Chú Giải II Ti-mô-thê 01:01-18

4,444 views

Chú Giải II Ti-mô-thê 1:1-18
Chớ Hổ Thẹn Làm Chứng về Chúa
Nhờ Sức Chúa để Chịu Khổ vì Tin Lành.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Phao-lô, {làm} sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, theo lời hứa của sự sống {là} sự {ở} trong Đấng Christ Jesus.

2 {Gửi cho} Ti-mô-thê, {là} con yêu dấu {của ta}. Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha và {từ} Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta, {ở cùng con}.

3 Ta cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng ta hầu việc không ngừng nghỉ bằng lương tâm thanh sạch như các tổ phụ. Cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ đến con trong sự khẩn xin.

4 Vì ta nhớ đến nước mắt của con, ta muốn đến thăm con quá chừng, để ta được đầy sự vui vẻ.

5 Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật trong con, {là đức tin} trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại của con, và {trong} Ơ-nít, mẹ của con, ta chắc rằng cũng {ở} trong con.

6 Vậy nên, ta nhắc con hãy khơi lại ơn của Đức Chúa Trời, {là ơn} ở trong con bởi sự đặt tay của ta.

7 Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.

8 Vậy, con chớ hổ thẹn về lời chứng cho Chúa của chúng ta, hoặc về ta, người tù của Ngài. Nhưng hãy bởi năng lực của Thiên Chúa mà cùng chịu khổ vì Tin Lành.

9 Đấng đã cứu chúng ta và đã gọi {chúng ta} bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm của chúng ta, mà theo mục đích riêng của Ngài và ân điển đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus, từ trước khi thế gian bắt đầu.

10 Nhưng bây giờ mới tỏ ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta. Ngài đã hủy phá sự chết, nhưng chiếu sáng sự sống và sự không hề chết bởi Tin Lành.

11 Về sự ấy mà ta đã được lập làm người rao giảng, sứ đồ, và giáo sư cho các dân ngoại.

12 Bởi cớ ấy mà ta cũng chịu khổ {về} những sự này. Nhưng ta chẳng hổ thẹn vì ta biết Đấng mà ta đã tin, và ta biết chắc rằng, Ngài có quyền phép để giữ sự ta đã phó thác, cho đến ngày đó.

13 Hãy giữ lấy mẫu mực của những lời lành mà con đã nghe từ ta trong đức tin và tình yêu nơi Đấng Christ Jesus.

14 Hãy bởi Đức Thánh Linh, Đấng ngự trong chúng ta, giữ lấy điều tốt lành đã phó thác {cho con}.

15 Con biết rằng, mọi người ở xứ A-si đã lìa bỏ ta; trong số ấy có Phi-ghen và Hẹt-mô-ghen.

16 Nguyện Chúa ban sự thương xót cho nhà của Ô-nê-si-phô-rơ, vì người nhiều lần làm tươi mới ta, chẳng hổ thẹn vì xiềng xích của ta.

17 Hơn nữa, khi người đến thành Rô-ma thì đã sốt sắng tìm kiếm ta, và đã tìm được.

18 Nguyện Chúa ban thưởng cho người, để người tìm thấy sự thương xót của Chúa trong ngày đó! Biết bao nhiêu việc người đã hầu việc ta tại Ê-phê-sô mà con đã biết rõ.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTk2OTI4MDlf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9055010-ii-ti-mo-the-1_1-18
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/z0t2xcj9tmpewv6/9055010_II_Timothe_1_1-18.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Thư II Ti-mô-thê do Sứ Đồ Phao-lô viết cho Ti-mô-thê vào khoảng đầu mùa thu năm 67, trong lúc ông bị tù vì đức tin lần thứ nhì tại thành Rô-ma, khi chính quyền đế quốc La-mã bách hại con dân Chúa lần thứ nhất. Chưa đầy một năm sau khi viết thư II Ti-mô-thê thì Phao-lô qua đời vào khoảng đầu mùa hè năm 68. Lời tâm tình của Phao-lô ở cuối thư cho thấy ông nhận biết sự chết đang đến với ông. Theo sử liệu ngoài Thánh Kinh thì Phao-lô bị xử chém cùng với thời điểm Sứ Đồ Phi-e-rơ bị xử đóng đinh trên thập tự giá. Phao-lô không bị đóng đinh vì ông có quốc tịch La-mã. Cũng theo sử liệu ngoài Thánh Kinh thì Hoàng Đế Nê-rô là người quen biết Phao-lô nhưng lại trực tiếp ra lệnh xử tử ông và Phi-e-rơ. Trong Phi-líp 4:22, Phao-lô viết cho Hội Thánh tại Phi-líp rằng, những người nhà của Sê-sa, tức những người nhà của Hoàng Đế Nê-rô, gửi lời chào thăm con dân Chúa tại Phi-líp. Có thể, khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất tại La-mã và chịu xử bởi Nê-rô, thì ông đã có cơ hội làm chứng về Tin Lành cho Nê-rô và những người nhà của Nê-rô. Lần xử đó ông được trắng án.

