân Chúa. Ông kêu gọi con dân Chúa sốt sắng trong nếp sống thánh khiết và tin kính đang khi chờ đợi lời hứa của Chúa về trời mới đất mới trở thành hiện thực. Mỗi chúng ta hãy xét mình mỗi ngày, mỗi lúc trước Chúa, để chúng ta được bình an, không tì, không vết, tức là không ô uế, không tội lỗi. Bởi vì, nhờ xét mình mỗi ngày mà chúng ta kịp thời ăn năn, xưng tội với Chúa, để được Ngài tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.

15 Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao-lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn sáng được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy.

Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng! Ngài có quyền và có năng lực làm được tất cả những gì mà Ngài muốn. Thế nhưng, Ngài đã cho phép nhiều sự Ngài không muốn được xảy ra, thí dụ như Ngài cho phép sự phạm tội xảy ra. Vì nếu sự phạm tội không được phép xảy ra, thì các thiên sứ và loài người sẽ không thể hiện được quyền tự do lựa chọn. Nếu không thể hiện được quyền tự do lựa chọn thì sẽ không kinh nghiệm được tình yêu và không thể yêu! Thiên Chúa đã kéo dài thời gian của thời kỳ Hội Thánh, vì Ngài muốn nhiều người hiểu biết, tiếp nhận, và kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Ngài. Ơn cứu rỗi ấy đã được Đức Thánh Linh thần cảm cho Sứ Đồ Phao-lô trình bày trong các thư tín của ông.

16 Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.

Trong số những người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, có một số người vẫn sống trong kiêu ngạo và trong những sự ham muốn bất chính của xác thịt. Họ không có lòng thật sự kính sợ Chúa nên họ không có sự khôn sáng, hiểu biết Lời Chúa. Họ dốt nát về Lời Chúa và họ không vững chắc về đức tin. Họ muốn bảo vệ nếp sống tội lỗi của họ nên họ bẻ cong Lời Chúa để bào chữa cho nếp sống tội của họ. Họ trở thành những chuyên viên bẻ cong Lời Chúa. Từ nơi họ mà ra các tà giáo. Kết quả của họ là sự bị hư mất dành riêng cho những người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa nhưng không thật lòng từ bỏ sự kiêu ngạo và những sự ham muốn bất chính của xác thịt.

17 Hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn thận, kẻo các anh chị em cũng bị dẫn đi sai lạc bởi sự lầm lạc của những kẻ ác, mà mất sự vững vàng của mình chăng.

Thật là cảm động khi đọc thấy Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ, nhiều lần tha thiết gọi chúng ta là “những người yêu dấu”! Những người yêu dấu là những người được Thiên Chúa yêu thương vô cùng: được Đức Chúa Trời ban cho tất cả những gì thuộc về cơ nghiệp của Ngài; được Đức Chúa Jesus hy sinh tất cả những gì cần phải hy sinh, để cứu chuộc; được Đức Thánh Linh chiếm hữu và ghen tuông! Cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương chúng ta, bày tỏ cho chúng ta biết trước chương trình, ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và ban cho chúng ta năng lực, sự khôn sáng, thông sáng, để chúng ta có thể sống thánh khiết và tin kính, không bị tà giáo dẫn dắt sai lạc, trong khi chờ đợi ngày của Chúa!

Những kẻ ác được nói đến trong câu 17 là những giáo sư giả và tiên tri giả trong Hội Thánh. Bản thân họ đang đi trong sự lầm lạc và họ ra sức lôi kéo nhiều người trong Hội Thánh đi vào con đường lầm lạc của họ.

18 Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự hiểu biết Chúa và Đấng Giải Cứu chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện sự vinh quang thuộc về Ngài, từ nay cho đến ngày vĩnh cửu! A-men.

Đức Thánh Linh kêu gọi con dân Chúa hãy tấn tới trong ân điển và trong sự hiểu biết Chúa. Ngài là Đấng Giải Cứu của chúng ta, và Ngài là Đức Chúa Jesus Christ. Ngoài Ngài, không có sự cứu rỗi trong bất cứ ai khác:

“Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).

Lời cầu nguyện kết thúc thư II Phi-e-rơ xác chứng cho chúng ta biết Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa, là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì chỉ một mình Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu mới xứng đáng để nhận sự vinh quang.

“Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; ấy là danh Ta. Ta chẳng nhường sự vinh quang của Ta cho một ai khác, cũng không nhường sự tôn vinh của Ta cho những tượng chạm!” (Ê-sai 42:8).

“Ấy là vì Ta, vì một mình Ta, mà Ta sẽ làm điều đó; vì Ta có thể nào để nhục danh Ta sao? Ta sẽ chẳng nhường sự vinh quang của Ta cho một ai khác.” (Ê-sai 48:11).

Và chúng ta nên nhớ, danh xưng JESUS có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Là Đấng Cứu Rỗi!

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta, giữ gìn chúng ta được trọn vẹn không chỗ trách được, sẵn sàng cho ngày của Chúa, là ngày phán xét chung cuộc, để chúng ta cùng nhau bước vào Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
13/02/2016

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.