Nội dung chính của II Ti-mô-thê là lời kêu gọi cuối cùng của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê, khuyên Ti-mô-thê hãy nhờ ân điển và sức của Chúa mà trung tín chịu khổ vì Tin Lành, chịu khổ trong khi giảng dạy Lời Chúa cách ngay thẳng. Đồng thời Phao-lô cũng tiên tri về sự băng hoại của thế gian trong những thời kỳ sau cùng.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong II Ti-mô-thê 1:1-18.

1 Phao-lô, {làm} sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, theo lời hứa của sự sống {là} sự {ở} trong Đấng Christ Jesus.

Trong thư I Ti-mô-thê thì Phao-lô viết rằng, ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi mệnh lệnh của Thiên Chúa và mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ. Trong thư này, ông viết rằng, ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ bởi ý muốn của Thiên Chúa, và ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ theo lời hứa của sự sống ở trong Đấng Christ Jesus.

Chúng ta hiểu rằng, mệnh lệnh của Thiên Chúa cũng chính là ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng trong thư này Phao-lô không nhấn mạnh đến tính cách Thiên Chúa truyền lệnh cho ông làm sứ đồ, mà ông nhấn mạnh đến mục đích của sự Thiên Chúa gọi ông vào chức vụ sứ đồ là để giảng về sự sống trong Đấng Christ cho muôn dân. Mục đích đó đã được ông trình bày trong Ga-la-ti 1:15-16:

Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài, để mạc khải Con của Ngài trong tôi, để cho tôi giảng về {Con} ấy trong các dân ngoại…”

Làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ theo lời hứa của sự sống ở trong Đấng Christ Jesus có nghĩa là thay thế Đức Chúa Jesus Christ, để rao giảng về sự sống ở trong Đấng Christ. Rao giảng về sự sống ở trong Đấng Christ là rao giảng về sự chết chuộc tội của Ngài; sự tha tội và làm cho sạch tội những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài; sự sống lại và sự sống đời đời cho những ai trung tín vâng theo lời dạy của Ngài.

2 {Gửi cho} Ti-mô-thê, {là} con yêu dấu {của ta}. Nguyện ân điển, sự thương xót, sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha và {từ} Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta, {ở cùng con}.

Trong thư I Ti-mô-thê, Phao-lô gọi Ti-mô-thê là “con thật”. Đó là một từ ngữ vừa có nghĩa là con ruột vừa có nghĩa là con hợp pháp. Trong thư này, Phao-lô gọi Ti-mô-thê là “con yêu dấu”, mà trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “con trai ruột yêu dấu”. Dù Ti-mô-thê không phải là con ruột của Phao-lô nhưng ông đã xem Ti-mô-thê như là con ruột, và hết lòng yêu quý Ti-mô-thê. Mối quan hệ giữa Phao-lô và Ti-mô-thê là mối quan hệ đáng có giữa những người lớn tuổi với những người trẻ tuổi trong Hội Thánh. Người lớn tuổi chuyên tâm dạy dỗ, khích lệ, làm gương cho người trẻ. Người trẻ chuyên tâm học hỏi, sống với Lời Chúa, theo gương người lớn tuổi. Cả hai yêu nhau như ruột thịt và cùng nhau hầu việc Chúa đầy kết quả.

Ân điển, sự thương xót, và sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha là mọi sự ban cho từ Đức Chúa Trời. Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng quan phòng chúng ta, ban cho chúng ta mọi nhu cầu trong cuộc sống. Chúng ta cần sự thương xót của Đức Chúa Trời vì đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này, chúng ta vẫn có thể phạm tội, cần được Ngài tha tội. Chúng ta cần sự bình an từ Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng giữ chúng ta khỏi mọi sự dữ.

Ân điển, sự thương xót, và sự bình an từ Đấng Christ Jesus là mọi sự ban cho từ chính Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Jesus Christ vì Ngài là Đấng thêm ơn và sức cho chúng ta trong sự yếu đuối của chúng ta. Chúng ta cần sự thương xót của Đức Chúa Jesus Christ vì đang khi còn ở trong thân thể xác thịt này, chúng ta vẫn có thể phạm tội, cần được Ngài gánh thay tội cho chúng ta, và cầu thay với Đức Chúa Trời cho chúng ta. Chúng ta cần sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ để lòng chúng ta không bối rối và sợ hãi khi chúng ta đối diện với thử thách và cám dỗ.

3 Ta cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng ta hầu việc không ngừng nghỉ bằng lương tâm thanh sạch như các tổ phụ. Cả ngày lẫn đêm ta ghi nhớ đến con trong sự khẩn xin.

Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã chọn ông làm đồ dùng của Ngài, làm sứ đồ của Đấng Christ để giảng Tin Lành cho muôn dân. Phao-lô đã hầu việc Đức Chúa Trời trong chức vụ sứ đồ với lương tâm thanh sạch, như xưa kia, các tổ phụ của ông đã hầu việc Đức Chúa Trời cũng bằng lương tâm thanh sạch. Hầu việc Đức Chúa Trời bằng lương tâm thanh sạch có nghĩa là tin cậy Ngài, kính sợ Ngài, vâng phục Ngài, và hết lòng làm thành những việc lành Ngài đã sắm sẵn cho, mà không có ý lập công hay tìm kiếm sự vinh quang cho mình, không vì mục đích thu lợi cho mình. Có biết bao nhiêu người hăng hái, dốc đổ công sức, tiền bạc cho các mục vụ trong Hội Thánh, kết quả nhiều, nhưng với mục đích là để được người đời khen ngợi. Những người như vậy, làm việc vì sự vinh quang của mình thay vì làm việc vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31). Những người như vậy hầu việc Chúa không bằng một lương tâm thanh sạch. Họ chỉ nhận được phần thưởng trong đời này cho sự hầu việc Chúa, là sự khen ngợi của loài người. Nhưng trong đời sau, mọi việc làm của họ chỉ như những công trình xây dựng bằng gỗ, cỏ khô, rơm rạ, khi được xét nghiệm bởi Chúa thì bị thiêu hủy (I Cô-rinh-tô 3:12).

Phao-lô yêu quý Ti-mô-thê và ngày đêm nhớ đến Ti-mô-thê trong khi ông dâng lời khẩn xin lên Chúa. Điều tốt nhất một người có thể làm cho người khác là dâng lời khẩn xin lên Chúa cho người ấy. Sự thể hiện tình yêu cụ thể nhất là ngày đêm nhớ đến người mình yêu và dâng lời khẩn xin lên Chúa cho người ấy.

4 Vì ta nhớ đến nước mắt của con, ta muốn đến thăm con quá chừng, để ta được đầy sự vui vẻ.

Ti-mô-thê bắt đầu đi chung với Phao-lô từ hành trình truyền giáo lần thứ nhì của Phao-lô, vào khoảng cuối mùa thu năm 49, cho đến khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất tại La-mã, và được trắng án vào khoảng cuối năm 63. Trong suốt 14 năm theo chân Phao-lô trong các hành trình truyền giáo, Ti-mô-thê đã chứng kiến những gian nan, thử thách mà Phao-lô đã gánh chịu. Có lẽ, Ti-mô-thê đã nhiều lần khóc cho Phao-lô và Phao-lô không bao giờ quên những giọt nước mắt yêu thương, đồng cảm ấy. Phao-lô muốn được thăm, gặp mặt Ti-mô-thê lần cuối, nhưng ông đã không có cơ hội.

Là con dân Chúa chúng ta hiệp một trong tâm thần và chúng ta được vui mừng trong sự hiệp một ấy. Nhưng sự được gặp nhau mặt đối mặt sẽ đem lại cho chúng ta những sự vui vẻ càng hơn.

5 Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật trong con, {là đức tin} trước đã ở trong Lô-ít, bà ngoại của con, và {trong} Ơ-nít, mẹ của con, ta chắc rằng cũng {ở} trong con.

Đức tin thành thật là đức tin có thật trong tâm thần của một người, dựa trên những lẽ thật của Lời Chúa. Đức tin không di truyền từ ông bà, cha mẹ đến con cháu; nhưng nếu ông bà, cha mẹ có đức tin thật, biết dạy dỗ con cháu, thì con cháu cũng sẽ có đức tin thật.

Bà ngoại (không phải bà nội như Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống đã dịch) và mẹ của Ti-mô-thê là người I-sơ-ra-ên, có đức tin vào Thiên Chúa theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh (lúc bấy giờ chỉ có Thánh Kinh Cựu Ước), theo truyền thống của dân I-sơ-ra-ên. Sau khi được nghe Phao-lô giảng Tin Lành tại thành Lít-trơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:6; 16:1), thì họ tin nhận Tin Lành. Có lẽ Ti-mô-thê cũng tin nhận Tin Lành cùng thời điểm với mẹ và bà ngoại. Ông được con dân Chúa tại Lít-trơ và I-cô-ni làm chứng tốt cho ông (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:1-2).

6 Vậy nên, ta nhắc con hãy khơi lại ơn của Đức Chúa Trời, {là ơn} ở trong con bởi sự đặt tay của ta.

Động từ “khơi lại” có nghĩa đen là làm cho cháy bùng lên, nghĩa bóng là làm cho lòng sốt sắng dâng cao. Câu này không hàm ý là Ti-mô-thê đã nguội lạnh về ơn của Đức Chúa Trời đã ban cho ông, mà chỉ là lời Phao-lô giục giã Ti-mô-thê luôn sốt sắng, tươi mới trong sự hầu việc Chúa. Lửa vẫn đang cháy nhưng cần khơi liên tiếp cho cháy bùng lên. Lòng sốt sắng vẫn có nhưng cần khơi liên tiếp cho tươi mới luôn.

Ơn của Đức Chúa Trời ở trong Ti-mô-thê bởi sự đặt tay của Phao-lô là ơn Đức Chúa Trời ban cho Ti-mô-thê chức vụ giám mục của Hội Thánh tại Ê-phê-sô, đã được Phao-lô đặt tay chúc phước và công nhận, sau đó, được các trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô cũng đặt tay chúc phước và công nhận (I Ti-mô-thê 4:14).

Chúng ta khơi lại ơn của Đức Chúa Trời trong chúng ta bằng cách luôn cảm tạ Chúa và suy ngẫm làm thế nào, để hoàn thành cách tốt đẹp những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Mỗi con dân Chúa ít nhất cần khơi lại ơn cứu rỗi Chúa đã ban cho mình mỗi ngày trong cuộc sống, kế tiếp là khơi lại những ơn khác Chúa đã ban cho mình sau ơn cứu rỗi.

7 Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta thần trí của sự sợ hãi, nhưng của năng lực, của tình yêu, và của sự tự kỷ luật.

Sau khi chúng ta được tái sinh, tâm thần được dựng nên mới, bởi tâm thần chúng ta được thông công với Thiên Chúa và nhận biết Ngài. Chúng ta nhận biết Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng; nhận biết Ngài yêu chúng ta và ban cho chúng ta địa vị làm con của Ngài; nhận biết những ý muốn tốt lành của Ngài đối với chúng ta, được bày tỏ trong Thánh Kinh; nhận biết Đức Thánh Linh đã ban cho chúng ta thánh linh của Thiên Chúa, tức là sự sống và năng lực của Thiên Chúa; nhờ đó, chúng ta không lo lắng, không sợ hãi bất cứ điều gì, nhưng chúng ta mạnh mẽ vác lấy thập tự giá của mình mà theo Chúa, sống yêu thương và tự kỷ luật chính mình, bắt thể xác phải vâng phục tâm thần, không làm theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt.

Người tin Chúa mà lo lắng, sợ hãi là người thiếu sự thông công với Chúa để hiểu biết Ngài và tin cậy Ngài. Thông công với Chúa là đọc và suy ngẫm Lời Chúa, cùng với sự cầu nguyện, trò chuyện với Chúa mỗi ngày. Người tin Chúa mà không yêu thương là người chỉ tin Chúa bằng lý trí, chỉ giữ các điều răn của Chúa theo hình thức bên ngoài, mà không biết rằng, mọi điều răn của Chúa đều được tóm gọn lại trong hai điều: Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu người khác như chính mình. Người tin Chúa mà không tự kỷ luật chính mình, bắt thân thể xác thịt phải vâng phục thần trí, là người ưa thích chính mình (kiêu ngạo, tự ái không đúng), hoặc là ưa thích thế gian và những sự thuộc về thế gian, hơn là ưa thích những sự thiêng liêng, thuộc về Vương Quốc Trời.

8 Vậy, con chớ hổ thẹn về lời chứng cho Chúa của chúng ta, hoặc về ta, người tù của Ngài. Nhưng hãy bởi năng lực của Thiên Chúa mà cùng chịu khổ vì Tin Lành.

Lời chứng cho Chúa là lời tuyên xưng đức tin của chúng ta vào trong sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, cùng với lời tuyên xưng của chúng ta về mọi sự dạy dỗ của Ngài. Nếu chúng ta hổ thẹn, không dám tuyên xưng đức tin của chúng ta về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ và mọi sự dạy dỗ của Ngài, thì chúng ta chối bỏ Ngài. Chính Chúa kêu gọi chúng ta nhớ đến Ngài và rao truyền sự chết của Ngài.

Nếu chúng ta hổ thẹn không dám xưng nhận mình là anh chị em cùng Cha với những anh chị em đang bị bách hại đức tin, thì chúng ta chối bỏ anh chị em của mình, và cũng là chối bỏ chính Chúa (Ma-thi-ơ 25:40, 45).

Chúng ta hãy cậy nhờ năng lực của Thiên Chúa, là thánh linh đã được ban cho chúng ta, mà cùng nhau chịu khổ vì Tin Lành, tuyên xưng đức tin của mình, xưng nhận những anh chị em cùng Cha với mình.

9 Đấng đã cứu chúng ta và đã gọi {chúng ta} bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm của chúng ta, mà theo mục đích riêng của Ngài và ân điển đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ Jesus, từ trước khi thế gian bắt đầu.

Chữ “Đấng” trong câu 9 là chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa được nói trong câu 8. Qua Đức Thánh Linh, năng lực của Ba Ngôi Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta. Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng cứu chúng ta và qua thân vị Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh. Sự kêu gọi thánh là sự kêu gọi chúng ta đến với sự cứu rỗi và sống cho Đấng Christ. Chúng ta được sự kêu gọi đó không phải vì chúng ta xứng đáng hay có công lao gì với Thiên Chúa, mà chỉ vì ý muốn và sự thương xót của Thiên Chúa. Sự thương xót của Thiên Chúa còn gọi là ân điển (ơn thương xót ban cho kẻ không đáng được thương xót), vì dù chúng ta bội nghịch Ngài, nhưng Ngài vẫn thương xót chúng ta. Trước khi thế gian bắt đầu thì Thiên Chúa đã ban ân điển của Ngài cho loài người trong Đấng Christ Jesus. Sự ban cho ấy đã có từ trước vô cùng, trong tâm trí của Thiên Chúa, và khi đến thời điểm thì được thể hiện trong con người xác thịt Jesus.

10 Nhưng bây giờ mới tỏ ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng Giải Cứu của chúng ta. Ngài đã hủy phá sự chết, nhưng chiếu sáng sự sống và sự không hề chết bởi Tin Lành.

Thiên Chúa là Đấng Giải Cứu của loài người, như ý nghĩa của danh xưng JESUS: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi! Đức Chúa Trời ban ơn cứu rỗi qua sự tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta và tái sinh chúng ta. Ngôi Lời trong thân thể xác thịt ban ơn cứu rỗi qua sự chết thay cho loài người trên thập tự giá, rửa sạch mọi tội của chúng ta. ĐấngThần Linh ban ơn cứu rỗi qua sự thánh hóa chúng ta, ban thánh linh cho chúng ta, dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật, để chúng ta không rơi lại vào nếp sống cũ tội lỗi. Vì thế, khi nói Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Giải Cứu của chúng ta là nói đến phương diện Thiên Chúa hành động qua con người xác thịt Jesus để giải cứu chúng ta.

Đức Chúa Jesus Christ đã hủy phá sự chết, bao gồm sự chết của thân thể xác thịt lẫn sự chết thuộc linh, là sự bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa. Thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại từ trong những kẻ chết và sống đời đời, ngự bên cạnh Đức Chúa Trời. Mỗi khi Tin Lành được rao giảng thì sự Đấng Christ hủy phá sự chết, chiếu sáng sự sống, được công bố. Lời hứa về sự đắc thắng sự chết, được sống lại và sống đời đời cho những ai tin nhận Tin Lành cũng được công bố mỗi khi Tin Lành được rao giảng.

11 Về sự ấy mà ta đã được lập làm người rao giảng, sứ đồ, và giáo sư cho các dân ngoại.

12 Bởi cớ ấy mà ta cũng chịu khổ {về} những sự này. Nhưng ta chẳng hổ thẹn vì ta biết Đấng mà ta đã tin, và ta biết chắc rằng, Ngài có quyền phép để giữ sự ta đã phó thác, cho đến ngày đó.

Về sự ấy là về sự ân điển của Thiên Chúa ban cho loài người trong Đức Chúa Jesus Christ, tức là Tin Lành Cứu Rỗi, chiếu ra sự sống và sự không hề chết. Phao-lô đã được Thiên Chúa lập làm người rao giảng, làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, và làm người dạy Thánh Kinh, dạy nếp sống mới trong Đấng Christ cho các dân tộc không phải dân I-sơ-ra-ên.

Người rao giảng là người rao giảng về Tin Lành Cứu Rỗi. Sứ Đồ là người được Đấng Christ sai đi, thay Ngài làm thành những điều Ngài muốn làm. Giáo sư là người giảng dạy cho người khác hiểu biết và ứng dụng một điều gì đó, ở đây là giảng dạy về Lời Chúa và giúp cho người nghe biết cách áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống.

Chịu khổ về những sự này là chịu khổ vì làm người rao giảng, làm sứ đồ, và làm giáo sư cho các dân ngoại. Trong sự chịu khổ đó có sự bị đánh đập, bị tù đày, bị sỉ nhục, nhưng Phao-lô không hổ thẹn vì ông không làm điều gì trái nghịch với sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Trong thư gửi cho Hội Thánh tại Phi-líp, Phao-lô đã viết:

Theo sự xao xuyến mong ngóng và hy vọng của tôi, rằng tôi chẳng hổ thẹn trong sự gì, nhưng cũng như từ trước đến giờ, Đấng Christ sẽ được vinh hiển và tôn cao trong thân thể của tôi cách tỏ tường, cho dù bởi sự sống hay bởi sự chết.” (Phi-líp 1:20).

Phao-lô cũng không hổ thẹn về Tin Lành, như ông đã viết trong thư gửi cho Hội Thánh tại Rô-ma:

Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, vì là năng lực của Thiên Chúa để cứu tất cả những ai tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp…” (Rô-ma 1:16).

Nếu có ai mắc cỡ, không dám công bố Tin Lành, thì người ấy đã hổ thẹn về Tin Lành. Người ấy không xứng đáng để nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa trong Tin Lành. Nếu có ai mắc cỡ, không dám nhận mình là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy đã chối bỏ Chúa, là Đấng đã chết thay cho mình để cứu chuộc mình.

Phao-lô không hổ thẹn về Tin Lành, về Đấng Christ, về những việc ông làm ra trong chức vụ người rao giảng, sứ đồ, và giáo sư vì ông biết rõ Đấng mà ông công bố, đại diện, và giảng dạy. Ông biết rõ, Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người để thể hiện ân điển của Thiên Chúa dành cho loài người từ trước khi sáng thế.

Sự Phao-lô phó thác cho Đấng Christ và tin chắc Ngài sẽ giữ vững sự ấy cho đến ngày Đấng Christ đến, để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, là trọn vẹn con người của ông. Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, sống giữa thế gian, Ngài cũng đã phó thác chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:13). Chúng ta được cứu chuộc trong Đấng Christ, nên chúng ta hoàn toàn phó thác sự sống của mình trong tay Đấng Christ, trọn vẹn cả tâm thần, linh hồn, và xác thịt. Chúng ta sống cho Chúa và chết cho Chúa (Rô-ma 14:8) với lòng tin vững chắc, Ngài sẽ phục sinh hoặc biến hóa thân thể xác thịt của chúng ta trở nên vinh quang, bất tử, như thân thể xác thịt của Ngài, và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Chữ “phó thác” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là ký gửi như một người ký gửi tài sản của mình vào ngân hàng với lòng tin tài sản của mình được giữ toàn vẹn và sinh lợi.

13 Hãy giữ lấy mẫu mực của những lời lành mà con đã nghe từ ta trong đức tin và tình yêu nơi Đấng Christ Jesus.

Từ ngữ “mẫu mực” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là bảng tóm lược các ý chính hoặc khuôn mẫu để noi theo. Phao-lô muốn Ti-mô-thê ghi nhớ và làm theo ý nghĩa tất cả những lời lành mà Ti-mô-thê đã nghe từ ông, hoặc là trong khi ông dạy dỗ riêng Ti-mô-thê, hoặc là trong khi ông giảng dạy cho các Hội Thánh. Phao-lô muốn Ti-mô-thê ghi nhớ và làm theo trong đức tin và tình yêu của Ti-mô-thê dành cho Đấng Christ.

Tất cả những việc chúng ta làm đều phải là bởi đức tin và tình yêu của chúng ta trong Đấng Christ.

14 Hãy bởi Đức Thánh Linh, Đấng ngự trong chúng ta, giữ lấy điều tốt lành đã phó thác {cho con}.

Điều tốt lành đã giao phó cho Ti-mô-thê vừa là chức vụ giám mục trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô, vừa là nếp sống mới trong Đấng Christ của bản thân Ti-mô-thê (I Ti-mô-thê 6:20).

Ngoài sự Chúa giao phó các chức vụ trong Hội Thánh cho một số người, mỗi một con dân Chúa đều có sự giao phó từ nơi Chúa cho họ. Trước hết, Chúa giao phó cho họ đền thờ của Thiên Chúa, là thân thể xác thịt của họ. Kế tiếp, Chúa giao phó cho họ một tâm thần đã được làm cho sống lại, có nghĩa là được trực tiếp thông công với Thiên Chúa, để qua đó, họ học biết về Thiên Chúa càng hơn, và thờ phượng Thiên Chúa trong lẽ thật. Có hiểu biết đúng về Thiên Chúa thì mới có thể thờ phượng Ngài trong lẽ thật. Sự thờ phượng xuất phát từ tấm lòng tôn kính, vâng phục, trông cậy Thiên Chúa, gọi là thần trí (Giăng 4:24).

Không ai có thể bởi sức riêng mà làm tròn chức vụ và các bổn phận Chúa đã giao phó cho họ. Không ai có thể sống một nếp sống trọn vẹn thánh khiết của con người mới, nếu không nhờ sự an ủi, giảng dạy, hướng dẫn, cáo trách, làm chứng, cầu thay, và ban ân tứ của Đức Thánh Linh [1].

15 Con biết rằng, mọi người ở xứ A-si đã lìa bỏ ta; trong số ấy có Phi-ghen và Hẹt-mô-ghen.

Nhóm chữ “mọi người ở xứ A-si” bao gồm những tín đồ trong xứ A-si đã theo Phao-lô đến thành Rô-ma. Khi họ thấy Phao-lô và Phi-e-rơ bị chính quyền La-mã bắt thì họ đã bỏ trốn. Trong số những người ấy có Phi-ghen và Hẹt-mô-ghen. Thánh Kinh không nói gì thêm về hai người này, nhưng có lẽ tên của họ được Phao-lô nêu ra vì họ là trưởng lão trong các Hội Thánh địa phương vùng A-si, rất có thể là trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô, mà Ti-mô-thê biết rõ về họ.

Kinh đô Rô-ma lúc bấy giờ đang nổi lên một cuộc bách hại con dân Chúa rất lớn, do chính quyền La-mã cầm đầu. Theo các tài liệu lịch sử thì Hoàng Đế Nê-rô của đế quốc La-mã thời bấy giờ, vì muốn lấy đất để xây cất mới cung điện của mình, nên vào ngày 18 tháng 7 năm 64, Nê-rô đã cho người phóng hỏa khu vực gần hoàng cung. Ngờ đâu đám cháy lan rộng khắp 10 quận trong số 14 quận của thành Rô-ma, cháy suốt sáu ngày, bảy đêm, thiêu rụi hơn 70% thành Rô-ma. Trước sự thiệt hại lớn về nhân mạng và tài sản, dân chúng thành Rô-ma nổi loạn, muốn lật đổ Nê-rô, nên Nê-rô đã đổ tội cho con dân Chúa, hướng cơn giận của dân chúng về phía con dân Chúa. Nê-rô ra lệnh bách hại con dân Chúa một cách khốc liệt. Chính Nê-rô cho thiêu sống con dân Chúa, dùng họ làm đuốc soi sáng cho ngự uyển của ông. Đó là cơn bách hại thứ nhất từ chính quyền La-mã, mà Hội Thánh đã gánh chịu. Cơn bách hại ấy kéo dài từ giữa mùa hè năm 64 đến đầu mùa hè năm 68, kết thúc sau khi Nê-rô tự tử (09/06/68) vì bị Hội Đồng Nghị Sĩ La-mã lên án ông là kẻ thù của công chúng. Sứ Đồ Phi-e-rơ và Phao-lô cùng bị giết vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 68, trong cơn bách hại ấy.

Lời Chúa dạy con dân Chúa là khi bị bắt bớ thì hãy trốn từ nơi này sang nơi khác. Vì thế, có lẽ chúng ta không nên hiểu rằng Phao-lô có ý trách những người đã rời bỏ ông, mà ông chỉ nói lên một thực tế về hoàn cảnh của ông.

16 Nguyện Chúa ban sự thương xót cho nhà của Ô-nê-si-phô-rơ, vì người nhiều lần làm tươi mới ta, chẳng hổ thẹn vì xiềng xích của ta.

17 Hơn nữa, khi người đến thành Rô-ma thì đã sốt sắng tìm kiếm ta, và đã tìm được.

Thánh Kinh cũng không cho chúng ta biết gì thêm về Ô-nê-si-phô-rơ. Chúng ta có thể hiểu rằng, Ô-nê-si-phô-rơ là một trưởng lão trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô, rất yêu thương, quý mến Phao-lô, và luôn luôn tích cực yểm trợ Phao-lô. Ông đã khiến cho Phao-lô được an ủi và khích lệ nhiều. Ông đã từ Ê-phê-sô vượt chặng đường gần 2,000 km đến thành Rô-ma để thăm Phao-lô khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất. Ô-nê-si-phô-rơ đã nhiều lần làm tươi mới Phao-lô không phải chỉ bởi sự thăm viếng, tiếp trợ, mà chắc chắn còn là bởi sự ông thể hiện tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa trong nếp sống của ông, thể hiện sự thông biết về Chúa và Lời Chúa trong khi trò chuyện với Phao-lô. Tên của ông có nghĩa là: Người mang đến ích lợi; và ông thật đã mang đến nhiều ích lợi cho Phao-lô.

Khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất ông không bị nhốt trong một nhà tù, nhưng được phép thuê chỗ ở trọ, có một người lính La-mã canh giữ ông. Ban đêm, ông bị xiềng xích vào một khối sắt nặng, nhưng ban ngày thì ông được phép đi lại trong thành phố, trong khi tay phải của ông bị xiềng vào tay trái của người lính canh giữ ông. Có lẽ vì thế mà khi Ô-nê-si-phô-rơ đến thành Rô-ma, đã phải sốt sắng đi tìm Phao-lô, vì không gặp Phao-lô tại nhà trọ.

18 Nguyện Chúa ban thưởng cho người, để người tìm thấy sự thương xót của Chúa trong ngày đó! Biết bao nhiêu việc người đã hầu việc ta tại Ê-phê-sô mà con đã biết rõ.

Chắc chắn Chúa sẽ ban thưởng cho bất cứ ai tỏ lòng thương xót, tiếp trợ, giải cứu con dân của Ngài. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán:

Ai tiếp nhận các ngươi {là} tiếp nhận Ta. Ai tiếp nhận Ta {là} tiếp nhận Đấng đã sai Ta. Ai tiếp nhận một tiên tri trong danh của một tiên tri thì sẽ nhận phần thưởng của tiên tri. Ai tiếp nhận một người công chính trong danh của một người công chính thì sẽ nhận phần thưởng của người công chính. Và, ai sẽ cho một người trong nhóm nhỏ này chỉ uống một chén nước lạnh, trong danh của một môn đồ, Ta nói với các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.” (Ma-thi-ơ 10:40-42).

Còn ai trong danh Ta mà cho các ngươi một chén nước để uống, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, Ta nói với các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.” (Mác 9:41).

…Thật vậy, Ta nói với các ngươi, các ngươi đã làm cho một người thấp hèn nhất trong các anh chị em này của Ta, ấy là các ngươi đã làm cho chính mình Ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:40).

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả phần thưởng là khi chúng ta có lòng thương xót đối với người khác, thì chúng ta sẽ nhận được sự thương xót của Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus Christ phán:

Phước cho những ai {có lòng} thương xót, vì họ sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 5:7).

Nhóm chữ “trong ngày đó” có nghĩa là trong ngày Đức Chúa Jesus Christ phán xét Hội Thánh, tức là trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Trong ngày đó, chỉ những ai ở trong sự thương xót của Đấng Christ thì thân thể xác thịt mới được sống lại hoặc được biến hóa, để cùng được cất lên không trung gặp Chúa. Nếu một người giữ trọn các điều răn của Thiên Chúa và đức tin trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa một cách hình thức, mà không có lòng thương xót, thì người ấy sẽ không nhận được sự thương xót của Thiên Chúa, và sẽ bị định phần chung với Ma Quỷ, tức Sa-tan, cùng những sứ giả của nó, trong lửa đời đời (Ma-thi-ơ 25:41).

Tình yêu của Ô-nê-si-phô-rơ đối với Phao-lô đã thể hiện cách cụ thể bằng hành động, mà Phao-lô và Ti-mô-thê là hai chứng nhân nổi bật. Chúng ta nói là chúng ta yêu anh chị em cùng Cha của mình, nhưng chúng ta có thể hiện tình yêu của mình cách cụ thể qua hành động hay không? Chúa không chấp nhận tình yêu chỉ thể hiện bằng lời nói. Ngài chỉ chấp nhận tình yêu thể hiện bằng việc làm đúng theo lẽ thật:

Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).

Tiếc thay, trong Hội Thánh vẫn có những người chỉ yêu bằng lời nói, đã vậy, lời nói lại không đúng lẽ thật, khiến cho người được yêu càng lún sâu trong tội lỗi. Tất cả những ai nhân danh tình yêu trong Chúa để nói những lời ve vuốt, lấy lòng người có tội, về hùa với sự sai trái của người có tội, thay vì dùng lẽ thật của Lời Chúa để chỉ ra cho người phạm tội nhận biết sự phạm tội của họ mà ăn năn, thì những người ấy sẽ gánh lấy trách nhiệm về sự hư mất của người phạm tội mà không ăn năn ấy.

Có thể những người nhân danh tình yêu trong Chúa để ve vuốt, lấy lòng, về hùa với người có tội là vì chính họ cũng không nhận ra sự phạm tội của người ấy. Lý do: Họ dùng tình cảm, sự nhận thức, và sự suy nghĩ của xác thịt theo tiêu chuẩn của thế gian để xem xét một sự việc, thay vì dùng thần trí để xem xét một sự việc theo Lời Chúa. Cũng chính vì thế mà Chúa đã đặt để những người chăn, những người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh, giúp họ hiểu biết lẽ thật. Tiếc thay! Họ lại xem thường sự dạy dỗ và thẩm quyền của những người chăn và những người giảng dạy Lời Chúa. Chính vì thế mà họ phạm tội và sự phạm tội của họ khiến cho người có tội được họ bênh vực, cứng lòng càng hơn. Mỗi người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm về sự phạm tội của mình, nhưng những ai nói ra những lời không đúng lẽ thật, khiến cho người khác vấp phạm, thì sẽ phải trả lời Đức Chúa Jesus Christ và gánh lấy hình phạt về những lời nói ấy trong ngày phán xét:

Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi một lời nói vô ích mà loài người sẽ nói thì họ sẽ phải tự khai trình trong ngày phán xét. Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.” (Ma-thi-ơ 12:36-37).

Trừ khi, họ thật lòng ăn năn tội, xưng nhận tội với Chúa, xin lỗi người đã bị lời nói không đúng lẽ thật của họ làm cho vấp phạm, để được Chúa tha tội và làm cho sạch tội.

Kính thưa Hội Thánh,

Trong tất cả những sự chịu khổ vì Tin Lành, thiết tưởng, sự chịu khổ vì các anh chị em cùng Cha giả dối là đau đớn hơn hết! Phao-lô gọi những người ấy là “những anh chị em cùng Cha giả dối” (II Cô-rinh-tô 11:26) là vì những người ấy công khai tuyên xưng đức tin của mình vào trong sự cứu rỗi của Thiên Chúa, được báp-tem vào trong Hội Thánh, thậm chí, giữ các chức vụ trong Hội Thánh, nhưng họ lại không sống theo con người mới đã được Đức Chúa Trời sinh ra, mà vẫn cứ sống theo bản ngã cũ của xác thịt.

Họ là anh chị em cùng Cha với chúng ta, vì họ thật sự tin nhận Tin Lành và đã được Đức Chúa Trời sinh ra thành một người mới. Nhưng họ trở thành giả dối vì họ không sống theo con người mới mà vẫn sống theo con người cũ. Chính vì thế mà khi thử thách đến, họ lộ rõ bản chất kiêu ngạo, tự ái không đúng, tham lam, dối trá, ganh tị, vu khống, tham muốn thế gian… rồi rút lui khỏi Hội Thánh, gia nhập tà giáo hoặc tự tạo cho mình một hình thức thờ phượng Chúa. Họ đáng thương nhưng cũng đáng trách, vì chính họ tự quyết định đi vào con đường hư mất!

Còn có một hình thức anh chị em cùng Cha giả dối là những người không dám lên tiếng cáo trách anh chị em trong Hội Thánh khi nhận biết người anh chị em ấy phạm lỗi, phạm tội; hoặc không dám lên tiếng bênh vực cho lẽ phải khi thấy anh chị em trong Hội Thánh bị hiểu lầm hay vô cớ bị xúc phạm. Họ sợ mất lòng, đụng chạm người có lỗi, có tội hơn là sợ Chúa sẽ phán xét họ về sự hèn nhát của họ, không làm những việc lành mà Chúa đã sắm sẵn cho họ.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa luôn thánh hóa mỗi chúng ta, giúp chúng ta hiểu biết về Chúa và ý muốn của Chúa ngày càng hơn. Nguyện thánh linh của Chúa giúp chúng ta mạnh mẽ và khôn sáng trong khi chịu khổ vì rao giảng Tin Lành và sống theo Tin Lành. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ luôn ban ân điển cho chúng ta để chúng ta luôn là những người lính giỏi của Ngài. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/11/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Thiên Chúa Yêu Tôi”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-thien-chua-yeu-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Giăng 14:16; Giăng 14:26; 16:13-15; Giăng 16:13a; Rô-ma 8:14; Giăng 16:8; Rô-ma 8:16; Ê-phê-sô 1:13, 4:30; I Giăng 5:9; Rô-ma 8:26-27; I Cô-rinh-tô 12:1-11.